THẢO LUẬN THOÁT TRUNG VỀ VĂN HOÁ:
Giã từ nền văn hoá quỳ lạy
Giã từ nền văn hoá quỳ lạy
Lê Phú Khải
Có lần, Hán Cao Tổ Lưu Bang (202 trước Công
nguyên) nói với Lục Giả: “Ta ngồi trên lưng ngựa mà có được thiên hạ thì cần gì
phải học Thi, Thư…”. Nhưng rồi Hán Cao Tổ cũng nghe lời khuyên của Lục Giả
trọng dụng kẻ sĩ, đề cao Nho giáo để củng cố ngai vàng. Đến đời Hán Vũ Đế (140
trước Công nguyên) thì đạo Nho trở thành quốc giáo. Khổng Tử (sinh năm 551
trước Công nguyên, thọ 73 tuổi), người được xem là sáng lập ra Nho giáo được
tôn lên bực thánh, trở thành Vạn thế sư biểu (người thầy của muôn đời).
Điều cốt lõi của Khổng giáo là lý thuyết về người
quân tử, tức kẻ cai trị đất nước (quân là cai trị, quân tử là người cai trị).
Theo Khổng Tử thì người quân tử phải biết tu thân, phải có đạo đức và biết thi,
thư, lễ, nhạc… Tu thân rồi, người quân tử phải dấn thân hành động: tề gia, trị
quốc, bình thiên hạ! Người quân tử phải chính danh để cai trị đất nước. Các
triều đại phong kiến sau này đều triệt để khai thác Khổng giáo, họ biến đổi,
“gia cố” Nho giáo thành một triết thuyết cực đoan có lợi cho giai cấp thống
trị. Chữ đạo của Khổng Tử là những mối quan hệ phải có trong xã hội thời đó như
đạo vua-tôi, cha-con, chồng-vợ, anh-em, bạn hữu… sau này chỉ còn ba quan hệ
vua-tôi, cha-con, chồng-vợ với cái logic phản động và phản dân chủ nhất: quân
sử thần tử, thần bất tử bất trung (vua bảo chết, thần không chết là bất trung);
phụ sử tử vong, tử bất vong bất hiếu (cha bảo con chết, con không chết là bất
hiếu); với phụ nữ thì: tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử (ở
nhà thì phải theo cha, lấy chồng thì phải theo chồng, chồng chết phải theo
con).
Trong chế độ phong kiến, nhân dân đã tiếp thu
những “đạo lý” đó như người khát nước uống thuốc độc để giải khát. Chế độ phong
kiến tàn bạo và thối nát ở Trung Quốc đã nhờ triết thuyết của Khổng giáo mà tồn
tại và kéo dài cho đến cách mạng Tân Hợi 1911.
Vì thế, nhà văn hoá Nguyễn Khắc Viện (1913-1997)
đã phê phán Nho giáo một cách triệt để: “Trên phương diện chính trị, Nho giáo
chủ yếu là bảo thủ. Nó bỏ qua vấn đề pháp luật và thiết chế, từ chối mọi cải
cách… Bảo vệ lễ nghi của các triều đại xưa là mối quan tâm hàng đầu của Khổng
Tử. Trong chữ lễ, vương triều Trung Hoa cũng như Việt Nam đã tìm thấy biện pháp
tốt nhất để duy trì sự ổn định của ngai vàng” (Bàn về đạo Nho – nguyên văn
tiếng Pháp đăng trên tạp chí La Pensée số 10-1962 với đề là Confucianisme et
Marxisme au Vietnam. Dịch sang tiếng Việt, in trong Bàn về Đạo Nho – 1993).
Với Khổng giáo, vua là Thiên tử (con Trời), thay
Trời cai trị muôn dân. Vua với nước là một. Yêu nước là trung với Vua (trung
quân ái quốc).
Điều nguy hiểm nhất của triết thuyết Khổng Tử là:
Người quân tử nhờ tu thân mà có vai trò cai trị, nhưng khi quân tử – tức kẻ cai
trị – không tu thân, trở thành những hôn quân bạo chúa thì dân chúng vẫn phải
cam chịu, không được làm cách mạng lật đổ chúng. Vì thế Nguyễn Khắc Viện mới
viết: Khổng Tử từ chối mọi cải cách!
Trong xã hội Khổng giáo mấy ngàn năm ở Trung
Quốc, kẻ sĩ đi học là mong được làm quan. Làm quan để được quỳ lạy dưới ngai
vàng. Cái văn hoá quỳ lạy ấy đã kìm hãm nước Trung Hoa trong vòng tăm tối mấy
ngàn năm. Trong nền văn hoá quỳ lạy ấy, chỉ có kẻ trên đúng. Chỉ có vua đúng.
Vua bảo chết là phải chết. Cha bảo chết thì con phải chết. Tóm lại là không có
chân lý. Hay nói khác đi, không ai đi tìm chân lý cả. Chân lý đã có sẵn ở kẻ bề
trên, ở triều đại chính thống, bất kể nó thế nào!
|
Chân lý đã có sẵn ở kẻ bề trên, ở Mao Chủ Tịch !
|
Điều trớ trêu là văn hoá quỳ lạy ấy còn tồn tại
đến hôm nay ở nước Trung Hoa cộng sản. Tướng Lưu Á Châu, một nhà bình luận nổi
tiếng ở Trung Quốc hiện nay kể rằng, khi ông đi học một lớp chính trị trong
quân đội, thấy thầy giảng chướng quá, ông đứng lên thắc mắc. Ông thầy liền nói:
Tại sao anh dám cãi lại tôi? Tướng Lưu Á Châu thất vọng, vì thầy đã không dám
hỏi: “Vì sao anh lại nói như thế?”, rồi tranh luận để tìm ra chân lý. Thầy chỉ
phán: “Vì sao anh dám cãi lại tôi?!”. Thầy luôn đúng. Trò không được cãi.
Nước Trung Hoa cộng sản hôm nay vẫn nguyên hình
là một xã hội Khổng Mạnh trá hình mà thôi!
Trong khi đó thì ở phương Tây, cùng thời với
Khổng Tử, Aristote (384-332 trước CN) đã tuyên bố: “Platon là thầy
tôi, nhưng chân lý còn quý hơn thầy!” . Cái văn hoá chân lý quý hơn thầy ấy đã dẫn dắt phương Tây trở
thành một xã hội dân chủ và văn minh đến ngày hôm nay.
Việt Nam chúng ta từng một ngàn năm Bắc thuộc,
lại luôn chịu ảnh hưởng của người láng giềng hủ bại Trung Hoa, nên tầng lớp có
học của nước ta thấm đẫm thứ văn hoá quỳ lạy của Trung Hoa. Trí thức nước ta
trong mấy ngàn năm lịch sử chỉ lo dùi mài kinh sử để mong đỗ đạt làm quan, để
được quỳ lạy trước sân rồng. Có người già rồi còn đi thi, suốt đời ăn bám vợ
con. Việc làm ra của cải vật chất đều do người phụ nữ và những người ít chữ
gánh vác. Trí thức Việt Nam trong quá khứ không ai học để làm cách mạng, để
thay đổi đất nước. Hình ảnh con trâu đi trước, cái cày theo sau còn tồn tại đến
hôm nay ở nông thôn miền Bắc là kết quả của tư duy làm quan, tư duy quỳ lạy.
Báo chí của Việt Nam hôm nay hay ca ngợi một bà mẹ đi bán hàng rong mà nuôi
được bốn năm người con học đại học. Học để mong kiếm một mảnh bằng vênh vang
với làng xóm! Học để mong kiếm một cái chân trong cơ quan nhà nước, để trở
thành một anh công chức, một anh nha lại, trên bảo dưới phải nghe.
Khi bàn về việc trọng dụng đội ngũ trí thức, Thủ
tướng NTD có lần nói, đại ý, xung quanh thủ tướng toàn là những
người có bằng cấp cao, thạc sĩ, tiến sĩ… toàn là trí thức!
Thực ra các vị đó chỉ là những công chức, không
phải trí thức. Mà đã là công chức thì trên bảo gì dưới phải nghe theo. Nếu
không nghe thì “văng” ra khỏi bộ máy quyền lực ngay lập tức. Bác sĩ Nguyễn Khắc
Viện lúc bình sinh có nói với người viết bài này: “Tư bản Pháp chỉ tuyển chọn vào
bộ máy những người đỗ đạt cao. Vì thế, khi vào một cơ quan công quyền, người ta
biết rõ những người ngồi đó đều là người tài giỏi, vì thế, họ vừa có quyền, lại
vừa có uy. Thế mới gọi là uy quyền. Nhưng quyền uy mấy thì cũng là công chức.
Nhân dân Pháp chỉ kính trọng những trí thức tự do, vì họ dám phản biện xã hội,
bảo vệ lẽ phải. Nước Pháp có hàng trăm
nghìn hội đoàn độc lập. Đó là một lực lượng dân chủ hùng mạnh để cân bằng với
chính quyền của giai cấp tư bản”.
Buồn thay, bộ máy công quyền của Việt Nam hôm nay
chỉ tuyển chọn những người “dễ bảo” hoặc biết “mua bán”. Vì thế nó ngày càng
xuống cấp. Có lần, trong một cuộc gặp gỡ có nguyên Bộ trưởng L.H.N., phó giáo
sư tiến sĩ V.T.K. và người viết bài này, trong lúc vui vẻ, phó giáo sư V.T.K.
than phiền với Bộ trưởng L.H.N.: Mấy tay vụ trưởng đi theo anh chuyến này vô
Nam, qua nói chuyện tôi thấy các vị đó dốt quá! Nguyên Bộ trưởng L.H.N. nói:
Ngày xưa dốt là từ cấp thứ trưởng trở lên, cấp vụ nó giỏi lắm, nay nó dốt xuống
đến cấp vụ rồi!!!
Từ nền văn hoá làm quan, văn hoá quỳ lạy, đã hình
thành một tâm lý xin-cho trong xã hội. Khi nhóm Cánh Buồm của nhà giáo Phạm
Toàn soạn thảo bộ sách Học tiếng Việt cho học sinh lớp 1 theo hướng cải cách
giáo dục, tôi đến chơi một người bạn cũ từng là một quan chức cao cấp, từng ở
nước ngoài nhiều năm, có học thức cao… và tặng ông một trong các cuốn sách Học
tiếng Việt đó. Cầm sách trong tay, ông nói ngay: Họ không cho lưu hành đâu anh
ạ! Thì ra cái tâm lý xin-cho đã ngấm vào xương tuỷ giới trí thức nước ta. Trên
phải cho thì dưới mới được làm! Dù chưa ai cấm đoán bao giờ!
Ít lâu sau, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có ý kiến
phải đưa Hoàng Sa, Trường Sa vào sách giáo khoa cho học sinh phổ thông học. Thế
là tôi viết giới thiệu bài tập đọc “Lễ thả thuyền ra Hoàng Sa…” đã có trong
sách Tiếng Việt lớp 1 của nhóm Cánh Buồm. Báo Người Lao động TP HCM đã đăng
ngay bài đó trong tháng 1-2014 (vì… Thủ tướng đã… cho… nói về Hoàng Sa và
Trường Sa!!!).
Ngày nay nước ta đã manh nha kinh tế thị trường,
có bao nhiêu điều kiện và cơ hội để học làm người tự do, làm khoa học, làm
chuyên môn, làm nghề… làm ra của cải cho một đất nước “đói nghèo trong rơm rạ”
(Chế Lan Viên) thì trí thức nước ta cần mau chóng giã từ nền văn hoá làm quan,
văn hoá quỳ lạy có cội nguồn từ văn hoá Khổng Mạnh Trung Hoa để canh tân đất
nước.
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng
|
Để kết thúc bài viết này, tôi xin kể một câu
chuyện về giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, ông sinh năm 1941 tại xã Điện Thắng Bắc
huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam. Hiện ông là một Việt kiều ở Bỉ, hoạt động trong
lĩnh vực khoa học không gian. Ông là một nhà khoa học rất nổi tiếng, là “một
trong 10 người làm thay đổi nước Bỉ” như cách nói của chính phủ Bỉ. Ông giảng
dạy ở bậc đại học đã nhiều năm, từng là trưởng Khoa Cơ học phá huỷ thuộc Khoa
Kỹ thuật không gian Đại học Liège. Một ngày kia, đồng nghiệp của ông “phát hiện”
ra ông chỉ có bằng kỹ sư, chưa có bằng tiến sĩ như bao đồng nghiệp khác đang
làm việc cùng ông. Người ta đề nghị giáo sư Nguyễn Đăng Hưng làm hồ sơ để thi
tiến sĩ. Khi giáo sư Hưng tập hợp các công trình mình đã làm và đã được ứng
dụng trong sản xuất để trình Hội đồng, chuẩn bị cho luận án tiến sĩ sẽ làm, thì
Hội đồng nhất trí cao rằng ông xứng đáng là tiến sĩ từ lâu rồi, khỏi cần thi!
Tại một quán càfê ở đường Phạm Ngọc Thạch Quận 1 TP HCM cuối năm 2013 vừa qua,
giáo sư Hưng tâm sự với chúng tôi: Mải làm việc quá nên tôi… quên làm tiến sĩ.
Bao giờ cái văn hoá học để làm việc thay thế được
văn hoá làm quan, văn hoá quỳ lạy trong giới tinh hoa ở nước ta, thì Việt Nam
mới mở mày mở mặt được.
Tháng 6-2014
Lê Phú Khải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét