Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2016

Nên hay không nên dạy và học chữ Hán ở trường phổ thông/ PGS TS Đoàn Lê Giang

Dạy chữ Hán trong phổ thông: Nên hay không?

Đề xuất của PGS. TS Đoàn Lê Giang – đưa chữ Hán quay trở lại nhà trường phổ thông Việt Nam – đã gây nên nhiều tranh luận trong cộng đồng mạng, mà số người phản đối chiếm phần nhiều hơn. Khoan hãy bàn đến vấn đề Trung Quốc hay không Trung Quốc, mà cần xoáy vào trọng tâm, việc đưa chữ Hán vào trường học có ích gì cho thế hệ trẻ Việt Nam?


(ảnh qua thechinesestaffroom.com)

Đầu tiên, cần hiểu rõ một chút về cái gọi là “chữ Hán”

Vào thời Trung Quốc cổ đại, mỗi triều đại khác nhau lại có các hệ thống chữ viết khác nhau, nhưng đến triều đại nhà Hán (khoảng năm 200 TCN), hệ thống chữ viết đã được cố định lại và về cơ bản thì nó không thay đổi cho đến ngày nay. Ký tự Trung Quốc được gọi là “Hán tự”, nghĩa là chữ viết của người Hán.
Chữ Hán du nhập vào Việt Nam vào khoảng thế kỷ 1 TCN, ngay sau khi Trung Quốc xâm lược Việt Nam. Trong suốt một nghìn năm, tiếng Hán đã được giảng dạy ở Việt Nam và người Việt đã chấp nhận ngôn ngữ mới đó song song với tiếng Việt, tiếng nói truyền miệng.
Năm 938, sau chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền, người Việt đã độc lập và không còn lệ thuộc vào phương Bắc nữa, nhưng ngôn ngữ vẫn còn đậm ảnh hưởng của tiếng Hán. Chữ Hán giữ địa vị là văn tự chính thức nhưng cách đọc đã phát triển theo hướng riêng, khác với sự phát triển tiếng Hán ở Trung Quốc.
Trong quá trình đó, chữ Hán vẫn được người Việt dùng và phát triển thêm nhưng cách phát âm chữ Hán lại bị chi phối bởi cách phát âm của người Việt, tạo ra và củng cố dần âm Hán-Việt.
Do nhu cầu phát triển, người Việt đã sử dụng chữ Hán để tạo ra chữ viết riêng, tức chữ Nôm. Trong khi đó cổ văn Hán vẫn được coi là mẫu mực để noi theo. Chữ Nôm ghép các thành tố trong chữ Hán để ghi âm tiếng Việt, sáng tạo ra những chữ mới mà ở tiếng Hán nguyên gốc không có.
Như vậy, về cơ bản, nếu bạn có thể đọc được chữ Hán truyền thống thì bạn có thể đọc được các tài liệu được viết trong vòng 2.000 năm nay, cả ở Trung Quốc và Việt Nam.
Cho dù ngày nay người Việt có tâm lý bài Trung, nhưng không thể phủ nhận rằng chữ Hán đã được dùng để ghi lại nhiều văn kiện, tác phẩm quan trọng của người Việt trong suốt chiều dài lịch sử. Ngôn ngữ vừa là một bộ phận của văn hóa và cũng là công cụ truyền tải văn hóa. Nó là một phần quan trọng nhất trong toàn bộ thể hệ văn hóa. Do đó, biết chữ Hán chính là chìa khóa để các thế hệ sau hiểu rõ về cha ông qua các ghi chép, di tích còn lưu lại.
Ngoài ý nghĩa lịch sử đối với người Việt, chữ Hán còn có 1 tính chất quan trọng nữa: “văn dĩ tải đạo” (văn để chở đạo).

Chữ Hán phồn thể – học chữ cũng là học cách làm người

Khác với các ngôn ngữ La-tinh (như tiếng Anh) vốn dùng chữ cái ghi lại cách phát âm, chữ Hán là một loại chữ tượng hình, mang theo cách giải thích của cổ nhân về thế giới. Ví dụ:
Chữ Xuân 春(chūn), cũng chính là mùa xuân, từ này gợi đến hình ảnh tươi đẹp của những mầm non vươn lên dưới nắng mai. Từ này gồm 3 phần, phần thứ nhất là bộ thảo 艸, để chỉ thực vật cây cỏ, phần thứ 2 là chữ đồn 屯 tượng trưng cho những mầm non, và cuối cùng là chữ nhật 日, tức là mặt trời.

(ảnh: Shen Yun/Facebook)
(ảnh: Shen Yun/Facebook)

Chữ Hán truyền thống, hay còn gọi là “chữ Hán phồn thể” (để phân biệt với chữ “giản thể” được đưa vào từ năm 1950), bao hàm văn hóa và tư tưởng truyền thống. Mỗi ký tự là một câu chuyện.
Chữ Nhẫn(忍): Bộ thủ bên dưới là Tâm (心). Trên bộ Tâm, chúng ta có một thanh đao sắc bén (刃). Vì vậy, bất cứ khi nào bạn rơi vào hoàn cảnh làm bạn cảm thấy một lưỡi đao sắc bén đang khứa vào trái tim mình, nhưng vẫn cố nhẫn chịu nỗi đau đớn, bạn đang thực hành Nhẫn (忍). Người có Nhẫn – ý chí kiên cường – có thể gánh vác việc lớn.

(ảnh: Shen Yun/Facebook)
(ảnh: Shen Yun/Facebook)

Chữ 仁 (Nhân) được hợp thành từ chữ 人 (Nhân), nghĩa là con người, và chữ  二 (nhị) nghĩa là hai – thể hiện mối quan hệ giữa hai người với nhau, mang ý nghĩa con người đối xử với nhau cần dùng thiện lương và nhân ái. Điều thú vị là chữ 人 (Nhân – con người) và 仁 (Nhân – nhân đức, nhân nghĩa) đều phát âm giống nhau (rén). Người xưa tin rằng chỉ một người có nhân nghĩa mới đúng là một con người chân chính. Khổng Tử từng xem Nhân có nghĩa là “Điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác”.

(ảnh: Shen Yun/Facebook)
(ảnh: Shen Yun/Facebook)

Chắc chúng ta đều biết, Mạc Đĩnh Chi thời còn nhỏ, nhà nghèo không có tiền đi học, thường phải bắt cá để đổi lấy chữ của chúng bạn. Một con cá đổi một con chữ, chữ là quý như thế. Thế mới thấy, giá trị của chữ Hán không chỉ thể hiện là một công cụ ghi chép kiến thức, nó còn mang hàm nghĩa giáo dục con người. Người “văn hay chữ tốt” không phải chỉ nói đến kĩ thuật và tài năng bề ngoài, mà còn cho thấy nội tâm trong sáng, đạo đức cao thượng. Bởi vì “văn hay xuất tại tự tâm” (văn hay là từ nội tâm phản ánh ra), nên đi thi Trạng Nguyên có thể từ bài văn mà đánh giá trình độ, nội tâm của một người.
Ngôn ngữ La-tinh chỉ có sự kết hợp giữa Âm – Nghĩa, tuy nhiên, hệ thống chữ Hán có sự liên kết chặt chẽ giữa cả Hình – Âm – Nghĩa, nên mang tính ổn định cao, có tác dụng hết sức quan trọng trong việc duy trì sự ổn định và thống nhất qua nhiều nghìn năm của nền văn minh Trung Hoa nói riêng và phương Đông nói chung.
Đọc hết phần này, một câu hỏi thú vị cũng xuất hiện, nếu chữ Hán có tác dụng giáo dục đạo đức, vậy tại sao người Trung Quốc ở đại lục ngày nay lại trở nên “xấu xí” như thế? Hãy tìm hiểu câu chuyện về chữ Hán giản thể và bài học nhãn tiền khi phá hoại văn hóa truyền thống.

Chữ giản thể và thực trạng xã hội Trung Quốc

Nửa cuối năm 1950, Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cải cách chữ Hán cổ thành chữ giản thể trên quy mô lớn. Chính vì vậy, những người sinh ra từ sau thập niên 60 đã không thể đọc hiểu được các thư tịch cổ, và tạo ra sự đứt gãy văn hóa truyền thống. Nền văn hóa Trung Hoa mấy nghìn năm đã bị mai một, thay vào đó là sự phổ biến rộng rãi của văn hóa ĐCSTQ.
Mỗi chữ Hán cổ là một thể hoàn chỉnh, đó là sự kết tinh của những bối cảnh văn hóa, quá trình phát triển lịch sử và kinh nghiệm xã hội trong suốt chặng đường trưởng thành của một dân tộc. Tuy nhiên, chữ giản thể thì chỉ giống như một kí hiệu, nhìn thì có vẻ tiện lợi nhanh chóng, nhưng thực chất lại là một thứ tàn khuyết bất toàn, giản mà không tinh. Đã vậy còn phá hoại luôn nội hàm của một hệ thống văn tự.
Cùng với việc giản hóa chữ Hán, văn hóa truyền thống bị bỏ rơi, đạo đức suy thoái, xã hội hỗn loạn, con người thiển cận. Hiện nay, tại Trung Quốc chữ giản thể được sử dụng rộng rãi, và cũng là thứ ký hiệu thể hiện rõ nhất bộ mặt xã hội Trung Quốc đương thời.
Ví dụ, chữ 親 (Thân) tức thân thích, thân hữu. Gồm bộ Tân 辛 bên trái, và chữ Kiến 見 bên phải, hàm nghĩa của bộ Tân tức là vị cay, tượng trưng cho sự gian khổ, chữ Kiến tức là gặp mặt, nhìn thấy nhau; cho dù trong lúc khó khăn nhất, những người thân sẽ vẫn luôn ở bên cạnh và tương trợ lẫn nhau, giữ được tình cảm khăng khít. Chữ giản thể đã bỏ mất đi chữ Kiến chỉ còn lại bộ Tân, anh em, vợ chồng, cha con vì bước đường mưu sinh gian khổ đã không còn nhìn mặt nhau nữa.
Ái (愛) ý nghĩa là tình yêu, gồm bộ Tâm 心 (con tim) và chữ Thụ 受 (chịu đựng), tình yêu thương chính là sự chấp nhận và tình nguyện hi sinh. Chữ giản thể đổi thành 爱, mất đi chữ Tâm (trái tim). Trở thành tình cảm (tình yêu) hời hợt bên ngoài không có con tim.
yeu khong co trai tim
Tiến 進 (tiến bộ) gồm bộ Sước 辶 (bước chân) và chữ Giai 佳 (tốt đẹp), thay đổi thành 进, Chữ giai thay đổi thành bộ Tỉnh 井 (cái giếng), tức “bước chân đi vào giếng” – cũng chính là tự hủy diệt mình.
Thính (聴) nghĩa là nghe, gồm bộ Nhĩ 耳 chỉ cái tai;  bên phải là chữ Thập 十 (số mười) phiếm chỉ số nhiều, chữ Mục 目 (con mắt) và cuối cùng là Tâm 心 (con tim), người ta phải nghe bằng tai, nhìn nhận nhiều lần bằng mắt và suy xét bằng nội tâm. Chữ giản thể đã đổi lại thành 听 gồm chữ Khẩu 口 (cái miệng) và Cân 斤 (cái rìu). Người ta chỉ biết dùng miệng để tranh cãi và dùng vũ khí để giải quyết mâu thuẫn.
Sỉ 恥 (liêm sỉ, xấu hổ) gồm bộ Nhĩ 耳 (tai) và chữ Tâm 心 (con tim). Người ta phải hướng nội, lắng nghe tiếng nói của lương tri, liêm sỉ bên trong mình để biết hổ thẹn khi làm việc xấu xa. Chữ giản thể lại thay đổi thành 耻 gồm bộ Nhĩ 耳 (tai) và chữ Chỉ 止 (dừng lại), người ta chỉ biết nghe rồi để đó, chứ không tự suy xét chính lương tâm của mình.
Mãi 買 tức mua bán, gồm hai bộ Khẩu 口 ở phía trên biểu thị sự thương lượng giữa bên mua và bán; còn bộ Bối (vỏ sò) ở phía dưới tượng trưng cho tiền tệ. Sau bị thay đổi thành 买 gồm nửa bộ Mịch 冖 ở trên (có nghĩa là trùm kín, bịt) ở dưới là bộ Đầu 头 (cái đầu), về bản chất việc mua bán là phải dùng tiền bạc nhưng ở đây lại giống như sự bưng bít, bịt miệng và cướp giật tài sản.

Trung Quốc: Người dân đang dần quên cách viết chữ Hán
Trung Quốc: Người dân đang dần quên cách viết chữ Hán

Chữ giản thể vốn cầu sự tinh giản mà bỏ mất nội hàm, cầu lấy sự nhanh chóng ở bề mặt mà bỏ mất chiều sâu trong ý nghĩa, thậm chí tương phản. Tuy nhiên cũng có những chữ Hán không thay đổi, hầu hết là những chữ có hàm nghĩa xấu. Ví dụ như ma (ma quỷ) 魔 thì vẫn là 魔, qủy 鬼 thì vẫn là 鬼,phiến  騙(lừa gạt) thì vẫn là騙,tham 貪 thì vẫn là 貪, độc 毒 thì vẫn là 毒,dâm 淫 thì vẫn là 淫,đổ  賭 (cờ bạc) thì vẫn là 賭.
Những điều tốt đẹp bị cắt bỏ đi, những thứ xấu xa còn tồn lại. Có thể nói, những chữ giản thể này đang nói lên hoàn cảnh xã hội Trung Quốc ngày nay vô cùng chính xác.

Lời kết

Văn hóa là linh hồn của dân tộc. Sự phá hủy hoàn toàn văn hóa của một dân tộc dẫn tới sự tiêu vong của dân tộc đó. Những dân tộc cổ xưa sáng tạo ra các nền văn minh huy hoàng bị coi như đã biến mất khi nền văn hóa của họ biến mất, mặc dù người của các dân tộc đó có thể vẫn tồn tại. Nhân tố tinh thần này cũng quan trọng không kém các nhân tố vật chất như giống nòi và đất đai. Sự phát triển văn hóa định ra lịch sử nền văn minh của một đất nước.
Người Việt có thể học hỏi từ người Hàn, người Nhật – những nơi đã gìn giữ rất tốt lịch sử, văn hóa truyền thống quý giá, làm nền tảng cho sự phát triển của đất nước. Nhưng ngoài ra, người Việt còn có thể nhìn vào những sai lầm nhãn tiền ở Trung Quốc mà rút ra bài học cho mình. Không bảo tồn văn hóa, mà cốt lõi là chữ viết, đạo đức sẽ suy thoái, xã hội hỗn loạn, con người trở nên thiển cận.
Học sinh Việt Nam ở bậc phổ thông đang bị học quá tải, vì nếu đề xuất thêm bất kỳ chương trình nào nữa thì việc phụ huynh “than trời” là đương nhiên. Nhưng hãy thử nghĩ một chút, ở phổ thông phải học rất nhiều kiến thức “cao cấp” như đạo hàm, tích phân nhưng gần như sau này trong cuộc đời chẳng bao giờ áp dụng. Trong khi những cái cốt lõi để sống hài hòa với tự nhiên đất trời (thiên-địa-nhân), giữa người với người thì lại rất thiếu (kĩ năng giao tiếp, ứng xử tự tin, sống chân thật…)
Tại sao mấy năm nay những lớp dạy kĩ năng mềm ngoài trường học chính quy lại bùng nổ như vậy? Bởi vì con em chúng ta đang “đói” những kiến thức này. Nhưng kĩ năng mềm vốn du nhập từ phương Tây kết hợp với phương pháp training hội thảo (đa số 1-3 ngày) chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn, dạy kĩ xảo mà lại không giải quyết được cái gốc là ở giáo dục đạo đức và học cách làm người. Xã hội ngày càng có nhiều người giàu kiến thức, nhưng người thật sự có tâm thì không được bao nhiêu. Cuộc sống ganh đua nhiều áp lực, hành xử giữa người với người ngày càng gay gắt.
Có thể xem việc học chữ Hán cũng như đối với một bộ môn ngoại ngữ bất kỳ nào, chẳng hạn tiếng Anh, tiếng Nga, v.v… Nhưng người học chữ Hán phồn thể có 2 loại lợi ích:
1. Biết thêm một thứ ngôn ngữ khác.
2. Học được những bài học về đạo đức, cách sống, cách ứng xử và nhìn nhận sự việc theo tiêu chuẩn làm người cao thượng của cổ nhân thông qua từng con chữ. Từ đó có sự kết nối với lịch sử, quay về với những giá trị xa xưa mà cha ông ta đã từng rất trân trọng, khôi phục lại văn hóa truyền thống, đề cao “nhân-lễ-nghĩa-trí-tín” là những giá trị cốt lõi để làm người.
Phong Trần
Nguồn tham khảo:
Sự khác nhau giữa chữ Hán phồn thể và giản thể – YouTube
Trung Quốc: Người dân đang dần quên cách viết chữ Hán (link)
Chữ Hán – Wikipedia (link)
Chữ Nôm – Wikipedia (link)
Xem thêm:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét