*Bài nầy Bạn Phát chuyển gửi đã lâu. Vì máy đã cũ hơn 10 năm, tân trang dùng lại nên lúc đó không tài nào download được...mãi đến hôm nay. Xin cáo lỗi cùng Bạn Phát.
GiadinhNet -
Có một câu chuyện về tình nghĩa giữa con người và động vật được giới thợ săn ở
U Minh Hạ truyền tụng như huyền thoại giữa vùng đất bốn bề mật ngọt rừng tràm.
|
Ông Tư Trạng bên con chó săn và chú mèo rừng-kẻ đi săn và con mồi bây giờ thành những người thân trong một gia đình.
Chuyện rằng, suốt mấy chục năm làm nghề thợ săn, bỗng một ngày Tư Trạng (Nguyễn Văn Trạng, SN 1951) đột ngột tuyên bố "rửa tay gác kiếm" sau một chuyến đi rừng về. Câu chuyện gắn liền với một con mèo rừng đặc biệt mà gã đem về từ rừng già và chăm như chăm con.
Cuộc cật vấn lương tâm giữa rừng già
Có dịp ngồi uống cà phê cùng một số anh em làm ở Đài truyền thanh huyện U Minh (Cà Mau), nghe họ kể về lão thợ săn khét tiếng một thời như Tư Trạng mà phải bỏ nghề chỉ vì một con mèo rừng khiến chúng tôi vô cùng thắc mắc. Để giải tỏ sự tò mò của mình, chúng tôi hỏi thăm đường về nhà ông Tư Trạng ở ấp 4, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh. Khi chúng tôi hỏi chuyện tự nhiên bỏ nghề, Tư Trạng không dấu diếm mà cởi mở trả lời hết những thắc mắc.Ông cho biết, câu chuyện cách đây đã 9 năm nhưng mọi thứ vẫn như mới hôm qua và ông muốn mọi người biết câu chuyện của mình như một bài học ở đời và cho tâm hồn của ông thanh thản phần nào.
"Tôi còn nhớ như in một buổi chiều năm 2004, đó cũng chính là buổi đi săn cuối cùng của tôi", Tư Trạng bắt đầu một giọng trầm buồn. Sau khi cơm nước xong, Tư Trạng khoác đồ nghề lên vai, dẫn theo đàn chó săn tinh nhuệ đã gắn bó suốt một thời chinh chiến nhắm rừng già U Minh Hạ thẳng tiến. Trong mớ đồ nghề của Tư Trạng còn có mấy chục cái bẫy dùng để săn thú.Đó là loại bẫy cần, được thiết kế bằng một sợi dây buộc thòng lọng gắn với một chiếc cần, chỉ cần con thú đi qua sẽ bị vướng vào bẫy và bị treo ngược lên. Như thường lệ, sau khi tìm chỗ đặt bẫy xong, Tư Trạng chọn một gốc cây ngồi hút thuốc chờ đến khi trời sáng để đi thu thành quả. "Nhưng không hiểu sao, suốt đêm hôm ấy trong người tôi có một cảm giác rất lạ, một nỗi sợ mơ hồ. Không phải là sợ thú dữ hay là chuyện ma quỷ giữa rừng mà cái cảm giác bất an tôi chưa từng có suốt mấy chục năm làm nghề", Tư Trạng nhớ lại.
Khi mặt trời còn chưa ló dạng, Tư Trạng bắt đầu đi thăm những chiếc bẫy đã đặt chiều qua.Ngay chiếc bẫy đầu tiên, một con nai lớn dính bẫy đã chết, mắt trắng dã. Quan sát kĩ, Tư Trạng nhận thấy đó là một con nai đang có mang. Ông nhớ lại: "Suốt cả đêm bồn chồn, khi nhìn đấy cảnh đấy tự nhiên tôi cảm thấy rợn người. Đó cũng là một cảm giác tôi chưa bao giờ thấy.Bởi đáng ra, đối với một người đi săn, khi nhìn thấy chiếc bẫy đầu tiên dính mồi thì đáng lẽ phải vui chứ. Tôi tự trấn tĩnh, mình đã theo cái nghiệp làm thợ săn thì chuyện giết thú rừng là chuyện hết sức bình thường để tiếp tục công việc".
Vợ Tư Trạng là bà Hai Thu nhớ lại: "Sau chuyến đi săn đó
trở về, ông ấy cứ thơ thẩn suốt ngày, không nói không cười. Nhiều người nói với
tôi coi chừng ông ấy bị ma rừng nhập, nghe vậy tôi sợ đến mất vía.Tôi kêu ổng
đi thầy bà thì ổng la mắng và bảo từ nay sẽ bỏ nghề đi săn và tính kế khác sinh
nhai nuôi sống gia đình".
Trong lòng không vui, Tư Trạng đi đến chiếc cần bẫy thứ hai. Gần đến nơi, gã thợ săn bỗng thót tim khi nghe như tiếng một ai đó đang gào lên não nề. Rón rén lại gần để quan sát, Tư Trạng như chết sững bởi cảnh tượng đang diễn ra trước mắt: Một con mèo đực rừng lớn đang chạy vòng quanh phía dưới chiếc cần bẫy kêu gào thảm thiết. Trên cần bẫy một con mèo cái bị treo ngược hình như đã chết. Ngay phía dưới đất có 3 con mèo con nhưng chỉ còn một con còn sống, thỉnh thoảng mới "meo" lên một tiếng nghe não nề. Hình như con mèo đực đã kêu gào suốt cả đêm vì bất lực trước cái chết của con mèo cái nên tiếng của nó đã lạc đi. "Giữa rừng già buổi sáng sớm, nghe tiếng kêu đó còn kinh khủng gấp trăm lần tiếng kêu của mèo gọi tình giữa đêm khuya mà mọi người vẫn nghe ở nhà. Tôi ngồi lặng đi và tự nhiên cảm thấy người lạnh toát".
Sau khi trấn tĩnh lại, Tư Trạng quyết định rời khỏi chỗ nấp đi đến chỗ chiếc bẫy.Thấy bóng người, con mèo rừng bố vội cắp hai đứa con chạy biến vào rừng. Không hiểu vì quá vội hay cố tình mà con mèo bố chỉ cắp xác hai đứa con đã chết, để lại đứa con đang thoi thóp thở phía dưới xác mẹ nó cho gã thợ săn. Là một tay thợ săn lão luyện, suốt mấy chục năm hành nghề, Tư Trạng chưa từng biết sợ hay xúc động điều gì khi ở trong rừng với những con thú, nhưng lần này Tư Trạng phải rơi nước mắt. "Bởi nhìn cảnh con mèo con kêu gào vì khát sữa khiến tôi bất giác nghĩ đến các con mình… Sau một lúc lấy lại bình tĩnh, tôi chôn con mèo cái ngay dưới chân cây bẫy.Sau đó tôi vứt hết đồ nghề đi săn ở trong rừng, ôm mỗi con mèo con về nhà và quyết định bỏ nghề".
Con thú trả ơn gã thợ săn cứu sống mình
|
Chú mèo rừng ngày xưa nay đã sống gần 9 năm với Tư Trạng.
Con mèo rừng ngày xưa Tư Trạng đặt cho cái tên là "Tiểu lâm". Ông giải thích sở dĩ còn mèo có tên như vậy là vì ông muốn nhớ lại một thời ngang dọc giữa chốn đại ngàn của mình. Và cũng để nhớ về một thời "làm ác" để mà răn dạy con cháu tìm kế khác sinh nhai không được sát sinh như ông nữa. Những ngày đầu, con mèo rất yếu, Tư Trạng đã phải tìm mọi cách để chăm sóc cho nó."Tôi phải đi xin sữa khắp nơi, lấy nước cơm bón cho nó từng tí. Tôi chỉ sợ nó chết thì mình càng ân hận hơn. Có lẽ nó mất mẹ quá sớm nên khi được tôi chăm sóc như vậy thì rất quấn quýt.Cho đến tận bây giờ, lâu lâu tôi có việc phải đi xa nhà vài ngày thì dường như nó nhớ chủ ít ăn uống và kêu la suốt ngày.Chỉ đến khi tôi về thì nó mới vui vẻ như bình thường", ông Tư Trạng kể với giọng vui vui.
Ngồi kế bên, khi nghe ông bạn già của mình trải lòng với khách, ông Sáu Trung cười khì: "Một tay không sợ trời, không sợ đất như ông ấy mà cũng có lúc phải run người chợt nhận ra điều mình làm là sát sinh thì quả là hiếm thấy. Mà ông bà xưa nói quả đúng không sai, "cứu vật, vật trả ơn - cứu nhân, nhân trả oán". Ngày xưa Tư Trạng cứu con mèo rừng một mạng thì mới đây nó lại cứu chính bản thân ông ấy lại một mạng". Thấy chúng tôi ngơ ngác chưa hiểu ra chuyện gì, ông Sáu Trung giải thích: "Mới hơn tháng trước, trong lúc Tư Trạng và con mèo ra chăm sóc vườn cây sau nhà, do mải làm mà ông ấy không phát hiện con rắn hổ đang nằm dưới gốc cây cách chân mình chưa đầy 1m. Cũng may, con mèo phát hiện lao đến vồ con rắn cứu chủ nếu không thì chẳng biết chuyện sẽ xảy ra".
Tư Trạng ôm con mèo vào lòng rồi gật đầu xác nhận chuyện đó. Ông cho biết, đó là một con rắn hổ khá lớn không biết từ đâu chui vào vườn nhà ông nằm.Như thường lệ, mỗi khi ông làm gì thì con "Tiểu Lâm" cũng quấn quýt xung quanh.Hôm đó, đang mải mê cuốc đất, bỗng dưng ông nghe tiếng con mèo rít lên rồi phi vào chỗ gốc cây cách chỗ ông đứng không xa. "Tôi giật nẩy mình khi thấy một con rắn hổ ngóc đầu lên phun phì phì hướng về phía con mèo. Con mèo không dám phi vào nhưng nó dựng lông, vểnh tay, nhe răng lên thủ thế, miệng cứ gầm gừ. Thấy vậy, tôi vội lấy cái cây đánh chết con rắn. Thật là hú vía! chỉ cần con mèo phát hiện chậm một chút nữa thì chắc là tôi đã bị rắn cắn. Loài hổ mang này là thứ kinh sợ nhất ngay cả với những thợ săn ở trong rừng già.Bị nó cắn một phát, nếu không được chữa trị kịp thời thì chỉ vài tiếng đồng hồ là tử vong.Ở vùng U Minh Hạ này cũng đã không ít thợ săn mất mạng trong rừng vì loại ác thú này", Tư Trạng nói.
Nói về chuyện đi săn, ông Tư Trạng trùng giọng: Hồi xưa, rừng U Minh Hạ này nhiều thú lắm nên ham. "Hồi ấy thú rừng nhiều vô số kể, heo rừng, chồn, nai… chạy thành từng đàn trong rừng. Chỉ với một bầy chó săn và một dàn bẫy nhưng có đêm tôi bắt được hàng chục con heo rừng và các loài thú khác. Có những lần, tôi phát hiện trước mắt mình là cả một cánh đồng rộng lớn đầy dấu chân nai. Đàn chó săn của tôi có một ngày hả hê tha hồ mà vồ bắt con mồi. Tôi chỉ có việc đi theo sau mà thu chiến lợi phẩm. Cách đây khoảng 20 năm, cứ sau mỗi chuyến đi săn kình đước, tôi chỉ trở về khi nào cả một xuồng be 8 đã chất đầy… Nhưng đời thường nói "sinh nghề tử nghiệp" cũng vì làm nghề này mà không ít người phải bỏ mạng giữa rừng, không bao giờ tìm thấy xác. Người ta cũng bảo "ăn của rừng rưng rưng nước mắt" nên sau vụ con mèo tôi nhất quyết bỏ nghề luôn". Trước khi ra về, Tư Trạng nói với một câu khiến tôi nhớ mãi: "Con người ai cũng có một lần lầm lỗi, nhưng quan trọng là phải biết sửa sai, từ bỏ cái ác để hướng thiện".
Tấn Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét