Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2015

Về thăm lại trường xưa/ Thơ Nguyễn Cang

   Về thăm lại trường xưa
                                           Nguyễn Cang

(Cảm tác nhân đọc bài thơ ""Hoàng Hạc Lâu" của Thôi Hiệu và mượn ý từ bài hat "Màu hoa bí" . Để nhớ trường xưa nơi tôi ngồi học lúc tuổi thơ...giờ tìm đâu thấy!)

* Cảnh cũ đã hiện ra ngay trước mắt/Còn em đang lưu lạc  phương trời nào?/
                                                                 Nguyễn Cang
    Chiều cuối hạ tôi về thăm trường cũ
 Nơi  một thời tuổi nhỏ học ở đây
  Sáu mươi năm ôm kỷ niệm  thật đầy
      Theo vận nước bồng bềnh trôi muôn ngả
 
  Đâu  thể nào quên những ngày êm ả
     Mái trường yêu hình ảnh của ngày thơ
 Bao năm qua còn đó  tuổi dại khờ
  Cho mãi đến giờ vẫn hằn  nỗi nhớ!
 
     Ngoài kia hoa "lim" vàng đang rực nở
     Theo gió đong đưa ngập cả sân trường
       Trước mái hiên còn đọng dáng em thưong
     Trang sách cũ  ghi vần  thơ dệt mộng
 
   Tôi trở lại đây một chiều gió lộng
      Như thấy người xưa , ánh mắt thơ ngây
 Tóc xỏa vai gầy vạt nắng bay bay
  Áo trắng phất phơ, lá lay xào xạc
 
            Chiều dần xuống hương hoa "lim" thơm ngát
      Nhớ lúc tan trường  anh bước theo em
     Đuổi bướm tung tăng nắng đổ bên thềm
     Bướm bay mất em  rưng rưng  nước mắt
 
Anh đền em hoa bí vàng mới ngắt
          Thay con  bướm vàng, thương nhớ mênh mang
  Nay trường xưa hoa bí vẫn nở vàng
       Nhưng thiếu em , anh ngỡ ngàng héo hắt
 
  Cảnh cũ đã hiện ra ngay trước mắt
     Còn em đang lưu lạc  phương trời nào
     Em thiên thần có lạc chốn trăng sao?
      Nghe  vang mãi giọng ngọt ngào em hát
 
     Hoa bí  tươi màu, trời xanh bát ngát
       Tôi lặng nhìn hoa, thương mối tình đầu
      Trường cũ giờ, có phải Hoàng Hạc Lâu?
      Bướm vàng bay mất còn  đâu tìm thấy?!
                                  Nguyễn Cang
 
*hoa lim: hoa của cây lim, loại gỗ tốt, bề chắc, xưa thường dùng để làm đình-miểu, hoa màu vàng, cánh nhỏ như hoa mai; lá nhỏ như lá me; được trồng dọc theo bờ lộ cạnh trường Nam Tiểu Học Gò Công, gọi là "bờ lộ lim" (Bờ lộ có trồng hàng cây lim), để phân biệt với "bờ lộ dương" (bờ lộ có trồng hàng cây dương) cũng ở Gò Công.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét