Thứ Sáu, 28 tháng 5, 2021

Giã vợ, thơ Cụ Phan Thanh Giãn/ Bình thơ Ngân Triều

 Chủ nhật, 20 tháng 10 năm 2013.

Mời qúy bạn đọc lại một bàì thơ xưa, "Giã vợ đi làm quan”, Tác giả Phan Thanh Giản; Lời bình Ngân Triều Hậu Nghĩa.[Bài đăng lại]
Thay lời giới thiệu:
Tôi còn nhớ năm học lớp Đệ Thất (1956-1957), Ba Má tôi đưa tôi lên học Trường Trung Học Lê Văn Trung, Tây Ninh, ở trọ nhà một người bà con; cũng như nhiều anh chị khác ở Hậu Nghĩa; đất thánh Cao Đài Tây Ninh hiền hòa và Trường Trung Học Lê Văn Trung bấy giờ gồm những bậc Thầy Cô danh tiếng và chi phí ăn học phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình.
Nhớ có lần trong giờ Giảng Văn, lần đầu tôi được nghe Thầy Nguyễn Văn Luật, giảng một bài thơ rất hay trong sách Giảng Văn lớp Đệ Thất của Giáo sư Phan Ngô. Đó là bài thơ “Giã vợ đi làm quan” của Cụ Phan Thanh Giản.
Nhớ nhớ, quên quên cũng hơi nhiều, nay xin được cùng quý bạn, đọc lại một bài thơ xưa, cách nay 187 năm (2013-1826)...
Bài thơ
Giã vợ đi làm quan
Phan Thanh Giản
Từ thuở vương xe mối chỉ hồng,
Lòng nầy ghi tạc có non sông.
Đường mây cười tớ ham dong ruổi,
Trướng liễu thương ai chịu lạnh lùng.
Ơn nước, nợ trai đành lỗi bậu,
Cha già nhà khó cậy nhau cùng.
Mấy lời dặn nhủ khi lâm biệt,
Rằng nhớ, rằng quên, lòng hỡi lòng.
*
Bản chữ Nôm, Ngân Triều soạn
啫 婦 𠫾 濫 官
潘 清 簡
自 課 𥿁 𦀺 䋦 𥿗 紅
𢙱 尼 記 昨 固 𡽫 滝
塘 𩄲 唭 伵 歆 搈 𨇒
帳 栁 傷 埃 𠹾 沒 𨉓
恩 渃 嫧 𤳆 停 耒 倍
吒 𦓅 茄 苦 𢚁 饒 共
買 唎 吲 喻 欺 臨 别
浪 𢖵 浪 悁 𢙱 唉 𢙱
Bài thơ trên được sáng tác trong lúc từ giã vợ, chuẩn bị lên đường ra kinh kỳ làm quan, (Có thể được sáng tác vào năm 1826, lúc Phan Thanh Giản 30 tuổi), biểu đạt lời từ giã ân tình với vợ trước lúc ra đi và nỗi lòng của tác giả.
Sơ lược tiểu sử cụ Phan Thanh Giản (1796-1867)
[1].Cụ Phan Thanh Giản 潘 清 簡, (1796 – 1867)
Hình chụp tại Paris năm 1863
nhân dịp ông dẫn đầu sứ bộ sang Pháp, xin chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ [10]
Phan Thanh Giản潘清簡; 1796 - 1867), tự Tĩnh Bá 靖伯, Đạm Như (淡如), hiệu Lương Khê 梁谿; biệt hiệu Mai Xuyên 梅川 là một danh sĩ, một đại thần triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam.
[2]. Thân thế và sự nghiệp
Phan Thanh Giản xuất thân trong một gia đình nghèo khổ. Tương truyền tổ phụ Phan Thanh Giản là Phan Thanh Tập, hiệu Ngẫu Cừ, sống thời nhà Minh[11] . Sau khi nhà Minh bị nhà Mãn Thanh tiêu diệt, Phan Thanh Tập di cư sang phủ Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định (Việt Nam). Nơi đây ông cưới vợ tên Huỳnh Thị Học, sinh được một trai tên là Phan Thanh Ngạn tục gọi là Xán.
Năm 1771, gia đình ông Ngạn vào Nam tạm cư ở Thang Trông, thuộc tỉnh Định Tường Sau đó lại dời về Mân Thít, trấn Vĩnh Thanh (thuộc Vĩnh Long ngày nay), rồi lại dời về ở huyện Bảo An, phủ Hoằng Trị, cũng thuộc tỉnh Vĩnh Long. Cuối cùng ông Ngạn đến lập nghiệp tại thôn An Hòa, làng Tân Thạnh, huyện Vĩnh Bình, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thạnh (nay là xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre).
Ở đây, ông cưới người vợ tên Lâm Thị Bút. Ngày 11 tháng 11 năm 1796, bà hạ sinh được một trai tên Phan Thanh Giản. Năm Phan Thanh Giản lên 7 (1802), thì mẹ qua đời, cha cưới người vợ nữa tên Trần Thị Dưỡng để có người chăm sóc con. Bà mẹ kế này rất thương yêu con chồng. Đến tuổi đi học, ông theo học với nhà sư Nguyễn Văn Noa ở chùa làng Phú Ngãi.
Năm 1815, vì sự cáo gian của kẻ có thù riêng với gia đình[12] , cha Phan Thanh Giản lúc ấy đang làm Thủ hạp (một viên chức nhỏ), phải ngồi tù.
Nóng lòng vì cha bị hàm oan, ông đệ đơn lên Hiệp trấn Lương (không rõ họ) ở Vĩnh Long xin được thay cha vào tù. Cảm động trước tấm lòng hiếu thảo, viên quan này đã cho ông ở gần nơi cha bị giam cầm, để vừa trao giồi kinh sử, vừa có cơ hội thăm cha mỗi ngày[13] . Sau khi cha được mãn tù, nghe lời Hiệp trấn Lương, Phan Thanh Giản ở lại Vĩnh Long để tiếp tục học và chờ đợi khoa thi. Tại đây, ông gặp một người đàn bà nhân hậu tên Ân. Bà này đã giúp ông tiền và cơm, áo...để tiếp tục theo đuổi việc đèn sách.
[3]. Ra làm quan
Chân dung Cụ Phan Thanh Giản (Tranh truyền thần)
Năm 1825, ông đậu Cử nhân khoa Ất Dậu. Sau đó một năm, ông đậu Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ khoa Bính Tuất niên hiệu Minh Mạng thứ 7 (1826), vào năm 30 tuổi. Ông là người đậu Tiến sĩ khai khoa (đầu tiên) ở Nam bộ.
Từ đấy, ông làm quan trải ba triều, là Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức.
Năm 1858, liên quân Pháp-Tây Ban Nha đổ bộ và tấn công tại cửa biển Đà Nẵng rồi lần lượt đánh chiếm các tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Ông Phan Thanh Giản với vai trò là Chánh sứ và Lâm Duy Hiệp là Phó sứ được cử đi điều đình với Pháp, sau đó đại diện cho triều đình Tự Đức ký kết hiệp ước hòa bình và hữu nghị Hòa ước Nhâm Tuất ngày 5 tháng 6 năm 1862 tại Sài Gòn.
Hiệp ước gồm 12 khoản, theo đó, ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường và đảo Côn Lôn (Côn Đảo) được nhượng cho Pháp (Khoản 3 Hiệp ước); triều đình phải trả cho Pháp và Tây Ban Nha một khoản bồi thường chiến phí là 4 triệu piastres trong 10 năm, mỗi năm 400.000 đồng (quy ra bạc là 288 nghìn lạng - Khoản 8 hiệp ước); đổi lại, người Pháp sẽ trả lại tỉnh Vĩnh Long cho triều đình Huế, nhưng kèm theo điều kiện là triều đình phải có biện pháp chấm dứt các cuộc khởi nghĩa chống lại người Pháp ở các tỉnh (Khoản 11 hiệp ước). Do hành động này mà dân gian có câu truyền "Phan Lâm mãi quốc, triều đình thí dân"[14] Theo nhà sử học Phan Huy Lê, nguồn gốc và xuất xứ của câu này chưa được làm rõ, theo ông câu này không thấy ghi chép lại trong những tác phẩm viết về Trương Định của những tác giả đương thời, như Nguyễn Thông.
Tuy việc thương nghị với Pháp, vua Tự Đức có cho ông tùy nghi tình thế mà định đoạt nhưng về việc cắt đất, nhà vua có căn dặn Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp ráng sức chuộc lại ba tỉnh với giá 1.300 vạn lạng, còn nếu phía Pháp đòi cắt đất luôn thì kiên quyết không nghe, nhưng Phan Thanh Giản đã phải cắt đất lại còn bồi thường chiến phí. Do đó mà hai ông khi trở về đã bị quở trách nặng nề [15] .
Việc chuộc ba tỉnh không thành, Phan Thanh Giản bị cách lưu làm Tổng đốc Vĩnh Long, nhưng rồi lại được cử làm Chánh sứ (Phó sứ là Phạm Phú Thứ và Ngụy Khắc Đản) sang nước Pháp để điều đình một lần nữa về việc chuộc lại ba tỉnh miền Đông (1863), nhưng cũng không đạt được kết quả. Năm 1865, ông được phục chức Hiệp biện đại học sĩ, Hộ Bộ thượng thư, sung Kinh lược sứ ba tỉnh miền Tây (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên) và được tha tội cách lưu.
Ngày 20 tháng 6 năm 1867, Pháp đánh chiếm Vĩnh Long (vốn đã được trao trả triều đình Huế ngày 25 tháng 5 năm 1863), yêu cầu ông gửi mật thư cho thủ thành An Giang và Hà Tiên buông súng đầu hàng. Trước sức mạnh áp đảo của Pháp về mặt quân sự, biết thế không thể giữ nổi, để tránh đổ máu vô ích, Phan Thanh Giản đã quyết định trao thành, không kháng cự, với yêu cầu người Pháp phải bảo đảm an toàn cho dân chúng. Thế là chỉ trong 5 ngày (20-24 tháng 6 năm 1867), Pháp chiếm gọn ba tỉnh miền Tây không tốn một viên đạn. Sau khi thành mất ông tuyệt thực suốt 17 ngày, rồi uống thuốc độc tự tử vào ngày 4 tháng 8 năm 1867, hưởng thọ 72 tuổi.
Đền thờ Phan Thanh Giản hiện ở ấp Thạnh Nghĩa, xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, Bến Tre. Và từ rất lâu, nhân dân ở vùng núi Ba Thê, thuộc huyện Thoại Sơn tỉnh An Giang vẫn coi ông là một vị thần Thành Hoàng. Ngoài ra ông còn được thờ tại Văn Thánh Miếu Vĩnh Long
[4]. Nhận định về Phan Thanh Giản
Mộ Cụ Phan Thanh Giản
Phan Thanh Giản được nhiều người kính trọng vì tính cương trực, khẳng khái, hiếu nghĩa, thanh liêm [16] . Tuy nhiên, trong cơn nước biến, thái độ ôn hòa của ông khiến không ít người đã phàn nàn. Tháng 11 năm 1868, vì làm mất Nam Kỳ, triều đình Huế đã xử ông án "trảm quyết" (nhưng vì chết nên được miễn), lột hết chức tước và cho đục bỏ tên ông ở bia tiến sĩ. Mãi đến 19 năm sau (1886) ông mới được vua Đồng Khánh khôi phục nguyên hàm Hiệp tá đại học sĩ và cho khắc lại tên ở bia tiến sĩ. .[17]
Ngược lại, cũng có nhiều trí thức đương thời đã tỏ lòng thông cảm cho ông. Như Nguyễn Thông đã từng dâng sớ lên vua Tự Đức để giải bày nỗi oan cho ông. Và nhà thơ đương thời Nguyễn Đình Chiểu cũng đã tỏ thái độ thương tiếc, trân trọng ông qua bài thơ điếu:
Minh tinh chín chữ lòng son tạc,
Trời đất từ nay mặc gió thu.[18]
Trong bài " “Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh”, một lần nữa Nguyễn Đình Chiểu lại nêu cao tinh thần yêu nước của Phan Thanh Giản:
“Phải trời cho cán quyền phá lỗ, Trương tướng quân còn cuộc nghĩa binh
Ít người đặng xem tấm bảng phong thần Phan học sĩ hết lòng mưu quốc”[19] .
Hai con trai của ông, Phan Tôn (1837 - 1893), Phan Liêm (1833 - 1896), nổi lên chống Pháp tại tỉnh Vĩnh Long.
Một sĩ quan Pháp là Reunier, người đã từng tham gia chiến tranh ở Trung Quốc và Nam Kỳ, đã nhận xét về ông như sau:
“Sống trong 4 tháng gần vị lão thành cao thượng ấy, chúng tôi có thể đánh giá các đức tính của ông ta...trong thời gian vượt biển này (chuyến đi sứ sang Pháp) ông không ngớt được khuyến khích bởi lòng nhiệt thành ái quốc của ông, và thúc đẩy bởi nguyện vọng thực hiện được công chuyện hữu ích cho nước nhà”...[6]
Năm 1963, hành động giao nộp ba tỉnh miền Tây, được Trần Huy Liệu đem ra bàn luận, và đã kết tội ông là kẻ "bán nước"[20].
Sau 1975, nhiều đường phố ở miền Nam Việt Nam mang tên Phan Thanh Giản đã bị đổi thành tên khác.
Cho tới những ngày đầu năm 2008, Viện Sử học Việt Nam mới thống nhất kết luận rằng :
"Phan Thanh Giản là người nổi tiếng về đạo đức, có nhiều đóng góp trong lịch sử dân tộc; nên đề nghị tôn vinh ông, cho khôi phục, tôn tạo những di tích và những gì gắn liền với ông";
và nhận định nầy đã được các giới có thẩm quyền chấp thuận...
Trong sách Đi & ghi nhớ của Sơn Nam (xuất bản năm 2008), một lần nữa, nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản lại được đề cập trong một đoạn viết như sau:
Hồi xưa, lúc còn nhỏ, tôi (lời thuật của một giáo viên lớn tuổi đi cùng với Sơn Nam) được dạy cẩn thận, khi đi ngang qua miếu Văn Thánh, học trò phải giở nón, cúi đầu để chào ông Phan. Chào ông Phan, (được xem như) là lời thề rửa hận cho ông, chớ không phải để bắt chước ông...
Người có công nghiên cứu về Phan Thanh Giản là Lê Thọ Xuân, đăng báo Đồng Nai đâu từ năm 1931...với những chi tiết thú vị. Tuy làm quan to nhưng ông tự xem mình như người dân thường ở nông thôn, đối xử như người bình dân, không bao giờ phô trương quyền lực.
Xin đề nghị: Trong chương trình Sử học cho học sinh, nên có một bài nói về ông, đủ lý đủ tình...Ông đã để lại cho đời sau một chút gì khó quên, khó xóa nhòa, gọi là tâm linh, phóng khoáng, thơ mộng.
Tác phẩm
Phan Thanh Giản là một nhà văn lớn với nhiều tác phẩm giá trị.
• Lương Khê thi thảo
• Lương Khê văn thảo
• Sứ Thanh thi tập
• Tây phù nhật kí
• Ước Phu thi tập
• Tích Ung canh ca hội tập
• Sứ trình thi tập
Việt sử thông giám cương mục (Chủ biên)
• Minh Mạng chính yếu (Chủ biên).
• Thoái thực ký văn 退 食 記 聞
• Giá viên thi văn tập 蔗 園 詩 文 集
• Tây phù thi thảo 西 浮 詩 草 (sáng tác lúc đi sứ sang Pháp)
*.
Sách tham khảo
• GS. Trịnh Vân Thanh, Thành ngữ điển tích danh nhân từ điển(tập 2). Nxb. Hồn thiêng, Sài Gòn, 1966.
• Nguyễn Huệ Chi, trong Từ điển văn học (bộ mới). Nxb. Thế giới, 2004.
*
[5]. Lời bình: Ngân Triều:
Trước hết, xin đọc lại hai câu đề: Hồi tưởng và tỏ lòng:
Từ thuở vương xe mối chỉ hồng,
Lòng nầy ghi tạc có non sông.
自 課 𥿁 𦀺 䋦 𥿗 紅
𢙱 尼 記 昨 固 𡽫 滝
“Hồi tưởng” là nhớ lại những sự việc đã qua. “Mối chỉ hồng” là duyên nợ vợ chồng đã được định trước bởi Ông Tơ xe duyên ,(Nguyệt Lão), hay chuyện xích thằng (sợi chỉ hồng):
Chuyện xích thằng 赤繩傳 là chuyện sợi chỉ đỏ mà “nguyệt hạ lão nhân” 月 下 老 人 ông già dưới trăng, xe duyên cho các cặp trai gái trên thế gian đẹp duyên giai ngẫu, thành vợ, thành chồng. [21]
“Ghi tạc”: Ghi là lưu giữ một nội dung, một kỷ niệm nào đó bằng dấu hiệu, cách riêng hay chữ viết. Tạc: tạo ra một hình dạng ba chiều, hình khối thẩm mỹ. Ghi tạc là khắc sâu trong tâm trí, mãi mãi không bao giờ quên. “Non sông”, núi và sông, tiêu biểu cho mối tình bền vững như núi, dài như sông.
Hai câu đề ý nói :
Nhớ lại chuyện đôi ta đã thành duyên giai ngẫu, chuyện tơ duyên trăm năm đó, lòng nầy xin ghi tạc mãi mãi cùng non sông.
Sang 4 câu thực-luận: Những lý do phải xa nhau, thương người ở lại và dặn nhủ:
Đường mây cười tớ ham dong ruổi,
Trướng liễu thương ai chịu lạnh lùng.
Ơn nước, nợ trai đành lỗi bậu,
Cha già nhà khó cậy nhau cùng.
塘 𩄲 唭 伵 歆 搈 𨇒
帳 栁 傷 埃 𠹾 沒 𨉓
恩 渃 嫧 𤳆 停 耒 倍 (咆)
吒 𦓅 茄 苦 𢚁 饒 共
“Đường mây” chữ Hán là “vân lộ”, chỉ đường làm quan, khởi đầu từ việc thi đỗ.[22] “Dong ruổi” hay rong ruổi là mãi đi trên con đường dài cho mục đích nhất định. “Trướng liễu”[23], bức màn che cửa phòng người con gái ngày xưa, hoặc bức màn có thêu hoặc vẽ hình cây liễu. Phải chăng tác giả đã thay lời cho vợ mình, vợ chồng còn trẻ trung, phơi phới Xuân tình ...mà phải cách xa:
Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc
Hối giao phu tế mịch phong hầu[24]
“Nợ trai” Chữ Hán là “nam nhi trái” 男 兒 債 “cái nợ của người con trai ở đời” do tích ngày xưa bên Tàu,mỗi khi sinh con trai, phải dùng cây cung bằng nhánh cây dâu, lấy 6 cộng cỏ bồng làm tên bắn đi 6 hướng, cầu mong cho đứa bé khi lớn lên có chí vẫy vùng, tung hoành ngang dọc của người con trai thời phong kiến.[25]
“Bậu”[26] ( 倍), phương ngữ, lời xưng hô thân mật của chồng gọi vợ hoặc người con trai gọi người con gái. Người con trai tự xưng mình là “qua”, [27] 𦨜
Ví dầu bậu (倍)đó qua (𦨜)đây,
Chẳng cho qua lại một giây giải sầu.
(Ca dao Nam Bộ)
Hay là:
Ví dầu tình bậu (倍) muốn thôi,
Bậu gieo tiếng dữ, cho rồi bậu (倍) ra.
Ca dao Nam Bộ
Nàng đừng cười ta mải miết theo đường công danh. Ta vẫn thương nàng phải chịu lạnh lùng, phòng loan lẻ bóng. Vì phải đáp đền ơn nước, phải trả nợ với núi sông, nợ trai, ta đành phải lỗi hẹn với nàng.
Xin nàng hãy phụng dưỡng phụ thân, “cha già”, gia cảnh hàn vi, “nhà khó” ta xin nhờ nàng giúp đỡ thay ta vậy, “cậy nhau cùng”.
Cặp thực - luận đối nhau thật hoàn chỉnh, ý thơ rất chân thực, thiết tha, hàm súc. Một câu nói về mình, một câu nói về người vợ, cụ bà khi ấy, chắc là rất xinh đẹp, tần tảo, đảm đang.
Việc tuân hành lệnh vua truyền, quả là một việc của tổ quốc giao phó, một việc chẳng đặng đừng:
“Sứ trời sớm giục đường mây,
Phép công là trọng, niềm tây sá nào!”
(CPNK – Đoàn Thị Điểm – câu 11,12)
Vậy nàng hãy thông cảm cho ta!
Hai câu kết: Nỗi lòng tác giả:
Mấy lời dặn nhủ khi lâm biệt,
Rằng nhớ, rằng quên, lòng hỡi lòng!
買 唎 吲 喻 欺 臨 别
浪 𢖵 浪 悁 𢙱 唉 𢙱
“Dặn nhủ”, nói lên những điều cần thiết để làm theo bằng một thái độ ân cần, tha thiết.
“Lâm biệt” , 臨 别 là sắp sửa rời xa nhau, có nghĩa như lâm hành 臨 行, trong lúc chia ly:
Thuở " lâm hành" oanh chưa bén liễu,
Hỏi ngày về ước nẻo quyên ca.
Nay quyên đã giục oanh già,
Ý nhi lại gáy trước nhà líu lo.
(CPNK – Đoàn Thị Điểm, câu 125-128)
Thôi thì ta ra đi, nàng ở lại nhà. Những lời "dặn nhủ", xin nàng chớ quên.
Người ra đi tuy tỏ ra rất khẳng khái nhưng người đọc cảm thấy có chút gì đó rất lưu luyến và rất mực ân tình đối với người ở lại. "Lòng nầy" ở câu 2 (tác giả) và "lòng hỡi lòng", câu cuối (người vợ hiền), chứa chan những tình cảm đằm thắm trong tình nghĩa vợ chồng.
Nói về mình không phải dễ, nhưng Cụ Phan Thanh Giản đã thể hiện những sâu kín của lòng mình. Những lời thơ đời thường, gợi tả như thế, thật là những lời lẽ của một nhân cách đôn hậu, ân tình.
Ngân Triều Hậu Nghĩa
***
Ghi chú theo foot notes:
[10]Ba tỉnh miền Đông là Biên Hòa, Gia định và Định Tường; Ba tỉnh miền Tây là Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Đó là lục tỉnh Nam kỳ. Thời thuộc Pháp, Nam kỳ được chia thành 21 tỉnh: Gia Định, Châu Đốc, Hà Tiên, Rạch Giá, Trà Vinh, Sa Đéc, Bến Tre; Long Xuyên, Tân An, Sóc Trăng, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Biên Hòa, Mỹ Tho; Bà Rịa, Chợ Lớn, Vĩnh long, Gò Công, Cần Thơ, Bặc Liêu, Cap Saint Jacques. Ghi theo ba câu thơ dễ nhớ:
Gia Châu Hà Rạch Trà Sa Bến,
Long Tân Sóc Thủ Tây Biên Mỹ,
Bà Chợ Vĩnh Gò Cần Bạc Cấp.
[11] Phan Thanh Giản (1796 – 1867). Trang chủ chính thức tỉnh Vĩnh Long. Truy cập ngày 6 tháng 3, năm 2008.
[12] Theo GS. Trịnh Vân Thanh, sách dẫn bên dưới. Còn website tỉnh Vĩnh Long thì cho biết: "Phan Thanh Ngạn, đang làm thủ hiệu Phòng Công chánh Vĩnh Long bị lỗi vì chuyện thuế má phải chịu một năm tù"
. [13] Tập san Sử Địa, số chuyên khảo về Phan Thanh Giản, tr 914.
[14] Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp bán nước; triều đình bỏ dân chúng.
.[15] Năm 1852, Phan Thanh Giản được vua Tự Đức ban thưởng một tấm kim khánh trên khắc 4 chữ: "Liêm, Bình, Cần, Cán"
[16] Theo Đại Nam thực lục, t.37, Hà Nội 1997, tr.223, 225.6.
[17]Tường Chân (1 tháng 5 năm 2005). “Xuân thanh bình đầu tiên và mãi mãi”. Báo Tuổi Trẻ. Truy cập ngày 2 tháng 9 năm 2009.9.
[18] Nguyên văn bài điếu Phan Thanh Giản của Nguyễn Đình Chiểu:
Bài điếu thứ hai là thơ Nôm:
Non nước tan tành hệ bởi đâu?
Dàu dàu mây bạc cõi Ngao châu
Ba triều công cán đôi hàng sớ
Sáu tỉnh cương thường một gánh thâu
Trạm Bắc ngày chiều tin điệp vắng
Thành Nam đêm quạnh tiếng quyên sầu
Minh tinh chín chữ lòng son tạc
Trời đất từ nay mặc gió Thu.
nguồn: Phạm Thị Hảo
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 463
Có tài liệu ghi câu cuối là: Trời đất từ nay “bặt” gió Thu.
Mặc gió Thu, chắc là hợp lý vì Gió Thu là gió từ phương Tây, ám chỉ giặc Tây. Suy ra, trời đất từ nay mặc cho gió Thu; mặc cho giặc Tây hoành hành.
[19] Câu trên Câu trên ca ngợi tướng quân Trương Định và đau lòng trước sự hy sinh của ông, trước sự thất thế của nghĩa quân.
Câu dưới là khen Phan Thanh Giản với ít nhiều chê bai. (theo Phạm Thị Hảo, sđd bên trên.
[20] “Con Đường Cổ Thụ”. Việt Báo. 27 tháng 1 năm 2003. Truy cập ngày 2 tháng 9 năm 2009.10.
Xem thêm11. ^ Sơn Nam, Đi & ghi nhớ, Tạp chí Xưa & Nay – Nxb Văn hóa Sài Gòn, 2008, tr. 152-153.
[21] Tích Vi Cố đời Đường (618-907), một nho sinh tài hoa lỗi lạc. Nhân đi dạo trong một đêm trăng sáng, chàng gặp một ông già đang xe những sợi chỉ đỏ, bỏ vào trong một quyển sách thật to. Thấy lạ, chàng liền lễ phép hỏi cớ sự, mới biết ông lão là một vi thần định trước nhân duyên cho trai gái ở thế gian… Thật sững sờ khi biết mình sẽ có một người vợ, hiện là con gái của lão ăn mày mù dưới chợ. Một bé gái, khoảng 3 tuổi xấu xí, dơ bẩn, rách rưới, đang ngồi khóc vì đói rét ở một góc chợ hôi hám. Bất nhẫn sinh ác, chàng liền thuê bọn côn đồ thủ tiêu bé gái…những mong thoát khỏi thiên cơ…và có tiền việc đó xong ngay…
Mười lăm năm sau, Vi Cố mới đỗ Thám Hoa, được một người vợ trẻ đẹp như tiên nga, ái nữ của một vị quan to... Một hôm, tan chầu về nhà, vợ đang gội đầu, chàng đến giúp thì thấy trên đầu vợ, ẩn sau mớ tóc đen tuyền, bóng mượt, có một cái sẹo to…Lời thuật lại của vợ làm Vi Cố vỡ lẽ. Người vợ, cô bé xấu xí ngày xưa, do ông nguyệt lão xe tơ, chàng đã cho thủ tiêu hòng cải lại “duyên thiên”… và người vợ hiện thời, chỉ là một... Mới biết chuyện gì, trời đã định thì không bao giờ thoát khỏi.
[22] Thời phong kiến, kẻ sĩ phải thi đỗ Tiến sĩ hoặc Cử nhân mới được ra làm quan.
[23] liễu, cây liễu, với cái dáng thướt tha,yểu điệu, chỉ người phụ nữ .
[24] Bài “Khuê oán” 閨 怨 của Vương Xương Linh ( ? – 756?) 王 昌 齡 có câu:
Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc
Hối giao phu tế mịch phong hầu
忽 見 陌 頭 楊 柳 色
侮 教 夫 婿 覓 封 候
“Chợt thấy đầu đường màu dương liễu xanh tươi tốt,
Hối tiếc đã khuyên chồng đi lập công danh để được phong tước hầu”
Dịch thơ:
“Lúc ngoảnh lại ngắm màu dương liễu,
Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong.
(CPNK – Đoàn Thị Điểm: câu 297-298)
[25] Nguyên văn: “Tang bồng hồ thỉ nam nhi trái” ( 菶 弧 矢 男 兒 債)
Tang bồng hồ thỉ là cái nợ của kẻ làm trai.
[26] Bậu: 倍, là cái bậu cửa, chỉ người con gái.
[27] Qua:𦨜, nghĩa là vượt qua như qua sông, chỉ chàng trai.
*
Ảnh minh họa:
1-Ảnh cụ Phan Thanh Giản lúc đi sứ sang Pháp, Paris 1863.
2- Chân dung ảnh truyền thần.
3- Mộ cụ Phan Thanh Giản
*Xin cáo lỗi, có 1 số chữ, FB ko chịu nhận.
Xuan Ta, Hoa Thuong và 14 người khác
7 bình luận
Thích
Bình luận
Chia sẻ

Thuật hoài, Đặng Dung/ Một tiếngthan xé lòng của người anh hùng trên bước đường cùng. Bình thơ, Ngân Triều


 Mời quý bạn xem một bài thơ hùng tráng của Đặng Dung, người anh hùng không gặp thời.

*
Đã hẳn rằng ai nhục, ai vinh?
Mấy kẻ biết anh hùng khi vị ngộ.
Có những lúc mưa dồn sóng vỗ,
Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong.
Chí những toan xẻ núi, lấp sông,
Làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ.
Chí làm trai, Nguyễn Công Trứ
Thuật hoài
Đặng Dung ( ? – 1414 )
Thế sự du du nại lão hà?
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca.
Thời lai đồ điếu thành công dị,
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa.
Trí chủ hữu hoài phù địa trục,
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà.
Quốc thù vị phục đầu tiên bạch
Kỷ độ Long Tuyền đái nguyệt ma.
Bản chữ Hán
述 懷
鄧 容 ( ? – 1414)
世 事 悠 悠 奈 老 何 ? (1)
蕪 窮 天 地 入 酣 歌
時 來 屠 釣 成 功 易 (3)
運 去 英 雄 飮 恨 多
致 主 有 懷 扶 地 軸 (5)
洗 兵 無 路 挽 天 河
國 讎 未 复 頭 先 白 (7)
幾 度 龍 泉 帶 月 磨
Dịch nghĩa:
( 1 ) Việc đời bối rối (dằng dặc) mà ta đã già thì biết làm thế nào?
( 2 ) (Phải chăng) Trời đất mênh mông, (như) hòa nhập trong tiếng hát say!
( 3 ) Gặp thời, kẻ mổ heo, người kiếm cá đều dễ thành công.
( 4 ) Lỡ vận, người anh hùng đành phải nuốt hận nhiều,
( 5 ) Giúp Chúa những mong xoay (thay đổi) trục đất
( 6 ) (Tiếc rằng) Chuyện rửa giáp binh , không còn cách nào, để kéo sông Trời.
( 7 ) Thù nước trả chưa xong , đầu đã bạc,
( 8 ) Biết bao phen rồi, ta mài mài kiếm Long Tuyền dưới ánh trăng!
國 讎 未 复 頭 先 白
幾 度 龍 泉 帶 月 磨
Quốc thù vị phục đầu tiên bạch
Kỷ độ Long Tuyền đái nguyệt ma.
Các bản dịch thơ:
Bản dịch của Phan Kế Bính
Việc đời bối rối tuổi già vay ?
Trời đất vô cùng một cuộc say.
Bần tiện gặp thời, lên cũng dễ;
Anh hùng lỡ bước ngẫm càng cay.
Vai khiêng trái đất mong phò chúa,
Giáp gột sông trời khó vạch mây.
Thù trả chưa xong đầu đã bạc,
Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày !
Phan Kế Bính dịch,
Đại Nam nhất thống chí (Đông Dương tạp chí, số 116)
Bản dịch của Tản Đà:
Việc đời man mác, tuổi già thôi!
Đất rộng, trời cao chén ngậm ngùi.
Gặp gỡ thời cơ may những kẻ,
Tan tành sự thế luống cay ai!
Phò vua bụng những mong xoay đất,
Gột giáp sông kia khó vạch trời.
Đầu bạc giang san thù chửa trả,
Long Tuyền mấy độ bóng trăng soi!
Tản Đà dịch
***
Sơ lược tiểu sử Đặng Dung:
Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Đặng Dung 鄧容, (? - 1414 [30] ),
là nhà thơ và là danh tướng nhà Hậu Trần trong lịch sử Việt Nam.
[1] Thân thế và sự nghiệp
Đặng Dung là người xã Tả Hạ, huyện Thiên Lộc, trấn Nghệ An[31] (nay là huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Ông là con trai cả của Quốc công Đặng Tất.
Theo "Đặng Tộc Đại Tông Phả[32] , ông tổ 4 đời của Đặng Tất là Đặng Bá Kiển vốn cư ngụ ở vùng kinh kỳ Thăng Long, sau đó di dời vào Nghệ An châu. Con trưởng của Bá Kiển là Đặng Bá Tĩnh đỗ thám hoa đời nhà Trần. Bá Tĩnh chính là ông nội của Đặng Tất. Con trưởng của Bá Tĩnh là Đặng Đình Dực chính là cha Đặng Tất [33].
Dưới triều nhà Hồ, ông giúp cha là Đặng Tất (? - 1409) cai quản đất Thuận Hóa [34] .
Sau khi quân Minh tiến chiếm nước Việt (khi ấy, nước ta có quốc hiệu là Đại Ngu), nhà Hồ sụp đổ, Đặng Dung cùng cha tham gia cuộc khởi nghĩa của Trần Ngỗi (tức Giản Định Đế).
Năm 1409, sau trận đại chiến ở Bô Cô (xã Hiếu Cổ, huyện Ý Yên, thuộc tỉnh Nam Định ngày nay); “vì nghe lời gièm pha của bọn hoạn quan là Nguyễn Quỹ, nói rằng Đặng Tất chuyên quyền, vua Giản Định Đế đem lòng ngờ vực đã giết Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân [35] . Đặng Dung tức giận bỏ Trần Ngỗi (Giản Định Đế), cùng Nguyễn Cảnh Dị (con của Nguyễn Cảnh Chân) rước Trần Quý Khoách từ Thanh Hóa về đất Chi La (nay là huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), tôn lên ngôi vua (tức Trùng Quang Đế), và ông được giữ chức Đồng bình chương sự.
Về sau, do nhu cầu cần phải hợp nhất hai lực lượng, các tướng của Trần Quý Khoách do Nguyễn Súy cầm đầu đã tổ chức đánh úp vào Ngự Thiên, đem Trần Ngỗi ( Giản Định Đế) về Chi La tôn làm Thượng Hoàng.
Dù phải chiến đấu dưới quyền người đã giết cha mình, nhưng vì sự nghiệp chung ông đã “vượt lên trên tất cả, trước sau vẫn giữ vững phẩm chất đường hoàng của một vị tướng”[36] . Từ đó ông trải qua rất nhiều trận giao chiến, nổi bật hơn cả là trận đánh vào tháng 9 năm Quý Tị (1413) ở khu vực Thái Gia [37].
[2] Sách Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên chép:
Đang khi đôi bên quân nam và quân bắc đang cầm cự nhau thì Đặng Dung bí mật dùng bộ binh và tượng binh mai phục, đúng nửa đêm thì bất ngờ đánh úp vào doanh trại của (Trương) Phụ. (Đặng) Dung đã nhảy lên thuyền của (Trương) Phụ và định bắt sống (Trương) Phụ nhưng lại không biết mặt để có thể nhận ra hắn, vì thế, (Trương) Phụ liền nhảy sang thuyền nhỏ chạy thoát. Quân Minh bị tan vỡ đến quá nữa, thuyền bè, khí giới bị đốt phá gần hết, thế mà (Nguyễn) Súy không biết hợp lực để cùng đánh. (Trương) Phụ biết quân của (Đặng) Dung ít nên lập tức quay lại đánh. (Đặng) Dung đành phải chịu thất bại, quân sĩ chạy tan tác hết[38] .
[3] Nguyễn Khắc Thuần kể tiếp:
Tháng 11 năm 1413, Đặng Dung cùng Nguyễn Cảnh Dị bị Trương Phụ bắt sống khi đang tìm đường tạm lánh sang Xiêm La để tính kế lâu dài. Vì liên tục lớn tiếng chửi mắng nên Nguyễn Cảnh Dị đã bị Trương Phụ hạ lệnh giết ngay. Còn Đặng Dung cùng Trần Quý Khoách, Nguyễn Súy và một số tướng lãnh khác bị áp giải về Yên Kinh (Trung Quốc). Nửa đường, Trần Quý Khoách nhảy xuống biển tự tử, Đặng Dung cùng các tướng cũng lập tức nhảy xuống biển tuẩn tiết. [39]
[4] Trần Trọng Kim cũng cho biết tương tự:
Từ khi thua trận ấy rồi, Trần Quý Khoách thế yếu quá không thể chống với quân giặc được nữa, phải vào ẩn núp ở trong rừng núi. Chẳng được bao lâu Trần Quý Khoách, Nguyễn Cảnh Dị, Đặng Dung, Nguyễn Súy đều bị bắt, và phải giải về Yên Kinh cả. Đi đến giữa đường, Quý Khoách nhảy xuống bể tự tử, bọn ông Đặng Dung cũng tử tiết cả. Ông Đặng Dung có làm bài thơ Thuật hoài, mà ngày nay còn có nhiều người vẫn truyền tụng.
Cha con ông Đặng Dung đều hết lòng giúp nước phò vua, tuy không thành công được, nhưng cái lòng trung liệt của nhà họ Đặng cũng đủ làm cho người đời sau tưởng nhớ đến, bởi vậy hiện nay còn có đền thờ ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh...[40]
*
[5] Theo Minh Thực lục, thì:
Quan Tổng binh Anh quốc công Trương Phụ mang quân đến Tra Hoàng, huyện Chính Hoà, châu Chính Bình (Quảng Bình); tướng giặc là Hồ Đồng hàng. Nghe tin bọn Đặng Cảnh Dị, Đặng Dung, Long Hổ Tướng quân nguỵ Lê Thiềm hơn 700 tên chạy đến Côn Bồ, Tiêm Man ; bọn Phụ tiến binh ngay đến sông La Mông. Phải theo đường núi vin cành lá mà leo lên nên đành bỏ ngựa, tướng sĩ tiếp tục đi theo. Đến sách Côn Bồ, bọn Cảnh Dị đã bỏ trốn ; lại truy kích đến Tra Bồ Nại, bọn giặc và dân địa phương đều trốn, không biết ở chốn nào, nên làm cuộc lục soát lớn. Vào canh tư, đi trên 20 dặm , nghe tiếng trống điểm canh, Phụ sai Đô Chỉ huy Phương Chính mang quân lẳng lặng đi, đến lúc trời sáng đến phía bắc sông, tại Tra Bồ Cán. Giặc lập trại tại bờ phía nam, quan quân vượt sông vây đánh. Giặc chống không nổi, tên bắn liên tiếp trúng, Cảnh Dị bị thương tại sườn, bắt được. Đặng Dung trốn, Phương Chính mang quân truy lùng, bắt được Đặng Dung cùng với em là Đặng Nhuệ. Bắt hết bọn giặc Lê Thiềm, tịch thu ấn nguỵ của Cảnh Dị. Cảnh Dị bị thương nặng, bị róc thịt lấy thủ cấp, áp giải cùng anh em Đặng Dung đến kinh đô ; tất cả đều bị xử chém để làm răn. (Minh Thực Lục quyển 13, tr. 1727-1728; Thái Tông quyển 147, tr. 2a-3b).
[6] Hậu duệ của Đặng Dung:
-Đặng Nghi (lập nghiệp tại Chúc Sơn, Chương Đức)
-Đặng Địch Quả (Giám sinh Quốc tử giám, về sống tại lại Tả Thiên lộc)
-Đặng Di (lập nghiệp tại Sơn Vi, Mao Phổ thuộc tỉnh Phú Thọ ngày nay)
-Đặng Công Thiếp (đỗ Hoàng giáp, di cư đến Sơn Đông, huyện Lập Thạch)
HẬU DUỆ NỔI TIẾNG:
-Tiến sĩ, Thượng thư Đặng Minh Khiêm (1457-?)
-Thám hoa Đặng Thì Thố
-Hoàng giáp Đặng Chiêm
-Thái Úy, Nghĩa Quốc Công Đặng Huấn (?-1583)
-Tiến sĩ, Quốc lão Đặng Đình Tướng (1649-1735)[41]
-Đặng Lương Mô (có hơn 300 công trình khoa học công công bố ở Mỹ, Nhật...hiện là Trưởng ban khuyến học họ Đặng)
-Đặng Đình Áng
Cảm hoài, bài thơ duy nhất còn lại của Đặng Dung.
*
Tài liệu tham khảo:
Đại Việt Sử ký Toàn thư
Danh nhân Bình Trị Thiên, Nhiều tác giả, NXB Thuận Hoá, 1986
Khâm định Việt sử Thông giám cương mục
Đặng Tộc Đại Tông Phả, Yến Quận công Đặng Tiến Thự viết năm 1683, Tiến sĩ Ứng Quận công Đặng Đình Tướng tục biên năm 1686, Thái Nhạc Quận công Đặng Sĩ Hàn tiếp tục tục biên năm 1745, Nguyễn Văn Thành giới thiệu, NXB Văn hóa Thông tin 2002
Họ Đặng “Nam bang vượng tộc” thời Lý đến thời Lê, Nguyễn Văn Thành, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng phả học Việt Nam
Danh nhân lịch sử Đặng Tất - Đặng Dung, Đặng Huy Phúc, NXB trẻ, 2005.
***
[7] Bình thơ
Ngân Triều
Hai câu đề: Sự bất lực trước hoàn cảnh và nỗi buồn miên man.
Thế sự du du nại lão hà?
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca.
世 事 悠 悠 奈 老 何 ?
蕪 窮 天 地 入 酣 歌
Bài thơ tự sự, mở đầu bằng những băn khoăn, tiếc nuối thời gian qua nhanh thoảng chút ngạc nhiên, bối rối. Trước một không gian cao rộng, với biết bao công việc cần phải thực hiện ngay, kẻ tráng sĩ cứu nước nên ứng xử như thế nào cho hợp lẽ.(?)
[Câu 1 ]
“Thế sự du du”[42] 世事悠悠 là việc đời buồn thảm, lê thê, ngổn ngang, bộn bề phía trước. Điều đó không chỉ cảm nhận qua hiện thực cuộc sống, qua những sự kiện xác thực của lịch sử thương đau mà nó còn được cảm nhận bởi tấm lòng. Như thế thì việc đời buồn miên man không dứt, chạnh lòng vời vợi, xót xa cay đắng, day dứt không yên, thể hiện một tâm trạng rối rắm bời bời của một tráng sĩ, một mãnh tướng đang băn khoăn trên bước đướng cùng.
“Nại lão hà”[43] , 奈老何: già rồi biết làm thế nào? Nghe như một lời thở than đầy bất lực cho kiếp nhân sinh. Đã đành đời người chóng qua, dài trong gang tấc, nhưng đã già thì việc dấn thân, mưu cầu công việc đại sự thì rất hạn chế, nếu không nói là phải bó tay. Ông Xanh ơi, sao chẳng chiều người! Chẳng lẽ:
Soi gương mới sớm chiều thôi mà “buồn ơi!” mái tóc mới óng mượt như tơ, tuổi thanh xuân phơi phới, mới sáng chiều thôi, bỗng biến thành phau phau như tuyết:
Quân bất kiến,
Cao đường minh kính bi bạch phát,
Triêu như thanh ti, mộ thành tuyết.
Tương tiến tửu – Lý Bạch.
君 不 見
高 堂 明 鏡 悲 白 髪
朝 如 青 絲 暮 成 雪
將 進 酒 - 李 白
Biết chăng ai,
Gương tỏ nhà cao,
Buồn mái tóc
Mới sáng óng như tơ,
Mà tối đổi bạc phơ”.
Lời than thở, tiếc thương, bất lực cho kiếp sống phù du, sớm nở tối tàn - phân vân, bối rối cho sự nghiệp sắp tàn, việc lớn chưa tới đâu như đời chưa “trang điểm” mà tuổi già đã đến, để thương cảm cho bản thân tàn tạ, suy yếu, gần đất xa trời - nghe bi thảm, tái tê.
[Câu 2]
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca.
蕪 窮 天 地 入 酣 歌
Vô cùng thiên địa, 蕪 窮 天 地:
khoảng trời đất mênh mông bao la; nhập hàm ca 入 酣 歌 : hòa nhập, đồng cảm qua tiếng ca.
Cả câu có nghĩa là (Phải chăng) Trời đất mênh mông, (như cũng) cảm thông qua tiếng hát buồn!
Hai câu đề, chấm phá bằng một khoảng trời đất cao ngất, lồng lộng, một hình ảnh cao cả, ngút ngàn.
Bốn câu thực luận: Thời vận, hoài bảo và tiền đồ
Thời lai đồ điếu thành công dị,
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa.
Trí chủ hữu hoài phù địa trục,
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà.
時 來 屠 釣 成 功 易
運 去 英 雄 飮 恨 多
致 主 有 懷 扶 地 軸
洗 兵 無 路 挽 天 河
Bốn câu thơ tiếp theo là bốn câu chắc nịch, mở rộng ý chính của chủ đề, thể hiện nỗi lòng.
Hai câu thực là vấn đề thời thế và vận nước .
Câu [3], tác giả đề cập chữ thời, 時 với lời khinh bạc, bi thương. Thời lai 時來 tức là thời cơ, được thời hay cơ hội đến đúng vào một thời điểm nhất định, là thuận lợi, may mắn, thành công.
Khi gặp thời thì kẻ mổ heo, tức đồ tể là người bán thịt và người câu cá, đồ điếu 屠釣, những kẻ bần tiện, nghèo hèn đều thành công dễ dàng.
Đồ điếu thành công dị,
屠釣成功易, Sự tích Phàn Khoái, lúc hàn vi, làm nghề đồ tể, nghề hàng thịt, về sau trở thành một dũng tướng của Hán Cao Tổ. Hàn Tín, lúc nghèo hèn, thường đi câu cá để đổi gạo ăn, về sau trở thành Đại Nguyên Soái nhà Hán.
Còn trong đời thường, nếu thời vận lỡ làng, mệnh số một ngôi sao xấu, thì phải chấp nhận thất bại, ra đi một cách hiên ngang, lánh đời (!) cho dẫu trong tim tan nát, đầy dẫy thương đau:
Không than sinh bất phùng thời,
Vuốt xuôi mái tóc, cả cười ta đi.
Con nhà Nho cũ, Nguyễn Bính,(1918-1966)
Tuy nhiên, chớ nên đem thành bại mà luận anh hùng. Chẳng qua là do thời vận. Như câu đối đáp bất hủ của Ngô Thì Nhậm 吳時壬 (1746–1803) với Đặng Trần Thường 鄧陳常(1759-1813):
-Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai?
Ngô Thì Nhậm khảng khái đáp:
-Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế .[44]
Khi được thời thì xênh xang áo mão, xe ngựa rập rình, vinh thân phì gia, xem thường thị phi, tự cao tự đại. Được thời, thói đời, kẻ tiểu nhân chắc phải vậy thôi.
Khi hết thời, dù ở nơi chợ búa rộn ràng, cảnh nhà quạnh quẽ, buồn thiu,[45] ngẫm câu thơ xưa:
Núi láng giềng, chim bầu bạn
Mây khách khứa, nguyệt anh tam.[46]
Thuật hứng, bài 19, Nguyễn Trãi
Sang câu 4, ngẫm nghĩ về vận nước:
Vận khứ, 運去 là sự may mắn qua rồi, là đã mất một cơ hội may mắn, thuận lợi lớn, vốn đã được sắp sẵn từ trước nhưng thất bại; hết thời rồi. Khi ấy, người anh hùng đành nuốt hận nhiều trong thất bại đắng cay. (ẩm hận đa 飮恨多) .
Tuy tác giả không bộc bạch, nhưng vận khứ ở đây, ứng vào hoàn cảnh lịch sử thời Hậu Trần. [47]
Hai câu thực cân đối, chính xác; người hèn, lúc gặp thời, thành công như bỡn; người anh hùng khi lỡ vận, chèo chống mỏi mê, với bao cay đắng, hận lòng.
Hai câu luận là một hoài bão, là nỗi lòng hằng ấp ủ trong tim và tâm trạng tác giả trước tiền đồ đất nước:
Trí chủ hữu hoài phù địa trục,
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà
致 主 有 懷 扶 地 軸
洗 兵 無 路 挽 天 河
Trí chủ hữu hoài, 致主有懷 , trí chủ hết lòng đối với Chúa (vua). Hữu hoài 有懷 có tấm lòng. Phù địa trục 扶地軸 chống đỡ, xoay trục đất hay là phục quốc, quét sạch giặc Minh ra khỏi bờ cõi, đem lại nền thái bình thịnh trị cho đấtt nước, quê hương.
Đây chính là tấm lòng son, tấm lòng tận trung báo quốc của tác giả.
Sang câu 6. Tẫy binh 洗兵 rửa giáp binh, lấy ý hai câu thơ trong bài Tẫy binh mã 洗兵馬 của Đỗ Phủ 杜甫:
An đắc tráng sĩ vãn Thiên Hà,
Tinh tẩy giáp binh trường bất dụng!
安 得 壯 士 挽 天 河,
淨 洗 甲 兵 長 不 用!
“Mong có một người tráng sĩ kéo dòng sông Ngân xuống,
Để tẩy rửa đồ giáp binh, (xếp xó), mãi mãi không sử dụng nữa!”
Tức là ước mong đất nước thanh bình, dài lâu.
Nhưng ở đây, muốn kéo sông Ngân, vãn thiên hà 挽天河 thì vô lộ, 無路, không có đường đi, không có phương sách nào cả, vận nước bế tắc. Người tráng sĩ như đang ở trên bước đường cùng.
Rõ ràng, hai câu thơ hùng tráng, ngạo nghễ của một người anh hùng thất cơ lỡ vận, đầy thương cảm, ngậm ngùi. Xưa nay, thói đời thường phê phán những kẻ công thành danh toại, cao ngạo, khoa trương địa vị của mình. Người tráng sĩ có chí, có tài nhưng thất cơ lỡ vận thường được thông cảm và trân trọng.
Bút pháp sử dụng hình ảnh cao rộng to tát, đậm chất trữ tình. Nghệ thuật đối hoàn chỉnh, trọn vẹn thể hiện khí phách trác việt của một người anh hùng tài cao, phận thấp, chí khí uất [48] , trong bước đường cùng.
Hai câu kết: Tuyệt mệnh nhưng không tuyệt vọng.
Quốc thù vị phục đầu tiên bạch,
Kỷ độ Long Tuyền đái nguyệt ma.
國 讎 未 复 頭 先 白
幾 度 龍 泉 帶 月 磨
Câu [7]:
Đau đớn, nhìn lại những thất bại đầy cay đắng trong đời. Đó là một chuỗi thất bại của công cuộc khởi nghĩa, từ trước tới thời điểm nầy. Không phải do ta không nổ lực, không quyết tâm. Sự thất bại chẳng qua do thời vận chưa đến. Trời Xanh chẳng chịu chiều người, cuộc đại sự phải đến hồi mạt vận. Còn có nỗi buồn nào hơn! Đã già rồi, trong khi khi còn biết bao điều phải làm, còn đa đoan lắm viêc, cũng là một thất bại của chính bản thân.Điều nầy, có ai mong muốn vậy bao giờ? Cho nên, khi hạ bút những vần thơ thống thiết nầy, chính là những lời tuyệt mệnh của tác giả.
Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày!
Phan Kế Bính dịch. (Tranh minh họa Google-images)
Câu[8],
Kỷ độ Long Tuyền, đái nguyệt ma.
Long Tuyền [49] 龍 泉 là tên của một thanh bảo kiếm. Bảo kiếm Long Tuyền nổi tiếng đến mức sau này qua lăng kính văn học mọi thanh kiếm báo đều được gọi là Long Tuyền và cụm từ "tay vung ba thước Long Tuyền kiếm" đã trở thành một thành ngữ quen thuộc.
Đái nguyệt ma 帶月磨 là mang bảo kiếm mài dưới ánh trăng. Mài bảo kiếm Long Tuyền dưới trăng; kỷ độ 幾度 biết bao lần. Một hình ảnh rất thi vị, trữ tinh.
Qua ý thơ đó, sự thất bại cuối cùng đã ngời lên ánh thép. Cho hay, sự tuyệt mệnh chưa hề kết thúc mà nó còn hừng hực ngọn lửa chờ thời, cho một ngày vinh quang của dân tộc, “một trận mưa nhuần rửa núi sông hay là một trận đánh lịch sử, quét sạch bóng quân thù, quê hương không còn bóng giặc, đất nước thanh bình. Ý thơ bàng bạc nỗi buồn thất bại nhưng vẫn cất cao niềm tin mạnh mẽ vào ngày mai xán lạn [50] của non sông, niềm tin vẫn sáng ngời như chưa từng tuyệt vọng.
Để kết thúc bài bình thơ, tôi xin mượn lời của Lý Tử Tấn (1378-1457), tác giả ‘Chuyết am văn tập”, đời Hậu Lê, đã bình bài thơ của người anh hùng Đặng Dung:
“Phi hào kiệt, chí sĩ bất năng” 非 豪 傑 , 俧 士不 能.
Nếu ông không phải là tráng sĩ, tài năng xuất chúng, thì không thể nào viết nổi kiệt tác nầy vậy.֎
NgânTriều
*
Chú thích, Ghi theo foot notes:
[28] vị ngộ, chưa gặp thời.
[29] Bài thơ còn được gọi là Cảm hoài, 感懷, một bài thơ nổi tiếng của Đặng Dung.
[30] Ghi theo Ngữ văn 10 (nâng cao), Nxb Giáo dục, 2007, tr. 157.
[31] Chép theo Cao Xuân Dục, Đại Nam dư địa chí ước biên. Nxb Văn học, 2003, tr. 233.
[32] Yến Quận công Đặng Tiến Thự viết năm 1683, Tiến sĩ Ứng Quận công Đặng Đình Tướng tục biên năm 1686, Thái Nhạc Quận công Đặng Sĩ Hàn tiếp tục tục biên năm 1745, Nguyễn Văn Thành dịch, NXB Văn hóa Thông tin 2002.
[33] Đặng Huy Phúc, sách đã dẫn, tr 47 – 49.
[34]Sách Ngữ văn 10 (nâng cao), chú thích: Thuận Hóa: tên gọi cũ vùng địa giới hành chính bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng ngày nay. (Sách đã dẫn, tr. 157).
[35] Theo Đại Nam nhất thống chí, sđd trên.
[36] Nguyễn Khắc Thuần, sách đã dẫn, tr. 234.
[37] Theo Minh Sử của Trương Đĩnh Ngọc (người Trung Quốc) thì trận đánh này xảy ra tại Ái Tử, nay thuộc huyện Triệu Phong, Quảng Trị (dẫn lại theo Nguyễn Khắc Thuần, sách đã dẫn, tr. 235).
[38] Đại Việt sử ký toàn thư (Bản kỉ toàn thư, quyển 9, tờ 22-b). Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục chép tương tự và kèm theo lời bình là: Trời nuông tha Trương Phụ (Chính biên, quyển 12, tờ 39).
[39] Sđd, tr. 236
[40] Việt Nam sử lược, Nxb Tân Việt, Sài Gòn, tr. 197.
[41] Thông tin của 5 vị trên đây căn cứ theo Đặng Tộc Đại Tông Phả do Yến Quận công Đặng Tiến Thự viết năm 1683, Tiến sĩ Ứng Quận công Đặng Đình Tướng tục biên năm 1686, Thái Nhạc Quận công Đặng Sĩ Hàn tiếp tục tục biên năm 1745;
Nguyễn Văn Thành dịch, NXB Văn hóa Thông tin 2002.
[42] Du du: 悠悠 (Tính) Lo lắng, phiền muộn. ◇Đặng Trần Côn 鄧陳琨: “Tống quân xứ hề tâm du du” 送君處兮心悠悠 (Chinh phụ ngâm 征婦吟) Tại chỗ đưa tiễn chàng, lòng thiếp buồn rầu, phiền muộn. Thế sự du du: Việc đời buồn bực, buồn bã, rối rắm, day dứt, buồn phiền…
[43]奈何nại hà:Thế nào, ra sao, làm sao được; nại lão hà: già rồi, biết làm thế nào?
[44] Ngô Thì Nhậm (吳時壬); còn gọi là Ngô Thời Nhiệm 吳時任(1746–1803), tự là Hy Doãn (希尹), hiệu là Đạt Hiên (達軒), là danh sĩ, nhà văn đời hậu Lê–Tây Sơn, người có công lớn trong việc giúp triều Tây Sơn đánh lui quân Thanh. Ngô Thì Nhậm xuất thân gia đình vọng tộc chốn Bắc Hà, là con Ngô Thì Sĩ, người làng Tả Thanh Oai, ngày nay thuộc huyện Thanh Trì Hà Nội.
Tương truyền Ngô Thì Nhậm và Đặng Trần Thường có quen biết với nhau.
Lúc Ngô Thì Nhậm được vua Quang Trung trọng dụng thì Đặng Trần Thường đến xin Nhậm tiến cử. Trông thấy vẻ khúm núm làm mất phong độ của kẻ sĩ, Nhậm thét bảo Thường:
-Ở đây cần dùng người vừa có tài vừa có hạnh, giúp vua cai trị nước. Còn muốn vào luồn ra cúi thì đi nơi khác.
Đặng Trần Thường hổ thẹn ra về, rồi vào Nam theo Nguyễn Phúc Ánh.
Sau khi nhà Tây Sơn mất, các võ tướng và một số quan văn bị giải về Hà Nội để bị xử phạt đánh bằng roi ở Văn Miếu, trong số đó có Phan Huy Ích và Ngô Thì Nhậm. Chủ trì cuộc phạt đánh đòn đó là Đặng Trần Thường.
Vốn có thù riêng, Đặng Trần Thường kiêu hãnh ra vế câu đối cho Ngô Thì Nhậm:
-Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai?
Ngô Thì Nhậm khảng khái đáp:
-Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế.
Có thuyết nói rằng, nguyên câu đối lại của Ngô Thì Nhậm là:
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, dù thời thế, thế nào cũng thế.
hoặc là:
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế nào vẫn thế.
Đặng Trần Thường bắt ông phải sửa lại như câu nói "thế đành theo thế" (hay thế thời theo thế hoặc là thế thì phải thế). Ngô Thì Nhậm không nói lại. Thường tức giận sai người dùng roi tẩm thuốc độc đánh ông.
Sau trận đòn về nhà, Phan Huy Ích không bị đánh bằng thuốc độc nên còn sống. Còn Ngô Thì Nhậm bị thuốc độc ngấm vào tạng phủ, biết mình không qua khỏi, trước khi qua đời ông có làm bài thơ gửi tặng Đặng Trần Thường như sau:
Ai tai Đặng Trần Thường
Chân như yến xử đường
Vị Ương cung cố sự
Diệc nhĩ thị thu trường
Nghĩa là:
Thương thay Đặng Trần Thường. Nay quyền thế lắm đấy, nhưng khác nào như chim yến làm tổ trong cái nhà sắp cháy, rồi sẽ khốn đến nơi. (Giống như Hàn Tín giúp Hán Cao tổ, rồi bị Cao tổ giết ở cung Vị Ương). Kết cục của ngươi rồi cũng thế đó.
Tạm dịch:
Thương thay Đặng Trần Thường
Tổ yến nhà xử đường.
Vị Ương cung chuyện cũ
Tránh sao kiếp tai ương?
Quả nhiên sau này bài thơ ứng nghiệm, Đặng Trần Thường bị vua Gia Long xử tử năm 1813.
[45] Người nghèo ở nơi chợ đông, không ai thăm hỏi. Bần cư náo thị vô nhân vấn.
[46] Không có ai là láng giềng; không có ai là bầu bạn; không có khách khứa. Chỉ có núi, có chim, có mây, có trăng. Quan nhất thời, dân vạn đại: Làm quan có một thời thôi,
Làm dân là vạn vạn đời cùng nhau.
[47] Bấy giờ có rất nhiều nhân tài, nhiều nghĩa sĩ ra giúp vua Hưng Khánh Giãn Định Đế (1407-1409), tiếp theo là vua Trùng Quang Trần Quí Khoách (1403-1413) như Nguyễn Biểu; Nguyễn Súy; Cha con Nguyễn Cảnh Chân, Nguyễn Cảnh Dị; Cha con Đặng Tất, Đặng Dung... Chiến công nổi bật nhất là Trận Bô Cô (1408) chém được tướng giặc Minh là Lữ Nghị giữa trận tiền và đuổi Mộc Thạnh về tới thành Cổ Lộng. Đồng thởi ở Thuận Hóa, tháng 9 năm 1413,nửa đêm, Nguyễn Súy và Đặng Dung xông vào đánh trại của Trương Phụ. Quân Minh tan vỡ chạy trốn cả, Đặng Dung đã vào được thuyền của Trương Phụ định bắt sống hắn nhưng vì không biết mặt nên Trương Phụ nhảy xuống một chiếc thuyền con mà thoát được...
Nhà Hậu Trần nổi lên toan đường khôi phục nhưng vận nước đã đến hồi mạt vận, có nhiều nhân tài nhưng lòng người ly tán, quân ít, lương thiếu, nhà vua thiển cận, hẹp hòi nên chỉ kéo dài được 7 năm thì sụp đổ. Nước ta lại rơi vào ách đô hộ tàn bạo cả giặc Minh.
[48] Tài cao phận thấp chí khí uất,
Giang hồ mê chơi, quên quê hương.
Thăm mả cũ bên đường, Tản Đà.
[49] Tương truyền bảo kiếm Long Tuyền do Âu Dã Tử, một thợ rèn kiếm nổi tiếng Trung Hoa thời cổ làm ra. Nhân chuyến ngao du, ông thấy dòng suối Long Tuyền trên núi Tần Khê (Chiết Giang) có ánh ngời sắc kim khí, ông liền cho xẻ núi và tìm được một mảnh "thiết anh" (sắt tốt). Ông đã dồn hết tinh lực luyện nên thanh bảo kiếm Long Tuyền, kiếm dài ba thước, vô cùng sắc bén, chém sắt như chém bùn , đặt tên là Long Tuyền, liền đem dâng cho Sở Vương.
[50] Xán lạn: sáng láng, rực rỡ; sáng ngời.
Tranh minh họa Đặng Dung.
Hoi Dinh, Phuc Thai và 10 người khác
4 bình luận