Thứ Hai, 31 tháng 10, 2016

Nụ hôn đầu/ Thơ Nguyễn Cang

     NỤ HÔN ĐẦU
Hai hướng đời nay đã rẽ chia phôi/ Vẫn nhớ mãi nụ hôn đầu, nuối tiếc!!!















Nguyễn Cang
(Nhớ về T... mối tình đầu của tôi, NC)

Cơn mưa chiều nhớ hoài trong ký ức
Tan trường về hai đứa bước song đôi
Cùng che chung một chiếc dù hoa tím
Mong mưa hoài mưa mãi chẳng chịu thôi
 *
Mưa ngoài trời theo từng cơn gió thổi
Em thẹn thùng khép nép đứng bên tôi
Rồi ngước mặt nhìn lên cười e lệ
Tôi bàng hoàng cúi hôn vội bờ môi
 *
Em ngượng ngùng mắt chớp nhanh không nói
Nét u buồn như hờn dỗi điều chi
Lòng bâng khuâng không biết nói năng gì
Tình vụng dại giờ vẫn còn đeo mãi!
 *
Ôi, nụ hôn sao còn nghe nồng cháy
Nay dở dang ôm nỗi nhớ trong đời
Tình nghiệt ngã khiến chúng mình xa cách
Chốn cũ giờ em có thấy chơi vơi?
 *
Ở nơi đây mỗi lần nhìn mưa đổ
Nghe nhớ thương cay đắng mối tình đầu
Hai hướng đời nay đã rẽ chia phôi
Vẫn nhớ mãi nụ hôn đầu, nuối tiếc!!!


Nguyễn Cang (26/10/2016)

Thứ Tư, 26 tháng 10, 2016

Thám hiểm lòng người Bình-nguyên Lộc/ Trích FB Quy La/ 25.10.16


 
Thám hiểm lòng người
Bình-nguyên Lộc
Cô Năm chiêm bao thấy cô bị chó rượt. Cô chạy mệt gần bứt hơi thì giựt mình thức dậy.
Ai vừa tỉnh ác mộng cũng mừng được thoát nạn và nhứt là cũng bán tín bán nghi, trong vài giây đầu, không rõ mình bị nguy thật hay chỉ là chiêm bao, không rõ mình quả có thoát chăng. Nên chi thần trí của người nằm mơ vẫn cứ còn bấn loạn trong suốt thời gian ngắn ấy.
Vì vậy mà khi nghe la, cô không cử động được mau lẹ như đã sắp đặt từ lâu. Từ lâu rồi, cô có sắm một cây đèn pin, rồi đêm đêm, cô nhét đèn dưới gối, định hễ có động là bấm đèn liền. Hà tiện, cô không chong đèn. Nửa đêm nếu có gì mò kiếm được công-tắc đèn điện là mất đi cả buổi rồi. Vì thế, từ ngày thầy Năm qua đời, ban đêm cô luôn luôn thủ sẵn món hộ thân đó ; trong nhà có đờn ông lạ thì đề phòng bao nhiêu cũng chẳng thừa.
Ban đầu cô nghe tiếng cô hai Thiền hỏi nho nhỏ „Ai đây ?“. Không nghe đáp. Cô hai Thiền lại hỏi to „Ai đây ?“. Cũng không nghe đáp lại. Rồi thì cô ta la oái oái lên như thấy ma hay gặp trộm, gặp rắn gì ấy. Kế đó nghe tiếng guốc bị ai đá chạy chuồi trên gạch.
Cô Năm, trống ngực còn đánh thình thình vì vụ chó rượt, bấy giờ rụng rời, không cựa quậy gì được cả.
- Chị Năm ơi, thắp đèn lên mau nó. Cô hai Thiền la hấp tấp như vậy.
- Gì đó Hai, cô Năm ú ớ hỏi.
- Thì thắp đèn lên, mau đi mà, có thằng nào nó mò em đây nè.
Hai phút đồng hồ đã qua rồi. Tên ăn trộm ái tình có dư ngày giờ để về sào huyệt. Bấy giờ mới nghe ngoài trước có tiếng diêm đánh vào hộp quẹt rồi giọng một người đờn ông lớn tuổi hỏi :
- Gì đó các cô ?
Ánh sáng diêm quẹt lóe lên, tiếng guốc cạ gạch kêu sột-soạt, tiếng chơn ai bước đi vài bước. Diêm lại tắt. Cây diêm thứ nhì cháy lên, rồi người đánh diêm đi lại nơi vặn đèn.
Cắc... Cắc ... Ánh sáng chan hòa buồng trong và buồng ngoài.
Căn phố cô Năm ở ngăn ra làm hai buồng như phần lớn phố Sài Gòn. Buồng ngoài sâu sáu thước không chưng dọn bàn ghế gì cả ; đêm đến thì mở năm chiếc ghế bố ra cho năm người đờn ông ăn cơm tháng nằm ngủ. Buồng trong sâu bốn thước ngăn sơ sịa ra làm ba phòng nhỏ bằng giấy isorel. Cô Năm và hai cô gái khác, cũng là người ăn cơm tháng, ngủ ở ba phòng nhỏ ấy. Chị ở thì ngủ sau bếp.
Năm kia, thầy Năm qua đời, cô Năm mới băm hai tuổi. Không biết nghề gì sanh nhai, co xoay ra nấu cơm tháng. Phụ nữ ăn cơm tháng thì hiếm lắm, nên cô Năm phải nhận cả đờn ông. Được cái là có hai cô khách hàng ngủ phía trong, mà một là cô Thiền, em họ của cô, nên cô Năm cũng đỡ lo ngại phần nào.
Ông Phán Ca, người mở đèn, cởi trần và vận sà-rong, đứng nơi ngưỡng cửa buồng, một chơn trong một chơn ngoài, hỏi lại lần nữa, giọng chẫm rãi, bình thản :
- Gì đó các cô ?
Cô Năm cũng đã ra khỏi buồng cô, và vừa bước qua buồng cô hai Thiền, cô vừa hỏi một câu gần gần như vậy :
- Gì đó vậy hai ? Cô nói mau, giọng run run.
Cô hai Thiền, bấy giờ đã đứng xuống đất, đầu nhô lên khỏi đầu vách ngăn, tay bới tóc miệng nói tía lia:
- Thật là quá lắm. Có một thằng khốn nạn nó cả gan vào đây mà mò em ; em la lên nó chạy đi rồi.
Cô ba Anh ở buồng kế, cũng đã dậy từ lúc nãy, nhưng bấy giờ mới dám bước ra, nói :
- Hú hồn hú vía. Tôi sợ quá trùm mền kín mít, không dám hó hé.
Ông phán Ca cười ha hả mà rằng :
- Đêm khuya gà gáy ó o. Thằng quỉ nào mà chơi rắn mắt vậy ? Tụi bây làm bậy bạ, cô Năm cổ phiền, cổ đuổi đi cho coi.
Ông nói với bọn đờn ông ở ngoài, nhưng vẫn nhìn ba người phụ nữ bên trong. Bọn đờn ông không bìết có nghe hay không, vì chưa ai rục rịch cả như là còn ngủ say vậy, mặc dầu nãy giờ trong nhà đã ồn lắm rồi. Họ rất có lý do để mà im như vậy : Anh chàng phạm tội, lẽ cố nhiên, làm bộ ngủ say; những anh khác, có thức cũng chẳng dám hó hé vì sợ bị người ta nghi oan. Và nín lâu chừng nào càng không dám lên tiếng chừng nấy, vì thức liền hay ngủ say luôn, tự nhiên hơn là nín một lúc rồi ra mặt.
Ông phán Ca là người tuổi tác không ngại gì nên mới dám vào liền. Vả ông ngủ rất sẻ thức, nghe động trước hơn ai hết, và lúc có tiếng la, ông chưa biết gì, chưa toan tính thái độ, nên vào được tự nhiên.
Ông Ca là người phì nộn, da thịt hồng hào và rất vui tánh. Ông nhìn mãi cô hai Thiền mà cười chúm chím, khiến cô nầy khó chịu và tức mình lắm. Chắc ông phán đang nói thầm trong bụng : “Cô em ơi, có bị như vậy cũng đáng kiếp cho cái tánh nhí nhảnh của cô. Trống không, ai dám đánh thùng, bậu không, ai dám dở mùng chun vô”. Nhưng ông cũng an ủi một câu :
- Cũng đáng tiếc thật đó, nhưng nghĩ lại chưa có gì hại lắm thì cũng may, thôi thì cô bỏ qua đi cho rồi.
- Bỏ qua làm sao được, cô hai Thiền xon xỏn cãi, tức lắm mà ! Làm như vầy ai mà còn ở yên đây được. Tôi phải làm cho ra lẽ nội đêm nay tôi mới nghe cho . . .
Câu nói của cô Hai chưa dứt thì ngoài trước bọn đờn ông rục rịch lên tiếng hỏi “Gì đó ? Gì đó?
- …Tôi có bằng cớ đây nè, bắt nó như chơi, cô Thiền tiếp.
- Bằng cớ gì, ông phán Ca hỏi.
- Tôi níu rách túi áo trên của áo bi-da-ma của nó. Bây giờ xét liền, ai mà có túi áo rách thì đích thị nó là thủ phạm.
- Chết rồi, chết rồi tụi bây ơi, ông phán Ca cười ha hả mà nói như vậy.
Bốn người đàn ông ở ngoài lần lượt vào buồng trong. Họ cùng hỏi: “Gì đó ? Gì đó ?”
Không ai đáp và bốn người bên trong nhìn trân trân bốn người mới bước vào. Lạ quá, cả bốn đều mặc bi-da-ma chớ không ai ở trần như thường lệ. Có lẽ những kẻ cởi trần sợ bị tình nghi, đã vội vàng tròng áo lên. Nhưng không ai bị rách túi áo trên hết. Ừ, nãy giờ thủ phạm đủ thì giờ đổi áo khi nghe cô Thiền hăm xét.
Ông phán Ca kể đầu đuôi câu chuyện cho họ nghe một cách vắn tắt mà đầy đủ bằng câu hát mà khi họ chưa đến ông đã hát một vế :
“Đêm khuya gà gáy ó o.
Hỡi người quân tử vậy chớ mò đi đâu ?”
Mọi người còn làm thinh thì cô Thiền dọa tiếp :
- Chị Năm, chị giúp em làm cho ra nội đêm nay. Bây giờ ta đi xét rương, xét va-ly của từng ngưòi.
Thầy tư Tê nói :
- Cô có quyền gì mà đòi xét rương của người ta ?
- Tôi có quyền, trong trường hợp đặc biệt nầy.
- Tôi không bằng lòng để cô xét.
- Không cho xét tức là sợ. Sợ tức là thủ phạm.
- lm, cô không được vu cáo. Tôi kiện danh dự đa !
Thầy tư nói giọng cà rỡn, vẻ mặt luôn luôn thản nhiên, nhưng cô hai Thiền thì tức giận tím môi, tay run như đang lên cơn sốt rét. Đuối lý, cô ngoe nguẩy đi vô buồng cô, rồi lại trở ra liền, tay xách chiếc áo dài, míệng nói :
- Để tôi đi gọi cảnh sát nghen chị Năm, coi ai ngăn đuợc tôi xét rương cho biết. Tôi quyết lột mặt nạ tên quỉ ấy mới nghe, cho nhựt trình họ đăng hình nó lên để cả xứ đều biết mặt mo của nó.
Cô Năm hoảng sợ chạy lại nắm lấy tay người em họ rồi lôi tuốt cô ta vào buồng cô. Ngoài nầy bọn đờn ông rút lui về ghế bố. Thầy sáu Bê ngòm ngoàm :
- Ðồ dịch vật, làm mình mất giấc nhủ.
Ông phán Ca đùa :
- Ai có tịch thì liệu mà thủ tiêu chiếc áo tố cáo ấy đi, kẻo lát nữa cảnh sát đến thì không khéo lại vác chiếu ra tòa.
- Bộ chỉ có ngưòi đó là rách túi áo sao, thầy bảy Bê cãi ; áo ai lại không có lúc rách túi.
- À, chắc là mầy rồi đa ; áo mầy rách hả ?
- Thôi ngủ, sáng còn đi làm các cha ơi ! Thầy ba Hát khuyên như vậy, và cả bọn đều im ; nhưng chắc không ai nhắm mắt được, nhứt là thủ phạm.
*
Lôi em vào buồng, cô Năm nói nho nhỏ :
- Chị lạy, em đừng có làm rùm lên …
- Trời biểu em cũng không bỏ qua vụ nầy. Cô Hai la lớn lên như vậy.
- Em nên nghĩ tới chén cơm của chị mà thương hại chị, chị van em !
- Chị muốn kiếm một chục người khác ăn cơm tháng, em cũng kiếm giùm chị được.
- Em nên nhỏ giọng một chút và nghe chị đây : Đuổi họ đi thì chị sẽ đuổi, nhưng tìm khách khác mà đờn ông thì nhứt định không. Chị đã lo sợ xảy ra chuyện không hay từ lâu. Vậy nhơn dịp nầy chị từ chối khách đờn ông đến mãi mãi.
- Ừ, em sẽ rủ nữ sinh đến.
- Nhưng nếu nhà nầy bị tai tiếng thì còn nữ sinh nào dám trọ ở đây. Vì vậy chị van em làm êm đi cho để chị còn kiếm được chén cơm hằng ngày.
- Nhưng em tức lắm, và ít ra cũng phải kín đáo gỡ mặt nạ thằng đó đặng em mắng nó một hồi cho đã nư chớ.
- Được, chị đã có kế.
- Em giao cho chị đó, chị tra làm sao cho ra thì tra.
Suốt nửa phần sau đêm ấy không ai ngủ được cả. Cô ba Anh sợ quá, đòi chong đèn thật sáng. Được toại nguyện, cô vẫn không dám nhắm mắt. Cô Hai Thiền là nạn nhơn, nên cố nhiên là thao thức. Cô Năm chủ nhà thì bị đèn sáng chói quá, khó chịu lắm. Bọn đờn ông phía trước thì bận rình nhau, xem có thằng nào len lén dấu áo hay không, nên cũng thức luôn.
Sáng ra không khí trong nhà lờ lợ như hồi họ mới đến ở trọ nơi đây. Bọn đờn ông thì sượng sùng, còn bọn phụ nữ thì mắc cỡ. Đờn bà lạ quá, người ta làm bậy mà họ lại xấu hổ, cái mới kỳ. Cô Năm cho chị bếp đi chợ thật sớm. Hai cô gái ngày thường thì mượn chị nầy đi mua xôi mua cháo về ăn sáng tại nhà. Hôm nay vì chị nầy không còn ở đó nữa, và vì cũng muốn lánh mặt bọn đờn ông, nên đi làm thật sớm. Có lẽ họ nhịn đói luôn, vì chắc chắn là họ không dám ngồi tiệm.
Khi bọn đờn ông sửa soạn vừa xong, cô Năm bước ra nói :
- Quí ông, quí thầy ! Cái chuyện hồi hôm con em tôi nó quyết không nghe cái người làm quấy đó. Nhưng tôi thì tôi muốn bỏ qua. Vậy xin quí ông, quí thầy liệu cho. Ai có lỡ lầm trong giây phút thì ăn năn chừa lỗi và nhứt là nhớ thủ tiêu chiếc áo ấy đi, kẻo con em tôi nó đợi tôi tra xét mãi không được, nó đi thưa bót thì khổ. Hiện giờ nhà không aì hết, tôi lui ra sau bếp, ai có muốn lưu áo ra thì đi trước, tôi thề không hay biết gì cả.
Thầy bảy Đê phản đối :
- Trời ơi, cô báo hại bữa nay anh em tôi đi làm trễ hết. Nói như cô thì còn ai mà dám ra khỏi nhà nầy trước người khác.
Cô Năm cười rất vô duyên mà rằng:
- Thì tôi nói vậy, quí ông tùy liệu làm sao thì làm.
Nếu quả sắc đẹp là của trời ban cho thì cô Năm là một kẻ bị bỏ quên, không thừa tự được một chút xíu mĩ miều nào hết của tạo hóa. Đã xấu xí, cô lại vô duyên đến thấy mặt là phát ghét ngay. Mới có băm lăm tuổi mà trông cô già như người trên bốn lăm.
Thế mà lạ thay, khi cô vừa nói xong những lời trên đây thi cả bọn có cảm giác như là cô bỗng đẹp hẳn ra, không phải đẹp một vẻ đẹp vật chất mà nặng nề của loài người, mà đẹp phúc hậu như Phật bà phủ hào quang. Rồi người nào cũng sực nhớ đến tích ông vua gì ở bên Tàu ngày xưa ấy, một đêm kia hội quần thần và cung nữ giữa một cánh đồng để thiết dạ hội. Trong lúc tiệc rượu tưng bừng thì một trận cuồng phong thổi qua và tất cả đèn đuốc đều tắt. Giữa đêm tối, người ái phi của nhà vua bỗng la hoảng lền. Khi đèn đuốc sáng trở lại thì nàng ái phi nầy mét với nhà vua rằng có một vị quan đã làm xằng là ôm nàng ta lúc đèn tắt. Nàng quí phi kiều diễm ấy đã lẹ tay bẻ được cái vảy mão của kẻ xúc phạm đến nàng và nạp tang chứng cho nhà vua, nàng đòi truy nã kẻ phạm tội ngay tức khác.
Nhà vua chỉ mỉm cười rồi ra lịnh tắt đèn để diễn lại cái trò hồi nãy, nhưng hơi khác một tí : lần nầy không có quí phi và tất cả những vị quan có mặt đều phải tự mình bẻ vảy mão của mình mà vứt đi.
Khi đèn sáng lên, thì nhà vua và quí phi không còn biết cách nào truy ra thủ phạm nữa.
Cho đến ông Phán Ca, người vui tánh và hay đùa thế kia, cũng kinh ngạc đến thừ người ra mà nhìn trân bà chủ nhà mà lòng và mặt rất khác xa với nhau.
Cô Năm không hiểu họ nghĩ gì mà coi bộ họ lấy làm lạ dữ vậy, nên cô rút lui ra sau bếp ngay cho đỡ khó chịu.
Trưa hôm đó, cô Năm không cho cả nhà ăn cơm chung như mọi ngày. Đờn ông ăn cơm chung một buồng ở bàn ngoài ; ở đây dẹp ghế bố là được một buồng ăn rộng rãi, mở bàn tròn xếp ra là xong. Bọn đờn bà ăn ở nhà bếp.
Năm ngưòi đờn ông vây quanh chiếc bàn tròn, cố mà vui vẻ ; ngày thường ai buồn cứ mà buồn, ai mệt cứ mà bơ phờ ra, nhưng hôm nay mà như vậy thì họ nghi chết. Thành ra ai cũng muốn tỏ cho người khác thấy là ta đây trên lương tâm không có gì cả. Và mỗi người ai cũng sắp đặt sẵn một chuyện hay và dài để kể cho trám hết bữa ăn hầu đánh tan không khí khó chịu.
Thầy sáu Bê vừa toan kể chuyện xe đụng ở Ngã Sáu Vẹt-Đon thì lão Phán già mắc dịch vụt hỏi :
- Hồi sớm mai đứa nào đi sau hết ?
Thật là đáng ghét cái lão già nầy. Làm bộ bảnh hoài mà biết đâu cái thằng đi mò hồi hôm lại không phải là lão. Ừ, có rất nhiều bằng cớ để tình nghi lão ta. Khi cô Thiều la lên thì có mặt lão ở trong ấy trước hơn ai hết. Thức hồi nào mà chờ sẵn để thắp đèn vậy ? Lão lại có cởi trần, phải chăng là vừa bỏ cái áo tố cáo ra ? Còn tại làm sao mà lão cứ nhìn cô hai Thiền mà cười chúm chím lúc nội vụ vừa đổ bể ra ? Lão già nầy không vừa gì đâu. Nghe lại thì trước kia lão có đến ba đời vợ, và từ ngày góa bụa đi ở trọ, lão cũng chẳng tỏ ra tiên phật gì. Nội nhà phải chăng là lão đi đêm thường nhứt và về khuya nhứt ?
Không nghe ai đáp, lão lại hỏi lần nữa :
- Hồi sớm mai đứa nào đi sau hết ?
Và tiên đoán không ai đáp mình, lăo thêm :
- Tôi thì tôi đi trước thiên hạ. Cô chủ cổ biểu ai muốn thủ tiêu áo thì đi trước, nhưng thâm ý ý cổ ngầm biểu người đó đi sau hết. Ậy, nói như vậy cho đỡ ngượng thằng đi sau mà.
Lão ta nói xong, cười ha hả, hết nhìn người nọ đến người kia. Thầy ba Hát giận run, ra miệng:
- Tôi đi sau hết. Mà chưa chắc là để lưu áo ra ngoài. Bộ cái người đi trước hết không thể đáo trở lại mà lấy áo à ?
Thấy không khí sắp căng thẳng, thầy tư Tê pha trò :
- Tôi làm thầy hít, đánh hơi một cái thì biết người bí mật đêm qua là ai.
Người bí mật ? Phải, thầy tư vô tình đã thốt ra danh từ đúng nhứt để chỉ người đó. Câu chuyện hơi giống một phim trinh thám loại trưởng giả giới ở cái khía có người bí mật, bí mật nhưng luôn luôn có mặt: một xác chết và bao nhiêu người hoạt động quanh xác chết. Từ đám tân khách, viên thư ký, những người nhà, ai cũng có thể là thủ phạm cả, tuy nhiên không làm sao biết được kẻ sát nhơn là ai. Hắn vẫn qua lại trong khung cảnh đó, vừa có mặt, vừa vô hình.
Không để cho bạn hữu bị xao lãng vì cuộc pha trò mà thầy tư sắp đưa ra, thầy ba Hát nói gằn từng tiếng :
- Người ta bảo tuổi già hay sanh ngụy, lời tục ít khi sai.
Cố pha trò để xí xóa mọi hiềm khích, thầy tư Tê chỉ ngay mặt thầy sáu Bê mà đề quyết :
- Mầy chớ ai. Tao nhìn kỹ thì thấy mũi mầy hơi run rồi vẹo đi. Bà con coi kìa, bị tôi đoán trúng tim đen, nó sượng ngắt và không dám ngước lên.
Quả thật thế, thầy sáu Bê bẽn lẽn như con gái, cúi gầm mặt xuống, rồi hai tai ửng đỏ lên. Cả bọn nhìn người bạn trẻ nầy rồi cười xòa, quên hết giận hờn.
Sáu Bê là một anh con trai hiền từ và nhút nhát. Lời tục thường nói : “Núc ních trật chín trật mười”. Thầy ta thấy khách đờn bà con gái thì trốn mất. Ngữ đó thì còn làm gì dám o mèo mà hễ không dám thì hay làm xằng. Và bây giờ bị chỉ ngay mặt thì sượng. Thôi đích thị là thầy ta rồi chớ còn ai vô đó nữa.
Thầy tư Tê chỉ nói đùa vậy thôi cho ôn hòa không khí, nào ngờ nói đúng sao mà. Thầy thương hại bạn quá nên chĩa mũi nhọn qua kẻ khác, một kẻ láu lỉnh, biết tự vệ :
- Nói chơi vậy chớ tôi dám cá rằng thằng Đê là thủ phạm, chắc chắn như dê xồm thì phải có râu. Có bằng cớ ràng ràng đây nè.
- Coi chừng tao kiện đa, bảy Đê hăm.
- Kiện còn mau chết nữa, đã bảo có bằng cớ kia mà.
- Bằng cớ đâu ?
- Nè ! Đêm hôm qua mầy cãi: “Ai lại không có áo rách túi.” Thế nghĩa là túi áo mầy rách. Mà tại sao nó rách ? Có phải là chính mầy đã vuột chạy rồi bị cô Hai níu hay không ?
- Lý luận chặt chẽ lắm, thầy ba Hát khen.
- Chặt chẽ như cái gọng kềm làm bằng giấy bồi, thầy bảy Đê xì một cái rồi trả đũa lại ngay. Nè, tao cũng có thể đưa bằng cớ kiểu đó để buộc tội mầy. Mầy là thằng khả nghi số một. Lúc mới vào ở trọ nơi đây, mầy đã ló mòi, chọc ghẹo cô haí Thiền nhiều lần, nhưng đơn của mầy không được cứu xét. Tuy thế, ai dám chắc mầy chôn luôn mốì tình dê xồm của mầy ? Và phải chăng là chỉ có một mình mầy là phản đối không cho họ xét rương ? Thấy rõ là mầy đã sợ quýnh.
Phải, thầy tư Tê cũng khả nghi thật. Mèo chuột của thầy ta thì khó lòng mà nhớ cho xuể. Thầy ba Hát nhìn cả hai đối thủ ấy rồì nói :
- Hai anh đều có tỳ có vết, nhưng sao tôi lại cứ nghi ông phán Ca hoài. Đó là do tánh linh thôi chớ không bằng cớ gì đích xác hết. Bây giờ tôi giao một điều, hễ ai mà phạm đến đỉều đó thì kẻ ấy là người quân tử trong đêm rồì. Nè, tôi giao hễ ai ăn miếng phao câu nầy thì ngưòi ấy là kẻ gian.
Cả bọn cười một cái rần. Trong dĩa thịt gà xào lăn, một cái phao câu bị chôn phân nửa mình dưới đống bún Tàu nấm mèo. Thấy ông phán Ca toan gắp món ngon đó, thầy ba Hát “kỳ đà” bằng lời giao kết trẹo họng nầy.
Ông phán Ca cười khà khà và lật đật gắp cái phao câu mà lũm rồi nói :
- Đến mười cái, tôi cũng dám ăn, mặc kệ bị nghi nhiều lần.
Thấy thiên hạ tố lẫn nhau hăng quá, sợ làm thinh sẽ bị tình nghi nhiều, thầy sáu Bê trẻ tuổi, nãy giờ lẳng lặng mà cười, bấy giờ mới mở miệng :
- Tôi thì nghi anh ba Hát…
- Bằng cớ đâu, Hát hỏi.
- Anh đẹp trai, lại được cảm tình của cô hai.
- Ờ…ờ…ờ… mắc cỡ không ? Nếu tao đẹp trai và được cảm tình của cổ thì cổ làm thinh chớ sao lại la lên.
Sáu Đê thật thà nên đuối lý sớm quá, anh ta nín luôn.
Thầy ba Hát đẹp trai thật ; mà người đẹp hay đa tình ; phải chăng là thầy ?
Ông phán Ca lại pha trò :
- Bây giờ đem tụi bây mà lận mề gà thì lòi kẻ gian tức khắc.
- Mề gà, phao câu gì tía cũng ăn trụm một mình, thì lận tía chớ sao lại lận bọn tôi, tư Tê phản đối.
- Không phải, tụi bây dốt lắm, lận mề gà là danh từ kỹ thuật riêng biệt mà.
- Nghĩa của thành ngữ ấy là sao ?
- Đó là một lối tra tấn của Pháp ngày xưa. Báo La Lutte có tả tỉ mỉ lối tra tấn nầy. Nó bắt người bị tình nghi nằm sấp, trói hai tay hắn sau lưng hắn rồi từ từ kéo hai tay bị trói ấy lên phía đầu hắn. Như vậy, các bắp thịt ngực của hắn bị vặn vẹo lộn mèo, đau thấu ông trời xanh.
- Ghê quá, như vậy thì thà là chịu trước cho xong, không có tội cũng khai bừa cho êm chuyện.
Ba Hát nói:
- Nếu làm như vậy thì nội bọn mình, ai cũng có cả, mà cho dầu cô Hai cổ bị thế, cổ cũng sẽ khai là chính cổ đã mò cổ.
Cả bọn cười ngả nghiêng ngả ngửa.
Bữa cơm trưa đã xong. Chị bếp lo triệt hạ chén dĩa xuống. Bọn đờn ông đi ra sau rửa tay rửa miệng. Câu chuyện trong bữa ăn giúp họ hả được sự đè nén, như là kẻ có lỗi được xưng tội với ông cha, nên chi họ tự nhiên như thường. Khi thầy bảy Bê bưóc qua ngang cửa nhà bếp thì chạm trán với cô hai Thiền. Thầy hỏi đùa :
- Cô có nghi ai hay không cô hai ? Đừng nghi tôi tội nghiệp nghen cô.
Bọn phụ nữ vẫn còn mắc cỡ, nghe pha trò như vậy thì bất bình lắm. Cô hai Thiền nổi giận gây:
- Tôi nghi bất kỳ ai, cho đến khi nào tôi lột được măt nạ con quỉ đó mới thôi nghi. Mà thầy đừng có làm bộ ta đây can đảm, dám hỏi đùa, tức là ta đây vô can. Hừ, kẻ gian chừng nào càng làm bộ tỉnh chừng nấy.
Thầy bảy Đê cụt hứng, và từ đó, hai phe nam, nữ không trao lời trao mắt với nhau nữa.
Hai ngày đã qua. Ngày nào cô hai Thiền cũng hỏi thăm cô Năm coi đã tra xét chưa. Cô Năm luôn luôn đánh cù cưa, nói để thủng thỉnh sẽ hay. Chiều ngày thứ ba là ngày cuối tháng, cô hai hỏi :
- Hôm nay họ trả tiền. Chị đã biểu họ dọn đi hay chưa ? Khổ quá, họ đi thì em không hả giận được vì chị chưa truy ra tên thủ phạm.
Cô Năm thở dài đáp:
- Chị không có biểu họ dọn đi.
- Sao lạ vậy ? Chớ chị đã quên dự định đem nữ sinh vào thay thế họ à ?
- Chị không quên, nhưng chị định không làm như vậy nữa.
- Trời ơi ! chị tiếp tục nuôi ong tay áo à ? Chị lại giết em bằng cách không cho em rửa thù. Thôi, em đi thưa cảnh sát, mặc kệ chị.
- Vô ích, chị đã làm lơ cho họ lưu áo ra ngoài rồi.
- Trời !
Cô hai Thiền đấm ngực cô một cái rồi ngã vật lên giường của người chị bà con, đập tay xuống nệm thình thình và kêu trời liền miệng. Giây lâu sau, cô mắng cô Năm:
- Chị thật không biết điều chút nào hết. Chị ham tiền, không kể phẩm giá của bà con em út. Cũng may là em chưa bị hại . . . Nhưng chị dại lắm, tiền, em đã hứa giúp chị kiếm được dễ dàng kia mà.
- Em mắng thì chị ngậm câm mà chịu. Chừng nào em dịu rồi sẽ hay. Nhưng chị cũng cần đính chánh ngay cho em rõ là chị không vì tiền đâu. Sở dĩ chị có thái độ đó chẳng qua là cũng vì thương người mà thôi
- Thương người ? Vậy ra người bậy cũng thương nữa sao?
- Người bậy cũng thương để cho họ cảm mến mà cải ác tùng thiện. Vả lại tội nào lại không có trường hợp giảm khinh.
- Chị nói tức quá. Thật chị không biết phải chút nào hết. Thôi mặc chị, bây giờ không mong trừng trị chúng nó, em cũng quyết đập thùng đập trống cho bọn nó mang xấu chơi. Rồi chị đừng có trách em nghen.
Cô Năm nhìn người em họ mà thương hại. Cô hai Thiền nầy đẹp lắm, nhưng lại đẹp một vẻ đẹp lẳng và tánh tình cũng thế. Cô biết rõ em cô cũng chẳng trong sạch gì đó, nhưng mà khó nói ra quá, những nhận xét tỉ mỉ của cô từ mấy ngày rày. Nay nghe em cô tính chuyện làm rùm, cô thấy là không thể nín nữa được. Cầm tay em, cô nhỏ nhẹ mà rằng :
- Nầy em, chị mà bỏ trôi vụ nầy là, như đã nói, vì lòng thương người. Nhưng cũng vì danh tiết của em nữa đó.
- Danh tiết của em ? Thế làm rùm thì họ cười em chớ không cười bọn nó à ? Em nói cho chị biết, xưa khác nay khác. Đời xưa con gái bị cưỡng hiếp thì giấu luôn, đời nay nó đi kiện tới Tòa áo đỏ. Em mà có bị ô nhục rồi, em cũng dám làm rùm nữa à chị. Nhưng em đã bị gì đâu !
- Phải, chị dư biết điều đó, nhưng em lại ở vào trường hợp khác.
- Thì càng nên làm rùm, vì em chưa bị gì hết.
- Không, em đã bị nhiều lắm.
Cô Hai nhìn chị mà ngạc nhiên. Cô Năm chẫm rãi nói:
- Có những điều rất khó nói ra nhưng chị buộc lòng phải nói, vì em đã đẩy chị vào ngõ bí. Chị nói ra xong chắc em mắc cỡ mà oán chị lắm. Nhưng thương em không biết bao nhiêu, chị không chê cười gì em đâu, em đừng hổ thẹn rồi lạt tình bà con.
Cô Hai nghe qua thì đâm lo, nhưng nghĩ mình không làm gì nên tội, cô an lòng lạì được và hỏi:
- Em sốt ruột quá, chị nói mau thử coi.
- Tại sao đêm hôm đó em không hoảng sợ la oái oái liền, mà chỉ bình tĩnh hỏi nho nhỏ : “Ai đây ?” thôi. Em có la thật, nhưng không la ngay mà chỉ la một lát sau đó thôi ?
Cô Haì điếng người đi. Nơi ta có nhiều tâm trạng và nhiều biến chuyển tâm trạng vi tế quá, mà chính ta cũng không nhận thức được. Tại sao cô Hai có tháì độ ấy ? Ắt hẳn là có lý do, nhưng lý do đó tế nhị và phù du quá nên cô cũng quên luôn nếu cô đã nhận ra nó đi nữa. Cô Năm ở ngoài cuộc, lại cần suy xét nhiều để lập thái độ, nên đã truy ra lẽ sâu kín đó. Cô nói tiếp :
- Nếu đưa nội vụ ra ánh sáng, cảnh sát điều tra, sẽ hỏi em câu đó, em mới trả lời làm sao cho trôi. Rồi vì hời hợt, nông nổì, người ta sẽ kết luận rằng em có hẹn với một người và đang chờ người đó nên mới bình tỉnh mà hỏi nho nhỏ như vậy. Thế thì còn gì là danh tiết của em.
Cô Hai giựt mình rồi ôm mặt mà khóc òa, giây lâu mới nói được :
- Trời ơi, oan cho em quá ! Nào em có hẹn với ai đâu ? Chị nghi cho em như vậy tội nghiệp em lắm. Em thề…
- Không, chị không nghi như vậy đâu. Chị dư biết là em không có gì bậy bạ, ít lắm là từ khi về ở với chị. Chị chỉ nói thí dụ thôi, tạm đoán là kết luận của những người hời hợt nông nổi thôi.
- Khổ quá chị ơi, em cũng không hiểu tại sao em không tri hô lên liền.
- Chị thì chị hiểu.
- Chị hiểu ? Chị hiểu em hơn em hiểu em ?
- Đây nè, em đang có cảm tình với một người đàn ông trong nhà nầy, và em biết chắc người đó cũng đang có cảm tình với em. Người bí mật ấy cũng rõ tâm tình em đối với hắn. Trong tình thế đó, hắn mà tỏ tình là xong ngay. Nhưng hắn bậy lắm, đã làm xằng. Có lẽ hắn là một anh chàng thiếu kiên nhẫn hơn là một kẻ nhút nhát. Kẻ nhút nhát ưa gởi thơ, nhưng kẻ nóng tánh lại hay làm ẩu. Mà sở dĩ hắn dám cả gan làm xằng cũng vì hắn đinh ninh sẽ thành công ; hắn biết rõ tình trong của em kia mà ! Chị thí dụ hôm ấy em giựt mình thức dậy vào giữa đêm khuya ; em vừa nghĩ đến hắn thì hắn men tới. Em đoán là hắn, vì em thầm mong đợi hắn, và trong giây phút mơ mộng ông “hoàng tử”, em quên nhận thấy cái khả ố của một cử chỉ như vậy, mà lại sẵn lòng tiếp đón hắn. Nhưng là gái, em cẩn thận, kiểm soát lại coi có phải thật là hắn hay không. Em vừa hỏi lấy lệ “Ai đây”, vừa mò kiếm một dấu vết gì nơi hắn, một chiếc nhẫn quen mắt chẳng hạn. Nếu em đã tìm được thì em đã êm luôn và thất thân với hắn rồi. Ấy, vì nhũng lắc léo tình cảm đó, nên đờn ông họ mới dám đi mò, chớ họ dại gì mà làm chuyện điên ấy. Thường thường thì họ thành công, nhưng lắm khi cũng leo cây như trong vụ nầy.
Đêm ấy chính thật là hắn đó , nhưng rủi ro cho hắn, là đêm đó hắn rời cái dấu hiệu kia vì lẽ gì đó chưa biết được. Tìm không ra căn cước kẻ mò em, em mới đâm sợ, hỏi xẵng và to: “Ai đây?”. Hắn hoảng, ngỡ em cự tuyệt, nên làm thinh rồi chạy đi vì em lại la lên.
Mặt cô Hai đổi sắc lần lần. Ban đầu cô còn mắc cỡ khi bị chị nói đúng tim đen, nhưng người chị phân tách sâu vô chừng nào, thì cô càng sợ chừng ấy và không còn biết hổ ngươi nữa. Trời ơi, cô nghĩ, quả thật thế, không sai một mảy may nào hết. Trời, lòng người kín nhẹm thế kia mà có người cũng trông thấu suốt được như trông vào đáy một cốc nước mưa à ? Cô nắm chặt tay chị, siết mạnh để tỏ tình biết ơn. Cô Năm hiền từ tiếp :
- Em coi, người bí mật ấy xằng thật đó, nhưng cũng đáng tội nghiệp. Người ta hư danh lắm khi cũng vì vài giây rủi ro thôi, nên để họ suy nghĩ mà hối lỗi. Như vậy, chị tha hắn, có phải vì quá dễ dãi, hoặc vì quá tham tiền như em ngỡ đâu.
- Nhưng cũng không chắc đêm đó chính là hắn.
- Không thể là người khác được. Nếu như là người khác, thì loài đờn ông ngu không thể tưởng tượng được: khi không lại dám đi mò người ta. Mà sự thật thì họ không ngu lắm đâu.
- Cái người mà chị bảo là bí mật đó, chỉ bí mật đối với chị thôi, riêng em, em biết hắn là ai rồi.
- Cố nhiên là em biết liền ngay sau khi nhận sự phân tách của chị là đúng. Nhưng chị cũng đã biết hắn là ai rồi.
- Chị đã khám phá được bằng cớ gì ?
- Không có bằng cớ gì cả, chị chỉ suy luận mà đoán ra người đó thôi.
- Ai đó vậy ?
Cô Năm kề miệng sát tai cô Hai rồi thì thầm vài tiếng. Cô nầy mỉm cuời mà rằng :
- Đúng là hắn.
- Không phải thánh, đoán cũng được. Nội nhà, chỉ có hắn là đẹp trai nên em mới cảm. Em có tiếc không ?
- Tiếc gì ?
- Hai người yêu nhau mà rủi lỡ cuộc….
- Không lỡ đâu chị. Em lại còn mừng mà đã la đêm đó. Hắn thấy em đoan trang và sẽ yêu em hơn.
- Em lầm. Hắn ngu gì mà không nhớ ra rằng em đã mò kiếm dấu vết, và ngu gì mà không nhớ rằng em đã do dự trước khi la lên.
- Nhưng em mò kiếm dấu vết của hắn chớ của ai.
- Hắn biết đâu được. Hai người chưa đi lại với nhau lần nào kia mà. Hắn có biết đâu rằng em chú ý đến chiếc nhẫn của hắn. Em có thể mò kiếm chiếc nhẫn của người khác. Điều chắc chắn là chính hắn bị cự tuyệt.
Cô Hai làm thinh, mặt buồn dàu dàu.
Mười hôm sau, một tai họa xảy đến cho cô Năm. Cô đi chợ thay cho chị bếp một bữa. Khi băng ngang qua đường, cô bị một chiếc xe mười bánh ủi té nhào rồi cán lên cô. Khi người ta chở cô vào nhà thương thì bác sĩ bảo rằng chơn mặt cô bị cán dập nát không thể để được.
Hai tháng nằm nhà thương, cô ra về, nách kẹp nạng, cẳng gỗ nện lên đường kêu cồm cộp. Mặt cô cũng mang nhiều vết thẹo dài và sâu, trông cô càng xấu xí hơn xưa bội phần.
Ở nhà, khách đờn ông đã cuốn gói đi hết. Họ vốn muốn đi từ lâu rồi, nhưng sợ bị nghi nên làm mặt chai mày đá mà ở lại. Bấy giờ, nhơn dịp cô chủ thọ nạn, không ai lo việc nhà chu đáo, họ thoát được tự nhiên.
Hai cô gái thì ở lại, tự nấu lấy mà ăn vì chị bếp cũng dông mất.
Cô Năm rủn chí muốn chết đi cho xong. Bây giờ thật không biết làm sao mà sống được nữa vì tiền đã cạn, lại không ai đi chợ mỗi ngày, cái công việc mà khó lòng giao cho một chị bếp vì hạng người nầy ăn truất tiền chợ dữ lắm.
Ngày kế hôm về nhà, cô đang ngồi nhai trầu bỏm bẻm tìm mưu thì có người dì của cô đến thăm.
- Cháu à, dì đến đây thăm cháu mà cũng để làm mai cho cháu đó.
Cô Năm cười ngất. Cô thấy lời của dì kỳ dị quá để có thật.
- Dì nói thật mà. Dì vừa làm mai trong vừa làm mai ngoài. Người đi nói cháu không ai đâu lạ hơn là thầy ba Hát, trước ăn cơm tháng ở đây.
Cô Năm kinh ngạc đến muốn chết sửng ra. Thầy ba Hát có đến thăm cô lúc cô nằm nhà thương nhưng ai có dè được rằng thầy ba trả ơn bẻ vảy mão môt cách xứng đáng như thế. Qua cơn thất thần, cô Năm nhận thức được sự chinh lịch quá sức ở bề ngoài, giữa hai người, nên thối thác. Bà dì vội cắt nghĩa :
- Mới nghe nó đề nghị, dì cũng ngỡ nó nói đùa, toan mắng nó. Nhưng sau biết ra thì nó thành thật hơn ai hết. Dì không hiểu được lẽ gì đã xui nó xin cưới cháu, nhưng chắc chắn là nó không lầm: nó dư biết cháu xấu xí, lại nghèo. Khi mà người ta đâm đầu vào một chỗ chết như vậy, là người ta đã có lý do mạnh và vững lắm, cháu khỏi lo hạnh phúc không bền.
Nửa tháng sau đó ở Sài Gòn có môt cái đám cướì mà cô dâu chống gậy đi lửng chửng bên cạnh một chú rể đẹp trai vô cùng. Người ta đoán rằng cô dâu xấu mặt nầy giàu to và chú rể là một anh chàng đào mỏ số một.
Cô Hai có dự đám cưới ấy. Không bao giờ cô thấy đức hạnh quí giá bằng hôm đó, và không bao giờ cô thấy lòng nhơn quí giá bằng hôm đó. Lòng nhơn của chị cô đã biến đổi một người và đã đưa chị lên một địa vị mà chị không hề dám mong mỏi.
Trong đêm tân hôn, cô dâu cẳng gỗ hỏi chú rể đẹp trai :
- Đêm ấy chiếc nhẫn anh không có đeo à ?
- Xui xẻo quá, ban chiều anh vuột nhẫn ra để tắm, rồi quên đeo trở lại.
- Anh bậy lắm.
- Vì thế anh mới hối hận và tự nguyện sẽ làm một cái gì để chuộc tội với lương tâm.
- Thành ra trong hôn nhơn nầy không có tình mà chỉ để chuộc án thôi ?
- Tình sẽ đến về sau. Anh có một người vợ lòng quảng đại như lòng bà tiên, anh còn mong gì hơn.

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2016

ĐỌC BÀI THƠ "Xin Lỗi Bờ Sông Xưa" của nvs. Vũ Thụy


Lời bình của Nguyễn Cang bài Xin Lỗi Bờ Sông Xưa của nvs.Vũ Thụy
ĐỌC BÀI THƠ "Xin Lỗi Bờ Sông Xưa" của nvs. Vũ Thụy
(Nguyễn Cang)
Sáng nay vào trang blog của Havu.vhp tình cờ đọc được một bài thơ có ý nghĩa của Vũ Thụy, tôi có cảm hứng viết lên những lời bình để cùng bạn đọc thưởng thức một bài thơ hay:
XIN LỖI BỜ SÔNG XƯA
Ra đi sông nước còn đầy
Trở về sông cạn phơi bày đáy khô
Hàng cây phượng vĩ xác xơ
Rễ già cằn cỗi níu bờ đất xiêu
Nghẹn ngào lên tiếng chim kêu
Lặng im trong gió có nhiều xót xa
Cuối trời mây trắng thiết tha
Cho ta huyền thoại của tà áo xưa
Ve già khàn giọng ru trưa
Mấy mùa kỷ niệm vẫn chưa hết sầu
Hỏi người khách lạ về đâu
Nhìn trời quen cũ lắc đầu làm thinh
Thì ra ta tự hỏi mình
Làng xưa xóm cũ thiếu tinh anh rồi
Ngậm ngùi ta nhớ bờ môi
Lòng nghe trăn trở mất ngôi thiên thần
Không còn dáng mỏng chân trần
Tóc hát trong gió lời thân ngọt ngào
Một mình vẽ lại chiêm bao
Ta xin tạ lỗi xanh xao nỗi buồn
Bờ sông xưa vẫn còn hương
Dẫu ta đã mất người thương lâu rồi
nvs.Vũ Thụy
(TX.06-08-2016)
Trước hết xin nói sơ qua về tác giả. Tôi không quen biết với ông, chỉ đọc thơ mà hình dung ra chân dung và cuộc đời của tác giả; cho nên viết tiểu sử của ông cho chính xác là điều không thể. Tác giả là "lính" trước 1975, đóng quân tại vùng II chiến thuật. Nơi đây ông gặp và yêu cô thôn nữ phà ca vùng núi rừng Kontum- Pleiku, nên trong một số bài thơ ông có nhắc tới mối tình nầy, cho tới nay người ta có thể biết kết cuộc như thế nào. Dẫu sao ông cũng để lại những vần thơ đầy truyền cảm và tha thiết. Ông đã in tập thơ đầu tiên năm 2016, tựa đề là "Nửa gánh thu sầu". Hiện ông sống tại Texas, Mỹ.
"Xin lỗi bờ sông xưa" là tựa đề bài thơ, tự nó cũng nói lên nỗi lòng của tác giả đối với quê hương và đối với người yêu xưa. Bằng lối nhập để trực khởi tác giả đưa chúng ta quay về chốn cũ mà một thời ông đã bỏ ra đi. Với giọng văn thật nhẹ nhàng, buồn mênh mang nhưng lại chứa đựng nỗi xót xa lẫn tha thiết. Tác giả ra đi từ bến bờ của một con sông, con sông định mệnh của những năm 75. Lịch sử Việt Nam đã có hơn một lần đất nước bị chia cắt mà dòng sông Bến Hải là một di tích lịch sử không bao giờ xóa mờ trong ký ức của người dân hai miền Nam Bắc. Tôi tin rằng mỗi người trong chúng ta đều mang trong lòng một dòng sông ký ức nó chảy liên tục trong trái tim dù bạn lưu lạc phương trời nào:
Ra đi sông nước còn đầy
Trở về sông cạn phơi bày đáy khô
Hàng cây phượng vĩ xác xơ
Rễ già cằn cỗi níu bờ đất xiêu
Tác giả nhận xét rằng khi đi thì nứơc sông đầy tràn, khi trở lại thì nước sông khô đáy. Tại sao vậy? Có thể dòng sông giờ bị ngăn chận bởi các đập nước trên thượng nguồn sông Cửu Long, nên nước không chảy xuống được khiến sông bị cạn?
Nhưng ở đây tác giả còn đi xa hơn bằng biện pháp tu từ ẩn dụ: lúc ra đi thì tình yêu của em (và tình bà con lối xóm) đối với ông còn đầy ắp, nay quay về sao trở nên hờ hững nhạt phai? Phải chăng do dòng đời thay đổi nên em cũng đổi thay? Một câu hỏi không có câu trả lời. Như để chứng minh thêm lời nói của mình, ông cho biết hàng phựong vĩ bên bờ sông cũng xác xơ cành lá mà rễ của nó đã già cỗi nhưng vẫn cố bám vào bờ đất xiêu xiêu. Tôi lại nhận ra một ẩn dụ nữa trong hai câu sau của khổ (I) ở trên, đó là cuộc sống của người dân bây giờ, một số đông trở nên khó khăn, vất vả, nghèo đói như cành cây xơ xác, họ cố chịu đựng, lê bước chân gầy guộc đi tìm cái sống trên quảng đời vô định. Họ gượng để mà sống như rễ cây kia, mặc dù già cỗi vẫn bám vào bờ đất. Chữ "níu" sử dụng rất đắc vị, làm nổi bật sự mong manh dễ vỡ, dễ sút khỏi điểm tựa của một vật, không gắn chặt vào vật thể cố định hay của một người không có một cuộc sống vững chắc, cứ lây lất, đong đưa qua ngày.
Một mình đứng cạnh bờ sông, không ai đưa đón, ông chỉ nghe tiếng chim kêu như chào đón ông trở về:
Nghẹn ngào lên tiếng chim kêu
Lặng im trong gió có nhiều xót xa
Cuối trời mây trắng thiết tha
Cho ta huyền thoại của tà áo xưa.Từ "kêu" sử dụng rất khéo, chỉ tiếng chim kêu trong trạng thái u buồn, tác giả không dùng chữ "hót" vì hót là động từ chỉ sự vui tươi, hào hứng. Cảnh và vật hòa quyện nhau làm nổi bật sự cô đơn của người về. Câu 1/ của khổ II nầy là câu đảo ngữ, thay vì nói "tiếng chim kêu lên nghe nghẹn ngào" ông lại viết: "nghẹn ngào nghe tiếng chim kêu", để nhấn mạnh ý nghĩa nghẹn ngào, bị tắt ở cổ họng không nói nên lời, khiến nỗi buồn của tác giả càng tăng thêm sự xót xa cay đắng! Như vậy ngoài tiếng chim kêu, tiếng gió thổi, ông không còn nghe âm thanh nào khác. Không một tiếng reo mừng của người xưa, hay của bà con ra đón ông! Tác giả cảm thấy xót xa trong lòng. Nhìn lên trời cao, thấy từng cụm mấy trắng quện lấy nhau ra chiều thiết tha khiến ông nhớ tới tà áo trắng năm xưa của người yêu bay phất phơ trong gió như những cụm mây trắng kia đang bay về cuối chân trời. Chữ "huyền thoại" chỉ tình yêu của ông đối với nàng thật khó xảy ra nhưng lại là sự thật có kết quả nên ông trân quý nó, ông cám ơn nàng đã cho ông tình yêu cao đẹp. Từ ngữ "tà áo" là một hoán dụ chỉ người con gái mà ông yêu. "Tà áo" phải chăng tác giả muốn nói tới em gái xinh đẹp hoang dã miền sơn cước nào đó mà ngày xưa tác giả yêu thầm nhớ trộm nhưng lúc đầu nàng cứ hững hờ, chân bứơc thẳng mặc cho ai kia đứng bên đường chờ em? Người con gái ấy là Hàn Thúy Quỳnh? Và nay hình bóng em chỉ còn là kỷ niệm của mối tình đầu đầy mộng mơ. Ta hãy đọc lại mấy dòng tâm sự của tác giả sau đây qua bài "Hè phai còn lại" của cùng một tác giả:
May còn lại chút hè phai
Ta phơi trăn trở mặc ai hững hờ
Trải lòng cho nắng hong khô
Rong rêu phủ kín ngây thơ tình đầu
Nếu quên được, đã quên rồi
Nhớ chi nước bạc sông trôi vô tình.
(Hè phai còn lại, cho Hàn Thúy Quỳnh/ Vũ Thụy)
Tình đầu đã đi qua lâu rồi mà sao vẫn thấy nhớ nhung khôn xiết, nó ray rức lòng ta không sao quên được. Tôi xin mượn một đoạn bài hát của Trịnh Công Sơn để nói lên tâm sự đầy vơi của tác giả Vũ Thụy:
Tình ngỡ đã quên đi như lòng cố lạnh lùng,
Người ngỡ đã xa xăm bỗng về quá thênh thang.
Ôi áo xưa lồng lộng đã xô dạt trời chiều ,
Như từng cơn nước rộng xóa một ngày đìu hiu.
(Lời bài hát Tình Nhớ của Trịnh Công Sơn)
Đứng cạnh bờ sông quạnh vắng vào một buổi trưa hè nắng gắt, tác giả nghe tiếng ve sầu ngân nga như than như trách ai kia sao nỡ hững hờ. Ve kêu khàn cả giọng mà chẳng thấy người xưa đâu? Tác giả càng chạnh lòng thương nhớ quay quắt, biết tìm em đâu bây giờ? Ông lần bước vào xóm cũ, chẳng ai để ý tới ông. Chợt một đứa bé chạy lại hỏi: Ông tìm ai? Ông lắc đầu ngước nhìn trời mây như cố tìm lại một cái gì quen thuộc mà nay bỗng trở nên xa lạ:
Ve già khàn giọng ru trưa
Mấy mùa kỷ niệm vẫn chưa hết sầu
Hỏi người khách lạ về đâu
Nhìn trời quen cũ lắc đầu làm thinh.
Tâm sự ngỡ ngàng của một người xa quê hương lâu dài nay trở về quê cũ , chẳng còn ai nhận ra, chẳng khác chi nỗi lòng của Hạ Tri Chương( 659-744) đậu tiến sĩ đời Đường Trung Tông. Trong thời khai nguyên đời vua Đường Huyền Tông, ông được bổ nhiệm làm Lễ bộ thị lang, rồi Bí thư giám. Ông làm quan ở kinh đô Trường An hơn 50 năm. Năm 85 tuổi ông mới về thăm lại quê cũ làng xưa, tiếc thay quê cũ giờ đã đổi thay, không còn ai nhận ra ông. Giọng ông không đổi nhưng tóc tai đã rụng gần hết. Ông bùi ngùi cảm xúc vừa buồn đau, nhức nhối như mình bị lãng quên ngay trên chính quê hương của mình vậy!
Nguyên văn:
Hồi hương ngẫu thư
Thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi,
Hương âm vô cải, mấn mao tồi.
Nhi đồng tương kiến, bất tương thức,
Tiếu vấn khách tòng, hà xứ lai.
Dịch nghĩa:
Về quê tình cờ ngồi viết
Rời nhà từ lúc bé, già mới quay về,
Giọng nói không thay đổi, nhưng tóc mai đã rụng.
Trẻ con gặp mặt, không quen biết,
Cười hỏi: khách từ đâu đến?
Dịch ra thơ Ðường luật
Bùi Khánh Đản:
Hồi hương, nhớ thủa trẻ ra đi
Tóc rụng, nghe còn đúng tiếng quê
Gặp mặt trẻ con cười chẳng biết
Hỏi ta mới ở xứ nào về.
Sau giây phút ngỡ ngàng tác giả tự vấn lấy mình để nhận ra rằng những thân thuộc trong xóm bây giờ chẳng còn ai quen biết, còn chăng là sự mất mát, tàn phai. Từ ngữ "tinh anh" chỉ cái gì cao quý, trong trắng, sáng sủa, tốt đẹp nhất; phần tinh thần hiếm có của con người. "Kiều rằng những đấng tài hoa / Thác là thể phách còn là tinh anh" (Kiều). Tình người sau bao nhiêu năm, nay chỉ còn là sự hờ hững như vậy sao? Bất giác chàng nhớ nụ hôn đầu người con gái trao cho, khiến lòng chàng chùng xuống, dật dờ. Chàng xót xa khi nhận ra, giờ đây, bóng dáng Thiên thần của chàng không còn ngự trị trong lỏng em nữa nên em bỏ đi xa!
Thì ra ta tự hỏi mình
Làng xưa xóm cũ thiếu tinh anh rồi
Ngậm ngùi ta nhớ bờ môi
Lòng nghe trăn trở mất ngôi thiên thần.Biết tìm đâu ra người con gái Thượng nhỏ nhắn miền sơn cước, mái tóc buông lơi, thướt tha đi chân đất, tóc reo trong gió chiều; tay em trong tay anh, với bao lời thân thương ngọt ngào, ở vùng Kontum- Pleiku?
Không còn dáng mỏng chân trần
Tóc hát trong gió lời thân ngọt ngào!
Một mình vẽ lại chiêm bao
Ta xin tạ lỗi xanh xao nỗi buồn.
Ở đây có một chi tiết nhỏ khiến ta đoán được người con gái mà chàng từng nắm tay em đi dạo phố chợ là người con gái xứ Thượng ở cao nguyên Trung phần Việt Nam, do chữ "chân trần". Trong một bài thơ khác tác giả có nhắc tới ngừơi con gái nầy như sau:
Đường mòn dẫn lối về buôn
Vắng anh gót nhỏ đếm buồn cô đơn
Cồng chiêng ru bóng hoàng hôn
Nghe như tiếng khóc gọi hồn ai đây
Màn sương bao phủ rừng cây
Vọng xa tiếng thú lạc bầy gọi nhau.
(Cho em hỏi/ Vũ Thụy)
Rồi như để tang cho mối tình đầu chợt tắt, chàng nói lời tạ lỗi với em trong tâm trạng buồn xanh xao héo hắt .
Xin được chia sẻ với tác giả Vũ Thụy qua những vần thơ của Hàn Mặc Tử, để thấm thía với cái đau của sự mất mát tình yêu:
Họ đã xa rồi khôn níu lại,
Lòng thương chưa đã, mến chưa bưa...
Người đi, một nửa hồn tôi mất,
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ.
(Những giọt lệ/ Hàn Mặc Tử)
Sau cùng tác giả bỏ đi, để lại bờ sông hiu quạnh:
Bờ sông xưa vẫn còn hương
Dẫu ta đã mất người thương lâu rồi. Chàng thì thầm như nói với người xưa: cơn bão lớn năm 1975 bất ngờ ập tới, cuốn anh ra khỏi bờ sông, anh chưa kịp nắm tay em kéo theo thì thân anh đã mất hút trong đêm tối mịt mờ. Anh ra đi không lời từ biệt, bỏ lại em bơ vơ bên bờ sông lạnh Dakbla giữa cơn bão đời nghiệt ngã. Mười năm lặng lẽ trôi qua, nay anh trở về, trên bến sông nầy để tìm em, nhưng nào thấy bóng hình! Em đi... biết về phương nào? để anh đứng đợi trơ vơ một mình! Bờ sông đã ghi dấu bao nhiêu kỷ niệm của một thời mộng mơ: chúng ta yêu nhau, hẹn hò, âu yếm... Hương xưa vẫn còn đây, tình yêu em vẫn ngập đầy trong tim anh. Anh không bảo vệ được em, không dẫn em cùng đi trong cuộc hành trình đầy nguy hiểm. Lỗi tại anh!... Anh ra đi mang theo hình bóng của em. Nay mất em rồi, anh xin lỗi bờ sông xưa (cũng là xin lỗi em).
"Bờ sông" xưa thay thế cho "người yêu" xưa, là một hoán dụ thật linh động, sâu sắc, bóng bẫy.
Ôi, dòng sông ly biệt!
Vĩnh biệt em yêu !!!
Nguyễn Cang(7/9/2016)
CẢM ĐỀ BÀI THƠ của Vũ Thụy.
KHUNG TRỜI KỶ NIỆM / Nguyễn Cang
Tiễn đưa, thành phố ngủ say
Đèn đường mờ tỏ trải dài ước mơ
Khi đi kẻ đón người đưa
Mưa rơi giọt lệ cho vừa vòng tay
Bao năm vất vả tháng ngày
Nay về quê cũ, lạc loài bước chân
Phố xưa tay vói thật gần
Văn Khoa trường cũ vô ngần mến thương
Nói sao cho hết đoạn trường
Nghe chừng lạnh vắng bốn phương đi về
Một lần trở lại làng quê
Thấy bờ sông cũ tư bề quạnh hiu
Trời chiều bóng ngã liêu xiêu
Hàng cây phượng vĩ tiêu điều xót xa
Cây bao nhiêu tuổi cây già?
Người bao nhiêu tuổi cho qua đoạn trường?
Ngồi đây đếm giọt mưa sương
Bao nhiêu giọt nhớ giọt thương cho vừa!
Lục bình con nước đong đưa
Tím dòng sông nhỏ sớm trưa ngược chiều
Bao giờ chưa hết thủy triều
Thì ta còn giữ dấu yêu trong lòng!
Nguyễn Cang
Yêu thíchHiển thị thêm cảm xúc
Bình luận

THỜI ĐẠI TÔI ĐANG SỐNG/Thơ Nguyễn thị Thanh Yến

Xin mời đọc một bài thơ hiện thực phê phán và những lời bình:

THỨ NĂM, NGÀY 31 THÁNG 3 NĂM 2016


Bài thơ "thế sự" của một cây bút phái đẹp: Thời đại tôi đang sống

Nguyễn TrọngTạo: Bỗng dưng đọc được bài thơ "thế sự" của một cây bút phái đẹp. Lâu nay cứ tưởng phái đẹp chỉ làm thơ tình mới hay, hóa ra...
 
Nguyễn Thị Thanh Yến - Tác giả bài thơ

THỜI ĐẠI TÔI ĐANG SỐNG

Thời đại tôi đang sống
Trẻ con học chữ cái không bắt đầu bằng chữ a
Tiếng gọi đầu tiên không phải là bà
và trên vai đã chất chồng khoản nợ

Thời đại tôi đang sống
Cứ mở mắt là thấy mình khó ở
Tháng tư vấn vương hoa sữa
Đông sang vẫn nóng như hè

Trẻ con không đón hè bằng những tiếng ve
mà bằng iphon, ipad
Thức ăn ngập tràn các market
Nhưng nuốt vào mồm là ngập hoá chất dư thừa


Thời đại bây giờ ai cũng như lừa
Chỉ biết phận mình, thản nhiên bịt tai còn mặc đâu thiên hạ
Vào trang các hót gơn hót boi like còm tung lả tả
Chuyện xã hội đau nhưng nhức lại im lìm

Thời đại bây giờ con người sống thiếu hẳn trái tim
Mượn gió bẻ măng, gắp lửa bỏ tay người đâu ra mà nhiều thế
Thượng tầng nát bươm hạ tầng lẽ nào không thể
Ngỡ các đấng nam nhi đang mặc váy thay quần

Xã hội bây giờ người chế tạo máy bay lại là nông dân
Ông tiến sĩ cất bằng đi nuôi lợn
Người hiền lành luôn thua người bặm trợn
Chân thực ngủ vùi cho xảo trá lên ngôi

Thời đại bây giờ thủ khoa là con hộ đói mà thôi
Nhưng tuổi trẻ tài cao đương nhiên là con sếp
Bài thơ thần ngàn đời bất diệt
Bỗng đâu tan vì cái mới lên ngồi

Thời đại bây giờ thiên hạ um xùm vì mất một con ruồi
Con voi lọt qua lỗ kim thì thản nhiên công nhận
Lấy hoạt động từ thiện nuôi thân còn mang lòng thù hận
Rắp tâm gieo tiếng ác cho người

Thời đại gì mà thương cái thân tôi
Bao chuyện trái ngang cứ vờ như không biết
Tai vẫn tinh mà như bị điếc
Miễn sao không vơi cơm vơi gạo nhà mình

Có những lúc trách mình rồi lại tự phân minh
Phận mình đàn bà biêt sinh con nuôi con là đủ
Những thứ lớn lao mang tầm vũ trụ
Xin nhường cho cánh đàn ông...

Đã thế rồi mà nhiều khi vẫn thấy lông bông
Ngơ ngác trước “Bụi Chương Mỹ, đĩ Đồ Sơn”
có khả năng trở nên thành ngữ
Niềm tin lung lay trước một xã hội hèn, mình cũng hèn đủ thứ
Dạy con thế nào đây trước bộn bề sóng gió cuộc đời

Tự thấy mình như kẻ dở hơi
Dẫu không còn trẻ vẫn muốn sinh thêm đứa nữa
Lại lo lúc ra đời trán con in dòng chữ
“Nợ ngân sách" mẹ ơi!!!

02/11/2015

NGUYỄN THỊ THANH YẾN

27 nhận xét:

  1. Phóng sư thơ: Hay lắm
    Trả lời
  2. đọc xong thấy ray rứt u hoài, THANH YẾN viết đúng quá, ...và cũng bởi cái đúng mà càng nặng lòng ......
    Trả lời

  3. Trả lời




    1. Bai này đúng voi hien tại..ok rat co chi khi! Thanks
    2. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.
  4. Đau lòng con cuốc cuốc...
    Trả lời
  5. Cảm ơn tác giả đã nói thay nỗi lòng trăn trở của hàng triệu người VN bằng những dòng thơ chân chất mộc mạc mà sâu sắc và rất "thơ"
    Trả lời
  6. Bài thơ của nữ giới mà lại có chí khí nam nhi! Hay! Những tâm tình trong thơ rất giống của tôi! "Rất tiếc cô ta đã có chồng!"
    Trả lời
  7. Xinh gái. Thơ hay. Ngưỡng mộ quá...
    Trả lời

    Trả lời




    1. Hay, nhiều người muốn nói xong có người không được noiz bạn ạ
  8. Thơ hay quá, đọc mà vừa buồn vừa xấu hổ
    Trả lời
  9. Chị em sinh đôi với : Đất nước mình ngộ quá phải không anh
    Trả lời
  10. biet bao gio moi thay doi duoc de che nay? minh dang song nhung nam cuoi cung cua mot de che ko the tieu hoa duoc nen moi thu de vuot qua liem si cua con nguoi...
    Trả lời
  11. Quá hay. Và buồn cho nhân tình thế thái.
    Trả lời
  12. Nguoi dep, tho hay. Doi mat hay tam hon ban hut hon toi ?
    Trả lời
  13. Thơ hiện thực phê phán. Đau quá, nhưng chỉ thảo dân đọc thôi !
    Trả lời
  14. ... Có những lúc trách mình rồi lại tự phân minh
    Phận mình đàn bà biêt sinh con nuôi con là đủ
    Những thứ lớn lao mang tầm vũ trụ
    Xin nhường cho cánh đàn ông...

    Tư tưởng của chị mâu thuẫn với tư tưởng phụ nữ thời đại. Tôi chỉ có thể khen để động viên, khích lệ tinh thần làm thơ của chị và mong sau này chị tiếp tục có thêm nhiều áng thơ hơn.

    Với tôi, bài thơ này của chị không sai, nhưng không đúng, không dở nhưng không thể khen hay.

    Đầu tiên, chị đang nhìn xã hội dưới góc nhìn của chị, góc nhìn là người phụ nữ với chức năng sinh nở, với vai trò là người mua rau mua thịt chứ không phải góc nhìn tổng quan trong xã hội ngày nay. Trong khi bài thơ của chị chọn đề tài quá rộng.

    Chị nói cánh đàn ông thời nay mặc váy thay cho mặc quần, nhưng chị lại muốn dừa việc trong vũ trụ cho đàn ông. Chị mâu thuẫn đến thế là cùng. Tối qua, tôi xem thời sự. Ngao ngán khi biết ở tỉnh X, sở Y có 44 trưởng, phó phòng nhưng chỉ có 2 nhân viên. Thưa chị, thế tiến sĩ không nuôi lợn thì tiến sĩ làm gì ạ? Nói thật, xã hội này thừa những giáo điều và thiếu những thực tế.

    Tuy vậy, xin chị cũng đừng đánh đồng mọi thứ mà chị nhìn thấy dưới góc nhìn của chị. Khi chị đã xác định chị là phụ nữ, thì hãy dừng lại ở chức năng sinh nở và cân thịt, mớ rau. Xin chị đừng trở thành xạ thủ của bàn phím.

    Tôi cũng là phụ nữ, tôi cũng biết đến sinh nở, tôi cũng có con đang tuổi ăn tuổi học, và đương nhiên gia đình tôi cũng ăn rau ăn thịt như bao gia đình VN. Vì thế tôi mong rằng bài thơ này của chị các con của chúng tôi không nên đọc. Tôi muốn chúng không nên đọc không phải tôi không nhìn thấy những vấn nạn trong xã hội ta hiện nay. Mà vì tôi thấy bài thơ của chị đầy tính cực đoan. Thưa chị, nếu chị đã học lịch sử và biết đến các giai đoạn lịch sử của đất nước thì tôi mong chị sẽ nặn ra những bài thơ dưới góc nhìn tịch cực. Suy nghĩ của chị về đất nước có thể sẽ ảnh hưởng đến góc nhìn của con chị. Và con chị là bạn bè của con chúng tôi.

    Cảm ơn chị và chúc chị một ngày mùa thu trong sáng.
    Trả lời

    Trả lời




    1. Đây là bức tranh tả thực của người viết,chuẩn! còn oan nổi gì mà DTU còn than thở?.
    2. Dinh Tu Uyen học trò học văn chương hiện thực phê phán trước cmt8 đc, tại sao không nên đọc thơ này? Phải chăng hiện thực xhcn thì không đc công khai hay chỉ đc nói những điêu tốt đẹp?!
  15. Bài thơ của Thanh Yên đã nói lên bối cảnh xã hội ngày nay...rất hay và rất đúng.
    Đa số độc giả hiểu rõ nội dung tác giả nói lê điều gì? Ta thán hay lật ngửa lá bài thế sự? nỗi đau của một con người trong thế sự đó! và những lá bài từ từ được phơi bày trên bàn...Thanh Yên đã tự coi mình chỉ là thân phận nữ nhi....mà từ ngàn xưa, mọi người đều coi là những công dân hạng hai....và "tề gia trị quốc" phải dành cho Nam nhi? Nhưng....nam nhi giờ đây qua các dòng thơ trở nên bất lực, những con người ấy như loài chim rúc đầu vào cánh ngủ vùi....mặc cho thế sự xoay vần....khiến cho một thân phận người vợ, người mẹ....cũng cảm thấy day rứt phải thốt lên những lời ai oán ấy....
    Tuy nhiên cũng có một vài ý kiến, không hiểu là vô tình hay cố ý hiểu khác đi....hơn nữa còn chê bai...dùng những hình tượng của nghĩa đen trong câu thơ để hạ thấp nghĩa bóng, nghĩa cao sang mà tác giả ẩn nó trong câu chữ thường....Nếu như những lời bàn của ai đó lồng trong quan điểm chính trị....mà chính trị thì không được phép mô tả một màu....không được trong sáng? dựa vào đó để phê phán, rồi kéo người đọc theo ý kiển thô thiển, nếu không nói là kém cỏi, xuyên tạc lời hay ý đẹp cùa bài thơ...
    Mong rằng ai đó, khi đặt bút bình luận hay phê phán nội dung một bài thơ, văn nào đó hãy xuy nghĩ thật kỹ ...bao giờ một câu văn, một lời thơ cũng đều có hai ý nghĩa: ĐEN và TRẮNG, GẦN và XA....rồi hãy phát ngôn. Nên nhớ rằng BÚT SA GÀ CHẾT đó!
    Trả lời
  16. Cảm ơn chị Tú Uyên. Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận xét của chị. Thật sâu sắc. Hãy nhìn sự việc với góc nhìn tích cực và có trách nhiệm hơn!
    Trả lời
  17. Hay! Đúng! Là lý thuyết! Làm - than thở chọn cái nào?!
    Trả lời
  18. Tôi cũng đọc bài thơ, không khen hay và cũng không chê dở, đặc biệt bài bình của Dinh Tu Uyen mới hay. Nhưng theo tôi, để bài thơ này hay thì phải sửa khổ thơ thứ 5 và khổ thơ thứ 7, vì ở khổ thơ thứ 5 tác giả viết : " Thời đại bây giờ con người sống thiếu trái tim" Nói như vậy là vơ đũa cả nắm, vô tình bạn nói cả những người đang khen hay chê bạn đó sao? mặt khác nếu nói như thế thì lại mâu thuẫn với khổ thơ thứ 6: " Người nông dân chế tạo MB." họ 'Có trái tim" đấy chứ?. Ở khổ thơ thứ 7 bạn lại viết: "......Thủ khoa là con hộ đói mà thôi" hay "Tuổi trẻ tài cao là con sếp". Như vậy cũng là mâu thuẫn? mâu thuẫn chính ngay cả với bạn, có khi quanh bạn có nhiều người hiền tài, và cũng có những thủ khoa là con nhà giàu chứ? Tóm lại một số từ ngữ trong bài chưa chọn lọc để phản ánh thật khách quan. Chúc bạn tiếp tục làm thơ
    Trả lời
  19. bài thơ này với góc nhìn của tác giả cũng khá rộng, nó lột tả sự thật trong cuộc sống hiện tại, nói lên sự vô lý sự vô cảm, sự vô ý thức trách nhiệm, cả vô luân thường đạo lý, tác giả không làm thơ để khoe với thơ khác mà đó là nỗi lòng của mình còn DinhTu Uyen thì chắc có vài bài thơ được đăng đây đó nên nhận xét như cô giáo, tôi rất ghét cái kiểu lên mặt dạy đời như thế, bây giờ đưa 2 bài thơ 1 là của tác giả này 2 là của dinh tu uyên tôi vứt ngay của uyên đi vì nghe tên đã chán rồi nhé,
    Trả lời