Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2015

Cảnh thu/ Thơ Hồ Xuân Hương/ Trích quyển số [4]: Thơ Hồ Xuân Hương, Bà Chúa thơ Nôm, Ngân Triều biên khảo


Cảnh Thu
Hồ Xuân Hương
Thánh thót tầu tiêu mấy giọt mưa, (1)
Bút thần khôn vẽ cảnh tiêu sơ,
Xanh om cổ thụ tròn xoe tán, (3)
Trắng xoá tràng giang phẳng lặng tờ.
Bầu dốc giang sơn say chấp rượu, (5)
Túi lưng phong nguyệt nặng vì thơ
Cho hay cảnh cũng ưa người nhỉ, (7)
Thấy cảnh ai mà chẳng ngẩn ngơ
*Văn bản chữ Nôm:
景 秋
聖 淬 蓸 標 氽 湥 湄
筆 神 空 尾 景 標 初
青 萻 古 樹 圓 吹 散
壯 舍 長 江 坂 洛 祠
垉 捔 江 山 醝 执 酒
繓 凌 風 月 曩 爲 詩
渚 咍 景 共 唹 㝵 洏
体 景 埃 麻 拯 謹 䁩

* Chú giải:
Bài nầy, có sách gán cho Bà huyện Thanh Quan. Ở văn bản Landes 1893, bài thơ này không có đầu đề. Câu thứ hai là 'Đố ai vẽ được cảnh tiếu sơ' và có lời dẫn: "Ngày xưa Xuân Hương đi chơi gặp mưa, vào chơi thăm làng Văn Giáp, thấy có một chùa xưa, Xuân Hương vào chùa lạy Phật, rồi đi xem ngoài chùa. Thấy bên chùa có cây đa. Ngửng lên xem thì cao ngút không biết tới đâu, cho nên làm bài thơ này (cây đa này đến nay vẫn còn". Ở bản Đông Châu 1917, có lời dẫn: "Một ngày kia đang mùa quý thu, giời lún phún dăm ba hạt mưa, hơi ngăm ngăm rét, quan phủ nhân vô sự, mới sai bày cuộc rượu, cho gọi cô hai ra cùng ngồi uống rượu để vịnh thơ. Xuân Hương vâng lời ra ngồi hầu rượu để vịnh thơ. Xuân Hương vâng lời ra ngồi hầu rượu. Đương khi chén quỳnh đầu vơi, chiều thu hiu hắt, quan phủ liền bảo Xuân Hương vịnh bài tức cảnh. Thơ rằng..."
Thánh thót: 聖 淬: Tiếng nước nhỏ từng giọt.
Tàu tiêu: 蓸 標: tàu chuối
cảnh tiêu sơ: 景 標 初: cảnh đơn sơ và tẻ nhạt.
Bầu dốc: 垉 捔: trút bầu rượu hay rót rượu đến hết rượu trong bầu.
Say chấp rượu: 醝 执酒: say túy lúy.
Ngẩn ngơ: 謹 䁩: Ở trạng thái như không còn chú ý gì đến xung quanh vì tâm trí đang để ở đâu đâu.
(1-2): Cảnh thu tiêu sơ, ngoạn mục, tuyệt vời. Những giọt mưa rơi không ngớt từng giot, từng giọt thánh thót trên tàu chuối, tàu tiêu đổ xuống. Dẫu cho có bút thần, cũng không thể nào vẽ lên được cái phong cảnh đơn sơ, tẻ nhạt, đượm buồn.
(3-4): Màu sắc và đường nét bức tranh thiên nhiên: Màu xanh tươi tốt, đầy sức sống của cây cổ thụ, xanh om, với cái tán thật tròn, tròn xoe tán. Hình ảnh con sông dài, trường giang lặng lẽ như tờ giấy đứng im, phẵng lặng tờ; dòng sông phản chiếu nền trời, trắng xóa.
(5-6):
Câu (5), ý nói người đã chếnh choáng hơi men, cho dẫu đã tửu lượng trong người đã cạn hết một bầu rượu, bầu dốc, nhưng trước cảnh đẹp hữu tình của đất nước, giang sơn; càng muốn uống thêm cho say túy lúy, say chấp rượu. Cái say ở đây là không chỉ chếnh choáng qua men rượu mà còn ngất ngây say mê cảnh đẹp độc đáo của quê hương.
Túi lưng phong nguyệt: 繓 凌 風月: Túi chứa chưa đầy gió trăng, còn lưng. Và cũng là cái túi đựng thơ của các nhà thơ xưa, thường đeo sau lưng.
Câu (6) ý nói cái túi thơ dẫu chưa đầy, túi lưng phong nguyệt nhưng trước cảnh lãng mạn nầy tác giả cũng ngẫu hứng, cảm thấy nôn nao hồn thơ, say đắm, nặng vì thơ.
Nói một cách ngắn gọn, cả hai câu thơ, ý nói, đứng trước phong cảnh hữu tình nầy cho dẫu không say, cũng phải say. Cho dẫu thơ chưa đầy túi, cũng ngây ngất chan chứa hồn thơ.
(7-8) Cảnh ưa người hay người ưa cảnh? Đó là một cách nói bóng bẩy, trữ tình, nhấn mạnh. Do đó, đứng trước cảnh thu đầy quyến rủ, du khách nào mà không cảm thấy ngỡ ngàng, đắm đuối, mê say đến ngẩn ngơ!
Phụ lục:
·         Paul VERLAINE   (1844-1896)


Chanson d'automne

Les sanglots longs
Des violons
De l'automne
Blessent mon coeur
D'une langueur
Monotone.

Tout suffocant
Et blême, quand
Sonne l'heure,
Je me souviens
Des jours anciens
Et je pleure

Et je m'en vais
Au vent mauvais
Qui m'emporte
Deçà, delà,
Pareil à la
Feuille morte.

Tạm dịch:
 




Thu ca

Vời vợi, réo rắt,
 Vĩ cầm mùa thu,
Cứa mãi lòng tôi,
 Điệu buồn chán ngắt.
*
Ngột ngạt, lạnh lùng,     (blême: xanh xao; dịch thoát: lạnh lùng)
Thời điểm  tiếng  chuông. 
Ngày xưa hồi tưởng
Nước mắt rơi tuôn
*
Rồi thân lãng tử,
Cuốn bay trong gió,
Nổi trôi đây đó,
Cơn lốc phũ phàng,
Lá vàng!
Ngân Triều
***
Tiếng Thu
Lưu Trọng Lư
Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
*

Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?

*
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?
***
Nguồn: 
1. Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, 1939, Librairie Centrale ấn hành, 1939 
2. Tuyển tập Lưu Trọng Lư, NXB Văn học, 1987 
3. Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam (1932-1941), NXB Văn học, 2007
**
Lưu Trọng Lư là nhà thơ tiên phong của phong trào Thơ mới. Nhận định về nghệ thuật thơ ông, nhà phê bình thiên tài Hoài Thanh đã có những nhận xét thật chuẩn xác: "Tôi biết có kẻ trách Lư cẩu thả, lười biếng, không biết chọn chữ, không chịu khó gọt rũa câu thơ. Nhưng Lư có làm thơ đâu, Lư chỉ để lòng mình tràn lan trên mặt giấy". Nhận định này dường như đã thành nỗi ám ảnh. Và rồi suốt đời, Lưu Trọng Lư cứ loạng choạng, cứ bập bỗm bước trong cái vòng kim cô mà Hoài Thanh đã tiên đoán và vạch ra ngay từ khi ông mới xuất hiện trên thi đàn. Còn về con người Lưu Trọng Lư, thiết tưởng cũng chẳng có ai hiểu ông hơn Hoài Thanh: "Cả đời Lư cũng là một bài thơ. Nếu quả như người ta vẫn nói, thi sĩ là một kẻ ngơ ngơ ngác ngác, chân bước chập chững trên đường đời, thì có lẽ Lư thi sĩ hơn ai hết". 
  Quả đúng vậy. Và nếu chọn một bài thơ thơ nhất của Việt Nam, nghĩa là ngoài thơ ra, nó không có gì bấu víu, thì đó chính là Tiếng Thu. Đây là bài hay nhất trong đời thơ Lưu Trọng Lư, cũng là bài thơ  thơ nhất của thi ca Việt Nam hiện đại: 

    Em không nghe mùa thu 
    Dưới trăng mờ thổn thức? 

    Em không nghe rạo rực 
    Hình ảnh kẻ chinh phu 
    Trong lòng người cô phụ 

    Em không nghe rừng thu 
    Lá thu kêu xào xạc 
    Con nai vàng ngơ ngác 
    Đạp trên lá vàng khô...
 


  Bài thơ vẻn vẹn có 9 câu, chia làm ba đoạn, mỗi đoạn lại so le, các ý trong bài thơ rời rạc, khấp khểnh, chẳng ý nào ăn nhập với ý nào. Nếu cứ theo cách hiểu máy móc của những nhà phê bình quen thói bắt bẻ, cứ đè thơ ra mà tìm tư tưởng, tìm ý nghĩa thì đây là bài thơ "Đầu Ngô mình Sở". Đã thế, tác giả còn tỏ ra vụng về. Tỳ vết của sự thô vụng ấy nằm trong hai câu chẳng thơ tí nào, nó như câu văn xuôi bình giảng văn học của học sinh phổ thông: 

    Hình ảnh kẻ chinh phu 
    Trong lòng người chinh phụ
 


  Ấy vậy mà khi gộp tất cả lại, nằm trong một tổng thể, bài thơ hay đến lạ lùng. Người ta không thấy dấu vết thô vụng đâu nữa. 
Đây là điều duy nhất xảy ra ở văn học Việt Nam và chỉ xảy ra có một lần. Cái hay của bài thơ này không nằm ở câu chữ. Nó hoàn toàn siêu thoát, là cái hồn phảng phất đâu đó đằng sau những con chữ rất sáng tỏ mà lại vời vợi mông lung kia. Người ta chỉ cảm thấy được, chứ không thể nói ra được một cách rạch ròi. 
Đây là bức tranh thiên nhiên được vẽ bằng hồn, bằng cả điệu nhạc rất riêng của tâm hồn thi sĩ. Bởi thế, người đọc cũng phải dùng hồn để chiêm ngưỡng nó, chứ không thể ngắm nó bằng lý trí tỉnh táo. Đã không ít nhà phê bình nghiên cứu mang lý trí ra để làm con dao cùn mổ xẻ những con chữ rất ngơ ngác này. Có người còn viện đến cả thi pháp học để cố hiểu cho bằng được bài thơ, lấy thi pháp làm chìa khoá mở cánh cửa thực dụng, đi vào cõi mù mờ tâm linh này. Bằng cách vận dụng thi pháp, có người cho đây là bài thơ nói về nỗi cô đơn không có sự chia sẻ. Không phải ngẫu nhiên bài thơ có 9 câu mà đã có đến ba câu điệp "Em không nghe": 

    Em không nghe mùa thu 
    ... 
    Em không nghe rạo rực 
    ... 
    Em không nghe rừng thu...
 


Em không nghe, còn anh thì nghe thấy hết. Nghe thấy hết mà không nói ra được.Đây là cuộc đối thoại mà kẻ đối thoại lại ẩn sau sự câm lặng. Hoặc giả em cũng đã nghe thấy, nhưng anh vẫn hỏi như vậy, nghĩa là anh không hiểu em. Đằng nào thì cũng vẫn là thiếu niềm đồng cảm. Một bên thì thổn thức, rạo rực, kêu xào xạc, một bên thì không nghe, không nghe, không nghe, cả con nai ngơ ngác, đạp trên lá vàng khô, nghĩa là nó cũng không nghe nốt. Hiểu một cách sống sít như thế thì thật thô thiển. Nhà phê bình đã kéo những đám mây ngũ sắc đang bay lảng vảng trong không trung, rồi rải xuống đường làm rơm rạ lót chân, và như thế còn đâu cánh rừng thu, tâm hồn thu cho con nai vàng trú ngụ. Mấy câu điệp khúc ấy thực chất chỉ để tạo giai điệu rất đặc biệt cho bài thơ này. Ở đây, nhạc điệu cũng là một phần nội dung chính làm nên hồn vía bài thơ. Còn ở góc độ khác, cũng nhìn bằng con mắt lý trí, có người còn cho rằng đây là bài thơ Lưu Trọng Lư thâu cóp của nước ngoài. Thực tế trong bếp núc sáng tác, có thể có sự trùng hợp ngẫu nhiên. Người bình luận còn viện cớ rằng: "Thực tế Việt Nam làm gì có khu rừng vàng. Đấy là rừng châu Âu. Rừng Việt Nam là rừng luốm nhuốm. Mùa thu Việt Nam đúng như Nguyễn Du mô tả trong Kiều: "Rừng thu từng biếc chen hồng". Và con nai Việt Nam cũng nhanh nhẹn lắm, tinh ranh lắm, nó đâu có ngơ ngác! Ơ hay, Lưu Trọng Lư có nhìn thiên nhiên bằng con mắt thịt đâu! Lại phải mời Hoài Thanh về làm luật sư bào chữa cho ông thôi:
"Trong thơ Lư, nếu có cả chim kêu, hoa nở, ta cũng chớ tin. Hay ta hãy tin rằn tiếng ấy, màu kia chỉ có ở trong mộng. Mộng! Đó mới là quê hương của Lư. Thế giới thực của ta với bao nhiêu thanh sắc huy hoàng, Lư không nghe thấy gì đâu. Sống ở thế kỷ 20, ngày ngày nện gót trên các con đường Hà Nội mà người cứ mơ màng thấy mình gò ngựa ở những chốn xa xăm nào". 
Tương truyền khi viết bài thơ này, Lưu Trọng Lư đến thăm nhà một người bạn. Rồi nhân cớ thấy cái bình gốm cổ có vẽ con nai đứng giữa núi non, Lưu Trọng Lư bèn vịnh ngay bài thơ này. Thực chất, nếu chuyện đó là thật, thì con nai trên bình gốm chỉ là cái cớ rất nhỏ, là tiếng động rất nhỏ đánh thức con nai vàng và khu rừng vàng trong tâm hồn Lưu Trọng Lư thức dậy và toả hương. Nhờ thế, thi ca Việt Nam đã có một kiệt tác thật hiếm có, ngỡ như đó là khúc nhạc huyền bí của thần linh, chứ quyết không phải là tiếng ca phàm tục của người đời... 
1997.

Bài bình luận của Trần Đăng Khoa 
Nhà thơ, nhà phê bình văn học 
Trong cuốn Chân dung và Đối thoại(Bình luận văn chương).NXB Thanh Niên.1999(tái bản lần thứ tư).Trang 55

(Nguồn bài đăng: Thi Viện, http://www.thivien.net; tác giả Đồ Nghệ đăng lại ngày 16/04/2009 ).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét