Mấy đặc điểm văn học Lý - Trần
Tìm hiểu đặc điểm văn học, thiết nghĩ không thể không nhắc đến một luận điểm tưởng đã cũ nhưng cực kỳ quan trọng: Văn học là tấm gương phản chiếu trung thành cuộc sống, là sản phẩm văn hoá tinh thần của thời đại. Văn học Lý – Trần cũng vậy, không ngoài quy luật trên.
Hơn một ngàn năm nô lệ phong kiến phương Bắc (111 TCN – (938 SCN), với ý chí ngoan cường bền bỉ đấu tranh, với ý thức độc lập tự chủ, hễ có cơ hội, dân tộc ta đã vùng dậy đấu tranh đánh đuổi kẻ thù và đã có lúc giành lại nền độc lập tự chủ dù còn ngắn ngủi. Phát huy truyền thống ấy, mùa đông năm 938 bằng mưu lược tài ba, Ngô Quyền đã đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, đưa nước ta sang một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên độc lập tự chủ. Từ cái mốc lịch sử này, đất nước ta chuyển sang một thời đại mới: thời trung đại. Đây là thời kỳ Nhà nước phong kiến được thành lập, ngày càng hùng mạnh và phát triển qua các triều đại: Ngô (939-967), Đinh (968-980), Tiền Lê (980-1009), Lý (1009-1225), Trần (1225-1400), Hồ (1400-1407) và mấy năm đầu của cuộc kháng chiến chống giặc Minh vào thời hậu Trần (1407-1418). Giai đoạn lịch sử kéo dài ngót năm trăm năm ấy với những thành tựu tổng hợp của các triều đại trên trong đó có hai triều đại Lý và Trần là xứng đáng tiêu biểu hơn cả về nhiều phương diện nên các nhà nghiên cứu đã gọi chung cho cả giai đoạn lịch sử này là thời đại Lý – Trần. Có thể nói đây là thời đại hào hùng và oanh liệt, rực rỡ và đẹp đẽ nhất trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. Đặc trưng cơ bản của thời đại này có thể nêu lên ba nét lớn như sau:
- Một là, thời đại độc lập dân tộc thống nhất đất nước, cộng đồng.
- Hai là, thời đại phục hưng dân tộc và phát triển đất nước.
- Ba là, thời đại khoan giản, an lạc nhân thứ, rộng mở và dân chủ([1]).
Văn học Lý – Trần đã phản ánh sắc nét những đặc trưng cơ bản trên của thời đại.
Điều muốn lưu ý ở đây, văn học Lý – Trần là thời kỳ văn học chính thức mở đầu, có nhiệm vụ khai phá, mở đường cho văn học Việt Nam kể từ sau khi nước nhà giành lại độc lập ở thế kỷ thứ X (năm 938). Nói thế không có nghĩa là văn học Lý – Trần không có một tiền đề nào từ trước. Nền văn học này đã biết kế thừa những gì đã có tuy chưa nhiều của văn học thai nghén trong thời Bắc thuộc([2]). Tuy vậy, những gì đã có ấy chưa thể coi là chính thức mở đầu của văn học thành văn Việt Nam, mà chỉ có thể coi là mầm mống phôi thai tạo tiền đề cho văn học Lý – Trần phát triển. Từ bước mở đầu có tính chất mở đường này, dù muốn hay không, văn học Lý – Trần một mặt chịu sự tác động của một thời đại khoan giản, nhân thứ, hào mại mà dũng liệt; mặt khác, nó cũng tự xác định cho mình một trách nhiệm cao cả mà lịch sử đã giao phó là góp phần tích cực vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Vì thế, có thể thấy văn học thời kỳ đầu này nổi lên mấy đặc điểm cơ bản sau đây:
Một là, văn học Lý – Trần hình thành trong sự lệ thuộc, ảnh hưởng có thể nói là nặng nề bởi nhiều yếu tố ngoại lai, đặc biệt là yếu tố Hán nhưng cố gắng vận động để phát triển theo hướng dân tộc hoá.
Trước hết là sự lệ thuộc, ảnh hưởng. Vấn đề này có nguyên nhân là nước ta bị lệ thuộc phong kiến Trung Quốc thống trị cả nghìn năm. Bấy giờ, văn hoá Hán đã xâm nhập vào Việt Nam bằng nhiều con đường, trong đócon đường áp đặt do các quan cai trị Trung Quốc bảo trợ. Vì thế, khi nước nhà giành lại độc lập, văn học Lý – Trần có mặt đã chịu ảnh hưởng sâu sắc, thậm chí là nặng nề những yếu tố của văn hoá Hán, văn học Hán trên các phương diện ngôn ngữ văn tự, hệ thống thể loại và cả những học thuyết, tư tưởng, tôn giáo.
Về mặt ngôn ngữ văn tự, văn học Lý Trần chủ yếu vay mượn văn tự Hán để sáng tác (mãi đến thế kỷ thứ XIII, dưới đời Trần, mới sử dụng chữ Nôm để viết tác phẩm văn học). Bên cạnh việc vay mượn văn tự, văn học Lý – Trần còn vay mượn thi văn liệu, điển cố, điển tích lấy từ sử sách, từ thánh kinh hiền truyện của Trung Quốc. Sự vay mượn đó nhiều đến nỗi trở thành những mô – típ quen thuộc, tạo nên tính quy phạm, ước lệ, tượng trưng trong văn học. Hồi ấy, những sáng tác văn chương có như thế mới được xem là bác học, cao nhã, cao quý. Chẳng hạn, nói đến cây và hoa, người đọc sẽ bắt gặp tùng, trúc, cúc, mai, sen… Đây là những biểu tượng để chỉ phẩm chất, khí tiết của bậc trượng phu, người quân tử; nói đến vật thì thường là long, ly, quy, phụng; nói đến người thì ngư, tiều, canh, mục; tả cảnh mùa thu phải là rừng phong lá rụng, sen tàn giếng ngọc, mây đùn cửa ải, lá ngô đồng vàng rơi; nói hoa bốn mùa thì thường là xuân lan, thu cúc, hạ sen, đông mai… Vì thế, người đọc không lấy làm lạ là một kiệt tác như Dụ chư tỳ tướng hịch văn (Hịch tướng sĩ) của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, để khích lệ lòng yêu nước của các tướng sĩ dưới quyền xông lên đánh quân xâm lược, tác giả lại nêu lên những tấm gương trung thần nghĩa sĩ ở sách vở Trung Quốc như Kỷ Tín, Do Vu, Dự Nhượng, Vương Công Kiên.
Về mặt thể loại, văn học Lý – Trần vay mượn những thể loại của văn học Trung Quốc để sáng tác, bao gồm vận văn, biền văn và tản văn: Vận văn có các thể thơ cổ phong, thơ luật Đường (bát cú, tứ tuyệt), từ khúc, ca, ngâm; biền văn thì mượn các thể như hịch, phú, cáo; tản văn thì mượn các thể chiếu, chế, biểu, tấu, tự, bạt, bi ký, sử ký, luận thuyết, các thể truyện… (riêng thể chiếu, chế, biểu, tấu có nhà nghiên cứu xếp vào loại biền văn([3]). Tất cả các thể loại được sử dụng trong văn học Lý – Trần đều là những thể loại của văn học Trung Quốc. Khi vay mượn để sáng tác, các tác giả đã tuân thủ một cách nghiêm ngặt theo những yêu cầu có tính quy phạm của từng thể loại đó. Theo như kết quả nghiên cứu hiện nay thì văn học Lý – Trần chưa có thể loại văn học tự thân, nội tạicủa dân tộc như ở giai đoạn văn học sau. Điều lưu ý là trong các thể loại trên, về số lượng và chất lượng thì vận văn nổi trội hơn tản văn; các thể loại trữ tình đạt nhiều thành tựu hơn thể loại tự sự.
Bên cạnh vay mượn văn tự ngôn ngữ và thể loại, văn học Lý – Trần còn chịu ảnh hưởng sâu đậm những tư tưởng tôn giáo, những học thuyết của nước ngoài như Phật, Lão, Nho, Bách gia chư tử… Đây là những tư tưởng, những học thuyết có ảnh hưởng lớn ở khu vực Đông Nam Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam) thời trung đại. Tư tưởng Tam giáo đã in đậm dấu ấn trong tâm lý, trong đời sống con người Việt Nam thời bấy giờ. Đối với các tầng lớp trên thì họ chịu ảnh hưởng những tư tưởng, học thuyết đó nặng nề hơn.
Tiếp theo, tuy chịu ảnh hưởng sâu đậm như trên nhưng văn học Lý – Trần đã cố gắng vận động để phát triển theo hướng dân tộc hoá.
Văn học Việt Nam tất yếu phải mang bản sắc tư tưởng, tâm hồn Việt Nam. Văn học Lý – Trần cũng vậy. Trên đường hình thành và phát triển, cùng với việc tiếp thu những cái hay, cái đẹp của văn hoá, văn học nước ngoài, văn học Lý – Trần vừa phải từ bỏ, vừa phải chống lại sự lấn áp, áp đảo của những yếu tố ngoại lai đó để ngày càng nâng cao tính dân tộc. Quá trình vận động và phát triển theo hướng dân tộc hoá diễn ra không chỉ ở hình thức mà còn biểu hiện ở nội dung văn học. Trên phương diện hình thức, biểu hiện đó trước hết là văn tự. Nếu ban đầu văn học Lý – Trần sử dụng chữ Hán thì từ đầu thế kỷ XIII, các tác giả còn sử dụng chữ Nôm để sáng tác. Việc chữ Nôm ra đời và được sử dụng đã chứng tỏ ý thức độc lập dân tộc ngày càng được khẳng định, nâng cao; văn hoá, văn hiến đã được phát triển, đang cố gắng để thoát khỏi sự lệ thuộc văn hoá phương Bắc. Đồng thời, sự ra đời của chữ Nôm còn cắm cái mốc cho sự phát triển văn học, làm tiền đề để cho giai đoạn sau kết tinh nên những kiệt tác văn chương bởi những tác giả ưu tú như Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông (thế kỷ XV), Nguyễn Bỉnh Khiêm (thế kỷ XVI), Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương (thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX)… Điều đáng tiếc là, theo thư tịch cổ cho biết, thời Lý – Trần có nhiều tác giả sáng tác văn học bằng chữ Nôm nhưng qua thời gian, binh hoả, thiên tai, những tác phẩm đó hiện chẳng còn là bao.
Về điển cố, điển tích, văn thi liệu, bên cạnh sự vay mượn của văn học Trung Quốc thì văn học Lý – Trần còn sử dụng văn thi liệu của Việt Nam, lấy ngay đề tài ở Việt Nam để viết về cuộc sống con người Việt Nam, ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên của đất nước Việt Nam, phần nào biểu lộ niềm tự hào dân tộc.
Về thể loại, văn học thời kỳ này chưa có dấu hiệu gì về dân tộc hoá hình thức thể loại văn học như ở văn học giai đoạn sau.
Trên phương diện nội dung, văn học Lý – Trần đã biết “hút nhuỵ tinh hoa”([4]), biết tiếp thu có chọn lọc rồi dung hợp, chuyển hoá cái của người thành cái của mình, phục vụ cho cuộc sống của mình, phù hợp với dân tộc mình. Nền văn học ấy đã thể hiện được tâm hồn, tình cảm, tâm tư nguyện vọng của người Việt Nam. Chẳng hạn, cũng là văn tự, thể loại nước ngoài nhưng những bài thơ như Nam quốc sơn hà (Lý Thường Kiệt ?), Tụng giá hoàn Kinh sư (Trần Quang Khải), Thuật hoài (Phạm Ngũ Lão) đọc lên nghe hào sảng, hả hê biết bao, bừng bừng khí thế và đậm đà tính dân tộc biết dường nào! Bài Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn cũng vậy. Tuy nêu những tấm gương nước người nhưng tác phẩm đã khích lệ, động viên được tinh thần yêu nước, khơi dậy ý chí chiến đấu và quyết chiến thắng quân xâm lược của các tướng sĩ đời Trần để góp phần làm nên hào khí Đông A của thời đại. Ngay cả những tư tưởng tam giáo: Nho, Phật, Lão khi vào Việt Nam cũng đã được dân tộc tiếp thu, dung hợp rồi Việt hoá để phục vụ cho đời sống tâm linh của mình. Lý tưởng trung quân ái quốc, lý tưởng nhân nghĩa của Khổng – Mạnh; tư tưởng từ bi bác ái của Phật khi vào Việt Nam đã có sự chuyển hoá nên có khác Trung Quốc, Ấn Độ là nơi sản sinh ra chúng.
Hai là, văn học Lý – Trần đã vận động và phát triển trên cơ sở ý thức dân tộc, kết hợp với cảm hứng thời đại, mở ra một dòng văn học yêu nước trong văn chương Việt Nam.
Ở thời trung đại, trong đó có thời Lý – Trần, yêu nước gắn liền với lý tưởng trung quân. Yêu nước và trung quân là một. Trên cơ sở ý thức độc lập dân tộc được củng cố và phát triển, kết hợp với âm hưởng của thời đại phục hưng mà cảm hứng yêu nước trong văn học Lý – Trần được thể hiện ở nhiều khía cạnh, sắc thái, cung bậc, giọng điệu khác nhau bởi những thời điểm lịch sử khác nhau.
Trong điều kiện đất nước hoà bình thì cảm hứng yêu nước được bộc lộ trong thơ văn thường là ý thức tự cường, tự tôn dân tộc; là niềm khát vọng xây dựng đất nước hoà bình hạnh phúc; là yêu giống nòi, tiếng nói, cảnh trí của non sông gấm vóc và yêu cả nền văn hoá của dân tộc. Câu thơ của Đỗ Pháp Thuận “Vô vi cư điện các, Xứ xứ tức đao binh” khi trả lời vua Lê Đại Hành đã chứng tỏ niềm tin vào vận mệnh đất nước. Bài Thiên đô chiếu(Chiếu dời đô) thể hiện sự nhìn xa trông rộng của Lý Thái Tổ về tương lai đất nước, vì Thăng Long không chỉ đẹp ở thế đất “rồng cuộn hổ ngồi” mà còn là nơi trung tâm để có thể “mưu toan việc lớn, tính kế lâu dài cho con cháu đời sau”, điều mà cố đô Hoa Lư không còn phù hợp với yêu cầu của thời đại lịch sử bấy giờ. Bài Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu không chỉ đưa lại cho người dọc một tình yêu thiên nhiên với cảnh trí tươi đẹp của non sông gấm vóc, mà còn đem đến một niềm tự hào lớn về truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc trong lịch sử chống ngoại xâm. Bài phú từng được xem là kiệt tác văn chương. Lê Quý Đôn thế kỷ XVIII đã so sánh bài phú này với bài Xích Bích phú của Tô Đông Pha (đời Tống – Trung Quốc) rồi ngợi khen “văn thể phú triều Trần phần lớn khôi kỳ, hùng vĩ, lưu loát, đẹp đẽ, âm vận, cách điệu giống như thể văn nhà Tống”([5]).
Cũng là con sông Bạch Đằng lẫy lừng chiến tích, nửa thế kỷ sau cuộc kháng ch iến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai (1285), thứ ba (1287), Trần Minh Tông và Trương Hán Siêu cùng cảm nhận một màu máu tanh hôi trên dòng sông: “Ngỡ rằng máu giặc hãy còn đây”, dù theo thời gian, nước vẫn trôi nhưng dấu vết, chiến tích lịch sử thì vẫn còn lưu lại mãi. Thật tự hào biết bao! Cũng với cảm hứng ấy, Phạm Sư Mạnh khi nhìn dòng sông cuộn sóng, cảm thấy lòng bồi hồi tưởng nhớ chiến tích oai hùng năm xưa của Ngô Quyền phá tan quân Nam Hán trên dòng Bạch Đằng giang:
Hung hăng Bạch Đằng đào,
Tưởng tượng Ngô Vương thuyền.
(Thơ văn Lý – Trần, tập 3, tr.79)
Dịch:
Bạch Đằng cuồn cuộn sóng,
Tưởng thuyền chiến Ngô Vương.
Để hơn trăm năm sau, thi hào Nguyễn Trãi khi đến dòng sông này cũng đã có cảm xúc và niềm tự hào như thế trong bài thơ Bạch Đằng hải khẩu.
Khi Tổ quốc bị xâm lăng thì yêu nước là lòng căm thù giặc, là tinh thần quyết chiến thắng kẻ thù, bảo vệ đến cùng chủ quyền của dân tộc. Yêu nước còn là lòng biết ơn và ca ngợi những con người dám xả thân cứu nước; những con người thà hy sinh chứ không hàng giặc, không hợp tác với kẻ thù. Bài thơ thần (Nam quốc sơn hà) tương truyền của Lý Thường Kiệt vẻn vẹn chỉ hai mươi tám tiếng, gói gọn trong bốn câu mà ít nhất đã mang hai tầng ý nghĩa: vừa là lời hịch lại vừa là lời tuyên ngôn, vì đã khích lệ, cổ vũ tinh thần quyết chiến đấu và chiến thắng quân Tống xâm lược vào năm 1076 trên trận tuyến sông Cầu; đồng thời khẳng định cương vực bờ cõi chủ quyền của đất nước với sự phân biệt rạch ròi “Nam quốc” với “Bắc quốc” và “Nam đế” với “Bắc đế”. Do thế, xưa nay nhân dân ta đã coi bài thơ như là lời tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
(Thơ văn Lý – Trần, tập 1, tr.322)
Dịch:
Núi sông Nam Việt vua Nam ở,
Vằng vặc sách trời chia xứ sở.
Giặc dữ cớ sao phạm đến đây?
Chúng mày nhất định phải tan vỡ.
Hay như lòng căm thù, sự căm tức của chủ tướng Trần Quốc Tuấn “tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đằm đìa”, với ước muốn “xẻ thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù” thì đó cũng là lòng căm thù sôi sục của tướng sĩ trong thời điểm ấy. Còn đây là khí phách hào hùng cùng niềm tin vào vận nước nghìn thu được thể hiện trong bài thơ ngắn với giọng điệu hả hê của Trần Quang Khải:
Đoạt sóc Chương Dương độ,
Cầm hồ Hàm Tử quan.
Thái bình tu trí lực,
Vạn cổ thử giang san.
(Thơ văn Lý – Trần, tập 2, tr.424)
Dịch:
Chương Dương cướp giáo giặc,
Hàm Tử bắt quân thù.
Thái bình nên gắng sức,
Non nước ấy nghìn thu.
Cảm hứng yêu nước của thời đại Đông A còn vút lên giọng hào sảng của kẻ nam nhi quyết lập công để lưu danh hậu thế trong thơ của Phạm Ngũ Lão:
Hoàng sóc giang sơn cáp kỷ thu,
Tam quân tỳ hổ khí thôn ngưu.
Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu.
(Thơ văn Lý – Trần, tập 2, tr. 562)
Dịch:
Múa giáo non sông trải mấy thu,
Ba quân hùng khí át sao Ngưu.
Công danh nam tử còn vương nợ,
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu.
Một thời đại văn học đầy chất tráng ca. Hào khí thời đại ấy đã làm cho Trần Phu, một sứ thần nhà Nguyên, vào thời điểm đó đi sứ sang ta, khi về lại Trung Quốc vẫn còn “giật mình kinh sợ” đến nỗi “tóc bạc”. Cái cảm giác này ông có ghi trong bài Sứ hoàn cảm sự:
Kim qua ảnh lý đan tâm khổ,
Đồng cổ thanh trung, bạch phát sinh.
Dĩ hạnh quy lai thân kiện tại,
Mộng hồi do giác chướng hồn kinh.
Dịch:
Bóng lè binh khí lòng đau khổ,
Vang vọng trống đồng, tóc bạc sinh.
Mừng được về nhà, thân khoẻ mạnh,
Ngủ dài, trở dậy, thấy còn kinh.
Cảm hứng yêu nước ấy còn thể hiện qua giọng điệu uất hận, dồn nén của người anh hùng lỡ vận trong bài Cảm hoài của Đặng Dung. Đây là hai câu kết:
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,
Kỷ độ long tuyền đái nguyệt ma.
(Thơ văn Lý – Trần, tập 3, tr.517)
Dịch:
Thù trả chưa xong đầu đã bạc.
Gươm mài bóng nguyệt đã bao rày.
Ba là, văn học Lý – Trần đã hình thành những giá trị nhân bản, trong đó lòng nhân ái, nhân đạo trở thành cảm hứng chủ đạo trong văn chương.
Xét đến cùng, cảm hứng yêu nước không hoàn toàn tách biệt với cảm hứng nhân bản, bởi yêu nước cũng là một phương diện cơ bản của nhân bản. Yêu nước bao giờ cũng gắn với vận mệnh, cuộc sống con người. Việc đấu tranh chống áp bức thống trị, sự chiến đấu chống ngoại xâm, giải phòng đất nước đều xuất phát từ sự mưu cầu hạnh phúc cho con người. Tuy vậy, nội dung nhân bản vẫn có những điểm riêng. Nội dung đó không chỉ hiểu theo nghĩa đạo đức học mà còn phải hiểu theo nghĩa triết học. GS. Nguyễn Đình Chú đã giới thuyết ngắn gọn thuật ngữ nhân bản như sau “Tinh thần nhân bản không chỉ là tình thương con người, đặc biệt là con người đau khổ, thiệt thòi trong cuộc sống, mà còn là sự khám phá, biểu dương tất cả mọi giá trị làm nên vẻ đẹp con người trong mối quan hệ với vũ trụ, với tự nhiên, với xã hội, với gia đình, với chính nó trong hành động và trong tâm linh”([6]).
Từ giới thuyết trên, nếu triển khai và vận dụng vào văn học Lý – Trần sẽ có rất nhiều vấn đề cụ thể, phong phú và khá phức tạp. Ở đây, chỉ xin điểm qua giá trị nhân bản với hai cấp độ: thứ nhất, văn học Lý – Trần đã xây dựng và giải quyết được mối quan hệ giữa con người với vũ trụ, tự nhiên; thứ hai, văn học Lý – Trần đã nêu được mối quan hệ giữa con người với con người; con người với cuộc sống.
Ở cấp độ thứ nhất, có thể xem mối quan he giữa con người với vũ trụ, tự nhiên chính là vũ trụ quan thì văn học Lý – Trần đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Xuất phát từ cảm thức trung đại, con người Lý – Trần chưa nhận thức tự nhiên như một khách thể. Hồi ấy, con người nhận thức và phản ánh tự nhiên không chỉ ở cấp ý thức hệ mà ở cấp tâm lý xã hội; không chỉ ở cầu trường cảm quan về thế giới như A. Gurevich đã phát biểu([7]). Với cảm thức ấy, con người đã tự xem mình là một phần tử của vũ trụ, bởi quan niệm thiên nhân tương dữ, thiên nhân hợp nhất. Vì thế, giữa con người với vũ trụ, tự nhiên có sự gắn bó hoà đồng, có mối quan hệ tương giao. Có được điều này, như đã đề cập, là nhờ sự gặp gỡ giữa chất phóng khoáng, dân chủ, cởi mở, phá chấp, cùng xuất phát từ tư duy tổng hợp, nhất nguyên, vạn vật nhất thể, tâm pháp nhất như của Phật với chất phiêu diêu, phóng nhiệm, tinh thần biện chứng khúc tắc toàn, uổng tắc trực, oa tắc doanh và tư tưởng hoà quang đồng trần của Lão – Trang với đức tính dung dị, mềm dẻo, linh hoạt, sống phụ thuộc vào thiên nhiên của người Việt. Vì thế, văn học Lý – Trần, đặc biệt là văn học Phật giáo Lý – Trần đã đem lại cho người đọc nhiều tác phẩm thể hiện sự gắn bó tương giao ấy, tạo nên hình ảnh con người vũ trụ thật đẹp.
Ở cấp độ thứ hai, văn học Lý – Trần đã nêu được mối quan hệ giữa con người với con người, con người với cuộc sống. Đây là những nguyên tắc đạo lý làm người, là thái độ ứng xử tốt đẹp trong các mối quan hệ giữa con người với nhau, là khát vọng về hạnh phúc, về quyền sống của con người, là lòng thiết tha vun đắp những giá trị nhân bản ngày càng hoàn thiện hơn. Về góc độ này, văn học trung đại Việt Nam giai đoạn thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX phản ánh rõ nét và có nhiều thành tựu xuất sắc. Riêng trong văn học Lý – Trần thì vấn đề trên cũng đã được các tác giả đề cập đến tuy không nhiều bằng giai đoạn văn học sau.
Có thể nêu lên đây vài tác phẩm tiêu biểu thể hiện cảm hứng nhân bản ở cấp độ này như bài thơ Ai phù lỗcủa Huyền Quang:
Khoá huyết như thành dục ký âm,
Cô phi hàn nhạn tái vân thâm.
Kỷ gia sầu đối kim tiêu nguyệt,
Lưỡng xứ mang nhiên nhất chủng tâm.
(Thơ văn Lý – Trần, tập 2, tr. 642)
Dịch:
Chích máu thành thư muốn gởi lời,
Lẻ loi nhạn lạnh, ải mù khơi.
Đêm nay mấy kẻ sầu trăng nhỉ?
Xa cách, nhưng lòng chỉ một thôi.
Bài thơ là nỗi lòng thương cảm sâu xa của Thiền gia thi sĩ đối với tên giặc bị bắt. Nhà thơ hiểu được tâm trạng nhớ quê nhà, nhớ người thân của tù nhân và ghi lại những dòng thơ đầy xúc động. Thật hiếm gặp những bài thơ như thế trong văn chương đời Trần. Còn đây là nỗi niềm trăn trở, day dứt của quan tư đồ Trần Nguyên Đán khi nghĩ về nhân dân sống trong cảnh mất mùa đói kém, mà mình thì chẳng giúp ích được gì trong bài thơNhâm Dần lục nguyệt tác:
Niên lai hạ hạn hựu thu lâm,
Hoà cảo miêu thương hại chuyển thâm.
Tam vạn quyển thư vô dụng xứ,
Bạch đầu không phụ ái dân tâm.
(Thơ văn Lý – Trần, tập 3, tr.208)
Dịch:
Năm nay hạ hạn lại thu mưa,
Đau nỗi mùa màng, những thiệt thua.
Ba vạn sách đầy đành xếp xó,
Yêu dân còn nợ, mái đầu phơ.
Trong một bài thơ khác, Trần Nguyên Đán cũng nhắc đến đầu bạc: “Ba phần tóc bạc tấm lòng son”. Bạc đầu vì dân. Một nỗi lo thật cao cả, cũng chỉ vì muốn cho con người sống đầy đủ hơn, hạnh phúc hơn.
Có được nhân sinh quan đẹp đẽ, ấm áp tình người ấy, có lẽ là nhờ sự bắt gặp giữa lòng Thương người như thể thương thân của dân tộc với tư tưởng từ bi bác ái của Phật và học thuyết nhân nghĩa của Khổng – Mạnh. Nhờ sự gặp gỡ này mà văn học Lý – Trần mới có được những tư thế nhân sinh lành mạnh và khoẻ khoắn.
Tóm lại, văn học Lý – Trần với những đặc điểm cơ bản vừa trình bày chính là sản phẩm tinh thần của thời đại Lý – Trần. Nó chi phối các bộ phận văn học thời đại này, cho dù đó là văn học của các nhà Nho hay văn học được sáng tác theo cảm hứng Phật giáo, cảm quan Thiền học; đồng thời còn ảnh hưởng đến các giai đoạn sau của văn học trung đại Việt Nam.
Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, H, số 2, 2001
[1] Xin xem: Nguyễn Công Lý, Đặc trưng thời đại Lý Trần, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, Hà Nội, số 3 – 2000 (tr.20-24).
[2] Xin xem: Một số bài viết về vấn đề này của tác giả:
- Trần Nghĩa, Một số tác phẩm mới phát hiện có liên quan tới dòng văn học viết bằng chữ Hán của người Việt thời Bắc thuộc, Tạp chí văn học, số 4, 1975 (tr.84-99).
- Nguyễn Đổng Chi, Việt Nam cổ văn học sử, tập 1, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hoá, Sài Gòn, tái bản, 1970.
- Nguyễn Đăng Na, Về phương pháp viết văn học sử của GS. Nguyễn Đổng Chi, Tạp chí văn học, số 3, 1996 (tr 39-43).
- Nguyễn Công Lý, Mấy nét về văn học Việt Nam trước thế kỷ X và về bài thơ chữ Hán viết vào thế kỷ thứ VII của người Việt, tạp chí văn học, số 10, 1997 (tr.62 -65).
- Nguyễn Công Lý, Góp phần tìm hiểu văn học Phật giáo Việt Nam trước thời Lý – Trần, Tạp chí Hán Nôm, số 4 – 1999 (tr.17-31).
[3] Nguyễn Huệ Chi, Khảo luận văn bản trong Thơ văn Lý – Trần, tập 1, Nxb, KHXH, H, 1977 (tr49-187).
[4] Chữ dùng của GS. Nguyễn Đình Chú.
[5] Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục, Bản dịch, Nxb, KHXH, H, 1977, tr.218.
[6] Nguyễn Đình Chú, Dạy sách giáo khoa trung học chuyên ban môn Văn, Tài liệu bồi dưỡng giáo viên, Vụ giáo viên, Bộ Giáo Dục & Đào Tạo, H, 1994, tr.24.
[7] A. Gurevich, Những phạm trù văn hoá trung cổ, Bd, Hoàng Ngọc Hiến, Nxb. Giáo dục, H, Tái bản, 1996.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét