Thứ Hai, 19 tháng 10, 2015

Bánh trôi nước/ Thơ Hồ Xuân Hương/ Ngân Triều chú giải

Bài 1:
                                      Bánh trôi
       Bánh trôi nước, ảnh minh họa, Google

Hồ Xuân Hương
                            












                   Thân em thì trắng, phận em tròn, (1)
                   Bảy nổi ba chìm mấy nước non. (2)
                   Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn, (3)
                   Mà em vẫn giữ tấm lòng son. (4)
                   (Bản khắc 1914)



                  
            













Bản chữ Nôm: (căn cứ ảnh chụp bài thơ, dưới đây, Google)

Khảo dị:
* Bản khắc 1922
Câu 4:  em vẫn giữ tấm lòng son
*Bản Xuân Hương thi sao
Tựa đề: Vịnh hàn thực bính
Câu 1: Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Câu 3: Mềm rắn nhờ tay quân tử vọc
Câu 4: Khăng khăng vẫn giữ tấm lòng son tấm/
* Bản Quế Sơn thi tập
Tựa đề: Lưu thuỷ bính
Câu 1: Thân em vừa trắng lại vừa tròn 
Câu 4: Trong lòng vẫn giữ một hòn son
* Bản Tạp thảo tập
Tựa đề: Vịnh hàn thực bính
Câu 1: Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Câu 2: Bảy nổi ba chìm mấy nước sông
Câu 3: Mềm rắn nhờ tay quân tử trộn
Câu 4: Khăng khăng vẫn giữ tấm lòng son 
Nguồn: Kiều Thu Hoạch, Thơ nôm Hồ Xuân Hương, Nxb Văn học, 2008.
***
-Bản Hồ Xuân Hương thi tập (bản chép tay, Quán Ven Đường, mượn của viện Đại Học Yale, USA)
Câu 4: Nhưng em vẫn giữ tấm lòng son.
-Bản Kiều Thu Hoạch
Tựa đề Bánh trôi (NT)

* Chú giải:          
 (1)Thân em: như giai điệu than thân của ca dao, nội dung bao hàm những nỗi vất vả, cay đắng, buồn tủi; những hoàn cảnh éo le, ngang trái trong xã hội cũ; thường thể hiện tâm trạng than thở, nhẫn nhục, chịu đựng của người phụ nữ; đề cao tư tưởng nhân đạo trong đạo lý ngày xưa:
                   Thân em như tấm lụa đào,
          Phất phơ giữa chợ, biết vào tay ai!
(Tình yêu, hôn nhân không thể tự quyết, mà như là cảnh bán buôn)
                    Thân em như hạt mưa sa
          Hạt vào đài các hạt ra ngoài đồng
(Đài các: đài: kiến trúc, xây dựng cao để có thể nhìn xa; các: là gác; đài các ý nói giàu có, quyền quý, sang trọng. Ngoài đồng: ở đây đối lập với đài các, có thể  hiểu là nghèo khổ, thấp hèn. Thân phận người phụ nữ lệ thuộc vào số phận mình; trong thì nhờ, đục phải chịu).
                        Thân em mười sáu tuổi đầu
          Cha mẹ ép gả làm dâu nhà người
                   Nói ra sợ chị em cười
          Năm ba chuyện thảm, chín mười chuyện cay
                   Tối về đã mấy năm nay
          Buồn riêng thì có, vui rày thì không.
                   Ngày thời vất vả ngoài đồng
          Tối về thời lại nằm không một mình.
                   Có đêm thức suốt năm canh,
          Rau heo, cháo chó, loanh quanh đủ trò.
(Câu chuyện về một cảnh đời: lề thói một gia đình xưa đối xừ cách nghiệt ngã với con dâu, giao công việc lao động quá sức,coi con dâu như người làm mướn không công. Tệ nạn nầy do cha mẹ ép duyên con).
Trắng: là màu sắc của bánh, làm bằng bột nếp.
Phận: Có nghĩa là phần riêng thuộc về chỗ nào hay người nào. Còn có nghĩa, hệ lụy đời mình do số kiếp an bài.
Tròn: hình dáng của bánh.
Cả câu vừa giới thiệu màu sắc và hình dáng chiếc bánh trôi, có thể làm cho người đọc liên tưởng đến một bộ phận tế nhị trên thân thể người phụ nữ.
(2) Bảy nổi ba chìm: lấy ý từ câu tục ngữ: “Bảy nổi, ba chìm, chín lênh đênh” là truân chiên, gian nan, vất vả. Tương tự như khi nấu bánh, bánh nổi lên, chìm xuống nhiều lần trong nồi nước, mới chín.
Nước non:  từ ghép. Non, vừa có thể hiểu như từ đệm theo nghĩa chế biến vừa hiểu theo nghĩa cụ thể là “ đất nước”, khái quát lên là trong cuộc đời mình.
Vậy là, chiếc bánh khi chế biến, đã vậy rồi. Mà thân phận người phụ nữ, hay bộ phận kia, cũng chịu thiệt thòi vì rất vất vả, gian nan.
(3) Rắn nát: Bánh rắn, còn nguyên vẹn; (khái  quát  lên là cuộc đời phước hạnh, an vui); hoặc bánh nát, bị vỡ, bị bể; (cuộc đời tăm tối, gieo neo); thường thấy khi ta thưởng thức bánh.
Mặc dầu: dẫu như thế nào.
Thế là chiếc bánh, với hai nghĩa, rõ ràng là thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ, trong đục như thế nào, thì tùy thuộc vào “người nặn bánh”, hay tùy thuộc vào người làm bánh, hay người chồng.
(4)  Mà: Từ biểu thị điều sắp nêu ra là điều khác, đối chiếu bổ sung cho điều,(những điều) vừa nói đến.
Tấm lòng son: là nhân bánh hay phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ: lòng chung thủy.
Như vậy, cho dẫu như thế nào, bên trong bánh có nhân ngon cũng như lòng chung thủy son sắt của người phụ nữ, trong xã hội cũ.
Bài thơ là một cái nhìn hiện thực sắc sảo, một thân phận đáng thương, một tấm lòng chung thủy sáng ngời của người phụ nữ Việt Nam.

                                                            Cảm Xúc

                                               
                                               
Ảnh minh họa, Google.

                                      
                                                 Cô gái Việt Nam ơi!
                                      Từ thuở sơ sinh lận đận rồi!
                                      Tôi biết tình cô u uất lắm,
                                      Xa nhau đành chỉ nhớ nhau thôi.

                                      Cô chẳng bao giờ biết bướm hoa.
                             Má hồng mỗi tiết mỗi phôi pha.
                             Khi cô vui thú là khi đã,
                             Bồng bế con thơ đón tuổi già.

                                                Cô gái Việt Nam ơi!
                                      Ngọn gió thời gian đổi hướng rồi!
                                      Thế hệ huy hoàng không đủ xóa.
                                      Nghìn năm vằng vặc ánh trăng soi.

                                      Tôi đến đây tìm lại bóng cô.
                             Trở về đường cũ hái mơ xưa.
                             Rau sam vẫn mọc chân rào trước.
                             Son sắc lòng cô vẫn đợi chờ.

                                                Dãi lúa cô trồng nay đã tươi.
                                      Gió xuân ý nhị vít bông cười.
                                      Ai hay lòng kẻ từng chăm lúa,
                                      Trong một làng con đã héo rồi.

                                      Cô gái Việt Nam ơi!
                             Nếu chữ "hy sinh" có ở đời,
                             Tôi muốn nạm vàng muôn cực khổ,
                             Cho lòng cô gái Việt Nam tươi.

                                                                    Hồ Dzếnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét