Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

Pì Pế Hán (Tỳ Bà Hành)/Truyện cảm động của Bình Nguyên Lộc

PÌ-PẾ-HÁN
(Bình Nguyên Lộc)
Đêm ấy, vào một đêm cuối năm, thi sĩ Tôn và vài người bạn văn nghệ được chủ nhơn một ban kịch Trung Hoa mời đi ăn cơm Tàu ở tửu lâu Soái Kinh Lầm.
Tiệc tàn đã lâu, nhưng bên ngoài trời mưa, mưa tháng chạp, mấy năm mới rơi xuống một đám, không to, nhưng lạnh quá nên ai cũng ngại ra về.
Tiếng nhạc Tàu, đại tấu ở một phòng tiệc bên cạnh, nghe ấm lây cả đến buồng của họ, đã bắt đầu lạnh như bên ngoài, lạnh vì câu chuyện về khuya rời rạc bởi ai cũng cạn đề.
Người đãi tiệc lo lắng, sợ khách của ông ta buồn, nhưng mặc dầu bặt thiệp bao nhiêu, ông ta cũng không làm cho không khí ở đây linh động trở lại được.
Không có một người tân khách nào có mang theo áo mưa cả, vì đang giữa mùa nắng; chủ nhà biết họ ngại dầm mưa ra xe, quyết ngồi lì ở đây, nên cố nặn óc tìm cách giải trí cho họ, nhưng tính mãi mà không tìm được mẹo gì.
Bỗng, họ nghe văng vẳng một hơi nhạc khác hẳn, chơi bằng nhạc khí Âu Châu. Chủ tiệc mừng rỡ trông thấy.
Hơi nhạc ấy lưu động, và cứ to dần lên.
Họ đoán biết những người chơi đờn đang đi trong hành lang dài, ở giữa những gian phòng của tửu lâu.
Giàn nhạc gồm có những cây vi-ô-lông, một cây ghi-ta Tây Ban Nha và một phong cầm gì chưa biết rõ.
Bây giờ giàn nhạc đã đi ngang qua cửa phòng của họ.
Các nhạc công dừng lại, nhìn vô, và dạo vài câu nhạc buồn.
Đó là hai người Trung Hoa và một cô xẩm.
Chủ tiệc ngoắc một cái, thì họ bước vào phòng, đứng khép nép mà đợi.
Thật là đau lòng! Một nhạc sĩ Việt Nam đờn đệm ở nhà hàng, thường than số phận tủi nhục của nghệ sĩ đêm đêm phải đánh đĩ ngón đờn để giúp vui cho một mớ người hành lạc say mê trước ly rượu hay trước một người đàn bà, thờ ơ không biết có tiếng đờn, không biết có một nghệ sĩ, nhiều khi thanh cao hơn họ, đang phụng sự họ, để được sống những ngày cam khổ.
Nhưng giàn nhạc nhà hàng của nhạc sĩ kia, dầu sao cũng giữ trọn nhân phẩm của nhạc sĩ.
Đàng nầy..., họ như van xin, cầu khẩn một buổi nghe đờn.
Trông họ, Tôn bắt nhớ ngay đến những giàn nhạc lưu động ở Trung Âu và Đông Âu, rất đáng thương trong vở kịch "Anh Em Karamazov" của Dostoievski, do ban kịch Cl. Bourrin, đã diễn ở Sài gòn độ nào.
Tất cả tân khách trong phòng đều lắc đầu từ chối. Chỉ có Tôn là ái ngại nhìn trân á xẩm cầm cây vi-ô-lông.
Đây là một bông hoa đã về lúc phấn lợt, hương phai, không còn được ai nài nỉ cho nghe tiếng tơ huyền ảo nữa, nên đến phải ăn mày một cuộc nghe đờn.
Ngỡ Tôn thích nghe nhạc lắm, hay thích riêng gì cô xẩm, ông chủ gánh hát nói gì vài tiếng với cô ta.
Tức thì cô trao cho Tôn một quyển sổ con ghi tên các bản nhạc, để chàng lựa chọn. Việt có, Tây có, Tàu phần nhiều.
Tôn lắc đầu trả cuốn sổ lại, sau khi lật sơ vài trang.
Thất vọng, cô xẩm cứ kéo liều một bản. Đó là một điệu nhạc Âu Châu mà Tôn đã được nghe, điệu Granada. À, thật là mỉa mai: một ngươi đàn bà tàu, đờn một bản Tây cho một người Việt nghe.
Tôn khoác tay lẹ lẹ bảo thôi. Rồi hối hận và để khỏi mích lòng á xẩm tội nghiệp này, chàng mỉm cười, hỏi:
- Có biết bản Tàu xưa chăng ?
Á xẩm dứt tiếng đờn, làm thinh suy nghĩ giây lát, rồi dạo nhạc.
Bỗng chút, Tôn nhớ lại những câu Tỳ Bà Hành:
Vặn đàn vài tiếng dạo qua,
Tuy chưa nên khúc, tình đà thoảng hay.
Nghe não nuột mấy dây bứt rứt...
Một điệu nhạc Tàu xưa trổi lên, tuy không được:
Dây to dường đổ mưa rào
Nỉ non dây nhỏ như chiều chuyện riêng.
Nhưng cũng thấm thía buồn lắm rồi.
Á xẩm đờn xong bản nhạc Tàu, lãnh tiền ra khỏi phòng, thì trời cũng vừa dứt hột.
Vài câu hẹn hò tái ngộ xã giao, vài lời cám ơn, rồi chủ đưa khách xuống lầu.
Họ vừa ra khỏi cửa Soái Kinh Lầm, thì trời bắt đầu mưa lại. Mưa tro rỉ rả thôi, nhưng cũng đủ làm cho họ khổ lắm, vì trong bao nhiêu khách hàng của cái tửu lâu sang trọng ấy đều lên xe nhà, họ lại phải dầm mưa mà đi cầu bơ, cầu bất như một đám tàn binh. Thi sĩ xông pha mưa gió chỉ nên thơ ở đâu, nhưng ở đây thật là tủi thân.
Họ đi về phía góc đường Tổng Đốc Phương và Đồng Khánh, để đón xe tạp xế ra Sài gòn.
Khi băng qua đại lộ Tổng Đốc Phương, họ chợt thấy á xẩm hồi nãy co ro mau bước, hộp đờn giấu dưới ngực của cô.
Qua mặt á xẩm, Tôn không dừng được, day lại nhìn.
Chợt thấy Tôn, á xẩm ngạc nhiên như tự hỏi: "Khách đi ăn cao lâu mà cũng dầm mưa về bộ như nhạc sĩ nghèo à?"
Bấy giờ mưa nặng hột. Tự nhiên, không bảo nhau, mà á xẩm và họ đều chạy vội vào núp dưới hàng hiên của một hiệu thuốc Bắc, đường Đồng Khánh.
Gió từng cơn thổi tạt vào hiên những hạt bụi nước mưa nhuyễn bân, nó chích vào da mặt họ như những mũi kim đâm nhẹ vào thịt.
Á xẩm lạnh, run cầm cập, và bối rối lo cho cây đờn phải bị ẩm, mà mãi không biết giấu nó ở đâu.
Thấy khuôn cửa hiệu thuốc Bắc hủng sâu vô trong, Tôn đưa tay cho á xẩm bước vào đó, rồi bỏ hàng hiên và các bạn, chàng cũng vào theo.
Ngoài kia, những chiếc xe Hoa Kỳ bóng lộn, êm ái lướt qua. Đèn trong xe ấm hiểm, soi sáng nhiều gương mặt thịt đang cóc cần nghệ thuật một cách đế vương.
Không bao giờ Tôn tủi thân nghệ sĩ hơn đêm đó hết. Trong giây phút, chàng nhớ lại nhiều việc rất là không vui. Một người bạn văn, ao ước một cây viết máy EV đã ba năm rồi, mà vẫn chưa mua được. Tệ hơn nữa, một thi nhơn muốn có giấy tốt để làm thơ, mà cũng không làm sao mua nổi một ram.
Một luồng gió lạnh lại thổi qua. Tôn sực nhớ lại á xẩm bên cạnh, vì chàng vừa nghe hai hàm răng cô đánh nhau dòn như người ta nhảy thiết hài.
Day qua nhìn á xẩm, miệng đánh bồ cạp, nách kẹp hộp đờn để sang cho nó đôi chút ấm thừa, một lần nữa, Tôn lại nhớ đến cuộc gặp gỡ trên bến Tầm Dương ngày xa xưa kia:
Cùng một lứa bên trời lận đận...
Câu thơ của Bạch Cư Dị trong bài hát Tỳ Bà Hành đêm nay sao mà vang dội như tiếng kêu thương của ngàn thu cũ.
Cơn lạnh của ả ca nhi kia, có phải chăng là cơn lạnh của chính chàng, của bao nhiêu nghệ sĩ khác?
Tôn là một thi sĩ, mà tài thơ đang vào độ nảy nở tột cùng. Thế mà chàng đã trải qua những ngày cơ cực, thì còn nói gì vài năm nữa đây, khi thơ sẽ cạn nguồn, lời sẽ hủ lậu, thì thật là "không kẻ đoái người hoài".
Ngậm ngùi, chàng nhớ lại cảnh đời buồn tẻ của những bạn văn đã về chiều; những ngày chớm nở của họ vui rộn bao nhiêu, thì những ngày tàn tạ lại lẻ loi bấy nhiêu, buồn như cảnh một vị quan xưa về hưu, ô hô xe ngựa, khách khứa, lễ trình.
Còn nhớ đến chăng mấy ông bạn văn già, chỉ có những cậu học trò biết người qua tác phẩm, không vồn vã lúc đương thời, cũng không thờ ơ khi tàn nghiệp.
Người ta mời chàng đi ăn đêm hôm nay, chỉ cốt để khoe với thế gian rằng, người ta quen với nghệ sĩ, một nghệ sĩ đang lên. Vài năm sau, một nghệ sĩ khác sẽ thay cho chàng, để đi làm món trang sức cho đám tiệc của những phú ông sính văn nghệ khác.
Tôn tiếc rằng, đã không ngông được như thi sĩ Đức Henri Heine, thi sĩ Pháp La Fontaine, để từ chối mọi cuộc đưa đón, mời mọc của những ông nhà giàu thích ké cái thơm lây của văn nghệ sĩ.
Nhưng chàng hối hận ngay. Dầu sao, các ông nhà giàu nầy cũng còn biết đến văn nghệ sĩ. Còn khối ông nhà giàu khác, chẳng coi văn nghệ sĩ ra cái cóc rác gì hết, thì sao!
Cùng một lứa bên trời lận đận...
Không bao giờ, Tôn thấy chàng thân hơn nữa với một người, chỉ quen nhau với chàng, vì một chuyến đò nầy.
- Tỳ Bà Hành?
Tôn đột ngột hỏi á xẩm như vậy. Ý chàng muốn nói: "Cô có biết bài Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị chăng ?", nhưng dốt tiếng Tàu, và không chắc á xẩm hiểu câu tiếng Việt rắc rối nầy nên mong ba tiếng chữ Nho ấy giúp cô ta hiểu.
Á xẩm ngơ ngác nhìn chàng, Tôn lại đổi giọng của ba tiếng kia, hỏi nữa:
- Ty Bá Hanh?
Cô xẩm lại càng ngơ ngác.
- Xý Bá Hang? Tôn lại hỏi bằng giọng mới.
- Xý Bá Hang à?
Cô xẩm hỏi gặng lại, nhưng vẫn lắc đầu.
- Pì Pế Hán?
Nhận thấy á xẩm để tóc rìa phủ lên trán, chàng biết ả ta là người Triều Châu, và nhơn biết giọng đọc của Triều Châu cú trắc của chữ Nho, họ đọc ra bằng và ngược lại, nên Tôn mới đổi giọng cuối cùng, thử một lối đọc, mà chàng mong người Triều Châu hiểu.
Thật là may mắn hết sức. Á xẩm hiểu thật, lặp lại câu ngắn của chàng đến hai lần, vừa nói, vừa cười, vừa gật đầu lia lịa:
- Pì-Pế-Hán! Pì-Pế-Hán! Pì-Pế-Hán!
Ả ta mừng rỡ hết sức, đã đoán hiểu được câu hỏi của Tôn, vì chàng đã nói đúng tên bài thơ Tàu ấy bằng thổ ngữ của cô.
Nhưng nỗi mừng chưa trọn, á xẩm bỗng chợt hiểu những ý nghĩ thầm kín của chàng, chợt liên tưởng, như chàng, đến người ca nhi già gảy đờn Tỳ Bà trên vàm sông Bôn, cho một thi sĩ lưu lạc nghe. Mặt cô bỗng đượm buồn hơn cái đám mưa nằng nặng ngoài kia.
Á xẩm nhìn Tôn, nhìn chiếc sơ-mi đã nhàu nát, chiếc cà vạt đã ngã màu, và chắc cô cũng đã liên tưởng đến một vạt áo lam hoen bụi viễn tái.
Cô ngâm nho nhỏ những gì mà Tôn đoán hiểu như là:
Kim niên hoan tái phục lai niên,
Mộ khứ triêu lai, nhan sắc cố.
...
Môn tiền lãnh lạc, xa mã hy...
Bỗng Tôn nghe cô ta nấc lên mấy tiếng.
Dưới ánh đèn lờ mờ, vài giọt nước chảy lăn trên má cô. Lệ hay nước mưa?
"Pì-Pế-Hán! Pì-Pế-Hán!"
Á xẩm thổn thức, lập đi, lập lại tên của bài thơ Bạch Cư Dị đến mấy lần.
° ° °
Đêm hôm đó, viên Tư Mã tưởng tượng của đất Giang Châu không cho lệ thấm lam y, vì trong giây phút trấn tĩnh, hắn thấy mình chưa chịu chiến bại như ả ca nhi kia.
Le Thuy Tao Yen Phan
[Trích Trang FB của Hồ Thị Cẩm Vân]

Thứ Hai, 23 tháng 2, 2015

Một câu chuyện hay đầu năm/ Trần Xuân Lộc st

Tự Cứu Lấy Mình


Tự Cứu Lấy Mình

Một người nọ đứng dưới hiên nhà tránh mưa, chợt trông thấy Quan Âm cầm ô đi ngang qua. Người này bèn nói: “Quan Âm bồ tát, xin người hãy phổ độ chúng sinh, cho tôi đi nhờ một đoạn có được không?”



Quan Âm thấy vậy, trả lời: “Ta đang đi trong mưa, còn người đứng dưới hiên nhà, mưa không hề ướt đến đầu, vậy thì cần gì ta phổ độ?”.
Người nọ liền lập tức bước ra khỏi mái hiên, đứng dưới trời mưa:

“Bây giờ tôi cũng đứng dưới mưa rồi, Bồ tát nên giúp đỡ, có phải không?”.

Quan Âm bèn nói: “Người đứng dưới mưa, ta cũng đứng dưới mưa, ta không bị ướt vì ta có ô, còn người bị ướt, vì người không có ô. Vậy là không phải ta giúp được ta, mà chiếc ô giúp được ta. Người muốn được giúp, không nên tìm ta, mà hãy tự tìm một chiếc ô”. Nói xong, Quan Âm đi thẳng.

Ngày hôm sau, người nọ gặp chuyện khó khăn, bèn đến miếu Quan Âm cầu khấn. Vừa bước vào trong miếu, anh ta đã nhìn thấy có một người khác đang đứng chắp tay ngay trước tượng Quan Âm. Lạ một điều, người đó có ngoại hình giống hệt Quan Âm, không sai một li.
Anh ta bèn đến gần hỏi: “Người có phải Quan Âm không?”.

Người đó trả lời: “Ta chính là Quan Âm”. “Vậy vì sao người lại chắp tay cầu khấn chính mình?”.

Quan Âm cười đáp: “Ta cũng gặp chuyện khó khăn, nhưng ta biết, cầu cứu người không bằng cầu cứu chính bản thân mình”.(st)

-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o-o

Trong cuộc sống sẽ có nhiều lúc bạn gặp phải khó khăn, và lẽ thường khi gặp khó khăn thì cần tới sự giúp đỡ nhưng có ai biết được rằng thay vì cầu cứu người khác, hãy tự hỏi chính mình để tìm ra lối đi. Người hiểu rõ hoàn cảnh của ta là chính ta mà thôi.


https://facebook.com/TanManDoDay/Notes

Thứ Bảy, 21 tháng 2, 2015

Hai câu thơ hay của Bàng Bá Lân đã đi vào kho tàng văn học dân gian/ Viễn Phương chuyển


Nghĩ về một câu “ca dao”

 
hạc1

MỘT NGỘ NHẬN VỀ VĂN HỌC ??

Huyền Viêm
(Dutule’s blog)
Các nhà văn, khi viết về đồng quê, thường hay dẫn câu “ca dao” mà họ cho là rất nên thơ, tả được vẻ đẹp và sự thú vị của cảnh đêm trăng nơi thôn dã :
Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi?
Hai câu trên đây thực sự có phải là “ca dao” không?
Trong bài “Chung quanh một câu ca dao” đăng trên giai phẩm HOÀNG HOA do Nhà xuất bản Nhân Loại ấn hành tháng 9 năm 1952, nhà thơ Bàng Bá Lân viết :
“Gần đây tôi vừa được đọc Văn hóa nguyệt san do Bộ Quốc gia Giáo dục (Sài Gòn) xuất bản. Trong số 1, bài Lời nói đầu có nói đến một câu ca dao :
  CÔ KIA tát nước bên đàng,
Sao cô MANG ÁNH trăng vàng đổ đi ?
Đọc câu đó, tôi vừa sung sướng vừa ngại ngùng. Sung sướng vì thấy những câu thơ của mình làm từ hồi tâm hồn mình còn trong trắng đã dần dần rời bỏ tập thơ để nhập vào hàng ngũ những vần thơ của dân tộc, của đất nước… Ngại ngùng vì nhận thấy những vần thơ được truyền tụng kia cứ sai dần mãi. Như câu thơ trên, cách đây trên mười năm, báo “Bạn đường” ở Trung Việt đã trích đăng trong mục Hương hoa đất nước cũng có sai, nhưng còn sai ít :
Hỡi cô tát nước bên đàng,
Sao cô múc ÁNH trăng vàng đổ đi ?
Chữ ÁNH thêm vào làm non hẳn lời thơ nhưng còn giữ được chữ MÚC, nghĩa là còn giữ được gần trọn thi vị.
… Như câu lục bát trên này, tất cả duyên dáng thi vị của nó là ở mấy chữ MÚC và ĐỔ, nhất là chữ MÚC. Mất chữ đó là mất hết cả thi vị. Vì – hãy khoan nói đến thi vị của trăng – riêng hai chữ MÚC, ĐỔ không những hình dung được sự cử động nhịp nhàng của người tát nước mà còn gợi được âm thanh của nước động xì xòm.
Nhưng đính chính là một điều không dễ gì, nhất là khi câu thơ đã được liệt vào ca dao. Không nói rõ xuất xứ thì ai chịu, nói đến xuất xứ thì lại phải trương “cái tôi” ra ! Thật là đáng ghét và thật là ngại ngùng. Cũng vì thế nên tôi đã không đính chính khi báo “Bạn đường” đăng sai.
Nhưng nay thấy câu thơ càng được truyền nhiều càng sai thêm, tôi thấy – đối với văn học nước nhà – có bổn phận phải đính chính” (Bàng Bá Lân).
Như thế, muốn nhận hai câu ấy là do mình sáng tác chứ không phải “ca dao” và đính chính cho đúng nguyên văn, nhà thơ Bàng Bá Lân buộc phải nêu xuất xứ của hai câu ấy. Anh viết :
“Vậy câu lục bát trên kia thế nào mới thật đúng và xuất xứ ở đâu ? Thưa : đó là hai câu ở bài “Tiếng hát trong trăng” trong tập thơ nhỏ nhan đề ”Tiếng thông reo” mà tôi viết xong hồi cuối năm 1934 và xuất bản vào đầu năm 1935. Xin trích ra đây đoạn đầu bài thơ ấy:
Trời cao, mây bạc, trăng tròn,
Dế than hiu quạnh, tre buồn nỉ non.
Diều ai gọi gió véo von,
Cành xoan đùa ánh trăng suông dịu dàng.
– Hỡi cô tát nước bên đàng,
Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi ?

. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Trên tả cảnh sáng trăng ở thôn quê để dưới có thể hạ chữ “múc trăng” mà không đột ngột. Chữ “lại” ngụ ý trách móc : trăng vàng đẹp thế mà sao lại vô tình múc đổ đi !
Có lẽ tại hồi đó, với cái tuổi đôi mươi, tâm hồn tôi còn trong trắng nên ý tưởng có vẻ hồn nhiên ; có lẽ tại lời thơ ít gọt giũa, mộc mạc giản dị dễ gần đại chúng, hay có lẽ tại ảnh hưởng đồng quê man mác trong thơ nên nhiều câu đã dần dần lìa bỏ tác phẩm và tác giả mà nhảy vào hàng ngũ những vần thơ của dân tộc. Nhưng có điều hơi đáng tiếc là những câu truyền đúng thì ít mà sai thì nhiều…” (Bàng Bá Lân).
Bài viết trên đây đã làm cho giới viết lách thời đó ngạc nhiên vì trước nay ai nấy đều yên trí rằng hai câu ấy là ca dao. Mười bốn năm sau (1966), học giả Nguyễn Hiến Lê cũng công nhận hai câu ấy là của Bàng Bá Lân.
Trong bài “Bút pháp và cá tính của nhà văn” đăng trên giai phẩm “Giữ thơm quê mẹ” số Xuân Bính Ngọ (Lá Bối xuất bản) Nguyễn Hiến Lê viết :
“……..Cũng dùng kỹ thuật tạo hình ảnh cả mà bút pháp của Hàn Mặc Tử làm cho ta rờn rợn, hồi hộp :
Trăng nằm sóng soải trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Ô kìa bóng nguyệt trần truồng tắm,
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe.
của Bàng Bá Lân thì cho ta một cảm giác mát mẻ, vui vui :

Hỡi cô tát nước bên đàng,
Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi ?

của Quách Tấn thì có cái giọng trang nhã, cổ điển :
  Bồn chồn thương kẻ nương song bạc,
Lạnh lẽo sầu ai rụng giếng vàng.
của Huyền Viêm thì có cái vẻ trầm lặng man mác :
Trăng rơi nhè nhẹ trên sông nước
Bên chiếc đò khuya bóng lạnh lùng.
Gió cũng nghe chừng như nín thở
Đỡ vừng trăng lạc giữa không trung (
*).
Tôi quen anh Bàng Bá Lân từ năm 1965 và cùng dạy học chung với anh trong hơn 15 năm nên biết rõ tính anh : đứng đắn, cương trực và tử tế với bạn bè. Tôi tin rằng anh không bao giờ nhận của người làm của mình, nhất là chỉ có hai câu lục bát vì địa vị của anh trên thi đàn đã vững vàng và cả nước biết tiếng biết tên. Tôi định viết về vấn đề này đã lâu nhưng nghĩ chưa tiện lắm khi anh còn sống. Đầu năm 1988 nghe tin anh bị bán thân bất toại, tôi đến thăm anh tại nhà riêng ở đường Trương Quốc Dụng (Phú Nhuận) thì thấy anh gầy yếu lắm và cái chết có thể tính từng tháng từng ngày. Nay thì anh đã về cõi vĩnh hằng (anh mất ngày 20-10-1988, thọ 76 tuổi), tiếng tăm danh vọng đối với anh đã trở thành vô nghĩa, nhưng tôi thấy cần phải viết bài này để đính chính một sai lầm trong văn học. Tôi nghĩ nếu không ai có thể chứng minh ngược lại (ví dụ như có một tài liệu nào đó dẫn hai câu ấy trước năm 1935 là năm anh xuất bản tập thơ “Tiếng thông reo” trong đó có hai câu ấy) thì, theo lẽ công bằng, “cái gì của César phải trả lại cho César”.
___________
Ghi Chú:
(*) 5 dòng này có trong bài của Nguyễn Hiến Lê đăng trên giai phẩm “Giữ thơm quê mẹ” Xuân Bính Ngọ (1966), nhưng khi gửi cho Kiến thức Ngày nay, tôi tự ý cắt đi, nay xin trích lại cho đầy đủ.

Huyền Viêm
(Trích web donghuongquetoi.com)

Thứ Tư, 18 tháng 2, 2015

Tết/ Thơ Võ hà Thu Giang

TẾT


Trưa ba mươi Tết rước ông bà
Thêm một năm nữa sắp trôi qua
Bánh chưng, bánh tét thơm mùi Tết
Mai nở đầy cành rực sắc hoa

Khuya ba mươi Tết đón giao thừa
Quên hết nhọc nhằn buổi sớm trưa
Bé ngoan chờ đón lì xì mới 
Phố xá tưng bừng ngát hương xưa

VÕ HÀ THU GIANG
18 / 2 / 2015
30 Tết Ất Mùi

* Kính chúc một năm mới an khang , thįnh vượng , dồi dào sức khoẻ

Thứ Năm, 12 tháng 2, 2015

Năm Mùi nói chuyện Dê/ Viễn Phương, Xuân Lộc chuyển

Tản Mạn Chuyện Năm Mùi



Năm Mùi lại sắp đến và ta thường hỏi là tại sao tên gọi là Mùi, không là dê, dương hay vị ...? Phần này đưa ra vài cách nhìn hầu giải thích phần nào các lý do dẫn đến hiện tượng trên. Ngôn ngữ con người biến đổi theo thời gian (âm cổ và âm hiện đại) và không gian (phương ngữ, thổ ngữ, ngữ hệ), thành ra phần này sẽ bàn về các dữ kiện  minh xác kết quả trên. Đây cũng là mục đích chính của loạt bài "Nguồn gốc Việt (Nam) của tên 12 con giáp", phần này tiếp theo bài"Nguồn gốc Việt Nam của tên 12 con giáp – Mùi/Vị - *mjei – Dê (phần 15)". Các bài viết sau nhưng cùng một chủ đề sẽ đánh số với mẫu tự A, B, C… Hi vọng loạt bài này gợi ý và tạo thêm động lực cho người đọc tìm hiểu thêm về tiếng Việt và những liên hệ ngôn ngữ thật thú vị. Các chữ viết tắt trong bài này là LM (Linh Mục), BK (Bắc Kinh), TVGT Thuyết Văn Giải Tự (khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), Tập Vận (TV/1037/1067), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), Tự Vị Bổ (TViB/1666), KH (Khang Hi/1716), HNĐTĐ (Hán Ngữ Đại Tự Điển/1986), Thiết Vận (ThV/601), Vận Kinh (VK/1161). Dấu hoa thị * dùng để chỉ âm cổ phục nguyên (reconstructed sound). Không nên lầm số thứ tự chỉ phụ chú và thanh điệu sau vần.

Trong Thập Nhị Chi (12 con giáp), chi thứ 8 là chi Mùi 未, đáng lẽ phải đọc là Vị theo các cách đọc của vận thư (chính thống hay "chuẩn").

1. Các cách đọc chữ Vị  

Chữ mùi/vị 未(thanh mẫu minh 明vận mẫu vi 微khứ thanh, hợp khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết
無沸切,音味vô phí thiết, âm vị (TVGT, ĐV, QV, TV, LT, VH, CV, LTCN 六書正擶, TVi, CTT, TĐTAT 重訂直音篇) - TVi ghi phì khứ thanh 肥去聲, CTT ghi vi khứ thanh 微去聲
亡貴切vong quý thiết (NT, TTTH)
...v.v...
Giọng BK bây giờ là wèi (viết theo hệ thống pinyin hiện đại) so với giọng Quảng Đông mei6 và các giọng Mân Nam 客家话:[梅县腔] wi5 wui5 [沙头角腔] wui5 [客英字典] vui5 mui5 [陆丰腔] mui6 [东莞腔] mui5 [宝安腔] mui3 [客语拼音字汇] vui4 [海陆丰腔] wui6 [台湾四县腔] wi5 潮州话:bhi7(bī) bhuê7(būe) - giọng Mân Nam/Đài Loan là bi7, tiếng Nhật là mi bi và tiếng Hàn là mi. Tiếng Saek1 cổ là muy4 so với tiếng Saek hiện đại là mame4 (như tiếng Thái). Tiếng Lào là moth so với tiếng Dioi là fat1, tiếng Ahom là mut và tiếng Tây Tạng là lug. Một dạng âm cổ phục nguyên của Mùi là *mwei. Thật ra âm mùi đã hiện diện trong cách đọc chữ 味- tiếng Việt đã duy trì cách đọc cổ hơn của hai chữ 味và 未- đều đọc là mùi. Cụ Thiều Chửu2 cũng từng ghi rằng Vị ‘thường quen đọc là chữ Mùi’(quen đọc ở đây hàm ý là theo thói quen từ xưa đến nay, hay là một dạng âm cổ hơn).

2. Các cách đọc chữ  

Chữ mùi/vị 味(thanh mẫu minh 明vận mẫu vi 微khứ thanh, hợp khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết
無沸切,音未vô phí thiết, âm vị (TVGT, ĐV, QV,  TV, VH, CV, LT, TVi)
莫拜切,音韎mạc bái thiết, âm muội(TV, LT)
武沸切vũ phí thiết (NT, TTTH)
莫珮切,音妹mạc bội thiết, âm muội(KH)
亡曷反,音沫vong hạt phản, âm mạt (ThVn 釋文)
莫葛切mạc cát thiết (LT)
無貴切,音未vô quý thiết, âm vị (CTT)
...v.v...
Giọng BK bây giờ là wèi so với giọng Quảng Đông mei6 và các giọng Mân Nam 客家话:[梅县腔] mi5 [宝安腔] mui3 [客英字典] mui3 mi5 [东莞腔] mui5 [客语拼音字汇] mi4 mui4 [海陆丰腔] mui6 [沙头角腔] mui5 [台湾四县腔] mui5 [陆丰腔] mui6 潮州话:bhi7 - - giọng Mân Nam/Đài Loan là bi7, tiếng Nhật là mi bi và tiếng Hàn là mi. Ta thấy từ các âm đọc trên, tiếng Việt Mùi là gần với âm giọng Mân Nam nhất. Liên hệ giữa tiếng Hẹ (Khách Gia Ngữ/Hakka)/Mân Việtvà Lạc Việttheo dòng thời gian (và suốt chiều dầy lịch sử dựng nước) rất đáng chú ý, nhưng không nằm trong chủ đề bài viết này. Ngoài mùi viết bằng bộ khẩu với chữ Vị, các chữ3   妹昧眛沬 ... đều đọc làmuội.

Bài viết trước đây về âm Mùi (xem nguồn trích ở mục 4) đã giải thích biến âm m > v, dựa vào các dạng kí âm từ tiếng Phạn như नमनnam-ana trở thành Nam Mô hay Nam Vô 南無, Mañjuśrī অবলোকিতেশ্বরtrở thành Văn Thù Sư Lợi 文殊師利... Cũng như các tương quan vô 無mựa (VBL), vạn 萬muôn, man (VBL) ...v.v... Ngoài ra, các cách đọc phiên thiết bên trên cho thấy tương quan giữa nguyên âm trước/nhỏ i và nguyên âm sau/lớn ơ/u.
Tóm lại, ta có cơ sở rất vững chắc để kết luận âm Mùi là âm cổ hơn của Vị. Không những thế, phạm trù nghĩa của Mùi tiếng Việt chỉ giới hạn trong các ý chỉ 12 con giáp hay hơi ngửi thấy, nhưng không hàm ý chưa như cách dùng vị lai (chưa đến), vị tường (chưa rõ), vị hôn phu (chồng chưa cưới), vị thành niên (chưa đến tuổi thành nhân) - không thấy ai dùng *mùi lai, *mùi tường, *mùi hôn phu, *mùi thành niên ... Cách dùng trên tương ứng với nghĩa cổ nhất của Mùi (chỉ thời gian/Thập Nhị Chi) và Vị (phó từ, nghĩa là không, chưa).

3. Các dạng biến âm và kị (tị) huý

Thử đặt trường hợp một gia đình có người tên chữ là Mùi và viết là 未, các thế hệ sau nếu có dùng chữ này sẽ đọc là Vị chẳng hạn (âm đọc mới hơn). Mùi và Vị chỉ là hai dạng (biến âm) khác nhau của cùng một gốc hay cùng ngữ căn, từ đó ta có một khả năng giải thích hiện tượng kỵ huý. Đây chỉ là ‘quân bằng lại’ cách hiểu tại sao lại có sự khác biệt giữa các cách đọc khác nhau. Một trường hợp liên hệ là chữ Mậu 戊, âm BK bây giờ là wù (tương ứng với vụ HV), nhưng các giọng đọc phương Nam TQ và HV đều vẫn còn duy trì âm cổ hơn là Mậu. Đến nỗi vua nhà Lương đã ra lệnh bắt phải đổi Mậu thành Vũ  武(wǔ BK bây giờ) để tránh phạm huý4 vào năm Khai Bình nguyên niên (907, theo Ngũ Đại Sử). Khác với GS Nguyễn Tài Cẩn, và dựa vào các phương ngữ Nam TQ (Quảng Đông, Đông Hoàn Khang ...), người viết cho rằng âm Mậu đã hiện diện cùng lúc với âm Vũ (âm mới hơn) chứ không phải chờ đến sắc lệnh của vua nhà Lương! - Xem chi tiết trang http://www.zdic.net/z/1a/js/620A.htm . Thành ra vấn đề kỵ huý phần nào chỉ là 'chính thức hoá' cách đọc của quần chúng (và địa phương) từ chính quyền trung ương đương thời mà thôi, phản ánh khuynh hướng 'ý dân là ý trời’ (Vox populi, vox dei - tục ngữ La Tinh cổ đại). Ngoài ra, âm cổ hơn của Vũ là múa vẫn còn được bảo lưu trong tiếng Việt.

Một trường hợp kỵ huý khác cũng đáng chú ý là danh nhân Ngô Thì Nhậm5 (1746-1803): chữ Hán viết là 吳時壬hay 吳時任. Ngô Thì Nhậm có thể đọc là Ngô Thời Nhậm hay Ngô Thời Nhiệm vì kỵ huý vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì, Nguyễn Phúc Hồng Nhậm). Từ thời VBL (1651) ta đã có các âm nhiệm và nhậm, thím (thẩm), tim (tâm), tìm (tầm), kim (châm) ... So với các giọng Quảng Đông đọc Nhậm là jam4, jam6, các giọng Mân Nam jim5 ngim5 rim6 ngim6 ... Thành ra, Nhiệm là một dạng âm cổ hơn so với Nhậm - âm cổ phục nguyên của Nhậm là *njim - xem thêm chi tiết về các cách đọc của Nhậm trang này chẳng hạn http://www.zdic.net/z/15/js/4EFB.htm .

Tóm tắt cho phần này, cách gọi Mùi là một dữ kiện ngôn ngữ quan trọng để tìm lại âm cổ hơn của Vị (cách đọc 'chuẩn/hàn lâm'). Đi xa hơn nữa là khả năng nhái lại âm thanh phát ra từ loài thú này (âm *mwei >  me  be) hay tượng thanh để cho ra các dạng Mùi, Vị, bê, dê ... Các dạng này vẫn còn tồn tại trong các ngôn ngữ dân tộc ở Nam TQ, âm Hán Việt và tiếng Việt, khiến ta phải đặt lại vấn đề về nguồn gốc tên gọi 12 con giáp; không phải từ TQ mà ra như nhiều người lầm tưởng qua bao ngàn năm nay và từ Đông sang Tây! Sự tiến hoá từ nghĩa cụ thể (tiếng động vật kêu, tên gọi loài vật) cho đến cách ghi thời gian (năm, tháng, ngày, giờ) và phó từ phủ định (trừu tượng) là một quá trình rất tự nhiên và dễ hiểu. Những cống hiến âm thầm này vào văn hoá Hán đã đến lúc cần được đưa ra ánh sáng qua các lăng kính ngôn ngữ, lịch sử và khoa học khách quan. Một hệ luận từ các dữ kiện ngôn ngữ trong bài này là hiện tượng kị huý, có thể hiểu được phần nào từ khuynh hướng quân bằng lại sự biến hoá rất bình thường của ngôn ngữ loài người (âm cổ và âm mới hơn).

4. Phụ chú và phê bình thêm

Để cho liên tục, bạn đọc có thể tham khảo loạt bài "Nguồn gốc Việt (Nam) của tên 12 con giáp" trên các trang mạng như  http://newvietart.com/Mui-Vi-1.pdf  hay  http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacgia&action=detail&id=2198 …v.v…
Phần này không hoàn toàn theo cách ghi tài liệu (Bibliography) tham khảo APA hay MLA vì bao gồm các phê bình thêm về đề tài, tài liệu và tác giả để bạnđọc có thể tra cứu thêm chi tiết và chính xác.

1) Tiếng Saek (ngôn ngữ của dân tộc Saek) còn lưu lại trong vài làng ở Đông Bắc Thái Lan. Tiếng Saek thuộc vào họ Tai-Kadai (mà tiếng Thái được nhiều người biết đến nhiều nhất). Bây giờ thì dân tộc Saek hầu như đồng hoá hoàn toàn vào xã hội Thái. Xem thêm bảng từ vựng tiếng Saek của William J. Gedney: "The Saek Language: Glossary, Texts and Translations" Michigan Papers on South and Southeast Asia no. 41 ...v.v...

2) Thiều Chửu 1942 "Hán Việt Tự Điển" tái bản nhiều lần - như từ NXB Đà Nẵng (2005). Tự điển Việt-Hoa-Pháp/Dictionnaire vietnamien-chinois-francais của LM Gustave Hue (1937) cũng ghi Mùi là '... prononciation annamite du caractère Vị ...'.

3) Có khoảng 15 chữ Hán - thường là chữ hiếm - dùng chữ Mùi làm thành phần hài thanh. Có 8 chữ đọc là muội, 3 chữ vừa đọc là muội vừa đọc là vị, các chữ còn lại đọc là Vị.

4) Nguyễn Tài Cẩn 1985 "Một số vấn đề về chữ Nôm" NXB Đại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp (Hà Nội, 1985 – trang 22/110). Ảnh bên dưới chụp một phần từ Tự Vị (1615) cho thấy chữ 戊đọc là 莫侯切,音茂mạc hầu thiết âm mậu ... Nhưng sau tị (huý) nên đọc thành Vũ …v.v… Thật ra một dạng âm cổ của Vũ là *mĭu, tiếng Việt vẫn còn duy trì âm múa; so sánh với các tương quan Mùi Vị, múa vũ, vu mo (đồng cốt), vụ mù (sương), vọng mong, võng mạng ...
Truyền thống bảo thủ phong kiến cộng hưởng với khuynh hướng 'quân bằng lại' ngôn ngữ làm phép kị huý trở thành một yếu tố văn hoá đáng kể.
5) Một số âm Hán Việt cũng cho thấy tương quan của vần -amvà -iêmnhư chữ hàm 嗛(hộ giam thiết 戸監切/ĐV, 乎監切,音銜hồ giam thiết, âm hàm/TV) còn có thể đọc là khiểm (苦蕈切,音歉khổ khuấn thiết, âm khiểm/QV/TV/CV) ... Hay chữ sam 摻(sở hàm thiết 所咸切/ĐV, sư hàm thiết 師咸切/TV/VH) còn có thể đọc là tiêm (tư liêm thiết, âm tiêm 思廉切,音纖/TV/VH/CV) ...



                             Năm  Mùi nói chuyện Dê

Nguồn gốc của Dê
Theo tài liệu trong Bildschromik der Welt Geschichte của nhà xuất bản Coventgarden dẫn chứng loài Dê Bezoarziegen có cách dây 50 000 năm.  Thời đồ đá loài người săn bắn dê làm thực phẩm.  Dê sống trên đồi núi hoang giả tại : Á Châu, Âu Châu và Phi Châu.  
Ðược người ta đêm về nuôi thuần hóa, sử dụng thành gia súc, sáu con vật nuôi thông dụng : dê, gà, chó, lợn, ngựa, trâu.

Dê là một trong ba thứ lễ vật đặc biệt để cầu cúng, tế dâng thần thánh như heo và bò.  Dê có tên khoa học Capra sp., thuộc loại động vật có vú (Mammalia), bộ móng chân (Artiodactyla), loại nhai lại (Ruminantia) có sừng rổng (Bovidae). Dê có 8 răng cửa hàm dưới  và răng hàm, không có răng cưả hàm trên.  Dê nuôi gốc giống Capra Prisca. Các loại Steinbock/sơn dương Gaemse/ Linh dương. Schneeziege sinh sống ở Rocky Mountains trên cao 4000m ở Hoa Kỳ;  Iberissche Steinbocke vùng Bán đảo Tây Ban Nha; schraubenziege dê rùng ở Pakistan và Himalaya...

Tập tính
Hiện nay người ta cho rằng dê có nguồn gốc từ các loài dê rừng: nhóm dê châu Âu, châu Á và dê châu Phi.  Dê rừng sừng dài cong cả mét, so với dê nuôi  sừng nhỏ và yếu hơn, hoặc không có sừng, tai dài hay ngắn hơn tùy giống.  Riêng màu sắc và lông dài ngắn thay đổi tùy theo từng vùng, có loại lông dài mịn như lông cừu.  Loại dê Angoraziege lông dài biến chế len ở Thổ Nhỉ Kỳ (Turkey). Thủ đô Ankara tên cổ Angora.  Nên có tên len Angora (phát xuất từ Angora gốc ở Thổ). Vùng Kaschmir, độc lập năm 1947, có dê Kaschmirziege sống biên giới India và Parkistan có lông tốt, chế biến len vải (cashmere) phẩm chất cao

Dê ăn cỏ cây, các chồi non đủ loại, không kén ăn nhưng thích thay đổi nón ăn, lá dâu có lẽ hấp dẫn với dê hơn.  Ngày xưa các Cung phi hay dùng lá dâu, lá so đũa để mời gọi xe dê của Vua vào phòng.

Dê trong Sở thú thích thức ăn bán trong máy tự động và cả kẹo bánh.  Các loại dê đều thích leo trèo.  Có thể nhảy từ mỏm đá nầy sang chổ khác cao xa hơn.  Dê có thể nhịn nước lâu ngày trong sa mạc, có sức chịu đựng mưa nắng, tuyết phủ...

Dê đực có sức mạnh về sinh lý, thừa sức sống phục vụ cho một đàn dê cái, 100 dê cái chỉ cần 4 dê đực.  Mỗi ngày một con đực làm "nhiệm vụ" trên 5 lần, nhưng vẫn khoẻ chạy nhảy!  Con dê đực có mùi hôi để quyến rũ phái tính?  Có người cho rằng mùi hôi phát ra từ  dưới sừng, và có thể từ mồ  hôi ?

Dê trong sinh hoạt xã hội
Trong Thập Nhị Ðịa Chi 12 con Giáp, dê đứng hàng thứ 8. Tính theo tháng (tháng giêng tính từ Dần), tháng Sáu thuộc tháng Mùi và trong ngày giờ Mùi từ 13 –15 giờ . Con người thuần dưỡng dê và nó trở thành con vật nuôi trong nhà, cung cấp thịt sửa vv... Trong đời sống, chuyện về dê nhiều ý nghiã khá đa dạng, sinh động, hấp dẫn và đầy ngụ ý. Từ xưa người ta hay dùng dê để tế lễ .

Theo Ðại Nam thực lục Chính Biên,  Triều đại vua Minh Mạng (1791-1840), mùa Ðông năm Minh Mạng (1836) thứ 17, nhà vua sai mua 220  dê đực và 100 dê cái, chọn 20 con dê đực giao Tể sinh làm lễ vật tế lễ Nam Giao, đặt tại đàn Thượng có thịt dê ướp dương hải.  Minh Mạng (1840) thứ 21, cho dân chúng miền Trung các dê giống để nuôi, ai nuôi nhiều thì có thưởng.vv.

Thần thoại Hy lạp, La mã ghi lại Zeus- Jupiter chúa tể các vị thần, lúc sinh ra bú sửa dê pha với mật ong.  Khi tế thần người ta phải dâng dê, bò thui đốt. Tế thần Hecmet cũng phải có mật ong, bánh ngọt, heo và dê con.

Theo sách Tấn thư, Tấn Vũ Đế (thời Chiến quốc) sống xa hoa, có rất nhiều cung tần mỹ nữ.  Đêm đêm nhà vua thường dùng xe có dê kéo trong hậu cung, cho dê kéo đi đâu thì đi.  Các phi tần biết vậy, thường lấy lá dâu rắc trước cửa phòng mình.  Dê thích ăn lá dâu sẽ ngừng xe lại và người cung phi ấy sẽ may mắn được gặp gỡ với “mặt rồng” và đựơc Tấn Vũ Đế ân sủng.

Chúng ta thường nghe nói dê là dương. Ðàn ông nhiều vợ hoặc hay tán tỉnh thì bị gọi là có "thói dê" ? hay "dê cụ".  Ai có chòm râu cằm rậm hơi cong thì gọi là "râu dê"  Nghệ sĩ  Thanh Việt hài hước trên sân khấu có giọng "cười dê" hay tánh "be he" nói chuyện không thật, trên trời dưới biển. Trong y học có từ "Satyriasis" chỉ thể lực về sinh lý.  Nếu xét con dê có đời sống hiền lành như các gia súc khác, nhưng cái gì xấu thì bị gán ghép cho dê thật là  tội nghiệp.

"Máu dê" thể hiện khả năng sinh dục mạnh mẽ; các cô nói anh ấy "dê quá".  Người Mỹ cũng nói: Let go you randy old goat !  To get someboy’s goat.
"Bán bò tậu ruộng mua dê về cày " Mỉa mai sinh hoạt hằng ngày, không biết tính.
"Cà kê dê ngỗng" ám chỉ người ăn không ngồi rồi, kể lể tản mạn, dài dòng, huyên thuyên những chuyện lặt vặt, vớ vẩn.
 "Giàu nuôi chó, khó nuôi dê, không nghề nuôi ngỗng" Chứng tỏ nuôi dê không tốn kém, không cần chuồng trại, các vùng núi chỉ cần thả dê sống trên núi đồi không tốn thực phẩm
 "Máu bò cũng như tiết dê" Dù hai thứ tiết khác nhau người ta ăn tiết canh dê không ai ăn tiết canh bò.  Câu trên ám chỉ con người không rõ ràng trong các vần đề.
"Treo đầu dê bán thịt chó“  Chỉ người nói một nơi, làm một nẻo, ba xạo, nói và làm không ăn khớp nhau.
"Dương chất hổ bì " Chất là chất dê, da là da cọp. Dùng bề ngoài loè loẹt, giả dối để lừa bịp che đậy thực chất xấu xa bên trong.
"Bịt mắt bắt dê"  Trò chơi dân gian trong đó có một người bịt mắt, đuổi theo một con dê, hoặc đuổi bắt một hay nhiều người giả làm dê kêu be be. Nghĩa bóng là làm một việc khó có thể đạt được kết qủa.

Dê trong ca dao, văn học linh động, hấp dẫn mà thâm thúy.

Người ta tuổi Ngọ, tuổi Mùi
Em đây luống những ngậm ngùi tuổi Thân !!

Trẻ em nhà quê khi chơi trò dung dăng dung dẻ thường thuộc lòng bài đồng dao vui nhộn:               
Giung giăng giung giẻ
Dắt trẻ đi chơi
Cho Cháu về quê
Cho dê đi học
Cho cóc ở nhà
Cho gà bới bếp
Ngồi xệp xuống đây

Nữ Sĩ Hồ Xuân Hương, Bà Chúa thơ Nôm, sinh cuối đời hậu Lê không rõ năm sinh.  Sau khi Tổng Cóc từ trần, nữ sĩ lập quán bán nước để mưu sinh và giao thiệp với các bạn văn nhân thi sĩ . Một hôm bọn trẻ dẫn nhau đến yêu cầu Xuân Hương cho tựa bài thơ, bà đọc bốn câu thơ  :

Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ
Lại đây cho chị dạy làm thơ
Ong non ngưá nọc châm hoa rữa
Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa.

Trong điển cố văn học đã có từ “ dương xa” là xe dê các đời vua chúa dùng đi lại trong cung phi mỹ nữ, trong việc đưa đón ái ân. Trong tập Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều (1741-1789) cũng có câu:
Phải duyên hương lửa cùng nhau
Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào

Nguyễn Ðình chiểu (1822-1888) nhà thơ yêu nước chống thực dân Tây. Trong bài Văn Tế Nghiã sĩ Cần Giuộc, đã gởi phần tâm sự và lời chê trách người cộng tác với thực dân, làm tay sai dày xéo dân tộc khổ đau vì nô lệ:

                   Hai vầng nhật nguyệt chói lòa, đâu dung lũ treo dê bán chó.
                   Mùi tinh chiên vấy đã ba năm, ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ.

Theo sử sách ghi chép, dưới thời nữ Hoàng Ðế Cixi (1835-1908) gọi là Từ Hi Thái Hậu/Tz’u-hsi, ngay từ rằm tháng 2 Kỷ Hợi (1873), mỗi tỉnh của Trung Hoa tiến cử 10 đầu bếp giỏi nhất của mình về kinh thành soạn thảo thực đơn.  Sau gần hai tháng chuẩn bị, các đầu bếp thống nhất một thực đơn gồm 140 món. Trong đó có 7 món đặc biệt " Sơn dương trùng" là một trong bảy món ăn đặc sản độc đáo...giới bình dân thì làm lẩu hay Carry dê..

Theo Ðông Y, sửa dê có vị ngọt tính âm tác dụng bổ hư, bồi dưỡng cơ thể.  Người ta vắt sửa dê vào lúc trời sáng, khi dê con chưa ngủ dậy, bế dê con sang chỗ khác vắt sửa dê mẹ

Người nước Lỗ khi xưa phải mổ thịt dê đực làm lễ "Cốc sóc".  Về sau lễ ấy được bỏ đi nhưng người ta vẫn theo lệ mà nộp dê.  Tử Cống (học trò Khổng Tử tên là Ðoan Mộc Tứ nhỏ hơn Khổng Tử 30 tuổi) muốn bỏ hẳn lệ ấy đi, nhưng Khổng Tử (Kong Qui sinh năm 551-479 trước CN) bảo: "Ngươi tiếc con dê còn ta thì tiếc cái lễ".  Ý muốn nói, triều vua bây giờ đã suy, bỏ mất lễ "Cốc sóc" nhưng vẫn giữ tục nộp dê thì người ta vẫn nhớ đến lễ ấy và lễ cốc sóc không mất hẳn.  Câu chuyện này chứng tỏ dê có một vai trò quan trọng như thế nào trong văn hoá Trung Quốc. 

Thi sĩ Bùi Giáng (1926-1998) cảm nỗi lòng Tô Vũ, và chính ông cũng một thời chán đời về mua dê và chăn dê ở quê nhà, núi đồi Quế Sơn tỉnh Quảng Nam, trong khoảng từ (1945 đến 1952)

Ðồi tăm tắp chạy về ôm chân núi
San sát đồi phủ phục quần núi xanh
Chiều xuống rồi tơ lòng rộn ràng rối
Trời núi đồi ngây ngất nhảy dê nhanh
Thôi từ nay tha hồ em mặc sức
Nhảy múa tung sườn núi vút dòng khe
Thôi từ nay tha hồ em mặc sức
Vang vang lên đồi núi giọng be be....

Ngẩng đầu lên ! dê ơi anh thong thả
Ðeo vòng vào em nghển cổ cong xinh
Ngẩng đầu lên ! đây lòng anh vàng đá
Gửi gắm vào vòng mây nhuộm tơ duyên...

Ông Tô Vũ, sứ giả nhà Hán thời (Hán Vũ Đế vua thứ 6 nhà Hán 140-87 tr.CN). Tô  Vũ đi sứ sang Hung Nô. Triều đình Hung Nô có lời dụ hàng, Nhưng Tô Vũ giữ thể diện nhà Hán, giận dữ quát mắng, chúa Hung Nô là Thuyền Vũ sai quân áp tải ông đến giam vào hang sâu, với ý giết chết sứ thần nhà Hán. nhưng Tô Vũ không chết trong hang. Thuyền Vũ liền truyền lệnh đầy ông lên phương bắc, vắng như sa mạc, tuyết phủ quanh năm. Ông phải chăn một đàn dê đực, với sắc chỉ của chúa Hung Nô: " Bao giờ trong đàn dê, dê đực đẻ con, sứ thần Tô Vũ  được trở về đất Hán".

Hán Vũ Đế và cung đình nhà Hán biết tin sứ thần Tô Vũ  bị hại, đã nêu tấm gương trung nghĩa với đất nước và  bị giam trong hang cho đến chết, nên vô cùng thương xót, luôn nêu cao công trạng và gương trung nghĩa cho đời. (Thời gian trôi qua Hán và Hung Nô giảng hoà,Tô Vũ được tự do về nước).  

Những dược thảo mang tên Dê/Dương

*Cà Dái dê còn gọi cà tím tên khoa học / Solanum melongena họ cà Solanaceae chứa chất violanin.
*Dương Ðề / Rumex wallichii  họ rau Polygonaceae. Rễ và lá chứa anthraglucosid.
*Dâm Dương Hoắc/ Herba epimedii, thuộc họ Hoàng liên gai Berberidaceae.
*Cây Sừng Dê/Semen Strophanthididivaricati  còn gọi là dương giác nữu, đương giác ảo chứa  các chất Glucosid.
*Dương Ðề Thảo/ Emilia Sonchifolra họ cúc Compositae
*Dương San Hô/ Euphorbia tithymaloides họ thầu dầu Euphorbiaceae
*Dương Xuân Sa/ Amomun Villosum họ gừng Gingberaceae chứa saponin.
*Dương Ðào/ Averrhoacarambola.



                              Các năm Mùi  trong lịch sử

Quý Mùi (503): Ngày 12/9/503 là ngày sinh của Lý Bôn ( ? - 548), tức Lý Bí, quê ở Long Hưng. Tháng 1- 542, Lý Bí kêu gọi dân chúng khởi nghĩa chồng công quân Lương. Thứ sử Tiên Tư khiếp sợ bỏ chạy về nước. Tháng 2-544, Lý Bí xưng Lý Nam Đế. Niên hiệu là Thiên Đức, đặt tên nước là Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên. Triều Tiền Lý khới nghiệp từ đấy.

Tân Mùi (791): Năm 766, Phùng Hưng (761-802) quê Sơn Tây cùng anh em là Phùng Hải và Phùng Dĩnh phất cờ khởi nghĩa chống lại nhà Đường. Cuộc chiến đấu kéo dài 20 năm (766-789). Đến năm Tân Mùi (791), Phùng Hưng cùng các tướng chiếm được thành Tống Bình (Hà Tây), được tôn hiệu là Bố Cái Đại Vương.

Kỷ Mùi (1019): Năm sinh của Lý Thường Kiệt (1019-1105). Năm 1061, ông được cử vào trấn giữ vùng núi Thanh Nghệ hiểm trở. Năm 1077, quân Tống đem 10 vạn quân, 1 vạn ngựa chiến, cùng 20 vạn dân phu sang xâm lược nước ta. Quân giặc bị quân dân ta đánh chặn ngay từ cửa Ải Lạng Sơn. Ngày 18/1/1077, quân Tống tiến đến bờ Bắc sông Cầu và bị chặn lại hơn 2 tháng. Đến đúng lúc giặc Tống bị dồn vào tính thế khốn quẫn tại sông Như Nguyệt (Bắc Ninh), Lý Thường Kiệt ra lệnh quân dân Ðại việt tấn công, giặc Tống thua rút quân về nước.

Đinh Mùi (1427):  quân ta chém tướng Liễu Thăng ở núi Mã Yên và hơn 1 vạn quân giặc. Tướng Vương Thông hết hy vọng vào viện binh đã xin đầu hàng. Ngày 10/12/1927, Lê Lợi(1385-1433) và Nguyễn Trãi (1380-1442) cho Vương Thông đến "Hội thề Đồng Quan" chúng xin hứa không bao giờ xâm lược Đại Việt nữa.

Năm Ất Mùi (1595): Sau khi đánh bại quân nhà Mạc, Trịnh Tùng (?- 1623) khôi phục cố đô Thăng Long vào năm 1592. Năm Ất Mùi (1595), Trịnh Tùng bắt đầu tổ chức bộ mày cai trị theo quy mô của bậc đế Vương. Từ đấy bắt đầu thời kỳ vua Lê – chúa Trịnh.

Kỷ Mùi (1859): Pháp đánh chiếm Gia Định, Trương Định (1820-1864) tổ chức khởi nghĩa chống giặc ở Gò Công, Tân An, đựơc triều đình Huế giao chức lãnh binh.

Đinh Mùi (1907): Thành lập trường Đông Kinh Nghĩa Thục tại phố Hàng Đào, do việc vận động của Phan Chu Trinh(1872-1926) với các nhà Nho tiến bộ. Ông Lương Văn Can(1854-1927) làm Hiệu trưởng, giám học là ông Nguyễn Quyền và một số nhà trí thức; học giả nổi tiếng

Ất Mùi (1955): Theo Hiệp định Geneve ký ngày 20/7/1954, quy định ngày 24/4/1955, quân đội Pháp rút khỏi Quảng Ninh, ngày 13/5/1955 rút khỏi Hải Phòng cho đến ngày 16/5/1955.. Và các năm Ðinh Mùi(1967); Tân Mùi (1991) và Quý Mùi (2003)...

Lịch sử đổi thay qua các năm Mùi, con người tiến bộ theo văn minh khoa học. Có các sự tích, giai thoại và văn học viết về dê, tùy theo nhận xét của mỗi người.  Nhưng dê vẫn một đời nguyên thủy của nó.  Dù mùa xuân đến rồi qua nhanh !! 

Thứ Hai, 9 tháng 2, 2015

.Ai thở sâu thì sống lâu/ Cảnh Tú chuyển


LỢI ÍCH CỦA VIỆC HÍT THỞ                                                                                            .Ai thở sâu thì sống lâu.
                                                                 ( Elizabeth Barrett Browning)

Hít thở là sự sống. Bạn có thể nhịn ăn trong vài ngày nhưng không thể nhịn thở trong vài phút. Chỉ ngộp thở trong vài phút thôi cũng sẽ giết chết bạn.
 
1-   Khoa học đã chứng minh: đủ lượng oxy trong cơ thể sẽ giết tất cả vi trùng, vi khuẩn và vi-rút. Tiến sĩ Otto Warburg đoạt giải Nobel năm 1931 nhờ chứng minh được ung thư sẽ không phát triển trong môi trường giàu oxy. Hiện nay, giới y khoa đều biết hầu hết bệnh đau tim đều do thiếu oxy.
 Các bạn  nên chú ý về hít thở nếu muốn trẻ lâu. Lão hóa là do cơ thể bị nhiễm độc do hấp thu phải chất độc và sự hư hỏng các tế bào. Những người trẻ lâu nhờ vận động nhiều và tống chất độc ra hiệu quả. Điều đầu tiên cơ thể bạn làm để tống chất độc là kết hợp chúng với oxy.

2- Chức năng của hít thở:
-   Cung cấp oxy vào máu cho máu tuần hoàn đến não
-   Kiểm soát năng lượng sống, từ đó kiểm soát tâm trí của bạn.

3- Kiểu hít thở:
-   Nông
-   Trung
-   Sâu

4- Công dụng của hít thở:
   Tăng năng suất, tăng sinh lực, tăng sáng tạo, vui vẻ hơn,  ngăn chặn lão hóa.
Hầu hết vùng phổi của bạn nằm ở lưng. Hầu hết con người hít thở nông bằng miệng, ít sử dụng cơ hoành. Cách hít thở này khiến cơ thể chỉ sử dụng phần trên cùng của phổi nên hấp thu được một lượng nhỏ oxygen. Do đó dẫn đến bạn thiếu năng lượng sống và dễ có nguy cơ bệnh tật. Chưa kể thở bằng miệng dễ khiến hơi thở của bạn có mùi.
5-Cách Hít Thở Tối Ưu
Đây là cách hít thở đúng: một nhịp hít thở bao gồm ba phần: Hít – Giữ – Thở .
Bạn hít  bằng mũi, miệng đóng lại, thở ra cũng bằng mũi.
Hít thở theo nhịp 1-4-2. Hít vào 1. Giữ trong 4. Thở ra 2.

Khi hít vào phần bụng phồng ra để cơ hoành di chuyển xuống dưới mát xa các cơ quan nội tạng. Tưởng tượng một quả bong bóng căng phình ra.

Khi thở ra phần bụng thóp vào để cơ hoành di chuyển lên trên mát xa trái tim nhỏ bé của bạn. Tưởng tượng bụng như máy hút bụi co rút lại.

Bài tập:  Hít vào trong 5 giây. Giữ trong vòng 20 giây. Thở ra trong 10 giây.
Bạn có thể nâng số lần lên dần dần. Đạt được đến nhịp 10-40-20 là bạn đã đặt chân vào thế giới hít thở của các thiền sư thông tuệ Ấn Độ . Đừng cố gắng quá sức. Ngạt thở chết luôn. Thử mỗi ngày hít thở như vậy 3 lần, mỗi lần  10 phút. Bạn sẽ cảm thấy nguồn năng lượng của mình cuộn chảy và tâm hồn bình an. Các bạn nên tập vào buổi sáng tinh mơ khi mới thức dậy, buổi trưa khi nghỉ ngơi, buổi tối trước khi đi ngủ 10 phút.
Lần đầu tiên tập hít thở, các bạn sẽ cảm thấy năng lượng tràn đầy. Bạn sẽ cảm thấy như có một nguồn suối lạch chảy thông khắp cơ thể.
Sau 7 ngày đầu tiên tập hít thở bạn sẽ cảm nhận được sức khoẻ chuyển biến rất tốt.

6-Hơi Thở và Tâm TríBạn có để ý khi mình sợ hãi, căng thẳng, mệt mỏi, hơi thở của bạn gấp gáp và rất nông không? Bạn có để ý khi mình  thư giãn , bình tâm, bạn thở chậm và sâu hơn không? Hít thở ảnh hưởng đến tâm trí của bạn.
Thở có thể thay đổi cuộc sống của bạn.
-Nếu bạn cảm thấy căng thẳng, hãy thở. Thở sẽ làm bạn bình tâm và làm dịu những nỗi đau.
-Nếu bạn lo lắng về điều gì sắp xảy ra, hoặc vướng vào một điều đã qua, hãy thở. Thở sẽ mang bạn trở lại hiện tại.
-Nếu bạn thiếu dũng cảm và quên đi mục đích sống của mình, hãy thở.
-Nếu bạn có quá nhiều việc phải làm, hoặc bị xao lãng trong ngày làm việc, hãy thở. Thở sẽ giúp bạn tập trung vào điều quan trọng nhất bạn cần làm ngay bây giờ.
-Nếu bạn đang dành thời gian với một người bạn yêu thương, hãy thở. Thở sẽ giúp bạn cảm nhận giây phút hiện tại với người ấy, thay vì nghĩ lan man về những việc khác bạn cần làm.
-Nếu bạn đang tập thể dục, hãy thở. Thở sẽ giúp bạn tận hưởng bài tập, và nhờ vậy bạn sẽ tập được lâu hơn.
-Nếu bạn đang di chuyển quá nhanh, hãy thở. Thở sẽ nhắc nhở bạn đi chậm lại và thưởng thức đời nhiều hơn.

Chúng ta hãy thở đi. Và tận hưởng từng giây phút của đời này.
90% năng lượng của bạn nên đến từ hít thở. Thở là cách quản lý căng thẳng tốt nhất. Trên thế giới có những chuyên gia dạy về cách hít thở. Yoga cũng là một cách tập hít thở siêu hiệu quả. Cách hít thở trong bài viết nầy là cách đơn giản nhất giúp mọi người mau chóng cải thiện sức khỏe.
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Chuyện dễ nhưng lại khó !!!???
 
 
 
Chuyện về loài chim ó:
Nếu đặt một con chim ó vào trong một chiếc lồng với kích thước khoảng 2m x 25m nhưng hoàn không có nóc ,tức là phần trên được mở toang, con chim này sẽ vẫn hoàn toàn là một... tù nhân trong lồng đó.
Lý do: con chim ó luôn bắt đầu bay “chạy đà” khoảng 3- 4m đầu tiên. Không có quãng đường để chạy theo thói quen chim ó không thể bay lên và sẽ chấp nhận bị cầm tù suốt đời trong một “nhà giam” nhỏ không có mái!
 
Câu chuyện con dơi:
Một con dơi thường bay ra ngoài kiếm ăn vào buổi tối. Nó là một sinh vật nhanh nhẹn, linh lợi và bay chính xác.
Tuy nhiên nó không thể cất cánh mà lại thả người rớt xuống rồi mới bay. Nếu nó được đặt trên sàn hoặc một mặt phẳng thì nó chỉ có thể lê bước loanh quanh một cách vô vọng và tất nhiên vô dụng không thể bay đi.
Cho đến khi nó được rớt từ một độ cao nhỏ thôi là có thể tung mình bay vào không trung.
 
Câu chuyện về con ong nghệ:
Con ong nghệ, nếu bị thả vào một cái ly lớn không đậy nắp cũng sẽ ở trong ly đó cho đến chết.
Nó không bao giờ nhìn thấy đường thoát ở phía trên mà chỉ cố gắng tìm cách nào đó thoát ra qua các mặt ngang bên hoặc qua... đáy ly.
 
Và câu chuyện về con người...
 
Trong rất nhiều trường hợp, con người cũng giống như con chim ó, con dơi và con ong nghệ ở trên. Vật lộn với tất cả các vấn đề rắc rối của mình mà không bao giờ nhận ra rằng rất có thể có một giải pháp ở rất gần trước mắt vì từ lâu con người đã thường tự giam mình trong những cái lồng của thói quen, sự cố chấp, sự ích kỷ tham lam... và sự lệ thuộc vào người khác

Bảy bài học và chuyện mất đồng hồ/ Hồ Phất chuyển

Bảy Bài Học - Chiếc đồng hồ bị mất
BẨY BÀI HỌC
Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đi cùng thế giới, diễn giảng rất nhiều. Đây là 7 bài sưu tầm, đã được chọn lọc.
Những bài nào người mình chưa học được? Những bài nào bạn chưa học được? Này, bạn suy nghĩ kỹ rồi hãy trả lời nha
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA:
Học làm người là việc học suốt đời chẳng thể nào tốt nghiệp được!
1. Thứ nhất, “học nhận lỗi”.
Con người thường không chịu nhận lỗi lầm về mình, tất cả mọi lỗi lầm đều đổ cho người khác, cho rằng bản thân mình mới đúng. Thật ra không biết nhận lỗi chính là một lỗi lầm lớn.
2. Thứ hai, “học nhu hòa”.
Răng người ta rất cứng, lưỡi người ta rất mềm, đi hết cuộc đời răng người ta lại rụng hết, nhưng lưỡi thì vẫn còn nguyên. Cho nên cần phải học mềm mỏng, nhu hòa thì đời con người ta mới có thể tồn tại lâu dài được.
3. Thứ ba, " học nhẫn nhục”.
Thế gian này nếu nhẫn được một chút thì sóng yên bể lặng, lùi một bước biển rộng trời cao. Nhẫn, vạn sự được tiêu trừ. Nhẫn chính là biết xử sự, biết hóa giải, dùng trí tuệ và năng lực làm cho chuyện lớn hóa thành nhỏ, chuyện nhỏ hóa thành không.
4. Thứ tư, “học thấu hiểu”.
Thiếu thấu hiểu nhau sẽ nảy sinh những thị phi, tranh chấp, hiểu lầm.
Mọi người nên thấu hiểu thông cảm lẫn nhau, để giúp đỡ lẫn nhau. Không thông cảm lẫn nhau làm sao có thể hòa bình được?
5. Thứ năm, “học buông bỏ”.
Cuộc đời như một chiếc vali, lúc cần thì xách lên, không cần dùng nữa thì đặt nó xuống, lúc cần đặt xuống thì lại không đặt xuống, giống như kéo một túi hành lý nặng nề không tự tại chút nào cả. Năm tháng cuộc đời có hạn, biết buông bỏ thì mới tự tại được!
6. Thứ sáu, “học cảm động”.
Cảm động là tâm thương yêu, tâm Bồ tát, tâm Bồ đề; trong cuộc đời mấy mươi năm của tôi, có rất nhiều câu chuyện, nhiều lời nói làm tôi cảm động, cho nên tôi cũng rất nỗ lực tìm cách làm cho người khác cảm động.
7. Thứ bảy, “học sinh tồn”.
Để sinh tồn, chúng ta phải duy trì bảo vệ thân thể khỏe mạnh; thân thể khỏe mạnh không những có lợi cho bản thân, mà còn làm cho gia đình, bạn bè yên tâm, cho nên đó cũng là hành vi hiếu đễ với người thân.
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chiếc đồng hồ bị mất
Một lần nọ, có một người nông dân bị mất một chiếc đồng hồ trong kho thóc. Đó không phải là một cái đồng hồ thông thường bởi nó còn có giá trị về mặt tình cảm đối với ông.
Sau một thời gian dài tìm kiếm vô vọng, người nông dân phải nhờ sự trợ giúp của những đứa trẻ đang chơi bên ngoài. Ông hứa, nếu ai tìm được chiếc đồng hồ bị mất sẽ được thưởng.
Nghe thấy vậy, đám trẻ con nhanh chân chạy xung quanh kho thóc tìm kiếm. Chúng đi khắp nơi, lục tìm ở mọi chỗ, từ nơi chứa thóc đến tận cả chỗ cho gia súc ăn, nhưng vẫn không thấy. Chỉ đến khi ông đề nghị bọn trẻ dừng việc tìm kiếm thì có bé trai chạy tới và yêu cầu ông cho nó một cơ hội nữa.
Người nông dân nhìn đứa bé và nghĩ: "Tại sao lại không chứ? Sau tất cả thì cậu bé này có vẻ khá chân thành". Ông dẫn cậu bé trở lại trong kho. Một lúc sau, cậu đã chạy ra và trên tay là chiếc đồng hồ của ông. Người nông dân rất hạnh phúc và ngạc nhiên, ông hỏi cậu bé: "Làm cách nào mà cháu có được nó, sau khi tất cả các bạn khác đã từ bỏ?".
Cậu bé đáp: "Cháu không làm gì cả và chỉ ngồi im một chỗ để lắng nghe. Trong im lặng, cháu nghe thấy tiếng kim đồng hồ chạy và theo đó cháu tìm ra nó".
Sự tĩnh lặng trong tâm hồn có thể sẽ tốt hơn so với một trí não luôn hoạt động. Hãy để cho tâm trí của bạn những phút giây nghỉ ngơi, thư giãn hàng ngày. Và hãy xem, sự hiệu quả mà nó đem lại khi giúp bạn xây dựng cuộc sống hằng mong đợi của mình