Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2014

Thành Cổ Loa xưa, Viễn Phương chia sẻ /Phụ lục thơ, Ngân Triều st

On Thursday, April 10, 2014 7:29 PM Nguyễn Hữu Chánh sưu tầm
 

Thành Cổ Loa

Thành Cổ Loa là di tích lịch sử có từ hơn 2050 năm, là di tích thứ nhì sau vua Hùng.
Ước nguyện là làm thế nào để đến được các di tích lịch sử từ đời vua Hùng cho đến các triều đại về sau.
Xin giới thiệu di tích thành Cổ Loa ở Đông Anh - Hà Nội.
 
Hình hướng dẫn du khách vào thành Cổ Loa ở Đông Anh.
 
 
Sơ đồ thành Cổ Loa, nhìn thì biết thế nhưng thật ra để nhìn toàn cảnh thành Cổ Loa phải dùng máy bay trực thăng mới thấy được tổng thể của thành vì quá rộng lớn.
Cổ Loa là kinh đô của nhà nước Âu Lạc, dưới thời An Dương Vương vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên và của nhà nước dưới thời Ngô Quyền thế kỷ 10 sau Công nguyên.
 
Thành Cổ Loa được xây bằng đất do thời ấy ở Âu Lạc chưa có gạch nung. Thành có 3 vòng. Chu vi ngoài 8km, vòng giữa 6,5 km, vòng trong 1,6 km. Diện tích trung tâm lên tới 2 km². Thành được xây theo phương pháp đào đất đến đâu, khoét hào đến đó, thành đắp đến đâu, lũy xây đến đó. Mặt ngoài lũy, dốc thẳng đứng, mặt trong xoải để đánh vào thì khó, trong đánh ra thì dễ. Lũy cao trung bình từ 4-5m, có chỗ 8–12 m. Chân lũy rộng 20–30 m, mặt lũy rộng 6–12 m. Khối lượng đất đào đắp ước tính 2,2 triệu mét khối.
 
Điểm đến đầu tiên khi vào thành Cổ Loa, dọc đường đông đúc nhà của phố thị là cửa Trấn Nam.
 
Miếu thờ thần trấn cửa Nam. Thành Cổ Loa có 4 miếu trấn 4 hướng Đông - Tây - Nam - Bắc.
 
Qua cửa Trấn Nam rẽ tay phải đến khu di tích đền thờ tướng Cao Lỗ.
 
 
Hình tượng tướng Cao Lỗ ở giủa hồ, tay dương nỏ Liên Châu.
 
Cao Lỗ (? - 179 trước Công nguyên) (còn gọi là Cao Nỗ, Cao Thông, Đô Lỗ, Thạch Thần, hay Đại Than Đô Lỗ Thạch Thần) là một tướng tài của Thục Phán An Dương Vương, quê quán tại xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh ngày nay.
Tương truyền, ông là người chế ra nỏ liên châu (bắn được nhiều mũi tên một phát) mà còn được gọi là Nỏ thần. Ông là người khuyên Thục An Dương Vương dời đô xuống đồng bằng, tìm đất đóng đô và là người được An Dương Vương giao nhiệm vụ thiết kế và chỉ huy công trình xây thành Cổ Loa.
 
 
 
 
 
Đền thờ Cao Lỗ.
Mũi tên bằng đồng, cổ vật được tìm thấy tại khu di tích thành Cổ Loa.
Cha đẻ nỏ Thần
Cao Lỗ là người sáng chế ra nỏ Liên Châu (nỏ thần), bắn một lần được nhiều phát mà các mũi tên đều bịt đồng sắc nhọn. Sử sách cũ đã thần thánh hóa gọi là: "Linh Quang Thần Cơ". Sách Lĩnh Nam chích quái chép rằng: Cứ đem nỏ ra chĩa vào quân giặc là chúng không dám đến gần.
Cao Lỗ huấn luyện cho hàng vạn binh sỹ ngày đêm tập bắn nỏ. Vua An Dương Vương thường xem tập bắn trên "Ngự xa đài", dấu vết này nay vẫn còn (góc đông bắc ngoài thành nội).
Là người phát minh ra nỏ thần, lại có tài bắn nỏ nên dân gian thường gọi ông là Ông Nỏ.
Khi Triệu Đà cho quân xâm lược Âu Lạc chúng đã bị các tay nỏ liên châu bắn tên ra như mưa, thây chết đầy và phải lui binh. Đương thời, nỏ liên châu trở thành thứ vũ khí thần dũng vô địch của nước Âu Lạc.
 
Án thờ tiền sảnh, thờ Bách gia trăm họ.
 
Án thờ Cao Lỗ ở Hậu cung.
Qua đời
 
Triệu Đà bèn lập xảo kế thông gia cho con trai là Trọng Thủy lấy con gái An Dương Vương là Mỵ Châu. Cao Lỗ phản đối, khuyên vua không nên nhận, nhưng An Dương Vương không nghe còn nghe lời dèm pha của Lạc hầu. Cao Lỗ dần dần bị vua xa lánh, ông bỏ đi tìm nơi ở ẩn.
Sau khi Trọng Thủy biết được bí mật phòng thủ của An Dương Vương và về mách cho vua cha, Triệu Đà mang quân sang đánh. An Dương Vương thua chạy. Quân Triệu đuổi theo. Cao Lỗ biết tin, ra đón đường chặn đánh quân Triệu cho vua chạy thoát nhưng do Mỵ Châu tin lời của Trọng Thủy, rải lông ngỗng theo sau để Trọng Thủy lần theo nên cả hai đã tử trận.
 
Toàn cảnh đền thờ Cao Lỗ.
 
Đền thờ Vua An Dương Vương cách đền thờ Cao Lỗ chừng 150m
 
Hồ nước trước đền thờ, một phong cảnh hữu tình nhất của thành Cổ Loa.
 
Cổng chính của đền thờ vua nhìn ra hồ nước.
 
Qua cổng chính là cổng Tam Quan.
 
Hình ảnh nhìn từ chánh điện ra phía trước, thiêt kế gọn gàng, hai bên là hai nhà tả, hữu. Buổi trưa hết giờ hành chánh cửa điện đóng nên không vào bên trong điện được
 
 
 
Rời điện thờ, ra ngoài nhìn cảnh hồ thật nên thơ, chụp một bức ảnh góc xa nhìn về ngôi đền.
 
Dù đã trưa nhưng vẫn tiếp tục quay lại đền Cao Lỗ, phái sau đền Cao Lỗ là cung đình, nơi hội họp của An Dương Vương.
 
Cổng chánh.
 
Cung điện là một tòa nhà 9 căn, cửa đóng then gài vì quá trưa không mở cửa.
 
Bên cạnh là miếu thờ Mỵ Nương.
 
Án thờ Hội đồng.
 
Án thờ Mỵ Nương ở Hậu cung, nơi đây âm u thấy rợn người khi lẻn vào chụp ảnh.
 
Một góc nhìn về chánh điện.
 
Một cảnh của hồ nước trước trước đền thờ rất thơ mộng.
 
Góc xa nhìn về ngôi đền thờ vua.
 
 
Hình ảnh một đoạn thành Cổ Loa.
Thành Cổ Loa được các nhà khảo cổ học đánh giá là "tòa thành cổ nhất, quy mô lớn vào bậc nhất, cấu trúc cũng thuộc loại độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt cổ"
Khi xây thành, người Việt cổ đã biết lợi dụng tối đa và khéo léo các địa hình tự nhiên. Họ tận dụng chiều cao của các đồi, gò, đắp thêm đất cho cao hơn để xây nên hai bức tường thành phía ngoài, vì thế hai bức tường thành này có đường nét uốn lượn theo địa hình chứ không băng theo đường thẳng như bức tường thành trung tâm.
 
 
 
 
Nhiều đoạn thành bị cắt xẻ để làm đường giao thông đi lại từ khu vực nầy sang khu vực khác do mật độ dân số tăng lên, lập thành hệ thống liên thông giửa là này qua làng khác đã phá vỡ cảnh quang của hệ thống thành Cổ Loa.
 
 
Cửa Trấn Bắc
 
 
Cửa Trấn Bắc trên vị trí vòng thành thứ 3, cách trung tâm Cổ Loa 5km. được người dân nơi đây tôn tạo giữ gìn.
 
Vòng thành bị đứt nhiều đoạn. Cứ thấy giửa cánh đồng có đoạn nào cao, cây cối mọc sum sê thì đó là đoạn thành Cổ Loa.
 
Cửa Trấn Tây. Riêng cửa Trấn Đông không còn vì người dân nơi đó đã san bằng để xây dựng nhà cửa. Thật đáng tiếc.
 
Người xưa lại xây thành bên cạnh con sông Hoàng để dùng sông này vừa làm hào bảo vệ thành vừa là nguồn cung cấp nước cho toàn bộ hệ thống hào vừa là đường thủy quan trọng.
 
Vài hình ảnh về nhánh sông Hoàng bao quanh thành Cổ Loa.
 

Hình ảnh sông Hoàng chảy về thành Cổ Loa. Hiện nay tốc độ xây dựng khu dân cư, làng xóm trong phạm vi khu nội thành đã phá vỡ cảnh quang của khu di tích, nhà cửa xây cao tầng sát với các khu đền thờ quan trọng nhất của thành Cổ Loa.
 
 
Nguyễn Hữu Chánh - Sưu tầm
 
*****


Thơ về Cổ Loa,
An Dương Vương & Mỵ Châu – Trọng Thủy
Bạn đã đọc bài trước phân tích về Truyền thuyết An Dương Vương và mối tình oan trái Mỵ Châu –Trọng Thủy. Vậy xin mời bạn thưởng thức một số áng văn thơ đề cập đến truyền thuyết này do Phan Duy Kha sưu tầm và giới thiệu.
*
THƠ CHỮ HÁN
Vũ Phạm Hàm
Lân bảng phi thân tế bất sàn
Quân vương dung dị ngộ hồng nhan
Tồn vong mịnh hệ Linh quang nỗ
Sinh tử hồn y Mộ Dạ sơn
Nam hải yên đào châu tích lệ
Bắc lâm phong vũ thạnh thành ban
Chí kim từ vũ lân nguyên miếu
Nguyệt xuất do văn hưởng bội hoàn.
Dịch thơ:
Người thân thích ít, rể khôn lường
Lầm lỡ má hồng bởi phụ vương
Sống chết hồn nương đồi Mộ Dạ
Mất còn mệnh hệ nỏ Linh quang
Bể Nam khói sóng châu hoen lệ
Rừng Bắc phong sương đá lổ loang
Đền miếu tới nay bên điện cũ
Trăng lên khánh ngọc vẫn còn vang.
Nguyễn Huệ Chi, Đỗ Văn Hỷ dịch
*
Lê Huy Phan
Vận tiếp Hồng Bàng thái cổ thiên
Dư đồ vạn lý Thục sơn xuyên
Loa thành nhân hiểm nan di đỉnh
Quy nỗ thần cơ bất cập tiên
Giao cách sự phi do nữ tế
Hưng vong số hữu định thần tiên
Linh phong mỹ tích kim trường tại
Sử luận hoang đường khủng vị nhiên.
Dịch thơ:
Kế tiếp Hồng Bàng vận tại thiên
Nước non vạn dặm đất Thục liền
Loa Thành hiểm yếu đâu thần phục
Móng rùa thần nỗ lắm cái phiền
Sự việc xưa kia do ai nhỉ ?
Hưng vong số định bởi thần tiên
Khí thiêng dấu cũ nay còn đó
Sử luận hoang đường quả dĩ nhiên.
*
Vũ Tuân
Đương dương vạn mã đảo thành âm
Nam hải văn tê bạch trú trầm
Quy trảo dĩ tùy khinh bạc tế
Nga mao thụy lượng nữ nhị tâm
Hà sơn hữu lệ minh châu kết
Oan trái nan điền cổ tỉnh thâm
Đôn phách trinh hồn chung bất tử
Quế kỳ phong vũ dạ tiêu sâm.
Dịch thơ:
Ngựa lướt vầng dương thành sẩm tối
Sừng tê rẽ nước giữa ban ngày
Móng rùa mưu rể đem đi mất
Lông ngỗng lòng con ai biết đây
Sông núi lệ tuôn trai ngọc kết
Oan khiên khôn lấp giếng xưa đầy
Phách hồn trinh trắng còn không mất
Cờ quế đêm mưa gió lắt lay.
Nguyễn Huệ Chi dịch
*
Bùi Phu Kinh
(Họa bài thơ của Vũ Phạm Hàm)
Ông thị hiền vương vị thị sàn
Gian hùng nữ tế thái vô nhan
Thiếp tư báo đức đồng thiên địa
Lang nhẫn vong tình phụ hải san
Quy nỗ thu quang sơn tuyệt mộ,
Bạng châu sải lệ tỉnh lưu ban
Đội lân tịch mịch đình biên miếu
Dạ nguyệt thê lương cổ lũy hoàn
Dịch thơ:
Nhạc phụ vua hiền đâu phải dại
Gian hùng chàng rể quá vô tình
Thiếp mong báo đức ngang trời đất
Chàng nỡ quên ơn phụ thệ minh
Nỏ báu mất thiêng non vắng mộ
Hạt trai tưới lệ giếng lưu hình
Bên đình tòa miếu thiêng mờ mịt
Lạnh lẽo trăng đêm quyện cổ thành.
Nguyễn Huệ Chi dịch
*
Chu Mạnh Trinh
Lang quân tình trọng, phụ ân thâm
Bất bạch kỳ oan, hận đáo câm
Trường trảo vô linh quy diệc khứ
Minh châu hữu lệ bạng do trầm
Hoang bi cổ mộc thiên niên quốc
Bích hải thanh thiên nhất phiến tâm
Tịch mịch An Dương cung ngoại miếu
Đỗ quyên đề đoạn nguyệt âm âm.
Dịch thơ:
Tình chàng dù nặng , nghĩa cha sâu
Ôm ấp oan kia đến tận đâu.
Nỏ thiếu móng thiêng, rùa lẩn bóng
Trai chìm đáy nước , lệ hoen châu.
Bia mòn cây cỗi, ngàn thu hận
Bể biếc trời xa một mối sầu.
Cung miếu triều xưa đây vắng ngắt
Trăng mờ khắc khoải cuốc kêu thâu.
Nguyễn Tường Phượng dịch.
*
Sở Cuồng Lê Dư
Vịnh An Dương Vương
Ngã nguyên vô trá, nhĩ vô ngu
Vị giám tiền xa thỉ nữ ngô
Chỉ niệm bắc nam đôn quốc hảo
Thục tri tế tử sính gian đồ
Hà sơn đa cố quy vô trảo
Cốt nhục thương tâm bạng hữu châu
Hoa miếu thiên thu công luận tại
Tín trung trường thống nữ vô cô.
Dịch nghĩa: 
Ta không dối người mà cũng không phòng bị
Làm cái gương xe đổ về việc gả con sang Tàu
Chỉ muốn bắc nam được thuận hòa
Đâu ngờ rể kia là kẻ gian tế
Non sông mấy đỗi rùa không móng
Cốt nhục đau lòng trai ngậm châu
Công luận ngàn năm còn vẳng bên miếu
Con gái thành thật không lỗi lầm mà phải mang nỗi xót xa này.
Vịnh Mỵ Châu công chúa
Thâm cung sinh trưởng quán kiều si
Thế thái ba đào kỷ đắc tri
Kỳ vị ái ân nghi tế thiểu
Cánh giao trung tín bỉ lang khi
Châu trầm ngọc vẫn tâm câu toái
Quốc phá gia phong hối diệc trì
Thiên cổ Loa Thành di hận tại
Hồn oanh hoa biểu hạt thăng bi.
Dịch nghĩa:
 Nàng ngây thơ lớn lên trong cung cấm
Việc đời lắm sóng gió làm sao mà biết được
Vui vẻ ái ân nào có để dạ nghi chồng
Bởi quá thật thà mà bị lừa dối
Châu chìm ngọc rơi cõi lòng tan nát
Nước mất nhà tan hối có kịp đâu
Loa Thành ngàn năm còn vương nỗi hận
Hồn vấn vương bia mộ, sầu kể sao nguôi.
( Hai bài thơ của Sở Cuồng Lê Dư chỉ mới thấy dịch nghĩa, chưa tìm thấy bản dịch thơ, tạm bằng lòng vậy)
*
THƠ QUỐC ÂM
Thành Cổ Loa
Thành quách còn mang tiếng Cổ Loa
Trải bao gió táp với mưa sa
Nỏ thiêng hờ hững dây oan buộc
Giếng  Ngọc vơi đầy hạt lệ pha
Cây cỏ vẫn cười ai bạc mệnh
Cung đình chưa sạch bụi phồn hoa
Hưng vong biết chửa, người kim cổ
Tiếng cuốc năm canh bóng nguyệt tà.
Á Nam Trần Tuấn Khải
*
 Đề miếu Mỵ Châu
Một khối oan tình đập chửa tan
Nghìn thu hiu hắt khói hương tàn
Bia mòn rêu biếc, ngàn mây phủ
Nỏ đó người đâu giếng nước tràn
Tần Tấn bởi tin phường bạch nhãn
Việt Ngô để lụy khách hồng nhan
Cơ trời dâu bể vì ai đấy
Riêng mỗi thơ đào mắc tiếng oan.
Nguyễn Trung Khuyến
*
Loa Thành hoài cổ
Trông cảnh Tư Long luống ngậm ngùi
Nỏ rùa chuyện cũ, phải hay sai
Hình thành sao khéo xoay trôn ốc
Nước giếng nay còn sáng ngọc trai
Trừ bại ma gà nhờ có thuật
Mắc mưu lông ngỗng vị thương ai
Bể nam sóng gió mê đường ngựa
Đà cuống tin chi, hối chậm rồi.
Nguyễn Văn Đào
*
Mỵ Châu -Trọng Thủy
Một đôi kẻ Việt người Tần
Nửa phần ân ái, nửa phần oán thương
Vuốt rùa chàng đổi máy
Lông ngỗng thiếp đưa đường
Thề nguyền phu phụ
Lòng nhi nữ
Việc quân vương
Nệm gấm vó câu
Trăm năm giọt lệ
Nghìn thu khói hương. . .
Tản Đà
*
Tâm sự
Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu
Trái tim lầm chỗ, để trên đầu
Nỏ thần vô ý trao tay giặc
Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu.
Tố Hữu (Trích  bài thơ Tâm sự)
*
Vô đề
Am Mỵ Châu thờ bức tượng không đầu
Cảnh báo một trái tim khờ dại
Thử hỏi , nửa thế giới này đang tồn tại
Đã yêu rồi, ai không giống Mỵ Châu ?
Hạnh Mai
(Tạp chí Người Hà Nội, số 115)
*
MỴ CHÂU
Không thể tưởng có đường gươm như thế
Dù lời thần mách bảo tự trời cao
Thần có lúc cũng nhầm như hạ giới
Đứa con thương tội lỗi tự khi nào?
.
Khi ngực trẻ hồn nhiên non nớt quá
Thì tình yêu có phút dại khờ thôi
Nắm lông ngỗng rải đường hoa trắng xóa
Hoa theo nàng rải khắp nắng mồ côi.
.
An Dương Vương dưới đáy mồ nghìn tuổi
Vẫn hằng đêm nức nở lưỡi gươm xưa
Mây vẫn trắng để tang trời vĩnh cửu
Mỵ Châu ơi, oan nghiệt đến bao giờ ?
Quang Huy
( Hà Nội mới cuối tuần,10.3.2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét