Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

Ngày xuân nơi đất khách - Thơ Trần Lâm Phát

NGÀY XUÂN NƠI ĐẤT KHÁCH
Thơ Trần Lâm Phát



Ngày xuân nơi đất khách


Nhớ ngày xuân ấy sao vui quá
Sum họp bên nhau với tách trà
Bao năm lặng lẽ không tiếng pháo
Tâm tư vẫn nhớ cảnh bên nhà

Anh chị cùng vui với lũ em
Nghĩ đến làm sao lại nhớ thêm
Nghĩ tới nghĩ lui rồi nghĩ quẫn
Mắt lệ nhòa đi trong bóng đêm

Nay đã sáu mươi ngoài tuổi thọ
Bên nhà bên khách cứ đôi co
Ngày xuân đất khách là như thế
Tấp nập chúc xuân của học trò

Virginia, mùng 3 Tết nămTân Mão 2011
Trần Lâm Phát

1 nhận xét:

  1. Khổ 1, 4 câu, thất ngôn tuyệt cú, cắt 1/2 phần sau, sử dụng 4 câu sau của cả bài thơ thất ngôn bát cú: Nỗi nhớ ngày xuân quê mẹ và chạnh lòng nơi đất khách.
    Nội dung đó như cô đọng trong 3 nhóm từ ngữ: "sao vui quá", "sum họp" và "tách trà". Quả thật, sum họp và tách trà là điều kiện cần và đủ để cho ngày xuân quê nhà, là Tết cổ truyền của dân tộc thêm ấm lòng, để niềm vui dâng cao (sao vui quá). Đoàn tụ, uống trà để rồi cầu chúc những lời chúc tốt đẹp, hạnh phúc thì còn gì bằng! ( Không khí vừa trang trọng, vừa thân tình, chan hòa cho tất cả người thân).
    Bây giờ, xuân về nơi đất khách, hình như nhân vật trữ tình không đón xuân (lặng lẽ, không tiếng pháo), nhưng vẫn để hồn vương vấn Tết quê nhà (vẫn nhớ cảnh quê nhà). Có phải đồng cảm với ý thơ của Thế Lữ/ Giây phút chạnh lòng:
    Hôm nay, tạm nghỉ bước gian nan,
    Trong lúc gần xa pháo nổ ran.
    Rũ áo phong sương nơi gác trọ.
    Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang.

    Ta thấy xuân nồng thắm khắp nơi
    Bên đường rộn rã tiếng reo cười.
    Chạnh lòng nhớ bạn xuân năm ấy,
    Cùng đón xuân về bên khóm mai.

    Lòng ta tha thiết đượm tình yêu
    Như cánh đồng xuân luyến nắng chiều
    Mắt lệ đắm trông miền cách biệt
    Phút giây, chừng mỏi gối phiêu lưu.

    Khổ 2: Liên tưởng và chạnh lòng.
    Từ ý thơ của câu cuối: "Tâm tư vẫn nhớ cảnh bên nhà", tác giả đã cụ thể hóa nỗi nhớ, liên tưởng đến người thân gần gũi nhất (lũ em), và chắc là song thân đã qui tiên(?!), chỉ còn có lũ em thơ dại, và càng tưởng nhớ, càng suy nghĩ...thì càng thấy bế tắc cho con đường trước mắt của lũ em, chắc là rất não nề bước đi trong tương lai. (nghĩ quẫn) Biết làm sao hơn? Âu là đành phận, "thử xem con Tạo xoay vần đến đâu". Thật là vô cùng tội nghiệp cho chúng và "Mắt lệ nhòa đi trong bóng đêm" nói thay cho tấm chân tình cốt nhục đệ huynh. Bây giờ đón xuân như thế nào?
    Khổ 3: Bây giờ, tôi đã lên lão, theo cách nói của người xưa. Tuổi hơn 60 là "ngoài tuổi thọ", đã qua tuổi đáo tuế, sống thêm được năm nào là lời (lãi) thêm cho cuộc đời năm đó."Đôi co" là vướng bận về hai phía, quê nhà và nơi đất khách. Thật ấm lòng sao! Những lời chúc tết liên tục, không ngớt (tấp nập) của rất nhiều học trò cũ, ngày xưa đã mail cho tôi.
    Những tâm tình giàn trải trong bài thơ, ngày xuân nơi đất khách, nhớ quê hương, thật là những tâm tình rất đáng trân quý. Có điều, chắc tôi phải "ghen" với Phát là chỉ có ngần ấy năm "đưa con đò thế hệ sang sông", Ông lái đò ngày xưa, không còn đưa đò nơi xứ người nữa ( mà là một chuyên gia thành đạt, nổi tiếng trong ngành Điện Lực Mỹ), sao có nhiều học trò thương mến đến như thế! (Xin tìm xem những bài viết như hồi ký của Phát đã đăng trên 3 blogs thân hữu).
    Rõ ràng, Phát đã có một thành công rực rỡ trong chặng đời làm một "kỹ sư tâm hồn thanh bạch" nơi quê nhà.
    Thân ái, Ngân Triều



    Trả lờiXóa