Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

Nhớ bạn phương trời của TrầnTế Xương/ Lời bình Thái Hy (Hậu Nghĩa)

Nh bn phương tri
 
Trần Tế Xương



                                         Khi nhớ, nhớ gì trong mộng tưởng, Nỗi riêng, riêng đến cả tình chung

Ta nhớ người xa cách núi sông
Người xa xa có  nhớ ta không?
Sao đương vui vẻ ra buồn bã?
Vừa mới quen nhau đã lạ lùng!
Khi nhớ, nhớ gì trong mộng tưởng
Nỗi riêng, riêng đến cả tình chung
Tương tư lọ phải là mưa gió (*)
Một ngọn đèn xanh trống điểm thùng


(Bản in theo sách Việt Văn Đệ nhị A B C D của Võ Thu Tịnh/ NXB Hải Vân Saigon/ trang 392)

Lời bình  Thái Hy (Hậu Nghĩa)
*Tặng Chị Hạ SPS

Trần Tế Xương (1870-1907), tự là Tử Thịnh, hiệu là Vị Thành;  quê làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, Nam Định.  Thân phụ là Trần Kế Nhuận, có cửa hàng buôn bán ở Nam Định, làm chức Tự Thừa (?) nên còn gọi là Cụ Tự. 
Trần Tế Xương thông minh, hay chữ song lận đận mãi Cử Nhân, chỉ đỗ Tú Tài năm 1894.  Vì chỉ đỗ Tú Tài, nên không được bổ nhiệm làm quan, thời Hán học suy tàn, trong một xã hội mới nửa Ta nửa Tây (Thực Dân-Phong Kiến).  Do sĩ diện, không chịu luồn cúi, chạy theo lá cờ tam sắc (Cờ Pháp) nên Ông phải sống trong cảnh nghèo khổ vì hỏng thi mãi (8 khoa, vị chi 23 năm).  Con đông.  Việc mưu sinh gieo neo phó mặc cho người vợ hiền tần tảo, nhất là từ lúc lãnh nợ cho bạn, bạn không trả nổi phải bán nhà trả nợ…
Tháng giêng năm 1907, sau khi lại hỏng  thi lần nữa, (Khoa Thi Hương  năm Bính Ngọ 1906), ông rất buồn, đi bộ về quê Ngoại dự giỗ Tổ Tiên, mắc mưa, ướt sũng, cảm lạnh, vừa đến nơi, trúng gió, trở bệnh, từ trần. Hưởng dương  37 tuổi.
Nguyễn Khuyến (1835-1909) có viếng Ông 2 câu đối:
Kìa ai chín suối Xương không nát
Có lẽ nghìn thu tiếng vẫn còn.
(Đó là một người, tuy đã từ trần nhưng Xương vẫn nguyên vẹn.  Chắc rằng tiếng tăm còn lưu mãi hậu thế đến cả nghìn năm.= Sự nghiệp văn chương của Trần Tế Xương, tuy đời ông ngắn ngủi, vẫn sống mãi trong lòng người đời sau).
Sự nghiệp văn chương của ông, gồm nhiều tác phẩm bằng chữ Nôm (ngày nay, đã diễn ra bằng Tiếng Việt) đủ mọi  thể loại văn học: thơ, phú, hát nói, câu đối…văn  phong hóm hỉnh, trào phúng, sâu lắng, phản ánh hiện thực đa dạng; lời lẽ tự nhiên, bộc trực, có những bài cười mình (tự  trào) nhưng cái cười chua chát quá, cay đắng quá, thê thiết quá, có cả tiếng cười  mà giọng cười nghe chừng như  cười đến rơi nước mắt, cũng có một số  bài thơ phảng phất những  tâm tư trầm lắng nhạt nhòa.  Bài “Nhớ bạn phương trời” là một bài tiêu biểu.
Trong Văn Học Sử, Ông được xếp cùng với Nguyễn Khuyến là những tác giả tiêu biểu cho khuynh hướng Văn học Hiện Thực Trào Phúng.
*Chủ đề bài thơ nằm trong tiêu đề minh bạch, cụ thể là nhớ đến một người bạn đang ở  xa lắm, tận phương trời nào. Song “bạn phương trời” tác giả không cho biết là ai.  Những nhà nghiên cứu văn học khẳng định đối tượng trong bài thơ là Phan Bội Châu , 潘佩, (26/12/1867 – 29/10/1940),một nhà cách mạng, chủ xướng Phong trào Đông Du, đưa khoảng 200 sinh viên VN sang Nhật học tập thành tài rồi sẽ trở về quê hương kháng chiến và lật đổ Pháp, nhưng phong trào thất bại vì Nhật đã thông đồng với Pháp.  Ông bị bắt, bị giam lỏng ơ Huế. 
Ông PBC, lớn hơn Tú Xương 3 tuổi, mất sau Tú Xương 31 năm, hưởng thọ 72 tuổi).
*Bài thơ  trên được cấu trúc theo thể thơ thất ngôn bát cú (7 tiếng, 8 câu) Đường luật, luật trắc (nhớ), vần bằng (sông).
Hai câu đề: (những nỗi niềm băn khoăn, nhung nhớ)
Ta nhớ người xa cách núi sông
Người xa xa có nhớ ta không
?
Sự mong nhớ đã thể hiện một cách tự nhiên như một câu nói, khẩu ngữ bình thường.  Một tiếng lòng cất cao trực tiếp, không nói vòng vo của mẫu người thực thà, bộc trực, nghĩ sao nói vậy(ta nhớ).  Ta nhớ ai?  Đối tượng là một người duy nhất (người xa cách núi sông, hay người xa xa).  Ta nhớ người đang ở xa. Ta nhớ người ấy. Đồng thời, ta cũng băn khoăn tự hỏi, không biết, người ấy có nhớ ta không?  Tác giả đã cô đọng điều đó bằng một câu hỏi tu từ để nhấn mạnh nỗi niềm băn khoăn, ray rứt.
Bốn câu thực và luận: (Nhớ bạn qua tính cách, qua những kỷ niệm và cả tấm lòng tha thiết, miên man).
Sao đương vui vẻ ra buồn bã?
Vừa mới quen nhau đã lạ lùng!
Khi nhớ, nhớ gì trong mộng tưởng
Nỗi riêng, riêng đến cả tình chung
Hai cặp nầy theo qui định phải đối nhau.  Đó là chuyện đúng luật, và đúng kết cấu của Thơ Đường.  Xưa, hai cặp câu thơ nầy nếu không đối, không phải thơ Đường!  Không đối nhau được thì thơ không ra thơ và bị người đọc phê phán.  (Nay, chuyện đối nêu trên không còn gò bó, bắt buộc nữa.  Có đối, cũng tốt.  Mà không đối nhau được, cũng xong.  Một bài thơ bảy-chữ -tám-câu “trình làng”, không có đối ở thực-luận,  được gọi là Thơ Đường biến thể hiện đại hay Thơ Mới, rất khoáng đãng, rộng rãi cho người làm thơ).  Ở  đây hai cặp thực-luận đối nhau hoàn chỉnh đã đành (vui-buồn >< quen-lạ, đối ở cặp   thực); (nhớ-tưởng>< riêng-chung, ở cặp luận) mà riêng trong mỗi câu, đều được tác giả chọn lọc, sử dụng nghệ thuật đối rất tài tình: (vui><buồn; quen><lạ; nhớ >< tưởng; riêng><chung).  Như vậy, tác giả không những đối đúng ở cặp thực-luận mà tài hoa biết bao, ở mỗi câu còn hình thành  một cặp tiểu đối nhấn mạnh tâm tình .
Đó là mạn đàm về hình thức nghệ thuật.  
Về nội dung, ở hai câu thực,tác giả đã khắc họa một tính cách lạ lùng của người bạn.  Một tính cách có thể là phức tạp, khó hiểu về mặt tình cảm.
Tại sao đương lúc vui vẻ, như khi vừa mới quen nhau mà chỉ trong một thoáng, đã trở nên buồn bãlạ lùng?  Có phải chăng đó là một tính cách của một con người muốn đảm bảo cho công việc bí mật vì nước vì dân của mình, khi xung quanh, nhiều người khó tin, e có điều nguy hiểm? Vui vẻ là vui với bạn bè, với tác giả.  Buồn bã là rất buồn, rất băn khoăn ,rất đa đoan, sắc diện xa vắng, mãi bận lòng cho sự nghiệp cách mạng có thể còn có nhiều bất cập, khó khăn.  Đó chính là một nét, một phong cách riêng của một người cẩn thận, dè dặt trong sự nghiệp lớn, sự nghiệp yêu nước bí mật của mình.
Về những tình cảm  tưởng nhớ đến bạn hay hồi tưởng những kỷ niệm ân tình,  nỗi riêng, tình chung. Nỗi riêng là kỷ niệm về tình bạn. Tình chung, chắc là tấm lòng vì tiền đồ tổ quốc. Tất cả những điều đó, tất cả những mong mỏi gặp nhau, tất cả kỷ niệm và hoài bảo, thật khó thành hiện thực biết bao! Mộng tưởng là mong mỏi, ao ước quá xa vời. Có gặp nhau chăng chỉ còn trong tưởng tượng, trong giấc mộng mà thôi. Người ở phương trời, đa đoan việc lớn, làm thế nào hội ngộ? Đành phải như vậy thôi. Không còn cách nào hợp lẽ!
Bốn câu thơ chân chất, khắc họa tâm trạng mong nhớ về người bạn xa cách, thể hiện nỗi lòng mình. Qua đó, Trần Tế Xương không chỉ là một nhà thơ hiện thực trào phúng mà ông còn là một nhà thơ kín đáo, nhiều uẩn khúc về cảnh nước mất nhà tan, trong thời thế bấy giờ. Nợ đời và nợ tình đã “giam chí lớn, vòng cơm áo”, (Nguyễn Bính, Hành phương Nam), ông cũng đành nhắm mắt đưa chân, trôi giạt theo số phận đẩy đưa, trong hoàn cảnh lỡ thầy lỡ thợ của kiếp nghèo…
Hai câu kết: ( Nhớ đến nhau là đương nhiên, tha thiết).
Tương tư lọ phải là mưa gió (1)
Một ngọn đèn xanh trống điểm thùng
Thật vậy. Trong tình yêu đôi lứa, trai-gái, hay thời tiết, mưa-gió, thì sự gắn bó nhau một cách lưu luyến là một chuyện đương nhiên. Nỗi lòng mong nhớ của tác giả, tương tư, không cần phải là, lọ là, gắn bó nhau như mưa gió. Không cần gần gũi nhau, nỗi nhớ vẫn không nguôi. Tuy nhiên, tôi nhớ bạn thiết tha biết bao, khi ngồi bên bàn viết ban đêm, một ngọn đèn xanh, để thấy đêm năm canh trằn trọc, trăn trở, không thể nào ngủ được và để nghe bước chân thời gian, tiếng trống sang canh lần lượt, vô tình, vang vọng mồn một trong tâm tư, trống điểm thùng.
*Nhớ bạn phương trời của Trần Tế Xương là một tình khúc trầm buồn, khơi dậy những nỗi nhớ nhung sâu thẳm trong tâm tưởng về một người bạn cùng thế hệ đã mịt mù ở phương trời đang hết lòng lo cho đại sự, cho nước, cho dân. (Phan Bội Châu). Đó cũng chính là giai điệu tiếng lòng  bay bổng của một tấm lòng đậm nhạt yêu nước, yêu dân, bất lực của một nhà thơ trào phúng hoài vọng về thời thế trong  một  đêm đen.
-------------------------------------------------------------------------------------------------
Ghi chú: (*) Có dị bản ghi là Tương tư lọ phải là trai gái (*)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét