Thứ Tư, 7 tháng 8, 2013

Tìm được Người Trinh Nữ Núi Tuyết Ampato/ Viễn Phương chia sẻ


 


Người Trinh Nữ Núi Tuyết Amparo
Triệu Phong sưu tầm
Ngọn hỏa sơn Nevado Sabancaya cao ngất bên trên thị trấn Cabanaconde, Peru bắt đầu phun lửa trở lại năm 1990. Phún thạch tỏa lan qua đỉnh núi Nevado Ampato kế cận làm đen điu lớp tuyết và băng giá trắng tinh nơi đây. Ánh nắng góp phần làm tan chảy nhanh chóng lớp băng tuyết, để lộ ra phần đất đá cùng những kiến trúc cổ xưa có từ năm trăm năm qua.
Suốt trong hơn một thập niên chuyên nghiên cứu về những nơi linh thiêng nằm trên vùng núi cao nên vào năm 1995, phần lộ ra của ngọn Ampato gây sự tò mò chú ý của nhà nhân chủng học Johan Reinhard, đoàn thám hiểm kỳ cựu của viện Mountain Institute, cùng Zarate, người bạn leo núi đồng hành thuộc xứ Peru.
Họ quyết định mở cuộc thám hiểm nhưng trước khi đi, Reinhard và Zarate nấu một ít rượu ngô để dâng cúng các vị thần núi, hy vọng sẽ phù hộ họ cho cuộc leo lên ngọn núi cao 6310 m được bình an.
Cúng kiến thế mà cũng có kết quả. Không những họ trở về bình yên vô sự mà còn thành tựu một khám phá vô tiền khoáng hậu trong lịch sử ngành khảo cô lẫn ngành leo núi.
Ngày 8 tháng 9 năm 1995 đoàn thám hiểm bắt đầu cuộc leo lên ngọn Ampato cao ngất và giá lạnh, khi đến gần chỗ đỉnh khô cằn và gió lộng, họ thấy lộ ra khỏi mặt đất những lông chim màu sắc sặc sỡ. Những lông vũ này thuộc phần một loại mũ trang trí đẹp đẽ đội đầu cho một hình nhân nhỏ còn nguyên vẹn, dùng trong cuộc tế lễ của người Inca.
Từ đó họ tin rằng từ đỉnh núi còn nhiều mẫu vật khác nữa ở nơi tế tự đã bị đẩy trồi ra khỏi mặt đất và lăn xuống. Họ thận trọng leo qua miệng núi rồi xuống ở độ sâu chừng 200 bộ, và tìm thấy gần một tảng đá là một bọc gói lớn. Ai cũng nghĩ đây là ba lô của một người leo núi nào đó để lại.
ampato-2
Đến gần hơn họ mới biết bọc gói ấy chính là một xác người nhỏ nhắn được phủ quấn kỹ càng và lấp kín vào núi bởi băng tuyết. Gạt lớp tuyết đi, họ mặt đối mặt lịch sử với một khuôn mặt đã khô vì tuyết giá với hốc mắt lõm sâu, hàm răng trắng ngần. Đây là xác một người con gái tuổi chừng 12 đến 14 khi bị đem ra tế thần cách đây khoảng 500 năm. Một nạn nhân non trẻ mà các vị tư tế người Inca dùng làm vật hy sinh để tế các vị thần, đặc biệt là vị thần cai quản ngọn núi này. Nàng được bọc bằng hàng vải dệt, đang trong tư thế ngồi bó gối của một thai nhi, rải rác chung quanh là những mảnh sành sứ, xương con llama (giống lạc đà không bướu chỉ tìm thấy ở vùng núi Andes, Nam Mỹ. LND), hạt ngô, những tấm vải và một hình nhân nhỏ cao chừng một bộ Anh. Nhận thấy xác ướp đang nằm chơ vơ bên sườn núi, dễ bị hủy hoại bởi ánh nắng chói chan, tro phún xuất thạch hay bị cướp phá đi mất bởi bàn tay người nên họ quyết định phải hành động tức thời.
Họ chụp hình ghi lại nơi phát hiện lịch sử, thu gom các mẫu vật, gói ghém xác ướp lại cẩn thận cho khỏi bị tan giá, rồi buộc nàng vào ba lô của Reinhard. Trong khi Zarate lo xắn từng mảng tuyết để làm bậc bước chân, Reinhard khệ nệ khiêng xác ướp nặng 80 lbs, một công việc khá vất vả ở độ cao 20.500 bộ Anh, nơi không khí rất loãng; họ lần bước đi trở xuống nơi cắm trại. Sức nặng của cô gái làm họ ngạc nhiên bởi nếu nàng là xác ướp sấy khô thì nàng phải rất nhẹ mới phải. Như thế da thịt nàng vẫn còn mà nhờ đông giá nên thân thể hoàn toàn còn nguyên vẹn.
Ngày hôm sau họ xuống đến chân núi và đi bộ thêm 13 tiếng đồng hồ tới thị trấn Cabanaconde với xác ướp đặt trên lưng lừa, sau đó họ lấy xe bus đi thêm một đoạn đường dài đến trường đại học Arequipa Ki Tô Giáo. Nhờ gấp rút và bao bọc bằng đồ cách nhiệt, xác ướp được đưa về đến nơi không hư hại. Kể từ đây nàng được gọi với tên Juanita.
Năm ấy Tuần báo Time Magazine xếp hạng khám phá này là một trong 10 thành tựu lớn nhất của khoa học trong năm.
Khám phá này có ba điểm quan trọng:
ampato-3
Thứ nhất, xác ướp này là xác dùng làm vật tế thần của người Inca đầu tiên được tìm thấy cùng với một loạt những di tích nơi dùng để tế lễ nằm rải rác từ dưới dẫn lên đến đỉnh. Trong bối cảnh đó, các khoa học gia có thể tìm thấy câu trả lời cho các nghi vấn như “Phải chăng nhiều người đã đi theo lên đỉnh núi để chứng kiến cảnh tế thần? Ai là kẻ ra tay hạ thủ nạn nhân? Họ đã chuẩn bị cuộc lễ như thế nào?” Việc tổ chức tế lễ trên đỉnh ngọn núi cao của rặng Andes lạnh khắc nghiệt và không khí hết sức loãng là một việc thiên nan vạn nan. Ở độ cao 20000 bộ gần nơi tìm thấy xác Juanita, người ta còn tìm thấy nhiều trại nghỉ chân trước khi dẫn lên đến đỉnh, nơi làm tế lễ. Di vật còn lưu lại gồm những cột gỗ dùng để dựng những lều bạt lớn, đá lót nền, vô số cỏ khô dùng rải lối đi hoặc rải nền bên trong lều để chống lạnh. Đây là những vật liệu nặng nề mà người xưa phải di chuyển lên cao hàng nhiều dặm đường dốc để chuyển đến đỉnh cao khô chồi không cỏ cây này. Lộ trình đoàn kiệu rước gồm các vị tư tế, dân làng, phu phen, lạc đà núi tải theo thực phẩm, nước uống, các linh kiện làm lễ bái đi từ chân núi lên đến đỉnh cũng là một việc đầy gian nan khác.
Thứ hai, Juanita là xác phái nữ đông giá đầu tiên được tìm thấy ở vùng rặng núi Andes. Sự nguyên vẹn kỳ diệu của trang phục nàng mặc cho phép các nhà khảo cổ hiểu biết thêm về loại len màu sắc sặc sở, đan dệt rất khéo từ lông giống lạc đà không bướu vùng núi Andes. Nơi Juanita bị giết là nơi gần Cuzco nhất, Cuzco là kinh đô của dân tộc Inca thuở xưa. Thứ hàng mà nàng mặc thuộc loại hàng sang trọng nhất nơi đây, vậy nàng ắt phải là con nhà quyền quí. Sự toàn vẹn của các món y phục giúp các nhà khoa học hiểu biết thêm về kỹ thuật đan dệt của dân Inca và giới quyền quí phục sức ra sao.
Thứ ba, xác cô gái được tìm thấy là xác đông giá chứ không phải xác lạnh khô như những xác khác từng được tìm thấy khắp nơi trên thế giới; trái lại Juanita được ướp lạnh hoàn toàn nguyên vẹn đến nỗi da, các cơ quan nội tạng, tóc, máu và ngay cả thức ăn trong dạ dày cũng vẫn còn; nhờ thế qua thử nghiệm sinh học trên phổi, gan, và mô các thớ thịt người ta có thể hiểu sâu hơn về vấn đề sức khỏe và dinh dưỡng của người Inca thuở xưa; các khoa học gia còn ghi nhận thêm kiến thức cơ bản hiếm hoi về cuộc sống của người thời tiền Kha Luân Bố. Thử nghiệm về di truyền tính cũng giúp người ta tìm được hậu duệ ngày nay của Juanita. Với phương pháp chụp CT scans người ta có thể xác định được cơ quan nội tạng nào vẫn đang còn trong tình trạng nguyên vẹn.
Trước khi có cuộc phát kiến khoa học này, Reinhard đã từng diễn giải ý niệm của người Inca về rặng núi Andes trong tạp chí National Geographic số tháng ba năm 1992. Đối với cư dân sống nơi đây, ngọn núi gắn liền với đời sống thường nhật của họ. Ngọn núi có thể làm họ mất mạng vì những trận tuyết lở, đá đổ, bão tuyết hoặc gió chướng cũng như họ cũng được ban phúc lành nhờ những đám mây mưa cần thiết cho hoa màu, ruộng nương. Để làm vui thần núi, họ mang những đứa con trân quí nhất lên chỗ đỉnh cao hơn hai mươi ngàn bộ, nơi mây phủ quanh năm để tế thần.
Tháng 10, 1995, Với sự tài trợ của Tổ Chức National Geographic Society, Reinhard trở lại ngọn Ampato với đoàn thám hiểm 18 người. Lần này họ khám phá thêm nhiều địa điểm tế tự khác, xác một bé gái khoảng 8 đến 10 tuôi và bộ xương của một người khác.
Tháng 8, 2006, các khoa học gia nhận thấy rằng độ ẩm gia tăng trong lồng kính trưng bày xác cô gái có thể làm thân thể nàng bị thối rửa trong vòng năm năm. Vấn đề này do một du khách khám phá lúc đến viếng phòng triển lãm. Hóa ra người này lại chính là một khoa học gia từ viện Smithsonian Institute.
trinhnu
Theo báo cáo của Hilda Vidal thuộc Viện Bảo Tàng Quốc Gia về Khảo Cổ, Nhân Chủng và Lịch Sử ở Lima, Peru; Da của Juanita đang bị biến đổi dần từ màu be tự nhiên sang màu nâu sẩm. Đây là dấu hiệu bất thường đối với các nhà khoa học do bảo quản không đúng mức, và họ còn e rằng việc mang Juanita đi lưu diễn ở các nước kháccòn làm cho tình trạng càng bết bát hơn. Bất hạnh thay, khi các khoa học gia hạ nhiệt độ bên trong thấp hơn thì nàng biến thành một “khối băng” mà theo Vidal đây quả là một tình trạng quá tệ hại đối với một xác ướp mãnh mai như Juanita. Vấn đề mang Juanita đi lưu diễn làm nàng bị phân hủy nhanh hơn mặc dù nàng được bảo quản trong ngăn chứa ướp lạnh. Juanita bị bốc dỡ thường xuyên từ nơi đi cũng như nơi đến, đồ bọc bên ngoài bị liên tục gói rồi tháo, tháo rồi gói, rồi bị đem ra trưng bày. Chỉ riêng chuyến lưu diễn 15 tháng tại Nhật, Juanita đã bị di chuyển đến hết 13 lần. Theo Vidal, “Bất cứ sự thay đổi nào về nhiệt độ cũng có thể làm cho nàng bị nứt nẻ hoặc hư hại.”
Năm 1996, Juanita viếng thăm Hoa Kỳ, ở đây nàng diện kiến với Tổng Thống Bill Clinton trong một buổi dạ tiệc tại Stamford, Connecticut. Bấy giờ người ta tường thuật lại lời phát biểu của TT Clinton như sau: “Nếu tôi còn độc thân chắc tôi sẽ mời nàng đi chơi. Nàng trông mát mắt đấy chứ!” Sau đó, theo thông tấn xả AP, các khoa học gia Peru đã lên án lời phát biểu của Clinton là lảng nhách.
ampato-4
Việc di chuyển Juanita gây nên một vụ tranh cãi ở Cabanacode, nơi gần ngọn núi Ampato mà người ta tìm thấy nàng. Ông thị trưởng thị trấn này đòi trả lại xác nàng cho địa phương mình. “Đâu đâu họ cũng thâu tiền vào cửa để chiêm ngắm Juanita,” Thị Trưởng Antonio Jiminez nói với các phóng viên báo chí, “Vậy mà họ có chia cho chúng tôi xu ten nào đâu, dù sao nàng cũng là tổ tiên chúng tôi chứ. Nếu đem nàng về đây ít ra chổ này cũng thu hút được ít nhiều du khách.” Theo Thông Tấn Xả AP thì vấn đề là ở Cabanacode không có đủ thiết bị cần thiết để bảo quản Juanita đúng mức; ngoài ra các nhà khoa học cần làm thêm những thử nghiệm khác trên xác ướp này mà ở đây lại càng không đủ phương tiện nữa.
Muốn xem Juanita thì đi đâu? Juanita hiện được trưng bày tại Museo Santuarios de Altura ở Arequipa, Peru.
ampato-6
Hình trên là hai ngọn núi tuyết trên dãy Andes, ngọn bên trái Nevado Sabancaya là ngọn hỏa sơn, phún xuất thạch nơi đây bắn qua ngọn Nevado Ampato làm tan chảy lớp băng giá phủ lâu đời đỉnh ngọn núi này để lộ ra những tàn tích nơi làm những cuộc lễ tế thần linh. Ở cao độ 20700 bộ là nơi người ta tìm thấy xác ướp của Juanita, cao độ 20400 là nơi còn tàn tích của chổ cắm lều nghỉ chân với nhiều cỏ khô.
ampato-5
Tấm khăn trùm đầu với chỗ rách cho thấy nơi Juanita bị cú đánh cực mạnh làm kết liễu đời mình.

nguồn: Email GiangHuong
“Trinh nữ trong băng” đang cầu cứu
Juanita được nhà nhân chủng học người Mĩ Johan Reinhard tìm thấy năm 1995 trên đỉnh Ampato cao 6310m thuộc dãy Andes, gần thành phố Arequipa của Peru. “Đó là một thi thể nhỏ được bọc kín, kẹt trong  lớp băng đá đang tan ở sườn núi, có gương mặt khô quắt với hàm răng trắng và đôi mắt trống rỗng.” – Reinhard kể lại. Khi được tìm ra, xác ướp được gói kín bằng loại vải dệt rất cầu kì, nằm co quắp giữa những mảnh gốm vỡ, xương lạc đà, bắp ngô, quần áo... và một bức tượng thần nhỏ.
Các nhà khoa học kết luận đây là một cô bé người Inca khoảng 12 - 14 tuổi, đã chết 500 năm trước khi trở thành nạn nhân của tập tục hiến tế thần núi cùng với 2 đứa bé trai khác (xác ướp của chúng cũng được phát hiện không lâu sau đó). Ba đứa trẻ mặc quần áo đẹp, đội mũ lông sặc sỡ, được đưa rước lên đỉnh núi rồi bị chôn sống cùng với những đồ hiến tế khác như thực phẩm, gốm, vải vóc, bùa và tượng thần. Đỉnh núi Ampato lạnh giá đã bao phủ chúng trong băng tuyết yên tĩnh hàng trăm năm nay, giữ chúng nguyên vẹn một cách đáng kinh ngạc.
“Nếu miệng núi lửa Nevado Sabancaya không hoạt động dữ dội làm tan băng đá thì chúng tôi cũng không thể tìm được 3 đứa trẻ xấu số này”, Reinhard cho biết.
Juanita là xác ướp hoàn thiện nhất từng được tìm thấy ở Peru. Da thịt và nội tạng của cô chỉ bị đóng băng chứ không khô quắt như xác ướp thường, cho phép giới sinh học nghiên cứu những đặc điểm về cơ thể, sức khỏe, chế độ dinh dưỡng và tập tục ăn uống của Juanita nói riêng và tộc người Inca nói chung. Những đồ hiến tế được tìm thấy nguyên vẹn có thể cung cấp nhiều khám phá mới về kĩ thuật thủ công và văn hóa của đế chế còn nhiều bí ẩn này. Juanita quý giá đối với giới khoa học đến nỗi, họ tặng cho cô cái tên thật mĩ miều – “trinh nữ trong băng”.
Ngay khi mới được phát hiện, Juanita đã bị ảnh hưởng xấu bởi lúc đó trên đỉnh Ampato gió mạnh và mờ mịt bụi tro núi lửa. Trong quá trình nghiên cứu xác ướp cũng bị di chuyển nhiều lần, trong đó chuyến đi xa nhất là tới Mĩ năm 1996 và Nhật Bản năm 1999. Nhưng nghiêm trọng nhất là, bảo tàng thành phố Arequipa, Peru nơi bảo quản Juanita lại có cơ sở vật chất thiết bị quá nghèo nàn và trình độ yếu kém. Hệ quả là tình trạng của “trinh nữ trong băng” nổi tiếng đang xấu đi từng ngày, rõ nhất là nước da ngày càng xám xịt.
Theo Hilda Vidal của Bảo tàng Khảo cổ học Quốc gia, việc di chuyển xác ướp lúc này chỉ làm sự việc thêm tồi tệ, vì Bảo tàng đã “trót” một lần hạ nhiệt quan tài kính xuống quá thấp khiến xác ướp đóng băng, nếu tạm thời cắt các điều kiện bảo quản để di chuyển thì cái xác sẽ tan băng nhưng cũng sẽ mủn ra. “Lúc này bất cứ thay đổi nhỏ nào về nhiệt độ cũng hết sức mạo hiểm.” - Vidal nhận định.
Gần đây vấn đề càng phức tạp khi độ ẩm bên trong quan tài trở nên quá cao. Các nhà chức trách của Peru được cảnh báo rằng, nếu không được khắc phục kịp thời, “Trinh nữ trong băng” sẽ bị hủy hoại hoàn toàn trong 5 năm tới.
Ngọc Nga(tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét