Điều ít biết về 'Màu tím hoa sim' của Hữu Loan
Đến nay, "Màu tím hoa sim" được xem là một trong những bài thơ tình hay nhất của thế kỷ 20 và là bài thơ đầu tiên được mua bản quyền bởi một doanh nghiệp với giá 100 triệu đồng. Nhưng quanh sự kiện này, cũng không ít độc giả còn thắc mắc về bản cũ và bản mới chỉnh sửa sau này của bài thơ.
Nhà thơ Hữu Loan.
|
Tại Sài Gòn, trước năm 1975, giới văn nghệ sĩ cũng như đông đảo bạn đọc yêu thích thơ nhạc đều rất quen thuộc với bài Màu tím hoa sim của nhà thơ Hữu Loan. Tuy bấy giờ tác giả đang sống ngoài Bắc, nhưng tác phẩm ấy đã chiếm một chỗ đứng trong lòng người yêu thơ miền Nam. Bài thơ được giới thiệu không những qua sách báo, mà còn được phổ nhạc, hát rộng rãi trên đài phát thanh, các buổi trình diễn văn nghệ trên sân khấu đương thời, nhất là vào những năm thập niên 60 của thế kỷ 20. Bản Màu tím hoa sim thời ấy ngắn hơn bản tác giả công bố sau này. Nghĩa là dừng lại, chấm hết ở mấy câu:
"Tôi hát trong màu hoa.
Áo anh sứt chỉ đường tà.
Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu"
chứ không có thêm
“Tôi ví vọng về đâu.
Tôi với vọng về đâu.
Áo anh nát chỉ dù lâu...” ở cuối bài như sau này.
So với bản Màu tím hoa sim "nay" thì bản "xưa" tuy ngắn hơn nhưng ý thơ đi rất trọn nghĩa, trọn tình, không trúc trắc, không khiến người đọc phải dừng lại suy nghĩ. Nhà thơ có quyền sửa thơ của mình, hoặc thêm vào những đoạn mới. Song về phía những độc giả đã cảm nhận, yêu thích, hoặc có những kỷ niệm gắn bó với Màu tím hoa sim theo bản cũ thì khó "làm quen" với những đoạn mới, chữ mới, với hơi thơ có vẻ xa lạ với bài thơ từng biết. Do vậy, một số độc giả đã tỏ ra tâm đắc với bài Màu tím hoa sim trước kia. Nhưng dù Màu tím hoa sim bản "xưa" hay "nay" vẫn chỉ để viết về một người, một mối tình.
Đó là người vợ trẻ Đỗ Thị Lệ Ninh đã mất sau ngày cưới không lâu vì chết đuối. Các anh của “nàng”, theo tài liệu của Hàn Anh Trúc là 3 người có thực ở chiến trường Đông Bắc.
Đó là Đỗ Lê Khôi - tiểu đoàn trưởng hy sinh trên đồi Him Lam, Đỗ Lê Nguyên nay là Trung tướng Phạm Hồng Cư và Đỗ Lê Khang - nguyên Thường vụ Trung ương Đoàn.
Hữu Loan kể và Hàn Anh Trúc ghi lại trong một cuốn biên khảo văn học rằng, bố vợ ông trước kia làm thanh tra nông lâm ở Sài Gòn nên “vợ mình sinh ở trong ấy, quen gọi mẹ bằng má”, bài thơ mới có câu
“má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối”.
Hàn Anh Trúc viết là Hữu Loan sáng tác bài thơ ngay tại mộ người vợ trẻ, rồi:
"ghi vào chiếc quạt giấy để lại nhà một người bạn ở Thanh Hóa. Bạn anh đã chép lại và chuyền tay nhau suốt những năm chiến tranh".
Điều đó đã được chính nhà thơ Hữu Loan xác nhận.
(Theo Thanh Niên)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét