Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

Mới bạn vào xem! Một bài thơ "độc ẩm" tuyệt vời/ Ngân Triều chọn đăng






                                       * Chén mời, mời trăng tỏ (Ngân Triều Hậu Nghĩa)


Nguyệt hạ độc chước

Lý Bạch

Hoa gian nhất hồ tửu
Độc chước vô tương thân.
Cử bôi yêu minh nguyệt,
Đối ảnh thành tam nhân


           
           
           
           

            -       

Dịch thơ

*Một mình uống rượu dưới trăng

Một mình chuốc dưới hoa,
Có rượu không có bạn,
Nâng chén mời trăng sáng,
Mình với bóng là ba.
Tương Như dịch

*

--Huỳnh Vũ Hoàng Tuấn phỏng dịch-- 

Một bầu rượu ở vườn hoa 
Rót mời chỉ có riêng ta tự tình 
Nâng lên cạn chén - trăng xinh 
Bóng hòa với rượu cộng mình là ba


*

-- Bản dịch của Hạt Cát -- 

Một mình chuốc rượu dưới trăng 

Tay ôm vò rượu bên hoa, 
Một mình một chén gần xa không người. 
Kìa trăng! Nâng chén xin mời! 
Thêm này chiếc bóng! Ba người cùng nhau.

*
--Bản dịch của Thầy Trần Trọng San-- 

Trong hoa một bầu rượu 
Riêng mình chẳng có ai 
Nâng chén mời trăng sáng 
Với bóng thành ba người


*
Bản dịch của SongNguyễn HànTú 

Một Mình Uống Rượu Dưới Trăng 


*** 


Ôm bầu ngồi dưới giàn hoa 
Rót đầy ly cạn 
Uống qua ly đầy 
Nào . . . 
Mời trăng sáng cùng say 
Trăng, ta và bóng họp bầy là ba 


*

--Bản dịch của Nguyễn phước Hậu-- 

Một bầu rượu , dưới giàn hoa 
Không ai đối ẩm thì ta uống mình. 
Mời trăng sáng, chén lưu tình 
Có ta, trăng sáng, bóng hình là ba. 


*

--Bản dịch của Anh Nguyên-- 

Uống rượu một mình dưới trăng 

Bên hoa sẵn rượu một bầu, 
Tự tay chuốc rượu, giải sầu nào ai! 
Mời trăng nâng chén cùng say, 
Lại thêm bóng nữa, thế này là ba. 


*

--Bản dịch của Lâm trung Phú -- 

Một bầu rượu giữa hoa 
Không bạn, uống mình ta . 
Nâng chén mời trăng sáng 
Kể luôn bóng thành ba !


*

Bản dịch Ngân Triều Hậu Nghĩa

Rượu ngon không có bạn hiền  (1)

Một bình rượu, khóm hoa,
Nhâm nhi chẳng bạn mà! 
Chén mời, mời trăng tỏ,
Với bóng nữa là ba.



Ngân Triều dịch

Ghi chú: (1) Mượn câu thơ Nguyễn Khuyến trong bài "Khóc Dương Khuê".

*

---- English Version -- 

Li bai 

DRINKING ALONE WITH THE MOON 

From a pot of wine among the flowers 
I drank alone. There was no one with me -- 
Till, raising my cup, I asked the bright moon 
To bring me my shadow and make us three. 


*

MƯA NẮNG VÀ LỤC BÌNH _ Phương ngày xưa


Thứ năm, ngày 28 tháng mười một năm 2013

MƯA NẮNG VÀ LỤC BÌNH 

Phương ngày xưa

                                  MƯA NẮNG và LỤC BÌNH    
                                           Thơ của Phượng ngày xưa
                                                         

        Mưa trên sông…  Nước  lăn tăn gợn sóng
Thuyền gieo neo nơi bến vắng… chờ Ai?
Bên mạn thuyền… lơ lửng Lục Bình trôi
Quấn quít bên nhau… tìm về bến đổ!
                             *
Thuyền nhổ neo… xuôi về nơi bến khác
Hạnh phúc ngọt ngào… nồng ấm tình yêu
Nắng Sài Gòn gay gắt sáng đến chiều
Tàn tạ dung nhan… Lục Bình héo úa
                             *
Thân lữ thứ… nơi nghìn trùng xa cách
Ấm, lạnh, mặn, nồng, chua, ngọt… Ai ơi?
Cách xa vạn dặm… riêng một góc trời
Mưa, Nắng, Lục Bình, Thuyền Xưa… có nhớ?
                           *          
Anh ra đi… không còn đường quay lại
Nên để Ai kia nuốt tủi ngậm hờn
Xin một lần được gặp lại cố nhân
Gục đầu bên em… anh xin tạ tội!
(ảnh:vamcodong.blogspot.com)

Một loài hoa rất đẹp đàoanhdũng

Ngày 28 tháng 11 năm 2013

Một loài hoa rất đẹp

đàoanhdũng



S
au hơn 30 năm “mất dạy” tôi bồn chồn trở lại lớp học với tính cách một thầy giáo. Mùa Thu năm nay bà xã tôi theo học một lớp cập nhật Kế toán sau giờ làm việc. Hai thằng con trai tôi đã vào đại học. Ở nhà một mình rảnh rỗi, tôi tham gia công tác thiện nguyện tại sở làm, dạy một lớp chiều về điện toán cho các em học sinh trung học ở phía Bắc thành phố, một vùng “ổ chuột” nổi tiếng với nhiều tệ đoan xã hội.
Nhóm thiện nguyện chúng tôi gồm bảy người. Bốn người đã từng tham gia khóa học các năm trước, ba người còn lại, trong số đó có tôi, là “lính mới”. Chúng tôi họp chung với nhau nhiều lần trước khóa học, bàn luận về chương trình lớp học và phân công tác.
Chương trình “chơi” nhiều hơn học cho khóa định hướng điện toán tám tuần lễ, mỗi tuần một lớp hai tiếng đồng hồ. Hai mươi phút đầu của buổi học chúng tôi lướt qua các phần vụ của máy vi tính và đặt câu hỏi giúp học sinh ghi nhớ các điểm chính. Em nào trả lời đúng một câu hỏi thì được thưởng một món quà là phiếu mua không tính tiền một sản phẩm của công ty như là một phong bánh, một hộp ngũ cốc, v.v . . . Chúng tôi dành hai mươi phút kế tiếp kể cho các học sinh nghe kinh nghiệm nghề điện toán của mình, duyên cớ nào mỗi người chúng tôi chọn ngành điện toán, học nghề ở trường nào, làm sao để kiếm được việc làm. Sau đó là hai mươi phút  ra chơi. Giờ thứ hai, phần chính của lớp, học sinh làm bài tập. Chúng tôi chỉ dẫn mỗi học sinh thành lập một trang trên mạng để các em có dịp sử dụng máy vi tính, không phải để chơi trò chơi điện tử hay là “lướt sóng” trên mạng, gửi điện thư, mà để giới thiệu một việc gì đó các em thích hay là thấy hữu ích cho mình. Chúng tôi chia phiên nhau, nếu không giảng bài thì phụ giảng bằng cách điều khiển máy vi tính (chúng tôi gọi là người hoa tiêu,navigator) chiếu các bài học và thí dụ lên màn ảnh lớn cho học sinh xem, hoặc giúp các em làm bài tập trên máy vi tính.
Jeremy, trưởng nhóm thiện nguyện, là một chuyên viên vi tính trẻ tuổi trực thuộc phòng Nhân Lực của công ty. Buổi họp đầu, anh chàng nhắc nhở bọn “lính mới” chúng tôi:
“Xin quí bạn đừng kỳ vọng nhiều quá. Các em học sinh ghi danh tham dự lớp học của chúng ta vì các em muốn tìm hiểu về ngành điện toán. Tuy nhiên, đó không có nghĩa là các em sẽ chăm chỉ theo dõi bài giảng và làm bài tập. Xin các bạn luôn nhớ rằng các em thuộc tầng lớp bị thiệt thòi, vì vậy  chúng ta cần thật nhiều kiên nhẫn khi làm việc với các em.”
Đúng là miệng lưỡi của dân phòng Nhân Lực. Tầng lớp bị thiệt thòi - the under-privileged, nói trắng ra người da màu, nghèo - là một từ ngữ thời thượng được dùng để tránh tai vạ chính trị, cũng như mùa Giáng Sinh được đổi thành mùa nghỉ lễ, dân da đen thành dân gốc Phi Châu . . . Nghĩ xa hơn nữa, tôi ngao ngán, không biết nền tự do dân chủ thái quá của xứ nầy sẽ đi về đâu. Còn những chế độ “tự do dân chủ độc đảng” còn sót lại trên thế giới thì chừng nào sẽ bị đào thải đây.

    Buổi học đầu tiên, ba giờ ba mươi, xe buýt đưa học sinh đến. Chúng tôi đón các em tại cổng sở làm. Nhìn đám học sinh hỗn tạp, tôi thầm nói: “Chà, coi bộ chăm à nghen!” Bảy chục phần trăm da đen, trai lẫn gái, quần áo rộng thùng thình, em nào tai cũng mang ống nghe nhạc, đi ngúc ngắc, nhún nhảy, nói chuyện ồn ào. Số còn lại da vàng, đi chung với nhau, vài em tai cũng đeo ống nghe, nhưng im lặng, có vẻ lủi thủi, cách biệt. Tự nhiên, tôi nhập vào nhóm da vàng, ân cần hỏi thăm, và giúp các em lấy thẻ in tên sẵn, làm thủ tục vào sở. Tôi thở phào và thoáng vui khi không thấy một thẻ nào mang họ Nguyễn hay Trần hay một họ Việt Nam nào khác. Cũng như đa số các đồng hương Việt Nam, tôi đã từng thuê phòng trong một khu “ổ chuột” lúc mới định cư ở Mỹ. Khi được việc làm kha khá, tôi dọn ngay ra ngoại ô, an toàn hơn cho gia đình và trường học tốt hơn cho con cái. Tôi chợt nghĩ ra một điều mà tôi không ngờ. Lớp học thiện nguyện của chúng tôi không những giúp các em học sinh có một định hướng cho việc làm trong tương lai, mà còn có thể cho các em một cơ hội để ra khỏi các “ổ chuột” của thành phố.
Thấy còn một thẻ tên chưa có người nhận, tôi cầm thẻ, đưa lên cao, hỏi:
“Mai Vang. Em nào tên là Mai Vang?”
Từ cuối đám đông học sinh một bàn tay nhỏ nhắn đưa lên, một giọng nói yếu ớt:
“Tôi.”
Đó là một thiếu nữ có gương mặt tuổi độ mười sáu mà vóc dáng lại là của một bé gái mười một, mười hai. Mắt nai ngơ ngác, tóc dài kẹp sau ót, em mặc một chiếc áo tơi cũ kỹ. Tôi đưa thẻ cho em, mỉm cười nói:
“Mai là tên của một loài hoa rất đẹp ở xứ tôi đó!”
“Tôi . . . tôi không biết.”
Đưa học sinh đến lớp học, tôi đi bên Mai, quảng cáo chút ít về công ty, nói về lớp học, tôi chỉ nghe em khẽ tiếng Yes hoặc chỉ thấy em gật đầu. Tôi nghĩ rằng em nhút nhát, e lệ nên tôi thôi không “quấy rầy” em nữa mà trò chuyện cùng các học sinh khác.
Khi lớp học bắt đầu, các em học sinh móc ngay lên mạng. Đứa nầy mở hộp thư, đứa kia xem mạng, mạng chiếu đầy hình ảnh ca sĩ, ngôi sao điện ảnh và thể thao, xe hơi, trò chơi điện tử. Chúng tôi phải theo dõi từng em, nhắc nhở các em đóng mạng để nghe bài giảng. Riêng Mai, tôi để ý thấy em ngồi ngay ngắn, chăm chú nghe giảng, không đụng tới máy vi tính để trên bàn. Tôi nhủ thầm: “Học sinh Á đông mà! Biết nghe lời thầy cô và có kỷ luật trong lớp học.”  Nhưng tôi lầm. Đến giờ làm bài tập, thấy Mai lúng túng tôi hỏi mới biết em chỉ hiểu sơ sơ về vi tính qua một lớp đánh máy ở trường.  Em cũng không có máy vi tính ở nhà nữa. Vì vậy mà em không theo kịp các thí dụ trên màn ảnh để làm bài tập trên máy riêng.  Giờ làm bài tập hôm ấy tôi gần như dành riêng cho Mai, tôi giúp em hoàn thành phần căn bản của một trang mạng đơn giản.
Thứ bảy cuối tuần, tôi thức dậy sớm duyệt qua bài tập cho lớp học tới và soạn bài chỉ dẫn cùng thí dụ cho từng bước một, hy vọng nhờ đó mà Mai có thể theo kịp các bạn học, không cần có tôi kèm bên.
Lớp học kế tiếp, khi điểm danh chúng tôi mới biết bốn học sinh vắng mặt, trong số có Mai. Tôi lo lắng, không hiểu em nghỉ học vì nản chí hay vì một lý do chánh đáng như là ấm đầu hoặc bận việc nhà. Cuối tuần, tôi tiếp tục viết phần chỉ dẫn cho lớp học tới. Tôi có linh tính em sẽ không bỏ học. Và lần nầy, tôi đoán không sai. Ba em kia tiếp tục nghỉ học, riêng Mai thì em đến lớp. Tôi đề nghị Mai dùng bài chỉ dẫn của tôi để làm bài tập tuần trước trong giờ học đầu hầu có thể theo kịp bạn trong giờ sau. Mai hăng hái nhận lời và trong vòng nửa giờ em làm xong bài tập. Nhìn Mai sung sướng cười tự tin, tôi  có cảm giác như mình vừa nhận được một phần thưởng tinh thần vô giá.
Giờ ra chơi, thấy Mai ngồi một mình trong góc caféteria, tôi đến gợi chuyện, hỏi đùa em:
“Mai bận đi mua sắm hay sao mà tuần rồi không đi học?”
“Dạ không . . .  dạ . . . em nghỉ học vì ông xã em bị bệnh.”
Tôi suýt kêu to: “Trời Phật ơi!” vì có lẽ nào em còn nhỏ tuổi như thế mà đã lập gia đình. Nhưng khi nhớ ra tục tảo hôn vẫn còn thịnh hành trong cộng đồng người Hmong mà chánh quyền cố ý ngó lơ, xem như một ngoại lệ vì lý do phong tục khác biệt, tôi không còn thấy thắc mắc. Tuy nhiên, tôi không khỏi ngán ngẫm thầm nghĩ đến tương lai không mấy tươi sáng của Mai - em chưa xong trung học mà đã có gia đình, rồi con cái đùm đề, làm sao em có thể đi học để có một việc làm với đồng lương kha khá mà ra khỏi cái “ổ chuột” thành phố. Tôi cố gắng ra vẻ tự nhiên hỏi thăm Mai:
“Vậy ông xã của Mai đã khỏi bệnh chưa?”
Nhưng tôi không giấu được những ý nghĩ trong đầu mình, vì thay cho câu trả lời, Mai hỏi tôi:
“Em mới mười bảy mà đã có gia đình! Chắc thầy ngạc nhiên lắm phải không? Chuyện của em dài lắm!”
Tôi im lặng vì thấy mình không nên đường đột hỏi thăm thêm về tình cảnh của Mai. Khóa học có tám tuần lễ, tôi chỉ có thể giúp Mai tìm hiểu về ngành điện toán. Nếu em có năng khiếu về nghề nầy, và nếu Ơn Trên phù hộ độ trì em, em sẽ có cơ hội đi học mà tiến thân. Ngoài ra, tôi có thể giúp em được điều gì hơn. Mai cũng im lặng. Nhưng sau một hồi lâu, Mai nhìn sâu vào mắt tôi, và em kể cho tôi nghe chuyện của em. Vì sao, tôi không hiểu rõ. Có thể vì em và tôi cùng một màu da, vì tôi đã tận tâm giúp em trong lớp học, vì tôi cũng là một người tị nạn như em. Trong phần tự giới thiệu buổi học đầu tiên, tôi thành thật nói với lớp rằng tôi vẫn xem mình là một người tị nạn Việt Nam sau bao năm sống ở Mỹ.

Khả năng tiếng Anh của Mai rất khá cho một người tị nạn sang Mỹ gần một năm. Chuyện em không những dài, mà còn thật buồn nữa. Mai còn bà nội với gần một chục anh chị ở một làng tị nạn tại Thái Lan. Em sanh ra đời tại đấy và mồ côi cha lẫn mẹ lúc chưa đầy hai tuổi. Cha mẹ em trốn sang Thái Lan tị nạn, nhưng vì không có phục vụ cho Hoa Kỳ và không có thân nhân ở xứ nầy nên không được chấp nhận cho định cư. Mai kể cho tôi nghe những đắng cay của cuộc sống  tị nạn, quê hương không sống được, đất khách ruồng bỏ, lây lất kiếm ăn qua ngày, tương lai mờ mịt. Cách đây hai năm  em đã tự nguyện nhận lời kết hôn với cậu con trai của một gia đình có thân nhân ở Mỹ để được ghép vào gia đình nầy mà đi Mỹ, mặc dầu cậu con trai nầy nhỏ tuổi hơn em và có bệnh tâm thần. Tiện lợi cho cả hai bên, gia đình nầy muốn con họ có người chăm sóc, riêng em thì em hy sinh làm đầu cầu để mang cả gia đình sang Mỹ sau nầy. Tuy nhiên, em rất thất vọng vì qua Mỹ gần một năm mà em chưa giúp gì được cho bà và anh chị còn kẹt ở Thái Lan. Vì còn nhỏ tuổi, em được lãnh trợ cấp để đi học trung học. Nhưng đến khi nào em mới có thể đi làm và bảo lãnh được thân nhân? Em nghe nói ngành điện toán dễ có việc làm nên muốn tìm hiểu. Lớp học trước em rất cố gắng nhưng thấy quá khó. Hôm nay, nhờ bài chỉ dẫn của tôi, em làm bài được nên rất phấn khởi.
Tôi thật sự xúc động, không ngờ một con người nhỏ bé, yếu đuối như Mai mà có một trái tim, một tấm lòng bao la như biển. Tôi cũng thật sự xúc động vì biết em chưa đến tuổi trưởng thành mà đã thực hiện một sự hy sinh vượt qua trí tưởng tượng của tôi. Chưa dứt dòng suy nghĩ, tôi đã thấy Jeremy ra dấu trở vào lớp học, tôi chỉ biết an ủi, động viên tinh thần em:
“Thầy . . . thầy rất hiểu tình cảnh của Mai. Em nhớ luôn cố gắng học hành, đi làm, lo cho gia đình. Rồi một ngày em sẽ mang được bà nội và anh chị sang đây sum hợp. Ngày xưa, thầy cũng một thân, một mình, thầy đi làm, thầy đi học để có việc làm khá, rồi thầy cũng bảo lãnh được cha mẹ anh em sang đây đó. Cố gắng lên nghe!”
Sau ba lớp học, các em học sinh đã thiết kế được một trang mạng đơn giản. Chúng tôi đề nghị mỗi em tìm một đề tài để lập ra một trang có tầm vóc hơn, với đầy đủ hình ảnh và các mục liên kết. Ban giảng huấn sẽ chấm điểm và có phần thưởng là tiền giả để các em dùng mà đấu giá mua các món quà vào buổi tiệc cuối khóa học. Thật đúng là tuổi trẻ có nhiều óc tưởng tượng. Có em thiết lập một trang cho những người hâm mộ một anh cầu thủ mới vô nghề, hy vọng anh ta nổi tiếng thì người lập trang  cũng được hưởng lây. Em khác làm trang quảng cáo cho mẹ em đang làm công việc thắt tóc bím tại gia. Em kia muốn mở một tiệm bánh sau khi xong trung học, em lập một trang để giới thiệu và nhận đơn đặt hàng. Cũng có em trai nọ lập một trang để tự giới thiệu mình, hy vọng có nhiều bạn gái hơn. Riêng Mai thì sao? Em muốn thành lập một trang để giới thiệu các gia đình Hmong còn ở trại tị nạn Thái Lan đang cần được bảo trợ định cư.
Chúng tôi giúp các em học sinh ý kiến trang hoàng trang mạng của mình, tìm kiếm các hình ảnh và các cách thức thiết kế cần khả năng kỹ thuật cao. Mai nhờ tôi sưu tầm thêm các tin tức liên quan đến người tị nạn Đông Dương để kết nối vào mạng của em. Mai cũng nhờ tôi sang (scan) các hình ảnh em sưu tập được vào máy vi tính và sửa chữa các lỗi chính tả bài giới thiệu đăng trên trang mạng của em. Chúng tôi hăng say làm việc trong bốn tuần lễ thì xong tất cả các trang của các em học sinh.
Tôi duyệt trang mạng của Mai mà không khỏi hãnh diện về cô học trò của mình. Em dùng các hình ảnh gợi được lòng trắc ẩn của người xem và viết những lời giới thiệu đượm tình người. Mai giới thiệu được hơn hai chục gia đình trên trang. Em tế nhị liệt kê gia đình bà nội và anh chị của em vào trang cuối. Tôi biết qua trang mạng Mai muốn bày tỏ ước mơ ngày gia đình đoàn tụ. Nhưng làm sao tôi giúp em biến ước mơ ấy thành sự thật được. Biết bao nhiêu người Đông Dương còn sống lây lất ở các trại tị nạn, còn chờ đợi lòng nhân đạo của các xứ tự do. Tôi biết rất rõ vì có nhiều đồng bào Việt Nam của tôi còn kẹt ở Phi Luật Tân mặc dầu có sự tranh đấu của nhiều đoàn thể và cá nhân có thiện chí. Tôi tâm sự với Jeremy và tìm được một giải đáp mà tôi không nghĩ ra. Đúng là trẻ khôn ra, già lú lại! Jeremy đề nghị tôi giúp Mai bằng cách đem trang của Mai lên mạng với một lệ phí không quá khả năng của tôi. Đồng thời, Mai viết một lá thư đến các dân biểu, nghị sĩ giới thiệu trang mạng của mình. May ra, họ để ý đến và giúp đỡ cho Mai sớm đoàn tụ với bà và anh chị. Khi tôi tỏ ý muốn giúp Mai với đề nghị của Jeremy, tôi nhận thấy cặp mắt em sáng rực lên, miệng em nở một nụ cười thật tươi mà tôi nghĩ không có họa sĩ nào ghi lại được. Tôi hãnh diện là người đã giúp tạo nên niềm vui, niềm hy vọng đó.
Ban giám khảo chọn trang của Mai trúng giải nhất, với số tiền thưởng là mười ngàn đô la dùng để mua đấu giá các món quà do công ty đài thọ.  Các học sinh khác, em nào cũng nhận được tiền thưởng tùy theo số điểm ban giám khảo chấm cho trang của mình. Ngày cuối khóa học, sau buổi tiệc mừng và chia tay, các em học sinh tham gia mua đấu giá các món quà chúng tôi gói sẵn là các sản phẩm của công ty. Món quà độc đắc là anh khổng lồ hạnh phúc (The Happy Giant, một nhãn hiệu cầu chứng của công ty) nhồi bông to gần bằng người thật. Mai dùng trọn mười ngàn đô la để đấu giá trúng món quà nầy. Tôi cứ thắc mắc không hiểu tại sao Mai không dùng số tiền để mua được nhiều món quà khác mãi đến khi Mai cùng các bạn người Hmong của em mang anh khổng lồ nhồi bông đến bên tôi và ngỏ lời biếu tôi để làm kỷ niệm. Mai nói:
“Mai xin biếu thầy.  Tuy thầy không cao lớn bằng anh khổng lồ này, nhưng lá gan của thầy thật là to vậy đó.”
Tôi bỡ ngỡ, xúc động, nói không suông câu cám ơn lòng tốt của Mai và từ chối món quà đặc biệt. Ơ . . . nhưng sao lại là lá gan? Tôi trơ mặt ra, không hiểu. Một em trai người Hmong đứng bên giải thích:
“Thầy ơi, người Hmong chúng em nói thương ai mình để trong lá gan, thay vì trái tim đó thầy!”
À, thì ra thế. Lúc ấy, tôi muốn bắt chước Mai nói với em rằng: “Mai ơi, tên em là một loài hoa rất đẹp ở xứ tôi, nhưng lá gan của em đẹp hơn vạn lần.”  nhưng tôi đâu có nói được lời nào vì đang bị bao vây bởi đám học trò, kẻ bắt tay, người vỗ vai thăm hỏi hoặc cám ơn.

 

Đông 2005

đàoanhdũng

Mùng Ba tết Thầy - VKP.Đạm Phương


Thứ ba, ngày 26 tháng mười một năm 2013

Mùng Ba tết Thầy - VKP.Đạm Phương

MỒNG BA TẾT THẦY….
 VKP Đạm Phương
            Thuở học trò của tôi không có Ngày Nhà Giáo 20/ 11 mà chỉ có ngày Mồng Ba Tết mỗi năm là có ý nghĩa nhất trong việc Biết Ơn Thầy. Đó là thời phong kiến nên đàn bà phải lo việc nội trợ, chỉ có đàn ông mới được học cao và đi dạy, vì thế, từ sách vở đến thực tế đều gọi nhà giáo là Thầy dù cũng có một số cô đứng lớp.
            Hồi ấy, năm nào cũng vậy, cứ vào sáng sớm tinh mơ của ngày Mồng Ba Tết, tôi và các bạn cùng lớp rủ nhau đi mừng tuổi Thầy. Đứa nào đứa nấy cũng xúng xính trong bộ quần áo còn thơm mùi vải mới, có đứa còn cả lằn phấn may trên áo, có đứa mặc rộng thùng thình như người dơi…..
            Thật là vui khi đến nhà Thầy: Mỗi đứa xếp hàng nghiêm chỉnh tay khoanh trước ngực, chúc thầy Sống Lâu Trăm Tuổi như chúc ba mẹ ở nhà vào ngày Mồng Một Tết. Thầy xoa đầu từng đứa một rồi dặn dò phải cố gắng học hành để sau này phục vụ đất nước. Sau đó, cả bọn được Thầy cho ăn bánh mứt no nê. Tốp nầy ra về thì tốp khác lại đến…..Thỉnh thoảng, có vài người lớn là học trò cũ của Thầy đến thăm, Thầy tay bắt mặt mừng rồi cùng ngồi đàm đạo bên tách trà nóng hổi
            Vào thập niên 50 của thế kỷ trước, ba chồng tôi dạy lớp nhất ( lớp 5 bây giờ). Hằng năm, học trò mới cũ đến thăm ông từ mồng 3 Tết cho đến Hạ Nêu ( mồng 7 Tết) . 
Khi ông mất, học trò cũ nghe tin đến viếng và chia phiên nhau canh linh cửu ông suốt 3 ngày đêm liền
            Mỗi thời đại mỗi khác…..Ngày nay, đã có ngày 20/11 rồi, vả lại, nếu có ai muốn thăm Thầy Cô vào ngày mồng ba Tết cũng không dám vì sợ sẽ làm phiền gia đình Thầy cô trong thời gian nghỉ ngơi sau một năm vất vả với cuộc sống.
                                                    VKP.Đạm Phương.
(1 lớp trung học thời Pháp-ảnh VN.Express)

Một buổi sáng cuối tuần _ Đào Anh Dũng

Thứ bảy, ngày 30 tháng mười một năm 2013

Một buổi sáng cuối tuần _ Đào Anh Dũng



Sáng thứ bảy, ông thức dậy như cái máy, đúngboong sáu giờ như ngày thường, không “nướng” đến “chín” như bà. Ông kéo mền nhè nhẹ phủ đến ngực cho bà. Nhìn bà đang say trong giấc ngủ sao thấy thương quá, ông muốn hôn nhẹ lên má bà, nhưng ngại làm bà thức giấc. Ông chần chừ, rồi hôn phớt lên má, hít một hơi dài khoan khoái, xong rón rén bước sang phòng tắm. Ông không muốn gây tiếng động nào có thể đánh thức bà. Trong tuần bà đi làm việc sở, về nhà còn quần quật lo cho ông và hai thằng con. Bà cần nghỉ ngơi vào cuối tuần. Ông rửa mặt, đánh răng, chải lại mái tóc đã thưa, đã nhuốm bạc, mỉm cười, nghĩ thầm: “Cũng lạ, tánh tình hai đứa như đối chọi. Hạnh phúc không? Nhiều. Sóng gió? Lắm khi. Thế mà đã hơn 20 năm chung sống!”

Ông đóng nhẹ cửa phòng ngủ, bước ra phòng ăn. Ông lấy trong túi xách đi làm chiếc máy vi tính, mang sang bàn ăn, bật nút, mở máy. Đi qua căn bếp, ông lấy chiếc ấm, mở lò, nấu nước pha trà. Liếc mắt sang máy vi tính, chưa thấy tấm ảnh gia đình hiện lên, ông nhủ thầm: “Phải bỏ bớt rác!”  Ông kéo tấm sáo của cánh cửa mở ra sân sau. Ánh nắng ban mai non nớt tràn vào nhưng không phá vỡ nổi không gian tĩnh mịch của buổi sáng sớm. Một áng mây xám đang lãng đãng hăm dọa ngày đẹp cuối tuần đầu Hạ này. Cây liễu nhà hàng xóm bên kia hàng rào đứng bất động như mái tóc của một ả bụi đời đang say ma túy. Con đường chạy vòng xóm nhà ông im lìm, vắng bóng xe cộ. Thời gian như ngừng trôi. Không gian yên tĩnh. Tuyệt! Đúng là một buổi sáng lý tưởng cho một người mới tập tành viết văn.

    Ông ngồi xuống ghế bàn ăn, đánh mã số vào máy, lên mạng ngay. Trang nhà CNN hiện lên. Tin tức về tên đầu sỏ al Qaeda tại Iraq vừa bị giết vẫn còn nóng hổi. Thêm một vụ đặt bom ngay tại Baghdad, 10 người chết, bảy bị thương. Giá dầu xăng tụt xuống, rồi lại tăng lên.  Theo mức độ giết chóc? Ông mở các trang Việt ngữ . Vụ “Bờ Mu” còn ầm ĩ.  Đâu là sự thật? Đại Nhạc hội “Cám ơn anh, người thương binh VNCH” tại nam Cali.  Hơn 30 năm, vết thương còn chảy máu. Giải bóng tròn thế giới. Ôi, những ngày đá banh chân không trên sân cỏ sau trường. Giờ vẫn còn mê!

Ông đóng mạng, nói thầm: “Đủ rồi! Bây giờ lo viết tiếp … nhưng truyện gì đây?” Ông tìm trong ổ C các truyện ông viết dang dở … Truyện tình của bà Ngọc với ông chồng Mỹ đen, truyện thầy Salomon Minh, truyện cậu Thom và con hươu cao cổ … Bỗng chiếc ấm nước ré lên. Ông bước vội sang bếp, tắt lửa. Trà gì đây? Lipton hay là móc câu? Thứ bảy, có nhiều thời giờ, móc câu. Ông lấy một nhúm trà bỏ vào bình sứ và chế nước sôi. Ông chọn cái ly cối bằng sứ có in hìnhWinnie the Pooh (1) quen thuộc thằng con tặng ông ngày lễ Từ Phụ năm kia. Ông mỉm cười, nhớ nó trả lời khi ông hỏi tại sao: “Má gọi ba là gấu mà!”  Hừ, cái thằng tiếu lâm, nhớ dai!

Ông mang bình trà và cái ly cối bằng sứ sang bàn ăn, ngồi xuống ghế, nhìn vào màn ảnh. Ông bỗng cảm thấy đầu óc trống rỗng. Mình đang ở đâu vậy cà? Đi ngược lại. Ừ, con gấu, trà móc câu, viết truyện gì, tin tức trên mạng. Ông ngừng nơi đó khi ông tự hỏi khi nãy sao mình không xem tin tức địa phương.  Phải chăng cuộc sống ở tiểu bang miền cực Bắc nầy quá êm đềm? Không đâu.  Vật giá gia tăng - dầu xăng đó! Tội ác trong thành phố -  mới hôm kia đây, một cậu sinh viên bị bắn khi đang chạy xe đạp, không biết lý do. Riêng ông, ông có quá nhiều vấn đề trong sở làm -  kỹ thuật mới, luật lệ thay đổi, những va chạm giữa người với người.  Còn nhiều, nhiều việc ông phải đối phó hàng ngày lắm. Nhưng chúng không làm ông bận tâm bằng chiến tranh Iraq, bằng những việc xảy ra trong cộng đồng Việt Nam của ông, xa bên kia trái đất hay tận Texas, Cali. Cuống rún chưa lìa, nỗi đau 30 năm chưa nguôi. Iraq và Việt Nam không khác nhau nhiều đâu. Không có đen và trắng. Không rõ rệt, mà chỉ là màu xám, màu của tranh tối, tranh sáng lẫn lộn giữa tuyên truyền và sự thật, của quyền lợi khoác chiếc áo mỹ miều chủ nghĩa này, giáo điều nọ. Cũng chỉ là cá mè một lứa thôi!

Ông vói tay lấy bình trà, rót vào cái ly cối một chút. Trà đã tới. Ông rót đến 3/4 ca, cầm ca trà bằng hai bàn tay đưa lên miệng uống một hớp. Trà thơm ngon. Tay ấm áp. Ông khoan khoái, uống thêm một hớp, rồi ông để ly trà xuống bàn, dùng con chuột tìm một truyện ông đang viết dang dở trên ổ C. Ông ngừng ở truyện “Thầy Salomon Minh” và bấm con chuột hai lần để mở truyện. Ông đọc lại truyện ngay từ đầu. Ký ức mang ông về với kỷ niệm xưa, ngày ông tìm thăm thầy cũ ở Mai Thôn, rồi trở về xa hơn nữa, về những tháng năm ông theo học trường nội trú xa nhà, nơi ông gặp thầy Salomon Minh, một vị chân tu đáng yêu, đáng kính, một người thầy đã gây một dấu ấn sâu đậm vào  cuộc đời của ông.  Ông gõ tay trên phím, tiếp tục viết . . .

Viết được hơn trang, ông đứng lên, vươn vai. Ông cầm ly trà, uống một hớp, bước đến bên cửa, nhìn ra sân sau nhà.  Trời đã sáng hẳn, một vùng mây xám đang tụ lại trên nền trời, gió đã nổi lên từng cơn nhẹ. Mái tóc ả bụi đời, cây liễu bên nhà hàng xóm, trông như đang lúc lắc với điệu nhạc sun (2). Ông nhìn đồng hồ treo trên tường, gần bảy giờ rưỡi. Giờ này các bạn đồng sự của ông đã ra sân gôn. Chắc họ đang thất vọng vì thời tiết xấu. Ông chợt nhớ ra lâu quá rồi ông không có dịp chơi gôn với hai thằng con. Ông đã bỏ lơ, không có “thời giờ vàng ngọc” với chúng. Ông thầm hứa, nếu hôm nay trời tốt lại ông sẽ rủ chúng đi chơi gôn. Nhưng ông nhìn vào máy vi tính, tự bảo, phải viết cho xong ngày hôm nay. Truyện bỏ dở khó viết tiếp lắm. Ông có quá nhiều truyện viết dở dang vì việc nầy, chuyện nọ, mất hết cảm hứng. Sáng thứ bảy, chúa nhật là thời gian duy nhất ông có thể viết. Nhưng viết để làm gì, ông đã nhiều lần tự hỏi.  Một ông bạn văn đã về hưu bảo rằng ông viết để luyện trí óc, mong về sau sẽ không sớm bị bệnh lẫn. Một vị thầy cũ khuyên ông viết để duy trì Việt ngữ, loại Việt ngữ chính thống vì bên nhà người ta đã và đang chế biến quá nhiều từ ngữ lai căng, dị hợm. Trong vòng gia đình, anh chị em ông bảo nhau - viết để cho lũ nhỏ đọc và hiểu nguồn gốc, cuộc đời lưu vong, tị nạn của mình. Riêng ông, ông viết cho chính mình, ông viết như là một thú tiêu khiển cho tuổi chớm già, và ông viết để gởi gấm tâm tư. Nếu chia sẻ được với anh chị em, bạn hữu thì vui. Con cháu ông đọc được là điều hay. Ông không dám mộng ước lớn lao hơn.

Có tiếng động nhỏ và một bàn tay chạm vào vai ông, bóp nhẹ. Ông quay lại. Đó là thằng con. Nó hỏi:
“Ba thức dậy sớm viết văn nữa hả?”
“Ừ, ba đang viết một truyện ngắn về ông thầy cũ. Còn con, sao hôm nay con thức sớm vậy?”
“Dạ, con định cắt cỏ rồi đi chơi gôn.  Coi chừng ba mê viết văn rồi quên luôn vợ con đó nghe. Má than phiền đó!”
Ông cười. Cái thằng lý sự, nhưng nó có phần đúng.
“Trời muốn mưa. Cắt cỏ, chơi gôn sao được con?”
Dạ, con xem trên nết (3) rồi. Trời sẽ không mưa đâu.
OK. Nếu trưa nay trời tốt mấy cha con mình đi đánh  gôn nghe!
Dạ, không được, hôm nay con có hẹn với mấy đứa bạn đi chơi gôn  sau khi cắt cỏ ở nhà rồi. Ba đi chơi với anh hai đi.
Vậy thì thứ bảy tuần tới được không?
“OK. Deal?” (4)
 “Deal!”

Cha mầy! Deal với điếc. Ông ngồi xuống ghế, tiếp tục gõ … nhưng không được bao lâu vì tiếng động từ nhà bếp, mùi chiên xào thơm phức. Thằng con vừa nghe nhạc qua chiếc iPod, vừa chiên trứng với thịt nguội, nướng bánh mì ăn sáng. Ông nhìn nó, vui trong lòng. Mới đó mà đã lớn khôn, biết giúp gia đình, biết tự lo miếng ăn miếng uống. Nó dọn thức ăn ra dĩa, rót một ly nước cam tươi, ngồi đối diện với ông, rồi … ăn sáng một mình. Mới vui đó mà bây giờ lòng ông lâng lâng hờn mát. Thằng con sao quá vô tình, nó không mời ông một tiếng, không hỏi ông đã dùng điểm tâm chưa. Ông nhìn xem nó có để ý mà mời ông không, dù là mời lơi. Nó nhìn ông, vẻ mặt đầy thắc mắc. Nó cầm dĩa thức ăn, ly nước cam, đứng lên, nói:
“Con đi sang phòng khách ăn để ba dể tập trung tư tưởng mà viết …”
Ông khoát tay, bảo nó ngồi xuống:
 “Ba chưa ăn sáng. Đói bụng quá mà con không mời ba một tiếng.”
Nó bỏ ống nghe ra khỏi tai, hỏi:
“Dạ, ba nói gì con nghe không được.”
Ông gằn từ tiếng một:
“Ba nói ba đói bụng. Con làm đồ ăn mà không làm cho ba ăn luôn.”
Nó ngạc nhiên:
“Con đâu có biết ba muốn ăn sáng mà làm cho ba. Why don't you ask? (5)”

Thằng cha mầy! Hỏi hay không hỏi. Ông thoáng giận thằng con. Nhưng, nhìn vẻ mặt ngơ ngác của nó ông chợt nhớ ra trong lúc viết văn ông chìm đắm trong giấc mộng trở về Việt Nam mà quên rằng con ông sanh đẻ ở Mỹ. Nó như một thằng Mỹ con, không hơn không kém. Ông bà dạy con nói tiếng Việt và cung cách của người Việt. Nhưng ngoài gia đình, chúng đi học, đi làm với người Mỹ, làm sao chúng không nhiễm những phong tục tập quán của người Mỹ, như sống sòng phẳng, tự lập, muốn gì thì cứ nói thẳng ra …  Ông đã đòi hỏi quá đáng rồi. Chính ông có lần ở vào một trường hợp tương tợ.  Ông làm việc cho hãng X được hơn ba năm. Ông thích công việc vì được học hỏi nhiều và chỗ làm gần nhà, không mất thời giờ trên xa lộ. Tuy nhiên, lương bổng không tương xứng với kinh nghiệm và việc làm của ông. Ông bất mãn, nhưng ngại nói chuyện tiền nong với người chủ sự. Do đó, ông định đi tìm việc ở công ty khác. Ông nói riêng với một đồng sự người Mỹ rất thân, ông ta bảo: “Sao bạn không nói cho ông chủ sự của bạn biết? Bạn không mất mát chi cả. Được lên lương thì tốt, không thì bạn tìm việc khác như bạn đã dự tính. Đơn giản vậy thôi!”  Lần đó, ông nói và được tăng lương.
Ông đứng dậy,  mỉm cười, đến gần, vỗ vai thằng con:
“Người Việt Nam mình là vậy, biết để ý đến kẻ trên người dưới. Trong trường hợp sáng nay, đáng lý con phải hỏi ba trước, chứ không đợi ba hỏi, vì con là con, ba là cha. Hiểu không?”
Thằng con gật gật cái đầu, nhưng ông không chắc nó hiểu rõ những lời ông dạy.  Nó đứng dậy, nói:
“Vậy để con chiên trứng cho ba nghe. Ba thích trứng omelette hay là scrambleHam hay làsausage (6)?
Ông bóp vai nó, thật chặt.
Thôi, con ăn sáng đi. Để ba tự làm thức ăn, ba làm cho má con ăn luôn.

Ông mở tủ lạnh, lấy trứng. Lúc đó, ông thấy ông rất cần phải tiếp tục viết, không chỉ cho chính ông mà còn cho lũ con cháu, để kể lại những chuyện như ngày hôm nay. Linh tính cho ông biết sau này hai thằng con ông sẽ đọc. Nếu chúng không đọc, thì con chúng, cháu chúng sẽ đọc. Lá rụng về cội, ông tin như thế.

Ngoài kia, đám mây xám đã bay đi. Trời trong xanh. Dự báo thời tiết đúng, không sai.

Tháng sáu, 2006

(1)   Tên của anh chàng gấu, một vai trong phim hoạt họa Disney.
(2)   Soul. Loại nhạc bắt nguồn từ các nhạc sĩ da màu Hoa Kỳ như Ray Charles, Sam Cooke, James Brown.
(3)   Mạng lưới.
(4)   Đồng ý.
(5)   Tạm dịch là “Sao ba không hỏi?”
(6)   Các thức ăn xúc xích, trứng chiên dùng cho buổi điểm tâm.
 On Friday, November 22, 2013 8:43 PM, D. Tran <dtran55124@yahoo.com> wrote: