Thu nhớ - Thơ Hải Vân
Lời bình-Ngân Triều
(CHS TN & K2 SPS)
Mùa thu là một trong những đề tài hằng gắn bó với thi nhân xưa nay.Cảnh thu se buồn, kết hợp với tâm trạng riêng… hình thành những vần thơ lai láng tình sầu.Nguyễn Du cũng có câu”nửa tinh,nửa cảnh…như chia tấm lòng.(chia tấm lòng là mạch sầu chẳng khuây,là buồn không dứt hay buồn miên man).Nhớ hồi học lớp đệ tam B1,NT tuổi 19 mà chưa hề dám yêu ai.(Cũng có để ý nhiều bạn gái cùng khối lớp,nhưng chỉ là tình yêu đơn phương, vì lỡ thi rớt…là tiêu tan sự nghiệp!).Khi tình cờ,đọc đoạn đầu của một bài thơ thu,NT cảm thấy rộn ràng những cảm xúc thương đời,thương người nhất là những tình yêu phải trắc trở,phải đoạn tuyệt,phải chia lìa…đáng thương:
Từ vào thu đến nay
Gió thu hiu hắt,
Sương thu lạnh,
Trăng thu bạch,
Khói thu xây thành,
Lá thu rơi rụng đầu ghềnh,
Sông thu đưa lá,bao ngành biệt ly.
(Cảm thu,tiễn thu/Tản Đà)
Chúng ta rất dễ nhận ra.Mỗi dòng thơ đều dệt một chữ “thu” , thể hiện một không gian tiêu sơ,cô quạnh, lạnh lẽo,mơ hồ,chia xa, quy nạp từng chi tiết đặc trưng… để cuối cùng hội tụ tại thành một dòng xoáy đột ngột,bất ngờ và mạnh mẽ là biệt ly… Biệt ly là mãi mãi chia xa hai hướng ngược chiều, đôi tình nhân sẽ không bao giờ còn có cơ hội gặp lại nhau nữa!” /bao ngành biệt ly” là có rất nhiều chuyện biệt ly.Rồi thì mãi mãi cách xa. Đối với những người trong cuộc tình, chỉ còn là những nhớ nhung, tiếc nuối….Những nhớ nhung trong mùa thu. “Thu nhớ” .Có lẽ Hải Vân chấp bút bài thơ “Thu nhớ”,với tâm tình như vậy.
Sau đây,xin mời các bạn cùng NT đọc bài thơ nầy, tiếp theo đây:
THU NHỚThơ Hải Vân
***
Người ơi, xa cách nghìn trùng, (1)
Núi cao sông thẳm, mịt mùng tăm hơi.
Vắng ai vào ngẩn ra ngơ,
Vắng ai tóc rối bơ thờ buồn tênh.
Đêm đêm thầm nhớ gọi tên, (5)
Buồn nghe tí tách bên thềm rơi mưa.
Thẩn thờ giấy mỏng tình xưa,
Đèn lung linh, tưởng người xưa đến tìm.
Gió thu mơn trớn êm đềm,
Tưởng người năm ấy môi mềm gắn môi. (10)
Không gian thoảng chút hương trời,
Nghe chừng hơi thở một thời ai trao.
Tỉnh ra nào có tăm hao
Nam Kha một giấc, tim đau dạ hờn.
Trời Xanh sao khéo bông lơn! (15)
Phần phân tích
Bài thơ có thể chia làm 3 đoạn.
(1)Đoạn đầu,2 câu thở than về người đi xa diệu vợi,bặt tin.
Người ơi,xa cách nghìn trùng,
Núi cao sông thẳm,mịt mùng tăm hơi.
Mở đầu bài thơ là một không gian trải rộng bao la của người đi xa (xa cách nghìn trùng) với những hình ảnh ngăn cách đầy khó khăn gian khổ,thách thức ý chí cho sức người hữu hạn (núi cao,sông thẳm)./ “Mịt mùng” là bị bóng tối bao phủ khắp nơi,không thể nhìn thấy gì. /”tăm hơi” tổ hợp từ có tăm là những bọt nhỏ dưới nước nổi lên như “ tăm cá” : có bọt cá ở dưới nước là nơi đó có cá,hơi là hơi thở mà cũng là mùi đặc trưng của sinh vật. “Tăm hơi” cùng nghĩa như “tăm hao”, (hao=âm hao=tin tức) .”Mịt mùng tăm hơi” hoặc”nào có tăm hao”(câu 13) tức là mất biệt, không biết tin tức, tung tích,mở rộng là hư ảo,không có thực / người ơi,hô ngữ, vừa là lời than thở,vừa là lời trách móc.
Sao” người” nỡ gây chi cảnh ngăn cách,nếu không nói là bạc tình bạc nghĩa. Người đã quay lưng,đi biền biệt nơi góc biển chân trời nào đó,lại bặt tin, vô âm tín. Đường đi thì ngăn sông cách núi… làm sao gặp người... Giờ đây đành phải biệt ly. Ôi! Một trời thu nhung nhớ …
Xin đọc tiếp:
Vắng ai vào ngẩn ra ngơ,
Vắng ai tóc rối bơ thờ buồn tênh.
Đêm đêm thầm nhớ gọi tên,
Buồn nghe tí tách bên thềm rơi mưa.
Thẫn thờ giấy mỏng tình xưa,
Đèn lung linh,tưởng người xưa đến tìm.
Gió thu mơn trớn êm đềm,
Tưởng người năm ấy môi mềm gắn môi.
Không gian thoảng chút hương trời,
Nghe chừng hơi thở một thời ai trao.
(2) Đoạn giữa
*Điệp từ “vắng ai”,nhấn mạnh sự vắng xa “người”,để đến nổi “buồn tênh”.Buồn tênh là một nỗi buồn như buồn hiu,nỗi buồn được cảm nhận bằng cả một sự thiếu vắng không tên…làm cho tâm hồn phải “ngẩn ngơ”.Hai câu nầy(3,4) có giai điệu như 2 câu ca dao về nỗi nhớ tuyệt vời”Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ,/Nhớ ai,ai nhớ,bây giờ nhớ ai?”.Từ lái “ngẩn ngơ” được cắt đôi,đan chéo với cặp động từ “vào ra” cũng cắt đôi thành một cụm từ mới“vào ngẩn ra ngơ”để tăng cường biểu đạt một cách mượt mà.Nguyễn Du cũng đã sử dụng phong cách dân gian trong thơ để thơ trở nên linh hoạt,gợi tả một cách thẩm mỹ, thần kỳ.Cụ thể sử dụng điệp từ trong bức tranh tâm trạng Kiều ở Lầu Ngưng Bích:”Buồn trông cửa bể chiều hôm/Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa/Buồn trông ngọn nước mới sa/Hoa trôi man mác biết là về đâu?/Buồn trông nội cỏ dầu dầu/Chân mây mặt đất,một màu xanh xanh/Buồn trông gió cuốn mặt duềnh/Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.(Kiều câu 1047-1054),phải chăng cách điệu,nâng cao từ “ Buồn trông con nhện giăng tơ/Nhện ơi,nhện hỡi!Nhện chờ mối ai? Buồn trông chênh chếch sao Mai/Sao ơi,sao hỡi! Nhớ ai sao mờ? (Ca dao). //Hoặc nghệ thuật cắt đôi cặp từ hay cụm từ,đan chéo như cách “ngẩn ngơ” nêu trên, để người đọc có rất nhiều cảm xúc thẩm mỹ: “Khi sao ong bướm rũ là?/ Giờ sao tan tác như hoa giữa đường? / Mặt sao dày gió dạn sương? / Thân sao bướm chán ong chường bấy thân?/ (Lúc Kiều ở lầu xanh,chợt tỉnh ra,than thở cho thân phận mình,”hữu thân, hữu khổ” câu 1235-1238) .Các cặp từ đã cắt,đan chéo nguyên là(ong rũ /bướm là;dày dạn/gió sương;bướm ong/chán chường) …/ “tóc rối”là tóc để rối do lòng buồn nên không buồn trang điểm; cũng có thể,có”người" ,có đối tượng mới trang điểm ,vắng ai rồi còn trang điểm cho ai?… “Bơ thờ” cùng nghĩa với “thẫn thờ”,” ngơ ngẩn” là lờ đờ như mất hết vẻ nhanh nhẹn,linh hoạt,vì lòng nặng sầu tư,tâm trạng hụt hẫng…(câu 3-4)
*Tiếp theo 4 câu (Các câu 5,6,7,8) là nỗi niềm thầm nhớ gọi tên người ấy mỗi đêm,nhất là trong những đêm mưa buồn,Có khi đọc lại chồng thư cũ(giấy mỏng,tình xưa.Trong thư từ,thường dùng giấy mỏng hay giấy pelure).”Tí tách”,từ tượng thanh.” Đèn lung linh”, ngọn đèn dầu khẽ lay động qua lại,rung rinh theo hơi gió nhẹ.Việc đi đến bên ánh đèn,cũng có thể làm ngọn đèn rung rinh leo lét nhẹ … Có thể điều đó đã làm cho tác giả tưởng như “người xưa đến tìm” (câu 9-10)
*Tương tự, gió thu êm đềm,hiu hắt khẽ chạm vào đôi môi,tưởng như một nụ hôn ngày nào(môi mềm gắn môi) . / và cảm nhận một chút hương trong gió,tưởng chừng như sự hiện hữu của người xưa…( Câu 11-12)
Nội dung đoạn nầy gồm 10 dòng thơ thể hiện một tâm trạng…vấn vương buồn nhớ,mơ ước người xưa trở lại một cách đau đáu bên lòng.
(3) Đoạn kết,3 câu cuối.
Tỉnh ra nào có tăm hao
Nam Kha một giấc,tim đau dạ hờn.
Trời Xanh sao khéo bông lơn!
Khi định thần lại (tỉnh ra) thì là mộng ảo,không có thực(giấc Nam Kha),Tích ông Lý Công Tá,đời Nhà Đường,một hôm nằm ngủ dưới bóng một cây Hòe(cây to thuộc họ đậu,lá kép mọc cách,hoa nhỏ màu vàng,quả thắt lại từng đoạn,trông như chuỗi tràng hạt,nụ hoa phơi khô dùng làm thuốc),được vua nước Hòe gã công chúa ,”sắc nước hương trời” cho và cho giữ chức Nam Kha Thái Thú…vinh hoa phú quý,vợ đẹp hiền thục như tiên nga…thế là đắc chí,thỏa lòng…Bỗng giật mình thức dậy,chỉ là hư không.Chợt nhìn thấy ở cành Hòe phía Nam có một tổ kiến lớn.Thấm thía chuyện gia đạo,tiền tài,công danh…đều là hư vinh,ông viết truyện Nam Kha ký,tức là truyện “Cành cây phía Nam” để thể hiện quan niệm coi khinh đường danh lợi
.”Nam kha một giấc”, ở đây là trong mộng rất đẹp; lúc tỉnh mộng ,trở về hiện thực thì vô cùng phiền não.
Đó là một tâm trạng đau xót, phiền muộn (tim đau dạ hờn) cho số kiếp…không may.Có thể Hải Vân tin vào mệnh số.Số phận như vậy,tựu trung đều do Trời sắp sẵn ra cả:” Ngẫm hay muôn sự tại Trời”(Kiều,câu 3241) . Nếu quả đúng như vậy thì Trời Xanh kia đã sắp đặt chi thân phận con người để cười đùa(bông lơn) một cách nghiệt ngã./Đặc biệt ở câu cuối chỉ có 1 vế lục,với tác dụng ,ý thơ trên chưa dứt,như còn vương vấn triền miên.
Điều đó như một câu hỏi an phậnđồng thời là một câu trách móc Ông Xanh đầy bất lực.
Tóm lại,
Về nội dung,” Thu nhớ’ là một tình khúc toàn là “tông” trầm, luyến láy đầy vơi những điệu buồn muôn thuở, của những cuộc tình,tình yêu đôi lứa đầy trắc trở,ngăn cách Sâm Thương.Tình yêu đó, mãi mãi là hai con đường,hai hướng ngược chiều.Đi trên những con đường định mệnh đó,chắc chắn không ai khỏi chạnh lòng trong giây phút:
”Vẫn để hồn theo người lận đận
Vẫn hằng trông đếm bước anh đi”
Hay là
“Ta muốn lòng ta cứ lạnh lùng
Gác tình duyên cũ thẳng đường trông
Song le hương khói yêu đương vẫn,
Phảng phất còn vương vấn cạnh lòng”
(Giây phút chạnh lòng/Thế Lữ)
(Giây phút chạnh lòng/Thế Lữ)
Về hình thức nghệ thuật,”Thu nhớ” được dệt bằng chất liệu thơ lục bát dân gian.Tác giả có lẽ là một người dệt khéo léo.Hải Vân đã biết lựa chọn những chất liệu óng ả bắt mắt và những hoa văn lộng lẫy cho một tấm gấm…tuyệt vời
Thân ái,Ngân Triều
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét