Chủ Nhật, 15 tháng 6, 2014

BẾN CẦU TÂY NINH - ĐÔI NGẢ RẺ CỦA LÒNG Thuyên Huy/ Nguồn Blog Hoài niệm Tây Ninh

Thứ Sáu, ngày 13 tháng 6 năm 2014

Bến Cầu Tây Ninh.......Thuyên Huy

BẾN CẦU TÂY NINH - ĐÔI NGẢ RẺ CỦA LÒNG
Thuyên Huy

    Tôi về Tây Ninh vừa kịp lúc nhìn mặt cô tư Hòa lần cuối. Được tin cô mất, tôi bàng hoàng nhưng không đau đớn lắm như mình tưởng. Tôi cũng không hiểu tại sao dù biết bà là mẹ ruột của mình. Hình như trong đời tôi, cái hình ảnh người mẹ thân cò một nắng hai sương khó tìm được ở cô tư. Những lằn nhăn trên trán của bà khi ngồi trước hiên nhà không làm tôi nhớ tôi thương, tôi lo bằng lo cho vết nhăn của mẹ nuôi tôi khi bà đứng hong tóc trắng bay lòa xòa trước gió chiều về muộn sau vườn. Tiếng ho khan vội vàng của cô tư trong giấc ngủ giữa ngày không làm lòng tôi quặn đau bằng tiếng ho đứt quảng của mẹ nuôi tôi trong những đêm mưa chập chùng tháng sáu. Cái tình cảm mẹ con của cô tư và tôi dù đã cố gắng kéo lại gần nhưng dường như vẫn còn xa xăm quá.
    Hình như mỗi lần nhắc tới quê mình thì tôi vẫn nói về Bến Cầu hơn là Tây Ninh. Cái chợ nửa quê nửa ruộng Bến Cầu đó luân lưu một cách êm đềm , thắm thiết qua từng mạch máu trong thân thể tôi như những con rạch nhỏ, rạch cùn suốt đời chảy ra sông lớn. Quấn vội cái khăn tang trắng trên đầu tôi đứng lặng im một mình trước quan tài đặt giữa nhà, nơi mà tôi đã bật khóc một cách ngỡ ngàng khi nghe cô tư cho biết bà là mẹ ruột. Thằng Phúc, con Hạ đứng phía sau quan tài sát bên tường nhìn tôi rưng rưng. Người đến thăm viếng và phúng điếu bắt đầu đông hơn, tôi đưa tay vuốt nhẹ trên quan tài, môi tôi có chút nước mắt vừa đủ mặn.
    Mẹ ruột tôi ra đi rất bình thản vì nghẽn mạch máu tim bất thình lình sau hai hôm nằm trong bệnh viện tỉnh. Từ ngày chú Hiếu mất, tôi ít khi về lại Tây Ninh trừ ngày giỗ cho nên tôi không thường ghé thăm bà ngay cả những lần về Bến Cầu cũng là vội là vàng. Gia đình đem mẹ ruột tôi về chôn ở một nghĩa địa nhỏ cuối đường lên chợ quận Phước Ninh, cách khu Cao Xá, làng công giáo di cư từ những năm 1954 một khoảng đồng cỏ mọc đầy hoa cải vàng hực trong cái nắng chang chang của trời giữa hạ. Rồi cũng có tiếng khóc, có dăm ba cành hoa trắng, có tiếng cầu kinh và nấm mộ đấp vội vàng như những đám tang bình thường. Người đưa đám đứng vòng quanh nấm mộ nhìn người linh mục già làm dấu thánh giá lần cuối cùng rồi tản lần ra và thưa dần. Chiếc xe chỡ theo người linh mục chầm chậm chạy ra hướng đường cái rồi khuất dần sau hàng cây thốt nốt đầu chợ quận. Tôi đứng bên cạnh thằng Phúc, nó nhìn tôi rưng rưng. Người còn lại không ai nói với ai câu nào, lặng thinh như cái lặng thinh của nấm mồ mới đấp. Ở một cây già giữa đồng, con quạ đen đậu đó không biết tự bao giờ bất chợt kêu lên từng tiếng kêu rời rã.
    Về đến nhà, tôi xếp cái khăn tang nhét vội vào túi xách, từ giã những ai có mặt trong nhà rồi hối hả xuống bến xe kịp đón chuyến xe đò cuối ngày về Sài gòn. Mây xám xuống thấp ở một góc trời bên kia sông, nắng bắt đầu dịu dần theo bóng chiều vừa xuống. Xe đò rời phố chính qua cầu, tôi cố nhìn lần nữa qua khung kính sau, hàng cây ô môi hai bên đường Nguyễn Duy Dương nhỏ dần rồi mất hút. Con sông chia đôi thành phố bên đục bên trong hình như cứ đứng yên một chỗ lâu lắm rồi dù bây giờ đã là nước lớn. Tôi rời Tây Ninh trong nổi niềm đau khó tả.
    Trời bỗng dưng sẩm tối rồi đổ mưa hết sức bất ngờ khi xe đò vừa tới đầu ngã tư Bảy Hiền. Sài Gòn chập choạng vào đêm, phó xá thong thả lên đèn trong bóng mưa mù mờ pha chút nắng chiều rớt muộn. Tôi lần theo hàng cây bên đường trốn mưa đi về phía quán cà phê Không sau khi xuống xe ở đầu ngã tư Trần Quốc Toản thay vì đi thẳng về nhà. Học trò tan trường vẫn còn tụm năm tụm ba bên góc phố đếm mưa chờ xe buýt đến. Chọn một cái bàn vắng gần hiên quán nhìn ra đường, tiếng nhạc nhè nhẹ vừa đủ át tiếng mưa vô tình tí tách ngoài sân, tôi làm dấu gọi cà phê, cô chủ quán gật đầu không cần hỏi lại.
    Mưa cứ mưa chập chùng vội vã, nước từng đợt hắt tung tóe xuống đường tưởng chừng như muốn trút giận trút hờn lên mấy ngày qua nắng bụi. Cô chủ quán, cũng như thường lệ, không quên hỏi tôi mạnh khỏe sau khi đặt ly cà phê trên bàn, tôi chưa kịp trả lời thì cô đã đứng chờ hai ba cô gái khác phía bàn trong rồi. Tiếng chuông lễ chiều từ nhà thờ trường trung học Đồng Tiến lẻ loi đổ theo chiều tiếng mưa nghe ngậm ngùi không khác gì tiếng con quạ đen kêu trên ngọn cây khô giữa đồng bên cạnh cái nghĩa trang quạnh vắng, nơi mẹ ruột tôi vừa nằm xuống hôm nay.
    Tô không thương Tây Ninh nhiều như thương Bến Cầu nhưng Tây Ninh đã có một chút gì mất mát trong đời mà từ lâu tôi không nghĩ tới. Đám học trò chờ xe buýt đã đi từ lâu. Ly cà phê trên bàn nguội cũng từ lâu. Đôi ba người khách của quán đi ra đi vào, hình như tôi chưa uống giọt nào. Tôi rời quán, trời vào đêm lúc nào không hay. Đường về mưa vẫn còn đuổi sau lưng.


Thuyên Huy

( Trích từ tập truyện chưa xuất bản “PHÍA BÊN TRỜI QUÊN MƯA”)
Cảm nghĩ của Nguyễn Cang khi đọc chuyện nầy

Đọc xong truyện ngắn của Thuyên Huy lòng tôi chùng xuống. Tôi nghe tâm tư trầm lắng một nỗi buồn mênh mông như xoáy nhẹ vào tim. Chuyện của tác giả sao nó gần gũi như có lần tôi đã gặp trong mấy bộ phim Hồng kông thuật lại câu chuyện đau thương của đứa trẻ bị lạc mẹ về sống nơi gia đình giàu sang và người mẹ ruột phải đóng vai người vú nuôi, cho con bú móm bằng chính dòng sữa của mình mà không hề biết đứa bé kia chính là con ruột. Ở đây  TH "không thưong không lo lắng  người mẹ ruột bằng ngươi mẹ nuôi". Tại sao? Có cái gì bi đát nghiệt ngã làm phai mờ tinh cảm của con đối với mẹ ruột?.
Trước cái chết của mẹ theo lẽ tác giả phải vật vã than khóc, nhưng không ! ta chỉ nghe tác giả nói là tác giả đã" bật khóc ngỡ ngàng khi nghe cô Tư cho biết cô là mẹ ruột của tác giả".Ở một đoạn khác TH viết "Tôi đưa tay vuốt nhẹ nấp quan tài, môi tôi có chút nước mắt vừa đủ mặn". Quả thật có cái gì ngăn chận tình cảm của tác giả, làm cho tác giả thực hiện không trọn vẹn cảm xúc của mình. Rất tiếc chúng ta không được đọc hết cốt truyện, có lẽ phải chờ khi tác giả in xong và cho ra mắt truyện dài nầy.
 Vê hình thức tôi thích phong cách viết văn của TH, đọc truyện của TH có lẽ ta phải đọc thật chậm để cảm nhận hết cái tinh cảm chứa trong truyện mà nỗi lòng được dàn trải liên tục từ đầu tới cuối mà nếu ta đọc lướt nhanh sẽ mất đi những nét đậc sắc trong cách mô tả hết sức gợi tình gợi cảm. Sức lôi cuốn của câu chuyện nhờ -phần lớn ở cách diễn tả tâm lý kết hợp với tả cảnh gây được cho ta mối cảm xúc u hoài thương nhớ xen lẫn ngậm ngùi luyến tiếc cho một cái gì đã bõ lỡ mà nay chỉ còn là tiếc nuối khôn nguôi.
  Xin trích môt vài nét đặc sắc "Cái chợ nửa quê nửa ruộng Bến Cầu đó luân lưu một cách êm đềm, thắm thiết qua từng mạch máu trong cơ thể tôi như những con rạch nhỏ, rạch cùn suốt đời chảy ra sông lớn",' Ở một cây già giữa đồng, con quạ đen đậu đó không biết tự bao giờ bất chợt kêu lên từng tiếng rã rời".Mây trắng xuống thấp ở một góc trời bên kia sông" v.v..
  Nguyễn Cang 
  
    1. Đọc đoạn trích tự truyện BẾN CẦU TÂY NINH - ĐÔI NGẢ RẺ CỦA LÒNG
    Thuyên Huy, tôi thấy tác giả như không có lòng trắc ẩn với cái chết của mẹ ruột mình, một người Mẹ mà có thể do một nghịch cảnh nào đó trong đời Bà, phải giao núm ruột của mình cho người khác nuôi dưỡng. Điều đó, lẽ ra, "tôi" lớn rồi, phải chia sẻ thông cảm và hiếu sự với Mẹ cho đúng nghĩa "cho tròn chữ hiếu mới là đạo con" mới phải. Đàng nầy, tâm trạng xa lạ với Mẹ nghe thật là phũ phàng:"cái tình cảm mẹ con của cô tư và tôi dù đã cố gắng kéo lại gần nhưng dường như vẫn còn xa xăm quá".
  1.  và..." Được tin cô mất, tôi bàng hoàng nhưng không đau đớn lắm như mình tưởng". 
  2. Cái thái độ như vô tâm kia, đối với người Mẹ nghèo, qua cảnh đám tang đơn sơ, hình như con người ràng buộc nhau một cách chiếu lệ đó, tác giả có 17 chữ thể hiện tình cảm của mình. Thật ra, có nước mắt hay không, có vuốt nhẹ lên quan tài vô tri, có nghĩa gì đâu." tôi đưa tay vuốt nhẹ trên quan tài, môi tôi có chút nước mắt vừa đủ mặn".(17 chữ)
  3. Một hành động đáng trách, nếu không nói là quá ư là nhẫn tâm. Sau khi leã an taùng Meï ruoät xong:"Về đến nhà, tôi xếp cái khăn tang nhét vội vào túi xách, từ giã những ai có mặt trong nhà rồi hối hả xuống bến xe kịp đón chuyến xe đò cuối ngày về Sài gòn".
    Tôi không kết án tác giả đã ghi một cách chân thật lòng mình vì có lẽ người Mẹ ruột đã sinh thành ra đứa con, đưa người khác nuôi khi ấy có lẽ chừng năm mười ký lô....mà tình thương yêu, nuôi dưỡng rất nhiều của người mẹ nuôi để tác giả trưởng thành (khoảng 50kg)...thì tác giả phải yêu mến người mẹ nuôi cũng như từng ấy khối lượng. Đó là điều đương nhiên. Người cầm bút hãy nghĩ mình viết gì, viết cho ai, muốn gởi gắm điều gì qua những dòng chữ...
    Người đau buồn thì ít, có hơi nhẫn tâm. Cảnh buồn thì nhiều. Bút pháp tả cảnh gắn với tả tình đan xen hòa quyện, có sự thờ ơ, vô tâm; có cái gì đó như buồn lặng, như ray rứt và có cái gì đó như vong thân trốn chạy...
    Tuy nhiên những chi tiết nghệ thuật nầy không đủ hay để kéo lại một nội dung ý tưởng như không có chút tình nghĩa gì với Mẹ hay ác cảm với Mẹ, mà độc giả khó có thể đồng tình. (Khi mà nội dung và hình thức đều nhất quán phản ánh hiện thực)
    Và tôi có thể là một độc giả hơi khó tính như vậy.
    Thân mến, Ngân Triều

3 nhận xét:

  1. hphi vo
    To
    Today at 7:42 AM
    Chị Hòa và anh Ngân Triều,
    Tình cảm của tác giả viết về người mẹ ruột, tôi không lấy làm lạ. Tác giả viết đúng tâm lý thôi.
    Có hai người thật việc thật mà tôi biết.
    1. Bà Hiệu Phó (người Mỹ) một nhà trẻ mà tôi làm việc, có người cha sinh ở tiểu bang khác qua đời, bà không về chịu tang. Chúng tôi, những người VN, chia buồn. Bà ấy đáp lời chúng tôi, bà nói: ... Đó chỉ là "bio-father", không phải "My Daddy". Họ đặt nặng người nuôi dưỡng với tình thương, hơn là người chỉ chin tháng cưu mang và sinh ra họ.
    2. Chuyện thứ hai: Trong một gia đình VN. Ông cha lấy một bà vợ người nước ngoài, sinh ra một bé gai. Sau đó họ ly dị. Người mẹ này không nuôi con, lấy chồng khác, giao con cho chồng. Ông chồng này cũng lấy vợ khác, đem con cho ông anh ruột và bà chị dâu nuôi. Đứa con này lớn lên, quyến luyến, thương yêu, hết lòng lo lắng cho cha và mẹ nuôi này, còn cha ruột và mẹ ruột nó coi như khách.
    3. Chuyện ở VN; trước nhà tôi có một cô gái chưa chồng lúc đó ngoài hai mươi, chăm lo một đàn em hai hay ba đứa gì đó. Những đứa em này con của mẹ với người chồng sau. Cha cô lấy mẹ cô làm vợ lẻ, sau đó bị vợ lớn ghen quá nên bỏ nhau. Cô sống với mẹ, và mẹ cô bước đi bước nữa. Cô có mấy người em khác cha cùng mẹ. Mẹ ruột và cha dượng sau đó qua đời. Cô nuôi đám em này. Cha ruột đòi gặp mặt cô, cô không cho. Cha ruột chết cô không để tang, mặc dù hồi lúc còn nhỏ, cha ruột cũng lén lút thăm cô ở cổng trường. Không nuôi cô thành người nên không thương.
    Truyện tác giả viết, tả đúng tâm lý con người đó. Còn mà khóc lóc là trình diễn một màn kịch để lấy tiếng với bà con và chòm xóm. Còn trường hợp ông Cang kể chuyện phim Tàu là... chuyện phim nặng luân lý Tống Nho làm lâm ly thêm cuộc đời để hấp dẫn khán giả. Trường họp người mẹ ruột vì một hoàn cảnh khó khăn nào đó mà không nuôi con được, nhưng thương yêu vẫn tràn ngập, tìm kiếm con và khổ sở vì mất con... lại là chuyện khác.
    Vài hàng tào lao chơi. HV

    Trả lờiXóa
  2. Hoapham :
    Người con trong truyện lợt lạt tình cảm với người mẹ đẻ của mình,ko có gì lạ.Anh được cho đi ,tác giã ko nói rõ lý do nhưng dù thế nào,ko có sự gắn bó ,chia sẽ giũa anh ta và mẹ ruột.
    Khi đau ốm thập tử nhất sinh,lúc lo âu ....anh luôn có người mẹ nuôi để an ủi,thương yêu trong lúc đó thì mẹ ruột ở tận phương nào?.
    Đọc xong chuyện nầy,mình thấy có 1 ý nhắc nhỡ bạn trẻ : Dù thế nào đi nũa cũng nên thận trọng trong cuộc sống.
    VN ta sống trong chiến tranh loạn lạc triền miên mấy chục năm nên có nhiều hoàn cảnh cho con thương tâm ko kể xiết .
    Bây giờ mọi thứ đã khá hơn nên hy vọng là mọi người hiểu quyết định của mình

    Trả lờiXóa
  3. Ngân Triều08:23 Ngày 18 tháng 06 năm 2014
    Xin phúc đáp một ý kiến sau lời nhận xét của NT đăng trên Hoài niệm Tây Ninh như sau:"Trả lời
    Hình như anh NT lầm lẫn giữa tác giã và nhân vật trong truyện.
    Viết thì viết thôi...Xin đọc cuốn "kẻ xa lạ" củaAlbet Calmus"
    ***
    Xin cảm ơn một bạn đã trả lời phần bình luận của tôi và chỉ cho tôi đọc cuốn The stranger/ tác phẩm đầu tay về triết thuyết Hiện sinh của Albert Camus, xuất bản năm 1942. Nhân vật chính, Meursault đã tham dự lễ an táng của mẹ mình nhưng dửng dưng, vô cảm, xa lạ. Đây là một điều mà nhân sinh quan, phong tục và đạo lý của xã hội của anh không thể chấp nhận...Bàn ra tán vào thì rất dài dòng vì luận điểm triết học thể hiện trong lý luận của tác giả đã đề cập ở đây(phần lễ tang) chỉ mới ở phần 1 (trong 3 luận điểm: vô thức, tỉnh thức và nổi loạn) là vô thức (unconciousness); Meursault ứng xử như một người bệnh tâm thần/ Còn trong truyện tôi bình, là tự truyện, nhân vật "tôi" có ý thức và phong tục VN, đám tang thì an táng xong là 1, thăm mộ đấp mộ là 2, mở cửa mộ là 3 ngày, chưa kể phải dọn dep nhà cửa, làm tiệc cảm tạ bà con...( Người con gì lạ vậy/ Mẹ chết, chôn xong là chạy trốn...thà rằng tác giả không viết như thế thì đâu có ai rảnh mà nói chi đâu/ hãy đọc lại xem/ phải chăng xa lạ còn hơn người dưng nước lả).
    Tiếp theo là tôi không lầm lẫn đâu bạn ạ! Bạn có thấy tôi để chữ "tôi" trong ngoặc kép rõ ràng. (Điều đó, lẽ ra, "tôi" lớn rồi,...) là muốn ám chỉ cái chung đa nhân cách mà có thể hiểu là nhân vật, mà cũng có thể hiểu là tác giả trong tự truyện của mình."Tôi kéo xe/ Tam Lang tên thật là Vũ Đình Chí (1900 – 1986)/ Tác giả có đi kéo xe hồi nào đâu"
    Tôi cũng tự cảm nhận vì sao tình cảm của "tôi" lại như thế...như thế, tức là mẹ ruột chỉ tạo cho "tôi" có khoảng 5-10kg/ Mẹ nuôi thì từ trọng lượng tiếp theo đến trưởng thành,khoảng 50kg, nhiều gấp bội phần...thì tình cảm cho mẹ ruột như thế là điều đương nhiên và tôi ko kết án tác giả (Tôi không kết án tác giả đã ghi một cách chân thật lòng mình vì có lẽ người Mẹ ruột đã sinh thành ra đứa con, đưa người khác nuôi khi ấy có lẽ chừng năm mười ký lô....mà tình thương yêu, nuôi dưỡng rất nhiều của người mẹ nuôi để tác giả trưởng thành (khoảng 50kg)...thì tác giả phải yêu mến người mẹ nuôi cũng như từng ấy khối lượng. Đó là điều đương nhiên. Người cầm bút hãy nghĩ mình viết gì, viết cho ai, muốn gởi gắm điều gì qua những dòng chữ...)
    Bạn nói " viết thì viết thôi" là quyền của bạn, nhưng hãy in sách đem bán, còn quảng bá cho bạn bè, cộng đồng...tôi nghĩ rằng bình luận là chuyện thường. Mà tôi cũng có tâm đắc về hình thức nghệ thuật rất hay nhưng ko kéo nổi phần nội dung, đúng ko nào/ Tôi chưa biết TH là ai/ Tôi cũng đã đọc một số thơ văn của TH/ Mà bạn là ai vậy? Chắc ko phải là NC ở Sanjose, cùng học cung với NT đúng ko?/ Một nhân vật nào, xin hãy lên tiếng đi nhé! Tứ hải giai huynh đệ mà!
    Thưa bạn, tôi rất ngại phải tranh luận...nhưng vì bạn đã nói...nên buộc lòng tôi phải giải thích...Mong các bạn đọc, nếu tôi nói có điều gì bất cập, khong vừa lòng, xin hãy bỏ quá cho tôi. Thân mến và đa tạ/ Ngân Triều 18-06-2014

    Trả lờiXóa