Mời quý bạn xem tập truyện "Chết cho sự sống của tình yêu" của Hoàng Hạc Dưới Trăng.
Sơ lược về tác giả:
HHDT sinh năm 1964, hiện sống ở quê là xứ ngàn hoa Dalat. Ngoài việc viết văn, làm thơ, cô là người trang điểm cho phái đẹp...
*
Tiếp theo:
23 tháng 7, 2018 ·
*** CHẾT CHO SỰ SỐNG CỦA...TÌNH YÊU ***
(Tập 06)
Người ta rồi cũng phải quen dần với những điều mình phải chấp nhận. Cuộc sống trở lại bình thường sau nhiều ngày Anh thật sự trở thành một người Lính. Có chăng là những đêm không ngủ được vì nỗi nhớ trọn vẹn Chị dành cho Anh. Chị buồn nhiều hơn, buồn suốt khoảng trời của chị .
Tất cả, nhìn nơi đâu cũng đều là kĩ niệm nhớ một đời. Chị phải cố gắng để hai mẹ không nhìn thấy được niềm đau chôn giấu, nhưng chị lại không nhớ rằng. Mẹ chị, mẹ anh, cũng là những người phụ nữ đã đi qua những buồn vui, hạnh phúc và khổ đau trong chiến tranh. Hai mẹ không nhắc đến nhưng nỗi yêu thương và cảm nhận sự cô đơn nơi chị là tận cùng.
Thắm thoát đã qua mùa lá rụng rồi đến cái giá rét vào Đông của miền trung du. Người ta đang chuẩn bị cho một mùa Xuân mới. Cái tâm trạng nghĩ đến đứa con trai xa nhà trong những ngày Tết tràn lan khắp cả làng quê nước Việt. Ai cũng mong chờ và hy vọng vào sự xuất hiện bất ngờ của sự đoàn viên hiếm hoi từ người Lính.
Anh không nằm trong số họ, anh không được phép về thăm nhà để bù đắp những yêu thương xa cách, chỉ có một lá thư viết cho hai mẹ và đầy đặn quá chừng nỗi nhớ, khát khao về yêu thương Anh dành riêng cho chị trong những dòng chữ trao đến chị.
Khóc! Dĩ nhiên là khóc! Dĩ nhiên là nước mắt đong đầy, tràn trề cho những cảm xúc dồn nén lâu nay, chị không cần phải cố gắng, chị không cần phải che giấu đi yêu thương, nỗi nhớ chất ngất trong lòng. Mẹ không an ủi chị. Mẹ không vỗ về chị. Tất cả, ba người phụ nữ đã cùng nhau chia đều tâm trạng nhớ thương Anh...
Chiến tranh tàn khốc vào những ngày sau đó, những lá thư và tin tức cứ mất dần, mất dần rồi im bặt. Người ta sống trong sự nguyện cầu hằng đêm. Chị đã không còn tính nhẩm về năm tháng Anh đã xa nhà vào những đêm về sáng. Bờ tre, ngọn cỏ, ao sen, ụ rơm, giếng nước và tất cả những điều thuộc về khoảng trời riêng đã đầy đủ và tràn ngập trong ngăn kĩ niệm.
Thằng cu Út giờ đã trở thành một Bác Sĩ trong thành phố lớn, mẹ anh vào sống cùng với Út sau khi cưới vợ cho nó. Chị và Mẹ vẫn miệt mài với tất cả, với nỗi nhớ bình yên nơi quê nhà bình yên.
Cuộc sống tự nhiên trở thành tự nhiên cho tất cả. Thôi thì cứ vậy mà sống, đã yêu, được yêu và trọn vẹn tình yêu cho nhau, đối với chị, đó là điều thiêng liêng không bao giờ thay đổi. Mẹ anh mất vào một ngày cuối Thu, chị và mẹ vào thành phố để dự tang lễ, mẹ đội khăn tang với tư cách là một người em gái của mẹ Toàn.
Chị đội khăn tang với vị trí của một đứa con gái, một đứa con dâu và luôn cả phần của đứa con trai đang xa xôi biền biệt. Sống chết là quy luật của muôn đời, chị khóc không phải vì sự ra đi của mẹ, chị khóc không phải vì sự lạnh lùng vô cảm của đứa con trai thành phố. Chị khóc vì Anh đã không nhìn được mẹ mình lần cuối kể từ ngày Anh ra đi. Chị khóc vì niềm trăn trở trên gương mặt già nua của mẹ anh với sự hoài vọng về đứa con trai đang là Lính.
Cuộc sống thành phố đã làm thay đổi bản chất của người ta, hay nói đúng hơn, vị trí của một Bác sĩ đã tạo nên một khoảng cách giữa tình thân. Mẹ chị và chị được phép làm theo ý nguyện của mẹ Toàn, đem mẹ về với miền quê trung du để mẹ được nằm gần Ba và để mẹ được chờ ngày Anh trở về, cho dù là có thể Anh không còn nguyên vẹn.
Bây giờ mẹ Giàu đã có lại được người chị thân thương đã đi cùng nhau trong gần hết cuộc đời. Mỗi buổi chiều, hai mẹ con chị đến bên ngôi mộ của những người thân thương đã gặp nhau trong cuối đoạn đường đời, dọn dẹp và trò chuyện với họ, như cuộc họp mặt cuối ngày trong gia đình.
Mùa Thu vàng lần thứ tư Mẹ Giàu ngã bệnh và ra đi. Ngày cuối cùng của đám tang. Chị hoảng hốt, bần thần khi thấp thoáng từ xa cái ngạo nghễ, phong trần của một người Lính. Trái tim chị như muốn vỡ tung. Chị bàng hoàng tột cùng, lã người , không còn biết gì hết khi nhận ra... đó không phải là Anh.
Chị tỉnh dậy trong sự lo lắng của mọi người, làng quê giờ không còn đông đúc như xưa, người ta đã dần dần đến những nơi đầy đủ hơn cho cuộc sống. Anh ngồi đó, chị bắt gặp ánh mắt chăm chú đầy băn khoăn khi anh nhìn chị. Đây là hình ảnh người Lính đầu tiên thật sự xuất hiện trước mặt chị trong thời khắc của chiến tranh. Một người chị không quen biết, nhưng sao lại cảm thấy thân thương quá đổi, có phải chăng Anh Tân của chị cũng vậy, có phải chăng vì cái nét khắc khổ hằn sâu nơi cuộc sống chiến trường đã hình thành một sự thân quen cố hữu; có phải chăng những dồn nén yêu nhớ về người yêu, người vợ, gia đình đã tạo nên một nét khát khao, trân trọng về cái hạnh phúc nếu mình có được. Có phải chăng sự hy sinh không so đo, không toan tính trước những giờ phút sinh tử cho cuộc sống và danh dự của một dân tộc, đã trở thành nét hiên ngang, cang trường nơi tất cả những người Lính, có phải chăng... tất cả những điều phải và không phải, đã cho chị cảm giác thân thuộc và trân trọng từ nơi anh, từ cái người đang ngồi đó trong bộ quân phục cũng ngổn ngang tâm sự.
Mọi người đưa mẹ Giàu đên nơi an nghĩ cùng với tất cả những người thân thương làng xóm đã ra đi, chị có cảm giác Ba, Mẹ Toàn và tất cả những linh hồn nơi ngôi mộ rộng lớn đang chờ đón mẹ Giàu. Thắp một nén nhang cuối cùng trước khi về nhà, chị nói khẽ với anh đang đứng bên cạnh.
_Đây là mẹ của anh Tân.
Anh cúi đầu trước người đã mất, lẫm nhẫm với mẹ điều gì đó. Anh và chị trở về nhà khi mặt trời đã lên hẵn khỏi bờ tre .
_Đây là tất cả những gì Tân để lại hôm ấy...
Anh trao cho chị cái ba lô của người Lính. Chị lịm ngắt trái tim , chị không ngỡ ngàng vì chị đã sẵn sàng cho điều này từ rất lâu. Nước mắt không rơi. Chị nuốt gọn vào lòng sự hờn trách về những lời hứa hẹn của Anh trước lúc ra đi. Chị không nhìn vào khoảng trống mênh mông trước mặt. Im lìm, câm nín hoàn toàn. Thời gian bao lâu không biết, nhưng chắc chắn nó không dài như nỗi nhớ mong, chờ đợi...
_Anh có thể giúp em sửa soạn bàn thờ được không? Anh có thể giúp em vững vàng trong lúc này được không? Em muốn đặt Anh ấy lên bàn thờ trong ngày hôm nay cùng với mẹ em. Cuối cùng thì Anh ấy cũng đã được đoàn tụ cùng với gia đình mình.
Thế nào là sự từ chối cho một tình cảm cao đẹp như vậy, không và không. Người lính can đảm là thế. Hiên ngang là thế. Can trường là thế... vậy mà không thể nào ngăn được những giọt nước mắt trước một người phụ nữ yếu đuối, mỏng manh nhưng lại chai lì cảm xúc vì những đau thương, mất mát quá lớn trong thời chiến.
_Anh sẽ giúp em. Gọi anh là Nam.
_Vậy mình bắt đầu nhe anh Nam.
Chị đi ra sân trước, với tay cắt những cành hoa khế. Chị nhủ thầm. HẠNH PHÚC MÃI MÃI TỒN TẠI TRONG CHÚNG TA, CHO DÙ CHỈ LÀ TRONG NỖI NHỚ PHẢI KHÔNG ANH? Đó là lời hai Mẹ đã luôn luôn nói với Chị. và bây giờ chị đã có thể hiểu và cảm nhận được.
Nắng vẫn rộn ràng nơi làng quê yên tĩnh. Sóng gió cuộc đời, sóng gió trong lòng rồi cũng sẽ đến hồi bình yên. Cắt thêm đóa sen hồng trước mặt, AI RỒI SẼ NÓI CHO CHỊ NGHE RẰNG EM DỊU DÀNG, ĐẰM THẮM VÀ TINH KHIẾT NHƯ MẸ VÀ NHƯ SEN . Sự mòn mỏi chờ đợi sẽ không còn , nhưng TÌNH YÊU, NHỚ THƯƠNG, HẠNH PHÚC SẼ MÃI MÃI LẮNG ĐỌNG TRONG TÂM HỒN CỦA CHỊ, Cho dù cuộc đời rồi sẽ ra sao...
Dalat 26/02/2018 ( hết tập 06)
_Hoàng Hạc Dưới Trăng_
*
Ảnh tác giả Hoàng Hạc Dưới Trăng.