Nhắc đến Nhật Bản, ai cũng nhớ ngay tới
hai thành phố lớn bậc nhất là thủ đô Tokyo ngày nay và cố đô Kyoto lừng danh
nhất xứ.
Kyoto nổi tiếng với nền văn hóa lâu đời
và những công trình kiến trúc cổ kính, một trong số đó là Kinkaku-ji hay còn
gọi là Kim Các Tự.
Kim Các Tự có nghĩa là “ngôi chùa có lầu các bằng vàng”, và quả
thật như vậy, khi tới sát bên bờ Kyoko-chi (Kính hồ: hồ nước trong như gương),
ai cũng hoa mắt trước sắc vàng lấp lánh của ngôi chùa cổ.
Kiến trúc được khởi xây năm 1397, ban đầu là nơi an dưỡng của
tướng quân Ashikaga Yoshimitsu. Sau này, con của ông đã đổi nơi này làm thiền
viện Phật giáo.
Ngôi chùa có ba tầng, trong đó nổi bật nhất là hai gác được dát
toàn bằng vàng lá, tỏa ánh sáng rực rỡ, cuốn hút.
Kim Các Tự chính là nguồn cảm hứng để người đời sau xây dựng nên
Ginkakuji (Ngân Các Tự: ngôi chùa dát bạc), ở phía bên kia thành phố.
Tầng đầu tiên của ngôi chùa được gọi là Pháp Thủy viện, được xây
từ gỗ tự nhiên, tường trắng thạch cao giản dị, nhằm tôn lên vẻ đẹp lấp lánh của
hai tầng trên.
Tại đây, du khách có thể chiêm ngưỡng từ xa những bức tượng của
tướng quân Yoshimitsu, tất cả đều được coi là các báu vật quốc gia.
Hai tầng trên của kiến trúc là Triều Âm Động và Cửu Cánh Đính đều dát
bằng vàng lá, bên trong có chứa tượng bồ tát, xây theo phong cách đền chùa
Trung Quốc.
Riêng tầng thứ ba được
dát vàng cả trong
lẫn ngoài, phía trên đỉnh chùa là một con phượng hoàng vươn mình kiêu hãnh được đúc bằng vàng.
Bước vào bên trong khuôn viên Kim Các Tự, du khách được tham quan
cả khu vườn thanh tịnh và ao Anmintaku.
Ao nước này được coi là không bao giờ cạn. Du khách cũng thường
ném đồng xu vào bức tượng tọa trong khu vườn để cầu mong may mắn.
Nếu tới thăm Kim Các Tự những ngày vắng vẻ, du khách còn có thể
thưởng trà và bánh ngọt ở phòng trà Sekkatei, vừa ngắm khung cảnh thanh tịnh
bên ngoài, mỗi mùa một vẻ đẹp của nơi đây.
Kim Các Tự đặc biệt đẹp vào độ hoa anh đào nở hay mùa thu khi lá
phong phủ kín rừng cây bên hồ, soi bóng đáy nước, làm nên bức tranh tuyệt đẹp,
hòa hợp giữa công trình xây bởi bàn tay con người và thiên nhiên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét