Thứ Tư, 9 tháng 4, 2014

Khoảng trời kỷ niệm/ Bút ký / Nga Đào, Khóa 12 Trường SPSG

Khoảng Trời Kỷ Niệm


Chuyến công tác đầu tiên 1


Vừa sắp xếp các vật dụng cần thiết vào túi xách, tôi vừa kiểm tra từng món theo giấy kê: bàn chải răng, kem dánh răng, lược, ba bộ quần áo, dầu khuynh diệp, mũ, mùng cá nhân, sổ tay, cuốn vần vỡ lòng và trọn kỳ 2 lương tháng. Thế là đủ, tôi tắt đèn lên giường nằm, Hà, bạn cùng khoá ra trường với tôi nằm đối diện chợt hỏi:
- Mi đi Long Ngãi Thuận thiệt hả?
- Ừ sao mi không đi với ta đợt này luôn cho vui.
Hà trả lời với một chút e dè:
- Vui hả, thôi đợt sau ta tính, ngủ đi nhỏ, mai có sức mà đi. Cuối tuần ta về thăm nhà trên Sài gòn mi có cần ta nhắn gì về nhà không?
- Thôi cám ơn mi , tuần sau ta về mà.
Tôi im lặng với cảm giác nôn nao chờ đợi khiến tôi không ngủ ngay được, sự háo hức vui thích vì sắp được đi một chuyến công tác xa đến vùng đất chưa bao giờ mình biết, tôi thao thức vẽ ra trong đầu những hình ảnh tưởng tượng , chắc là sẽ có những cánh đồng lúa xanh bát ngát, những con lạch uốn lặng lờ êm ả, những ánh mắt to tròn của các em học sinh nhỏ bé, những cô dì chú bác mộc mạc tràn đầy nghĩa tình qua những món quà nhỏ như vài chiếc bánh ít, gói xôi, trái dừa...làm quà cho tôi khi nhà có giỗ chạp. Ngay tại xứ Thủ Thừa này tôi cũng đã được sống với những hình ảnh đẹp và tình cảm thân thương đó rồi cơ mà thế nhưng không hiểu sao tôi vẫn tự nguyện theo phái đoàn xoá nạn mù chữ đi về xã Long Ngãi Thuận, cảm giác hồi hộp xen lẫn chút lo âu quyện vào nhau đưa tôi vào giấc ngủ, tôi mơ thấy mình đang chèo xuồng trên mặt sông có màu xanh biếc, bềnh bồnh những cánh hoa súng với màu hồng phơn phớt tím đẹp như một bức tranh.

Image

Tôi thức giấc nhìn trời qua cửa sổ, còn tối lắm, nhìn chiếc đồng hồ báo thức bên cạnh đang chỉ 3 giờ 25, tôi tự nhủ cũng đâu có sớm, mau chóng ngồi dậy xếp gọn lại giường, tôi xuống nhà dưới đã thấy Hà ngồi bên bếp lửa, nồi cơm đang sôi, tôi ngạc nhiên:
- Chèn ơi sao mi dậy sớm vậy?
Hà vừa ghế cơm, rút bớt củi vừa trả lời:
- Ừ, còn cá linh kho đó, mi ăn cơm rồi sửa soạn đi kẻo trễ.
Tôi cười:
- Sao mi đảm đang quá chẳng bù cho ta tí nào cả, ông nào nữa lấy mi là tu chín kiếp đó nhé.
Hà gắt :
- Con khỉ gió nói nhỏ nhỏ cho chị Thuỷ ngủ coi.
- Ngủ gì mà ngủ, trời sáng bét rồi.
- Ta sợ mi luôn, dậy là không cho ai ngủ nữa hà.
Dì Ba đang lui cui bên nồi bánh ít trần kịp sáng ra chợ bán cũng cười góp chuyện:
- Lát cô Nga mua mở hàng cho dì Ba nhen.
Nhỏ Hà sốt sắng:
- Đúng rồi dì Ba nhỏ đó nó ăn hàng dữ lắm.
Dì Ba cười vui:
- Cổ vui vẻ mau mắn nữa chứ.
Sau bữa ăn tôi xách túi chuẩn bị đến địa điểm tập trung đoàn công tác, chị Thuỷ dặn dò:
- Nhớ đi đâu cũng phải đi theo mấy thầy cô đừng ỷ y nhen nhỏ.
Tôi xúc động vì sự ân cần của bạn bè, cùng ra trường về xứ Thủ này chỉ có ba người, chị Thuỷ , Hà và tôi, tôi nhỏ tuổi nhất nên lúc nào cũng được đối xử nuông chiều hơn, chị Thuỷ lớn nhất nên được xem như chị Hai, chị lo toan từ việc liên hệ kiếm nhà trọ đến việc sắm sửa nồi xoong, chén đũa cho cả ba, Hà thì đảm nhận vai trò thủ quỹ và nấu nướng vì cô nàng rất đảm đang và khéo tay, còn tôi là vai phụ, phụ đi chợ để xách giỏ, phụ rửa chén, phụ xách nước khi lau nhà.....từ cuộc sống tập thể nhỏ này tôi cảm thấy mình lớn dần lên, ý thức mình đã trưởng thành để phải biết tự lo toan cho chính mình từ những việc nhỏ bé như khâu cái khuy áo sút chỉ, biết đi chợ, biết nấu ăn....cho đến việc lớn, tôi ý thức được đất nước mình rộng lớn, cuộc sống có nhiều điều phong phú lắm mà hiểu biết của tôi còn nhỏ bé như hạt cát trên đại dương mà thôi. Chỉ cách gia đình hơn 30km mà ở nơi đây tôi thấy biết bao điều kỳ lạ, chiếc cầu dây nhún nhẩy theo bước đi làm tôi sợ hãi ngày nào nay đã trở thành quen thuộc, những em học sinh học mẫu giáo mà cao lớn, đen như củ súng, đến trường quần áo tề chỉnh nhưng chân đi đất khiến tôi vừa ngạc nhiên vừa buồn cười nay đã trở thành bình thường, bản thân tôi cũng tự thâm nhập, chọn lọc cho mình những gì phù hợp từ cách ăn mặc đến lời nói, giọng nói của tôi mang âm miền bắc và khi nói thì nói rất nhanh khiến buổi đầu làm các em học sinh ngơ ngác không kịp hiểu cô giáo nói gì, các em kháo nhau:
- Cô giáo nói tiếng Liên xô bây ơi.
Còn các bậc thày cô đàn anh chị thì nói đùa với tôi:
- Muốn mọc rễ xứ này thì ráng tập nói tiếng miền nam đi nghen.
Chẳng mấy chốc tôi đã đến bến đò,địa điểm tập trung đoàn các thầy cô giáo đi công tác xoá nạn mù chữ vùng xa, mọi người đã có mặt đày đủ.
- Kìa cô Nga ra tới rồi kìa, đưa túi đây em gái.
Cô Năm đỡ túi xách và một tay dìu tôi bước lên miếng ván dài nối liền bờ với tàu, tôi ngã nghiêng cố gắng giữ thăng bằng đi trên miếng ván từng bước, vừa giáp mí tàu tôi chui tọt vào khoang, ngồi xuống cạnh cô giáo Liên, từng người vào theo thứ tự nhưng các thày cô đi rất nhẹ nhàng, dễ dàng. Tiếng thày Sử trưởng đoàn vang lên:
- Điểm lại quân số, đúng 5 giờ chúng ta khởi hành nhé.
Tôi quan sát lòng tàu, lần đầu tiên tôi mới đi trên một chiếc tàu như thế này, có một máy tàu ở phía sau liền lạc với bánh lái và máy là một hệ thống dây sắt, chủ tàu và các phụ tàu đi qua đi lại sắp xếp hàng hoá, tôi chỉ nhìn thấy được những cái chân đen chắc chạy tới chạy lui qua vòm tàu phía đối diện. Cô giáo Năm vừa ngồi xuống cạnh tôi vừa hỏi:
- Em gái ăn sáng chưa?
- Dạ em ăn cơm rồi.
- Ừa mà em gái thứ mấy vậy?
- Dạ, em là thứ hai trong nhà, trên em là chị cả ạ.
- À, vậy em là cô ba Nga nhen hôn.
Cô nghiêng người nói với cô Liên
- Sáu mở túi xách lấy dùm chị chai dầu gió.
Cô xức lên mũi xong đưa chai dầu qua cho tôi
- xức dầu đi em Ba, sắp tới giờ tàu chạy rồi, cao lắm là 5 tiếng, khoảng gần 11 giờ trưa là mình tới .
Đúng 5 giờ tàu khởi hành, tiếng máy nổ xình xịch và mũi tàu từ từ lách ra giữa sông, trong ánh sáng ban mai của buổi bình minh cảnh sắc thật tươi mát, mặt sông loang loáng ánh bạc, cảnh vật hai bên chạy lùi dần với những hàng dừa nước xanh xậm nối tiếp nhau tưởng chừng không bao giờ dứt, thỉnh thoảng hiện ra một mái nhà tranh nâu nhạt, lác đác đó đây trên nền trời trong vắt, một vài khóm cau hoặc sừng sững những búi cây nổi bật lên không gian như bức tranh thôn dã nhưng sinh động vì đó đây có tiếng chim hót lảnh lót gọi chào, tôi chuyển chỗ ngồi ra hẳn ngoài mũi tàu để được với tay xuống làn nước trong veo bên mạn tàu. Cô Năm đưa cho tôi một phần đòn bánh tét
- Ăn đi em Ba
Tôi ngại ngùng
- Dạ thôi em ăn no rồi
- Nè, đừng khách sáo, mấy chị chuẩn bị đủ hết, ai cũng có phần.
Tôi cười nhận phần bánh và nói:
- Hình như ở đây trời mau sáng hơn thành phố cô Năm hén, mới gần 6 giờ mà trời sáng giống như 8 giờ vậy đó.
- Ừa mà em gái biết bơi không vậy?
- Dạ không để lần này em về em sẽ học.
- Học bơi xuồng nữa chớ. Thày Nam xen vào, tôi cười, thày Nam tiếp
- Hồi học trong trường có học những điều này không, cô giáo thành phố chịu khó thâm nhập thực tế nhen.
- Dạ, em rất thích được học như vậy nhưng mà các thày cô phải dạy em kìa.
Mọi người cùng cười, cô Năm hóm hỉnh
- Các thày cô thì nhiều lắm, để kiếm ông nào trẻ trẻ dạy có kết quả hơn. À cỡ ông trưởng phòng mới về đó, trẻ tuổi, độc thân nữa.
Câu chuyện xoay qua đề tài mới, các thày cô bàn về phương hướng hoạt động của ngành giáo dục huyện, về cơ sở trường lớp.....tôi lại ra mạn tàu với tay xuống giòng nước mát, cảm nhận sự mơn trớn mát rượi của làn nước trôi qua các kẽ tay của mình, tôi thấy lòng thanh thản quá.
Lời nói của thày Nam khiến tôi hồi tưởng lại quãng thời gian học đường của mình, vừa tốt nghiệp trung học với số điểm cao tôi được một tổ chức tương trợ thế giới cho lập hồ sơ chuẩn bị đi du học ở Germany, trong lúc hồ sơ tiến hành tôi ghi danh vào học Sư Phạm Sài Gòn khoa chuyên ngành mẫu giáo, ngày hai buổi đến trường tôi được các Thày Cô của trường giảng giải những học thuyết giáo dục về tâm sinh lý lứa tuổi tiền học đường này rất phong phú, những buổi thuyết trình về dinh dưỡng và giáo dục hết sức chu đáo, những buổi kiến tập lý tưởng ở các lớp mẫu có cơ sở quy mô về sân chơi, phòng ốc và học cụ, cô giáo và học sinh ăn mặc, phong cách lịch sự, thỉnh thoảng các phái đoàn nước ngoài đến trường trao đổi tiếp xúc, tôi thấy chân trời tương lai của tôi rộng mở và tươi đẹp quá, dù mỗi ngày đạp xe bốn lần đi đi về về để học, sáng nhiều khi đạp xe với cái bụng đói, trưa về nhiều khi nhà nấu cơm trễ chỉ kịp ăn không kịp uống nước mà vẫn hớn hở đạp xe đến trường thật vô tư trong sáng.
Tuy nhiên cuộc đời không bình lặng như thế, ngay sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 tôi và tất cả các sinh viên của trường được tham gia các hoạt động xã hội và tiếp tục vào trường để học tiếp 8 tháng các học thuyết chính trị, sau đó tất cả chúng tôi ,những kỹ sư tâm hồn được ra trường tung bay về khắp bốn phương trời để thực hiện ước mơ của mình, các bạn cùng khoá người về Minh Hải, người đến Thuận An, Rạch Giá....tôi thì khăn gói mũ áo về huyện Thủ Thừa, Long An.
Ngày đầu tiên xa gia đình tôi hết sức hoang mang bồi hồi, khi xe đò từ ngã ba vào bến, dọc hai bên đường các cây điệp nở rực rỡ những cánh hoa vàng, dưới con lộ đất đỏ tít tắp trải dài là những thảm lúa xanh màu mạ non, những ngọn lúa nhỏ ngả nghiêng gợn sóng theo chiều gió như những thảm nhung uốn lượn đã làm xao xuyến lòng tôi, tôi ước gì mình là hoạ sĩ để thể hiện được màu sắc dung dị đằm thắm đó.
Cũng phải mất đi gần hai tháng tôi mới vơi đi nỗi nhớ nhà, bớt đi những đêm nằm thút thít khóc vì nhớ mẹ và các em, các cô cậu học trò nhà quê này đã chiếm của tôi nhiều thời gian, tôi tập trung soạn bài, làm học cụ để lên tiết dạy, ở đây phòng học chỉ có cô, trò, phấn, bảng, bàn ghế thế là đủ không như trong lý thuyết đã học ở trường : xích đu, cầu tuột, khăn, ca, máy phóng hình, đất sét, chì màu, giá vẽ....ôi sao thực tế đơn sơ quá thế này!!! Tôi cố gắng xin từng mụn vải vụn, mẫu gỗ thừa, để tạo thành những đồ chơi học tập cho những cô cậu học trò ngọng nghịu của mình.
- Em gái mơ màng nghĩ đến ai đó. Cô Năm vừa nói vừa với tay đưa cho tôi mấy quả chuối luộc.
- Sắp đến chưa vậy cô?
- Mới 1/4 đường hà em gái, vô trong này ngồi nè em, quá trời nắng mà ra đó làm chi.
- Cô Năm ơi ,sao ở đây không nói là nắng quá trời mà lại nói là quá trời nắng vậy cô?
Mọi người cười vì câu hỏi của tôi khiến tôi bối rối vì cảm thấy sao mình ngớ ngẩn quá.




Cảnh sắc chợt thay đổi, mặt nước mở rộng hẳn ra chia nhánh như những ngã ba đường phố, nước ở đây trong veo, những dãy dừa nước biến mất mà thay vào đó là những rừng cây khẳng khiu cằn cỗi. Tôi thắc mắc hỏi thày Sử
- Cây gì vậy thày?
- Cây đước, ở đây toàn là đước vì chỉ có nó mới sống nổi, vùng này là vùng trắng đó cô Ba.
Trong cảnh trời nước mênh mông và bạt ngàn đước như vậy vẫn đó đây vẫn nổi lên vài mái nhà, có lẽ nguồn sống chính của họ là cá tôm bởi vì tôi thấy các lưới đăng cá rải rác giăng dài theo mặt sông.
- Sắp đến rồi, các thày cô chuẩn bị nhé.
Mọi người lục tục giỏ bị, tàu từ từ ngừng lại, cả đoàn sang qua xuồng nhỏ để vào ấp 1 xã Long Ngãi Thuận. Xuồng nhỏ và không có mui nên cái nắng chói lói cứ thản nhiên chiếu thẳng vào đoàn người, cô Năm lại nhắc nhở
- Đội nón đi cô Ba
- Dạ, nhưng em thấy nắng ở đây không nóng như ở trên em, chắc tại xung quanh là sông nước phải không cô Năm?
- Có lẽ, nhưng nó làm em gái đen dữ lắm đa. Cô Năm nói thêm:
- Vùng này được gọi là vùng trắng do chịu ảnh hưởng của thuốc khai quang hồi chiến tranh đó em gái.


Trong cảnh trời nước mênh mông và bạt ngàn cây đước chạy dài hai bên bờ, thi thoảng đó đây vẫn có vài mái nhà e ấp điểm tô thêm cho bức tranh dân dã này thêm nét sinh động, có lẽ nguồn kinh tế chính của người dân nơi đây là cá tôm bởi tôi thấy lưới đăng cá rải rác giăng dài trên mặt sông.
Khi đoàn đến ấp 1 thì trời đã xế chiều, tôi có cảm giác ở đây bóng tối đến nhanh hơn, mới 5 , 6 giờ chiều mà như 8,9 giờ tối ở thành phố. Xuồng vừa cặp bờ, các thày cô bắt đầu chương trình hoạt động rất nhanh, trong lúc thày Sử đến gặp chính quyền ấp để thông qua thủ tục hành chính thì các thày cô còn lại chia làm hai nhóm, tôi thuộc nhóm 2 gồm 5 người, mỗi người được nhận sách, bảng con, phấn. Trong lúc mọi người bận rộn với những công việc nắm bắt tình hình thực tế địa phương để có kế hoạch hoạt động cho phù hợp thì tôi không quan tâm đến những việc đó, đối với tôi ấp có bao nhiêu tổ, địa thế ra sao, dân số bao nhiêu.....chẳng cần thiết phải biết, tôi chỉ cần biết trong nhóm tôi có cô Năm, cứ đi theo cô Năm là yên tâm.
Ngay tối hôm đó cả nhóm bắt đầu chương trình, chúng tôi được bác Ba một người dân địa phương cho mượn nhà để làm địa điểm mở lớp học, thày Sử lúc chiều đã nhờ chính quyền thông báo và huy động học trò nên đến tối chúng tôi chỉ việc chuẩn bị bàn ghế và chờ đón học trò đến thay vì phải mất thêm thời gian đi vận động. Học trò đến lớp bằng xuồng, từng chiếc xuồng cặp bờ và học trò là những người dân có tuổi đời 40, 50 thậm chí cả 60, đến lớp học mà miệng nhai trầu bỏm bẻm và thay vì cầm tập vở thì mỗi người xách theo một cây đèn dầu nhỏ tí, trong bóng tối chập choạng những đốm đèn chao động theo nhịp bước của các học viên cùng những tiếng í ới gọi chào trong bầu không khí hào hứng làm tôi chợt nghĩ đến những đốm sáng của các bé thiếu nhi rước đèn trong ngày hội trung thu.





Offline
 Profile  
 



Khoảng Trời Kỷ Niệm



Chuyến công tác đầu tiên 2


Vừa đó mà đã qua hai tuần lễ, các " học trò" đã biết viết biết đọc một số từ ngữ dễ, có người đã viết được tên của chính mình, nói sao cho hết nỗi xúc động của thày và trò, nhìn những ngón tay chai sần, khô cằn và gân guốc của các " học trò" run run nắn nót từng nét chữ như cố vun vén cho chữ gọn vào như e rằng chữ sẽ rơi mất của các dì mà tuổi đã quá nửa đời người mới viết được tên của mình, dù đó chỉ là những tiếng Ba, Tư, Út...tôi thấy những người dân nông thôn đã thiệt thòi biết bao và cũng khát khao việc học biết bao.
Còn các cháu bé ở nơi đây đến khi nào được bước đến lớp học đúng theo độ tuổi của mình ?! Các cháu đi đến trường qua những chiếc cầu dây cầu khỉ rất tài tình cứ thoăn thoắt bước dù cho cầu có đong đưa nhiều hay ít. Các cháu học lớp 1 mà 8 tuổi cũng có, 9 tuổi cũng có, thậm chí 12 tuổi và cứ thỉnh thoảng thì lại nghỉ học vì lý do đi đập lúa, cắt bàn, đương đệm, coi em....!!! Ngay tại ấp, xã cũng chỉ có cấp 1, khi học lên cấp 2 nếu còn theo đuổi được việc học thì các em phải về huyện, việc học của các em gian nan quá.
Cuối cùng thì thời hạn chuyến công tác cũng hết, chúng tôi chuẩn bị đi thăm một số gia đình học viên trước khi từ giã trở về thị trấn. Trên dòng nước êm ả dịu dàng, chiếc xuồng con nhẹ nhàng lướt, tôi căng mắt nhìn những đám rong xanh trôi lững lờ, thỉnh thoảng có những đàn tép nhỏ tung tăng lội vội vàng, hai bên bờ là những thửa ruộng nhưng không phải là lúa mà là những ngọn bàn cứng cỏi, những ngọn bàn xanh ngát, vững bền vươn cao với thời gian dù trong chiến tranh lửa khói hay thanh bình yên ấm. Xa xa giữa khoảng trời trong veo, màu xanh của những tảng lá, những lùm cây làm cảnh sắc mới đẹp làm sao! Trong không gian yên ắng chợt thày Sử nói:
- Cô Ba Nga xem nhé
Và thày ngưng chèo, đập mạnh dầm xuống mặt nước gây nên tiếng dội vang , ngay lập tức hàng đàn cò trắng bay vụt lên không gian thật ngoạn mục, nhiều cò vô kể, tôi có cảm tưởng như mình đang xem phim khoa học về đời sống loài vật vì thật không ngờ những con cò trắng này sao mà nhiều thế , như một rừng cò bay lượn trên không, chỉ một thoáng sau chúng lại trở về trú ẩn trong các lùm cây trả lại sự yên tĩnh lặng lờ như không hề có sự hiện diện của chúng ở nơi này. Tôi muốn được xem thêm một lần nữa cảnh cò bay trắng trời nhưng ngại làm kinh động những chú cò con nên thôi không mè nheo thày Sử nữa. Quê hương còn nhiều điều để tôi hiểu , tôi học và tôi yêu quá, quê hương ơi!
Biết đời sống của người dân nơi đây còn khó khăn nên chúng tôi quyết định chỉ ghé thăm chứ không ở lại ăn uống tại nhà nào.
Căn nhà đầu tiên chúng tôi ghé đến là nhà bác Tám, sau khi cặp xuồng vào bờ, đi qua khoảng sân được rào bằng hàng cây dâm bụt, tôi gặp được một cô bé khoảng 7 tuổi và nhanh chóng kết bạn với cô bé
- Cô chào bé, bé tên gì vậy?
- ...........
- Sao bé không trả lời, bé tên gì vậy? Cô tên là cô Ba, còn bé?
- Con tên bé Bảy.
- Bé Bảy học lớp mấy vậy?
- ..............
- Sao vậy? Bé có thích đi học không?
- Thích lắm cô, chừng nào cô dạy tụi con?
Tiếng cô Năm kêu tôi
- Vô uống nước rồi chào dì Tám đi cô Ba ơi ,trưa rồi.
Tôi vội vàng đứng lên đi nhanh vào nhà , bé Bảy chạy lại chỗ hai đứa trẻ khác cùng trang lứa nãy giờ đứng thập thò nhìn tôi, tôi nghe tiếng chúng loáng thoáng : cô giáo đó, và chúng chạy theo tôi khi tôi theo các thày cô ra xuồng tiếp tục hành trình của đoàn, tôi nghe tiếng chúng kêu khe khẽ : cô ơi, cô ơi, tôi ôm từng bé hôn từ biệt, lòng thổn thức, biết đến khi nào gặp lại các em.
Từ giã bác Tám chúng tôi lên xuồng tiếp tục đến gia đình khác, tôi cứ vẫy chào mãi những bàn tay nhỏ xíu của các bé, các cháu vừa vẫy chào vừa kêu to
- Cô ơi, cô ơi....
Tạm biệt các bé,tạm biệt những tuổi thơ không những không có kẹo hồng, không có búp bê...mà còn không có cả trường học để đến, không có bàn ghế để ngồi học, không biết đến những bài học vệ sinh đơn giản về đội mũ tránh nắng, mang giày dép , dùng khăn mặt riêng.....thế nên tóc các cháu khét nắng, chân các cháu thản nhiên lội trong bùn, đạp trên đất sỏi đến chai sạn, tất cả rồi đều thích ứng với cuộc sống nhưng còn tri thức thì sao?
Mong sao đừng để sau này các cháu giống như cha mẹ của mình gần đến cuối đời mới run rẩy viết được tên của chính mình.

Kỉ niệm ngày 20 tuổi, kính tặng cô Năm, thày Sử cùng các cô thày giáo trường Thủ Thừa, Long An .

Khoảng trời kỉ niệm 3



Lòng ngập tràn niềm vui vì sắp được trở về Saigon bên gia đình bố mẹ và các em nhưng cũng đong đầy cảm giác chơi vơi nao lòng vì sắp rời xa xứ Thủ , nơi kỉ niệm tháng ngày khởi đầu nghiệp dạy học của mình, tôi cứ loay hoay sắp xếp vật dụng cá nhân vào túi xách mãi vẫn chưa xong.
- Nhỏ về mạnh giỏi nhen .
Chị Thuỷ thủ thỉ nói như vỗ về và đưa cho tôi cuốn Carulli
- Tặng nhỏ nè, về chịu khó học nhen
Nhỏ Hà thì dúi cho tôi cái túi xách thắt từ sợi chỉ mà chính từ tay nhỏ làm, giọng nói như sũng ướt nước mắt
- Mi về trển nhớ viết thư nhen.
Tôi ôm những món quà vào lòng rồi xách túi xuống nhà dưới định chào từ giã bác Ba, nhưng bác đã ra chợ sớm rồi vì món bánh ít trần và bánh quai vạt của bác là món quà sáng nên bác đã dậy làm từ khuya và mờ sáng là bác đã ra khỏi nhà, dầu sao thì tôi cũng đã nói lời chào bác từ hôm qua , chị Kiều nắm tay tôi, chị đưa cho tôi gói bánh
- Má chị chừa cho em nè,ăn đi ,về mạnh giỏi nhen cưng. Cưng về trển học trò nhớ lắm đó.
Tôi dạ dạ, cầm gói bánh chứ lòng dạ nào mà ăn nổi, chị đưa tôi ra bến xe Thủ Thừa - Chợ Lớn cách nhà vài bước chân, ngồi trên xe nước mắt đong đầy nhưng tôi cố gắng lòng dặn lòng không được khóc vì....sợ người ta cười.
- Cô ơi cô
- ủa con đi đâu vậy?sao chưa đi học?
Tôi giật mình vì sự xuất hiện của bé Khiêm, bé học trò này đã có lần mời cho bằng được tôi đến nhà chơi, tôi nhớ lần đó bé xách vào lớp một xâu bánh ít đưa biếu cô và ấp úng nói:
- Cô ơi mơi má con nói cô đến nhà con ăn giỗ, cô đến nhen cô.
Nhìn đôi mắt to đen ngập tràn mong đợi của bé, tôi gượng gập vì trong lòng không biết ba mẹ của bé có muốn mình đến không.
- À nhưng cô không có biết đường đến nhà con
Bé Khiêm nói liền như sợ để chậm thì cô giáo từ chối
- Dễ quá trời luôn, má con dặn mơi cô đến mà
- Ờ cô đến, học xong con với cô cùng về hén

Image

Bé Khiêm cười rạng rỡ, tôi đem theo nụ cười của bé suốt cả ngày hôm đó,lần ăn giỗ đó cũng để lại cho tôi kỉ niệm khó quên , nhà bé nằm sát cạnh con lạch nhỏ, nguồn nước sinh hoạt ở đây chính là con lạch , nước mưa được hứng trữ trong các lu để dành uống và nấu ăn, lần đầu tiên tôi ngạc nhiên quá, tại sao người ta lại rửa rau tại ngay cái chỗ mà lúc nãy người ta vừa mới giặt quần áo ở đó, thậm chí tôi thấy họ phun nước miếng ngay đó nữa chứ, sợ khiếp đi được nhưng sao mọi người vui vẻ ăn ngon lành và....họ vẫn mạnh khoẻ cùi cụi đấy chứ, thế nên sau một lúc do dự tôi cũng cuốn rau sống ăn với cá lóc nướng trui, quên đi những e dè để cảm nhận được chất tình nghĩa ngọt ngào trong thức ăn , trong nụ cười của mọi người, tôi cũng nói ngôn ngữ chân phương của họ lúc nào không biết khi mà buột miệng khen
- Mèn ơi, quá trời ngon luôn.
...........

Tiếng bé Khiêm kéo tôi trở về thực tại
- Cô ơi, má con biếu cô gạo về Sai gòn nè.
- Ồ nhưng mà cô đâu có đem về được con, người ta cấm nên thôi con nói má cho cô cám ơn chứ cô không nhận được nhen.
Nhìn nét mặt buồn rười rượi của bé tôi muốn nhận lắm nhưng lúc đó luật lệ ngặt nghèo đâu có cho phép đem gạo về Sai gòn, vì vậy tôi đành phải từ chối
- Cô cám ơn nhiều lắm, con ráng học giỏi , coi từ từ cô về thăm nhen.
Khi nói vậy tôi cũng hiểu là điều đó khó thực hiện lắm, tôi lấy cuốn vở trong túi xách ,cầm bàn tay tuy bé nhỏ nhưng chai sần của bé Khiêm tôi nói
- Cô chỉ có cuốn vở này , con dùng nó để tập viết cho chữ đẹp nhe.
- Dạ
Xe lăn bánh, tôi vẫy tay cho đến khi không còn có thể nhìn thấy bé học trò này nữa. Lúc đó nước mắt tôi mới thật sự rơi, nhìn quang cảnh hai bên đường cũng như ngày nào khi đến , vẫn những cây điệp vàng, vẫn những cánh đồng xanh ngát, vẫn dải đất đỏ trải tít chân trời mà sao bây giờ cảnh sắc mất đi sự tươi thắm, tất cả im lìm quá, tôi khóc lặng lẽ cho đến khi xe về đến bến Chợ Lớn, quanh cảnh nhộn nhịp của phố phường nơi đô hội làm tôi vơi đi nỗi buồn, bắt đầu lo toan cho một bước ngoặt mới trong cuộc đời dạy học của mình. Tôi trở về Sài gòn để tiếp tục cho ước mơ.

Nga Đào - Khóa 12 ( thuynga562005@yahoo.com )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét