Hạt bụi nào trong mắt.Trần Quang ThiệuChiều thứ hai, đi làm về, Bill nhận được lá thư của gia đình từ Việt Nam. Vừa bóc thư, Bill vừa lầm bầm:– Không biết kỳ này ông già lại ca bản gì nữa đây.Những hàng chữ viết nắn nót trên tờ giấy mỏng như đập vào mắt Bill:Bân con,Bố suy nghĩ mãi rồi mới viết lá thư này trong lúc buồn buồn nhớ tới các con. Bố đặt tên con là ‘Bân’, chữ ‘Bân’ (斌) có nghĩa là ‘lịch thiệp’ và có chữ ‘Văn’ đứng cạnh vì bố hằng mong mai sau lớn lên, con sẽ theo con đường văn chương, làm rạng danh dòng họ Nguyễn Hữu, một giấc mơ mà bố ôm ấp, nhưng biết đời mình không thể đạt thành.Như con biết, 17 tuổi bố bỏ học, dở thầy, dở thợ, vất vả với đời sống, rồi, cuối cùng, trở thành anh công chức quèn, lấy vợ, nuôi con, và mong cho con nối được giấc mộng không thành của đời mình.Khi con bước chân vào đại học, bố đã vui mừng, tưởng rằng con sẽ thành người như bố ước mơ. Tiếc thay vận nước điêu linh, con cũng như bao nhiêu thanh niên đều phải thi hành nghĩa vụ, và rồi trôi nổi tới phương trời xa! Bố mẹ ngày ngày chờ con về, và ngày con trở về thăm nhà lần đâu tiên, bố đã để rơi giọt nước mắt mừng vui trên đôi má nhăn nheo. Nhưng rồi, bố nghe con nói về nếp sống mới, và bố ngỡ ngàng. Không, bố không còn kỳ vọng có con làm rạng danh dòng họ Nguyễn Hữu như bố từng mơ ước trước đây, nhưng có gì như hụt hẫng mỗi lần cha con chuyện trò.Ngày xưa, có lần bố đạp xe đi làm, bị một chiếc xe chở đầy lính Mỹ vượt qua mặt, những người lính cười nói ồn ào, vứt xuống lòng đường thanh kẹo cao su như bố thí, bố đã tức tủi nghẹn ngào. Ngày con về, nói cười hả hê với những danh từ xa lạ, bày ngổn ngang những món quà đắt giá cũng làm bố ngỡ ngàng. Nhưng bố chỉ thật sự chua xót khi giơ tay vuốt tóc đứa con trai của con. Tên nó là gì nhỉ, Tim hay Tím gì đó. Nó lắc đầu tránh bàn tay của bố và lầu bầu cái gì đó mà bố không hiểu. Bố biết là có lẽ từ đây giòng họ Nguyễn Hữu sẽ không còn trên thế gian!Con à, có lẽ bố già quá rồi nên không còn thích nghi với những thay đổi của cuộc sống. Bố nhìn con, nhìn cháu và lòng bố xót xa. Con bây giờ là Bill chứ không phải là Bân. Tóc con cột đuôi gà, chứ không còn hớt cao như xưa. Thế nhưng tóc của vợ con lại ngắn ngủn, nửa nâu, nửa vàng, ôm sát khuôn mặt kiêu kỳ. Thằng Tim ‘Hey man’ chứ không “Thưa bố’ như con thủa nào. Cuối đời mà bố vẫn bơ vơ. Bố nói thế, con hiểu không, Bân?Tuy nhiên bố cũng cám ơn các con rất nhiều. Tiền các con gửi về giúp bố mẹ hàng tháng đủ cho bố mẹ sống thoải mái lúc tuổi già. Căn nhà nhỏ gần rạch Thị-Nghè khang trang hơn cũng là nhờ các con. Chiều chiều, đứng nhìn dòng nước, bố thấy lòng mình cũng dịu dàng như con nước trôi.
Bây giờ đã gần ngày Noël. Bên phương trời đó, có lẽ các con đang bận rộn mua sắm, hội hè. Bố bây giờ ít ra khỏi nhà. Ngay cả những ngày Tết, bố cũng chỉ thắp hương khấn ông bà, xin các người tha thứ và, dù sao đi nữa, cũng xin phù hộ cho các con ở phương xa.Bố chỉ cầu mong sao cho gia đình con luôn luôn đưọc hạnh phúc, thuận vợ, thuận chồng. Và nếu bố được khuyên con đôi lời thì bố mong rằng con hãy nghĩ tới cội nguồn. Dù sao đi nữa, con vẫn là người Việt da vàng, cố giữ lấy phần nào nếp sống của tổ tiên.Lần tới, có về thăm nhà, con cố đưa bố ra ngoài Bắc. Bố muốn về thăm lại núi Ba Vì và quê Bất Bạt một lần trước khi nhắm mắt xuôi tay. “Bên này đất nước nhớ thương nhau.” Chúng mình cùng quê với Quang Dũng đó con.Chúc các con những ngày vui.Bố của con,Nguyễn Hữu Cầu.Gấp lá thư đút vào túi Bill thở dài:– Ông già càng ngày càng lẩn thẩn. Không biết là sống thêm được bao năm nữa.Bỗng nhiên, Bill chợt bùi ngùi, nghĩ thầm:– Ngày xưa ông chỉ mong mình đậu Cử Nhân văn chương, đi dạy học, sống đời thanh bạch; thế nhưng, lưu lạc sang xứ này, mình lại kiếm ra khối tiền, nhưng chỉ có mỗi cái bằng Master … Card nên ông ấy vẫn buồn. Thôi, sang năm mình về một mình, không mang theo vợ con, nhất là cái thằng Tim cà chớn, rồi đưa ông ra Bắc thăm quê hương như ông ấy muốn!Bill ngồi xuống bàn, cầm bút, định viết vài hàng trả lời bố, nhưng một ý tưởng chợt lóe ra trong đầu, Bill vỗ bàn:– Tại sao mình không mời ông già sang chơi với mình ít lâu. Biết đâu chừng những gì ông già thấy tận mắt sẽ giúp ông hiểu thêm về đời sống ở Mỹ, sẽ thông cảm và thương yêu con cháu hơn.o0oCụ Cầu leo lên chiếc xe Van, thắc mắc:– Sao anh lại phải đi cái ‘xe tải’ như thế này? Không đủ tiền mua xe nhỏ hả con?Bill mỉm cười:– Ở đây ai có ‘xe tải’ là khá đó bố, còn xe nhỏ thì ai mà chả có! Cả nhà đều muốn ra phi trường đón bố nên con phải lái chiếc xe lớn này.– Thế hả? Bố cứ tưởng…Cụ Cầu nhướng mắt nhìn ra ngoài. Sao chẳng có ai đi bộ nhỉ? Mà toàn xe hơi không à, lâu lâu mới có chiếc xe gắn máy, mà sao xe gắn máy lại chạy nhanh hơn cả xe hơi? Ăn mặc thì cứ như thằng điên, đầu còn đội cả nón sắt!Xa lộ 101 kẹt cứng, chầm chậm, nhưng rồi Bill cũng về đến nhà ở San Jose. Bill thở phào đỡ bố ra khỏi xe:Nhà mình đây. Bố nghỉ cho đỡ mệt, rồi sẽ tính sau.Cụ Cầu ngơ ngắc nhìn căn nhà to lớn trên sườn đồi. Thế này thì ở sao cho hết. Nhà chúng nó có bốn người. Con thì một đứa đi học xa, chỉ còn một đứa ở nhà. Cụ nhìn con:Này anh Bân, thế cái nhà này bao nhiêu tiền?Bân thở ra:– Vài trăm ngàn bố ạ.– Vài trăm ngàn? Thế tiền đâu mà lắm thế.– Tiền nhà băng cho muợn. Ở đây ai cũng nợ cả, bố ạ. Mình trả góp hàng tháng mà!– Thế anh làm bao nhiêu tiền một tháng cho đủ để trả tiền lời?– Vài ngàn thôi. Nhưng con dặn bố thế này nhé. Bố hỏi con làm bao nhiêu một tháng thì được, chứ đừng hỏi người quen. Ở đây, họ kỵ những câu hỏi như vậy, không như ở VN mình.– Thế à. Lạ nhỉ…Phải mất đến cả tháng, cụ Cầu mới quen dần, mới không còn lúng túng với vòi nước nóng lạnh trong phòng tắm, mới biết làm thế nào để hệ thống báo động không kêu ầm ĩ khi mở cửa ra vào, mới hết giật mình vì tiếng điện thọai reo, và mới dám nhấc máy nghe xem có phải Bân gọi từ sở về. Những náo nức ban đầu khi Bân đưa cụ đi thăm Little Sài Gòn, thử thời vận ở Las Vegas, đã nhạt nhòa. Cụ bắt đầu cảm thấy hiu quạnh. Hàng ngày, hai vợ chồng Bân đi làm, và Tim đi học, chỉ còn mình cụ quanh quẩn trong nhà, xem mấy cuốn băng nhạc cũ, hoặc thơ thẩn ngoài sân nhìn hoa cỏ. Hàng xóm chẳng quen ai. Lâu lâu, có ông Ấn Độ già đi ngang nhà nhe hàm răng móm mém cười, nhưng hai người ngôn ngữ bất đồng, chẳng nói với nhau được một câu.Buổi chiều, Tim đi học về là nó trốn biệt trong phòng, có hỏi nó câu nào thì cũng như không. Thằng bé ú ớ khoa chân, múa tay, hoặc chỉ toét miệng ra cười!Bân thương bố nên dắt cụ đi bộ ra đường lớn, chỉ cách cho cụ đi xe buýt tới khu chợ VN để cụ đi dạo, và nhặt báo chợ về đọc cho đỡ buồn. Bân ghi số điện thoại nhà, điện thoại sở, đưa cho cụ và dặn dò:– Bố cứ leo lên xe buýt, xuống phố chơi cho vui. Có lạc thì gọi điện thoại cho con, hoặc cứ ngồi trên xe buýt, cuối cùng xe cũng về đến chỗ cũ! Đừng sợ bố ạ.Thấy Bân dặn dò mình như con nít, cụ Cầu vừa buồn cười, vừa tức:– Có sợ cái ‘đếch’. Núi rừng Bắc-Việt tôi còn biết đường đi. Phố xá ở đây rộng rãi, đường trải nhựa, đi dễ như bỡn. Anh cứ để mặc tôi!Cụ Cầu nói thế, nhưng rồi hai lần Bân phải lái xe tới đón cụ về. Lần thứ nhất, cụ nhởn nhơ đi bộ từ nhà ra đường lớn, rồi lang thang sao đó đi luôn lên xa lộ 680! Cụ bị cảnh sát giao thông chặn lại, và mặc người cảnh sát nói gì cụ cứ lắc đầu, đưa cái ID card ra như thể là bị hỏi giấy tờ ở VN. Họ đành ‘bắt’ cụ về station, tìm thông dịch viên Việt Nam, lúc đó cụ mới đưa số điện thoại ra để cho họ gọi Bân đến đón cụ về.Lần thứ hai, cụ ngồi trên xe buýt, nhưng quên chỗ xuống xe. Xe chạy tuốt lên đến tận Menlo Park, rồi ngừng lại, không chạy nữa vì cuối đường, và tài xế hết phiên! Cụ xuống xe, tìm điện thoại công cộng gọi cho Bân, nhưng không hiểu operator muốn nói gì nên đành chịu đứng đó, cứ thấy người da vàng nào là lên tiếng gọi “Ông ơi cho hỏi thăm” hoặc “Bà ơi cho hỏi thăm”. Mấy tiếng đồng hồ sau mới có một cô bé Việt Nam đi qua, giải thích cho cụ là cụ đã sang area code 650 rồi, chứ không còn ở vùng 408 nữa nên opeartor nhắc cụ bỏ thêm tiền mới gọi được. Cô gái giúp cụ gọi Bân và, về đến nhà, cụ cứ tấm tắc:– Không biết con cái nhà ai mà tử tế thế. Lại không nhận cả tiền gọi điện thoại mình đưa trả.Bân hỏi:– Thế bố có hỏi tên và số điện thoại của cô ấy không để con gọi cám ơn.Cụ Cầu cười:– Sợ vãi đái nên chẳng nhớ gì!Sau hai tai nạn đó, cụ Cầu hết muốn đi ‘giang hồ’ một mình. Bân sợ bố buồn nên xin nghỉ phép, đưa bố lên Seatle thăm người bạn già nhiều năm không gặp. Bác Bảo nằm liệt giường trong nhà già, bật khóc nức nở khi thấy bạn vào thăm. Cụ Cầu cũng rớt nước mắt nắm tay bạn:– Cũng đến hơn chục năm rồi mới gặp lại bác. Nghe tin bác bị bệnh mà không ngờ đến nông nỗi này.Bác Bảo cố cầm nước mắt:– Khổ lắm bác ạ. Chỉ muốn chết cho nhẹ nợ.– Giời bắt sao thì đành chịu vậy thôi. Thế các anh các chị ấy có vào thăm thường không?– Có bác ạ. Cuối tuần nào chúng nó cũng thay nhau vào thăm. Ngày thường đứa nào cũng bận đi làm, đi học, chẳng có ai ra vô, chỉ có mấy bà y tá Mỹ đen lâu lâu vào lật mình như lật con nít ấy.Bân và Phú, người con trai bác Bảo, bỏ ra ngoài để cho hai người bạn già nói chuyện tâm tình. Phú thở dài:– Thế nào cụ cũng cho mình là bất hiếu. Nhưng không làm được gì hơn anh ạ. Tôi đã nghĩ đến chuyện đưa ba tôi về VN, nhờ một người họ hàng xa chăm sóc để cụ có người chuyện trò hàng ngày, thế nhưng vẫn không đành lòng vì xa xôi quá, chúng tôi làm sao mà thăm viếng thường xuyên. Đằng nào cũng khổ. Ông cụ nhà anh còn khoẻ quá, thân hình thẳng băng, và bước chân còn vững trãi.Bân gật đầu:Vâng. Bố tôi còn khoẻ, nhưng tuổi cũng đã cao. Chỉ là vấn đề thời gian. Trước sau gì rồi chúng ta cũng sẽ có cùng một vấn đề.Cụ Cầu mắt đỏ hoe, câm nín trên đường về. Lâu lâu, cụ thở dài. Xe chạy qua một rừng thông cụ nói với con giọng buồn buồn:Cảnh ở đây đẹp quá. Cứ như Đà Lạt ở Việt Nam mình. Thế nhưng cô đơn trong nhà già thì thật là đáng sợ. Cảnh đẹp mà làm gì, và cuộc đời đến lúc này còn có gì để tiếc thương.Bân cũng không biết nói gì hơn, nghĩ thầm, không biết mai sau chuyện gì sẽ xảy ra cho bố mình và cho cả chính mình!o0oCụ Cầu nhất định đòi về VN ngay, chứ không ở hết sáu tháng như dự trù. Cụ bảo vợ chồng Bân:– Bố nóng ruột quá. Vẫn biết mẹ các con rất khỏe mạnh, nhưng đi lâu, bố chẳng yên tâm. Các con lấy chỗ máy bay cho bố về. Bố cũng đã thấy nước Mỹ. Ngày xưa, có bao giờ nghĩ rằng có ngày mình được đến chơi đất nước này. Bà nội con suốt đời không ra khỏi cổng làng. Bố như thế cũng là mãn nguyện lắm rồi.Bân nài nỉ mãi, nhưng cụ Cầu không thay đổi ý muốn, nên anh ta đành lòng đưa bố ra phi trường. Nhìn bố vẫy tay giã từ, Bân muốn khóc vì chẳng biết bao giờ mới gặp lại. Bân hứa với bố là sẽ về thăm nhà thường hơn, nhưng không biết là có giữ được lời vì cuộc sống quay cuồng trên đất nước người. Thằng Tim sống gần ông nội ba tháng nên cũng đã quen thân, chứ không còn xa lạ như lúc ban đầu. Khi cụ Cầu vuốt tóc nó giã từ, nó không còn né tránh, trái lại Tim vòng tay ôm cụ như nó thường hun bố mẹ mỗi lần đi đâu về.– Good bye, Grand-Pa.Tim đưa tay vẫy ông nội và, khi bóng cụ Cầu đã khuất sau cánh cửa phi trường, Tim hỏi Bân:– Are we going to see Grand-Pa again?Bân vuốt tóc con:– Yes, son. We’ll see him again. Grand-Ma too.Một tuần sau khi cụ Cầu ra về, Bân lại nhận được thư bố. Từ ngày cụ Cầu ra về, Bân cứ ngơ ngẩn buồn. Những ngày qua cha con gần gũi, Bân cảm thấy mình hiểu và yêu quí cha hơn. Hình như ông cụ đã đổi tính ít nhiều, không còn khó khăn như xưa, và có cái gì mơ hồ trong tình cảm của cụ mà Bân chưa nhìn ra.Bân chậm trãi bóc lá thư. Bao giờ cũng vẫn vậy, thư trên giấy mỏng, nét chữ nắn nót như thể người viết để cả tâm hồn vào những dòng chữ.Các con của bố,Bố đã về tới Sài Gòn, nhưng hơi mệt vì đường xa nên hôm nay mới viết cho các con. Mẹ con đón bố ở phi trường, không ôm hôn như Mỹ, không cả cầm tay, nhưng nước mắt lưng tròng, đầy ắp ân tình. Bố mới đi có ba tháng, mà thấy như là đã xa mẹ con một đoạn đời.Mẹ con cám ơn những món quà các con gửi. Vải vóc và bánh trái mẹ con đem biếu hàng xóm láng giềng, chỉ giữ lại mấy lọ dầu gió và hộp sâm, phòng khi trái gió, trở trời. Hàng xóm ở VN mình dù sao cũng thân thiết chứ không như người xa lạ ở chỗ các con.Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Sống gần các con có vài tháng ở bên đó, nhưng bố đã hiểu các con nhiều hơn. Ngày xưa, có lẽ bố đã quá khe khắt với các con mà không biết là mình đã lỗi thời, ôm mãi những giá trị cổ điển của những ngày tháng cũ. Danh vọng làm khổ con người. Bố làm khổ bố, và cả con nữa, Bân, vì những ước mơ hão huyền cho giòng họ Nguyễn Hữu. Nghĩ lại, bố mới thấy những võng lọng vua ban cho tổ tiên cất dấu trong nhà từ đường ở quê nhà Sơn Tây không phải là những gì đáng hãnh diện trong khi đa số họ hàng nghèo đói, quanh quẩn trong mảnh đất khô cằn.Các con tha phương, và cũng chẳng có danh vọng gì, nhưng dù sao, các con cũng có đời sống vật chất đầy đủ, và yên vui. Lẽ dĩ nhiên các con cũng có những băn khoăn, lo lắng về đời sống, nhưng đó không phải là những dằn vặt làm héo hon con người. Bố mừng cho các con, và cám ơn các con đã lo lắng cho bố mẹ vào lúc tuổi già.Thấy tình cảnh bác Bảo, bố cũng cảm thương, nhưng thôi, cứ cho đó là số phận. Bố mẹ chọn nơi này để sống hết cuộc đời thay vì sang ở với các con như các con đã yêu cầu. Đất nước này dù sao cũng là quê nhà, có anh có em, có hàng xóm láng giềng, và dù cho có chân yếu, tay mềm thì cũng vẫn còn có người cho mình nương tựa lẫn nhau. Các con cứ yên tâm, đừng lo nghĩ cho bố mẹ lúc này.À, còn điều này nữa. Thằng Tim không phải là đứa trẻ hư hỏng như bố nghĩ trước đây. Qua bên đó, bố mới biết là nó được nuôi dạy và lớn lên trong môi trường tự do nên hành động và cư xử phóng khoáng thế thôi, chứ thực ra, nó vẫn đầy tình cảm gia đình. Bố nghĩ lại những gì được dạy bảo như vòng tay thưa gửi, cúi đầu dạ thưa, chưa chắc đã là đường lối tốt. Bố không chắc, nhưng biết đâu lối giáo dục đó đã chẳng đưa đẩy con người vào vòng quỵ luỵ, dễ trở thành tay sai cho ngoại bang!
Bân con, bố chưa bao giờ khen con, cũng như ông nội không bao giờ khen bố, nhưng con cần biết là con không làm gì cho bố phải thất vọng hay buồn tủi đâu. Bố nói thế chắc là con cũng đã hiểu lòng bố lúc này.Lúc nào rảnh, vợ chồng con về chơi với bố mẹ. Nhớ mang cả thằng Tim về, nghe con.Bố của con,Nguyễn Hữu Cầu.Bân gấp lá thư, mắt mờ như muốn khóc.– Bố ơi, có bao giờ con oán trách bố đâu, nếu con làm gì được cho bố vui lòng thì con cũng làm hết sức mình.Thằng Tim ở trên lầu chạy xuống, hỏi:Daddy, are you crying?Bân lắc đầu, nói bằng tiếng Việt:Không, có hạt bụi nào bay vào mắt bố đó thôi.
"
Minhhà
Thứ Tư, 4 tháng 2, 2015
Hạt bụi nào trong mắt/ cảnh Tú và Hồ Phất chuyển
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét