Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2016

Phiếm luận: Phong Kiều Dạ Bạc & Dư Âm / Danh Hữu/ nguồn trang blog vhp.Hạ Vũ


Thứ Tư, ngày 30 tháng 3 năm 2016

Phiếm luận: Phong Kiều Dạ Bạc - Danh Hữu & Dư Âm của Phiếm Luận (Danh Hữu)

      

 Phiếm Luận
                Phong Kiều Dạ Bạc

                                  
       楓橋夜泊                        Phong Kiều Dạ Bạc
月落烏啼霜滿天       Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên;
江楓漁火對愁眠       Giang phong, ngư hỏa, đối sầu miên.
姑蘇城外寒山寺       Cô Tô, thành ngoại, Hàn San Tự,
夜半鍾聲到客船       Dạ bán, chung thanh đáo khách thuyền.
                 張計                                     Trương Kế

            Bài thơ này trước đây được người Nhật tán tụng và Khang Hữu Vi, một nhân sĩ đời Thanh rất chuộng văn hóa Nhật Bản, đã thuê người khắc bài thơ này lên một tảng đá lớn đặt trước chùa Hàn San. Một bài thơ mà đã bị người Tầu chê dở và Âu Dương Tu đã phê rằng : Nhà thơ vì mê câu văn hay đã làm cho ý văn không được thông, đó là ngữ bệnh vậy. Họ cho là làm gì có chùa nào thỉnh chuông lúc nửa đêm, chẳng qua Trương Kế mơ mơ màng màng rồi thiếp đi đến gần sáng, lúc nghe tiếng chuông thỉnh an sáng sớm lại tưởng là còn nửa đêm, và hơn nữa thì khi nói trăng lặn là lúc thời gian đã sắp sáng. Người Tầu khác lại muốn biện minh cho tác giả nên cũng đã bịa đặt ra câu chuyện thầy trò nhà sư chùa Hàn San làm được câu thơ hay mới thỉnh chuông để tạ ơn Phật mà nên mới có tiếng chuông thỉnh lúc nửa đêm. Bài thơ này quá dở nên lòi ra là chuyện giả. Một anh phóng viên Nhật, cách nay hơn chục năm, cũng đã ghé chùa Hàn San để tìm hiểu và được vị trụ trì giảng cho nghe là gần đấy có ngôi làng mang tên Ô Đề thôn, và ngọn núi xa xa, tên của nó là Nguyệt Lạc. Anh không cãi lại nhưng trong bút ký của anh, anh cho dó là chuyện bịa đặt của người sau muốn phong Thánh cho làng mình nhờ vào bài thơ xưa.
            Trong đại chiến thế giới II, người Nhật đã lén tháo chuông cùa chùa Hàn San đem về Nhật, vì họ cho là tiếng chuông có cái gì đó linh thiêng khiến được Trương Kế làm ra bài thơ thần diệu này. Về sau phía Trung quốc đòi mãi, người Nhật mới chịu hoàn trả, nhưng là hoàn trả một chiếc chuông khác của họ mới đúc để thế vào, còn chiếc chuông cũ thì họ vẫn giữ.
            Tại sao cũng một bài thơ mà những người hậu duệ của quê hương tác giả thì chê là thơ tả sai thực trạng mà lại được người nước ngoài tán thưởng ? Ấy là vì cái nội dung tinh thần của bài thơ này, nó giống với đặc điểm tinh thần thơ Haiku của người Nhật nên họ thích thú. Người Nhật vốn có đầu óc tinh tế, cái gì cũng thu nhỏ lại (như chơi bonsai) và nâng thành "Đạo" (như trà đạo, hoa đạo, kiếm đạo, nhu đạo v.v...). Vậy thì, trước khi bàn về cái hay, cái tinh túy của bài thơ Trương Kế, ta hãy xem cấu trúc tinh thần của thể thơ Haiku là gì.
            Hồi trẻ, cách nay cũng trên 50 năm, tác giả bài phiếm luận này có đọc mấy bài thơ Haiku nhưng có một bài, đã qua bao năm tháng mà không thể quên được dù chẳng còn nhớ tên tác giả là ai. Bài đó được dịch ra như sau :
               Con bướm vàng
               Đậu trên đầu trượng của nhà sư hành hương
               Thiu thiu ngủ.
            Nếu ta là người ngoại đạo của thơ Haiku, ta sẽ chẳng thể nào hiểu được cái thâm thúy của bài thơ này, ta chỉ thấy đây là một câu tả cảnh mà người ta cố tình xuống hàng cho ra vẻ thơ, mà thôi. Nhưng, đây là một bài thơ rất được chuộng ở người Nhật. Ta biết rằng hàng năm vào ngày đầu năm, Nhật Hoàng có lệ mời một vị có bài thơ Haiku hay nhất trong năm đến cùng ngài uống trà ở cung vua, như một phần thưởng cao quí, bất kể nhà thơ đó đang định cư ở đâu (báo đăng có một ông thi sĩ Nhật sống ở Mỹ đã có lần được hân hạnh về uống trà đầu năm với Nhật hoàng). Lệ này vẫn còn giữ mãi cho đến gần đây.
            Vậy, cái hay của thơ Haiku là ở đâu? Ta biết rằng quán tính của con bướm, là không đậu yên một chỗ, nó cứ nhởn nhơ, vừa đáp xuống lại lập tức bay lên, như là sợ sệt lủ con nít thích bắt bướm ở đâu đó chộp nó vậy. Đó là trạng thái không yên ổn của tâm hồn nếu đem đặt vào con người. Ngồi chưa nóng chỗ đã nhổm đít đứng lên. Nhưng ở đây, tại sao con bướm nó lại cảm thấy thật bình yên để mà có thể thiu thiu ngủ một giấc ngon lành như vậy, tác giả có đãng trí không? Thưa, là vì tác giả đã cho nó đậu trên đầu cây trượng của một hòa thượng, mà không phải là bất cứ một ông hòa thượng nào, mà phải là một hòa thượng hành hương trên đường tìm về xứ Phật. Một nhà sư hành hương về xứ Phật tất không còn chút ham muốn nào có thể chi phối ông, dù là trước một con bướm đẹp, mà những đứa trẻ con, dù có táy máy đến đâu cũng không dám dỡn mặt với một vị tu hành, nhất là, trước mặt chúng nó, có cây thiền trượng đe dọa, sẵn sàng gõ vào đầu chúng. Chỉ có ở nơi đó, với những bảo đảm chừng ấy và viễn ảnh chừng kia, mới khiến được con bướm dám vững bụng mà nằm ngủ yên lành, phó thác tính mạng cho số phận mà nó đinh ninh là sẽ được đến cõi Thiên trúc cùng với nhà sư. Một hình ảnh thật độc đáo khó thể tìm thấy ở đâu. Bài thơ Haiku này dùng hình ảnh đơn sơ để miêu tả một chân lý, đó là sự quảng bá đức tin về đạo Phật, một tôn giáo che chở cho chúng sinh yếu đuối đến nơi an lành. Chỉ với vài nét loáng thoáng, tác giả đã vẽ nên một chân lý, thật là ý tại ngôn ngoại.
            Bây giờ trở về với thơ Trương Kế, Bài thơ này có gì liên quan đến thể thơ Haiku ? Có chứ ! Bài thơ không chỉ đơn thuần là chỉ tả một cảnh đêm khó ngủ, bất chợt nghe tiếng chuông chùa như ta đọc thấy ở các bản dịch thơ chưa chuẩn. Vậy trước hết, xin hãy dịch đã để đãi, hầu quí bạn :
                     Đêm trên bến Phong Kiều
Trăng rụng, quạ kêu, trời phủ sương;
Hàng phong, đốm lửa, gục buồn vương.
Cô Tô, ngoài ấy, chùa Hàn vắng
Thuyền khách, khuya về, viếng tiếng chuông.
            Như nói ở trên, Haiku là một thể loại thơ chỉ dùng vài nét phác tả để gợi ý người đọc, chứ không nói thẳng ý ra như ta thường thấy ở những bài thơ Đường thông thường. Do vậy, thơ Haiku rất kén người đọc, vì không phải ai cũng đủ hội ý mà hiểu được thâm ý tác giả.
            Bài thơ của Trương Kế có cái độc đáo của thể loại thơ Haiku nên mà được người Nhật tán thưởng và thích thú. Ta thử phân tích :
Không phải ngẫu nhiên mà bài thơ được làm ra trên bến Phong Kiều, bến Phong Kiều chỉ là cái cớ. Ta biết cây Phong là một loại cây được vua Hán đem trồng trong Triều đình ở sân vua, nên nó có tên là Phong thần, thu đến sắc lá của nó đỏ ối như rực lửa để xua tan cái lạnh. Vậy Phong Kiều dạ bạc là có hàm ý: ngôi vua đang trong thời kỳ đen tối (như hàng phong đứng vô hồn trong đêm lạnh lẽo bên cầu trên bến vắng).
Bây giờ ta đi vào nội dung bài thơ :
Câu một: Nguyệt lạc : Trăng luôn là biểu tượng gợi hứng cho nhà thơ, nay trăng đó đã rụng mất rồi. (Nguyệt lạc là trăng rơi rụng chứ không phải trăng lặn, trăng lặn là Nguyệt há). Nhà thơ không còn thấy hứng thú gì nữa. Ô đề là quạ kêu, (quạ luôn bị coi là con vật mang tai họa đến) hiện nay, nó đang xuất hiện, đang to tiếng, chế ngự không gian. Nghĩa là thế gian bây giờ chỉ còn có giống quạ (gian thần) tác quái. Sương mãn thiên là trời bị bao phủ bởi màn sương đêm, hàm ý nhà vua bị che khuất, công lý chẳng còn nữa.
Câu hai: Giang phong: hàng cây trên bến hàm ý để chỉ các đại thần của giang sơn, đất nước; ngư hỏa: nó chỉ còn leo lét như cái đóm lửa của bác thuyền chài. Đối sầu miên: Nhìn cảnh đó mà tác giả thấy buồn nôn chỉ muốn đi nằm (tức không còn sức để làm việc).


                               (Bến Cô Tô)
                               (Hàn Sơn Tự)

Câu ba: Cô Tô là gợi ý địa danh, nơi mà ngày xưa vua Hán dùng làm nơi tuyển nhân tài tuấn kiệt ở trước cổng thành Cô Tô. Nơiđó bây giờ chẳng có ai, ngoài một ngôi chùa Hàn san lạnh lẽo.
Câu bốn: Bán dạ chung thanh: Tiếng chuông nửa đêm; đáo khách thuyền: đến thuyền khách. Chữ "đáo" ở đây là nhãn tự*, nó làm cho tiếng chuông như một vị Thần đêm đến viếng nhà thơ.
Bài thơ, là một bài bàn về Thế sự. Nhà thơ (Trương Kế nguyên là một tiến sĩ đời Đường thế kỷ thứ VIII), trước cảnh Quốc phá, gian thần lộng hành,  đành buông xuôi và trong đêm tăm tối không có hướng ra thì bỗng được nghe tiếng chuông (không nhất thiết là tiếng chuông chùa Hàn san), là hàm ý chỉ có nơi cảnh Phật là có thể giúp tác giả quên hết sự đời. Đối với Phật, tất cả giai không, chẳng có gì mà phải luyến tiếc.
Tóm lại, nội dung bài thơ là tác giả muốn nói lên cái ý muốn quy viên (từ quan) như Trương Hàn thác là mình nhớ món gõi cá vược ở quê nhà nên từ quan, chứ không phải là mình đã chán ngấy, ngày ngày làm ông quan phỗng ở Triều đình. Làm gì mà đến thèm ăn gõi, bỏ cả bỗng lộc, chức tước mà đi.
Ngày xưa, bên Tầu cũng như bên ta, người ta rất sợ cái họa văn tự, nên những bài thơ loại có vấn đề (bây giờ gọi là nhạy cảm), người ta hay viết kín đáo nên không phải ai cũng có thể thẩm thấu, ví dụ những bài thơ loại "biên tái" chống chiến tranh chẳng hạn, người ta viết xa xôi để gửi tới những tri âm, những ai không quen đọc tất khó mà thẩm thấu.
            Trên đây, bàn phiếm về nội dung bài thơ của Trương Kế, chẳng biết quí bạn có ý kiến gì khác không  Có theo dõi được những lời bàn không?
Thân mến,

Danh Hữu
___________
Chú thích:
* Trong kết cấu của một bài Đường thi, người ta hay điểm nhãn cho nó bằng một chữ xuất thần, chọn lọc, chữ đó gọi là « nhãn tự ». 

                                      *******
     Dư Âm

Cùng các bạn,
Bài Phiếm luận của tôi hôm trước đã được 2 bạn thích thú đem vào Blogspot của mình, bạn Hạ Vũ còn cố tìm ra tấm bia của chùa Hàn san để làm phụ bản. Cám ơn các bạn.
Nhân đây tôi cũng xin đính chánh là tấm bia ấy không phải tấm bia của Khang Hữu Vi đời Thanh đã dựng. Theo truyền, thì họ Khang đã vận chuyển một tảng đá lớn và vạt đi một góc để khắc bài thơ. Hòn đá tảng ấy đã không còn nên hôm nọ tôi có viết hỏi anh Lộc là có chụp được tấm ảnh tảng đá đề thơ ấy không khianh ghé Hàn San, và không thấy anh trả lời vì anh đâu có thấy tảng đá nào đâu. Cái bia bạn Hạ Vũ sưu tầm là bia phục chế vào tháng 4 năm 1939 thời Duy Tân, do Trần Quỉ Long 陳虁龍 đề bạt, đặt trong vườn sau chùa.  Có thể tảng đá đó đã cùng với cái chuông chùa Hàn san bay về Nhật thời trước rồi.  Đây là ảnh chụp tấm bia :



Trên tấm bia này, bên phải khắc bài thơ của Trương Kế (như các bạn đã biết) và bên trái có mấy dòng lạc khoản (đề bạt chữ nhỏ) viết: Hàn sơn tự cựu hữu văn đãi chiếu sở thư đường Trương Kế phong kiều dạ bạc thi  Tuế cửu mạn quang tự bính ngọ  Tiểu thạch trung thừa ư tự trung tân tập, sổ doanh thuộc dư bổ thư khắc thạch 寒山寺舊有文待詔所書唐張継楓橋夜泊詩、歳久漫光緒丙午筱石中丞於寺中新葺、數楹属余補書刻石 (Hai ch cuối là loại chữ đặc biệt không đọc được. Tân tập ở đây là phục chế, nghĩa là bia làm lại.)
Tôi đã thử vào mạng tìm, thấy toàn các trang mạng của Nhật viết về bài này, có cả trên Youtube họ ngâm thơ, nhưng tìm mãi mới ra một trang mạng của Trung quốc, họ cũng chỉ bàn suông như chúng ta thấy ở các sách bên ta đã chép lại. Về soạn niên bài thơ thì mỗi nơi chép một kiểu, nơi thì cho là Trương Kế khi thi rớt, neo thuyền ở bến Phong kiều, đêm buồn mà làm ra; chỗ khác thì bảo, lúc chạy loạn An Lộc Sơn, Trương kế neo thuyền ở Phong kiều làm ra, nghĩa là họ toàn đoán mò, vì họ chẳng hiểu thơ của Trương Kế nói gì.
Thơ Trương Kế viết bằng văn nói (bạch văn) giống như tiếng Việt của ta, nên người Tầu họ chê, còn người Nhật thì họ chữa lại cho đọc dễ hiểu. Bản của Nhật, họ chép:

Phong Kiều Dạ Bạc
Nguyệt lạc, ô đề, sương thiên, mãn
Giang phong, ngư hỏa sầu miên, đối.
Cô Tô thành ngoại, Hàn San Tự,
Dạ bán, chung thanh khách thuyền đáo.

Chung qui chỉ là do hai chữ Dạ bán mà họ không hiểu nghĩa, tưởng đó cũng giống như Bán dạ là nửa đêm. Không, Dạ bán là Quá nửa đêm, nghĩa là gần sáng. Gần sáng nghe tiếng chuông thì đâu có gì trái nghĩa, chung qui chỉ là ngày xưa chưa có đồng hồ như ngày nay, nên họ không biết là mỗi mùa mặt trời mọc/lặn mỗi khác (có mùa 7 giờ trời còn tối đất mà có mùa 5 giờ đã sáng bạch). Nên vậy mà họ mới bịa đặt ra thuyết thầy trò nhà sư làm thơ : Thầy làm được 2 câu rồi bí, trò cũng vậy, sau đem ráp lại thì thành bài thơ, họ mừng quá mới dóng chuông tạ Phật lúc nửa đêm. Họ không dám nói là thấy thầy bí nên trò mới đại thí, nói vậy là trịch thượng; nhưng 2 câu đầu của chú tiểu thì cấu trúc có khác gì 2 câu đầu của nhà sư, làm sao ráp lại được. Bịa có gian mà không ngoan.


      Danh Hữu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét