Thứ Ba, 15 tháng 1, 2013

TÔI LÀM CÔ GIÁO NHÀ TRẺ MỸ-Tự truyện Tâm Lý Giáo Dục Trẻ Mầm Non-Tác giả Hạ Vũ
11:28 15 thg 8 2012Công khai9 Lượt xem0
 


Tôi đi làm cô giáo nhà trẻ Mỹ - Hạ Vũ
19:32 31 thg 8 2011Công khai4 Lượt xem 1
TÔI LÀM CÔ GIÁO NHÀ TRẺ MỸ_Hạ Vũ
Cầm mảnh bằng Tốt Nghiệp Đại học 2 năm về ngành: Sự Phát Triển Của Trẻ Em (AA- Major: Child Development), tôi bước vào một nhà trẻ đang cần người. Tôi vô cùng hồi hộp, tiếng Mỹ mình biết tới đâu mà đòi làm thầy đám trẻ con Mỹ! Tôi là người Mỹ gốc Việt ăn nước mắm, accent dĩ nhiên là Việt Nam vàng ròng. Bà Hiệu trưởng là một Mỹ Trắng to- cao - mập mạp như võ sĩ Sumo Nhật. Chỉ nội hình dáng bên ngoài của bà cũng đủ làm cho tôi khớp, và bao nhiêu vốn liếng tiếng Mỹ của tôi chạy trốn hết. Tôi ấp úng chào. Bà thân thiện mời tôi ngồi và đọc bảng học trình (transcript) của tôi. Tôi lấy lại bình tĩnh và lẩm nhẩm những câu soạn sẵn để chuẩn bị vấn đáp với bà. Đọc xong bà chẳng phỏng vấn gì cả, cho tôi biết trung tâm giữ trẻ của bà đang cần người chăm sóc trẻ ở lứa tuổi từ 5 tuần cho đến một năm rưỡi (infant and toddler). Nếu tôi bằng lòng thì đầu tuần tới đi làm. Dĩ nhiên tôi bằng lòng ngay, vì lúc đó tôi nghĩ: khỏi cần tiếng Mỹ, khỏi phải nghe trẻ Mỹ nói líu lo và đớt đát khó hiểu cho thông. Thêm nữa, vì tôi ỷ mình có kinh nghiệm nuôi hai đứa con nhỏ bên Vệt Nam và một đứa cháu nội bên Mỹ mập mạp tròn trịa nên cho rằng công việc sẽ không có gì trở ngại. Khi chạm thực tế tôi mới biết mình lầm.
Tiếp theo tới vấn đề then chốt mà bạn bè tôi có kinh nghiệm làm việc bên Mỹ đều nói rằng phải mồm miệng mới có lương cao. Với tiếng Mỹ cỡ "lá mít" nên khi bà bảo trả cho tôi lương khởi điểm là 7$US/ giờ, tôi bị bất ngờ vì không nghĩ với bằng cấp chuyên môn như vậy mà bà trả lương thấp quá, tôi đâm ra lúng túng. Không biết phải nói sao cho khôn khéo, phần vì có chồng nuôi nên không cần "giốp" lắm, tôi trả lời ngắn gọn: "No, thank you." Thật là "oai phong"! Bà hỏi tôi muốn bao nhiêu, tôi đòi 9 đô/1 giờ. Bà lắc đầu, tôi cũng lắc đầu. Thế là tôi ra về để nghe chồng con cằn nhằn bỏ mất "giốp" gần nhà đỡ tiền xăng nhớt, bảo trì xe cộ. Nhờ tôi "cóc cần" mà bà thì cần, nên hai ngày sau bà gọi phôn chịu trả tôi 8.50$US. Theo quy định, trẻ ở lứa tuổi đó tỉ lệ là 1 người lớn coi tối đa 4 trẻ (ratio 1-4), nếu dư ra một trẻ thì phải có thêm một người trông coi. Phòng đó lúc cao điểm là 9 trẻ, có 2 cô giáo, nên bắt buộc bà phải mướn thêm một người. Nếu không nhân viên hữu trách xuống kiểm tra thình lình thì Trung Tâm Giữ Trẻ này gặp rắc rối ngay. Thế là bà phải mướn tôi có lẽ vì lúc đó không ai nộp đơn xin việc và vì tôi được đào tạo chính thức, có thực tập, có bằng cấp của nhà trường Mỹ và kinh nghiệm bản thân. Tôi cũng tạm bằng lòng với mức lương khởi điểm đó, hết dám già néo sợ đứt dây. Từ đó tôi có công ăn việc làm gần nhà chỉ mất 20 phút đi bộ sáng và chiều, coi như tập thể dục hằng ngày mà thôi. Tuy cả ngày săn sóc trẻ sơ sinh, nhưng tôi vẫn được mang Chức Cô Giáo (Infant-Toddler Teacher).
VỆ SINH VÀ AN TOÀN TẠI NHÀ TRẺ
Đây là phần quan trọng nhất đối với lứa tuổi infant-toddler trong nhà trẻ.
Tưởng rằng mình với kinh nghiệm nuôi con và nuôi cháu như vậy là "ngon lành", nhưng khi vào làm việc trong một nhà trẻ quy mô, có giấy phép hành nghề ở xứ Mỹ thì tôi mới biết mình đã có nhiều sai sót trong khi nuôi dạy con cháu. Nhiều bậc cha mẹ, ông bà Việt Nam có thành kiến với Nhà Trẻ, thường để con cháu ở nhà tự mình chăm sóc lấy và cho rằng tốt hơn ở Nhà Trẻ. Điều đó chỉ đúng phân nửa. Chăm sóc trẻ ở Gia Đình và ở Nhà Trẻ (xin nhấn mạnh ở đây: Nhà Trẻ quy mô có giấy phép hành nghề) mỗi chỗ đều có ưu khuyết điểm riêng.
Trước hết tôi nói về Vệ sinh và An toàn. Bước vào phòng của trẻ ở lứa tuổi từ 5 tuần tới một tuổi rưỡi, tôi thấy trẻ con nằm bò lổm ngổm dưới đất. Tôi thầm nghĩ: "Chao ôi, hơi đất xông lên làm cho trẻ bệnh, nhất là vào mùa lạnh. Hèn chi thiên hạ nói ở Nhà Trẻ con nít dễ bị bệnh." Tôi được hai đồng nghiệp kỳ cựu đón tiếp, chỉ cho tôi mấy đôi tạm gọi là giày, may bằng vải để bọc ngoài giày dép, đặt trước cửa phòng. Tôi lấy một đôi bao giày tôi lại. Những phụ huynh đưa con đến và đón con về khi bước vào phòng, người nào cũng tự giác lấy những "đôi giày vải" bọc ngòai giày của mình. Từ đó, rút kinh nghiệm, tôi đem từ nhà một đôi dép mới toanh, để lại hẳn trong phòng, và mang nó khi làm việc ở trong phòng. Bước đầu tôi được hai đồng nghiệp này tận tình hướng dẫn và truyền kinh nghiệm.
Để giữan toàn cho trẻ nên khi trẻ thức phải để nằm hoặc chơi trên nền nhà. Phòng trải thảm, trên trải thêm những tấm nệm khổ lớn, mỏng, và bọc vải cẩn thận để ngăn hơi lạnh từ đất xông lên. Đương nhiên nhiệt độ trong phòng lúc nào cũng phải ấm áp suốt năm. Máy lạnh hoặc máy sưởi tùy mùa mở 24/24. Phòng được ngăn ra 3 khu vực với gỗ chắn cao ngang cằm trẻ một tuổi. Khu vực chỗ ngủ, mỗi trẻ có một giường riêng với tên họ ghi ở đầu giường. Khu ăn uống dành cho trẻ có khả năng ngồi vững vàng, có một số high chair. Khu rộng nhất là chỗ chơi và học. Tất cả phòng, không có vật cản tầm mắt của cô giáo, để lúc nào trẻ cũng được cô giáo theo dõi. Đồ chơi của trẻ ở lứa tuổi này đều làm bằng vật liệu mềm, không nhọn, không thể mẻ hay vỡ, và phải to hơn cổ họng của trẻ để các cháu không thể nuốt được, tránh bị nghẹt cổ. Không có bàn ghế cao để tránh cho các cháu leo trèo, té ngã. Các bình hóa chất, xà phòng không được cất ở các ngăn tủ phía dưới bồn rửa tay, mà để trên kệ cao quá tầm tay của trẻ. Dao, kéo cất kỹ trong tủ, ở ngăn cao. Khi trẻ nằm chơi ở nệm phải có người lớn ngồi trông để kịp thời cản ngăn trẻ biết đi ngã vào trẻ đang nằm, và truyện trò với trẻ dù là trẻ mới một hai tháng tuổi. Khi trẻ ngủ, cô giáo cứ khoảng 20-30 phút, đi kiểm soát hơi thở trẻ một lần, vì sợ trẻ bị SID (một thứ bệnh chưa tìm được nguyên nhân chính xác, đó là trẻ chết thình lình trong khi ngủ, nhiều nhất ở trẻ dưới một tuổi). Trẻ sơ sinh ngủ lâu quá 2 hoặc 3 tiếng đồng hồ tùy theo tháng tuổi, phải đánh thức dậy để cho bú.
Ở nhà trẻ, cô giáo phải giữ vệ sinh tối đa. Khi vào phòng, cô giáo phải khoác thêm vào người một tạp dề (apron). Tạp dề này rất tỉện lợi, vì có hai túi rất to, để cô giáo mang khăn giấy theo người và những vật dụng cần thiết khác. Rửa tay bằng xà bông sát trùng thường xuyên. Tôi nghĩ, chăm sóc trẻ ở nhà, chúng ta thiếu sót phần này. Mấy ai đã làm như cô giáo trong nhà trẻ? Trước khi cho trẻ ăn hay bú, phải rửa tay với xà bông sát trùng. Lau giấy xong, (không lau tay bằng khăn) tiếp xúc thẳng với bình sửa, muỗng dĩa, hoặc thức ăn, không vuốt tóc, không chạm tay vào bất cứ một vật dụng nào như: chốt cửa, ghế, bàn... vì những vật này không bảo đảm vô trùng. Sữa hay thức ăn của trẻ không hâm đi hâm lại. Sữa thừa phải đổ bỏ, không được cho vào lại tủ lạnh tái làm lạnh. Có những đứa trẻ không chiụ bú một hơi, cứ một chút rồi ngưng, chốc sau bú tiếp. Trường hợp này bạn có thể để bình sửa ở ngoài, nhớ đậy nắp cẩn thận, lát sau cho trẻ bú tiếp, nhưng không được hâm nóng lại và không để ngoài tủ lạnh quá 2 tiếng đồng hồ. Thức ăn cũng vậy.
Cho trẻ lớn ăn, thì mặt bàn phải lau qua bằng thuốc sát trùng trước, sau đó lau lại bằng nước cho sạch (dùng bình xịt nước). Xong lấy giấy lau khô. Không xài khăn, vì khăn chứa vi trùng, do không được giặt bằng xà bông mỗi một lần xài qua. Ăn xong, lau sạch như trên một lần nữa. Trước khi ăn, trẻ phải được rửa tay bằng xà bông, dù là chỉ ngồi đó để được đút. Đó là tập thói quen vệ sinh trước khi ăn, dù trẻ còn bé chỉ mới biết ngồi. Chúng tôi mỗi lần đút trẻ nhỏ ăn thì một lần từ 2 đến 3 trẻ một lượt. Ai đã từng có con, cháu nhỏ đều biết, có đứa ăn nhanh đút không kịp, có đứa thì nhởn nhơ ngậm chơi không nuốt. Chúng tôi phải phối hợp đút cho trẻ ăn nhanh và chậm với nhau. Khi trẻ biết ngồi, chúng tôi đặt trẻ vào high chair, quay quần chung quanh cái bàn nhỏ, vừa tiện việc cho mình, vừa tập cho trẻ thói quen ngồi bàn ăn. Thức ăn của trẻ đựng trong chén bát riêng và muỗng riêng. Sau ngày sinh nhật một tuổi, trẻ bắt đầu tự xúc lấy ăn. Trước đó thông qua trò chơi, trẻ đã được rèn luyện kỷ năng cầm muỗng xúc rồi. Đương nhiên các cháu còn nhỏ, xúc và đưa vào miệng không chính xác, đổ tháo ra ngoài. Tôi, vào những lúc đầu khi còn học và tập sự ở nhà trẻ kiểu mẫu của trường, mỗi lần thấy trẻ ăn mà bứt rứt vô cùng, cứ muốn thò tay xúc cho trẻ. Quý phụ huynh thử nghĩ: bắp, mì, nuôi... mà cho vào dĩa để trẻ một tuổi xúc lấy ăn thì làm sao không đổ. Có nhiều khi trẻ xúc lên chỉ có một hai hột bắp, còn đổ ra ngoài vài chục hột. Trẻ xúc không được thì thò tay bốc, cô giáo để yên cho bốc, vì tay và bàn đều được làm vệ sinh sạch cả rồi. Kỷ năng sử dụng muỗng này sẽ thành thạo thông qua thực hành thường xuyên thôi. Thế mới biết, người Mỹ tập cho trẻ tự lập rất sớm, chả bù bên VN, cha mẹ, anh chị, hoặc người nhũ mẫu chạy vòng vòng theo trẻ đút ăn hằng ngày cho tới khi trẻ ba bốn tuổi. Khi làm việc tôi có dung hòa Mỹ-Việt bằng cách: trẻ xúc hai ba muỗng thì tôi đút cho trẻ một, vì vừa muốn trẻ no, vừa muốn mau xong việc để lo cho các trẻ khác, vừa vì "máu tiết kiệm" của tôi nổi dậy: thấy thực phẩm rơi rớt ra bàn, trên sàn nhà tôi xót xa cho trẻ nghèo ở VN.
Khi thay tã cho một đứa trẻ, bắt buộc cô giáo làm vệ sinh bàn thay tã, xịt thưốc sát trùng, lau khô, lót lên mặt bàn một miếng giấy lót nằm. Xong, cô giáo phải rửa tay bằng xà bông, lau khô bằng giấy rồi đeo bao tay vào. Lấy sẵn đầy đủ tã và giấy lau ướt (wipes), thuốc thoa nếu da của trẻ bị hâm đỏ, và một bao ni-lông để đựng tã dơ và wipes dơ, rồi mới bế bé đặt lên bàn. Tại sao phải lấy sẵn để lên bàn mặc dù hộp đựng tã và wipes của từng đứa trẻ để gần đó, xoay mình có thể lấy được? Xin thưa để tránh trường hợp mình vừa xoay lấy tã, trong tích tắc đó có thể trẻ lật và rơi xuống đất, mặc dù bàn thay tã này chung quanh có thành gỗ cao khoảng một tấc. Sau khi thay tã xong, đặt trẻ xuống đất, cô giáo gom giấy lót nằm cho vào bọc ni-lông nói trên, cột kín lại, cho vào thùng rác. Lại xịt thuốc sát trùng bàn thay tã, lau khô, lót giấy nằm khác, lột bao tay liệng, rửa tay bằng xà phòng sát trùng lần nữa, lau khô tay bằng giấy, đeo bao tay mới vào, rồi mới thay cho đứa trẻ tiếp theo... cứ thế mà tiếp tục. Nếu đứa trẻ biết đi, sau khi thay tã xong, cô giáo cùng rửa tay với trẻ, để tập cho trẻ có thói quen sau khi đi vệ sinh xong, phải rửa tay bằng xà phòng. Trẻ nhỏ cứ hai tiếng đồng hồ, trẻ lớn thì ba tiếng được thay tã một lần. Có trẻ được thay tã xong chưa bao lâu, lại đại tiện, cô giáo lại phải thay tã. Mắt cô giáo tinh như mắt mèo, mũi của cô giáo nhạy như mũi chó, phụ huynh không phải lo cô giáo không hay biết. Nói đùa thôi, vì cô giáo phải quan sát trẻ 100% nên khi trẻ đi đại tiện là biết ngay. Thưa quý phụ huynh, có bao nhiêu người giữ vệ sinh được như vậy khi thay tã cho con cháu ở nhà? Chúng ta không đeo bao tay khi thay tã cho con cháu, chỉ rửa tay sau khi xong. Có người không dùng khăn giấy lau tay mà dùng khăn vải để lau. Khăn vải này hai ba ngày có khi cả tuần mới giặt một lần. Nếu có đeo bao tay thì sau khi lột bỏ, nghĩ là sạch rồi, chúng ta không rửa tay. Chúng ta cũng không rửa tay cho trẻ sau khi thay tã cho cháu. Chỗ thay tã không đựơc xịt thuốc sát trùng trước và sau khi thay tã. Chúng ta kém hơn nhà trẻ ở điểm này, và chính tôi trước khi vào làm ở nhà trẻ cũng đầy thiếu sót như vậy khi săn sóc cháu ở nhà.
Nói tới ăn uống, thay tã, chúng tôi phải nói thêm phần báo cáo cho phụ huynh biết để theo dõi sự phát triển của trẻ. Mỗi ngày, sau khi một đứa trẻ được bú, ăn uống, cô giáo phải ghi chép lên một sơ đồ (chart) được dán ở tường: giờ bú và số lượng sữa, giờ ăn, ăn món gì, số lượng bao nhiêu. Nếu thay tã thì ghi giờ, và ghi tiểu tiện hay đại tiện. Có những phụ huynh không quan tâm và không xem tới bản ghi chép này, nhưng có người cẩn thận theo dõi sức khoẻ của con nên xem qua hằng ngày. Xem hay không xem, cô giáo cũng phải ghi chép đàng hoàng. Có một lần chị bạn đồng nghiệp bị một phụ huynh phàn nàn: "Tôi mới đem vào một bịch tã hôm qua, sao hôm nay hết rồi?" Cô giáo phải chỉ cho phụ huynh thấy hôm qua con của bà ấy tiêu chảy tốn hơn mười tấm tã, hôm nay cũng vậy... Nhờ vậy bà mẹ quá bận rộn đó mới xem lại con mình để biết vì lý do gì mà tiêu chảy, sữa không hợp cơ thể trẻ hay trẻ bị nhiễm trùng? Cô giáo hú hồn! Khỏi bị "oan ôi ông Địa" nhờ những tờ giấy ghi chép đó.
Nói tới vệ sinh phải nói tới giặt giũ. Mỗi buổi chiều, trước khi về cô giáo phải gom mền, "ra", áo gối, khăn trải nệm, tạp dề, giày vải bọc ngoài giày... đem đi giặt, và thay mền, áo gối mới cho trẻ. Riêng mấy tấm nệm mỏng trải cho trẻ nằm tôi nói ở trên, và những tấm nệm cá nhân cho trẻ lớn ngủ trưa phải xịt thuốc sát trùng, lau khô, và đem cất. Tất cả đồ chơi của trẻ cũng phải rửa bằng xà phòng có pha thuốc sát trùng, sau đó rửa lại bằng nước cho sạch, rồi để khô. Công việc giặt, rửa này làm hằng ngày. Sau khi ra về thì nhân viên vệ sinh vào đổ rác, hút bụi thảm mỗi ngày, lau chùi và tẩy trùng nhà vệ sinh. Mỗi tháng giặt thảm một lần. Mỗi ngày, vào lúc lơi việc, cô giáo phải lau chùi tủ lạnh và microwave. Thưa quý phụ huynh, giặt mền, tấm khăn trải giuờng, áo gối hằng ngày ở nhà thì không có tôi. Tôi chỉ làm ở Nhà Trẻ thôi. Không biết bao nhiêu phụ huynh làm được như nhà trẻ vậy? Về vấn đề vệ sinh này thì tôi thua xa nhà trẻ.
Trẻ sốt trên 100 độ F cô giáo gọi cha mẹ vào rước trẻ về, còn nếu như không sốt chỉ ho, hay sổ mũi thì để trẻ lại trông coi, săn sóc. Ở nhà trẻ, chúng tôi phải giữ gìn vệ sinh tối đa để ngăn ngừa lây bệnh. Khi bà Hiệu Trưởng hay Hiệu Phó bị sổ mũi, ho, các bà ấy tự giác đeo khẩu trang và tránh vào phòng của trẻ, còn cô giáo nếu bệnh thì đương nhiên ở nhà để không lây cho trẻ. Có điều vì trong phòng trẻ đông, cơ thể trẻ yếu nên một đứa trẻ bệnh là có thể lây cho những trẻ khác ngay, trước khi trẻ đựơc trả về nhà. Đồ chơi bị trẻ ngậm vào miệng thì sau khi trẻ ngưng chơi, cô giáo lấy bỏ riêng để chiều rửa. Vì đông trẻ và nhiều việc nên có sơ sót trong việc này. Cô giáo nào cũng có học khoá cứu cấp (CPR) cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, trẻ lớn trong những tình trạng như: bất tỉnh, bị u đầu, chảy máu, bị hóc thức ăn, nghẹt thở, bị động kinh, chảy máu cam... Và được tái huấn luyện hằng năm, có chứng chỉ chứng nhận.
Nói tới an toàn không thể thiếu thực thập động đất và cháy nhà. Các trẻ khi đi sỏi rồi thì tập chui vào gầm bàn, tay ôm đầu khi cô giáo hô "động đất". Dĩ nhiên cô giáo cùng chui theo như một trò chơi cút bắt. Thực tập chữa cháy: Cô giáo hô "Stop- Drop- and Roll" ( Đứng lại- Nằm xuống- và Lăn tròn) thì cả cô cùng trẻ bỏ dang dở việc đang chơi, nằm xuống nền nhà, và lăn tròn. Cùng nhau lăn, cùng nhau cười, thật là vui vẻ. Mỗi ngày làm vài lần thì mỡ bụng của cô cũng tan bớt, cholesterol cũng từ giã, khỏi sợ nghẹt mạch máu!
DỖ TRẺ NGỦ
Lớp tôi phụ trách có hai người nữa, đều là "Mỹ Vàng": Một cô Việt nam có chồng Mỹ, và một cô người Quảng Đông (Trung Quốc) cũng có chồng Mỹ. Cả ba đều được bà Hiệu Trưởng cho vào lớp này, có lẽ vì sự nổi tiếng có tính chịu thương chịu khó, nhẫn nại, chuyên cần của người Á Đông. Chúng tôi thấy việc là làm, làm rất đồng bộ, ăn khớp với nhau, không có việc người làm không xuể, kẻ khác ngồi xem. Khi ngủ có trẻ dễ ngủ, có trẻ khó. Các trẻ dễ, chúng tôi dỗ ngủ một lần hai ba trẻ một lượt, xoa lưng trẻ này vài ba cái, chạy sang xoa lưng trẻ kia vài ba cái. Gặp phải trẻ khó ngủ, hai tay xoa lưng hai trẻ trong hai giường một lượt. Có khi một tay vác lên vai một trẻ, tay kia xoa đầu trẻ khác. Miệng thì hát mấy bài quen thuộc của trẻ con. Được một cái là giờ ngủ của trẻ nhỏ không đồng nhất, nhờ vậy chúng tôi không bị quá tải. Gặp trường hợp nhiều trẻ gắt ngủ cùng một lúc, chúng tôi làm không xuể thì Hiệu trưởng Hiệu phó vào phụ dỗ trẻ ngủ. Tôi nhớ mãi bé Casey, khó tính, nhỏ con mà to tiếng. Mỗi lần dỗ ngủ thật là gian nan cho cô giáo. Phải vác lên vai, chờ ngủ say len lén đặt xuống giường. Vậy mà bé cũng biết và khóc ré lên, đánh thức trẻ khác. Sau cùng chúng tôi giải quyết bằng cách..., các bạn sẽ không ngờ, tuyệt diệu của trường chúng tôi là ở chỗ này. Đó là sau khi bé ngủ say, chúng tôi giao cho bà Hiệu trưởng tiếp tục vác bé trên vai. Bà vừa làm việc văn phòng với computer, vừa vác bé suốt mấy tiếng đồng hồ. Nằm trên bờ vai to lớn mập mạp của bà, bé ngủ ngon lành không ác mộng. Bà vác bé như vậy một ngày vài lần suốt mấy tháng cho đến khi bé không còn gắt ngủ nữa. Có lẽ không có Hiệu trưởng nào ở VN mà chịu làm như vậy. Bà còn có những ưu điểm khác tôi sẽ nói sau.
TRẺ NHỎ HỌC NHƯ THẾ NÀO VÀ HỌC NHỮNG GÌ Ở NHÀ TRẺ?
a. Học qua cách cô giáo săn sóc trẻ
Trẻ học ngay từ khi nằm ngữa. Tôi không nói ngoa. Bởi vậy mới gọi chúng tôi là cô giáo (teacher). Cô giáo phải tận dụng thì giờ cho trẻ. Khi cho trẻ bú phải bế trẻ nằm dốc, tránh việc sữa có thể chảy vào tai làm viêm tai hoặc vào phổi làm trẻ săc hoặc ngộp thở. (Khi trẻ ra đời hệ thống tai mũi họng chưa phát triển hoàn hảo, phải mất hai ba năm sau mới hoàn chỉnh. Bởi thế cho nên trẻ rất dễ bị viêm tai do nước, sữa, dãi mũi tràn vào tai. Đó là lý do phải bế dốc trẻ khi cho bú.) Trong khi cho bú phải sử dụng thời gian này vào việc có ích cho trẻ, cô giáo phải nói chuyện với trẻ, cười đùa với trẻ mặc dầu trẻ chưa biết nói. Tập cho trẻ nghe những tiếng như please, thank you. Ăn uống, chơi, ngủ, hay thay tã... đều thông qua đó mà dạy trẻ. Khi làm gì cho trẻ cũng phải nói cho trẻ biết mặc dù trẻ mới vài tháng tuổi. "Đứa trẻ là một con người bình đẳng với ta cho nên ta phải đối đãi lịch sự và ngang hàng. Trẻ không phải là con búp bê để ta muốn làm gì thì làm, ngay cả muốn hôn trẻ cũng phải xin phép trẻ." Bà giáo của tôi đã nói như vậy khi tôi còn đi học. Ví dụ như trước khi nhấc trẻ lên bàn thay tã, phải nói cho trẻ biết nó sắp được tới phiên thay tã, phải please khi bảo trẻ bỏ đồ chơi, và thank you khi trẻ theo ta thay tã. Trong khi thay tã phải nói, nói liền miệng những gì mình sắp và đang thực hiện cho trẻ. Cuối cùng phải cám ơn sự hơp tác của trẻ. Nói mỗi lần thay tã là mỗi lần phải nói với mỗi trẻ, ngày này qua ngày khác, mặc dầu trẻ mới vài tuần tuổi. Tôi còn nhớ khi đi học, bà giáo tôi đã so sánh như thế này: "Con chó, con mèo không biết nghe, nói tiếng người mà ta còn nói chuyện với chúng, vậy tại sao với trẻ nhỏ chúng ta không nói chuyện chỉ vì nghĩ rằng trẻ chưa biết nghe, nói, hiểu tiếng người." Thưa các phụ huynh, chúng tôi được học như vậy đó, còn khi thực hành tùy theo mỗi cá nhân có thực hiện được 100% hay không còn tuỳ. Tình thương và lương tâm kiểm soát cô giáo. Phải yêu trẻ mới có thể làm nghề này được. Trẻ tuy còn bé, tuy không biết nói nhưng trẻ biết ai thương nó, ai không. Và, nó sẽ thương mến lại ta nếu ta thương yêu nó.
b. Học qua sinh hoạt chơi đùa
Qua ăn uống, thay tã, ngủ nghê ta dạy trẻ học hỏi, vậy thì qua trò chơi cô giáo phải giúp trẻ phát triển toàn diện. Đồ chơi và trò chơi rất phong phú, đa dạng, và tuỳ theo từng lứa tuổi, không thể nói hết trong bài viết này được. Ở đây tôi bỏ qua đồ chơi và trò chơi giúp trẻ phát triển thể chất (physical development), phát triển nhận thức (cognitive development), phát triển tình cảm (sentimental development), phát triển đời sống xã hội (social life development)....bởi vì phải mất cả quyển sách mới có thể nói hết được. Tôi xin được nói sơ qua tới những trò chơi có liên quan đến ngũ quan (sensory activities) bởi vì trẻ đi vào đời và khám phá thế giới chung quanh mình bằng giác quan: nhìn ngắm, sờ mó, nghe ngóng, ngửi mùi, và nếm vị. Con đường này trẻ nào cũng phải đi qua, do đó trẻ nhỏ thường hay ngậm tay, ngậm đồ vật chung quanh, hoặc cắn lấy đồ chơi. Cô giáo không được bực dọc vì đó, mà phải rửa sạch, tẩy trùng vật dụng của trẻ hằng ngày. Trẻ lôi hết đồ chơi này, sách vở khác ném xuống đất để nghe âm thanh rơi khác nhau của mỗi món đồ chơi, cô giáo phải để trẻ làm, và vừa nhặt cất vào kệ vừa hát bài "clean-up", dù biết rằng sau đó trẻ tiếp tục lôi ra liệng xuống đất nữa. Cô giáo còn phải tìm giấy cho trẻ xé để trẻ nghe âm thanh giấy rách. Đó cũng là lý do sách của trẻ càng nhỏ thì càng dày và khó xé.
Sensory Activities
về những Sensory activities này trẻ ít được cha mẹ cho trẻ chơi ở nhà vì chê dơ và làm bẩn nhà cửa. Do đó bắt buộc nhà trẻ nào cũng phải có và lứa tuổi nào cũng được chơi. Đương nhiên tùy theo lứa tuổi mà cô giáo bày trò chơi cho thích hợp.
*Chơi nước
Khi trẻ đứng vững thì bắt đầu được chơi nước, ngày nào lạnh lắm nghỉ chơi, còn bình thường đều được chơi thường xuyên. Chơi xong cô giáo thay quần áo. Nước được đựng trong thùng (chúng tôi gọi là sensory table) hình chữ nhật có thành cao khoảng hai gang tay, và bốn chân, cao ngang bụng/ngực trẻ một tuổi. Cô giáo cho vào thùng các con vật sống dưới nước bằng cao su, cho ly, tách, chai lọ, phểu, bình... để trẻ đổ nước qua lại tập cho trẻ khéo tay, tập san sẻ nước vào lọ có miệng nhỏ, cho dụng cụ quạt nước để trẻ đổ nước thì bánh xe xoay, để trẻ vọc nước cho thoải mái.... Mùa hè nóng bức cô giáo có thể cho các con thú giả này đông đá trong các hộp, xong lấy ra bỏ vào thùng cho trẻ chơi, hoặc cho sprinklers xịt nước khắp sân cho trẻ tắm mưa....Trò chơi này, cha mẹ nguời Việt ta ít cho chơi lắm vì sợ trẻ bị nhiễm lạnh đổ bệnh.
*Chơi cát
Trò chơi với cát, cha mẹ lại càng ít cho trẻ chơi vì chê dơ. Chính vì không được chơi ở nhà nên ở trường trẻ phải được chơi hằng ngày. Một khu cát sạch riêng, có mái che nắng, trên cát để những dụng cụ cuốc, xẻng, sô lớn nhỏ, xe truck xúc cát... Có một "bàn" cát (sensory table mô tả ở trên). Trẻ bốc cát, xúc cát, xoa cát, vun cát, sang qua sớt lại, lấy nước đổ lên cát, cho cát chảy qua kẻ ngón tay....Chơi xong cô giáo rửa tay cho trẻ. Trước khi về, cô giáo phải cất dụng cụ vào kho, gom gọn cát lại, và đậy cẩn thận, tránh cát nhiễm bẩn do các con vật ở ngoài vào phóng uế ban đêm.
Ngoài chơi cát, cô giáo thỉnh thoảng thay đổi bằng cách đổ vào "bàn" này bột bắp, những hạt đậu lớn nhỏ đũ cỡ. Mấy cô giáo Á Đông chúng tôi thì đổ thêm gạo. Chúng tôi cho vào muỗng, chén, dĩa, ly, cốc, hộp đủ cỡ, rây (dụng cụ có lỗ nhỏ để trẻ sàng lọc)... để cho trẻ chơi tùy thích. Trẻ tập sử dụng muỗng đĩa thông qua trò chơi này.
Ngoài ra, còn chơi play dough, một loại chất dẽo thay đất sét để cho trẻ nhào nặn, cắt xén...Chơi shaving cream, đổ ra bàn cho trẻ vọc chơi v. v.
*Vẽ
Khi trẻ biết cầm nắm, cô giáo cho trẻ tập dùng bút màu để vẽ (drawing), dù trẻ chỉ nguệch ngoạc một hàng. Đó là rèn luyện kỷ năng cầm- nắm- xoay- trở của ngón tay, cổ tay. Bút màu bằng sáp để tránh mũi nhọn cứng làm trẻ bị thương. Vẽ bằng cọ (brush painting) với màu sền sệt. Có trẻ dùng tay (hand painting) nhúng vào màu rồi xoa lên giấy hoặc in bàn tay mình. Trẻ rất thích thú với trò chơi vẽ bằng tay này vì được vọc bằng thích. Qua những trò chơi này, trẻ nhận dạng màu trong lúc pha màu. Vẽ đối với trẻ không phải ở kết quả là "thành phẩm", mà là trong quá trình vẽ, trẻ đã biểu lộ xúc cảm, thích thú của mình. Khi cho trẻ vẽ thì phải cho trẻ mang apron. Dù vậy cũng không thể tránh lấm lem áo quần, cho nên sau này tôi rút kinh nghiêm, lấy áo thun của người lớn cắt ngắn tay, cho trẻ mặc trùm ngoài, và rửa tay trẻ sau khi chơi xong, tuy vậy đầu cổ tóc tay cũng bị lấm lem. Điều này không làm cho phụ huynh phàn nàn, có người thấy con mình lấm lem còn lấy làm vui: " Wow! She/he had a lot of fun at school today!"
*Qua thủ công cắt dán
Cô giáo cắt hình chữ cái, con số, con thú, hoặc vật dụng..., tùy theo mùa cho trẻ dán vào giấy màu, vừa rèn luyện kỷ năng khéo tay, vừa dạy chữ, số..., vừa ứng dụng vào đời sống xã hội. Mùa Thanksgiving có hình ảnh rau cải, trái cây, mùa Halloween có con dơi, phù thủy, quả bí đỏ... Giáng sinh có cây Giáng sinh, ngôi sao, và các vật trang trí..., và màu thông dụng cho từng mùa ... Các trẻ lớn, qua trò chơi này tập sử dụng kéo, và kỷ năng cắt dán ( Phải là trẻ hai tuổi trở lên, và kéo dành riêng cho trẻ, vừa nhỏ vừa không có mũi nhọn.)
c. Học qua group time
Khi trẻ biết ngồi thì có giờ gọi là "group time" cho trẻ. Trong thời đọan này, cô giáo đọc sách, ca hát, kể chuyện cho trẻ. Tôi, một người tóc muối tiêu thành đen nhờ nhuộm, trở thành "trẻ con". Tôi thấy mình sao giống với một nhân vật trong tiểu thuyết của Kim Dung. Đó là Lão Ngoan Đồng, một người già nhưng tính tình, tâm hồn lúc nào cũng trẻ thơ, thích đùa giỡn như con nít. Mỗi phòng học đều có một kệ sách nhỏ, thấp vừa tầm tay của trẻ để tránh tai nạn nguy hiểm khi trẻ làm ngã kệ sách. Các trẻ và cô giáo ngồi thành vòng tròn. Cô giáo đọc sách cho trẻ. Trang sách mở ra hướng về trước mặt trẻ để cho trẻ nhìn. Sách có hình ảnh màu sắc rực rỡ. Thông qua nội dung của sách mà cô giáo ra điệu bộ. Không cần trẻ hiểu, cứ đọc ngày này qua tháng nọ, khi trẻ lớn lên thì những gì mà cô giáo đọc sẽ trở thành kiến thức của trẻ. Chẳng hạn như dạy cho trẻ vệ sinh, hiện tượng thiên nhiên (Vd. cầu vồng với 7 màu), sinh vật (thú rừng, thú nhà, cỏ, cây, hoa, lá, trái...) v. v. Khi đọc sách về thú, ngoài việc dạy cho trẻ nhận dạng hình dáng, màu sắc, cô giáo phải cho trẻ biết tiếng kêu của từng con thú bằng cách làm chó sủa, mèo kêu, gà trống gáy, gà mái cục tác, bò rống, heo kêu, cọp gầm... hàng ngày để cho trẻ nghe và bắt chước. Đọc sách còn phối hợp thực tế. Đọc sách về con sâu bướm (Caterpillar), gặp dịp cô giáo còn đem vào lớp các con sâu và lá dâu đựng trong hộp có thông hơi để trẻ theo dõi sự phát triển từ sâu qua bướm... Trong giờ "group time" có mục ca hát. Nếu trẻ biết nói thì cô giáo có cả một ban "tạp ca" đủ giọng cùng hát với mình cho vui. Đàng này trẻ nhỏ quá thì cô giáo "độc ca, độc diễn, độc MC". Vừa hát vừa ra điệu bộ bằng tay. Ngày nào cũng vậy, cứ một số bài đựơc hát đi hát lại để trẻ quen và thuộc. Đến khi trẻ biết nói là biết hát luôn. Đặc biệt dù trẻ mới mấy tháng tuổi cũng đã được nghe bài hát chữ cái A B C.... , hay 1 2 3 ... để khi trẻ biết nói thì thuộc luôn các chữ cái và đếm được từ 1 đến 10 ngay. Những bài này, cô giáo vừa săn sóc trẻ, hoặc vừa thông qua sinh hoạt của trẻ mà hát. Tôi cứ tưởng trông coi trẻ sơ sinh khỏi phải nói nhiều, nhưng thực tế phải nói suốt ngày. Bé cái lầm! Ngoài hát hò, "diễn kịch" bằng điệu bộ, cô giáo còn phải kể truyện (story telling) nữa, và sử dụng bàn tay, ngón tay để "đóng kịch" (Finger Play). Truyện kể và Finger Play, phải có những hình ảnh minhh họa cho trẻ thích thú, và làm bằng nỉ để trẻ không làm rách. Mấy món này thì cô giáo tự làm. Có điều không mất nhiều thì giờ lắm, vì mỗi bài hát, truyện kể... ngày nào cũng được lập đi lập lại để cho trẻ thuộc cho nên cũng không cần nhiều. Thông qua bài hát, vừa dạy trẻ đếm xuôi đếm ngược mặc dù trẻ chưa biết nói, vừa giáo dục trẻ. Tôi ví dụ một bài hát mà bất cứ ở lứa tuổi nào, ở bất cứ nhà trẻ nào cũng đều nghe cô giáo và trẻ hát ngày này qua ngày khác. Đó là bài "5 Little Monkeys":
Five little monkeys jumping on the bed.
One fell off anh bumped his/her head.
Mom called the doctor anh doctor said:
"No more little monkey jumping on the bed."
(Xin tạm dịch: 5 khỉ con nhảy nhót trên giường. Một con té ngã u đầu. Mẹ gọi bác sĩ, bác sĩ bảo rằng: Từ nay không được làm khỉ con nhảy nhót trên giường nữa.)
Tiếp theo là đếm ngược lại: Four little monkeys .... cho đến khi no more little monkey ... Tùy theo lứa tuối mà khi dứt một đọan cô giáo có thể nói: Nào bây giờ chúng ta còn lại 4, 3, 2.... hoặc hỏi trẻ còn lại bao nhiêu để trẻ trả lời. Thông qua bài còn dạy cho trẻ thấy sự nguy hiểm khi nhảy nhót chơi giỡn trên giường. Bài hát không thể đơn điệu chỉ "hát chay". Với trẻ nhỏ, cô giáo có thể làm 5 con khỉ nhỏ bằng vải nỉ màu sắc khác nhau lồng vào ngón tay. Mỗi một con té ngã thì cho rơi ra một con khỏi ngón tay. Ngoài ra phải làm dư vài bộ, để trẻ tự chơi. Nếu trẻ lớn thì cho một nhóm 5 đứa trẻ nhảy trên nền nhà, và từng đưá giả vờ té ngã cho đến khi hết. Cô giáo cũng phải giả vờ té ngã cho trẻ bắt chước làm theo. Chúng tôi dù bao nhiêu tuổi cũng phải trở thành "Lão Ngoan Đồng" hết. Vài ngày phải thay đổi cách diễn đạt cho trẻ khỏi chán.
Với những trò chơi phong phú và đa dạng, một thời gian sau, khi cha mẹ thả trẻ vào lớp là trẻ chạy vào ôm lấy cô giáo, reo: "Hi ! Miss..., Miss...," không luyến lưu đến cha mẹ nữa. Có nhiều trẻ đến chiều không chịu ra về. Khi tới tuổi phải lên lớp trên, thì trẻ buồn nhớ, ngồi khóc rỉ rả cả mấy tuần mới quen với lớp mới. Có trẻ còn hành hạ cha mẹ phải cho bé vào thăm cô giáo cũ trước khi về.
Quan hệ giữa Nhà trường-Phụ huynh-Cô giáo
Trước hết tôi nói về quan hệ giữa Hiệu Trưởng, Hiệu Phó và cô giáo của Trung Tâm Nhà Trẻ chúng tôi. Phải nói là quan hệ bình đẳng và không kỳ thị. Ai gặp "xếp" Mỹ trắng kỳ thị, rỉêng tôi thì không. Phòng lớp tôi làm việc có 3 người gốc Á, mà đã hai người là Việt Nam. Một người làm việc từ 6 giờ sáng tới 3 giờ chíều, người thứ hai từ 8 giờ sáng tới 5 giờ chiếu, tôi từ 9 giờ sáng tới 6 giờ chiều. Tới đây tôi xin kể thêm về việc giữ an toàn cho trẻ. Có trẻ mới vào ngày đầu tiên, buổi sáng cha mẹ đưa con vào phòng thì cô giáo buổi sáng biết mặt, còn tôi làm việc "ca" muộn nên không được biết. Đến chiều, khi ông cha/ bà mẹ rước con, tôi đòi trình ID. Xem hình thì tôi nhận dạng không ra. Để chắc ăn, tôi phải hỏi lại bà Hiệu trưởng có phải đúng là cha mẹ hay không, rồi mới cho rước. Vậy mà những phụ huynh này không giận, còn khen ngợi làm việc cẩn trọng. Một lần một ông bố Mễ mới 16 tuổi chưa có thẻ ID, vào rước con, tôi không cho, bà hiệu trưởng cũng không cho. Bà phải gọi ông/bà của đứa trẻ là người đứng đơn gởi trẻ tới nhận mới cho ra về. Vì thế phụ huynh gởi con rất an tâm, không sợ kẻ giả mạo bắt cóc con mình.
Chúng tôi làm việc rất hợp nhau, thấy việc là làm rất "ăn rơ" (Good team), nên khi người bạn khác bỏ làm để học cao hơn, bà Hiệu Trưởng bảo chúng tôi tìm trong số bạn bè của mình ai muốn làm ở đây thì bà thu nhận vào ngay, ưu tiên một cho ngưòi Việt Nam, kế là người Á Đông. Bà không chịu mướn Mỹ trắng, hay đen, hay Mễ làm chung với chúng tôi vì sợ không được "good team". Trước ngày lễ lớn, hoặc sinh nhật một cô giáo nào đó, bà tổ chức ăn trưa, mỗi người đem một món. Chúng tôi mỗi người thay phiên nhau nghỉ trưa một tiếng đồng hồ vừa ăn vừa nghỉ ngơi. Dọn bàn và dọn ăn đều do bà làm. Tiệc tàn, dọn dẹp vẫn là bà, không một cô giáo nào phải nhúng tay vào cả. Lần nào cũng vậy.
Trung tâm có người làm vệ sinh hằng ngày. Có một lần người thầu làm vệ sinh vì trục trặc gì đó, chưa kịp ký hợp đồng với xếp lớn của trung tâm, nên chưa làm việc. Mỗi buổi chiều trước khi ra về, bà Hiệu trưởng là người làm vệ sinh vì bà làm việc từ 9:00AM tới 6:00PM, còn bà Hiệu Phó làm từ 6:00AM tới 3:00PM ra về rồi. Bà phải hút buị, đổ rác từng phòng, và chùi rửa phòng vệ sinh của người lớn và của trẻ từng phòng một, trong suốt mấy tuần lễ. Không cô giáo nào phải làm việc này cả, mặc dầu trong phòng, lúc đó chỉ còn một đứa trẻ. Nguyên tắc giữ trẻ là giữ trẻ, không bỏ việc giữ trẻ của mình để làm vệ sinh. Bà cũng không kêu gọi cô giáo tiếp tay. Việc này thì có lẽ ở VN không có Hiệu Trưởng nào chịu làm cả.
Về phụ huynh, đa số đều dễ thương, thông cảm, không kỳ thị. Phụ huynh Á đông dạy con gọi tôi là Grandma, còn Mỹ và các sắc dân khác dạy con gọi Miss.... Tôi còn nhớ một ông bố Mỹ trắng dược sĩ, khó chịu. Ông thấy trong phòng ba "thị mẹt" Á Đông, tiếng Mỹ nói thì đầy accent nước ngoài có vẻ coi thường, tuy không ra mặt lắm, nhưng thái độ không thân thiện. Chẳng hạn khi vào phòng, ông coi cô giáo chúng tôi là những "người vô hình", không ngó tới mặt, tự động lục tìm đồ đạc con mình. Một lần, cái mền riêng của con ông đem từ nhà, chúng tôi đem đi giặt sấy. Ngày đó, ông vào đón con hơi sớm, cái mền còn trong máy giặt. Ông không hỏi han gì cả, lục tìm khắp nơi. Chúng tôi không biết ông tìm cái gì, ông không hỏi, chúng tôi cũng không thèm hỏi, lờ đi coi như không biết gì. Tìm không ra, ông đến văn phòng hỏi bà Hiệu trưởng. Bà Hiệu trưởng làm sao biết cái mền ở đâu? Cũng phải hỏi cô giáo trong phòng thôi. Bà Hiệu Trưởng cũng ghét thái độ đó nên bà binh vực chúng tôi. Sau vài tháng, con gái ông quen trường, quen lớp, và thích thú với lớp học. Một ngày nọ, con gái của ông không chịu ra về, cứ bám lấy lớp học. Ông bực mình bế đại bé ra cửa, mặc cho bé giẫy khóc và réo gọi tên tôi om xòm. Vài lần như vậy, thái độ của ông thay đổi hẳn. Ông bắt đầu hỏi han, và thỉnh thoảng đem bánh của vợ làm tặng cho chúng tôi.
Có phụ huynh đụng chạm với ban Giám Hiệu, vào tâm sự với chúng tôi: "Vì con tôi thương mến các cô, nên tôi còn gởi con tại đây. Nếu không, tôi đem gởi trường khác rồi."
Có những người làm chúng tôi cảm động khi kể cho chúng tôi:
-Con chúng tôi ngày nào cũng nhắc tên bà ở nhà.
-Ở nhà nó không chịu ngủ trưa, bà cho nó ngủ trưa ở trường được, tài thật!
v. v.
Tới ngày Valentine, phụ huynh thường đem hình ảnh gia đình gồm cha mẹ và con cái của họ dán vào một tấm bảng lớn treo trước văn phòng để trẻ đi qua nhìn ngắm. Có người thay vì treo hình gia đình, đã lấy máy ảnh chụp cô giáo chung với con họ, và dán lên bảng, viết những lời thương yêu thật cảm động. Ngày Sinh Nhật cô giáo, ngày Teacher's Day, ngày Giánh Sinh cô giáo nhận được những cánh thiệp đầy lòng thương yêu và biết ơn đã làm ấm lòng mình, và làm tan đi những cực nhọc mà mình đã trải qua với trẻ.
Khi đưá trẻ nói sỏi, tôi dạy thêm đếm tiếng Việt hay hát bài "Kìa Con Bướm Vàng", nhiều phụ huynh thích lắm, bảo chúng tôi dạy thêm cho trẻ tiếng Việt. Họ không kỳ thị, và không sợ con họ học tiếng Anh dởm từ chúng tôi.
Coi trẻ với ratio 1-4 (một người lớn trông coi 4 trẻ) ở tuổi nhỏ như thế này giống như mình có con mọn sinh ba sinh tư. Xoay vòng vòng suốt ngày mà lương nhà giáo ở đây, cũng như ngày xưa bên nước nhà, không được cao so với các ngành nghề khác. Tuy nhiên đã chấp nhận làm nghề giáo thì lấy tình thương đi đầu và vui sống với công việc của mình đã chọn. Với tình thương, chúng tôi thấy trẻ nào dù là Mỹ Trắng, Mỹ Đen, Mỹ Vàng, Mỹ Trung Đông... cũng đều có nét đẹp riêng, nét đáng yêu riêng. Tất cả đều là Thiên Thần Nhỏ. Sống trong thế giới Thiên Thần này, chúng tôi không còn nhớ những bon chen, những lo toan, khổ sở của xã hội chung quanh. Săn sóc trẻ tuy mệt thể xác nhưng tinh thần thoải mái vì trọn ngày chúng tôi được vui thú trong chơi đùa, ca hát với trẻ thơ. Tình thương cho ra không bao giờ mất mát, sẽ có tình thương đáp lại. Được trẻ thương yêu, quyến luyến, và phụ huynh quý trọng là phần thưởng vô cùng trân quý cho những người làm nghề giáo. Nhờ đó chúng tôi đã đeo đuổi lâu dài nghề nghiệp của mình, và có những kỷ niệm đáng yêu đáng quý nhớ đời.
Hạ Vũ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét