Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2014

Nếu có một ngày/ bút ký thế sự/ Hồ Phất chuyển


> Nếu có một ngày
 - Hay là cô phone về bên đó, kêu gởi tiền qua để... 


>  
> Nhìn cô cháu gái đều tay thoa
> bóp, đôi chân đang sưng như thấy hết đau, bà
> thấy trong lòng dào dạt thương yêu, tận trong
> lòng bà thấy biết ơn, nên tỏ bày cùng cô cháu
> gái: "Cám ơn con, đã cho cô những ngày vui
> vẻ, bỏ hết bên kia cô về đây sống, muốn
> gần mồ mả ông bà, cũng muốn được gần
> con."
> Cô cháu cười tươi, khoe hàm
> răng trắng: "Có gì đâu, cô như người mẹ,
> mà con lo cho mẹ là chuyện phải làm. Cô đừng
> bận tâm chỉ nên lo cho sức khỏe. Lần trước
> cô xuống lầu, không kêu con nên trợt té, cái
> chân đau tới bây giờ còn chưa hết, sau lần
> nầy cô phải cẩn thận hơn, đi tới đi lui phải
> có cây gậy cho an toàn. Con không có việc làm,
> chỉ quanh quẩn trong nhà nấu cơm rồi rửa chén,
> nếu cô cần sai bảo điều chi, thì cứ lớn
> tiếng kêu, con sẽ chạy lên ngay lập
> tức."

> Nghe những lời chân tình từ
> cô cháu gái, bà cười hiền, nheo nheo đôi mắt
> ướt:
> - Cô muốn khóc khi nghe con nói.
> Tuổi trẻ bây giờ có mấy đứa được như con?
> Gia đình ta bao nhiêu đời nhân nghĩa, nên sanh ra
> được cây lành giống tốt là con. Cái chân đau
> cô ngồi hoài một chỗ, cứ lẩn quẩn trong
> phòng, thấy cuống cả chân tay. Sau lần nầy con
> nên thu xếp lại, để cho cô ở dưới lầu đi
> đứng được dễ hơn.
> Cô cháu gái nhìn bà mỉm
> cười phân giải:
> - Cô ở bên kia sạch sẽ quen
> rồi, nên con dành phòng trên lầu cho cô yên
> tịnh, vừa ngăn nắp, lại vừa có không gian
> riêng cho cô thoải mái, chứ ở dưới kia tụi con
> bày bừa bộn, nấu nướng cả ngày, cô khó nghỉ
> ngơi.
> Nghe cô cháu giải thích bà
> thấy ấm lòng, vì trong từng lời nói, từng cử
> chỉ săn sóc nó làm bà hài lòng hơn cả ước
> mong. Cứ thế sáng chiều ba bữa nó nấu ăn, chăm
> chút từng món ngon cho bà vừa miệng. Biết bà
> thích cá lóc, nó lựa ngay con thật bự, để dành
> riêng đùm trứng rất ngon, còn cho thêm nhiều
> hành, tiêu để bà ăn vào cho ấm bụng. Ăn uống
> xong bao giờ nó cũng nhắc, cô phải uống thuốc
> ngay, đừng chần chờ, vì nếu lỡ quên, chân
> hành đau sẽ làm cô nhức nhối. Hay có bữa nó
> bưng mâm cơm lên mà tiếng nói reo
> vui:
> - Con nấu canh chua cá bông lau
> mà cô ưa thích, cô ăn nhanh còn nóng mới 
> ngon.
> Nhìn mâm cơm canh tươm tất,
> bà thấy rất thương, vì cảm được cái tình
> của cháu dành cho mình rất đậm. Bà dịu dàng
> căn dặn:
> - Con nấu món gì cô cũng thích
> ăn, nhưng nhớ đừng nấu món riêng đặc biệt,
> cô già rồi ăn không còn nhiều được nữa, tụi
> con muốn ăn món nào, cô cũng thích ăn theo. Cô
> về đây ở luôn chứ phải đâu là khách, cứ
> nấu nướng bình thường đừng để cực cho
> con.
> - Dạ, con biết rồi, cô đừng
> có ngại, chăm sóc người già, là phải lo cho
> kỹ, ăn uống sao cho bổ dưỡng mới kiện thân,
> tụi con còn trẻ ăn gì cũng được, chỉ cần ăn
> sơ sơ cũng qua xong một bữa.
> Vừa ăn bà vừa thầm nghĩ:
> già như mình thì cũng nên... già, ở với cháu mà
> được nó thương, lo cho từng chút, thấy sao ấm
> lòng. Đã mấy mươi năm làm thân viễn xứ, nặng
> gánh đôi vai thay chồng đã khuất, ông đã làm
> tròn bổn phận với quê hương, còn tôi cũng lo
> xong một đời làm mẹ, dang rộng đôi tay bao bọc
> đàn con, nay các con đã khôn lớn nên người, thì
> cũng là lúc tôi muốn quay về sống lại với
> làng xưa, để sau nầy khi tới lúc phải ra đi,
> thân xác tôi sẽ được nằm kề bên
> ông.
> Nay tôi đã được thỏa lòng,
> ôm mơ ước về quê dù ngơ ngác, cũng nơi đây
> chiếc cầu ngày xưa tôi và ông hò hẹn, nhưng
> bây giờ là cầu gạch bắc qua sông. Cũng không
> sao, đời vật đổi sao dời, huống chi chỉ có
> cây cầu năm xưa. Cầu có đổi thay nhưng lòng
> tôi không thay đổi, cũng vẫn như ngày nào thích
> nằm nghe tiếng gà gáy, thích nghe tiếng rao hàng
> thanh thoát trong sớm mai, thích nghe tiếng người
> cười nói lao xao bắt đầu cho một ngày mới.
> Chỉ ngần ấy đó thôi, những thứ rất bình
> thường nhưng sao thấy đậm đà sao tha thiết
> tình quê.
> Nghĩ thế nên bà mới chọn con
> đường về Việt Nam sống luôn với cô cháu gái,
> tụi nó không có việc làm chỉ săn sóc bà thôi,
> thì như thế cũng rất công bằng cho cả đôi
> bên, bà có tiền, cô cháu có công, nên cũng vẹn
> toàn cho cả cô lẫn cháu. Quà cho cô cháu là xây
> lại căn nhà, trên nền nhà cũ của hai vợ chồng
> ngày họ mới cưới được vài năm. Chi phí việc
> chăm lo cho bà là 300 đô mỗi tháng, do các con ở
> bên Mỹ gởi về.
> Quyết định về Việt Nam
> sống luôn làm mấy đứa con bà lo lắng không
> yên, nhưng chúng vẫn phải để mẹ đi theo con
> đường mẹ chọn. Riêng bản thân bà lại thấy
> mình... sáng suốt, tuy có nhớ con nhớ cháu, nhưng
> lòng thấy nhẹ nhàng vì mình không làm gánh nặng
> cho các con, mà lại được sống những năm cuối
> đời như mình mơ ước.
> Ngày tiễn bà về Việt Nam ở
> luôn không qua nữa, đứa nào cũng bịn rịn khóc
> thương không muốn rời. Giấu nước mắt bà dặn
> dò: đừng về thăm mẹ vì đường xa con nhỏ,
> hãy coi như mẹ đi chơi xa một chuyến, nếu còn
> khỏe thì cứ vài năm mẹ sẽ về
> thăm...
> Chỉ có cô em Út, lúc đầu là
> ồn ào phản đối không vui, rồi còn khuyên giải
> chị đừng về nơi chốn cũ, nơi mà chị em mình
> từng đánh đổi mạng sống để ra đi. Và đến
> khi thấy không còn lay chuyển được bà chị già
> bướng bỉnh, nó làm mặt giận hờn rồi không
> thèm nói nữa. Tưởng là con em Út giận luôn, ai
> dè giờ chót nó cũng ra tiễn bà. Nhét gói thuốc
> bổ cho bà, nó dặn dò đủ thứ rồi còn thì
> thầm: “lần nào đi đâu cũng có chị có em,
> chỉ có lần nầy chị muốn một mình ra đi không
> định ngày trở lại, chị có thể quên tất cả,
> nhưng phải nhớ đừng quên lời em dặn”. Nghe
> nói bà gật đầu cho nó được yên tâm, chứ
> thật ra thì bà đang nghĩ: con Út nầy lúc nào
> cũng lo xa, nhưng đôi khi cũng... không cần thiết
> lắm. Từ ngày đó đến nay con Út cũng an tâm khi
> nghe chị mình sống vui là có thật, nên đã bớt
> lo, còn hẹn năm sau nó sẽ về
> thăm.
> Như thường lệ, sáng nay cô
> cháu bưng cho bà mâm cơm nóng. Hăm hở ăn bà xuýt
> xoa khen, rồi cao hứng vừa ăn vừa kể chuyện,
> cô cháu ngồi nghe cũng góp lời cho bà thêm hứng
> khởi, được một lúc, bà chợt thấy câu chuyện
> mình đang kể, cô cháu nghe hưởng ứng chỉ cầm
> chừng chứ không còn sôi động nữa, nên ngừng
> đũa bà dò hỏi:
> - Có gì không con? Sao mà ngồi
> thừ ra đó?
> Cô cháu nhìn bà, rồi nhìn
> xuống bàn tay, săm soi mấy cái móng, nó ngập
> ngừng: "Cô à, con cần... 5
> ngàn."
> Hơi ngạc nhiên bà hỏi lại
> cho rõ: "5 ngàn Việt hay 5 ngàn
> đô?"
> Cô cháu cười phì: "5 ngàn
> đô, chứ 5 ngàn Việt thì con có
> rồi."
> Bà nhìn cô cháu gái, ngần
> ngừ một chút rồi nói:
> - Con có nhớ, cô đưa con 3
> ngàn đô lần trước, là số tiền cuối cùng cô
> giữ để hộ thân, đưa hết cho con, vì con cần
> khẩn cấp, nên bây giờ cô chỉ còn có mấy
> trăm.
> Cô cháu gái có vẻ không vui,
> ngồi yên không nói, một lúc sau nó ngập ngừng
> đề nghị:
> - Hay là cô phone về bên đó,
> kêu gởi tiền qua để... cô xài. Con kẹt tiền
> nên mới nhờ cô lần nữa, chứ hỏi tiền hoài
> con thấy quá ngại ngùng. Cô cũng biết vật giá
> leo thang, cái gì cũng mắc, nếu đủ tiền rồi
> thì con đâu dám hỏi cô.
> Thấy nó đổi giọng buồn
> buồn thì bà cũng thương, nhưng nó xúi xin thêm
> tiền thì bà thấy không vui, nhưng vẫn ôn
> tồn:
> - Từ đầu con nói với cô, 25
> ngàn đô là quá dư để cất một căn nhà, nên
> cô bằng lòng vì số tiền đó cô lo được,
> nhưng từ đó đến nay, tiền đã tăng lên gấp
> đôi, mà nhà cất vẫn chưa xong làm cô lo lắng,
> vì thật sự cô không còn tiền
> nữa.
> Nghe tới đây, nó xụ mặt,
> lầm bầm trong miệng:
> - Mỗi lần kêu cô đưa tiền,
> là mỗi lần cô nhắc chuyện... đời xưa. Cất
> một tầng, với cất ba tầng lầu thì giá tiền
> phải khác chứ!
> Thấy đứa cháu mới mấy phút
> trước còn ngọt ngào vui vẻ, mấy phút sau đã
> trở giọng khi nghe không có tiền, bà thấy bực
> mình, nhưng vẫn giảng giải:
> - Cô đã nói với con, phải
> “liệu cơm gắp mắm”, phải gói gọn trong số
> tiền mình có. Cô về đây là để dưỡng già,
> cốt chỉ gần mồ mả ông cha, chứ không cần
> nhà cao cửa rộng. Nhà cũ của con tuy đơn sơ
> nhưng ấm cúng gọn gàng. Cô thay nhà tranh, thành
> nhà tường như con mơ ước, vì muốn nhân đây
> làm quà tặng cho con. Dự định ban đầu là cất
> nhà tường, nay đã trở thành nhà lầu ba tầng,
> có cổng rào riêng biệt, cô cũng vui nếu con
> biết ngừng ở đó, còn nếu như con tiếp tục
> dài dài, hết đập bỏ nhà bếp xi măng vừa
> mới làm xong, thay vào đó là đá hoa cương cho
> giống nhà hàng xóm, rồi nhà tắm, giường nằm,
> bộ bàn ăn, con cũng muốn thay... Cô thật sự
> cạn kiệt không còn tiền cho con
> nữa.
> Biết lần nầy khó lấy
> được tiền, nó hạ giọng, nhưng chầm dầm cái
> mặt:
> - Thì cũng muốn cô ở cho sang,
> mang tiếng Việt kiều mà cất nhà tường lèo tèo
> dưới... nách nhà bên cạnh, nên con cũng... ráng
> cất cao thêm một chút, để cho thiên hạ khỏi
> chê cười.
> Nghe con cháu có cái tánh đua
> đòi, bà thấy ngán ngẩm nên
> nói:
> - Con đừng so
> sánh với người ta. Nhà ai nấy ở, mình nhìn
> người ta làm gì!?
> Nghe bà nói cái
> kiểu... an phận đó, nó phát
> bực:
> - Con... khổ
> với cô hết biết! Nói cách nào thì cô cũng
> không... thèm hiểu. Người ta Việt kiều, mình
> cũng Việt kiều, Việt kiều mình... bèo quá sẽ
> bị người ta khinh! Cái cổng nhà bên nó xây
> chồm ra phía trước, làm cho cái nhà mình coi lép
> vế kề bên, nên dễ gì con để nó... chơi ngông,
> nên tiền đợt trước con đã xây liền cái
> cổng. Con chỉ cần thêm 5 ngàn nầy nữa, là coi
> như xong hoàn tất được căn
> nhà.
> Bà buông đũa,
> ngồi thừ ra, một lúc sau bà
> nói:
> - Nói thật, cô
> không dám phone về xin tiền thêm lần nữa, anh
> chị bên kia còn nợ nhà, còn con nhỏ phải lo.
> Cũng đã nhiều lần cô kêu tụi nó gởi thêm
> tiền lần cuối, để cất cho xong căn nhà còn
> dang dở, nhưng bây giờ nhà đã xây xong, thì mỗi
> tháng con chỉ nên nhận 300 đô là
> đủ.
> Vẻ cương
> quyết không đưa tiền thêm nữa lần nầy của
> bà làm cô cháu bất mãn. Nó thẳng
> thừng:
> - Nhà đẹp thì
> cô cũng... nở mày nở mặt, chứ phải đâu chỉ
> một mình con? Nếu lòng cô không muốn giúp, thì
> thôi cứ để mặc con!
> Nói xong cô
> cháu vùng vằng đứng dậy, tiện tay bưng luôn
> cái mâm, dù thấy rõ bà chưa ăn hết phần cơm
> trong chén. Bước ra khỏi phòng, tiện tay nó đóng
> ầm cánh cửa lại. Thái độ của nó làm bà
> chới với, bà lắc đầu ngao ngán rồi nghĩ
> thầm: con nhỏ nầy bình thường ngọt ngào hiếu
> thảo, hôm nay hỏi tiền không có, thì nó lộ ra
> là đứa chẳng ra gì! Bực mình quá bà cũng hết
> muốn ăn, nhưng thái độ đòi tiền của cô cháu
> gái, làm bà như nghẹt thở.
> Sáng nay thức
> dậy sau giấc ngủ mệt nhoài. Bà ngồi yên nhìn
> cánh cửa, mà hôm qua cô cháu đã mạnh tay đóng
> ầm, bà thấy cuộc sống yên vui từ nay chắc
> không còn nữa... Suy nghĩ miên man cho tới khi
> thấy đói, bà mở cửa phòng nhìn quanh, rồi cất
> tiếng kêu to. Nhà không có tiếng động, im lặng
> như tờ. Ngồi chờ cho tới quá trưa, tay chân
> bắt đầu run vì đói, bà kéo mấy cái hộc tủ
> ở ngay đầu giường, kiếm xem có bánh kẹo gì
> để ăn, nhưng rồi lại nhớ ra ngày thường vì
> sợ kiến bu, nên đồ ăn vặt không để trong
> phòng bà.
> Muốn từng
> bước xuống mấy bậc cầu thang tới nhà bếp
> để kiếm gì ăn, nhưng loay hoay một lúc, bà lại
> sợ sẽ nhào đầu xuống thang, nên đứng dựa
> lưng vào tường mà thở. Bụng đói cồn cào
> buồn nôn muốn ói... bà chợt nhớ ra trong hộp
> thuốc bổ có mấy cây kẹo ho, mà con em út đã
> nhét vội cho bà lúc tiễn đưa. Mừng quá, bà
> lần bước trở về phòng tìm cây kẹo. Chất
> kẹo the ngọt làm cho bà không còn muốn ói
> nữa.
> Quá 3 giờ
> chiều, cô cháu về đem cho bà ổ bánh mì thịt,
> nó hấp tấp nói: "Con đi... chạy tiền, nên
> về không kịp, cô ăn đỡ bánh mì, khi nào trả
> được nợ con mới có... sức nấu nướng cho
> cô." Nói xong, nó bước nhanh ra cửa. Bà kêu
> vói theo, nó đi luôn không quay lại. Nhìn theo nó,
> bà muốn quăng trả lại ổ bánh mì cho đỡ tức,
> nhưng cùng lúc cũng dằn được cơn nóng giận.
> Nhìn ổ bánh mì rồi nhớ lời nó nói trước khi
> đi, bà thấy bất an. Bà thầm nghĩ: chẳng lẽ
> từ đây mỗi lần nó cần tiền là mỗi lần nó
> chơi cái trò bỏ đói mình?
> Lần đầu tiên
> sau 6 tháng về đây, bà mới biết thế nào là lo
> lắng, vì cảm thấy cô cháu mà bà hết dạ tin
> yêu đã bắt đầu... trở mặt. Mà quả đúng như
> bà lo sợ, đêm đó nó đi đâu mất biệt không
> về. Nhà cửa tối đen, mình bà ngồi im trông
> ngóng... Đêm đó bà tiếp tục ngậm kẹo ho cho
> đở đói, rồi ngủ thiếp đi cho tới khi bà
> giựt mình thức dậy, trời chưa sáng lắm, bà
> chống gậy bước ra khỏi cửa phòng rồi cất
> tiếng kêu vang, không có tiếng trả lời, chỉ có
> âm thanh dội lại trong cái không khí thanh vắng
> của buổi sáng không người...
> Ngoài kia có
> tiếng người qua lại, có tiếng rao hàng của
> chị bán xôi, bà mở tung cửa sổ định thẩy
> tiền xuống mua, nhưng bà chợt nghĩ: tiền thì
> xuống được chứ xôi thì... Nghĩ đến đây bà
> hốt hoảng kêu trời, vì chợt nhớ ra, khi đi thì
> chắc chắn nó đã khóa cửa trước, cửa sau,
> khóa luôn cổng rào. Đêm qua bà ở một mình,
> nếu nhà bị cháy, thì coi như đã xong đời bà.
> Ý nghĩ nầy làm bà hoảng hốt... Nước mắt tuôn
> dài, lần đâu tiên bà biết sợ, và biết thế
> nào là thế cô một mình. Bà bắt đầu hối
> hận. Cả đời bà không biết tận hưởng
> những giây phút an vui với con cháu bên kia, mà
> luôn hoài niệm về quá khứ, rồi tưởng tượng
> ra cái tương lai mơ hồ không có thật để mong an
> dưỡng tuổi già, nên bà đã hân hoan ôm tiền
> về đây xây nhà... tù nhốt
> mình.
> Càng nghĩ bà
> càng thấy sợ, tự dưng người phát lạnh, tay
> chân run rẩy, bà choáng váng muốn té nhào, nhưng
> cố gượng lại, ráng quay về giường. Muốn phone
> cho con Út để khóc than với nó, nhưng ngày
> thường con cháu của bà nó chỉ xài điện thoại
> di động mà thôi, cho nên nếu như nó bỏ đi luôn
> cả tháng không về, thì cũng sẽ không ai biết
> có một bà già đang... chết khô. Tới trưa cô
> cháu về mang cho bà gói xôi, nó
> nói:
> - Hôm qua con
> biết cô ở nhà một mình, con muốn về sớm hơn
> nhưng kẹt đò, đành phải ngủ lại đó qua
> đêm.
> Thấy mặt nó,
> bà bừng bừng nổi giận, bà nhìn nó trân trân,
> muốn chửi cho nó một trận mới hả lòng, nhưng
> bà ở trong cái thế phải ráng dằn lòng, nên nhè
> nhẹ hít vào rồi lại thở ra trước khi trách
> nhẹ nhàng:
> - Con làm gì,
> thì cũng phải nghĩ tới cô ở nhà một mình đói
> khát, cách đối xử của con mấy ngày nay rất
> tệ. Nên dành ra một chút thời gian suy nghĩ lại
> đi con!
> Nghe cái giọng
> trách hờn đó, cô cháu bực mình trả đũa
> ngay:
> - Con chạy đôn
> chạy đáo kiếm tiền làm gì mà có thời gian suy
> nghĩ. Tại cô không muốn giúp, thì con phải tự
> lo thôi!
> Tưởng là nó
> còn... nể mặt nên bà mới lên tiếng trách, nào
> ngờ vừa mới dứt lời thì nó... đốp lại ngay,
> bà không sao nín được, nên lên
> giọng:
> - Con nói vậy
> mà nghe được sao? Tiền đưa cho con bao nhiêu cũng
> hết, lần nào cần tiền, con cũng nói là đưa
> thêm lần cuối, nhưng con đã lấy bao nhiêu lần
> cuối rồi con có nhớ không?
> Cô cháu cũng
> không vừa: "Tiền cô đưa ra, cũng đổ vô
> cái nhà cho cô ở, chứ mất đi đâu mà cô kể
> lể!" Nói xong nó dùng dằng bỏ đi. Bà lớn
> tiếng kêu to, nó vẫn không thèm nhìn lại. Còn
> lại một mình, bà ôm đầu nhìn lên trần nhà,
> bà nghĩ: thương nó như con, có bao nhiêu tiền
> thủ thân bà đã lần hồi... nhét hết cho nó,
> vậy mà khi hỏi tiền không có, nó dám bỏ bà
> đói để bà... lòi tiền ra. Nhìn gói xôi tự
> dưng bà... khóc ngất. Bà chợt nhớ con, nhớ
> cháu, nhớ những lời con em Út dặn dò trước khi
> đi... Đêm đó, nó cũng khóa cửa nhà, rồi đi
> đâu mất biệt. Bà biết muốn lấy tiền thì nó
> phải làm vậy thôi, nên lần nầy bà nằm im,
> ngậm kẹo ho chịu trận!
> Sáng hôm sau,
> chưa tới 9 giờ, cô cháu mở cửa phòng bước
> vào, nó tươi vui như không có chuyện gì. Nhìn
> thấy mặt nó, bà giận dữ, muốn thét lên cho
> hả giận, nhưng kịp ngừng. Bà nín thinh dây mặt
> ra hướng khác. Cô cháu vừa cười vừa đưa cái
> điện thoại cho bà, nó nói:
> - Cô phone về
> bển, nói mấy anh chị cho con mượn 5 ngàn đô,
> rồi từ từ con trả lại. Con đang nấu cháo gà.
> Nói chuyện xong là có cháo nóng ăn
> liền.
> Nghe nó trắng
> trợn lấy tô cháo gà đổi lấy 5 ngàn đô, bà
> tức ứa gan, mặt bà đanh lại, ánh mắt long lên
> tia giận dữ. Cô cháu nhìn bà, thấy hết những
> căm hờn từ trong ánh mắt ấy, nó cũng đã
> chuẩn bị tinh thần để đối phó nếu cần, và
> tô cháo gà chỉ là phương tiện để điều
> khiển bà cô... cứng đầu nầy. Nó nghĩ: cháo gà
> thì có thể cô không ăn, nhưng 5 ngàn đô thì
> nhứt định nó phải lấy. Nghĩ thế, nó nghiêm
> sắc mặt tiến tới ấn cái điện thoại trong tay
> bà mà nói:
> - Cô nên phone
> liền bây giờ, 9 giờ sáng bên nầy, khoảng 9
> giờ tối bên kia, đừng để trễ quá 10 giờ,
> mấy anh chị bên kia còn phải ngủ. Cô nhớ: chỉ
> nói những chuyện cần nói, và chỉ trả lời
> trong phạm vi sức khỏe mà thôi.
> Nhìn cái cách
> nó sấn tới ấn cái điện thoại vào tay bà, và
> nó đứng ở thế sẵn sàng đối phó nếu bà la
> lên cầu cứu bên kia. Thì bà biết con nhỏ nầy
> đã táng tận lắm rồi. Suy nghĩ thật nhanh, thay
> vì giận dữ, bà chuyển qua vẻ mặt chịu đựng,
> cho nó có cái cảm giác đã khuất phục được
> bà, để bà được an thân. Cầm cái điện thoại
> trên tay, trái tim bà đập mạnh, vì biết sau lần
> nầy, sẽ ít khi nào bà có dịp cầm tới. Bà
> bắt đầu bấm số. Phía bên kia đầu dây cô Út
> reo vui khi nhận ra tiếng bà, chỉ hỏi thăm sơ
> vài câu ngắn ngủi bà vô đề ngay, vì thấy con
> cháu nó đang nghiêm mặt nhìn bà không nháy
> mắt:
> - Út à, em gởi
> ngay cho chị 5 ngàn.
> - Ủa, sao cần
> nhiều tiền vậy chị?
> Nghe hỏi như
> thế, bà bực mình nên hơi lên giọng: "A Di
> Đà Phật, kêu gởi thì gởi liền đi, gởi càng
> sớm càng tốt. A Di Đà
> Phật!"
> Bên kia đầu
> dây, một thoáng yên lặng, rồi tiếng cô Út trả
> lời: "Hiểu rồi, chị yên tâm, em sẽ gởi
> ngay cho chị trong tuần nầy. Thôi chị nghỉ ngơi
> đi. Bye chị!"
> Lấy lại cái
> phone, nó hỏi: "Ủa! Cô Hai vô đạo Phật
> hồi nào mà nói A Di Đà Phật liền miệng
> vậy?"
> Bà nhếch môi
> nói: "Ừ, thì bên đó, nghe mấy người bạn
> nói hoài nên cũng quen miệng nói
> theo."
> Nghe bà nói
> thế nó nín thinh, bỏ đi ra ngoài. Lát sau nó bưng
> lên cho bà tô cháo trắng với dĩa củ cải kho.
> Nhìn thấy tô cháo trắng thay vì tô cháo gà như
> lời nó nói, bà lặng im ăn không nói gì. Nhìn bà
> khoan thai ăn, thần sắc thư thái, nó nghĩ: Vậy
> cũng tốt! Mới bỏ đói có hai ngày mà đã
> biết... sợ rồi, ngoan ngoãn nghe lời như vậy
> thấy... dễ thương hơn! Sau đó, mọi thứ trở
> lại bình thường, ngày ba bữa nó bưng lên đầy
> đủ, chỉ là hai bên không có gì để nói với
> nhau.
> Cuối tuần
> đó, bỗng dưng nhà có khách. Cô Út về thăm bất
> ngờ nầy làm cho con cháu ngỡ ngàng lo sợ, vì
> lát nữa đây cô Út sẽ gặp cô Hai trên lầu.
> Lần nầy cô Út về quê không báo trước. Bấm
> chuông, cửa mở, cô xông thẳng vào nhà như cơn
> gió lốc, mặt tươi vui cô nói cười luôn miệng,
> còn lăng xăng khen nhà đẹp, nhà sang, khen qua con
> cháu gái có nước da quá mịn, khen luôn thằng
> cháu rể có phước tướng, thế nào cũng phát
> tài, phát lộc, phát giàu sang... làm cho không khí
> xôn xao vui nhộn. Và khi mọi người còn chưa dứt
> tiếng cười vang, thì cô Út chủ động nắm tay
> con cháu, kéo nó cùng đi ngay lên lầu, miệng kêu
> ơi ới: "Chị hai ơi! Chị hai. Ra coi ai về
> thăm chị nè!"
> Nhận ra tiếng
> cô Út, bà dằn lòng không khóc. Thấy hai cô cháu
> cùng bước vào, bà tươi cười hỏi: "Ủa,
> Út về mà sao không cho hay trước, để chị kêu
> em mua thêm vài thứ thuốc."
> Cô Út cười
> lớn tiếng nói: "Em phải chạy về gấp, vì
> có người hỏi mua căn nhà của chị, em cần thêm
> giấy tờ để bán cho xong."
> Trong lúc bà
> còn đang gật gù như hiểu chuyện, thì cô Út dây
> qua nói với cô cháu gái: "Con đi lấy toàn
> bộ giấy tờ của cô Hai ra đây, để cô Út coi
> cái nào cần xài."
> Nghe thế, cô
> cháu thoáng liếc bà, tần ngần một chút, rồi
> dây qua nhìn anh chồng đang đứng xớ rớ ngoài
> cửa phòng, thấy thế cô Út cười lớn nói:
> "Bán xong căn nhà, thì có tiền cho tụi
> bây."
> Khi cầm được
> cái passport trong tay, cô Út bỏ ngay vào bóp, rồi
> dây qua ân cần nói với bà chị: "Ngồi đây
> chi một mình, để em kè chị xuống nhà có đông
> người cho vui." Nói xong cô Út tự động ôm
> cánh tay chị mình, từng bước dìu xuống mấy
> bậc cầu thang. Khi xuống được tới dưới nhà
> thì cô Út dây qua nói với hai vợ chồng cô cháu
> gái:
> - Hôm nay vui
> quá! Mình ra ngoài ăn mừng ngày đoàn tựu. Tài
> xế cô bao vẫn còn chờ ngoài
> kia.
> Cô cháu gái
> nghe thế nên lên tiếng: "Cô về sao không cho
> hay, để tụi con đi đón đông người cho
> vui."
> Cô Út nhìn nó
> cười giòn:
> - Tánh cô tự
> lập quen rồi. Khi muốn đi thì mua vé, bay cái vèo
> qua đây. Bước ra một bước, thì có cả đoàn xe
> sắp hàng chờ, nên cô đâu muốn kêu con, để cho
> bất ngờ con sẽ thấy vui hơn...
> Và khi xe ngừng
> lại trước cửa nhà hàng. Vỗ nhẹ vai chị, cô
> Út dịu dàng: "Cái chân đau, chị đi đứng
> khó khăn không thoải mái, cứ ngồi yên chờ, em
> sẽ mua đồ đem ra." Nói xong, cô Út dây qua
> nắm tay cô cháu gái kéo nhau cùng xuống xe. Chọn
> đại một cái bàn, vừa kéo ghế ngồi xuống, cô
> Út bật đứng lên, móc bóp lấy ra tờ 100 đô
> đưa cho cô cháu gái. "Nè, con cầm tiền nầy,
> hai đứa muốn ăn gì tùy thích, cô nhớ ra là có
> chuyện cần làm, cô đi trước, sẽ gặp tụi con
> sau."
> Từ lúc gặp
> cô Út cho đến giờ, cô nói cười luôn miệng,
> phản ứng nhanh nhẹn, biến đổi không ngừng,
> làm cho hai vợ chồng cô cháu gái bị động theo
> từng chuyển biến của cô. Giờ cầm tờ 100 đô
> trên tay hai vợ chồng nó bối rối chưa biết
> phản ứng sao, thì cô Út đã đi nhanh ra xe, nói
> tài xế vọt thẳng về hướng Sài
> Gòn.
> Nắm chặt tay
> cô Út, bà khóc ngất, cô Út nhẹ nhàng giải
> thích: "Sợ nó làm khó không trả lại giấy
> tờ cho chị, nên em làm bộ nói chuyện bán nhà
> cho nó ham mà đưa passport ra cho lẹ, rồi cũng
> phải tìm cách đưa chị ra khỏi chỗ đó cho
> nhanh. Sợ ở qua đêm, hai chị em mình sẽ bị
> nó... làm càng vì mưu đồ đã lộ. Nên rủ tụi
> nó đi ăn, để tiện bề kéo chị thoát
> thân."
> - Chị sợ em
> không hiểu.
> - Làm sao mà
> không hiểu! Cũng may là chị còn nhớ lời em căn
> dặn trước khi đi.
> - Không nhờ
> câu... mật khẩu của em, thì chị sẽ chết mòn
> trong tay nó, và sẽ là món mồi ngon để tụi nó
> câu tiền... Em cũng khôn khi chọn câu: A Di Đà
> Phật, vì khi nói lên câu nầy, nghe như mình đang
> niệm Phật, tụi nó tinh ranh cỡ nào thì cũng khó
> mà đoán ra.
> - Khi thấy chị
> quyết định về Việt Nam an dưỡng tuổi già,
> lòng em không yên, nên mới nghĩ ra câu mật khẩu
> nầy, để nếu có một ngày nhận được... tín
> hiệu nầy, em sẽ bay về... cứu
> chị.
> Em à, chuyện
> như thế nầy chị có nghe nhiều người kể,
> nhưng không tin lắm và luôn nghĩ người bất
> hạnh đó sẽ không phải là mình. Bây giờ lâm
> cảnh nầy chị mới hiểu vì tiền thì chuyện gì
> cũng có thể xẩy ra, gặp những đứa bất tài
> mà có lòng tham thì sẽ dùng mọi thủ đoạn để
> kiếm tiền, mà đi lường gạt người ngoài thì
> không đủ sức còn lo tù tội, chi bằng kiếm
> tiền vừa dễ vừa nhanh mà lại an toàn đó là
> lợi dụng vào cốt nhục tình thâm. Người
> lường gạt, sang đoạt được, thì nhởn nhơ vui
> hưởng vì không phải lo bị truy tố, còn người
> mất của thì lặng im trong nỗi đau không dứt vì
> vừa mất tiền vừa mất cả lòng
> tin.
> Nguyễn Sỹ Thùy Ngân

1 nhận xét:

  1. Thật là
    Còn bạc còn tiền, còn đệ tử
    Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi.
    Xưa nay đều trọng người chân thật
    Ai nấy nào ưa kẻ đãi bôi(*)
    Nguyễn Bỉnh Khiêm
    (*) Đối xử cung kính tử tế bề ngoài nhưng không chân thành

    Trả lờiXóa