Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

Giải độc cho cơ thể/Pham Dinh Trung, Dip. Eng. Chairman/CEO/ Viễn Phương chuyển


9 Cách thải độc tố cho cơ thể một cách tự nhiên
 
Đồ ăn và thức uống chúng ta dùng hàng ngày có chứa nhiều độc tố không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Nếu không thải ra, các độc tố này sẽ tích tụ gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Tuy nhiên, các bạn không nên quá lo lắng, xin mách bạn một số cách dưới đây giúp thải độc cho cơ thể.
1. Uống nước
Nước lọc là thức uống thải độc tốt nhất, nó làm pha loãng độc tố và có thể đưa độc tố ra ngoài cơ thể theo tuần hoàn máu. Vì thế nhất định phải uống 8 cốc nước mỗi ngày, tốt nhất nên uống một cốc vào sáng sớm.
2. Vận động để đổ mồ hôi
Da cũng là cơ quan thải độc quan trọng của cơ thể. Chẳng hạn như khi bạn bị cảm lạnh, mọi người thường khuyên nên uống nhiều nước, đắp chăn để ra mồ hôi. Vận động nhiều, đổ nhiều mồ hôi có thể để nhanh chóng thải độc tố ra ngoài.
3. Khóc
Đối với phụ nữ, đặc biệt là những người hay khóc, tác dụng thải độc bằng cách khóc được phát huy một cách rất tinh tế. Các chuyên gia y học đã chứng minh, nước mắt chứa một lượng lớn chất có hại gây bất lợi cho sức khỏe. Những người ít khóc có thể xem những bộ phim truyền hình cảm động hoặc thái hành tây để cho tuyến lệ vận động ít nhất mỗi tháng một lần.
4. Uống nước chanh
Muốn khoẻ mạnh, bạn phải giữ cho chất dịch lưu thông trong cơ thể đều đặn để “lau chùi” các cơ quan. Thực phẩm được coi là “chất siêu tẩy rửa” cho cơ thể chính là chanh. Chanh rất giàu vitamin C, giúp chuyển hóa các độc tố thành nước có thể hòa tan để mau chóng thải ra khỏi cơ thể.
5. Ăn mộc nhĩ đen
Thực phẩm này có tác dụng giải độc. Ngoài ra nó còn có khả năng kết dính những chất độc hại để thải ra ngoài theo đường tiêu hoá hoặc đường tiết niệu và cả tác dụng làm tiêu dị vật hoặc bào mòn các loại sỏi kết tụ trong cơ thể.
Mộc nhĩ đen không những chỉ có tác dụng nâng cao sức miển dịch, có nhiều chất xơ và chất keo thực vật để thu hút chất độc hại mà có thể có cả một số hoạt chất chưa xác định có thể tạo ra những phản ứng hoá học làm bào mòn những dị vật hoặc những viên sỏi kết tụ trong cơ thể.
6. Ăn các món từ đậu xanh
Mùa hè chúng ta thường ăn chè đậu xanh, để giúp thanh nhiệt giải độc. Nhưng thực ra, đậu xanh có tác dụng “giải độc” rất tốt với các triệu chứng như ngộ độc kim loại nặng, ngộ độc thuốc, ngộ độc thực phẩm… nên đừng bỏ qua đậu xanh nếu bạn muốn giải độc cho cơ thể vào bất kì thời gian nào trong năm nhé.
Ngoài ra, đậu xanh còn có thể đẩy nhanh quá trình trao đổi chất các chất độc hại trong cơ thể, thải độc ra ngoài cơ thể.
7. Ăn tỏi

Trong thành phần của tỏi có chứa chất allicin, một dạng của sulfur có tác dụng thanh lọc, thải độc cho gan nhanh chóng. Những dưỡng chất kỳ diệu của tỏi có thể giúp lá gan thanh lọc cả những kim loại nặng như thủy ngân và chì, thường có nhiều trong những loại phụ gia thực phẩm.
Những kim loại này nếu tích tụ nhiều và lâu trong gan sẽ gây nên tình trạng tổn thương gan, tăng nguy cơ ung thu gan.
8. Ăn cần tây
Cần tây chứa nhiều cellulose, có thể thúc đẩy nhu động ruột, thải độc tố ở phân. Đồng thời còn có khả năng lọc máu vì loại tinh dầu trong loại thực phẩm này có tính kháng khuẩn rất mạnh. Người mới ốm dậy nên dùng cần tây để “thanh lọc” cơ thể.
9. Ăn cà rốt
Cà rốt chứa nhiều chất carotine nên có thể thải loại độc tố. Cà rốt càng tươi thì khả năng khử độc càng mạnh. Bạn có thể dùng nước ép cà rốt trộn với mật ong để làm tăng hương vị và khả năng giải độc.
Pham Dinh Trung, Dip. Eng. Chairman/CEO

Hỏi ai/ Thơ vkp.Đạm Phương

Phung Vo
Ðến vohphiTranD.VoDanh và 5 người nhận khác...
Hôm nay, 27.02.2014 vào lúc 3:09 PM
             
  HỎI AI   thơ vkp Đạm Phương
                             ***
Rất thấu hiểu nổi lòng người cô lữ
Bồng bềnh nổi trôi nơi xứ Cờ Hoa
Nhưng tâm tư vẫn đau đáu quê nhà
Đêm mộng du…tìm về nơi hoang dại
*
Tây Ninh nghèo nhưng giàu tình thân ái
Ai đến rồi… khó thể ngoảnh mặt đi
Người đã rời xa… có vấn vương chi?
Đất nóng, tình nồng… trăm thương nghìn nhớ
*
Người xa xứ… nếu nghĩ về bản xứ
Hãy trở về tìm lại khúc nhạc xưa
MƯA NỬA ĐÊM, sao lạc mọc lưa thưa
Trăng vàng vọt… bài tình ca thắm thiết
*
Gần năm mươi năm cách xa biền biệt
Ngậm đắng nuốt cay xứ lạ quê người
Hỏi ai kia có còn nhớ một thời
Đạn lữa, chiến chinh, bom mìn, nước mắt…?
                             Tây Ninh 26/2/2014

Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

Saigon đâu cần nhập tịch/Vũ Thế Thành/ Viễn Phương chuyển

Sàigòn đâu cần nhập tịch


Đã nhiều lần tôi ước mình sinh ra đâu đó ở miền quê, có sông suối, núi đồi, vườn cây hoa lá, để lâu lâu về quê lại có những “đêm buồn tỉnh lẻ”, về Sàigòn kể chuyện làm quà ra cái điều lãng mạn.
Sinh ra, lớn lên và sống gần hết đời ở cái đất Sàigòn này mới thấy nó chán phèo. Hồi nhỏ thì chơi tạc lon, đánh đáo, giựt cô hồn…Thả diều không được vì ông già Mười, nhà có xe hơi xách baton rượt, sợ vướng dây điện. Tụi tui lấy kẹo cao su gắn dính vô chuông cổng nhà ổng rồi bỏ chạy. Lớn hơn chút nữa thì chơi bầu cua, cát tê, xập xám…
Mỗi tối mẹ sai tôi xách thùng rác ra gốc me ngoài đường đổ. Tối cúp điện, tôi vừa xách thùng rác vừa nghêu ngao: “…Đường về hôm nay tối thui, gập ghềnh em không thấy tui, em đụng tui, em nói tui đui…”. Tội nghiệp bản “Kiếp nghèo” của Lam Phương, tôi chỉ cám cảnh a dua hát theo chứ đâu biết sửa lời. Trời nóng, để tạm thùng rác ở gốc me, chạy ra phông- tên nước gần đó, năn nỉ mấy chị ma-ri-sến gánh nước thuê, cho em thò cái đầu vô vòi nước một chút. Mát đầu có sức quậy tiếp.
Xóm nhỏ đôi khi lầy lội. Thỉnh thoảng mấy bà trong xóm cũng cãi nhau ầm ĩ. Hôm sau hai ông chồng lại ngồi khề khà nhậu với nhau, còn mấy bả  đon đả tiếp mồi. Cãi nhau là chuyện nhỏ, chuyện hôm qua cho nó qua luôn. Đời sống nghèo ở Sàigòn là vậy, có gì thơ mộng đâu?
Mà nói thiệt, tôi là dân Bắc kỳ…chín nút. Nhưng đó là chuyện của ba má tôi, dù sau này có về thăm quê nội ngoại tôi vẫn thấy hụt hẫng và hờ hững thế nào ấy. Tôi lớn lên ở Sàigòn, không khí Sàigòn, cơm gạo Sàigòn, đầu Sàigòn, tim Sàigòn,… bao nhiêu thứ buồn vui với nó. Trong tôi cứ bám riết cái Sàigòn chán phèo này, dù đôi lúc mặc cảm mình không phải là dân Sàigòn.
Hồi 54, cả trăm ngàn dân di cư mang theo đủ loại kiểu sống bó trong lũy tre làng đem nhét hết vô mảnh đất nhỏ xíu này, cũng gây xáo trộn cho người ta chứ. Phong tục, tập quán, ở đất người ta mà cứ như là ở đất mình. Nhưng người Sàigòn chỉ hiếu kỳ một chút, khó chịu một chút, rồi cũng xuề xòa đón nhận.
Lúc đầu tụi bạn ghẹo tôi là “thằng Bắc kỳ rau muống”. Con nít đổi giọng nhanh mà, trong nhà giọng Bắc, ra ngoài giọng Nam. Thế là huề hết. Rủ nhau đi oánh lộn phe nhóm là chuyện thường. Khỏi cần biết đúng sai, mày đánh bạn tao, thì tao đánh lại, Oánh lộn tưng bừng. Vài ngày sau lại rủ nhau đi xem xi nê cọp. Dễ giận dễ quên.
Hè, tụi bạn về quê, Bến Lức, Vĩnh Long, Kiến Hòa… cũng chia tay hứa hẹn, tình cảm ra rít: “ Tao về quê sẽ mang lên cho mày ổi xá lỵ, xoài tượng…”. Tôi ngóng cổ chờ bạn, chờ quà. Thực ra, tôi thèm có quê để về.
Tết đến, thầy cô, bạn bè về quê, nhiều người Sàigòn xôn xao về quê. Tôi ở lại Sàigòn mà thấy hình như mình vẫn không phải là dân Sàigòn. Vây ai là dân Sàigòn chính hiệu đây? Chẳng lẽ phải tính từ thời mấy ông Pétrus Ký hay Paulus Của?
Sàigòn trẻ măng, mới chừng hơn 300 tuổi tính từ thời Chúa Nguyễn xác lập chủ quyền ở đây. Sàigòn khi cắt ra khi nhập vào, to nhỏ tùy lúc. To nhất có lẽ khi nó là huyện Tân Bình, kéo dài đến tận vùng Biên Hòa. Nhỏ nhất là vào thời Pháp mang tên Sàigòn. Ngay trước 1975, Sàigòn rộng chừng 70 km2, có 11 quận, từ số 1 đến 11. Hồi đó Phú Nhuận, Tân Bình, Thủ Đức,.. còn được xem là nhà quê (tỉnh Gia Định). Bây giờ Sàigòn rộng tới 2.000 km2.
Sàigòn đắc địa, có cảng nối biển, là đầu mối giao thương quốc tế, tiếp cận với văn minh Tây phương sớm. Đất lành chim đậu. Người  miền Nam đổ về nhiều. Dân Sàigòn không có địa giới rõ rệt. Nói tới họ có vẻ như là nói tới phong cách của dân miền Nam. Họ là những lưu dân, khai phá, hành trang không có bờ rào lũy tre nên tính tình phóng khoáng, trọng nghĩa khinh tài, nói năng bộc trực… Ai thành đại gia thì cứ là đại gia, ai bán hàng rong thì cứ bán.
Sàigòn không tự hào mình là người thanh lịch, không khách sáo, không mời lơi. Họ lấy bụng thiệt mà đãi nhau. Sàigòn có mua bán chém chặt? Có, đúng hơn là nói thách. Cứ vô chợ Bến Thành xem mấy bà bán mỹ phẩm, hột xoàn hét giá mát trời ông Địa luôn. Đối tượng nói thách của họ là khách hàng, chứ không cứ gặp khách tỉnh mới nói thách. Dân Sàigòn lơ mơ cũng mua hớ như thường. Thuận mua vừa bán mà.
Ít nơi nào nhiều hội ái hữu, hội tương tế, hội đồng hương như ở Sàigòn. Dân tứ xứ về đây lập nghiệp nhiều. Có máu lưu dân trong người, dân Sàigòn thông cảm đón nhận hết, không ganh tị, không thắc mắc, không kỳ thị. Người ta kỳ thị Sàigòn, chứ Sàigòn chẳng kỳ thị ai. Nhiều gia đình người Bắc người Trung ngại dâu ngại rể Sàigòn, chứ dân Sàigòn chấp hết, miễn sao ăn ở biết phải quấy là được
Dân Sàigòn làm giàu bằng năng lực hơn là quyền lực. Người ta nói “dân chơi Sàigòn”. Trời đất!  Sàigòn mà “tay chơi” cái nỗi gì. Tay chơi dành cho những đại gia mới giàu lên đột xuất từ đâu đó đến. Đổi đời, Sàigòn biết sợ. Sàigòn a dua thì có, nhưng a dua biết chọn lọc. Coi vậy chứ dân Sàigòn đâu đó còn chút máu “ kiến nghĩa bất vi vô dõng giả”. Cứ xem dân Sàigòn làm công tác xã hội thì biết, cứu trợ lũ lụt thấy người ta lạnh quá, cởi áo len đang mặc trên người tặng luôn.  Họ làm vì cái bụng nó thế, chứ không phải vì PR, đánh bóng bộ mặt.
Biết bao văn nghệ sĩ miền Bắc, miền Trung vào đất Sàigòn này “quậy” tưng, tạo ra cái gọi là văn học miền Nam hậu 54 coi cũng được quá chứ? Nhạc sĩ Lam Phương, quê Rạch Giá, 10 tuổi đã lưu lạc lên Sàigòn kiếm sống. Năm 17 tuổi nổi danh với bản “Kiếp nghèo” và khá giả từ đó.
Tiếp cận văn minh phương Tây sớm, nên dân Sàigòn có thói quen ngả mũ chào khi gặp đám ma, xe hơi không ép xe máy, xe máy không ép người đi bộ, chạy xe lỡ va quẹt vào nhau, giơ tay chào ngỏ ý xin lỗi là huề. Những thói quen này giờ đây đang mất dần, nhưng dân Sàigòn không đổ thừa cho dân nhập cư. Họ cố gắng duy trì (dù hơi tuyệt vọng) để người mới đến bắt chước vì lợi ích chung. Chợ hoa là một chút văn hóa của Sàigòn, có cả nửa thế kỷ nay rồi, có dân nhập cư nào “yêu” hoa mà ra đó cướp giựt hoa đâu.
Sàigòn nhỏ tuổi nhiều tên, nhưng dù thế nào Sàigòn vẫn là Sàigòn. Nhiều người thành danh từ mảnh đất Sàigòn này. Sàigòn nhớ không hết, nhưng mấy ai nhớ đến chút tình của Sàigòn? May ra những người xa Sàigòn còn chút gì nhức nhối. Tôi có người bạn Bắc kỳ chín nút, xa Việt Nam cũng gần 40 năm. Tên này một đi không trở lại, vừa rồi phone về nói chuyện lăn tăn, rồi chợt hỏi: “ Sàigòn còn mưa không?”. “Đang mưa”. Đầu phone bên kia thở dài: Tao nhớ Sàigòn chết…mẹ!”. Sàigòn nay buồn mai quên, nhưng cũng có nỗi buồn chẳng dễ gì quên.
Mới đây đi trong con hẻm lầy lội ở Khánh Hội, chợt nghe bài hát “ Kiếp nghèo” vọng ra từ quán cà phê cóc ven đường. Tôi ghé vào gọi ly cà phê. Giọng Thanh Thúy sao da diết quá : “Thương cho kiếp sống tha hương, thân gầy gò gởi theo gió sương…”. Chủ quán, ngoài 60 cầm chồng báo cũ thẩy nhẹ lên bàn Thầy hai đọc báo…”. Hai tiếng “thầy hai” nghe quen quen…Tự nhiên tôi thấy lòng ấm lại. Sàigòn từ tâm, Sàigòn bao dung. Tôi chợt hiểu ra, mình đã là người Sàigòn từ thưở bào thai rồi, cần gì xin nhập tịch.
Vũ Thế Thành

Tinh thần đặc biệt của Tiêng Việt/ Phương chuyểnViễn Phương chuyển


 TINH THẦN ĐẶC BIỆT CỦA TIẾNG VIỆT
sưu tầm & tản mạn
Theo các nhà ngữ học thì tiếng Mỹ là thứ tiếng nói vay mượn rất nhiều từ ngữ của các tiếng khác trên khắp thế giới, vì vậy mà nó rất dồi dào và sống động, nó là tiếng nói số một của loài người hiện nay
Theo tôi thì tiếng Việt cũng không thua kém chi.
Nó đang đứng thứ 12 về số đông người nói [83 triệu] và đang lan ra khắp thế giới tự do từ cái biến cố 1975.
Nó có một nguồn gốc rất là đa dạng vì qua 2,3 ngàn năm nó đã mượn rất nhiều tiếng Tàu mà xài, rồi gần đây lại còn mượn hàng trăm tiếng một của Pháp mà nói, bây giờ đã trở thành tiếng Việt rồi, thí dụ như béret, kaki, kilo, gara, accu, v.v… Các bạn có thể kể ra vài trăm tiếng như thế
Hiện nay tiếng Việt lại còn đang dùng rất nhiều tiếng Anh Pháp Mỹ vay mượn như computer, battery, charge, v,v,, mượn như thế sau này một thời gian sẽ Việt hoá và trở thành tiếng Việt luôn.
Đó là một điều hay, rất hay, tiếng Việt dồi dào thêm, có thêm nhiều cách nói, nhiều ngữ vững, nhiều cách phô bày tư tưởng.
Nhưng ta nên để ý rằng dù có nói bao nhiêu thứ tiếng khác nhau đi nữa, ta cũng chỉ có một thứ chữ abc hiện nay để viết, ta không còn viết chữ Nôm nữa, ta không còn viết chữ Tàu nữa, ta không còn biết chữ khoa đẩu là chữ gì nữa, và sẽ không bao giờ.
Như trong câu nói sau đây : cho xe vô gara, rồi check giùm cái bình điện, nếu hết charge thì câu điện giùm, vô nhà coi công to [compteur] tháng này tiền nước bao nhiêu. Có đến 6 ngôn ngữ khác nhau của cả thế giới trong câu nói ngắn đó mà ta không ngờ ! [Việt, Tàu, Pháp, Anh, Mỹ]
Một chuyện lạ hơn nữa là, cách đây mấy ngàn năm, ngoài tiếng Tàu ra, ông bà ta còn dùng và xài không biết bao nhiêu là tiếng nước ngoài ở Đông nam Á châu mà ta cứ tưởng đâu là tiếng Việt của ta, không ngờ đó là tiếng nói của biết bao ngôn ngữ láng giềng, mà lại không phải là tiếng Tàu.
Thí dụ ta nói tha thiết thiết tha đó là tiếng Thái
vắng vẻ, đó cũng là tiếng Thái luôn
đủng đỉnh, vâng, cũng là tiếng Thái !
vơ vẩn vẩn vơ, đó là tiếng Lào đó bạn oi
chân tay, chân mây. nó là tiếng Khmer đó
một ngày, một hai ba bốn năm, đó cũng là tiếng Miên luôn !
Cụ Nguyễn gia Thiều cách đây gần 200 năm đã viết :
"Trẻ tạo hoá đành hanh quá ngán"
[đành hanh là tiếng gốc Chàm đó bạn ơi, có nghĩa là ganh ghét, ganh tị]
Cụ Nguyễn Trãi cách đây gần 600 năm nói:
Tuy rằng bốn bể cũng anh tam,
[Đó là tiếng Mã lai hiện nay đó bạn ơi, có nghia là thằng em trai]
Hay là : Hai chữ công danh tiếng vả vê
Đó là tiếng Lào xưa đó, vả vê có nghĩa là trống vắng, mà bây giờ người Việt không còn ai nói nữa
Người Việt nói cái dùi cui hay đùi cui thì 250 triệu người Indonesia và Malay cũng nói là đulkul… y hệt!
Hai tiếng Nôm na mà ai cũng cho là NômNam , vậy thì na là gì ? mọi người đều lờ đi !
Thật ra, Nôm và na đều có nghĩa gốc là xưa, cũ, lâu đờiđã có từ lâu.
[Các tiếng Lào Thái Khmer đều có ghi hai tiếng "nôm na" và đều giải thích như vậy]
Tiếng Nôm là tiếng nói xưa của người nước ta, đã nói như vậy từ lâu, truớc khi ông bà ta gặp người Tàu.
Còn nhiều nữa, rất nhiều nữa, cả thảy 27 ngàn 400 tiếng Việt như vậy, ta đã cùng nói cùng xài chung, dùng chung, của không biết bao nhiêu là ngôn ngữ anh em chung quanh ta, đến nỗi là không có một tiếng Việt nào mà lại không có chung đồng nguyên [gốc gác] với một vài ngôn ngữ khácở miền Đông nam Á này
Các tiếng nói Đông nam Á [Khmer, Lào, Thái, Chàm, Malay, Indonesia, Nùng, Hmong Bahnar, Rhade, v.v.. bao bọc tiếng Việt trong một vòng dây thân ái của tình anh emngôn ngữ chung giòng chung họ hàng mà chúng ta không ngờ đến đó thôi.
Nhưng tiếng Việt có một điểm rất lạ, dễ thì dễ mà khó cũng thật là khó, vì ta tưởng là ta viết đuợc tiếng Việt là ta hiểu được tiếng Việt ,
Thật ra ta không hiểu tiếng mẹ đẻ của chúng ta nó ra làm sao cả :
- ta nói đau đớn mà ta không hiểu đớn là gì, [đớn là tiếng Mon có nghia là đau cái đau của lòng mình]
- ta nói rộn rịp mà không hiểu rịp là gì, [rịp là bận việc], gốc tiếng Lào Thái đó bạn ơi
- ta nói săn sóc , chăm sóc mà ta chẳng hiểu săn là gì mà sóc là gì. Săntheo dõi, sócsức khoẻ # health [gốc Sanskrit / Pali đó]
Có cả thảy chừng 10 ngàn tiếng Việt gốc gác như thế !
Thành thử dù cho ta có biết viết chữ Nôm, hay chữ Tàu đi nữa, ta vẫn không thể nào bíết ý nghĩa của mỗi từ ngữ trong tiếng Việt của ta đâu!
Biết thêm vài ba ngàn tiếng Pháp, tiếng Anh, chữ Tàu chữ Nôm thì cũng tốt thôi, ta sẽ trở thành một thứ học giả "bất đắc dĩ", nhưng đừng tưởng rằng như vậy là đã hiểu thông suốt tiếng Việt.
Cái này đòi hỏi phải có một trình độ và khả năng hiểu biết ý nghĩa nguồn gốc của mỗi chữ mỗi âm, mỗi từ trong tiếng Việt mà con số lên đến gần 10 ngàn tiếng đơn như vậy.
Chỉ có một cách qua được cái khó khăn vuợt bực đó.
Đó là phải có một bộ từ điển nguồn gốc tiếng Việt, tham khảo khắp cả 58 thứ tiếng lớn nhỏ ở nam Á châu, từ tiếng Thái Lào, Khmer, Miến, Malay, Indonesia cho đến những tiếng nói thiểu số với vài ba trăm ngàn người, tiếng Muờng, tiếng Nùng, tiếng Hmong, tiếng Chàm …Chúng nó đều có đóng góp âm thanh, giọng nói và ý nghĩa gốc gác, hay làm nguồn cội ban đầu cho mọi từ, mọi ngữ trong tiếng Việt.
Và đó là bộ Từ điển nguồn gốc tiếng Việt, sắp xuất bản mà chúng tôi xin phổ biến truớc một ít từ ngữ nguồn gốc Việt để các bạn và quý vị xem cho vui.
BS Nguyễn Hy Vọng

Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2014

Động Hoa vàng/ Viễn Phương chuyển




 
Ðộng Hoa Vàng
Nguyễn Mộng Khôi
--o0o--
 
        Rằng xưa có gã từ quan
        Lên non tìm động hoa vàng ngủ say
 
Bài thơ Ðộng Hoa Vàng của Phạm Thiên Thư xuất hiện khoảng đầu thập niên bẩy mươi(1970'), ở thời điểm mà cuộc chiến Việt Nam đến hồi khốc liệt. Hầu hết những thanh niên trong lứa tuổi động viên đều phải gọi nhập ngũ. Mặt trận bùng nổ nhiều nơi từ miền cao nguyên, miền địa đầu giới tuyến. Mỗi ngày từng đoàn trực thăng chở những chiến sĩ  bị thương từ chiến trường về bệnh viện. Những tờ báo với những cáo phó của những quân nhân tử trận ngày càng nhiều. Tâm trạng của thanh niên thì hoang mang, người dân thì khổ sở và lo sợ. Mọi người mong cho cuộc chiến chóng tàn; thì đúng lúc bài thơ Ðộng Hoa Vàng của Phạm Thiên Thư xuất hiện. Bài thơ có tác dụng như viên thuốc an thần cho mọi người. Mọi người  mong đựợc sống thanh bình và hưởng nhàn như gã từ quan mà trước đó gã đã đau khổ về công danh và tình yêu.
 
Chuyện kể:
 
Ngày gã đi tìm động Hoa Vàng, Em  cũng tiễn chân gã tới bến  cầu:
 
          Ừ, thì mình ngại mưa mau.
          Cũng đưa anh đến bến cầu nước xuôi.
 
Thuyền trôi xuôi dòng. Bến còn, nhưng nước xuôi ra biển mà không bao giờ trở về nơi cũ. Gã biết lần đi này là vĩnh biệt. Rồi đây kẻ đầu sông, người cuối giòng, có mây sầu ngăn cách, sẽ chẳng bao giờ được gặp lại:
 
        Sông này đây chảy một dòng thôi
        Mây sầu sông thẳm, tóc người cuối sông.
 
Nghĩ đến những hình ảnh cũ:
 
       Ngày xưa em chửa theo chồng,
       Mùa Xuân em mặc áo hồng đào rơi
       Mùa Thu áo biếc da trời,
        Sang Ðông em lại đổi dời áo hoa.
Sống trong gia đình lễ giáo, tuy yêu em, nhưng không giám bộc lộ tình cảm. Có một lần, trên cánh đồng cà tím, gã ngắt một chùm mù sa mọc hoang ở bờ ruộng. Gã muốn đưa cho em, nhưng còn ngập ngừng, e dè. Ði thêm một quãng đường dài gã mới kín đáo trao vội chùm hoa cho em.
 
            Ðường về hái nụ mù sa
            Ðưa theo dài một ruộng cà tím thôi.
 
Rồi:
 
             Anh trao vội vàng
             Chùm hoa mới nở ...
 
                                    (Ngày Xưa Hoàng Thị )
 
Tình yêu một chiều, nhưng gã vẫn thương em.
 
             Thôi thì em chẳng yêu tôi.
              Leo lên cành bưởi, nhớ người dưng dưng,
 
Tựa hồ cái đau ngấm ngầm, cái thương tiếc ngẩn ngơ của cậu trai làng trong câu ca dao cổ tích:
 
 
              Trèo lên cây bưởi hái hoa
              Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
              Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
              Em có chồng anh tiếc lắm thay ...
                                                (Ca dao )
 
Cái tình kín đáo của cậu trai quê này khác với những chuyện tình bây giờ.
 
Cậu Hoàng(thơ  Vũ Hoàng Chương) ngày nay đã khóc điên cuồng nơi quán rượu khi được tin cô Tố lấy chồng:
 
              Men khói đêm nay sầu vũng mộ
              Bia đề tháng sáu, ghi mười hai
              Tình ta tha thiết, cuồng ta khóc
              Tố của Hoàng, nay Tố của ai?
              ...Kiều thu hề Tố em ơi !
              Ta đang lửa đốt tơi bời mái Tây
                                    (Vũ Hoàng Chương)
 
Còn gã, cái bản tính bẻn lẽn, cái phong thái của một cậu trai mới lớn. Có dịp đi chơi với em mà không giám tỏ tình. Ðêm về gã định làm một bài thơ thật dài để tâm sự, nhưng viết được một nữa thì bỏ dở:
 
               Ðêm về thắp nến làm thơ
               Tiếng chân còn vọng nửa tờ thư thôi.
 
Sau ngày đám cưới, em chỉ mặc áo hồng, cái màu hồng đào rơi mà gã ưa thích:
               Từ hôm em bỏ theo chồng
               Áo trắng em cất, áo hồng em mang
Và, những hình ảnh khó quên của em:
 
               Em về hong tóc mùa Xuân.
               Trăng trầm hương tỏa dưới chân một vành,
               Em nằm ngó cội thu xanh,
               Môi ươm đào, lý một cành đôi mươi
               Về em vàng phố mây trời
               Tay đơm nụ hạ, hoa rời gót Xuân.
Em chưa bao giờ thề thốt, nhưng gã vẫn trách:
 
               Em ơi! rũ tóc mây về
               Nhìn trăng nỡ để lời thề gió bay.
 
Bây giờ, em và người chồng như cặp uyên ương hạnh phúc, trong khi gã đau khổ mà sống cô đơn, lạnh lùng:
 
               Ðôi uyên ương trắng bay rồi
               Tiếng nghe tha thiết bên trời chớm đông.
 
Gã tự nhủ, đời này không lấy được em thì gã sẽ đợi đến kiếp sau. Gã sẽ là Trương Quân Thụy, em sẽ là Thôi Oanh Oanh trong điển tích xưa. Chàng Trương và nàng Thôi đã gặp nhau lần đầu ở chùa Phổ Cưu, chốn đồi Tây. Mối tình tuyệt vời này là nguồn cảm hứng của bao thi nhân:
 
               Ðợi nhau tàn cuộc hoa này,
               Ðành như cánh bướm đồi Tây hững hờ.
 
Dù phải đợi chờ nhau trong nhiều đời, nhiều kiếp gã vẫn chờ. Gã và em sẽ không rời nhau như giấy với mực:
 
              Ðợi nhau từ mấy thuở,
              Tìm nhau cõi vô thường
              Anh hóa thân làm mực
              Cho vừa giấy yêu đương
                                    (Pháp Thân)
 
Buồn quá gã mong sớm được hóa kiếp như một con chim bé nhỏ, nằm chết dưới cội hoa:
 
               Con chim chết dưới cội hoa
               Tiếng kêu rụng giữa san hà xanh xao.
 
Tình tuyệt vọng của gã với em như mối tình ngang trái của anh lái đò Trương Chi và nàng tiểu thư Mị Nương. Anh lái đò chết, nhưng trái tim không tiêu mà kết thành khối pha lê trong vắt; rồi được tiện thành cái ly tuyệt đẹp. Có lần Mỵ Nương uống nước chợt bóng Trương Chi hiện nơi đáy cốc. Xúc động nàng đánh rơi. Ly không vỡ, nhưng sau chỉ một giọt nước mắt thương yêu của Mỵ Nương, chiếc ly bỗng tan thành nước.
Ước gì một giọt nước mắt thương yêu như giọt nước mắt Mỵ Nương khóc Trương Chi, là gã thỏa nguyện cho giấc ngủ ngàn năm.
 
             Mai anh chết dưới cội đào,
             Khóc anh xin nhỏ lệ vào thiên thu.
 
Chuyện gã từ quan cũng là ước mong và tâm sự của Phạm Thiên Thư, đau khổ với tình yêu, tình đời nay bỗng tìm thấy an vui, tự tại ở chùa Pháp Hoa, Phú Nhuận, Saigon.
 
Người dân Việt ở thập niên bảy mươi cũng mong chiến tranh sớm dứt, để có cuộc sống thảnh thơi,vui cùng cỏ cây mây nước như gã Từ Quan ở Động Hoa Vàng

Truyện rất ngắn/ Viễn Phương chuyển


 
27 Truyện rất ngắn nhưng chứa đựng nội dung sâu sắc!



1. Lương tâm  -  Trần Đình Ba

Con ốm, nhập viện. Làm thủ tục, bác sĩ mặt lạnh tanh. Biết ý, tay mẹ run run dúi trăm nghìn vào túi “lương y”… Bác sĩ thân mật: “Nằm giường này cháu, đừng lo có bác!”. Biết đâu mẹ đang xỉu dần vì bán máu cho con. Lương tâm?

2. Xứ lạ quê người - Trần Ninh Bình

Qua xứ người được vài năm thì ông anh họ của tôi bắt đầu gởi tiền về, giục các con lo học tiếng Anh và vi tính đẻ mai mốt qua đó có thể dễ dàng kiếm việc làm.

Hôm vừa rồi, anh gọi điện về thăm gia đình chúng tôi, tôi hỏi anh có địa chỉ eMail chưa để tiện liên lạc, giọng anh chùng hẳn xuống: ”Suốt ngày hết rửa bát lại dọn bàn trong quán, anh có thì giờ đâu mà biết đến những thứ hiện đại đó hả em?! “.

3. Chung Riêng- Nga Miên

Chung một con ngõ hẹp, hai nhà chung một vách ngăn. Hai đứa chơi thân từ nhỏ, chung trường chung lớp, ngồi chung bàn, đi về chung lối. Chơi chung trò chơi trẻ nhỏ, cùng khóc cùng cười, chung cả số lần bị đánh đòn do hai đứa mãi chơi. Đi qua tuổi thơ với chung những kỷ niệm rồi cùng lớn lên…
Uống chung một ly rượi mừng, chụp chung tấm ảnh... cuối cùng khi anh là chú rễ còn em chỉ là khách mời. Từ nay, hai đứa mình sẽ không còn có gì chung nữa, anh giờ là riêng của người ta…


4. Bàn tay

Hai đứa cùng trọ học xa nhà, thân nhau. Lần vào quán nước, sợ tôi không đủ tiền trả em lòn tay xuống gầm bàn đưa tôi ít tiền. Vô tình đụng tay em... mềm mại.

Ra trường, hai đứa lấy nhau. Sống chung, em hay than phiền về việc xài phí của tôi. Bận nọ tiền lương vơi quá nửa đem về đưa em... chợt nhận ra tay em có nhiều vết chai.
Tự trách, mấy lâu mình quá vô tình.

5. Vòng cẩm thạch  - Jang My

Cha kể, cha chỉ ao ước tặng mẹ chiếc vòng cẩm thạch. Tay mẹ trắng nõn nà đeo vòng cẩm thạch rất đẹp. Mỗi khi cha định mua, mẹ cứ tìm cách từ chối, lúc mua sữa, lúc sách vở, lúc tiền trường…

Đến khi tay mẹ đen sạm, mẹ vẫn chưa một lần được đeo. Chị em hùn tiền mua tặng mẹ một chiếc thật đẹp. Mẹ cất kỹ, thỉnh thoảng lại ngắm nghía, cười:
-Mẹ già rồi, tay run lắm, chỉ nhìn thôi cũng thấy vui. Chị em không ai bảo ai, nước mắt rưng rưng.
6. Ngậm ngùi

Ba mất nửa năm, má dẫn hai con nhỏ về quê. Xin được mảnh đất hoang, cùng mần cỏ, dọn nền, lối xóm lạ hoắc tới tiếp dựng mái lá ở tạm. Tối, má gói bánh – nấu. Sáng, hai nhỏ út bưng bán. Má mượn xuồng đi chợ, áo thâm kim, nón lá rách.
Anh Hai ở Sài Gòn, thành đạt, giàu. Hôm về quê, anh đi dọc bờ sông, má thấy, bơi xuồng riết theo, goi tên con hụt hưởi. Anh ngoái nhìn rồi quay mặt đi tiếp. Má tủi, gạt dầm, cúi mặt khóc. Nước mắt má làm xuồng quay ngang!

7. Tết  -  Phạm Thiên Phú

Ngồi một mình trong căn phòng chung cư ở tầng 15, anh đón Tết một cách lặng lẽ. Ở nơi này vẫn có bánh chưng, bánh tét, vẫn có pháo, có hoa nhưng hình như vẫn thiếu một thứ gì đó.
Đã 35 cái Tết tha hương nhưng hình như trong anh vẫn còn tìm kiếm, dẫu rằng sự tìm kiếm đó ngày càng nhạt nhòa theo năm tháng. Phải chăng ‘thứ ấy’ là hương vị Tết quê nhà?
“Phải đi ngủ sớm thôi” Anh tắt đèn tự nhủ, “Mai còn phải đi làm…”

8. Nghĩa tình  - Nguyễn Quang Lâm

Bố bị tai biến mạch máu não, nằm liệt giường. Em phải xin nghỉ việc để về nhà phụ mẹ chăm sóc bố. Hơn năm sau, bố mất. Em lại phải đi làm xa kiếm tiền gởi về cho mẹ trả nợ nần, thuốc men. Mãi bươn chải vì chén cơm manh áo, hơn ba mươi tuổi vẫn chưa lập gia đình.
Anh hai giục mẹ bán nhà ra ở với ảnh, có dâu có cháu cho vui tuổi già. Ngày về căn nhà ngày xưa đã đổi chủ, em chỉ còn biết khóc. 

9. Bóng nắng, bóng râm

Con đê dài hun hút như cuộc đời. Ngày về thăm ngoại, trời chợt nắng, chợt râm. Mẹ bảo:

- Nhà ngoại ở cuối con đê.

Trên đê chỉ có mẹ, có con
Lúc nắng, mẹ kéo tay con:

- Đi nhanh lên, kẻo nắng vỡ đầu ra.

Con cố.
Lúc râm, con đi chậm, mẹ mắng:

- Đang lúc mát trời, nhanh lên, kẻo nắng bây giờ.

Con ngỡ ngàng: sao nắng, râm đều phải vội ?
Trời vẫn nắng, vẫn râm...

... Mộ mẹ cỏ xanh, con mới hiểu: đời, lúc nào cũng phải nhanh lên.

10. Câu Hỏi  - Nguyễn Hoài Thanh

Ngày đầu tiên cô phụ trách một lớp học tình thương đa phần là những trẻ lang thang không nhà cửa.
Cuối buổi học.
- Cô ơi. Dạy tụi con hát đi cô.
- Hát đi cô.
Còn mười phút. Nhìn những cái miệng tròn vo và những đôi mắt chờ đợi, cô dạy cho tụi trẻ bài "Đi học về".
- Hát theo cô nè... Đi học về là đi học về. Con vào nhà con chào ba mẹ. Ba mẹ khen...
Phía cuối lớp có tiếng xì xào:
- Tao không có ba mẹ thì chào ai?
- ...
Cô chợt rùng mình, nghe mắt cay cay.

11. Ba Và Mẹ - Lê Mai

Mẹ xuất thân gia đình trí thức nghèo, yêu thích thơ, văn. Ba tuy cũng được học nhưng là con nhà nông “chánh hiệu”.
Mẹ sâu sắc, tinh tế. Ba chất phác, hiền hòa.
Mỗi khi ba mẹ đấu lý, chị em nó thường ủng hộ mẹ, phản đối ba. Mẹ luôn đúng và thắng.
Hôm ba bệnh nặng, cả nhà lo lắng vào ra bệnh viện.
Tối ba nói sảng điều gì đó không ai hiểu. Nhưng lần đầu tiên nó nghe mẹ nói “Đúng! Ông nói đúng…” Quay đi, mẹ sụt sùi. Nó thút thít khóc.
 

12. Tình Đầu - Hứa Vĩnh Lộc

Về quê, lần nào cũng vậy, hễ chạy qua ngã ba An Lạc là tôi cho xe chạy chậm hẳn lại, mắt nhìn vào ngôi nhà khuất sau vườn lá. Một lần, đứa con trai mười tuổi của tôi hỏi:
- Ba tìm gì vậy?
- Tìm tuổi thơ của ba.
- Chưa tới nhà nội mà?
- Ba tìm thời học sinh.
- Nội nói, lớn ba học ở Sài Gòn mà?
- À, ba tìm người... ba thương.
- Ủa, không phải ba thương mẹ sao?
- Ừ, thì cũng ... thương.
- Ba nói nghe lộn xộn quá. Con không biết gì cả.
- Ba cũng không biết.
Chỉ có Hồng Hạ biết. Mà Hạ thì hai mươi năm rồi tôi không gặp.

13. Bão - Nga Miên

Sống miền duyên hải, công việc của anh gắn liền với tàu, với biển, với những chuyến khơi xa. Anh đi suốt, về nhà chẳng được bao ngày đã tiếp tục ra khơi. Mỗi lần anh đi chị lại lo. Radio, ti vi báo bão. Đêm chị ngủ chẳng yên, sợ bão sẽ cuốn anh ra khỏi đời chị.
Cuộc sống khá hơn, anh không đi biển nữa mà kinh doanh trên bờ. Anh đi sớm về trễ, có đêm vắng nhà, bảo vì công việc làm ăn. Nhưng nghe đâu...
Không phải bão, anh vẫn bị cuốn xa dần. Sóng gió, bão trong lòng chị.

14. Khóc - Bùi Phương Mai

Vừa sinh ra đã vào trại mồ côi, trừ tiếng khóc chào đời, chồng tôi không hề khóc thêm lần nào nữa.
Năm 20 tuổi, qua nhiều khó khăn anh tìm được mẹ, nhưng vì danh giá gia đình và hạnh phúc hiện tại, một lần nữa bà đành chối bỏ con. Anh ngạo nghễ ra đi, không rơi một giọt lệ.
Hôm nay 40 tuổi, đọc tin mẹ đăng báo tìm con, anh chợt khóc. Hỏi tại sao khóc, anh nói:
- Tội nghiệp mẹ, 40 năm qua chắc mẹ còn khổ tâm hơn anh.
 

15. Đánh Đổi - Song Vũ

Chị yêu anh vì vẻ lãng mạn và coi thường vật chật. Chị xa anh cũng vì lẽ đó. Nhân chứng của cuộc tình là chiếc xe đạp, nó chở đầy kỷ niệm của một thời yêu nhau.

Mười năm xa cách, anh lao vào cuộc mưu sinh và có một gia sản ít ai bằng.

Tình cờ anh gặp chị tại nhà, nhìn thấy chiếc xe đạp ngày xưa, chị hỏi: anh còn giữ nó? Anh nghẹn ngào: anh làm ra những thứ này mong đánh đổi những gì anh có trên chiếc xe đạp ngày xưa.
 

16. Mẹ tôi - Nguyễn Thánh Ngã

Mẹ sinh tôi giữa ruộng bùn vì lúc có mang tôi cũng là lúc gia đình lâm vào túng quẫn, mẹ đi cấy thuê lặn lội đồng sâu nước độc nên sinh tôi thiếu tháng. Tôi ốm đau èo uột. Mẹ thường cõng tôi qua sông đến nhà thầy thuốc. Tôi khỏe. Nhưng mẹ phải còng lưng ba năm trời để trả nợ.
Lớn lên tôi định bỏ học đi làm sớm. Mẹ quyết nhịn ăn bắt tôi đến trường. Mẹ là tấm gương soi suốt đời tôi.

17. Túi khoai thối

Thử hình dung những cơn giận dữ của ta như những củ khoai, mỗi lần giận là bỏ vào túi một củ, ngày càng nhiều và chúng dần thối đi. Nếu không biết bỏ qua lỗi lầm của người khác, cứ giận họ mãi thì với ta chẳng lợi ích gì, họ cũng chẳng vì ta giận họ mà mập hay ốm đi, còn ta khác nào phải mang theo túi khoai vừa thối vừa nặng. Nếu biết bỏ qua, ta sẽ có nhiều bạn, không còn phiền lòng vì túi khoai thối ấy.       

18. CHUYỆN CÁI VÉ

 Một người cha dắt đứa con 6 tuổi đi sở thú chơi. Đến quầy bán vé, người cha dừng lại đọc bảng giá:
"Người lớn: $10.00
Trẻ em trên 5 tuổi: $5.00
Trẻ em dưới 5 tuổi: Miễn phí"
Đọc xong, ông nói với người bán vé:
- Cho tôi 1 vé người lớn và 1 vé trẻ em trên 5 tuổi.
- Con ông trên 5 tuổi à? – Người bán vé tò mò hỏi lại.
- Vâng.
- Nếu ông không nói cho tôi biết thì thằng bé được miễn phí rồi.
- Vâng, có thể không ai biết, nhưng con tôi tự nó biết.

19. Ba…

Học lớp 12, tôi không có thời gian về nhà xin tiền ba như 2 năm trước. Vì thế, tôi viết thư cho ba rồi ba đích thân lên đưa cho tôi.
Từ nhà đến chỗ tôi trọ học chừng 15 km. Nhà nghèo không có xe máy, ba phải đi xe đạp. Chiếc xe gầy giống ba…
Cuối năm, làm hồ sơ thi đại học, tôi lại nhắn ba. Lần này, sau khi đưa cho tôi một trăm ngàn, ba hỏi:
- "Có dư đồng nào không con?".
Tôi đáp:
- "Còn dư bốn ngàn ba ạ".
Ba nói tiếp:
- "Cho ba bớt hai ngàn, để lát về, xe có hư như lần trước thì có tiền mà sửa".
Ba về, tôi đứng đó, nước mắt rưng rưng.

20. Mẹ và con

Con lên ba, chơi bên nhà dì, bị xe đạp ngã, trúng đầu chảy máu. Mẹ đang nấu cơm, hốt hoảng bế con chạy ngay đến bệnh viện. Hú vía. Vết thương chỉ nhẹ bên ngoài thôi. Hoàn hồn, mẹ nhìn lại mình: chân không dép, quần ống cao ống thấp, áo loang lổ vết máu. Chả giống ai! Mẹ cười.
Con lớn, mẹ bỗng bị chứng nặng tai. Lần lữa mãi, mẹ mới nhờ con đưa đi khám bệnh. Bác sĩ bảo: Để quá lâu, hồi phục thính lực cũng khó. Nhìn mặt mẹ ngơ ngẩn, con khóc.


21. Anh

Năm 18 tuổi, anh quyết định nghỉ học đi phụ hồ. Bố mẹ giận dữ, mắng "Sanh ra… giờ cãi lời bố mẹ…phải chi nó ngoan, siêng học như bé Út…"
Anh lặng thinh không nói năng gì…Bố mẹ mắng mãi rồi cũng thôi. Anh đã quyết thế!
Ngày bé Út vào Đại học, phải xa nhà, lên thành phố ở trọ. Anh tự ý bán đi con bò sữa -gia tài duy nhất của gia đình-, gom tiền đưa cho bé Út. Biết chuyện, bố thở dài, mẹ lặng lẽ, Út khóc thút thít…Anh cười, "Út ráng học ngoan…"
Miệt mài 4 năm Đại học, Út tốt nghiệp lọai giỏi, được nhân ngay vào công ty nước ngoài, lương khá cao… Út hớn hở đón xe về quê…
Vừa bước chân vào nhà, Út sững người trước tấm ảnh của Anh trên bàn thờ nghi ngút khói…Mẹ khóc, "Tháng trước, nó bị tai nạn khi đang phụ hồ… lúc hấp hối, biết con đang thi tốt nghiệp, nó dặn đừng nói con biết…"

22. Cua rang muối

Khi xưa nhà còn nghèo, mẹ hay mua cua đồng giả làm cua rang muối. Cua đồng cứng nhưng mẹ khéo tay chiên giòn, đủ gia vị nên thật ngon. Thấy các con tranh nhau ăn, mẹ nhường. Các con hỏi, mẹ bảo: răng yếu. Giờ, các con đã lớn, nhà khá hơn, chúng mua cua biển gạch son về rang muối mời mẹ. Các con nói vui:
- Cua rang muối thật đó mẹ.
Rồi chúng ăn rất ngon. Riêng mẹ không hề gắp. Các con hỏi, mẹ cười móm mém:
- Còn răng đâu mà ăn?!


23. Xa xứ

Em tôi học đến kiệt sức để có một suất du học.
Thư đầu viết: "ở đây, đường phố sạch đẹp, văn minh bỏ xa lắc nước mình…"
Cuối năm viết: "mùa đông bên này tĩnh lặng, tinh khiết như tranh, thích lắm…"
Mùa đông sau viết: "em thèm một chút nắng ấm quê nhà, muốn được đi giữa phố xá bụi bặm, ồn ào, nhớ chợ bến xôn xao lầy lội… Biết bao lần trên phố, em đuổi theo một người châu Á, để hỏi coi có phải người Việt không…"


24. Đi thi

Chị Hai thi đệ thất. Ba thức dậy từ tờ mờ chở chị đi trên chiếc xe đạp cũ. Chị Hai đậu thủ khoa. Má bảo: “Nhờ Ba mày mát tay”. Từ đó, lần lượt tới anh Ba rồi cô út – cấp II, cấp III, tú tài, đại học – Đứa nào cũng một tay Ba dắt đi thi. Giờ cả ba đều thành đạt.
… Buổi sáng, trời se lạnh, Ba chuẩn bị đi thi “Hội thi sức khỏe người cao tuổi”. Má nhìn Ba ái ngại: “Để tôi gọi taxi. Tụi nhỏ đều bận cả”.
Buổi tối, má hỏi: “Ông thi sao rồi?”. Ba cười xòa bảo: “Rớt!”

25. THỊT GÀ

Tạnh mưa, bọn trẻ bưng cơm đứng ăn trước cửa. Tý khoe:
- Nhà Tý ăn thịt gà.
Đêm đó, bà Tám chửi:
- Mả cha nó, nghèo mạt kiếp tiền đâu ăn gà, nó ăn gà bà, nó chết bất đắc.
Ông giáo buồn lắm, ngã bệnh, qua đời. Thương tình, hàng xóm lo ma chay. Tý hớn hở vì nhà nó đông vui.
Trời đổ mưa.
Thằng Tý la lớn:
- Con gà vô nhà, dậy bắt làm thịt ba ơi.
Mọi người nhìn theo. Thì ra, một con cóc dưới kẹt tủ đang giương mắt nhìn lên quan tài ông giáo.
(Đừng vội kết tội cho người khác bạn nhé. Hãy bao dung độ lượng và tha thứ)

26. Chỉ có một người thôi


Người đến dự đám cưới khá đông. Ông hàng xóm gọi bác làm công đến và bảo:
- Này, anh đi xem xem có bao nhiêu người đến dự đám cưới bên ấy.
Bác làm công ra đi. Bác để lên ngưỡng cửa một khúc gỗ và ngồi lên bờ tường đợi khách khứa ra khỏi nhà. Họ bắt đầu ra về. Ai đi ra cũng vấp phải khúc gỗ, văng lên chửi và lại tiếp tục đi. Chỉ có một bà lão vấp phải khúc gỗ, liền quay lại đẩy khúc gỗ sang bên.
Bác làm công trở về gặp người chủ.
Người chủ hỏi:
- Ở bên ấy có nhiều người không?
Bác làm công trả lời:
- Chỉ có mỗi một người mà lại là bà lão.
- Tại sao vậy?
- Bởi vì tôi để khúc gỗ bên thềm nhà, tất cả đều vấp phải, nhưng cũng chẳng ai buồn dẹp đi. Thế thì lũ cừu cũng làm như vậy. Nhưng một bà lão đã dẹp khúc gỗ sang bên để người khác khỏi vấp ngã. Chỉ có con người mới làm như vậy. Một mình bà lão là người.

27. Phấn Son

Tốt nghiệp đại học, ở lại thành phố đi làm.
Tháng rồi, mẹ vào thăm. Mừng và thương. Mẹ khen: “Bạn gái con xinh”.
Cuối tháng, lãnh lương. Dẫn người thương đi shopping.
Em bảo: “Mỹ phẩm của hãng này là tốt nhất. Những loại rẻ tiền khác đều không nên dùng vì có hại cho da, giống mẹ anh đó, mẹ bị nám hết anh thấy không…”
Chợt giật mình. Mẹ cả đời lam lũ, nắng gió với cái ăn, nào đã biết phấn son màu gì.