Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013

Vấn Vương Thơ Mặc Hiền / Bình thơ Thái Hy


 Vấn Vương 
Thơ Mặc Hiền

Cảm tác từ truyện ngắn “Còn vương” của Ngân Triều.

Để em nghe giữa đời quên lãng, 
Một tiếng lòng say đắm, tiếng yêu anh
 (Mặc Hiền)


VẤN VƯƠNG
 Mặc Hiền
(Cảm đề khi đọc “Còn Vương” của Ngân Triều)
Cảm ơn anh, cảm ơn thời gian,
Cảm ơn cả những hoàng hôn không đợi.
Cảm ơn anh, bóng mây chìm nổi,
Cảm ơn lòng bạc bẽo hay quên.
********
Và cảm ơn anh, đã nhắc lại tên,
Chắc cũng đủ, se lòng đôi trang giấy.
Tình thơ dại trôi xuôi dòng êm ái,
Xuân-Triều đâu? Anh hỡi? Ngân Triều ơi!
***
Đem lãng quên anh gom trả lại đời,
Tôi yêu anh mang theo vào giấc ngủ.
Để đêm đêm gẫm nỗi buồn xa xứ,
Có một dòng nước mắt chảy theo xuôi.
***
Xin gởi tặng anh, tất cả ngọt bùi,
Hãy trả em những điều cay đắng.
Để em nghe giữa đời quên lãng,
Một tiếng lòng say đắm tiếng “yêu anh”!
Mặc Hiền-Phạm Văn Rã
(CGV Trường cấp III Hiệp Hòa)
15/10/2011
Ghi chú: Riêng 5 câu trong bài thơ, tác giả cố ý “dệt” 7 từ.
Đó là có dụng ý riêng-không phải thiếu.
BÌNH THƠ    Thái Hy (k2 SPS: 63-65)
Mặc Hiền tên thật Phạm Văn Rã, k4 SPS, cgv Trường C3 Hiệp Hòa, Đức Hòa, Long an, là bạn thân trong nhóm Ngân Triều, Thái Hy, Trần Văn Sửu, Vũ Thụy, Thụy Vy Võ Kim Liêng, Nguyễn Minh Tân và Nguyễn Nam.  Bài thơ nầy, Mặc Hiền nói thay cho nhân vật chính trong truyện Còn  vương. (Xuân,trong truyện là người có nhiều kỷ niệm êm đềm, thơ mộng thời thơ ấu và một tình  yêu đầu đời thắm thiết với Ngân Triều…để cuối cùng dang dở, ly tan. Xuân, có thể là tên nhân vật có hư cấu một chút, đang ở rất xa, đã đọc truyện ngắn đó và trả lời.  Nhân vật tôi: Ngân Triều trong truyện cũng được hư cấu như vậy).
Xin cùng tôi đọc qua bài thợ. 
*Khổ thơ đầu bốn câu với bốn điệp ngữ “cảm ơn”, không những nhấn mạnh những chi tiết bóng bẩy, trữ tình mà hình như còn đậm nhạt những trách hờn của Xuân, được tác giả thay lời.
Cảm ơn anh, cảm ơn thời gian,
Cảm ơn cả những hoàng hôn không đợi.
Cảm ơn anh, bóng mây chìm nổi,
Cảm ơn lòng bạc bẽo hay quên.
Có phải cảm ơn thời gian vì mãi đến giờ mới biết tin người mình yêu vẫn còn khỏe mạnh hay thời gian đã lâu rồi mà tình yêu chan chứa,vẫn vương vấn người xưa.
Cảm ơn những hoàng hôn không đợi, cũng là thời gian nhưng là những thời điểm cuối cùng le lói của đời người.  Phải chăng ở lớp tuổi như chuối chín cây, rơi rụng vô chừng theo gió, tiếng kêu của con chim sắp chết thì rất bi thương, não lòng cũng như con người sắp ra đi thì tiếng  lòng lâm ly, tha thiết, chân  thành?
Bóng mây chìm nổi có thể là cuộc đời của cả hai người, đã phiêu bạt vô định như mây và những đau thương, vinh nhuc, thăng trầm.
Lòng bạc bẽo hay quên chắc là lời hờn trách của nhân vật trong truyện.  Ngần ấy thời gian trôi qua mà anh có nhớ gì đến tôi!!! 
Và cảm ơn anh, đã nhắc lại tên,
Chắc cũng đủ, se lòng đôi trang giấy.
Tình thơ dại trôi xuôi dòng êm ái,
Xuân-Triều đâu? Anh hỡi? Ngân Triều ơi!
*Tiếp theo bốn câu, với hai câu nói thay cho nhân vật và hai câu bộc trực nỗi lòng của tác giả. 
Se lòng đôi trang giấy là một cách nói ẩn dụ.  Vừa se lòng đôi trang giấy đồng thời bản thân cũng rất se lòng, xúc động.
Hai câu sau là cảm nghĩ của tác giả bài thơ về nội dung cốt truyện.  Đôi bạn Xuân -Triều thật là rất đẹp đôi, sao anh Ngân Triều không tranh đấu để phải lỡ làng, di hận phân ly.  Có thể, Mặc Hiền có lời trách cứ NT.   Đành rằng Nàng vì chữ Hiếu nhưng ít ra anh NT cũng phải đấu tranh cho hạnh phúc của mình như “nước chảy, đá mòn” mới phải.  Đằng nầy, anh choáng ngợp trước nan đề hiếu-tình, rồi anh nát lòng, bình chân như vại(!), để thụ động, nhìn nước chảy xuôi!!! 
*Đọc tiếp khổ thơ hứ ba:
Đem lãng quên anh gom trả lại đời,
Tôi yêu anh mang theo vào giấc ngủ.
Để đêm đêm gẫm nỗi buồn xa xứ,
Có một dòng nước mắt chảy theo xuôi.
Đem lãng quên anh gom trả lại đời, Tức là, Anh đã viết được, tức là anh đã trả lại cho đời những gì mà thời gian phôi pha.  Anh đã làm cho dĩ vãng sống lại.  
Còn Em đêm đêm vẫn mơ thấy anh  trong giấc ngủ .  Phải chăng đó là tấm lòng em vẫn mãi yêu anh.  Đó là tấm lóng của em.  Song, nhất là vẫn yêu anh và ở nơi xứ lạ quê người, tâm hồn em lúc nào cũng bơ vơ, sướt mướt như luôn có một dòng lệ tuôn trào.  
Khổ thơ 4 câu, gồm một câu, nói về anh; ba câu thơ nói về em đều là những giai điệu buồn nhớ, chạnh lòng!
*Khổ thơ cuối:
Xin gởi tặng anh, tất cả ngọt bùi,
Hãy trả em những điều cay đắng.
Để em nghe giữa đời quên lãng,
Một tiếng lòng say đắm tiếng “yêu anh”!
Thể hiện một tâm trạng:  xin cho anh, riêng phận em và em xin trải lòng mình. 
Em mong muốn đời Anh đầy những hoa hồng, hạnh phúc ngọt bùi !  Còn em, ray rứt mãi về chuyện tình mình.  Anh có biết rằng em đã cay đắng đến nhường nào không?  Cho dẫu thời gian xóa nhòa tất cả những chuyện cũ, quên lãng là lẽ thường tình tren thế gian nầy nhưng lòng em cứ vẫn say đắm yêu anh.  (Thật rất chung tình, thiết tha; thật rất lãng mạn, lý tưởng?!- Thái Hy).
Bài thơ Vương vấn của Mặc Hiền đã đậm nhạt thể hiện thành công những nét lớn trong nội dung Truyện ngắn Còn Vương của Ngân Triều.  Điểm nổi bật trong tính trữ tình của thơ Mặc Hiền chính là  những ngôn từ tinh chọn, réo rắt, mượt mà, gợi tả khi nhập vai nhân vật,  để người đọc hình dung những nét đẹp về tính cách của Xuân: đa sầu ,đa cảm, cam chịu, bao dung, những nét khả ái tiêu biểu của một cô giáo của thế hệ bấy giờ.  Đồng thời, người đọc cảm thông với việc ứng xử vì Hiếu hay vì Tình, cũng như thái độ bất lực, đớn đau của một chàng trai phải để cho người yêu làm tròn chữ Hiếu.
Để thay lời kết, tôi bỗng nhớ mấy cuâ thơ của Tố Như Tiên Sinh:
Duyên hội ngộ, đức cù lao,
Bên tình, bên hiếu, bên nào nặng hơn?
Để lời thệ hải minh sơn,
Làm con, trước phải đền ơn sinh thành.  (Kiều câu 601-604)
Thân ái, Thái Hy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét