Mật mã Tây Tạng:
http://www.youtube.com/user/CoiTinhPhai
Mật Mã Tây Tạng
Tác giả: Hà Mã
Dịch giả: Lục Hương.
Đọc: Quỳnh Lan
Chuyến phiêu lưu dài mười tập sách trên đất Tây Tạng được mở ra tại một khán phòng trên đất Mỹ. Trác Mộc Cường Ba – người đàn ông sinh ra trên đất Tây Tạng, hiện đã là một thương nhân thành danh, giàu có với nghề nuôi dạy và kinh doanh chó Ngao Tây Tạng. Nhưng, giữa bài phát biểu khai mạc cuộc thi chó Ngao quốc tế do công ty mình tổ chức, Trác Mộc Cường Ba nhận được hai tấm ảnh bí ẩn khiến anh mất hết tự chủ, sẵn sàng vứt bỏ cuộc thi quay trở lại Trung Quốc. Hai tấm ảnh chụp một con chó ngao kỳ quái mà Trác Mộc Cường Ba nhất định tin rằng chính là Tử Kỳ Lân trong truyền thuyết nghìn năm mà đất Tây Tạng vẫn lưu truyền. Không thể chậm trễ hơn, Cường Ba tìm cách thuyết phục người thầy vốn là giáo sư uyên thâm về chó ngao đi cùng anh về quê nhà Tây Tạng, lần theo dấu vết mà tấm ảnh hé lộ để tìm cho được Tử Kỳ Lân trong truyền thuyết. Nhưng, Trác Mộc Cường Ba không ngờ rằng trong chuyến đi định mệnh này, anh còn phải gánh vác trách nhiệm tìm kiếm cho được bộ Tạng kinh quý hiếm ngàn năm vốn do người Qua Ba giữ gìn. Và mọi chuyện sẽ ra sao khi giữa muôn trùng núi non hùng vỹ, thiên nhiên hiểm trở là những kẻ thù dấu mặt quyết săn đuổi hai thầy trò Trác Mộc Cường Ba?
Mật mã Tây Tạng không những tạo nên một hiện tượng xuất bản lớn đối Trung Quốc mà còn khiến hàng nghìn độc giả trở nên say mê thám hiểm. Sau khi được xuất bản, không chỉ các cửa hàng sách mà cả các cửa hàng bán dụng cụ thám hiểm cũng bày bán cuốn sách tại những vị trí trang trọng nhất. Mảnh đất Tây Tạng từ xưa vốn chứa đựng nhiều bí ẩn lịch sử cũng như huyền thoại vẫn là nơi gọi mời những ai có khát vọng khám phá. Cuốn sách của Hà Mã giống như một trận cuồng phong thổi bùng lên khao khát được băng mình vào một trong những chốn hùng vĩ nhưng cũng hiểm nguy nhất thế giới, để đích thân trải nghiệm những điều được Hã Mã diễn tả chi tiết với niềm say mê vùng đất anh đã hơn mười năm ẩn dật.
Tác phẩm này đồng thời cũng nhận được nhiều lời khen ngợi của các nhà phê bình như một đại hùng thư của thời hiện đại, thậm chí gọi đó là “Sử thi Hà Mã” bởi lượng kiến thức khổng lồ về thiên nhiên, con người, văn hóa mà đặc biệt là phật giáo Tây Tạng mà Hà Mã đã đưa vào tác phẩm. Mật Mã Tây Tạng cũng thể hiện được tài năng kể chuyện đặc biệt lôi cuốn của Hà Mã khi anh khéo léo đan cái hàng trăm chi tiết liên quan đến truyền thuyết, lịch sử, khoa học, những cuộc săn đuổi rợn người hay những âm mưu tinh vi thâm hậu vào hành trình tìm kiếm của Trác Mộc Cường Ba. Đó có lẽ là những nét chủ đạo làm nên sức hấp dẫn cho bộ kỳ thư về vùng đất thiếng dưới góc nhìn thám hiểm này.
PHỎNG VẤN TÁC GIẢ HÀ MÃ
Đầu năm 2008, “Mật mã Tây Tạng” mới xuất hiện trên Internet đã trở thành một tác phẩm văn học mạng thu hút hàng triệu lượt đọc. Tác phẩm mau chóng lọt vào mắt xanh của các nhà xuất bản. Tập đoàn Xuất bản Trùng Khánh, đơn vị xuất bản tác phẩm cho biết, ban đầu nhà xuất bản dự định lần in đầu tiên sẽ là 100.000 bản, nhưng đơn đặt hàng của các tiệm sách lớn ồ ạt gửi đến, nên đã lên thành 200.000 bản.
Chưa đầy một tuần sau khi phát hành, trong kho sách đã không còn sót lại cuốn nào. Trong khi đó, hơn một trăm nhà xuất bản trên khắp thế giới, bao gồm cả tập đoàn Penguin của Mỹ đang ra sức cạnh tranh giành quyền xuất bản “Mật mã Tây Tạng” ở nước ngoài.
HÀ MÃ kìa ^^
Trả lời phỏng vấn China.com về cơ duyên đưa anh đến với vùng đất Tây Tạng thần bí để viết nên bộ sách mà anh xem như định mệnh của mình.
- Những câu chuyện mạo hiểm trong "Mật mã Tây Tạng" có phải là hình ảnh những chuyến phiêu lưu của chính anh không?
- Từ hồi bé tôi đã thích thám hiểm rồi, mới đầu đến Tây Tạng cũng là để leo núi Chomolungma. Tôi từng băng qua Khả Khả Tây Lý và cả rừng rậm nguyên thủy ở Xi Xuang Ba Na nữa, suýt chút nữa là chết vì trúng độc ở đấy. Những trải nghiệm đặc biệt này được đưa vào quá trình sáng tác Mật mã Tây Tạng một cách hết sức tự nhiên, nhưng chỉ có một phần rất nhỏ mà thôi. Vì cá nhân tôi thích thám hiểm nên lúc viết Mật mã Tây Tạng tất nhiên tôi chọn hình thức tiểu thuyết phiêu lưu thám hiểm. Nhưng trong tiểu thuyết còn có rất nhiều suy nghĩ và những tưởng tượng xa hơn của tôi về khởi nguyên của nền văn hóa Tây Tạng thần bí. Về cơ bản, các tư liệu của tôi là thành quả tích lũy của nhiều năm nghiên cứu về Tây Tạng, nhưng mạch truyện quán xuyến từ đầu đến cuối bộ tiểu thuyết lại đến với tôi một cách rất tình cờ. Tôi tin rằng đấy là định mệnh. Có thể nói, bộ sách này là kết quả tự nhiên của mối duyên mười năm giữa tôi và vùng đất Tây Tạng thần bí.
- Tác phẩm của anh còn được gọi là “Sử thi Hà Mã”, bản thân anh thấy thế nào?
- Đây chỉ là một trong những kiểu đánh giá thôi, đối với bất cứ kiểu đánh giá nào, tôi cũng chỉ coi là đánh giá mà thôi. Mật mã Tây Tạng là quả chính tôi viết ra bằng cả tấm lòng mình, điều tôi cần làm chỉ là dùng tấm lòng mình để hoàn thành nó. Tôi tin rằng, hầu hết mọi người đều có thể đọc và hiểu nó, bởi vì tôi đã dùng những ngôn từ thuần phác nhất. Có thể rất nhiều người thích câu chuyện thám hiểm trong đó, song tôi tin rằng, sẽ có người đọc nó rất kỹ, rất sâu. Bởi vì Tây Tạng, hay nói cách khác là giấc mộng về nền văn hóa thần bí ấy, tồn tại trong lòng tôi, đồng thời cũng tồn tại trong lòng mọi độc giả nữa.
- Anh đã sống ở Tây Tạng mười năm, vậy thì Tây Tạng trong mắt anh hẳn phải khác với Tây Tạng trong mắt nhiều người. Anh có thể nói qua một phần nào đấy mà chúng tôi chưa hiểu về vùng đất này không?
- Cùng với sự mở rộng phát triển của ngành du lịch, Tây Tạng đã trở thành một địa điểm văn hóa. Nhưng trong mắt tôi, nó chỉ là một vùng đất, một vùng đất ấm áp như quê nhà tôi vậy. Tây Tạng ở trên rất cao so với mực nước biển, trời rất xanh, những điều này chắc mọi người đều biết cả rồi. Còn những điều mọi người chưa biết về nó, tôi hy vọng các bạn hãy đọc trong tiểu thuyết Mật mã Tây Tạng của tôi, tôi viết cả trong ấy rồi.
- "Mật mã Tây Tạng" được cả trăm nhà xuất bản tranh nhau mua bản quyền, nghe nói tiền bản quyền của anh đã lên tới cả triệu NDT, anh cho rằng nhân tố thành công của cuốn sách này nằm ở đâu?
- Có thể một phần lý do là hiện nay cả thế giới đều chú ý đến Tây Tạng. Tây Tạng xưa nay vẫn là vùng đất thần bí, dù giờ nó đã mở cửa, trở thành điểm đến cho khách du lịch toàn thế giới. Chúng ta vẫn còn biết rất ít về lịch sử thần bí của nó, hơn nữa sách vở, tiểu thuyết về Tây Tạng còn rất ít, đặc biệt là tiểu thuyết thám hiểm. Mật mã Tây Tạng có thể là bộ duy nhất thuộc thể loại này. Dùng hình thức độc giả thấy hứng thú nhất để miêu tả về một vùng đất mà họ hứng thú nhất, có lẽ đó là một trong các yếu tố thành công, song đối với tôi, tất cả đều đến một cách rất tự nhiên. Tôi không viết Mật mã Tây Tạng để nó trở thành một cuốn sách bán chạy. Tuy thế, Mật mã Tây Tạng trở thành best-seller tôi cũng rất vui, điều đó có nghĩa là sẽ có nhiều người đọc nó, sẽ có nhiều người có cơ hội tìm hiểu lịch sử bí ẩn cùng khởi nguyên của nền văn hóa Tây Tạng thần bí.
- Là một nhà văn của Tây Tạng, có phải xưa nay anh đều lấy Tây Tạng làm đề tài sáng tác?
- Ngoài Mật Mã Tây Tạng ra, tôi cũng còn một số tác phẩm khác về văn hóa Tây Tạng thần bí đang trong quá trình cấu tứ. Tôi ở vùng đất này suốt mười năm ròng, tôi cảm nhận được một cách sâu sắc sự thần bí của nó, nhưng hầu hết mọi người đều chưa hiểu nhiều về văn hóa Tây Tạng, đặc biệt là những nét văn hóa ẩn giấu trong những bộ kinh phật thâm ảo và truyền thuyết dân gian đất Tạng. Tôi muốn dùng hình thức giản dị nhất để giới thiệu chúng đến mọi người, hy vọng mọi người có thể thực sự hiểu về miền đất tuyệt vời này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét