Cuối
năm 2013 tôi có dịp về Việt-Nam.Khi đến
Tây-ninh, sau khi viếng họ hàng thân thuộc và mồ mả người thân, tôi bắt đầu đi
thăm những người bạn và những người cùng xóm với tôi ngày xưa ở cửa số bốn, ngoại ô
Đền-Thánh .Ở đây bây giờ thay đổi nhiều, nhà cửa được xây cất khang trang lạ mắt.
Có một số người đã qua đời, mốt số đi làm ăn ở xa và cũng có một số người lạ ở
địa phương khác đến trú ngụ.
Về
Tây Ninh tôi tạm nghỉ ở nhà đứa cháu trong chợ Thương Binh. Đứa cháu không
yên tâm để tôi đi một mình nên cháu dùng xe Honda chở tôi đi. Trước tiên tôi
thăm chị Duyên trong đường hẽm gần cửa số ba .Trên đường đến nhà chị, ngồi trên
xe tôi tưởng-tượng,khigặp lại tôi chị Duyên sẽ mừng biết mấy. Chúng tôi sẽ trao
đổi nhau bao chuyện buồn vui trong thời-gian
xa cách. Lòng tôi náo-nức mong cho mau đến nhà chị.Nhà chị cũng dễ tìm, vẫn
ngôi nhà trệt, gồm hai gian, tường màu xanh nhạt, nằm giữa khu vườn xinh-xinh.Tuy
nhiên ngôi nhà trông xuống cấp nhiều, vườn thì không được chăm sóc như trước
đây.
Lúc
xe ngừng trước nhà chị, tôi thấy cửa ngoài được khóa kỹ, không một bóng người.
Tôi nản lòng muốn lên xe để đến cửa số bốn. Vừa khi ấy đứa con của chị
Duyên,cháu Hiển về tới, cháu bước xuống xe chào tôi. Tôi còn
nhận ra cháu vì cháu giống chị Duyên như in. Tôi nói :
-Cho
cô vào thăm mẹ cháu, mẹ cháu có khỏe không?
Cháu
Hiển không trả lời câu hỏi của
tôi mà lặng lẽ lui cui mở cửa. Khi cánh cửa được mở toang ra, tôi thật ngỡ ngàng,
tim nhói đau, chân tôi dường như đứng không vững, tôi vội ngồi xuống ghế. Thật
quá hụt hẫng khi tôi thấy hình chị ở trên bàn thờ! Cháu Hiển rơm-rớm nước mắt,
nghẹn- ngào nói:
-Mẹ
con bị tai biến, mẹ mất hơn hai tháng nay.
Tôi
không biết nói gì hơn là chia buồn và an-ủi cháu:
-Đời
người là vậy, kẻ trước người sau, ai cũng phải bỏ xác phàm ra đi, đó là qui-luật
thiên-nhiên.Thương mẹ thì cháu ráng cúng cầu-nguyện cho mẹ. Theo cô nghĩ, mẹ
cháu sẽ được siêu-thoát, vì lúc sanh tiền mẹ cháu là người lương thiện, dễ mến
mà lại có công quả với đạo rất nhiều. Tôi không cầm được nước mắt, đứng thành
tâm đốt cho chị Duyên một nén hương muộn màng! Tôi từ-giả cháu với lòng nặng
trĩu, cháu lau nước mắt tiễn tôi ra ngõ.
Khi
đến cửa số bốn, vì cần thăm nhiều người, tôi e ngại cháu tôi mất thì giờ chờ đợi
lâu, tôi bảo cháu về lo công việc của cháu. Khi cháu rồ xe chạy đi, tôi vào nhà
chị Tư, chị vừa đi cúng thời Ngọ về. Chị chưa kịp thay bộ đồ dài trắng ra, gặp
tôi chị mừng rỡ, hỏi thăm dồn dập. Chị mời tôi dùng cơm với chị. Trong bữa cơm chị
cho tôi biết, các con của chị đều học hành thành tài và chúng có gia đình hết cả.
Tôi khen:
-Mấy
đứa con của chị, đứa nào cũng ngoan ngoãn, chịu khó đáng khen.Em nhớ lúc em còn
ở đây, mỗi tối các con chị đều ngồi quây-quần xung quanh chiếc bàn tròn, chăm
chú học bài, làm bài. Em hay đem gương hiếu học của các cháu, khuyên các con em
nên noi theo.
Chị
Tư cười, cho tôi biết:
-Lúc
anh Tư thím mất, tôi có tám đứa con, một mình tôi lo cho chúng nó ăn còn chưa đủ,
việc cho chúng nó học-hành làm sao tôi có khả-năng, cũng nhờ bác và cô các cháu
tiếp tay đó.
Đứng
dậy lấy thức ăn thêm, chị dẫn giải:
-Bác
và hai cô của cháu có lòng lắm thím à. Bác hai khá, nhưng quyền hành trong tay
vợ, anh ấy đã nhín tiền xài vặt, tiền cà phê, mỗi tuần đến cho các cháu tiền
quà bánh, tiền sách vở. Cô ba
các cháu, thỉnh thoảng đến cung cấp phụ tôi một thùng gạo, thịt cá...Còn cô út, thím biết đó, cô chỉ có một đứa
con, nhà cô ở Sài gòn, cô là người giúp tôi nhiều nhất. Mỗi khi con tôi, đứa
nào đậu vào đại học, thì cháu ở trọ nhà cô, cô miễn phí tất cả. Rồi từ đó, đứa
nào ra trường trước, có việc làm, dù tiền lương không nhiều lắm, chúng cũng phụ
tôi nuôi các em. Nhờ vậy các con tôi mới thành công, chớ tôi tài nào lo cho
chúng nó được như ngày hôm nay. Thành thật mà nói, tôi chịu ơn anh em chồng tôi
nhiều lắm.
Lắng
nghe chị kể một hồi, tôi rất kính phục anh em chồng của chị Tư. Rõ ràng họ đã
thực hiện đúng câu: “ Lá lành đùm lá rách “ hay “Chị ngã em nâng “ mà ông bà
mình đã dạy từ xa xưa. Tôi khen:
-Về
đây em thấy chị có nhà to lớn như thế nầy, em quá ngạc nhiên. Các con chị đã
chung sức thay thế căn nhà ọp ẹp của chị khi xưa, bằng căn nhà ba tầng, khang trang, đẹp đẽ. Chúng thật
là những đứa con hiếu thảo. Chỉ tiếc là anh Tư không còn để mừng cho sự thành đạt
của con cái.
Có
lẽ chị Tư hài lòng với cuộc sống hiện tại, chị cười hiền hòa và khoe với tôi:
-Thím
còn nhớ cháu Khiêm, đứa con trai lớn của tôi không? Trong bầy con của tôi, cháu
có bằng cấp cao nhất, bằng "Tiến Sĩ Nông Nghiệp" đó thím .Cháu đã từng đi tu
nghiệp ở nhiều nước và có một dạo cháu được cử đi nước ngoài làm chuyên gia, dạy
nhân giống lúa đó thím.
Nghe
chị nói tôi khâm phục cháu vô cùng, rồi tôi nhớ lại chuyện vui ngày xưa, cháu
làm chị và tôi cười sặc-sụa.tôi lên tiếng:
-Chị
Tư còn nhớ chuyện vui nầy không, em kể lại cho chị nghe. Em nhớ rất rõ, lúc đó cháu Khiêm độ bốn tổi .Một
tối nọ, em đến nhà chị, hai chị em mình đang ngồi trò chuyện, cháu Khiêm từ
ngoài sân chạy vào hớt hải la to:” Má ơi ! Trăng bể rồi ! Trăng bể rồi ! Má ra
xem .”
Chị em mình hoảng hốt, không biết chuyện gì làm cháu sợ như vậy, vội
theo cháu. Ra tới sân, với vẻ mặt nghiêm trọng, cháu đưa tay lên bầu trời chỉ vầng trăng khuyết !
Nghe
tôi kể lại kỷ niệm xưa về cháu Khiêm, chị
Tư không nhịn cười được. Chị chép miệng nói ;
-Mới
đó mà đã qua mấy chục năm rồi, bây giờ cháu gần năm mươi tuổi. Thím thấy không,
con mình càng lớn thì mình càng già yếu. Chị em mình còn gặp nhau lần nào là mừng
lần nấy. Thím ráng nhín thì giờ đến ngủ nhà tôi một đêm, để chị em mình có thì
giờ tâm sự. Gặp lại thím tôi mừng quá, còn nhiều điều tôi muốn nói với thím .
Sau
khi rời nhà chị Tư, tôi bước sang nhà ông bà Tám. Ông không còn nhận ra tôi là
ai, bà thì nghễnh ngãng, nói sau quên trước. Gặp tôi bà nói huyên thuyên,lặp đi
lặp lại nhiều lần mấy câu than thân già nua, bệnh tật, giọng nói như muốn khóc.
Có vẻ bà sợ cái chết sẽ đến gần kề. Vì giàu có, dường như bà đang nuối tiếc cuộc
sống giàu sang của mình. Nhìn ông bà, tôi hồi tưởng lại ngày xưa, lúc còn son
trẻ, hai ông bà thật lanh lợi, hoạt bát, làm ăn không thua ai. Thời gian đã biến
đổi hai người quá nhiều,trông hai người tôi hiểu rõ hai chữ “ Vô thường “ của
nhà Phật hơn.
Từ
giả ông bà Tám, tôi đến thăm gia-đình chị Út. Nhà chị không thay đổi mấy, vẫn
căn nhà lầu cây cũ kỹ, có vẻ xuống cấp nhiều. Thấy tôi chị mừng rỡ, mời tôi vào
nhà. Chị vội lấy bình tích nước ra , rót nước mời tôi uống. Hai chị em nói
chuyên một hồi lâu, rồi chị than phiền tình cảnh khó khăn của các con chị.
-Hai
đứa con lớn của tôi đã lập gia đình từ mấy năm nay, mỗi đứa đều có một con,
nhưng các cháu vẫn còn ở chung với tôi, chật chội quá tôi không biết giải quyết
như thế nào. Mợ nghĩ coi, với đồng lương ít ỏi, tụi nó lo ăn còn không xuể, làm
sao chúng nó có khả năng mua nhà? Nghĩ cha mẹ nghèo cũng thiệt thòi cho con cái
quá phải không mợ?
Chị
Út chơi thân với tôi từ xưa,có việc gì buồn vui chúng tôi hay chia sẻ nhau. Nghe
tình cảnh nhà chị tôi cũng buồn lây. Tôi chưa kịp lên tiếng an ủi chị thì đứa
con gái của chị vào nhà. Mặt mày cháu đỏ au vì sức nóng của mặt trời, mồ hôi còn
đẫm trên trán, trên gương mặt duyên dáng của cháu. Cháu lễ phép cúi đầu chào
tôi và chị Út giới thiệu:
---Đây
là đứa con gái út của tôi, con Yến đó mợ năm. Hồi mợ đi Mỹ, cháu mới độ bốn,
năm tuổi, bây giờ đã hai mươi sáu, làm sao mợ nhớ cháu được.
Nói
đến đó chị ngừng lại, rót thêm nước cho tôi, rồi với giọng nói trầm trầm chị
cho tôi biết:
---Mợ
biết không, cháu Yến vừa đi thăm mộ chồng về đó. Mấy năm trước tôi làm đám hỏi
cho cháu, được hơn ba tháng, chỉ còn vài tháng nữa là đến ngày đám cưới thì chồng
cháu bị tai nạn xe qua đời. Tính ra chồng cháu mất hơn ba năm nay rồi. Mỗi tuần
cháu đem bông, trái cây cúng mộ chồng ở Cực LạcThái bình đó mợ. Tôi không biết chừng nào Yến mới quên được
con rể tôi đây?
Nói
xong chị thở ra não nuột, lấy khăn lau nước mắt, chị than:
---Tuổi
đời càng chồng chất, có vài cậu con nhà tử tế, cậy người đến xin cưới, nhưng
cháu đều từ chối. Cháu nói cháu không muốn lập gia đình nữa, tôi buồn quá mợ
năm à !
Nghe
câu chuyện thương tâm, tôi thấy nao nao trong dạ, xót-xa cho cháu Yến, tôi cảm
thấy thương cháu nhiều hơn và thông cảm nỗi buồn của chị Út. Trước tình cảnh nầy
cha mẹ nào không đau lòng, không lo-lắng? Tôi không biết làm sao hơn là an ủi
chị :
-Đời
nầy khó tìm được được cô gái nào biết cư xử như cháu Yến, tình cảm của cháu khiến
ai nghe qua cũng cảm động. Theo ý kiến của em, chị nên để cháu tự nhiên, thời
gian sẽ làm cho cháu nguôi ngoai.
Bước
ra khỏi nhà chị Út, lòng tôi buồn rười rượi, tôi cảm thương cháu Yến vô cùng. Mới
ngần ấy tuổi mà đã chịu tang chồng, dù cùng chồng chưa kịp lên xe hoa ! Vì ở
xa, tôi ít có dịp về, ở quê nhà có quá nhiều thay đổi, tôi tưởng chừng như mình
là Từ Thức , trở lại trần gian sau khi lạc vào Tiên cảnh
Mãi
suy nghĩ, tôi quên là mình đã đi gần hết dãy nhà, sắp đến quán Ngọc Mai. Lúc bấy
giờ mặt trời đã xuống thấp về hướng Tây, tuy mùa Đông nhưng tôi cảm thấy nóng nực,
mồ hôi thấm áo, thật khó chịu. Dù vậy tôi vẫn cố đi thăm tuần tự từ nhà nầy đến
nhà khác trong xóm cũ của tôi. Cuối cùng tôi đến thăm cô Xuyến, người dạy cùng
trường và đồng thời cũng là người cùng xóm. Gặp lại chúng tôi vui mừng quá đổi,
hỏi thăm nhau tíu-tít. Hồi xa cô, cô có ba đứa con đang theo học cấp hai, cấp
ba. Thế mà hiện nay cô có đủ cháu nội và cháu ngoại. Tuy nhiên cô không thay đổi
nhiều, vẫn vóc đáng cũ, còn đẹp như tự thuở nào. Sau một hồi tâm sự, chợt cô
Xuyến hỏi tôi:
-Chị
có đi thăm cô Liễu chưa?
Tôi
lên tiếng phàn-nàn:
-Nhà
cô Liễu ở xa tít mãi Qui Thiện, đường sá bây giờ lạ quá, tôi không biết đường
đi, tôi gọi điện thoại hai lần mà không ai trả lời. Tôi nghĩ tôi không đủ thì
giờ thăm cô ấy được, vì ngày mai tôi phải về miền Tây.
Cô
Xuyến nói:
-Có
lẽ thấy số điện thoại lạ nên cô ấy không bắt chứ gì, để tôi gọi xem sao.
Nói
xong cô Xuyến liền bấm điện thoại và cô thuật lại những gì tôi đã nói. Cô Liễu bảo
cô Xuyến trao điện thoại lại cho tôi. Bên kia đầu dây, giọng cô Liễu có vẻ giận,
lớn tiếng.
-Về
mà không đến thăm tôi phải không? Không đến thì nghỉ chơi luôn.
Không
đợi cho tôi có phản ứng, cô nói luôn một lèo:
-Ngày mai tôi
nhờ đứa cháu đến chở , hẹn gặp chỗ nào đi, mấy giờ thì tiện?
Thôi
đành chịu, tôi định ngày mai về miền Tây, nhưng nhận được “Tối hậu thư “ của một
người bạn thân, tôi đành riu ríu vâng vâng,dạ dạ vậy.
Từ
nhà cô Xuyến tôi định đi thăm những nhà kế tiếp. Mới bước đi mấy bước, tôi thấy
một chiếc xe hơi thắng gắp, đậu sát lề đường. Phản xạ tự nhiên, tôi liền nhìn
vào xe, vừa lúc đó cô Thu mở cửa xe vui vẻ hỏi:
-Chị
Đậm, chị mới về hả? Chị lên xe em chở chị về nhà em chơi.
Gặp
cô Thu tôi mừng quá, nghe lời cô, tôi bước lên xe. Cô Thu là người ở Mỹ về lập
nghiệp ở Tây ninh, cũng là đồng nghiệp của tôi. Bây giờ cô có hai cái nhà to: một
cái nhà hai tầng lầu ở mặt tiền
đường Hùng-Vương, gần Báo Quốc
Từ, cô vừa mới cất thêm một ngôi nhà trệt gồm năm phòng, ở ngay sau căn nhà của
cô. Nhà nào cũng khang trang,rộng rãi. Sau khi xem nhà xong, cô mời tôi dùng
cơm với cô. Trong bữa cơm hai chị em nói chuyện thật vui, cùng ôn lại những kỷ
niệm xa xưa hồi còn đi dạy, kể nhau nghe những khổ đau trong buổi giao thời....Cô
có nhã ý mời các bạn cũ và tôi cùng họp mặt tại nhà cô vào ngày mai, tôi cám ơn
cô và từ chối vì còn bận đi thăm nhiều người nữa.
Hôm
sau đúng như lời hẹn, người cháu trai của cô Liễu đến chở giúp tôi về Qui Thiện.
Nhà cô thật rộng, gồm nhiều gian, nằm giữa khu vườn trồng cây ăn trái. Xung
quanh vườn có hàng rào cây con, được cắt xén kỹ, trông đẹp mắt. Tới cổng tôi thấy
chị sáu Huê và cô Liễu đứng ở ngoài sân đón tôi. Chúng tôi rất vui mừng gặp lại
nhau. Vào nhà bếp, tôi nhận thấy cô Liễu đã chuẩn bị thức ăn từ hồi nào, các
cháu gái đang bày ra nấu nướng lăng xăng.Tôi xúc động mạnh, vì cô bạn tôi bao
giờ cũng dành niềm ưu ái cho tôi.Cô là người bạn đã từng an ủi lúc tôi khổ đau
cũng như giúp tôi những cơn thắt ngặt.
Cầm
điện thoại trên tay, cô Liễu gọi mời từ bạn nầy đến bạn khác, toàn là những nữ
đồng nghiệp cũ cùng dạy ở trường Long hoa. Chị Kiển đến trước. Gặp chị tôi mừng
khắp khởi, vội kể công:
-Tìm
chị như tìm Tổng Thống. Ngày hôm qua, khoảng ba giờ em đến thăm gia đình anh Tư
và gia đình chị. Khi đến nơi em thất vọng ê chề. Cả hai nhà đều cửa đóng then
gài. Thấy em đứng xớ rớ, cô em bán hàng rong bên lề đường bảo em đi cửa sau ,
vì nhà nầy ít khi mở cửa trước. Chị có xót thương cho em không? Chân thì đau yếu, trời
nắng chang chang, nóng như thiêu như đốt, nhà cửa thì san sát, em phải đi bộ cả
một dãy nhà, rồi đi vòng lại mới đến cửa sau nhà chị. Khi đến nơi ,thì than ôi
lại một lần nữa thất vọng: cái ổ khóa to tướng ngăn cản không cho em vào nhà !
Chị thấy không, thân em lại quê xệ một lần nữa, quê còn hơn Kim Trọng đứng tần ngần
trước nhà người đẹp, trông chờ gặp mặt Thúy Kiều mà hoàn toàn cụt hứng ! Vì
“Thâm
nghiêm kín cổng cao tường,
Cạn
dòng lá thắm dứt đường chim xanh!”
Chị
Kiển mỉm cười,hỏi:
---Kể
như Tào Tháo,còn gì nữa không ? Kể hết đi. Lúc nào cũng thơ với thẩn .
---Còn
nữa, chưa hết đâu. Chị làm em quê xệ hơn Kim Trọng nữa, vì Kim-Trọng đứng xớ rớ
ở đó chỉ có con “Chim Oanh học nói trên cành mỉa mai “.Chị có thấy không? Con
chim Oanh chỉ là một con vật thôi, nó mỉa-mai Kim Trọng cũng chẳng sao. Còn em,
có biết bao người ở gần cửa trước và
cửa sau nhà chị điều trông thấy em đứng tần ngần quê xệ .
-Đi
không coi ngày giờ, mà khiếu nại
nỗi gì? Giờ đó người ta vô chùa, ban
ngày mấy đứa con anh Tư đi làm cả. Bồ đến nhằm giờ làm việc nên không có ai là
phải .
Chị Kiển là người
tôi thương mến, nể nang. Chồng chị chết lúc chị mới ngoài ba mươi, chị không
tái giá, làm việc vất vả, nuôi năm đứa con thành tài. Bây giờ các cháu trưởng
thành, chị lo làm công quả. Hàng ngày chị lái xe đạp vào chưng bông ở Phật Mẫu
và thường xuyên đi cúng kiến. Ngoài việc dạy chung một trường, tôi còn có nhiều kỷ-niệm với
chị lúc còn đi học. (mặc dù tôi chỉ học ở Tây Ninh có sáu tháng ) Chị hay rủ
tôi đến nhà chị chơi. Má chị là người đảm đang, đến nhà chị, lúc nào tôi cũng
thấy bác làm việc tất bật. Bác coi tôi như con, mỗi lần tôi đến nhà là bác cho
tôi ăn . Khi ăn bánh hoặc trái cây, ăn xong bác còn gói cho về nhà nữa. Tôi
không thế nào từ chối những món quà của bác được.
Khoảng
11 giờ các bạn đến đông đủ. Thức ăn ngon cũng được chuẩn bị xong. Các bạn gồm
có : Cô Xuyến, cô Thu, cô Ngọc, chị Thiền, Chị Chúc, cô Sĩ, cô Diệp, chị Kiển,
chị sáu Huê, tôi và chủ nhà là cô Liễu. Lâu ngày gặp lại nhau chúng tôi vui mừng
khôn xiết, cười cười, nói nói huyên thuyên, thật là vui. Cô Liễu chủ tọa mời
khách. Thấy tướng cô oai vệ chúng tôi đặt danh hiệu là "Bà cả". Cô Thu dáng vẻ
đài các, phong lưu, chúng tôi gọi là "Bà chủ". Chị Chúc vẫn còn vẻ đẹp như tự
thuở nào, chúng tôi giữ nguyên từ cũ "Người đẹp Long Hoa". Chị Thiền là người
lúc nào cũng tươi cười vui vẻ, gặp chị là chị mở miệng cười trước rồi chào hỏi
sau, là người con có hiếu, hy sinh trọn đời lo cho cha mẹ và các em. Cô Diệp là
cựu Hiệu Trưởng trường Long Hoa, cô lúc nào cũng hiền dịu dễ mến. Đặc biệt cô Xuyến
và cô Ngọc thích làm từ thiện. Hai cô làm đại diện giáo chức Long hoa lo việc
tương tế, biết bạn nào gặp khó khăn, hai cô sốt sắng liên lạc bạn bè, lo chu
toàn việc tương thân, tương ái. Cô Sĩ rất
yêu mến và giúp đỡ bạn bè Chị sáu Huê là người hy sinh cho đạo trọn đời, chị chấp
nhận lãnh lương ít ỏi để dạy ở trường Đạo Đức Học Đường, đào tạo biết bao con
em của đạo hữu trở thành người hữu ích cho Quốc gia, cho đạo. Riêng chị Kiển,
lúc nào chị cũng trầm ngâm, ít cười nói. Qua cuộc đời của chị, ai mà không mến
thương, kính nể. Hôm đó chúng tôi muốn chọc cười chị, một chị lên tiếng trước:
-Thời buổi nầy
người ta sống theo văn minh mới, nhiều
người thay vợ đổi chồng như thay áo. Mới đây báo chí đăng tin, có một bà già 92
tuổi ở Bến Tre, lên xe hoa với một ông già 87 tuổi. Chị bảy tôi phải đổi mới đi
chớ; so sánh với bà cụ kia,
chị còn trẻ hơn nhiều, chị nên tái giá đi.
Một chị khác tiếp
lời lên tiếng :
-A–lô, a-lô.
Có ai muốn cưới chị bảy tôi không? Chị tôi là người đạo đức, giỏi giang. Chị là
cô gái má hồng, tài mạo song toàn, năm nay mới có ...mới có : "Tám mươi mốt" tuổi .
Cả bàn cùng cười
rộ. Mọi người hướng về chị bảy Kiển, chị đỏ mặt và cười lớn lên. Đây là lần đầu
tôi gặp chị cười lớn như vậy.
Buổi họp mặt vui
bao nhiêu thì lúc chia tay lại buồn bấy nhiêu, ai cũng bùi ngùi. Nhìn bạn bè
người nào cũng có nét thay đổi khiến lòng tôi se thắt. Người buồn nhất hôm đó
có lẽ là tôi, vì tôi là người ở quá xa, cách nhau cả nửa vòng trái đất. Nghĩ
mình càng già yếu, biết có cơ hội về Việt nam nữa không. Nắm tay chị sáu Huê, cô Liễu để từ giả ra về,
lòng tôi héo hắt. Với giọng nói buồn buồn, cô Liễu nói:
-Về mạnh giỏi
nhé, tôi sẽ gọi điện thoại sau.(mặc dù xa-xôi nhưng chúng tôi thường xuyên dùng
điện thoại liên lạc nhau)
Tâm-trạng tôi từ
giả bạn bè lần nầy giống hệt như tâm trạng tôi từ giả chị Tăng thị Tiết, (Người bạn cùng ở nội trú chung với
tôi, khi tôi học ở Sài gòn)
lúc tôi rời Paris trở về Mỹ năm 2009. Khi đó vì quá xúc động nên tôi có làm bài
thơ tự do gởi tặng chị Tiết. Nay tôi xin lặp lại mấy câu cuối bài thơ con cóc của
tôi:
-Lên máy bay tôi thẫn-thờ ngây
dại,
Hồn chơi vơi, nước mắt tuôn dài.
Xa cách lần nầy,mái tóc pha sương bao giờ ta
gặp lại?
Cố nhân ơi ! Bạn hiền ơi !
Hôm đi thăm họ
hàng, tôi có đến nhà cậu Đỗ văn Tú (con của cậu Tám tôi ).Sau khi đốt nén hương cho cậu mợ tôi và mợ Tú. Chị
em chúng tôi ngồi tâm-sự một hồi, cậu Tú đưa lá thư mời tôi đi dự lễ “Họp mặt
gia đình Sư phạm Sài gòn,"được
tổ chức tại Sài-gòn ngày 1-1-2014". Mặc dù có ít thì giờ, nhưng tôi cũng
cố sắp
xếp thời gian để có mặt hôm đó. Khi vào tới sân trường Đại học Sư phạm
Sài gòn,
tôi rất vui mừng gặp lại các bạn ở Tây ninh : Cô Xuyến, cô Ngọc, cô Hòa,
cô
Nùng Hoa, cô Giứt, thầy Vĩnh, thầy Chưởng, thầy De, thầy Nguyệt, cậu Tú.
Trong dịp
nầy tôi làm quen được cô bạn mới thật dễ thương là cô Tô thị Hằng. Tưởng
chừng
như trong mơ, tôi không ngờ mình có dịp may tuyệt vời, gặp lại các bạn
trong buổi họp mặt hiếm hoi nầy, còn gì vui hơn? Chúng tôi kể
nhau nghe những chuyện buồn vui trong thời gian xa cách. Nhớ lại lúc còn
đi học,người
nào cũng trẻ trung, đầy nhựa sống. Sau bao nhiêu năm xa cách, thời gian đã
xóa
nhòa hết hình ảnh cũ. Bây giờ nhìn lại các bạn trong hội trường, người
nào cũng
yếu đuối, da mồi, tóc bạc. Tôi tự hỏi: Sau kỳ “Họp mặt gia-đình Sư-phạm
Sài-gòn
“lần nầy, kẻ Âu, người Á, còn có lúc nào họp mặt vui vẻ nữa không?
Tôi đang
miên-man suy-nghĩ, thì cô Nùng-Hoa đến vỗ vai tôi. Mắt đỏ hoe, với giọng trầm trầm
cô nói: “ Chị về mạnh giỏi nhé. Chị cho em gởi lời thăm tất cả các cháu , con của
chị. Em cầu chúc chị được khỏe mạnh để có dịp về thăm lại bạn bè, bà con. Lần
sau chị về,em mời chị đến nghỉ nhà em. Chị đừng ngại gì cả, nhà em bây giờ rộng rãi
lắm, em sẽ dành phòng riêng cho chị.” Tôi cảm động trước tấm thạnh tình của cô,
nghẹn ngào nói lời cám ơn cô, rồi từ giã các bạn lầm lũi ra về với niềm luyến tiếc.
Những ngày sum-họp
càng vui bao nhiêu thì lúc chia tay càng buồn bấy nhiêu. Hôm nay tôi lên đường
trở về Mỹ. Mọi người ai cũng buồn khi tiễn tôi ra cửa; người chị tôi nay đã hơn
tám mươi tuổi, chị nắm tay tôi thì thầm” Em về mạnh giỏi, nhớ gọi thăm chị thường
xuyên nhe”. Nói đến đây, chị nhìn xuống để giấu hai giọt nước mắt, nghẹn ngào
nói nhỏ:”Lần sau em về chưa chắc gặp chị!”.Nghe chị nói như trăng trối, tâm tư
tôi nặng trĩu ưu sầu, nước mắt ràn rụa, tôi ôm chị hôn và vội vã bước lên xe.
Chúng tôi đi một khoảng đường, nhìn lại tôi thấy chị tôi và các cháu vẫn đứng
ngó theo xe , lòng tôi buồn rười rượi! Suốt đoạn đường bay dài về Mỹ, đầu óc
tôi cứ bồng bềnh nơi quê nhà với những người họ hàng, bạn bè thân mến, những
người đã dành rất nhiều ưu-ái cho tôi .
(tác giã,xách túi đỏ tại SPSG 18-1/1/2014)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét