Người con út của một ông hoàng và một người cha yêu nước     


Đó là người đã chọn Nha Trang làm nơi dừng chân để “trả nợ” tình yêu quê hương xứ sở, để thỏa nỗi niềm khát khao nguồn cội của mình. Cha ruột của ông chính là vị vua yêu nước có số phận bi hùng – cựu hoàng Duy Tân.
Tính đến thời điểm này thì Bảo Quý – tên tộc của ông Vĩnh San Joseph – là một trong năm hoàng tử cuối cùng còn tại thế của vương triều nhà Nguyễn. Bốn người kia là ông Vĩnh Giêu con cựu hoàng Thành Thái (đang ở Mỹ), Bảo Thắng con cựu hoàng Bảo Đại (Pháp) và hai anh trai của ông đang ở Pháp: Bảo Ngọc (Vĩnh San Georges) và Bảo Vang (Vĩnh San Claude). Những con người này đều có số phận thăng trầm, chìm nổi theo cuộc đời lưu vong của vua cha, thậm chí còn chưa hề biết đến mùi vinh hoa phú quý.
con út Duy Tân
Ông Vĩnh San Joseph – Ảnh: Ái Duy
Lịch sử Việt Nam xuất hiện một trường hợp kỳ lạ và nghiệt ngã, như câu vè dân gian: Một nhà mà có ba vua/Một vua chết đói hai vua đi đày. Vua Dục Đức (1852-1883) lên ngôi vỏn vẹn được ba ngày thì bị phế, bị bỏ đói cho đến chết trong nhà giam. Con ruột của ông là vua Thành Thái (1879-1955) trị vì được 18 năm, bất hợp tác với Pháp nên bị đưa đi đày. Hoàng tử thứ năm của Thành Thái là vua Duy Tân (1900-1945), mưu việc lớn bất thành cũng chịu chung số phận với vua cha từ năm 16 tuổi.
Sinh năm 1938 tại Réunion, một hòn đảo thuộc địa của Pháp nằm giữa Ấn Độ Dương phía đông châu Phi, Vĩnh San Joseph là con trai út của cựu hoàng Duy Tân và bà Fernande Antier – một thiếu nữ con nhà bình dân gốc Pháp sống trên đảo, trên ông còn có hai anh trai và một chị gái. Trong ký ức của người con út, Duy Tân là người cha thương con nhưng nghiêm khắc, điềm đạm và ít nói. Cựu hoàng là người cầu tiến, ham học hỏi. Ông là người tiên phong tiếp cận với kỹ thuật vô tuyến điện trên hòn đảo hẻo lánh này và đã tham gia xây dựng đài thu phát truyền tin đầu tiên ở đây. Hiện nay, tại nơi này vẫn còn lưu dấu ấn của cựu hoàng bằng một cây cầu nhỏ mang tên ông và đến năm 1992, TP Saint-Denis (nơi cả gia đình nhà vua trú ngụ ngày xưa) đã khánh thành đại lộ Duy Tân.
Tuổi thơ của Joseph trôi qua trong nhọc nhằn thiếu thốn. Khi vua Duy Tân tử nạn trong tai nạn máy bay đầy bí ẩn ngày 26/12/1945 trên bầu trời tỉnh Lobaye vùng Oubangui – Chari thuộc Trung Phi, cả gia đình lâm vào cảnh khốn cùng. Hai người con lớn phải bỏ học đi làm, Georges đăng lính, mỗi Joseph em út còn quá nhỏ nên vừa học vừa làm. Năm 1955, cả nhà ông chuyển qua Madagascar và ở đó 10 năm trước khi tất cả cùng định cư tại Pháp.
Mãi đến năm 1987, di hài của vua Duy Tân mới được rước về an táng trọng thể tại An Lăng, chấm dứt hành trình lưu đày 70 năm ở xứ người của một ông vua yêu nước thất cơ lỡ vận. Những chuyến về Việt Nam ban đầu mang ý nghĩa hành hương bái yết tổ tiên, ra mắt bà con dòng họ, dần dà đã trở thành thông lệ thường xuyên, thành thói quen, thành niềm vui lẽ sống của những người con sống xa quê hương. Sau khi nghỉ hưu, từ năm 2005 “hoàng tử bé” Bảo Quý và vợ mình, bà Lebreton Marguerite, đã quyết định ở lại Việt Nam để an dưỡng tuổi già. Và thành phố biển Nha Trang xinh đẹp là nơi mà ông bà dự định gắn bó đến cuối đời.
Tôi đã lần theo nơi ông thuê ở đầu tiên tại Nha Trang là một con hẻm nhỏ trên đường Lê Hồng Phong, rồi chuyển đến đường Bắc Sơn ở khu vực Hòn Chồng, và nay là trên đường Nguyễn Phong Sắc, thuộc khu dân cư mới mở phía nam đèo Rù Rì cách trung tâm thành phố 8 km về phía bắc. Nơi ở mới của ông thật yên tĩnh và trong lành, kín đáo mà lại rất thoáng đãng, tràn ngập nắng gió. Trước cổng nhà là tấm bảng nhỏ đĩnh đạc đóng trên tường ghi rõ “Mr  &  Mme Vĩnh San Joseph”.
Không một chút xa lạ và cách biệt với Vĩnh San Joseph. Ở ông toát ra sự hồn hậu chân tình và khiêm cẩn. Rất trẻ trung và khỏe mạnh so với cái tuổi 72, ông reo lên mừng rỡ “oh, ma famille” (gia đình tôi) với những người cùng dòng tộc trong lần gặp đầu tiên. Rồi ông tự tay tỉ mẩn dò từng nhánh dọc ngang trên cây gia phả trong bức tranh treo trang trọng trên tường. Bên cạnh đó là chân dung của vua Duy Tân khi mới lên ngôi năm 7 tuổi. “Mệ” Bửu Thê, cựu giáo viên trung học năm nay đã 90 tuổi, là một trong những bậc trưởng thượng của Nguyễn Phước tộc tại Nha Trang, tự nguyện làm cầu nối giúp chúng tôi tiếp xúc với ông. Đây cũng là người bạn vong niên đã sát cánh và nhiệt tình giúp đỡ vợ chồng ông hoàng này từ khi họ mới đặt chân đến Nha Trang, từ nơi chốn ăn ở, đi lại, cho đến thăm thú bà con họ tộc. Đồng lương hưu của một công chức chỉ đủ giúp cho ông bà Joseph thuê một căn nhà nhỏ và sống bình dị.
Bà Lebreton Marguerite ắt hẳn phải là một nội tướng rất giỏi. Sau gần 40 năm nâng khăn sửa túi cho ông hoàng, tình yêu dành cho chồng vẫn còn ngời ngời trong ánh mắt bà. “Je suis très fier…” (Tôi rất tự hào…), bà không ngừng lặp lại điều đó mỗi khi hướng mắt về phía ông. Họ có với nhau hai người con trai đều đã lập gia đình và thành đạt ở Pháp, hai đứa cháu nội xinh xắn. “Nhất định chúng nó sẽ về Việt Nam để ra mắt tổ tiên ông bà”, người mẹ khẳng định. Nữ chủ nhân bê ra khay nước trà nóng mời khách, bộ ấm tách sứ trắng bong sạch sẽ, chén đường nhỏ cho khách tự pha. “Bà tự đi chợ hằng ngày sao?”. “Ồ không, tôi chỉ thỉnh thoảng, ông nhà tôi mới thường xuyên. Ông ấy nấu ăn rất ngon, nhất là các món Việt”. Ông hoàng than thở: “Vì bà ấy vẫn chưa quen cách tính tiền Việt, đi chợ cứ nhầm lẫn. Vả lại ngôn ngữ ta phong phú quá”. “Là sao ạ?”. “Có gì đâu, ví dụ món hàng này giá 25.000 đồng nhé, thì chỗ này nói hai nhăm, chỗ kia hai mươi lăm, chẳng biết đường nào…”.
Đây là cái Tết thứ 5 hai vợ chồng ông ở Nha Trang. Trong mắt họ phong cảnh nơi đây thật hữu tình, thủy thổ ôn hòa, con người hiền lành mộc mạc. Điều mà ông ưu tư cũng không khác mấy với lớp người lớn tuổi nặng tình yêu quê hương xứ sở, vì sao ngày càng có nhiều bạn trẻ thờ ơ với lịch sử nước nhà đến vậy. Năm 1988, trong chuyến viếng thăm quê chồng, mẹ ông – bà Fernande Antier – đã ước ao sớm khôi phục lại những con đường mang tên Duy Tân ở Việt Nam. Tạ thế vào năm 2005, có lẽ giờ này ở suối vàng bà cũng mãn nguyện phần nào khi đã xuất hiện những con đường mang tên ông ở một số địa phương.
Chim có tổ, người có tông. Như cây có cội, như sông có nguồn. Có một cánh chim đã vượt trùng khơi theo tiếng gọi từ sâu thẳm cội nguồn về lại đất tổ, nơi mà ông cha mình buộc phải ra đi…
Duy tân
Vua Duy Tân trong thời gian ở đảo Réunion – Ảnh tư liệu
Duy Tân – tên húy Nguyễn Phúc Vĩnh San – là vị vua thứ 11 của nhà Nguyễn (ở ngôi từ 1907-1916), sau vua Thành Thái. Khi vua cha bị thực dân Pháp lưu đày, ông được đưa lên ngôi lúc còn thơ ấu. Tuy nhiên, ông dần dần khẳng định thái độ bất hợp tác với Pháp. Năm 1916, ông bí mật liên lạc với các lãnh tụ Việt Nam Quang Phục hội như Thái Phiên, Trần Cao Vân dự định khởi nghĩa. Kế hoạch thất bại, Duy Tân bị Pháp bắt ngày 6.5 và đến ngày 3/11/1916, ông bị lưu đày trên đảo Réunion ở Ấn Độ Dương.
Trong Thế chiến thứ hai, vua Duy Tân gia nhập quân Đồng minh chống phát xít Đức. Ngày 26.12.1945, ông mất vì tai nạn máy bay ở Cộng hòa Trung Phi, hưởng dương 45 tuổi. Ngày 24.4.1987, thi hài ông được đưa từ đảo Réunion về Việt Nam, rồi đưa về an táng tại An Lăng, Huế cạnh lăng mộ vua cha Thành Thái.
Theo Ái Duy (Thanh Niên Xuân Tân Mão)

Bài đọc thêm :

Suy ngẫm về con đường mang tên một vị vua yêu nước
Thứ bảy, 07/05/2011, 22:41 (GMT+7)
Trước năm 1975, đường Duy Tân bắt đầu từ đường Hiền Vương dẫn đến nhà thờ Đức Bà đường Thống Nhất. Sau năm 1975 đường Duy Tân được đổi tên là Phạm Ngọc Thạch. Bắt đầu từ đường Võ Thị Sáu đến đường Lê Duẩn.
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là anh em cô cậu ruột với tôi. Anh Thạch gọi cha tôi bằng cậu ruột. Bà nội tôi có 4 người con trai và 1 người con gái duy nhất là mẹ anh Thạch tên Công Tôn Nữ Chánh Tín, vợ của nhà giáo Phạm Ngọc Thọ ở Phan Thiết, mà tôi thường gọi là dượng Đốc Thọ.  Anh Thạch có một người vợ là người Pháp. Hồi tôi còn rất nhỏ nhưng vẫn nhớ như in là mỗi lần giỗ, tết ở nhà cha tôi, vợ chồng anh Thạch đều có tham dự. Chúng tôi cứ chạy theo nhìn “Bà Đầm” (vợ anh Thạch).
Theo tôi biết cha tôi rất quý anh Thạch, thường khen ngợi tài năng đức độ của anh. Cha tôi vẫn nói: “Đi làm cách mạng như bác sĩ Phạm Ngọc Thạch mới đúng nghĩa. Bỏ hết, bỏ tất cả, bỏ cả gia tài, sự nghiệp, vợ đẹp, con thơ… mà ngày ấy, bác sĩ chỉ đếm trên đầu ngón tay, vô cùng quý hiếm, lại học ở Pháp về”.
Anh Thạch cũng rất quý mến cha tôi, hai cậu cháu cũng rất gần gũi. Cha tôi có nói cho tôi biết là: “Anh Thạch rất kính phục vua Duy Tân”. Vì thế, khi bỏ con đường Duy Tân để đặt tên anh, tôi thầm nghĩ có lẽ hương hồn anh cũng không được vui!
Thuở trước, ở Sài Gòn có con đường của một danh nhân thì vùng Gia Định cũng có. Vì thế, lại còn thêm một con đường Duy Tân nữa mà đến ngày nay vẫn còn. Trước kia con đường này từ đường Cách Mạng 1 Tháng 11 đến Nguyễn Huỳnh Đức. Sau này là từ đường Nguyễn Văn Trỗi đến đường Huỳnh Văn Bánh quận Phú Nhuận. Một con đường nhỏ nay đã hư hỏng, lại thêm người dân ở đó buôn bán, bày ra đường nhếch nhác, trông rất thê thảm.
Một buổi chiều, tôi có dịp đi ngang qua, nước mắt tôi cứ ứa ra từ đầu đường đến cuối đường. Tôi thầm đọc mấy câu thơ tôi đã viết trong bài “Trở về” khi thăm lại ngôi nhà của cha tôi tại Vỹ Dạ Huế:
“…Có nghe mắt đọng sầu vương,
Có nghe nỗi nhớ niềm thương dạt dào…
Chiều lên giữa giấc chiêm bao.
Bâng khuâng mây trắng trôi vào hư vô…”
Và lúc này tôi cũng không thể quên câu hò đã đi vào dân gian gần thế kỷ nay, cha tôi đã viết về Vua Duy Tân mà tôi đã hò không biết bao nhiêu lần hầu cha tôi nghe, khi người còn sinh tiền… Cũng như tôi đã nhiều lần ghi âm vào các băng, dĩa, hay những dịp kỷ niệm về cha tôi. Tôi cũng đã có dịp hò câu hò này với tiếng đàn phụ họa của giáo sư tiến sĩ Trần Văn Khê rất nhiều lần ở trong nước và cả lúc ra nước ngoài. Khi giáo sư tiến sĩ Thái Kim Lan mời qua diễn tuồng Lộ Địch của cha tôi ở Đức, sau đó qua Pháp năm 2002. Chúng tôi cùng đi với đoàn tuồng Đào Tấn Bình Định. Biết bao kỷ niệm êm đềm và sâu sắc ở trong tôi.
Bài “Chữ Ai trong câu hò” tôi đã ghi lại trong cuốn “Hồi ức về cha tôi: Ưng Bình Thúc Giạ Thị” xuất bản năm 1996 tái bản lần thứ nhất 2002. Sài Gòn Media sắp tái bản lần thứ hai nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày mất Ưng Bình Thúc Giạ Thị: 1961-2011.
Trong bài này đã nói rất rõ sự tích về câu hò:  Chiều chiều trước Bến Văn Lâu,
Ai ngồi, Ai câu, Ai sầu, Ai thảm,
Ai thương, Ai cảm, Ai nhớ, Ai trông.
Thuyền Ai thấp thoáng bên sông
Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non
TÔN NỮ HỶ KHƯƠNG