Thứ Hai, 13 tháng 7, 2015

Phụ lục thơ cảm đề và bình thơ truyện "Còn vương" của Ngân Triều/ 3 bài thơ/ 1 bài bình thơ của thi hữu

Mời bạn đoc thêm Truyện ngắn "Còn Vương" của Ngân Triều, trước hoặc sau phần phụ lục nầy. Xin cảm ơn bạn đã vào xem.

Thơ cảm đề và bình thơ :

[1] Lỡ Chuyến Đò Ngang


Cảm tác khi đọc truyện Còn Vương của Ngân Triều,
vhp.Hải Vân.

Một chuyến đò ngang lạc bến mơ,
Trách ai ngày ấy đã giăng tơ.
Tơ buộc không xong mà khó gỡ,
Khiến chiếc thuyền xưa nhớ bến bờ.
*
Bến cũ bâng khuâng sầu ly biệt,
Dõi ngàn mây trắng dấu em thơ.
Cây đa nhân chứng mơ ngày cũ,
Đáy nước rưng rưng bóng nhạt mờ.
*
Ôm ấp trong tim một ước mong,
Mong thuyền thôi khóc sóng long đong.
Mơ ngày trời đẹp thuyền thăm bến,
Bến đón thuyền xưa thỏa nỗi lòng.
*
Cánh nhạn phương trời vẫn biệt tăm,
Cây đa rũ bóng khóc âm thầm.
Bến cũ hoài công chờ với đợi,
Thương nhớ mỏi mòn bao tháng năm!

vhp.Hải Vân

***



[2] Vaán vöông
Thô Maëc Hieàn
(Cảm đề khi đọc “Còn Vương” của Ngân Triều)

Cảm ơn anh, cảm ơn thời gian,
Cảm ơn cả những hoàng hôn không đợi.
Cảm ơn anh, bóng mây chìm nổi,
Cảm ơn lòng bạc bẽo hay quên.
♫♪
Và cảm ơn anh, đã nhắc lại tên,
Chắc cũng đủ, se lòng đôi trang giấy.
Tình thơ dại trôi xuôi dòng êm ái,
Xuân-Triều đâu? Anh hỡi? Ngân Triều ơi!
Đem lãng quên anh gom trả lại đời,
Tôi yêu anh mang theo vào giấc ngủ.
Để đêm đêm gẫm nỗi buồn xa xứ,
Có một dòng nước mắt chảy theo xuôi.
♫♪
Xin gởi tặng anh, tất cả ngọt bùi,
Hãy trả em những điều cay đắng.
Để em nghe giữa đời quên lãng,
Một tiếng lòng say đắm tiếng “yêu anh”!
Mặc Hiền-Phạm Văn Rã
(CGV Trường cấp III Hiệp Hòa, Đức Hòa, LA)
[3] Tô loøng
Thô Thaùi Hy
*Cảm tác nhân đọc “Còn Vương ”của NgânTriều
Long lanh dòng sông, dòng sông đằm thắm. [1]
Chiếc thuyền tình đắm đuối mộng, lênh đênh!
Ai hiểu được những thác ghềnh sâu thẳm?[3]
Tiếc chiếc thuyền, sầu cay đắng, mông mênh…

Sóng tóc em dài đong đầy sóng nhớ, [5]
Tiếng tơ lòng, tơ còn đó, nỗi đau!
Thà sóng mãi xao! Hiếu - tình sao nỡ? [7]
Đá đã mòn…mà còn ngỡ chiêm bao…

"Biển Xuân xanh, nước triều Thanh, diễm tuyệt"![9]
Hai dòng đời hay chỉ quyết Ngân thôi?
Tưởng bóng xa xôi, bồi hồi duyên kiếp, [11]
Biêng biếc dòng sông, tha thiết, ngậm ngùi!

Thái Hy

***

Tơ lòng: Thơ Thái Hy
Lời bình: Nguyễn Nam

*“Bài thơ cảm đề “Tơ lòng” của bạn Thái Hy rất tuyệt vời!”
Trước hết về đại thể, anh đã khéo léo uốn lượn ngòi bút, gò theo chuyện tình “Còn vương”của Ngân Triều, một chuyện tình có thể là của riêng anh (nhân vật trữ tình là “tôi” và anh đã nói về chuyện “cái tôi đáng ghét” đó) nhưng khái quát lên, chuyện tình đó rất thi vị, phổ biến, rất chung cho một số đông của các bạn trẻ và tôi nữa. Như thế, trong một chừng mức nào đó, cái tôi đã thoát ly ra khỏi hoàn cảnh riêng tư của cuộc đời tác giả như thường thấy ở một số tác phẩm văn học. “Tôi” có thể là tác giả; là nhân vật trữ tình hay nói cách khác không phải là tác giả. Cũng như “Tôi kéo xe” của Tam Lang, tác giả không hề đi kéo xe.
[I]Khổ thơ thứ nhất:
Long lanh dòng sông, dòng sông đằm thắm,[1]
Chiếc thuyền tình đắm đuối mộng, lênh đênh!
Ai biết được những thác ghềnh sâu thẳm?[3]
Tiếc chiếc thuyền, sầu cay đắng, mông mênh
Câu [1]“Long lanh dòng sông”là hình ảnh dòng sông có ánh sáng phản chiếu trên mặt nước với những gợn sóng nhỏ lấp lánh, tạo vẻ sinh động, ngoạn mục.
“Dòng sông đằm thắm”là hình ảnh dòng sông êm ả, hiền hòa; hay phẩm chất của một người, có tình cảm nồng nàn, sâu lắng, dễ thương.
“Long lanh dòng sông” còn hàm ý đôi mắt đẹp, sắc sảo, duyên dáng, khả ái của nhân vật trữ tình trong tác phẩm:
Mắt em là một dòng sông,
Thuyền anh bơi lặn trong dòng mắt em. Ca dao
(Chiếc thuyền tình của anh đã đắm, hay anh đã “chết”, trong dòng mắt em. Nghệ thuật so sánh, cực tả đôi mắt đẹp như thế, thật là tuyệt vời).
Do đó, điệp ngữ “dòng sông” không chỉ là nghĩa tường minh mà còn là nghĩa hàm ẩn, gợi tả, trữ tình về một nét đẹp cổ điển, lãng mạn của một người thục nữ.
Câu[2]: là một câu cảm thán, nhắc lại những tình tiết trong tác phẩm. Với ý nghĩa như thắc mắc, như gợi lên một tiền đề về mức độ tình yêu của đôi bạn. Cụ thể là thời trường làng: chơi chung. Thời trung học: thân thiết. Cuối cùng thời trung học chuyên nghiệp: gắn bó: “sóng bước cùng nhau”.
Đắm đuối mộng là quá say mê và luôn tưởng nghĩ đến nhau.
Lênh đênh: là trôi nổi, bập bềnh. Tuổi học trò áo trắng, chưa có sự nghiệp gì, làm sao mà xác định được chữ duyên hay tình yêu của mình.
(Chữ “duyên”có thể bao hàm 5 ngữ nghĩa:
Duyên(1) là đẹp như làm duyên, duyên dáng.
Duyên(2) là may mắn, bất ngờ như:
“Cơ duyên đâu bỗng lạ sao!
Giác Duyên đâu bỗng tìm vào đến nơi”
ĐTTT- Nguyễn Du câu 2973-2974.
Duyên(3) là lý do như duyên cớ.
Duyên(4)là thành vợ thành chồng như duyên đôi lứa, tơ duyên.
Duyên (5) là số phận đã được định từ kiếp trước do trai gái có nợ nhau như duyên nợ, duyên phận, duyên kiếp).
Về cách gieo vần. Có thể nói mở đầu với hai câu thơ, không biết là ngẫu nhiên hay chọn lọc khá công phu mà trong 11/16 từ, tập hợp vần “ong” và những biến thể của nó như long lanh dòng sông, dòng sông đằm thắm, chiếc thuyền tình đắm đuối mộng, lênh đênh, gieo vần liên tiếp và đan chéo nhau chiếm hết 11 từ, hai cặp điệp từ dòng sông, 3 cặp từ láy (long lanh, đắm đuối, lênh đênh), tạo nên một chuỗi thuận thanh âm, dìu dặt, du dương. Giai điệu sáng tạo có chọn lọc công phu tương tự như thế đã dàn trải suốt cả bài thơ.
Hai câu [3] và [4]: Trắc trở, lỡ duyên và thương tiếc trong đau khổ.
Ai biết được những thác ghềnh sâu thẳm?[3]
Tiếc chiếc thuyền, sầu cay đắng, mông mênh
những thác ghềnh sâu thẳm: là những nhân tố cản trở nguy hiểm trong tình yêu, ẩn dụ.
mông mênh:như mênh mông溟 濛hay mênh mang 溟 茫là mờ mịt.
Có thể nói, trong khổ thơ nầy, Thái Hy đã đa nhân cách biểu đạt cảm nhận của mình trong tác phẩm. Khi thì ca ngợi câu chuyện tình lứa đôi của chàng trai và một nàng tố nga, một người con gái có đôi mắt đẹp, dễ thương. Khi thì nhập cuộc, thể hiện tâm tình và nỗi lòng của chàng trai khi đã lỡ duyên. Đồng thời, anh cũng đã lý giải về những bất trắc trong yêu đương là một chuyện khó lường. Đó chính là những nét đặc sắc cơ bản của nghệ thuật cảm tác về một tác phẩm.
[II] Khổ thơ thứ hai:
Cảm xúc về những nỗi nhớ thương vời vợi và thái độ chấp nhận thương đau, không oán trách
Sóng tóc em dài đong đầy sóng nhớ,[5]
Tiếng tơ lòng, tơ còn đó, nỗi đau!
Thà sóng mãi xao! Hiếu - tình sao nỡ? [7]
Đá đã mòn…mà còn ngỡ chiêm bao…
Bốn câu thơ, với nhịp thơ sinh động, gợi tả nhiều điều:
Câu [5]
Sóng tóc em dài đong đầy sóng nhớ,[5]
Nỗi thương nhớ của chàng trai trong thời gian đang yêu và được yêu. Khi yêu nhau thì người ta thường mong nhớ, tưởng niệm người yêu. Ở khổ thơ trên là nhớ người con gái nết na đằm thắm, có đôi mắt đẹp sắc sảo. Còn ở đoạn thơ nầy thì là mái tóc dài, tóc uốn hình sin, dợn sóng, sóng tóc. Còn sóng nhớ là những nỗi nhớ liên tiếp cuồn cuộn không ngớt như lớp lớp những con sóng bạc đầu mãi mãi tràn ngập bãi bờ. Những nỗi nhớ đó hình như bất tận, cao ngất qua ngữ nghĩa đong đầy, rất đúng với tính cách, với tâm lý của đôi lứa đang yêu:
Sầu đong càng lắc càng đầy,(*)
Ba thu dọn lại một ngày dài ghê.
ĐTTT- Nguyễn Du, câu 247-248
[(*) Khi đong ngũ cốc, càng lắc cái thùng đong càng thấy vơi. Đong mối sầu tư, sầu đong, thì không phải vậy, càng muốn “lắc” cho vơi đi thì mối sầu càng đầy lên, lan tỏa bao la, mênh mông; nhất nhật bất kiến như tam thu hề: 一 日 不 見 如 三 秋 兮, là một ngày không nhìn thấy nhau hay gặp gỡ nhau thì ngày đó dài dằng dặc như trải qua khoảng thời gian dài ba năm].
Cho dẫu ta muốn tìm quên bằng đủ cách:
Sầu ai lấp cả vòm trời
Biết chăng, chẳng biết, hỡi người tình chung?
Xuân sầu mang mang tắc thiên địa (1)
萶 愁 茫 茫 塞 天 地
Giống ở đâu vô ảnh vô hình
Cứ tò mò quanh quẩn bên mình
Khiến ngẩn ngẩn ngơ ngơ đủ chứng
Hỏi trăng gió, gió trăng hờ hững.
Ngắm cỏ hoa, hoa cỏ ngậm ngùi.
Gươm đoạn sầu, thơ trục muộn đủ rồi. (2)
Còn lẽo đẽo vô trung sinh hữu. (3)
Dục phá sầu thành, tu dụng tửu (4)
欲 破 愁 城 須 用 酒
Túy tự túy đảo, sầu tự sầu (5)
醉 自 醉 倒 愁 自 愁
Rượu với sầu như gió mã ngưu (6)
Trong lai láng tránh đâu cho khỏi!
Càng tài tử càng nhiều tình trái, (7)
Cái sầu kia theo hình ấy mà ra
Mua sầu lại kẻ hào hoa.
Sầu tình-Nguyễn Công Trứ
Chú giải:
(1): Sầu xuân mênh mông lấp trời đất. Nỗi sầu dằng dặc, chất ngất không nguôi. Với nỗi niềm đó, đúng trước cảnh nào cũng thấy lòng buồn rười rượi:
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.
ĐTTT-Nguyễn Du, câu 1243-1244
(2) Đoạn sầu: 斷 愁dứt cái buồn; Trục muộn: 逐 悶 Xua đuổi buồn phiền.
(3) Vô trung sinh hữu: 無 中 生 有: Trong cái “không” mà phát sinh cái “có”.
(4) Muốn phá thành sầu nên dùng rượu.
(5) Say, tự say nghiêng ngửa, buồn cứ buồn.
(6) Rượu với sầu không hòa hợp nhau. “gió mã ngưu” do gốc phong mã ngưu, như ngựa và trâu không thể giao hợp được với nhau (Theo Từ Hải)
(7) tình trái: 情 債: nợ tình].
*Câu [6]:
Tiếng tơ lòng, tơ còn đó, nỗi đau!
Hoài niệm chuyện tình, bồi hồi những nỗi đau của chàng trai.
Tiếng tơ lòng: nỗi lòng xao động nhiều cung bậc ví như tiếng đàn mà dây đàn là những sợi tơ trong tâm khảm của người thương nhớ.
tơ còn đó: có thể hiểu là nhữ (tiếng) tơ lòng còn đó, điệp ngữ nhấn mạnh như vẫn réo rắt, còn mãi dư âm, vẫn chưa nhạt nhòa, chưa phôi pha, thể hiện những tâm tư, tình cảm sâu nặng, không khuây.
Câu [7]
Thà sóng mãi xao! Hiếu - tình sao nỡ?
Thể hiện một thái độ nhân nhượng hay cam chịu, chấp nhận thua thiệt, phải đành lòng triền miên đau khổ trong cuộc đời, thà. Tâm hồn như một mặt nước luôn dậy lên những đợt sóng buồn, không bao giờ dứt, mãi xao (xao:敲: khua, gõ, dậy lên, nổi lên). Thái độ nhân nhượng dứt khoát như thế có thể rất hợp lý, rất Á Đông, khi phải ứng xử trước tình huống là một cặp phạm trù tế nhị trong tình yêu: hiếu-tình. (Hiếu: 孝: cư xử, ăn ở hết lòng với song thân; tình, tình ái: 情愛: tình cảm hay lòng yêu thương nhau của một đôi trai gái).
Sao nỡ: làm sao mà có thể đang tâm, làm sao có thể tệ bạc như vậy.
Thêm nữa, câu hỏi tu từ nầy, câu có dấu hỏi (?) như góp thêm vào giai cảm réo rắt, bi thương mênh mông của tứ thơ. Sầu ơi! Ta chào mi! (Bonjour Tristesse!)
Câu [8]
Đá đã mòn…mà còn ngỡ chiêm bao…[8]
Đá đã mòn, sử dụng câu tục ngữ nước chảy đá mòn, thể hiện năm tháng của dòng thời gian trôi qua rất dài lâu, một khoảng thời gian đáng kể trong cuộc đời, đá đã mòn, mà chàng trai vẫn không thể nào tin được chuyện tình tan vỡ của mình, cứ ngỡ là giấc chiêm bao, dù đó là một sự thật hiển nhiên.
Như vậy, trong khổ thơ nầy,tiếng thơ của Thái Hy như đã nhập vào vai của chàng trai trong câu chuyện rất thích đáng. Tình tiết được chọn lọc trong nguyên tác như mở rộng ra, cao cung lên, sâu đậm hơn trong khắc họa tính cách của nhân vật trữ tình đôi lứa yêu nhau, nghe như rất tha thiết, chân thành.
[III] Khổ thơ cuối:
Trời vào Xuân, nước triều Thanh, diễm tuyệt.[9]
Hai dòng đời hay chỉ quyết Ngân thôi?
Tưởng bóng xa xôi, bồi hồi duyên kiếp, [11]
Biêng biếc dòng sông, tha thiết, ngậm ngùi!

Câu [9-10]
Gồm một câu tả cảnh có dụng ý riêng, ca ngợi phương danh của ba nhân vật trữ tình và một câu cảm, tự hỏi bất ngờ về một nhân vật khác, trong tác phẩm.
Trời vào Xuân, nước triều Thanh, diễm tuyệt![9]
Là hai nàng, hay chỉ quyết Ngân thôi? [10]
Câu tả cảnh về một bức tranh thiên nhiên nào đó. Khi ấy, đất trời đang mùa Xuân, Trời vào Xuân, có dòng thủy triều xanh xanh đang trôi trên dòng nước, nước triều thanh.
Diễm tuyệt: 艶 絕: Dung sắc tươi đẹp, sáng sủa; nhất trần đời, có một không hai. Hóa ra là một lời bình phẩm cho một bức tranh, một bức tranh có thời gian của mùa Xuân của đất trời rực rỡ, có không gian hẹp là dòng nước triều, màu xanh như màu thiên thanh, đang trôi chảy về đâu…
Nhưng tác giả không phải chỉ ca ngợi cái đẹp đơn sắc của bức tranh Xuân, mà tứ thơ còn có dụng ý riêng như ca ngợi một mối tình tay ba của hai nàng Xuân, Thanh với nhân vật “tôi” trong truyện.
Đến đây, thật rất bất ngờ vì câu thơ sao lại có thêm của một nhân vật ở ngoài đời, hơi khó hiểu, hay Thái Hy cố tình tung hỏa mù, vì Ngân vốn có một mối quan hệ rất đặc biệt, y hệt như nhân vật Xuân với tác giả Còn Vương. ( Lưu ý những phương danh đó đều được in đậm nét). Cái tôi thì đáng ghét. (Le moi est haissable. B. Pascal [1623-1662]). Đôi lúc, phải trải lòng mình về cái tôi đáng ghét, cho dẫu có ít nhiều hư cấu, e rằng người cầm bút cũng rất ngại ngùng!).
Câu [11-12]:
Tưởng bóng xa xôi, bồi hồi duyên kiếp, [11]
Biêng biếc dòng sông, tha thiết, ngậm ngùi!

Bồi hồi:徘 徊: khi nghĩ đến chuyện đã qua, lòng xao xuyến, ngơ ngẩn, không yên.
Duyên kiếp: 縁 刧chỉ cơ hội thuận lợi để trai gái gặp nhau, yêu nhau và kết hôn trong cuộc đời. Kiếp: 刧: thời vận hay đời người theo ý nghĩa Phật pháp, kiếp nầy có liên quan đến kiếp khác, kiếp trước và kiếp sau.
Biêng biếc: (bích, 碧: màu xanh màu ngọc bích, xanh biếc): Xanh xanh màu ngọc bích.
Tha thiết: thương tiếc, xót xa.
Ngậm ngùi: buồn rầu trong thương nhớ.
Câu [11]
Biểu đạt một tấm lòng nhớ nhung, luyến tiếc. Thái Hy đã cho chàng trai luôn nhớ nhung một hình bóng xa xôi. Theo cốt truyện, Xuân vì chữ hiếu, phải vừa lòng cha mẹ, lấy một người quyền quý chưa hề quen biết, người đó là một Phó Quận. Khi chia tay với mối tình đầu, nàng chỉ khóc, không nói nên lời…Bây giờ, chắc là nàng đã theo chồng định cư ở một nơi nghìn trùng xa cách. Khi chạnh lòng hoài niệm chuyện cũ, chàng trai cứ buồn thương, tiếc nhớ, xót xa là rất phù hợp với tâm lý lứa đôi:
Dẫu rằng sông cạn, đá mòn,
Con tằm đến thác cũng còn vương tơ.
ĐTTT, Nguyễn Du, câu 1975-1976
Hoặc:
Tóc mai sợi vắn, sợi dài,
Lấy nhau chẳng đặng, thương hoài ngàn năm.
Ca dao
(Thời gian dẫu có phôi pha, nhưng khi lứa đôi nồng thắm yêu nhau, bỗng trắc trở, lỡ làng thì người ta thương nhớ nhau trọn đời, như kiếp con tằm phải vương tơ cho đến thác. Dẫu tóc mai kia có sợi vắn, sợi dài nhưng sợi tình thì vấn vương bất tận, ngàn năm).
Hay là:
Tiếc thay chút nghĩa cũ càng,
Dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng.
ĐTTT, Nguyễn Du, câu 2241-2242.
(Tiếc thay tình cũ lỡ duyên, chút nghĩa cũ càng, dẫu đôi lứa không thành thì tấm lòng nhớ thương luôn canh cánh bên lòng, như cái ngó sen kia, dù đã bị bứt ra, đứt đoạn, chia lìa, dẫu lìa ngó ý, nhưng những sợi tơ trong lòng trong nó, cứ mãi quyến luyến, vương vấn, không nỡ chia xa, còn vương tơ lòng).
Câu [12]:
Là hình ảnh một dòng sông xanh xanh, màu biêng biếc; một dòng sông hay hình ảnh của đôi mắt biếc của người thương như đã nói ở câu đầu của bài thơ cảm đề, “Tơ lòng”; cũng có thể hiểu là dòng đời đến nay vẫn mãi lặng lờ trôi theo thời gian năm tháng, phôi pha.
Cuối cùng là cái hồn của tứ thơ mà cũng là cái thần của bài thơ, réo rắt, ngân nga, dệt vào trong bốn chữ như bốn nốt nhạc buồn, không những nhất quán với chủ đề bài thơ mà còn khiến cho người đọc xao lòng.
Tóm lại, với những hình thức nghệ thuật khá điêu luyện và thể hiện một nội dung thích đáng của thể loại “cảm đề”, Thái Hy đã hiểu và cảm một cách rạch ròi tác phẩm, góp phần mở rộng và nâng cao lên về tính cách nhân vật, làm cho bài thơ “cảm đề” như một tiếng hát cất cao những giai điệu tình yêu, những mỹ cảm chân thành, về một câu chuyện tình đơn sơ, dưới mái học đường, có ít nhiều hư cấu.
Điều đó chứng tỏ rằng anh và Ngân Triều là hai người bạn nối khố, hai người bạn tri âm.
Tôi không biết nói gì hơn là lặp lại câu đã hạ bút, câu cảm nhận đầu tiên bên trên:
*“ Bài thơ cảm đề “Tơ lòng” của bạn Thái Hy rất tuyệt vời!”
Hậu Nghĩa ngày 07 tháng 07 năm 2015,
Thân ái, Nguyễn Nam
Cựu giáo sinh Khóa 2, Trường Sư Phạm Sài Gòn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét