Hàn Mặc Tử - nhà thơ có số phận kỳ lạ - Kỳ 1: Duyên kỳ ngộ với nhà yêu nước vĩ đại
Tags: Hàn Mặc Tử, Phan Bội Châu, Quy Nhơn, Thanh Niên, nhà yêu nước, đài truyền hình, nhà thơ, số phận, bài thơ, vĩ đại, kỳ ngộ, kỳ lạ, chàng, người
Hàn Mặc Tử là một nhà thơ có cuộc đời và số phận hết sức lạ kỳ. Trong hơn nửa thế kỷ qua, rất nhiều cuốn sách, bài báo viết về con người này nhưng dường như vẫn còn nhiều điều không thể nói hết. Nhân dịp Đài Truyền hình TP.HCM chiếu bộ phim Hàn Mặc Tử, Thanh Niên xin giới thiệu loạt bài tư liệu về nhà thơ này.
Ấy là vào năm 1925, Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt ở Trung Quốc và đưa về Việt Nam xét xử. Nhưng dưới áp lực đấu tranh đòi ân xá của các tầng lớp nhân dân trong nước cũng như dư luận quốc tế, chúng phải đưa nhà yêu nước về giam lỏng ở Huế. Từ đó Phan Bội Châu trở thành Ông già Bến Ngự, sớm tối lấy văn thơ làm vui. Để giao lưu tâm tình với bạn hữu và những người đồng chí hướng, Phan Bội Châu mở ra Mộng Du thi xã, kêu gọi mọi người gửi thơ văn đến xướng họa. Lời kêu gọi của nhà yêu nước được hưởng ứng sôi nổi. Thơ từ các nơi gửi về cho Mộng Du thi xã rất nhiều. Và trong số các bài thơ gửi đến, Phan Bội Châu đặc biệt tâm đắc với ba bài thơ của Hàn Mặc Tử. Chàng đã gửi đến ba bài thơ Đường luật có tên là Thức khuya, Chùa hoang và Gái ở chùa. Đó là vào khoảng năm 1931.
Những bài thơ của chàng đã xoáy đúng tâm trạng nhà yêu nước. Phan Bội Châu đã họa lại ba bài thơ độc đáo này và cho đăng tất cả trên Báo Tràng An, một tờ báo có nhiều bạn đọc xuất bản ở Huế với lời đề dẫn: "Từ khi về nước đến nay, được nghe nhiều về văn thơ quốc âm, song chưa gặp được bài nào hay đến thế. Hồng Nam nhạn Bắc, ước ao có ngày gặp gỡ để bắt tay nhau cười to một tiếng, ấy là thỏa hồn thơ".
Việc xướng họa thơ văn với nhà yêu nước Phan Bội Châu đã làm cho Hàn Mặc Tử, khi đó lấy bút hiệu Phong Trần, nổi tiếng ngay lập tức. Làng văn xôn xao trước sự xuất hiện đầy ấn tượng của một thi sĩ mới. Đặc biệt hơn nữa, tác giả còn được Phan Bội Châu tôn xưng là tiên sinh. Tiếp sau đó, Hàn Mặc Tử ra Huế để tìm thăm Phan Bội Châu. Đây là một việc làm hết sức nguy hiểm, vì thực dân Pháp sẽ chú ý đến tất cả những ai có mối quan hệ mật thiết với nhà yêu nước này. Sau cuộc gặp gỡ, Hàn Mặc Tử thường xuyên liên hệ thư từ với Phan Bội Châu, chàng còn gửi thơ của những người bạn khác ra cho ông. Mật thám Pháp sau một thời gian theo dõi, cuối cùng đã quyết định gạt tên chàng ra khỏi danh sách những người được bảo trợ sang Pháp du học. Tiếp đó, Sogny, Chánh sở mật thám Huế gửi công văn vào Quy Nhơn yêu cầu điều tra về chàng. Chánh sở mật thám Quy Nhơn là Véran gọi chàng lên tra hỏi nhiều lần làm cho gia đình hết sức lo lắng. Người anh đầu của chàng phải gửi thư ra Huế nhờ Thượng thư Nguyễn Hữu Bài, một người quen thân với gia đình chàng xưa nay, can thiệp với chính quyền thì chuyện mới êm.
Không được đi du học, cuộc đời Hàn Mặc Tử rẽ sang một ngả khác. Từ đây, chàng bắt đầu bước chân vào con đường viết báo. Thời gian này, tình hình kinh tế nói chung rất khó khăn. Nạn thất nghiệp tràn lan. Chàng làm thêm công việc biên chép các tờ trích lục cũ cho Sở Đạc điền Quy Nhơn. Nhưng công việc này chỉ đem đến cho chàng một khoản tiền đủ để mua báo, giấy viết và tem thư gửi bài. Rồi xảy ra cơn bão lớn năm 1934 làm sập căn nhà của chàng đang ở. Nợ nần ập đến. Hàn Mặc Tử quyết định rời Quy Nhơn, vào Sài Gòn lập nghiệp bằng con đường làm báo chuyên nghiệp.
(còn tiếp)
Trần Đình Thu
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét