*Chuyện tình nầy thật là lâm ly! Giống như chuyện Đồng tiền Vạn Lịch.

Mỹ nữ duy nhất khiến Tào Tháo phải nhỏ lệ        

Người đẹp quanh Tào chẳng phải ít, nhưng duy nhất một nàng mỹ nữ khiến kẻ gian hùng phải động lòng trắc ẩn mà nước mắt hai hàng.

 - Chẳng phải đại mỹ nhân Điêu Thuyền, cũng không phải Đại Kiều, Tiểu Kiều xứ Đông Ngô, người con gái duy nhất khiến “gian hùng” Tào Tháo phải nhỏ lệ chỉ là một nàng ca kỹ bé nhỏ, mong manh, đáng thương mà cũng đáng phục.
Tương truyền, thời Đông Hán, ở đất Lạc Dương có nàng ca kỹ tài sắc vẹn toàn, ấy là Lai Oanh Nhi. Tiếng thơm lan khắp thiên hạ, khách tới nghe nàng ca, ngắm nàng múa cứ nườm nượp không thôi. Trên sân khấu, người đẹp nhiệt tình cởi mở, khiến đám nam nhân quan khách cuồng dại si mê. Nhưng rời khỏi sân khấu, nàng dường như trở thành một con người khác - trầm mặc ít nói, lạnh lùng kiêu sa – làm những kẻ muốn gần gũi mình chỉ còn nước “cờ im trống lặng”. 

Tào Tháo vốn là kẻ yêu giang sơn, yêu nhân tài, cũng vô cùng mê đắm người đẹp. Từ lâu, ông đã nghe tiếng Lai Oanh Nhi, nên rất muốn một lần được diện kiến mỹ nhân. Thế là, kẻ “gian hùng” bèn hóa trang tới thành Lạc Dương tìm gặp nàng ca kỹ. Được nghe tiếng hát uyển chuyển mượt mà, được ngắm dáng ngọc thướt tha dịu dàng trong từng điệu múa của Oanh Nhi, Tháo đã mười phần bị chinh phục. 

Hình tượng Tào Tháo trên phim.
Hình tượng Tào Tháo trên phim.
Năm ấy, Đổng Trác phóng hỏa đốt Lạc Dương, rời đô tới Trường An. Trong cơn hoạn nạn, Lai Oanh Nhi bỗng chốc thành kẻ bơ vơ, không chốn nương tựa. May nhờ Tào Tháo, người đẹp trong lúc sa cơ đã có nơi cậy nhờ. Thế là nàng ta rong ruổi cùng kẻ “gian hùng” sống cảnh phiệu bạt đó đây trong những lần Nam chinh Bắc chiến. Oanh Nhi trở thành một trong số những ca kỹ của đám quân Tào. Nàng và các cô gái phải dùng chính lời ca điệu múa của mình để cổ vũ khí thế xung trận của binh sĩ. Dẫu không muốn, nhưng người đẹp cũng chẳng còn cách nào. Trong buổi loạn lạc, khó mà tìm được chốn an thân lập mệnh. Biết vậy, nên Oanh Nhi chỉ có thể an phận thủ thường. Giữa lúc chiến tranh, nàng thử dùng lời ca điệu múa giúp Tào Tháo có phút vui vẻ, thư giãn, điều chỉnh thân tâm. Nàng làm vậy cũng là để báo đáp ơn huệ của ân nhân mình. 

Nhưng tình cảm không như lý trí, khó mà điều khiển, chế ngự. Vô tình, một bóng nam nhân anh tú đã “lọt vào mắt xanh” của người đẹp, rồi cứ thế chiếm ngự trái tim nàng. Người đàn ông khiến nàng ca kỹ trứ danh một thời phải mê đắm, chính là thị vệ trong phủ Tào Tháo, có tên gọi Vương Đồ. Người con gái kiêu sa, lạnh lùng ấy đã bất chấp tất cả để dâng trọn trái tim cho chàng. Lúc này, Tào Tháo vì bận việc quân cơ, lại có nhiều mỹ nhân quấn quýt quanh mình, nên chẳng mấy đoái hoài, bận tâm tới Lai Oanh Nhi. Vậy nên, chuyện tình cảm giữa nàng ta và Vương Đồ, ông không hay biết. 

Lai Oanh Nhi - mỹ nữ duy nhất khiến gian hùng họ Tào phải nhỏ lệ.
Lai Oanh Nhi - mỹ nữ duy nhất khiến gian hùng họ Tào phải nhỏ lệ.
Vương Đồ vốn là chàng trai khôi ngô, lanh lợi, có tài, rất được Tào Tháo coi trọng trong phủ Thừa tướng. Tháo có ý muốn cho Vương cơ hội thăng tiến trên bước đường công danh, nên phái anh ta dẫn theo một tốp cả người lẫn ngựa tiến sâu vào vùng địch, thám thính thực hư lẫn nơi tích trữ lương thực của địch. Ấy là một nhiệm vụ vô cùng hiểm nguy, gian khó. Vương Đồ bèn thổ lộ chuyện này với Lai Oanh Nhi. Trước phút sinh ly tử biệt, lại nghĩ tới tương lai mù mịt, nàng ca kỹ nước mắt chan hòa, cứ thế ôm chặt người thương, không nỡ buông tay. Thời gian như thoi đưa, mới đó mà tiếng gà đã gáy sáng, Vương Đồ vì quyến luyến mỹ nhân nên làm lỡ mất thời điểm xuất phát lúc đêm khuya. Quân lệnh như sơn, biết chuyện, Tào Tháo nổi trận lôi đình, sai quân tống Vương Đồ vào đại lao, ban tội chết bằng cách chém đầu trước bàn dân thiên hạ. 

Người đời có câu: “Anh hùng cứu mỹ nhân”, nhưng đôi khi, cũng có chuyện: “Mỹ nhân cứu anh hùng”. Và trong tình huống này, chính Lai Oanh Nhi là người đã cứu vớt mạng sống cho kẻ thị vệ Vương Đồ. Quỳ trước mặt Tào Tháo, nàng một mực nguyện xin chết thay anh ta. Đủ hiểu, tình cảm mà Lai Oanh Nhi dành cho Vương Đồ sâu đậm tới nhường nào. 

Thực ra, phía sau hình tượng hùng tài đại lược, con người Tào Tháo cũng chất chứa nhiều nỗi cô đơn. Trước tấm chân tình của nàng ca kỹ, kẻ “gian hùng” không khỏi động lòng thương cảm. Nhưng Tháo cũng lại yêu cầu Lai Oanh Nhi trước khi chết, trong vòng một tháng phải huấn luyện được nhóm ca vũ có đủ tài nghệ như nàng. Thực chất, ông ta chỉ muốn kiểm nghiệm tình yêu chân thành của người con gái họ Lai thêm lần nữa mà thôi. 

Và Lai Oanh Nhi đã bắt tay thực hiện yêu cầu ấy một cách vui vẻ và hết mực chân thành. Ngoài hy vọng cứu sống tình lang, nàng còn mong mỏi, sau khi mình chết, sẽ có người tiếp tục phận sự trước kia của mình, ấy là giải sầu mua vui cho Tào Tháo, nhằm báo đáp ân tình cưu mang của ông với nàng.

Cả nhóm luyện tập căng thẳng, hăng say trong phủ thừa tướng. Lai Oanh Nhi đã chọn ra bảy thị nữ có khả năng ca vũ thiên bẩm, luyện tập cho họ thâu đêm suốt sáng. Nàng dẫn dắt, truyền thụ cho học trò tất thảy kỹ năng, tuyệt chiêu của mình. Sau những tháng ngày chăm chỉ luyện tập, bảy thị nữ kia tiến bộ trông thấy. Đặc biệt là Phan Xảo Nhi, tỏ ra nổi trội hơn người, thậm chí đã ngang ngửa tài nghệ của Lai Oanh Nhi. Chỉ trong vòng một tháng, những tưởng người con gái bé nhỏ không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thật chẳng ngờ, mọi chuyện lại diễn ra suôn sẻ tới vậy. 

Sau thời gian huấn luyện, các nàng đã có buổi đàn hát múa ca trước sự chứng kiến của Tào Tháo. Xem xong, họ Tào tỏ ra vô cùng mãn nguyện. Nhưng đó cũng là thời điểm Lai Oanh Nhi phải thực hiện lời cầu xin lúc trước của mình. Không chút do dự, sầu bi, người đẹp bình thản phục mệnh Thừa tướng. Nhìn nàng kiều nữ như hoa như ngọc sắp phải lìa xa cõi đời, Tào Tháo không khỏi xót xa thương cảm. Bất giác, ông buông một tiếng: “Thực ra, nàng có thể không cần phải chết!”. Đáp lại, Oanh Nhi vẫn khăng khăng kiên định chủ kiến của mình. 

“Nàng có muốn gặp lại Vương Đồ?”, Tào Tháo cất tiếng hỏi sau hồi lâu chìm trong im lặng. 

Thật chẳng ngờ, Lai Oanh Nhi vẫn một lời kiên quyết: “Khi thiếp đã hạ quyết tâm chết thay người ấy, nghĩa rằng, tình cảm giữa thiếp và anh ta đã chẳng còn gì vấn vương. Gặp nhau giờ này cũng chỉ vô nghĩa. Thà rằng không gặp!”. 

Trước tấm chân tình của người đẹp, Tào Tháo xúc động vô cùng. Ông ta lại ngẫm tới mình. Dẫu rằng quyền cao vọng trọng, nhưng chưa hồng nhan tri kỷ nào cam tâm tình nguyện hy sinh mạng sống vì ông. “Đợi ta thả Vương Đồ ra rồi báo tin cho nàng!”, Tháo nói. 

Lai Oanh Nhi đi rồi, ông truyền gọi Vương Đồ tới gặp. Thật chẳng ngờ, trước mặt thừa tướng, kẻ tội đồ thản nhiên thú nhận, hắn chỉ xem chuyện tình cảm với Oanh Nhi như cuộc vui thoáng qua, chứ chẳng hề yêu đương chân thành. Nghe xong, Tháo nổi cơn tam bành, giáng cho Vương Đồ một cú đá. Vốn muốn giết chết kẻ Sở Khanh bạc tình, nhưng vì trót hứa với Oanh Nhi rằng không lấy đi mạng sống của tên tiểu nhân, nên Tháo chỉ còn nước tống cổ hắn ta khỏi phủ Thừa tướng. 

Nếu đem sự thực nói hết với mỹ nhân si tình, có thể sẽ khiến nàng từ bỏ quyết tâm phải chết, nhưng sống miễn cưỡng khi biết bị Vương Đồ đối xử tệ bạc, thì còn đau đớn, khổ sở hơn gấp bội. 

Nghĩ kỹ rồi, Tào Tháo bèn cho gọi Oanh Nhi tới để báo tin: “Ta đã thả Vương Đồ và đuổi hắn về quê. Nghĩ đến tấm chân tình của nàng, cả những công sức mà nàng bỏ ra để huấn luyện đám ca kỹ, nên ta nghĩ, nàng không cần phải chết!”. 

Lai Oanh Nhi cảm tạ lòng tốt của họ Tào, nhưng nàng vẫn không muốn đón nhận ân huệ kia. Quỳ bái hành lễ xong xuôi, Oanh Nhi quay người bước đi, kiên quyết mà cũng bình thản đến vô cùng. Dõi theo bóng dáng mỹ nhân, kẻ “gian hùng” đã kinh qua đủ chuyện trên đời, nay chợt dâng đầy buồn thương. Và trong giây phút không chế ngự được cảm xúc, họ Tào kia mắt bỗng nhòa lệ. Ấy là lần đầu tiên, Tháo khóc vì một người phụ nữ, và cũng là lần cuối cùng, kẻ “gian hùng” phải sụt sùi nhỏ lệ vì một bóng hồng. 

Minh Hạnh
 (theo Ifeng)