Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015

Bọn Đồ dốt (2)/ Thơ Nôm truyền tụng Hồ Xuân Hương/ Ngân Triều chú giải



***
Bài số 4
Bọn đồ dốt (2)

                                      Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ      (1)
                                       Lại đây cho chị dạy làm thơ 
                                       Ong non ngứa nọc châm hoa rữa     (3) 
                                       Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa
                                    (Hồ Xuân Hương, Thơ và đời, Lữ Huy Nguyên tuyển chọn,
                                                            Nxb Văn Học Hà Nội, 1996)
                        Khảo dị:
                        - Bản Quốc văn tùng ký 
                        Tựa đề: Lỡm học trò
                        Câu 2: Lại đây chị dạy lối làm thơ .
                        Câu 3: Bướm non ngứa lợi châm hoa rữa.
                        Câu 4: Dê bé buồn sừng húc giậu thưa.
            Nguồn: Kiều Thu Hoạch, Thơ nôm Hồ Xuân Hương, Nxb Văn học, 2008
                        -Bản  Thơ Hồ Xuân Hương từ cội nguồn vào thế tục, Đào Thái Tôn, Nxb Giáo Dục, 1995
                        Tựa đề Mắng học trò
                        Câu 1: Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ
                        Phần bình chú, Ông Đào Thái Tôn cho biết như sau:
“Ở bản Landes, theo gs Hoàng Xuân Hãn, bài nầy có lời dẫn ngắn: Có ba thanh niên đi cùng vói nhau. Thấy Xuân Hương bèn muốn ghẹo cô mà hỏi:
-Xuân Hương có muốn lấy ta không?
Xuân Hương mắng cho:
                        -Hởi hởi các em đừng thẩn thơ
                        Lại đây cho chị dạy làm thơ 
                        Ong non ngứa nọc châm hoa rữa    
                        Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa
                        (Sđd (Thơ HXH từ cội nguồn vào thế tục, Đào Thái Tôn, Nxb Giáo Dục, 1995, trang 167).”
                        - Câu 3-4 của bài Bọn Đồ dốt (2) có nét tương đồng phần nào với bài Tương phùng trong Bản Hồng Đức Quốc Âm thi tập:
                        Ấy khuôn hay mẹo thợ nào lừa
                        Mướp đắng khen ai đổi mạt cưa
                        Rắn đói đâu từ con cóc thổi
                        Mèo thèm chi dỗi miếng nem thừa
                        Ong già buông nọc châm hoa rữa
                        Dê yếu văng sừng húc giậu thưa
                        Ơ hở tiền chi mua vải nối
                        Nồi nào vun nấy khéo in vừa
            Hồng Đức Quốc Âm thi tập/ An Chi trả lời bạn đọc/ nguồn Bách Khoa tri thức)
          Bản chữ Nôm:
          (Ghi theo Hồ Xuân Hương thi tập, bản chép tay, bài XXXIV;  tham khảo Đại Tự Điển chữ Nôm, Vũ Văn Kính và phần mềm Winvnkey).
                                                                        伴     途     訥     (2)
                                                                        窖     窖     迻          屡     艮     魚
                                                                        吏          朱     姉          爫     詩
                                                                             嫩     癢     毒     針     花     
                                                                        羝     衮     忿     夌     觸     梄     疎
                        Chú giải
                   (1-2): Chê trách và khinh miệt
          khéo khéo: Tiếng nói mỉa mai, nói mát, ngụ ý chê bai
          lũ ngẩn ngơ: ngẩn: dáng vẻ đờ ra như không có tinh thần, không linh hoạt; ngơ: thái độ không để ý đến sự việc gì; lũ ngẩn ngơ: là bọn đờ đẩn, thơ thẩn, nếu không muốn nói là bọn ngốc nghếch.
          (3-4): Ý nghĩa bóng bẩy của lời khinh miệt.
          (3): Động thái đó không hợp thời, hợp lúc (ong non đối lập với hoa rữa). Phải chăng con ong non đó ngứa nọc, châm càn?
(4): Thật mất công vô ích và bị chê cười đích đáng!
Bài thơ là một lời mắng chửi, miệt thị bọn “dê cỏn”, dốt nát, ghẹo gái cách trâng tráo, không biết nhìn xem đối tượng mình chọc là ai. Tuy nhiên, lời mắng chửi rất tế nhị, nhẹ nhàng, bóng bẩy, thể hiện sự thông minh của người đẹp, nhưng rất nhức óc, đau đầu. Ngoài ra, người đọc có thể suy ra, nếu nhân vật trữ tình trong bài thơ là Hồ Xuân Hương, thì bấy giờ  Bà quả là một tố nga.
*
Phụ lục:
Học trò dốt làm thơ
Thầy đồ dạy các môn sinh của mình rằng:
-Làm thơ thì phải cho tự nhiên, tả đúng cảnh thực mới gọi là hay.
Bốn anh học trò đi vãn cảnh đền bỗng nhớ lời thầy dạy, cao hứng, mỗi người làm một bài thơ. Anh thứ nhất thấy tượng Quan Công liền ứng khẩu:
- Hán Vương ăn ớt mặt đỏ gay! (1)
Anh thứ hai nhìn sang bên cạnh, thấy tượng Quan Bình đọc luôn:
- Bên kia thái tử đứng khoanh tay! (2)
Anh thứ ba thấy tượng Châu Xương đọc tiếp:
- Thằng mọi râu ria cầm cái mác. (3)
Anh thứ tư thấy con hạc cỡi trên lững con rùa, mới kết rằng:
- Con cua nằm dưới chú cò gầy. (4)
Về đọc thầy nghe, thầy tấm tắc khen:

- Khá đấy! Các anh biết nghe lời tôi dạy. Gắng lên, sang năm đi thi thể nào cũng đỗ!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét