Người áo nâu - Trần Lâm Phát
Người áo nâu
40 năm trước (ngày 17 tháng 8 năm 1972) 1 thanh niên trạc 22 tuổi với áo ngắn tay màu nâu đáp xe từ Phước Tuy về Đấtđỏ.
Khi xe lam chạy ngang qua khu trường Kỷ thuật và Nông Lâm Súc, 1 chàng trai trẻ cao khều chàng áo nâu và nhắc “xuống xe đi, tới trường của mày rồi!”
Người thanh niên trong màu áo Nông Lâm Súc mỉm cười và nói “cám ơn anh ... nhưng tôi đi Đất đỏ!”
Khi xe đến chợ Đất đỏ,chàng thanh niên rảo bước về hướng Phước Hải, trầm ngâm trước cổng trường Trung Học Công lập Đất Đỏ rồi chậm rãi bước vào. Khi vào trong sân trường, chàng thanh niên dạo quanh 1 vòng, chăm chú nhìn những lỗ đạn xuyên qua dãy lầu và đứng trước 1 lớp bị thiêu huỷ trong cuộc giao tranh, miệng lẩm bẩm “sao nó giống quê mình quá! Thảo nào nội và bà út không cho mình về đây”
***
Ngày đầu niên học, tôi vào lớp 11B, không cửa, không then cài và chỉ lèo tèo vài cô cậu, tôi cười thầm và nhớ đến câu đối của cụ Cao Bá Quát khi bị đày “Nhà trống ba gian, một thầy, một cô, một chó cái. Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi”.
Sau vài câu xã giao, tôi bắt đầu hướng dẫn các cô cậu về chương trình văn học lớp 11.
Vài hôm sau tôi nghe các em thì thào nơi sân trường"không biết cái thằng học trò Nông lâm súc nào đi lạc ...
Mỗi ngày, trên đườngđón xe từ Long điền về Vũng Tàu tôi cảm thấy thương học sinh Đất đỏ hơn tôi từng nghĩ . Dân địa phương dạt dào tình cảm như dân miệt Hóc ớt ( một xóm ở ấp An phú, xã An Tịnh, quận Trảng bàng, tỉnh Tây ninh). Anh thanh niên trên chuyến xe lam nhắc nhở tôi xuống xe kẻo trể giờ học, các em lo ngại cho học sinh Nông Lâm Súc đi lộn trường.Những bà dì bán cơm trong chợ Long điền đều tỏ ra ân cần khi tôi ăn những đĩa cơm thanh đạm. Những cử chỉ ôn nhu và sự lễ độ của các em học sinh Đất Đỏ đã đền bù sự từ bỏ cháu nội của bà tôi khi tôi cải lịnh, lảnh nhiệm sở nơi Đất đỏ. Sau vài tháng tạm trú ở Vũng Tàu, tôi mướn nhà ở phía bên kia cầu Long Hương để đi đến trường gần hơn. Tối nào tôi cũng nhìn anh lính kéo kẻm gai băng ngang cầu Long Hương và nghĩ đến các em học sinh phải chui xuống hầm đểhọc bài vì sợ đạn lạc.... Những gì các em Đất đỏ đang gặp phải, tôi đã từng trãi qua vào những năm 1962, 1963, 1964 tại quê hương Hóc Ớt như lời Vương Thực Phủ đời Nguyên trong vở kịch Tây sương ký và Nguyễn Công Trứ lặp lại trong bài chữ nhàn “ Ngã kim nhật tại tọa chi địa, cổ chi nhân tằng tiên ngã tọa chi 我今日在坐之地;古之人曾先我坐之” (chỗ mình ngồi hôm nay, tiền nhân đã ngồi qua rồi)....
****
Sau hơn 30 năm cách biệt, tôi nối lại nhịp cầu với các em qua internet. Sự hối thúc và mong muốn gặp lại thầy cũ đã là động cơ đẩy tôi về quê hương vào tháng 11năm 2011. Những giây phút quây quần cùng sự đón tiếp quá nồng hậu của các em như tăng cho tôi thêm tuổi thọ và đầy ắp hy vọng có ngày tái ngộ.
Nhìn các em trưởng thành và công thành danh toại nhưng vẫn nhớ đến tôi, người thầy cũ với tấm áo nâu mộc mạc ngày nào , tôi cám ơn các em nhiều lắm và không khỏi tự hào “mình không chọn lầm trường”....
Nếu tôi tái thế làm người
Nguyện làm nghề giáo trọn đời kiếp sau!
Virginia ngày 17 tháng 8 năm 2012.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét