Thứ Tư, 31 tháng 12, 2014

Tìm hiểu, lịch sử lịch Tây (Dương lich).../Trần Lâm Phát chuyển





Dương lịch - Gregorian Calendar

Nguyễn Tài Ngọc
 
Tưởng tượng trăm năm trước, khi Việt Nam chưa dùng dương lịch, thay vì ngày tháng hẳn hòi thì mình phải nhớ sinh nhật của cô đào nhí hay vợ yêu là nàng sinh vào giờ Mão ngày Mậu Tý, năm Ất Tỵ.  Bảo đảm vì hệ thống âm lịch quá phức tạp không thể nào nhớ nổi, sẽ có năm vài ông quên không mua quà sinh nhật và chắc chắn là nàng sẽ nổi giận áp dụng hình phạt tối đa tru di tam tộc.

Một năm cũ vừa mới trôi qua. Hôm nay là 1-tháng 1 của năm mới 2015. Đây là vài dữ kiện liên quan đến  dương lịch chúng ta đang dùng hiện thời:

1. Dương lịch tiếng Anh là Gregorian calendar, nghĩa làLịch của ông Gregory. Gregory là tên của Đức Giáo Hoàng thứ 13. Sở dĩ dương lịch đặt theo tên ông ta là vì vào năm 1582 ông là người phổ biến dương lịch dùng hiện thời trên thế giới.

2. Đức Giáo Hoàng  Gregory không phát minh ra dương lịch mà chỉ hoàn hảo lịch của Hoàng Đế Caesar, Julian calendar -  lịch của Julius (Julius là tên của Hoàng Đế Julius Caesar). Julian calendar đã dùng rất lâu, mãi từ năm 45 trước Thiên Chúa Giáng Sinh. 

3. Lịch của Caesar tính trái đất quay một vòng chung quanh mặt trời mất 365 ngày 6 giờ (365.25 ngày). Thời gian đúng thật sự ít hơn 11 phút: 365 ngày 5 giờ 49 phút (365.2424 ngày). Vì lý do này mà từ năm 45 trước Thiên Chúa Giáng Sinh đến năm 1582 khi Đức Giáo Hoàng Gregory cải tiến dương lịch, lịch của Caesar đã sai thêm 10 ngày.

4. Các nhà thiên văn và khoa học gia trước năm 1582 đã biết lịch của Caesar chạy sai (cứ 128 năm thì dư ra một ngày), nhưng chỉ có Đức Giáo Hoàng Gregory muốn sửa đổi lịch cho đúng ngày vì ngày lễ Phục Sinh của Công Giáo vào thời bấy giờ đã sai đi 10 ngày sang mùa khác. Vì thế, Gregory quyết định dùng lịch mới, bỏ đi 10 ngày để cộng đồng Công Giáo kỷ niệm lễ Phục Sinh đúng ngày. 

5. Tuy là dương lịch đặt theo tên của Đức Giáo Hoàng Gregory, Gregorian calendar, người tính toán lịch này là một người Ý đa tài vừa là bác sĩ, vừa là nhà thiên văn, vừa là triết học gia tên là  Luigi Lilio. 

6. Các nước quốc giáo là Công Giáo như Ý, Ba-Lan, Bồ-Đào-Nha, Tây-Ban-Nha.., áp dụng ngay dương lịch mới vào năm 1582 hay ngay sau đó. Nhưng  một số cộng đồng Tin Lành từ khi Mục Sư Martin Luther hô hào Vatican sửa đổi, quyết định tách rời khỏi Công Giáo, không tin cậy vào Gregory, nghĩ rằng Đức Giáo Hoàng đổi lịch chỉ để làm cho con chiên hoang mang không biết ngày nào đúng để thờ phượng lễ Phục Sinh (Easter). Người Anh cũng nghĩ rằng sự tính toán của họ giỏi hơn nước khác nên phần lớn khối Âu Châu  không dùng dương lịch cho đến thập niên 1700.

7. Nhật Bản bắt đầu dùng dương lịch vào năm 1873. Trung Hoa dùng vào năm 1949.

8. Chữ calendar  từ chữ La-Tinh "Kalendae", nghĩa là ngày đầu tiên trong tháng.

9. Tuy rằng September, October, November, December là Tháng 9, 10, 11, 12, nhưng chữ September từ chữ La-Tinh"septem" có nghĩa là 7, October từ chữ "octo" có nghĩa là 8, November từ chữ "novem" có nghĩa là 9, và Decembertừ chữ "decem" có nghĩa là 10. Lý do là vì trước Julian calendar người ta dùng Roman Calendar, một năm chỉ có 10 tháng.

10. Chúa Nhật là ngày nghỉ: Vào năm 321, để thỏa mãn cho cả Thiên Chúa Giáo kỷ niệm ngày Chúa Jesus sống lại và những người tin vào đạo giáo khác như Thần Mặt Trời, Hoàng Đế La Mã Constantine chọn Chúa Nhật là ngày nghỉ.

11. Trong Anh ngữ, vài ngày trong tuần đặt theo tên các thần Saxon (Saxon theo truyền thuyết đến từ Đức, định cư ở Anh vào thời Trung Cổ), ngoại trừ Thứ Bẩy  đặt theo tên thần Saturn của La Mã:

Monday:     ngày mặt trăng, moon.
Tuesday:     Thần Tiw.
Wednesday: Thần  Woden.
Thursday:   Thần  Thor.
Friday:        Nữ thần Frige.
Saturday:    Thần Saturn.
Sunday:      ngày mặt trời, sun.
 
Đây là vài dữ kiện khác liên hệ về lịch và thời gian:

a. Vào thưở ban đầu, các nền văn minh trên thế giới như Ai Cập, Trung quốc, Hồi, Do Thái....căn cứ vào số ngày (29-1/2 ngày) mặt trăng quay một vòng chung quanh trái đất để tính lịch mà ta gọi là âm lịch. Theo âm lịch, một năm có 354 ngày, 12 tháng. Vì 354 ngày ít hơn số 365 ngày trái đất quay một vòng chung quanh mặt trời, nên có năm âm lịch cộng thêm một tháng nhuận thành 13 tháng.

b. Theo tài liệu khảo cổ tìm được, người Ai Cập dùng âm lịch từ năm 4236 trước Thiên Chúa Giáng Sinh. Người Trung Hoa dùng âm lịch từ năm 2637 trước Thiên Chúa Giáng Sinh. Mới đây nhất vào tháng 7 năm 2013, khoa học gia tin là họ tìm được vết tích người nước Scotland đã bắt đầu dùng lịch từ 8000 năm trước Thiên Chúa Giáng Sinh. 

c. Ở Hoa Kỳ, Viện Tiêu Chuẩn và Kỹ Thuật National Institute of Standards and Technology ở thành phố Boulder thuộc tiểu bang Colorado có một đồng hồ nguyên tử atomic clock duy trì giờ giấc chính xác cho nước Mỹ. Nếu ai mua đồng hồ treo tường hay đồng hồ tay thuộc loại "radio controlled" thì loại đồng hồ này sẽ bắt được làn sóng radio của đồng hồ ở Colorado, lúc nào cũng chạy đúng giờ, không cần điều chỉnh.

Nguyễn Tài Ngọc
January 2015
 
Tài liệu tham khảo:
http://www.allfunandgames.ca/facts/calendars.shtml
http://www.tondering.dk/claus/cal/chinese.php
http://www.webexhibits.org/calendars/timeline.html
http://phys.org/news/2013-07-world-oldest-calendar.html
http://256.com/gray/docs/calendar.html
http://www.tenfactsabout.co.uk/0005calendar.htm
 
TaiNgoc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét