Thứ Năm, 30 tháng 4, 2020

Bí quyết thải độc cho cơ thể bằng liệu pháp tự nhiên/ Kiện Khang/ Tô Châu chia sẻ

Để dùng các phương pháp vật lý tự nhiên đơn giản mà có thể thải độc ra khỏi cơ thể thì cách tốt nhất là tiến hành “tự chữa trị” đối với từng loại độc khác nhau của từng hệ thống trong cơ thể nhằm đẩy mạnh trao đổi chất thì mới có thể “không còn chất độc” được.
Bí quyết thải độc cho cơ thể
Ngâm chân thải độc. (Ảnh qua: takasima.vn)

Chủ động ho và thở sâu để làm sạch “chất độc trong phổi”

Mỗi ngày chúng ta có thể đưa hàng ngàn lít không khí vào phổi khi hô hấp, những thứ có hại như vi khuẩn, virus, bụi trong không khí cũng đi theo vào phổi.
Cách tốt nhất để giảm chất độc cho phổi là hít thở nhiều không khí trong lành, tránh hít không khí ô nhiễm vào. Nếu bên cạnh có người hút thuốc thì nhất định phải tránh hít “khói thuốc”, đồng thời cố gắng đừng ở nơi nhiều khói bụi quá lâu. Nếu trong không khí có quá nhiều bụi, thì khi ra ngoài đừng quên đeo khẩu trang.
Bí quyết thải độc cho cơ thể , đeo khẩu trang y tế đúng cách
(Ảnh qua: Internet)
Ngoài ra, bạn có thể tập hít thở sâu ở nơi có không khí trong lành hoặc sau cơn mưa như sau: thả lỏng phần bụng, dùng ngón tay chạm nhẹ vào bụng, sau đó hít sâu vào bằng mũi, lúc này ngón tay sẽ cảm thấy phần bụng căng lên cho đến khi cả phần bụng chứa đầy khí, giữ khí trong bụng khoảng 4 giây, sau đó thở ra bằng miệng. Ho vài tiếng cũng có tác dụng làm sạch phổi.
(Ảnh: Pixabay)

Đi vệ sinh đúng giờ, ăn nhiều rau củ quả để làm sạch “chất độc trong ruột”

Do nguồn chất độc lớn nhất trong cơ thể là từ ăn uống, rất nhiều thực phẩm bị nhiễm chất hóa học đều được cơ thể hấp thụ vào cơ thể thông qua đường ruột, vì vậy chất độc trong đường ruột là cần được làm sạch đầu tiên.
(Ảnh: Internet)
Điều quan trọng để giảm chất độc trong ruột là tập thói quen đi vệ sinh đúng giờ mỗi ngày, có thể rút ngắn thời gian trao đổi chất thừa trong đường ruột sẽ làm giảm sự hấp thu chất độc. Đồng thời phải ăn nhiều rau củ quả tươi, lượng chất xơ phong phú trong rau củ quả có thể thúc đẩy nhu động ruột, thải những chất chuyển hóa trong cơ thể, đặc biệt rau củ quả có nhiều chất xơ sẽ hỗ trợ tốt cho việc bài tiết.

Uống đủ nước, ăn thanh đạm để làm sạch “chất độc trong thận”

Thường ngày hãy chú ý uống nước lọc để giảm gánh nặng cho thận. (Ảnh: Pixabay)
Thận là bộ phận chủ lực trong hệ thống bài tiết, đây cũng là cơ quan thải độc quan trọng nhất trong cơ thể, nó có thể lọc chất độc trong máu và chất dư thừa sinh ra sau khi phân giải protein, đồng thời thải chất độc ra ngoài qua nước tiểu.
Nếu muốn giảm chất độc trong thận thì việc uống đủ nước một cách khoa học là rất quan trọng. Nước có thể làm loãng nồng độ chất độc, thúc đẩy trao đổi chất ở thận, đào thải nhiều chất độc ra khỏi cơ thể. Mỗi ngày uống 2 lít nước để rửa sạch chất độc trong cơ thể bằng nước, giảm gánh nặng cho thận, đây là cách thải độc đơn giản nhất.
Ăn thanh đạm. (Ảnh qua sustentator.com)
Ngoài ra, đặc biệt không được thường xuyên nhịn tiểu, bởi vì trong nước tiểu có rất nhiều chất độc, nếu không kịp thời thải ra ngoài thì sẽ bị hấp thu lại vào máu, gây hại cho sức khỏe.

Tập thể dục, đổ mồ hôi thải độc để làm sạch “chất độc còn sót lại”

Related image
(Ảnh qua: daily-sun.com)
Sau khi các cơ quan nêu trên đã được thải độc, bạn đừng quên còn có một cơ quan thải độc lớn nhất cũng cần được vận dụng, đó chính là làn da. Đây chính là cơ quan có thể thải những chất độc mà các bộ phận khác không giải quyết được. Hãy để làn da hỗ trợ thải độc theo cách tốt nhất chính là vận động để đổ mồ hôi.
Cách vận động thải độc hữu hiệu mà đơn giản nhất là đi bộ nhanh, hãy tăng tốc khi đi trên đường, cố gắng bước dài và vươn rộng chân để kích thích bạch huyết, nhằm làm giảm cholesterol và cao huyết áp. Ngoài ra cũng có rất nhiều cách vận động khác có thể tăng tốc trao đổi chất trong cơ thể, hỗ trợ da thải độc như thiền định, bơi lội, thái cực quyền… thế nhưng điều quan trọng nhất khi vận động chính là nhất định phải đổ mồ hôi. Mỗi ngày ít nhất nên vận động một lần để đổ mồ hôi.

Điều chỉnh tâm trạng vui vẻ, tươi sáng để làm sạch “độc trong tim”

http://gty.im/466327868
Có nhiều người luôn cảm thấy không khỏe, bị nổi mụn, phát hỏa, ngoài việc các cơ quan tích tụ chất độc ra thì còn phải giải quyết từ tâm lý nhằm làm sạch “cảm xúc tiêu cực”. Những cảm xúc thất thường do tâm trạng không vui, mất bình tĩnh, áp lực đều có thể làm tăng việc tích lũy chất độc trong cơ thể và còn có hại hơn nhiều so với những loại chất độc từ ăn uống và không khí.
Việc giữ tâm trạng vui vẻ là điều quan trọng mà trước nay luôn bị xem nhẹ. Hãy điều chỉnh tâm trạng một cách tích cực bằng cách nghe nhạc vui, xem nhiều hình ảnh đẹp, đừng để bị ảnh hưởng bởi những cảm xúc không vui, hãy cố gắng luôn giữ cho tâm trạng thoải mái, đây là cách thải độc từ trong ra ngoài quan trọng.
Kiện Khang

Thứ Tư, 29 tháng 4, 2020

The log, khúc gỗ/ Truyện ngắn của Guy De Maupassant/ Võ Hoàng Minh dịch

Khúc gỗ 

Truyện ngắn của Guy De Maupassant


672
VNTN – Phòng khách nhỏ có nhiều tấm màn nặng và thoang thoảng hương thơm. Một đám lửa lớn cháy trong lò sưởi, một ngọn đèn đơn độc bên trên mặt lò sưởi tỏa ánh sáng dịu lên hai con người đang trò chuyện.
Chủ nhà là một phu nhân già tóc bạc, nhưng là một trong những phu nhân có làn da không nhăn mà mượt như giấy loại tốt nhất, và phảng phất hương thơm của tinh chất nước hoa mà bà dùng để tắm trong khá nhiều năm.
Ông khách là một người bạn rất già, là người không hề lập gia đình, một người bạn chung thủy trong suốt hành trình của cuộc đời, nhưng chỉ thế thôi không có gì hơn.
Họ không nói chuyện trong khoảng một phút, và cả hai đang nhìn đống lửa, đang nghĩ về chuyện gì đó trong khoảnh khắc lặng yên bè bạn giữa những người không cần nói liên miên để làm cho nhau vui, thì bất chợt một khúc gỗ lớn, một gốc cây đầy những chiếc rễ đang cháy rơi ra ngoài. Nó rơi trên vỉ lò của lò sưởi lăn xuống thảm, làm văng những đốm lửa chung quanh nó. Bà phu nhân già kêu lên một tiếng, vụt đứng dậy bỏ chạy, trong khi đó ông khách đá hất khúc gỗ lên lòng lò sưởi và giẫm tắt những đốm lửa đang cháy bằng đôi chân mang ủng.
Khi sự việc đã được giải quyết, trong phòng có mùi khét. Ngồi đối diện với người bạn của mình, người đàn ông nhìn bà với một nụ cười, ông chỉ khúc gỗ và nói:
“Đó là lý do vì sao tôi không lập gia đình.”
Bà ngạc nhiên nhìn ông với cái nhìn tò mò của phụ nữ muốn biết mọi chuyện, đó là cách nhìn của những người phụ nữ không còn quá trẻ, và trong cái nhìn đó có sự tinh nghịch, tò mò, bà hỏi lại:
“Vậy sao?”
“Ồ, đó là một câu chuyện dài,” ông đáp: “một câu chuyện khá buồn và không mấy dễ chịu.
ảnh minh họa nguyên tác

Những người bạn cũ của tôi thường ngạc nhiên về sự lạnh nhạt đột ngột nảy sinh giữa một trong những người bạn thân nhất của tôi có tên thánh là Julien và tôi. Họ không hiểu tại sao hai người bạn thân thiết và không thể phân cách như chúng tôi lại có thể đột ngột trở thành những người gần như xa lạ với nhau, và tôi sẽ kể cho bạn nghe nguyên nhân của sự việc này.
“Julien và tôi từng sống chung với nhau một thời gian. Chúng tôi không bao giờ rời xa nhau, và tình bạn của chúng tôi có vẻ mạnh đến mức không gì có thể phá vỡ được.
“Một buổi tối khi Julien về nhà, anh bảo tôi rằng anh sẽ cưới vợ, và sự kiện này làm tôi xúc động như thể anh ta đã cướp đoạt của tôi hay phản bội tôi. Khi bạn của một người đàn ông lấy vợ, mọi chuyện sẽ chấm dứt giữa họ. Tác động của sự ghen tuông của người phụ nữ, cảm giác nghi ngờ, lo lắng và nhục dục… sẽ không có chỗ cho sự gắn kết bền vững và sự tin tưởng tồn tại giữa hai người đàn ông.
“Tuy nhiên, bất kể tình yêu vĩ đại kết hợp họ, một người đàn ông và một người phụ nữ, thì họ vẫn luôn là những người lạ trong tâm tư, vẫn có sự trái ngược nhau vì họ thuộc về hai giới tính khác nhau. Luôn luôn có một người chinh phục và một người bị chinh phục, một người chủ và một nô lệ, khi thì người này, khi thì người kia…và hầu như không bao giờ bình đẳng. Họ siết tay nhau, những bàn tay run run với đam mê say đắm nhưng không giống như cái siết tay giữa hai người đàn ông, mạnh mẽ và chân thành. Những triết gia xưa, thay vì lập gia đình và sinh những đứa con như một niềm an ủi cho tuổi già của họ thì họ lại tìm một người bạn tốt đáng tin cậy, và già cùng với mình trong sự thân thiết về tư tưởng, một điều chỉ có thể tồn tại giữa những người đàn ông.
“Vậy là anh bạn Julien của tôi cưới vợ. Vợ của anh ta đẹp, quyến rũ, một cô nàng tóc quăn bé nhỏ, tròn trịa và sống động, là người có vẻ rất tận tụy với anh ta. Mới đầu thì tôi ít khi tới nhà của họ, vì cảm thấy vậy cũng là làm phiền họ nhiều. Nhưng rồi họ hấp dẫn tôi, họ thường mời tôi đến và có vẻ rất thích tôi. Do vậy, dần dần tôi để cho mình bị lôi cuốn bởi sự quyến rũ của cuộc sống của họ. Tôi thường ăn cùng họ, và thường khi về nhà vào ban đêm, tôi nghĩ mình sẽ làm như anh ta, là lập gia đình, vì căn nhà vắng vẻ của tôi có vẻ rất chán.
“Họ tỏ ra rất yêu nhau, không hề rời nhau.
“Vậy rồi một buổi tối, Julien mời tôi đến ăn tối, lẽ tự nhiên là tôi nhận lời.
“Bạn ạ,” Julien nói, “Tôi phải đi ngay sau khi ăn vì công việc, và tôi sẽ không trở về cho tới mười một giờ; nhưng tôi sẽ về đúng mười một giờ, và tôi mong bạn ở chơi cùng Bertha.”
“Người thiếu phụ mỉm cười.
“Đó là ý kiến của em’, nàng nói, “em bảo anh ấy mời anh đến.”
“Tôi chìa tay ra cho nàng.
“Lúc nào bạn cũng tử tế, tôi nói, và tôi cảm thấy một sức ép thân thiện, dai dẳng ép vào những ngón tay tôi, nhưng tôi không mấy quan tâm. Vậy là chúng tôi ngồi ăn tối, và đến tám giờ thì Julien đi.
“Ngay khi Julien đi rồi, một sự lúng túng lạ lùng ngay tức khắc nảy sinh giữa vợ anh ta và tôi. Chúng tôi chưa bao giờ chỉ có hai người như thế này, và mặc dù sự thân mật của chúng tôi gia tăng hàng ngày, thì tình trạng mặt nhìn mặt như thế này đặt chúng tôi vào một tình trạng khó xử.
“Mới đầu tôi nói vu vơ về nhiều vấn đề khác nhau để lấp khoảng trống im lặng đầy lúng túng, nhưng nàng không đáp lời, và vẫn ngồi đối diện với tôi, đầu cúi xuống với vẻ lưỡng lự như thể nàng đang nghĩ kỹ về một vấn đề khó khăn, và tôi thì đã hết chuyện xã giao để nói nên cũng ngồi im lặng. Thật là ngạc nhiên vì thỉnh thoảng có những lúc thật là khó tìm chuyện để nói.
“Và rồi tôi cũng cảm thấy có gì đó bàng bạc trong không khí, một cái gì đó tôi không thể diễn tả, một dự cảm cảnh báo về một ý định thầm kín của người khác hướng về mình, dù đó là tốt hay xấu.
“Sự im lặng khó chịu đó kéo dài một lúc, và rồi Bertha nói với tôi:
“Anh bỏ giùm một khúc gỗ vào lò sưởi vì lửa đang tắt.”
“Tôi bèn mở thùng chứa củi gỗ, đặt y như chỗ cái thùng của bạn hiện giờ, lấy ra khúc gỗ lớn nhất và xếp nó lên trên những khúc đã cháy hết ba phần kia, và rồi sự yên lặng lại ngự trị trong phòng.
“Trong vòng vài phút khúc gỗ cháy sáng soi tỏ mặt chúng tôi, và thiếu phụ ngước mặt nhìn tôi…tôi cảm thấy đôi mắt nàng có một vẻ lạ lùng.
“Ở đây nóng quá,” nàng nói: “mình đến ghế xô pha đằng kia ngồi đi.”
“Vậy là chúng tôi đến ngồi trên ghế xô pha, nàng nhìn tôi chợt nói:
“Anh sẽ làm gì nếu một phụ nữ nói rằng nàng yêu anh?”
“Không biết được,” tôi trả lời, “tôi không nghĩ tới một trường hợp như vậy, nhưng theo tôi nó tùy thuộc rất nhiều vào người phụ nữ ấy.”
Nàng bật cười khanh khách và nàng nói thêm: “Anh đã bao giờ yêu chưa, anh Paul?” Tôi buộc phải thừa nhận rằng tôi đã từng yêu, và nàng bảo tôi kể cho nàng nghe chuyện tình của tôi. Thế là tôi kể một vài câu chuyện. Nàng chăm chú lắng nghe, chốc chốc lại phác những cử chỉ tỏ vẻ không tán thành và khinh thị, rồi đột ngột nàng nói:
“Không, anh không hiểu gì về chuyện này. Theo em tình yêu thật sự phải khuấy động tâm trí, làm đầu óc căng thẳng và rối bời; nó phải là… em làm sao diễn tả được nhỉ?…, là nguy hiểm, thậm chí khủng khiếp, gần như tội ác và báng bổ; nó phải là một loại phản bội; em muốn nói là nó phá vỡ luật pháp, những mối dây liên kết anh em, những bổn phận thiêng liêng… còn khi tình yêu bình lặng, dễ dàng, hợp pháp và không có nguy hiểm thì đó có phải là tình yêu thật sự không?”
“Tôi không biết phải trả lời sao, và tôi thầm nghĩ: Ôi! Đúng là đầu óc đàn bà, đích thực nàng đang bộc lộ chính nàng!”
“Trong khi nói, nàng tỏ vẻ trong sáng, và, tựa người trên nệm, nàng duỗi người, đầu ngả trên vai tôi, váy nàng vén lên một chút để lộ đôi tất đỏ, mà ánh lửa làm cho đỏ hơn. Sau vài phút nàng tiếp tục:
“Em có làm anh sợ không?” Tôi phủ nhận ý kiến đó, và nàng dựa vào ngực tôi, không nhìn tôi nàng nói: “Nếu em nói với anh rằng em yêu anh, anh sẽ làm gì?”
“Và trước khi tôi kịp nghĩ ra câu trả lời, nàng quàng tay qua cổ tôi, nhanh chóng vít đầu tôi xuống, và áp môi nàng vào môi tôi.
“Ôi! Bạn ơi, tôi có thể nói với bạn rằng tôi không cảm thấy sung sướng chút nào. Sao lại thế, tôi phản bội Julien chăng? Để trở thành người tình của người đàn bà gian dối, tóc đỏ, vô trách nhiệm này, người rõ ràng là ham mê nhục dục kinh khủng, và chồng nàng là người không còn thỏa mãn được nàng. Phản bội anh ấy, dối gạt anh ấy để chơi trò tình ái chỉ vì tôi bị hấp dẫn vì trái cấm, vì sự nguy hiểm và tình bạn bị phản bội! Không, chuyện ấy không phù hợp với tôi, nhưng tôi phải làm gì đây? Bắt chước Joseph sẽ là một hành động rất ngu ngốc, và hơn nữa, thật khó khăn khi người đàn bà này đang say mê sự phản bội của mình, sôi nổi bởi sự táo bạo, hồi hộp và kích thích. Hãy để cho người đàn ông chưa hề cảm thấy trên môi chàng nụ hôn ấm áp của người đàn bà thuộc về chàng ném hòn đá đầu tiên vào tôi.
“À, chỉ một phút nữa…bạn hiểu tôi nói gì không? Chỉ một phút nữa thôi, thì tôi đã… không, nàng đã… thì một tiếng động lớn làm cả hai chúng tôi giật mình. Khúc gỗ đã rơi ra sàn phòng, đập trên các thanh chọc lò và vật chắn, lăn trên tấm thảm, lăn xuống dưới ghế bành, và có thể sẽ bùng cháy.
“Tôi nhanh chóng bật dậy, và, trong khi tôi đang đặt lại trên đống lửa khúc gỗ đã cứu tôi thì cửa phòng bật mở và Julien bước vào phòng.
“Tôi hết việc rồi,” anh ta nói với vẻ sung sướng. “Công việc xong sớm hơn hai tiếng!”
“Vâng, bạn ơi, không có khúc gỗ đó, thì tôi đã bị bắt quả tang, và bạn biết hậu quả sẽ là gì!
Bạn có thể tin rằng tôi đã cẩn thận không để bị sa vào tình huống tương tự một lần nữa, không bao giờ. Chẳng bao lâu sau đó tôi thấy Julien đối xử lạnh nhạt đối với tôi. Rõ ràng là vợ anh ta đã ngầm hủy hoại tình bạn của chúng tôi. Dần dần anh ta lảng tránh tôi, và chúng tôi không còn gặp nhau nữa.
“Tôi không bao giờ lập gia đình, tôi nghĩ chuyện này chắc không làm bạn ngạc nhiên.”
Guy de Maupassant
Nhà văn Pháp
Sinh ngày: 5.8.1850 tại vùng Normandie ở miền Bắc nước Pháp
Mất ngày: 6.7.1893
Nghề nghiệp: nhà văn, nhà viết kịch
Trường phái: văn học hiện thực, văn học lãng mạn
Tác phẩm chính: Pierre và Jean (Pierre et Jean), Một cuộc đời (Un vie)

*
Võ Hoàng Minh dịch
(Từ bản tiếng Anh “The Log”

Nguồn: http://americanliterature.com/author/guy-de-maupassant/short-story/the-log

Bài ca Vọng cổ/ Truyện ngắn của Tiểu Tử/ Kim Trương chia sẻ

Bài Ca Vọng Cổ
(Truyện Ngắn – Tiểu Tử)
* Riêng tặng những người còn ca Vọng Cổ và tặng những người còn nhớ Vọng Cổ
Tôi vượt biên một mình rồi định cư ở Pháp. Năm đó tôi mới 49 tuổi, vậy mà đi tìm việc làm, đến đâu người ta cũng chê là tôi già! Vì vậy, một hôm, khi chải tóc, tôi nhìn kỹ tôi trong gương. Tôi bỗng thấy ở đó có một người có vẻ quen nhưng thật ra thì rất lạ: mắt sâu, má hóp, mặt đầy nếp nhăn trên trán, ở đuôi mắt, ở khóe môi, mái tóc đã ngà bạc cắt tỉa thô sơ như tự tay cắt lấy. Từ bao lâu nay tôi không để ý, bây giờ soi gương vì bị chê già, tôi mới thấy rằng tôi của hồi trước “Cách mạng thành công” và tôi của bây giờ thật không giống nhau chút nào hết. Tôi già thiệt, già trước tuổi. Cho nên, tôi nhìn tôi không ra. Từ đó, mỗi ngày tôi tập… nhìn tôi một lần, nhìn kỹ, cho quen mắt !
Một người bạn làm việc lâu năm ở Côte d’Ivoire (Phi Châu) hay tin tôi đã qua Pháp và vẫn còn thất nghiệp, bèn giới thiệu cho tôi Công ty Đường Mía của Nhà nước. Không biết anh ta nói thế nào mà họ nhận tôi ngay, còn gửi cho tôi vé máy bay nữa!
Xưa nay, tôi chưa từng quen một người da đen gốc Phi Châu nào hết. Và chỉ có vài khái nhiệm thô sơ về vùng Phi Châu da đen như là: Ở đó nóng lắm, đất đai còn nhiều nơi hoang vu, dân chúng thì da đen thùi lùi, tối ngày chỉ thích vỗ trống, thích nhảy tưng tưng… Vì vậy, tôi hơi… ngán. Nhưng cuối cùng rồi tôi quyết định qua xứ da đen để làm việc, danh dự hơn là ở lại Pháp để tháng tháng vác mặt Việt Nam đi xin trợ cấp đầu nọ, đầu kia.
Nơi tôi làm việc tên là Borotou, một cái làng nằm cách thủ đô Abidjan gần 800km! Vùng nầy toàn là rừng là rừng. Không phải rừng rậm rì cây cao chớn chở như ở Việt Nam. Rừng ở đây cây thấp lưa thưa, thấp thấp cỡ mười, mười lăm thước… coi khô khốc. Không có núi non, chỉ có một vài đồi trũng nhưng đồi không cao và trũng, không sâu.
Nhà nước phá rừng trồng mía. Ruộng mía ngút ngàn! Nằm ở trung tâm là khu nhà máy, khu cơ giới, khu hành chánh, khu cư xá v.v… nằm cách nhau cỡ vài cây số. Muốn về thủ đô Abidjan, phải lái xe hơi chạy theo đường mòn xuyên rừng gần ba chục cây số mới ra tới đường cái tráng nhựa. Từ đó, chạy đi Touba, một quận nhỏ với đông đảo dân cư. Từ đây, lấy máy bay Air Afrique về Abidjan, mỗi ngày chỉ có một chuyến. Phi trường Touba nhỏ xíu, chỉ có một nhà ga xây cất sơ sài và một phi đạo làm bằng đá đỏ, mỗi lần máy bay đáp lên đáp xuống là bụi bay… đỏ trời!
Tôi hơi dài dòng ở đây để thấy tôi “đi làm lại cuộc đời” ở một nơi hoang vu hẻo lánh mà cảnh trí thì chẳng có gì hấp dẫn hết! Thêm vào đó, tôi là người Á Đông duy nhất làm việc chung với Tây trắng (chỉ có năm người) và Tây đen (đông vô số kể).
Ở đây, thiên hạ gọi tôi là “le chinois” – thằng Tàu. Suốt ngày, suốt tháng tôi chỉ nói có tiếng Pháp. Cho nên, lâu lâu thèm quá, tôi soi gương rồi… nói chuyện với tôi bằng tiếng Việt, trông giống như thằng khùng! Chưa bao giờ tôi thấy tôi cô đơn bằng những lúc tôi đối diện tôi trong gương như vậy.
Một hôm, sau hơn tám tháng “ở rừng”, tôi được gọi về Abidjan để họp (đây là lần đầu tiên được về thủ đô!). Anh tài xế đen đưa tôi ra Touba. Chúng tôi đến phi trường lối một giờ trưa. Sau khi phụ tôi gởi hành lý, anh tài xế nói :
– Tôi ra ngủ trưa ở trong xe. Chừng Patron (ông chủ) đi được rồi, tôi mới về.
Ở xứ đen, họ dùng chữ “Patron” để gọi ông chủ, ông xếp, người có địa vị, có tiền, người mà họ nể nang v.v… Nghe quen rồi, chẳng có gì chói lỗ tai hết! Tôi nói:
– Về đi! Đâu cần phải đợi!
Hắn nhăn răng cười, đưa hàm răng trắng tốt :
– Tại Patron không biết chớ ở đây, lâu lâu họ lại hủy chuyến bay vào giờ chót, nói tại máy bay “ăn-banh” (en panne) ở đâu đó. Máy bay cũng như xe hơi vậy, ai biết lúc nào nó nằm đường.
Rồi hắn đi ra xe.
Tôi ngồi xuống một phô-tơi, nhìn quanh, hành khách khá đông. Nhiều người ngồi với một số hành lý như thùng cạc-tông, bao bị, va-ly… Không phải họ không biết gửi hành lý, nhưng vì những gì họ đã gửi đã đủ số ký-lô dành cho mỗi hành khách, nên số còn lại họ… xách tay, cho dầu là vừa nhiều món vừa nặng, vừa cồng kềnh!
Không khí nóng bức. Mấy cái quạt trần quay vù vù, cộng thêm mấy cây quạt đứng xoay qua xoay lại, vậy mà cũng không đủ mát. Thiên hạ ngủ gà ngủ gật, tôi cũng ngã người trên lưng ghế, lim dim…
Trong lúc tôi thiu thiu ngủ thì loáng thoáng nghe có ai ca Vọng Cổ. Tôi mở mắt nhìn quanh rồi thở dài, nghĩ : “Tại mình nhớ quê hương xứ sở quá nên trong đầu nghe ca như vậy”. Rồi lại nhắm mắt lim dim…
Lại nghe Vọng Cổ nữa. Mà lần nầy nghe rõ câu ngân nga trước khi “xuống hò”:
“Mấy nếp nhà tranh ẩn mình sau hàng tre rũ bóng… đang vươn lên ngọn khói… á… lam… à… chiều…”
Đúng rồi! Không phải ở trong đầu tôi, mà rõ ràng có ai ca Vọng Cổ ngồi kia. Tôi nhìn ra hướng đó, thấy xa xa dưới lùm cây dại có một người đen nằm võng. Và chỉ có người đó thôi. Lạ quá! Người đen đâu có nằm võng. Tập quán của họ là nằm một loại ghế dài bằng gỗ cong cong. Ngay như loại ghế bố thường thấy nằm dưới mấy cây dù to ở bãi biển, họ cũng ít dùng nữa.
Tò mò, tôi bước ra đi về hướng đó để xem là ai vừa ca Vọng Cổ lại vừa nằm võng đong đưa. Thì ra là một anh đen còn trẻ, còn cái võng là cái võng nhà binh của quân đội Việt Nam Cộng Hòa hồi xưa. Tôi nói bằng tiếng Pháp:
– Bonjour!
Anh ngừng ca, ngồi dậy nhìn tôi mỉm cười, rồi cũng nói “Bonjour“. Tôi hỏi, vẫn bằng tiếng Pháp:
– Anh hát cái gì vậy?
Hắn đứng lên, vừa bước về phía tôi vừa trả lời bằng tiếng Pháp:
– Một bài ca của Việt Nam. Còn ông? Có phải ông là “le chinois” làm việc cho hãng đường ở Borotou không?
Tôi trả lời, vẫn bằng tiếng Pháp:
– Đúng và sai! Đúng là tôi làm việc ở Borotou. Còn sai là vì tôi không phải là người Tàu. Tôi là người Việt Nam.
Bỗng hắn trợn mắt có vẻ vừa ngạc nhiên, vừa mừng rỡ, rồi bật ra bằng tiếng Việt, giọng đặc sệt miền Nam, chẳng có một chút lơ lớ:
– Trời ơi! Bác là người Việt Nam hả?
Rồi hắn vỗ lên ngực:
– Con cũng là người Việt Nam nè!
Thiếu chút nữa là tôi bật cười. Nhưng tôi kiềm lại kịp, khi tôi nhìn gương mặt rạng rỡ vì sung sướng của hắn. Rồi tôi bỗng nghe một xúc động dâng tràn lên cổ. Thân đã lưu vong, lại “trôi sông lạc chợ” đến cái xứ “khỉ ho cò gáy” nầy mà gặp được một người biết nói tiếng Việt Nam và biết nhận mình là người Việt Nam, dù là một người đen, sao thấy quý vô cùng. Hình ảnh của quê hương như đang ngời lên trước mặt.
Tôi bước tới bắt tay hắn. Hắn bắt tay tôi bằng cả hai bàn tay, vừa lắc vừa nói huyên thuyên:
– Trời ơi… Con mừng quá! Mừng quá! Trời ơi!… Bác biết không? Bao nhiêu năm nay con thèm gặp người Việt để nói chuyện cho đã. Bây giờ gặp bác, thiệt… con mừng “hết lớn” bác à!
Rồi hắn kéo tôi lại võng:
– Bác nằm đi! Nằm đi!
Hắn lại đống gạch “bờ-lốc” gần đấy lấy hai ba viên kê bên cạnh võng rồi ngồi lên đó, miệng vẫn không ngừng nói:
– Con nghe thiên hạ nói ở Borotou có một người Tàu. Con đâu dè là bác. Nếu biết vậy, con đã phóng Honda vô trỏng kiếm bác rồi! Đâu được tới bây giờ.
Hắn móc gói thuốc, rồi mời tôi:
– Mời bác hút với con một điếu.
Hắn đưa gói thuốc về phía tôi, mời bằng hai tay. Một cử chỉ mà từ lâu tôi không còn nhìn thấy. Một cử chỉ nói lên sự kính trọng người trưởng thượng. Tôi thấy ở đó một “cái gì” rất Việt Nam.
Tôi rút điếu thuốc để lên môi. Hắn chẹt quẹt máy, đưa ngọn lửa lên đầu điếu thuốc, một tay che che như trời đang có gió. Tôi bập thuốc rồi ngạc nhiên nhìn xuống cái quẹt máy. Hắn nhăn răng cười:
– Bộ bác nhìn ra nó rồi hả?
Tôi vừa nhả khói thuốc vừa gật đầu. Đó là loại quẹt máy Việt Nam, nho nhỏ, dẹp lép, đầu đít có nét cong cong. Muốn quẹt phải lấy hẳn cái nắp ra chớ nó không dính vào thân ống quẹt bằng một bản lề nhỏ như những quẹt máy ngoại quốc. Hắn cầm ống quẹt, vừa lật qua lật lại vừa nhìn một cách trìu mến:
– Của ông ngoại con cho đó! Ông cho hồi ổng còn sống lận.
Rồi hắn bật cười:
– Hồi đó ông gọi con bằng “Thằng Lọ Nồi”.
Ngừng một chút rồi tiếp:
– Vậy mà ổng thương con lắm à bác!
Hắn đốt điếu thuốc, hít một hơi dài rồi nhả khói ra từ từ. Nhìn cách nhả khói của hắn, tôi biết hắn đang sống lại bằng nhiều kỷ niệm. Tôi nói:
– Vậy là cháu lai Việt Nam à?
– Dạ. Má con quê ở Nha Trang.
– Rồi má cháu bây giờ ở đâu?
Giọng của hắn như nghẹn lại:
– Má con chết rồi. Chết ở Nha Trang hồi năm 1975.
– Còn ba của cháu?
– Ổng hiện ở Paris. Tụi nầy nhờ có dân Tây nên sau 1975 được hồi hương. Con đi quân dịch cho Pháp xong rồi, về đây ở với bà nội. Con sanh ra và lớn lên ở Sài Gòn, về đây, buồn thúi ruột thúi gan luôn!
Tôi nhìn hắn một lúc, cố tìm ra một nét Việt Nam trên con người hắn. Thật tình, hắn không có nét gì lai hết. Hắn lớn con, nước da không đến nỗi đen thùi lùi như phần đông dân chúng ở xứ nầy, nhưng vẫn không có được cái màu cà phê lợt lợt để thấy có chút gì khác. Tóc xoắn sát da đầu, mắt lồi, môi dầy. Tôi chợt nói, nói một cách máy móc :
– Thấy cháu chẳng có lai chút nào hết!
Hắn nhìn thẳng vào mắt tôi, giọng nghiêm trang:
– Có chớ bác. Con có lai chớ bác.
Hắn xòe hai bàn tay đưa ra phía trước, lật qua lật lại:
– Bên nội của con là nằm ở bên ngoài nầy đây nè.
Rồi hắn để một tay lên ngực, vỗ nhè nhẹ về phía trái tim:
– Còn bên ngoại nó nằm ở bên trong. Ở đây, ở đây nè bác.
Bỗng giọng hắn nghẹn lại:
– Con lai Việt Nam chớ bác!
Trong khoảnh khắc, tôi xúc động đến quên mất màu da đen của hắn, mà chỉ thấy trước mặt một thanh niên Việt Nam, Việt Nam từ cử chỉ tới lời lẽ nói năng. Tôi vỗ nhẹ lên vai hắn mấy cái, gật đầu nói:
– Ờ… Bác thấy. Bây giờ thì bác thấy.
Hắn mỉm cười:
– Ở đây, người ta nói con không giống ai hết, bởi vì con hành động cư xử, nói năng không giống họ. Bà nội con cũng nói như vậy nữa! Còn con thì mỗi lần con nhìn trong kiếng, con vẫn nhận ra con là người Việt Nam. Bác coi có khổ không?
Rồi nó nhìn tôi, một chút trìu mến dâng lên trong ánh mắt:
– Bây giờ con gặp bác rồi, con thấy không còn cô đơn nữa. Gặp một người mình, ở cái xó xa xôi hẻo lánh nầy, thiệt là trời còn thương con quá!
Tôi im lặng nghe hắn nói, nhìn hắn nói mà có cảm tưởng như hắn đang nói cho cả hai: cho hắn và cho tôi. Bởi vì cả hai cùng một tâm trạng.
Hắn vẫn nói, như hắn thèm nói từ lâu:
– Nhớ Sài Gòn quá nên con hay ca Vọng Cổ cho đỡ buồn. Hồi nãy bác lại đây là lúc con đang ca bài “Đường Về Quê Ngoại” đó bác.
– Bác không biết ca, nhưng bác rất thích nghe Vọng Cổ.
Giọng nói hắn bỗng như hăng lên:
– Vọng Cổ là cái chất của miền Nam mà bác. Nó không có lai Âu, lai Á gì hết. Nó có cái hồn Việt Nam cũng như cá kho tộ, tô canh chua. Bác thấy không? Bởi vậy, không có gì nhắc cho con nhớ Việt Nam bằng bài ca Vọng Cổ hết.
– Bác cũng vậy.
Tôi nói mà thầm phục sự hiểu biết của hắn. Và tôi thấy rất vui mừng có một người như vậy để chuyện trò từ đây về sau.
Có tiếng máy bay đang đánh một vòng trên trời. Chúng tôi cùng đứng lên, hắn nói:
– Nó tới rồi đó. Con phải sửa soạn xe “trắc-tơ” và “rờ-mọt” để lấy hành lý. Con làm việc cho hãng Air Afrique, bác à.
Rồi hắn nắm tay tôi lắc mạnh:
– Thôi, bác đi mạnh giỏi. Con tên là Jean. Ở đây ai cũng biết “Jean le Vietnamien” hết. Chừng về bác ghé con chơi, nghen.
Bỗng, hắn ôm chầm lấy tôi siết nhẹ rồi giữ như vậy không biết bao nhiêu lâu. Tôi nghe giọng hắn lạc đi:
– Ghé con nghe bác… Ghé con…!
Tôi không còn nói được gì hết. Chỉ vừa gật đầu vừa vỗ vỗ vào lưng hắn như vỗ lưng một người con.
Khi hắn buông tôi ra, tôi thấy hai má của hắn ướt nước mắt. Tôi quay đi, lầm lũi bước nhanh nhanh về nhà ga mà nghĩ thương cho thằng “Jean le Vietnamien“. Hồi nãy nó ôm tôi, có lẽ nó đã tưởng tượng như là nó đang ôm lại được một góc trời quê mẹ.
Trên máy bay, tôi miên man nghĩ đến “thằng Jean”, rồi tự hứa sẽ gặp lại nó thường. Để cho nó bớt cô đơn. Và cũng để cho tôi bớt cô đơn nữa!
Bây giờ, viết lại chuyện “thằng Jean” mà tôi tự hỏi: “Trong vô số người Việt Nam lưu vong hôm nay, còn được bao nhiêu người khi nhìn trong gương vẫn nhận ra mình là người Việt Nam? Và có được bao nhiêu người còn mang trong lòng bài ca Vọng Cổ, để thấy hình ảnh quê hương vẫn còn nguyên trong đó?”
Tiểu Tử

Ảnh minh họa : Tôi chưa từng quen một người da đen gốc Phi Châu nào hết. 

Truyện ngắn Clair de lune, Ánh Trăng/ Guy De Maupassant/ Lê Ngọc Anh dịch/ Kimkỳ st

Truyện ngắn: Ánh Trăng
của Guy de Maupasant
Lê Ngọc Anh dịch

Maupassant và các nhà viết truyện ngắn Pháp
Guy de Maupassant rõ ràng là một trong những người viết truyện ngắn tuyệt vời nhất, ở một nước, người ta đã viết rất nhiếu truyện ngắn, mà toàn là truyện viết tốt nữa. Ngôn ngữ của ông tươi tắn, đơn giản, tự nhiên, thật sự dân gian tới mức chúng ta có thể hết lòng yêu mến. Ông có cái ưu thế tốt nhất mà các nhà văn Pháp vẫn có: sự rõ ràng, đúng là rõ ràng và thật rõ ràng. Ở ông không bao giờ thiếu cái cảm giác về mức độ và trật tự thường vẫn thấy ở người Pháp. Ông viết, như là các chủ đồn điền vùng Normandie vẫn sống, nghĩa là thận trọng và vui vẻ. Mặc dù có cốt cách mực thước như vậy, các tác phẩm của ông vẫn gợi cảm, thơm phức như thứ bánh mì chín tới, các kiểu hết sức đa dạng: trí tưởng tượng của ông phát triển phong phú, hơn bất cứ người viết truyện nào khác trong thời đại chúng ta. Không có một tên ngốc hay một gã thầy tu nào mà ông bỏ qua không tìm cách ghi nhận. Ông thật là một hoạ sĩ vĩ đại trong việc vẽ lại cái kỳ dị của con người. Không yêu quá mà cũng không ghét quá, ông khách quan phác ra cho ta thấy một người nông dân tham lam, một thủy thủ say rượu, một cô gái sa ngã, một viên công chức quèn. Ông chỉ cho ta thấy những cái kỳ quái đó một cách rõ ràng, đến mức ta cảm thấy như là chính ta nhận ra và đối với ta, những hình tượng ấy còn thật hơn cả sự thật. Như là một tay thợ lành nghề, ông biết rằng muốn là có thể làm ra mọi thứ, miễn là mang lại cho chúng sức sống.
Trong sự thản nhiên của mình, ông giống như tạo hoá làm chúng ta ngạc nhiên, khiến chúng ta rung động. Lắm lúc tôi cứ tự hỏi, ở mãi phần sâu của tâm hồn, cái con người công bình, mạnh mẽ và tốt bụng này nghĩ gì, cảm xúc ra sao? Ông có yêu những chàng ngốc vì nỗi ngô nghê của họ? Ông có thích thú với cái ác, khi thấy nó lạ lùng đến thế? Ông vui hay buồn, khi làm chúng ta vui vẻ, tự ông có cảm thấy vui? Ông nghĩ gì về con người? Ông có thái độ nào đối với đời sống? Có thể, cuối cùng, ông nghĩ rằng cuộc sống không tệ như chúng ta tưởng? Rõ ràng, ở một chỗ nào đó, ông đã xoay sở mọi phương cách, nhằm làm cho đời sống có ý nghĩa. Có thể ông cho rằng, cuộc đời phải như thế, vì trong đời nhìn đâu cũng đầy những kẻ thất bại và những kẻ tầm thường, toàn những nhân vật rất thích hợp để viết truyện ngắn. Thực ra đối với một người viết truyện đấy là một «điểm nhìn» rất hay. Nhưng ngược lại, cũng có thể nghĩ rằng ông lúc nào cũng buồn bã và đau khổ, lúc nào cũng bị giày vò bởi niếm thương cảm sâu xa, và có lúc ngấm ngầm ứa nước mắt trước những gi mà bề ngoài ông chỉ ra cho chúng ta thấy một cách có vẻ lạnh lùng.

Ánh trăng
Ảnh mh cho truyện ngắn Clair De Lune 1884

Maupassant sáng tác 2 truyên ngắn cùng có tên Clair de lune. Clair de lune kia đã rất nổi tiếng ở Việt Nam qua bản dịch của Lê Hồng Sâm với tiêu đề Sáng trăng.
*
Phu nhân Julie Roubère đang đợi người chị cả của mình là phu nhân Henriette Létoré trở về từ một chuyến đi Thụy Sỹ.
Vợ chồng Léteré đã đi được gần năm tuần lễ. Để mặc chồng một mình quay về trang trại của họ ở Cavados nơi có những quyền lợi đang đòi hỏi, Henriette đến nhà em gái mình ở Paris vài ngày.
Chiều xuống. Trong phòng khách nhỏ, bình dị, mờ tối bởi hoàng hôn, phu nhân Roubère ngồi đọc, lơ đễnh, mọi tiếng động đều khiến nàng nhìn lên.
Cuối cùng chuông cũng reo và người chị gái xuất hiện, trùm kín hoàn toàn trong tấm áo rộng đi đường. Và ngay tức khắc, không chỉ nhận ra nhau, họ ôm chặt nhau nồng nhiệt, tạm ngừng để rồi lại bắt đầu ôm hôn nhau tiếp.
Rồi họ chuyện trò, hỏi han về sức khỏe, gia đình của nhau cùng hàng nghìn chuyện khác, miệng liến thoắng, tuôn ra những lời dồn dập, đứt đoạn, người nọ tiếp sau người kia, trong khi Henriette gỡ mạng và mũ.
Đêm đã xuống. Phu nhân Roubère rung chuông gọi mang đèn, và ngay khi có ánh sáng, nàng ngắm nhìn chị gái của mình, sắp sửa ôm hôn nữa. Nhưng nàng vẫn ở nguyên, hoảng hốt, không thốt lên lời. Trên thái dương của phu nhân Létoré, có hai món tóc bạc lớn. Phần còn lại của mái đầu có mầu muối tiêu ; song chỉ ở chỗ đó, từ hai bên đổ xuống tựa hai dòng suối bạc chảy ngay vào trong đám tóc sẫm màu. Thế mà nàng mới hai mươi tư tuổi và chuyện này xảy đến đột ngột từ chuyến đi Thụy Sỹ. Bất động, phu nhân Roubère nhìn thẫn thờ, sắp sửa khóc như có một nỗi bất hạnh bí ẩn và khủng khiếp nào đó đã ập xuống chị gái mình ; và nàng hỏi :
-          Có chuyện gì thế chị Henriette ?
Cười một nụ cười buồn bã, một nụ cười ốm yếu, người kia đáp :
-          Chẳng có gì đâu mà, chị cam đoan đấy. Em nhìn thấy món tóc bạc của chị à ?
Nhưng phu nhân Roubère hăng hái nắm chặt lấy vai chị nàng, nhìn sâu vào mắt và lặp lại :
-          Chị có chuyện gì ? Nói cho em hay chị có chuyện gì. Và nếu chị nói dối, em sẽ biết rõ.
Họ vẫn còn đối diện với nhau, và phu nhân Henriette biến sắc xanh xao và yếu ớt, lệ từ khóe mắt rớt xuống :
Người em gái lặp lại :
-          Chuyện gì xảy đến với chị ? chị có chuyện gì ? Trả lời em đi ?
Thế là bằng giọng cam chịu, người kia thì thào :
-          Chị… chị có nhân tình.
Và úp mặt lên vai người em út, nàng òa khóc nức nở.
Rồi khi nàng đã bình tâm hơn một chút, lúc những tiếng nấc từ ngực nàng nguôi đi, nàng bắt đầu nói ngay, như để trút bỏ bí mật này khỏi mình, thổ lộ nỗi đau đớn này vào một tấm lòng bè bạn,
Thế là cùng nắm tay nhau xiết chặt, hai người phụ nữ đi tới ngồi lún trên chiếc tràng kỉ trong góc tối của phòng khách, và người trẻ hơn quàng cánh tay lên cổ chị, ôm chị vào lòng, lắng nghe.
-          Ôi ! chị thừa nhận là vô lý ; chính chị cũng không hiểu nổi mình, và chị phát điên lên từ ngày đó. Hãy coi chừng, em bé bỏng, hãy coi chừng bản thân mình ; giá mà em biết được rằng chúng ta yếu đuối, nhún nhường, sa ngã nhanh đến thế nào ! Chẳng cần gì cả, chỉ cần một chút mủi lòng, chỉ cần một chút u sầu đột nhiên tràn qua cõi lòng, chỉ cần chút thiết tha được mở rộng vòng tay yêu dấu và ôm ấp, mà chúng ta lại có tất cả những cái đó, vào khoảnh khắc nào đó.
Em biết chồng chị đấy, và em biết là chị yêu anh ấy đến mức nào ; song anh ấy chín chắn và lí trí, không hiểu chút gì về tất cả những rung động dịu dàng của trái tim phụ nữ. Anh ấy luôn luôn, luôn luôn như thế, luôn tốt bụng, luôn tươi cười, luôn hài lòng, luôn hoàn hảo. Ôi ! đôi lúc chị mong muốn biết bao được anh ấy đột nhiên ôm chặt trong vòng tay, được anh ấy hôn bằng những nụ hôn dịu dàng và chậm rãi, hòa hợp hai con người, giống như những trao gửi riêng tư thầm lặng, chị đã mong muốn biết bao rằng anh ấy có những lúc bơ vơ, cả yếu đuối nữa, cần có chị, cần những vuốt ve của chị, cần những giọt nước mắt của chị !
Tất cả những cái đó thật ngốc nghếch ; nhưng chúng ta là như thế, chúng ta khác họ. Ai có thế cho chúng ta những cái đó ?
Và mặc dù thế, chị chưa từng có ý nghĩ đánh lừa anh ấy. Ngày hôm nay, điều đó đã đến, không tình yêu, không lý trí, chẳng có gì cả ; bởi vì có một đêm trăng trên hồ Lucerne.
Từ một tháng nay vợ chồng chị đi du lịch cùng nhau, vẻ điềm tĩnh thản nhiên của anh ấy làm tê liệt những nhiệt tình của chị, làm lụi tàn những niềm hứng khởi trong chị. Vậy là vào lúc bình minh, trên một cỗ xe tứ mã chở khách phóng nước kiệu, bọn chị xuôi xuống sườn đồi. Trong làn hơi nước trong suốt của ban mai, những thung lũng dài, những cánh rừng, những dòng sông, những làng mạc đang dần hiện ra, chị vỗ tay, thích thú nói với anh ấy :” Đẹp làm sao, bạn ơi, ôm hôn em đi nào !”, anh ấy đáp lại với một nụ cười khoan dung và lạnh lùng, hơi nhún vai : “Không phải là lý do để ôm hôn, chỉ vì quang cảnh làm vừa lòng em.”
Và điều đó làm chị băng giá tới tận cõi lòng. Thế mà với chị, dường như khi người ta yêu, người ta phải luôn có khao khát được ôm hôn còn hơn thế trước những cảnh tượng cảm động.
Cuối cùng, niềm thi hứng trong chị bị anh ấy ngăn cản tuôn trào trở nên sôi sục. Chị đã nói gì với em nhỉ ? Chị gần giống như một cái nồi đầy hơi đóng kín mít.
Một buổi tối (bọn chị đã ở tại khách sạn Fluelen được bốn ngày), Robert, bị chứng đau nửa đầu, lên nằm nghỉ ngay sau bữa tối, còn chị một mình đi dạo bên bờ hồ.
Đó là đêm của chuyện thần tiên. Mặt trăng tròn vành vạnh lồ lộ giữa bầu trời ; những trái núi tuyết lớn dường như phủ bạc, còn mặt nước, vô cùng lóng lánh, có những gợn sóng nhỏ lung linh. Không khí êm dịu, ấm áp thấm vào người khiến ta  trở nên uể oải đến yếu mềm,  khiến ta xúc động vô cớ. Một tâm hồn mới nhạy cảm và xao xuyến làm sao trong những khoảnh khắc đó ! Nó mới mau rung động và cảm nhận mạnh mẽ làm sao !
Chị ngồi trên cỏ và ngắm nhìn mặt hồ rộng, u buồn và đẹp đẽ ; và một điều lạ lùng đã xảy ra trong chị : một nỗi khao khát yêu đương vô hạn, một nỗi kích động chống lại sự nhạt nhẽo ủ ê của cuộc đời đã đến với chị. Vậy mà sao chị chưa từng được ở trong vòng tay của người đàn ông yêu dấu đi dọc một bờ nước ngập tràn ánh trăng ? Chưa từng cảm thấy trên mình những nụ hôn sâu thăm thẳm, tuyệt diệu và bàng hoàng người ta vẫn trao nhau trong những buổi đêm êm ái mà Chúa Trời dường như đã tạo ra dành cho những âu yếm ? Chưa hề được xiết chặt say sưa bởi một vòng tay đắm đuối trong ánh sáng mờ tỏ của một tối mùa hè ?
Và chị bắt đầu khóc như một con điên.
Chị nghe thấy tiếng động ở phía sau. Một người đàn ông đứng đó đang nhìn chị. Lúc chị quay đầu lại, anh ta nhận ra chị và tiến đến :
- Bà khóc ư, thưa bà ?
Đó là một luật sư trẻ đi du lịch cùng mẹ mà bọn chị đã gặp nhiều lần. Anh ta thường giõi mắt theo chị.
Chị hoảng hốt đến nỗi chẳng biết trả lời, hành động thế nào cả. Chị đứng lên và tự nhủ phải chịu đựng.
Anh ta bắt đầu bước tới gần chị, bằng một phong thái tự nhiên và kính cẩn, rồi nói chuyện với chị về chuyến du lịch. Tất cả những gì chị đã cảm kích, anh ta đều bày tỏ ; tất cả những gì khiến chị chị rung động, anh ta đều thấu hiểu như chị, còn hơn cả chị nữa. Và bỗng nhiên anh ta đọc cho chị nghe những câu thơ, những câu thơ của Musset. Một cảm xúc khó diễn tả khiến chị ngạt thở. Với chị dường như chính những núi non, hồ nước, ánh trăng đang ngợi ca những gì êm đềm khó nói lên lời …
Và chuyện ấy đã xảy ra mà chị không hiểu vì sao và thế nào, trong một kiểu ảo giác…
Về phần anh ta…, chị chỉ gặp lại anh ta vào hôm sau, lúc khởi hành.
Anh ta đưa cho chị danh thiếp của mình !...
Và phu nhân Létoré,  vừa rũ xuống trong vòng tay người em gái vừa thốt ra những tiếng rên rỉ, gần như là kêu la.
Thế là phu nhân Roubère tĩnh tâm lại, nghiêm trang, tuyên bố một cách hết sức dịu dàng :
- Chị thấy không, chị gái, nhiều khi chúng ta yêu không phải người đàn ông mà là yêu tình yêu. Và tối hôm đó, chính ánh trăng mới là người tình đích thực của chị. 
Kim Kỳ st ´*。.¨¯`**¨¯`*