NGƯỜI BẠN HỌC CỦA TÔI
Trước khi vào đệ tam Võ Tánh, hai thằng cùng học một lớp bên trường Văn Hóa. Năm đệ ngũ, niên học khai giảng hơn hai tuần thì cô Hương, giám thị, dẫn một người vào lớp. Mới đầu, từ cô Tùng Linh, giáo sư hướng dẫn, đến học trò, không ai nghĩ là anh ta sẽ là học sinh vào lớp đệ ngũ này. Người cao lớn, vạm vỡ, đẹp trai, mái tóc bồng bềnh, mặc một cái áo sơ mi sọc đậm, ngắn tay, xăn cao, quần sans-pli bó ống với cái nịt to bản và đôi giày da bóng đi kêu lộp cộp. Lại còn cái kính đen dắt trên dây nịt nữa chứ. Một cuốn tập cuốn tròn trong túi sau.
Cả lớp tròn mắt ngạc nhiên khi nghe cô Hương, giới thiệu anh ta là học trò mới, từ xa đến.
Cái tên nghe cũng lạ: Lâm Ni.
(Sau này mới biết anh ta gốc Tàu Chợ Lớn, cha Tàu mẹ Việt. Gia đình giàu có. Cha anh làm chủ một công ty xuất nhập cảng. Vì không kiểm soát được anh, nên gởi anh ra Nha Trang ở với ông cậu, là chỉ huy phó quân trường Đồng Đế. Ba má anh tin tưởng ông cậu nhà binh này sẽ đưa thằng con cưng của mình đi vào nề nếp. Cùng với không khí mát mẻ, hiền hòa của thành phố biển này sẽ làm nó hiền lành ngoan ngoãn hơn).
Cô Tùng Linh chỉ cho Lâm Ni vào ngồi chung bàn với tôi ở phía sau. Anh chào tôi bằng cái rờ đầu rất kẻ cả. Tuần đầu anh im lặng, ít nói chuyện với ai. Mà có lẽ cũng chẳng có ai muốn làm quen với anh ta, ngoại trừ Trần Bá Hòa, người vui tính mà nghịch ngợm nhất lớp. Nhưng chỉ một tuần lễ sau là không khí cả lớp thay đổi hẳn. Mấy nàng nữ sinh ngồi phía trước liên tục bị bắn giây thun từ phía sau lưng, thi nhau quay ra phía bàn tôi chửi rủa.
Có lần cô Linh đang viết trên bảng đen bị lạc đạn, cả lớp phải nín thở. Một lần khi thầy Nguyễn Đức Nhơn đang gọi điểm danh, thình lình cả lớp như chợ vỡ, khi mấy người đẹp phát hiện một đám chuột con đỏ hỏn nằm dưới hộc bàn. Ai cũng biết tôi là thằng gốc nhà quê, hiền lành. Nhưng vì ngồi chung bàn với Lâm Ni nên "có chửi cùng chia, có cười cùng hưởng". Nói vậy chứ chưa có bà chị nào quay xuống bàn tôi để nở nửa nụ cười, mà chỉ toàn là những cái liếc sắc như dao, và tiếng rủa lùng bùng trong miệng chưa kịp phát ra thành tiếng. Tôi bực mình anh ta nhưng không dám phản ứng.
Có lần tôi nhìn anh ta tỏ ra bực dọc, tôi liền bị một cái cú đầu. Dưới mắt anh, lúc nào tôi cũng là thằng nhóc con. Nghĩ thân phận nhược tiểu nên tôi đành im lặng chịu đựng bên cạnh một đại cường. Nhưng tới một ngày, chiến tranh cũng phải bùng nổ, khi anh ta mượn rồi làm mất luôn cuốn vở "kiểu mẫu" (mà sau khi ở trường về tôi phải ngồi hằng giờ cặm cụi viết lại, uốn nắn từng chữ bằng nhiều thứ màu mực), tôi đã ném vào người anh tất cả mấy cuốn sách mà tôi có trong tay, giữa đám học trò trong lớp.
Kỳ lạ, lần này anh lại cười hiền khô, ôm tôi và bảo "xin lỗi toa nghe! " Đã thế ngày hôm sau anh còn mang cho tôi một bịch mấy trái thanh long. Từ hôm đó hai thằng xích lại gần nhau hơn một chút.
Cả trường biết anh, và có lẽ chẳng có ai ưa anh - tôi đoán thế - vì anh chạy một chiếc xe gắn máy hiệu Gobel màu đen mới toanh, trên bình xăng có vẽ hình con ó xòe đôi cánh, cái ghi-đông thật dài, ống pô được tháo bỏ phần hãm thanh nên nổ inh ỏi. Nghe nói tối nào anh cũng đi học võ ở võ đường của thầy Trọng Đãi. Có lần chính anh kể với đám tụi tôi, anh vào Judo Club để học lấy đai đen thì lại gặp thầy Trần Thanh Lý, dạy toán, cũng đang học trong đó, anh bèn rút lui. Khi ấy thầy Lý còn trẻ, nhưng anh nể thầy lắm. Mặc dù thầy Lý chưa hề phạt anh, bởi trong tất cả các môn học, môn toán và Anh văn là anh giỏi nhất. Có lần thầy Lý còn gọi đùa anh là Lâm Bưu. Lúc ấy nhiều thằng trong đám tụi tôi chưa biết Lâm Bưu là gã trời đất nào, cũng cười theo.
Nghe Lâm Ni kể là ông già của anh ta có cái mũi rất thính trong thương trường. Ông tin chắc là Mỹ thế nào cũng đổ quân vào Việt nam, nên mướn thầy dạy kèm Anh văn cho con mình từ năm Lâm Ni mới vào đệ thất. Còn toán là nhờ cái thông minh và lanh lợi mà trời đã ban cho anh ta để bù vào mấy cái tật khác.
Lâu lâu, bọn tôi nghe Trần Bá Hòa thông báo là Lâm Ni hẹn đấu "pạc-co" với băng Lò Heo, băng thằng Điền, hay băng thằng Liên nào đó ở Xóm Mới. Mấy lần đám tụi tôi cũng tò mò theo Trần Bá Hòa đi xem, mới biết Lâm Ni võ nghệ cao cường mà còn có tinh thần võ sĩ đạo kiểu Nhật Bản nữa. Lúc nào cũng nhường cho đối thủ tấn công trước, và khi đối thủ ngã xuống, anh không thèm tấn công, mà còn đỡ đứng dậy. Trong khi những tay này đã từng chơi xấu anh sát ván bao lần trước.
Anh ở nhà ông cậu ruột, một biệt thự trên đường Yersin, nhưng bạn bè thường thấy anh chở đào chạy vòng vòng ngoài đường Duy Tân, bờ biển. Có khi còn thấy chiếc xe Gobel của anh dựng cả ngày trước Bar Thu Thủy ở đường HoàngTử Cảnh.
Sang năm đệ tứ, không hiểu là vì mọi người đã quá quen cảnh cũ người xưa, hay là chính anh ta thay đổi, tự dưng "lòng chợt từ bi bất ngờ ", không thèm phá phách nữa, nên một số bắt đầu làm thân với anh. Mấy bà chằng lúc trươc bây giờ cũng có nàng đã cười nửa miệng với anh ta. Tôi bây giờ lại là thằng thân nhất với Lâm Ni. Những ngày nghỉ cuối tuần hay ngày lễ, anh đến nhà trọ chở tôi lên Phú Vinh, thăm khu vườn nuôi gà của anh Khanh, trưởng lớp. Khi ấy anh Khanh đã có vợ hai con. Có lần anh ta còn dám lấy xe jeep của ông cậu tới chở bọn tôi đi lên Thành thăm cô bạn Tuyết Phượng ở bên kia cầu Phú Lộc, nhưng mới đến Mã Vòng bị quân cảnh chặn lại hỏi giấy. Cả đám phải vào ngồi trong đồn để chờ ông cậu của Lâm Ni cho người đến nhận xe và nhận người luôn.
Có lẽ tôi có duyên nợ gì với Lâm Ni. Ngày thi trung học đệ nhất cấp, vì tên cùng vần N, nên tôi lại bị xếp ngồi bên cạnh anh ta. Tí nữa thì tôi khốn khổ. Môn toán và Anh văn, không cấn nháp nhiết, anh ta làm một cái vèo, nộp bài ra trước nhất. Nhưng mấy môn khác, tôi làm chưa xong, thì anh thò tay qua chộp. Chút nữa là ông giám thị bắt được, tôi hú vía. Kỳ thi ấy cả hai thằng đều đậu.
Từ hôm ấy, anh ta càng thân với tôi hơn. Cứ vài ngày là chạy xe lại nhà tôi, chở tôi đi xuống quán số 1 duới bờ biển ăn bò bảy món, đi Cầu Đá ăn phở gà trước khi tôi về quê nghỉ hè.
Quê tôi ở ngoài Vạn Giã, vào Nha Trang tôi ở trọ nhà ông chú, một hiệu buôn, trước ở đường Độc Lâp, bên rạp ci-né Moderne của ông Bác Ái, sau chuyển về đầu đường QL 1 trước Ty Thông Tin. Chú thím tôi hơi nghiêm khắc, nên không muốn bạn bè tôi lui tới nhiều. Hơn nữa ông bà chỉ có một đứa con gái rượu, xinh gái, gọi tôi bằng anh nhưng lớn hơn tôi hai tuổi và học trên tôi một lớp, bên trường Lê Quí Đôn, nên ông bà cũng muốn "kín cổng cao tường" một chút. Lần đầu tiên Lâm Ni tới tìm tôi, ông bà nhìn anh ta từ trên xuống dưới, rồi bảo là tôi không có ở nhà. Thực ra lúc ấy tôi đang ngồi phía trong phòng khách. Thấy Lâm Ni tới tôi định chạy ra, nhưng nghe ông bà bảo vậy tôi im luôn. Sau này tôi dặn Lâm Ni cứ dựng cái xe gắn máy phía trước ngồi chờ, thấy chiếc xe là tôi chạy ra.
Về quê nghỉ hè chưa tròn một tháng, thì chú tôi nhắn ba tôi đưa tôi vào Nha Trang gặp ông có chuyện gấp. Vào đến nơi, vừa bước vào nhà tôi mới tá hỏa. Ông chú hò hét chửi tôi một trận xối xả, rồi bảo ba tôi tìm một chỗ khác cho tôi ở sau mùa hè.
Không biết tài tán gái thế nào mà chưa đầy một tháng Lâm Ni đã cua được cô con gái cưng của ông chú tôi, mà tôi chẳng hề hay biết. Tôi bực anh ta nhưng cũng phục anh ta sát đất. Mà cũng xui cho anh - phải nói xui cho chính tôi mới đúng- Ông chú tôi là dân Nha Trang chính hiệu nhưng chưa hề biết nước biển Nha Trang ngọt mặn ra sao. Tôi nghĩ có lẽ cái lý do chính là ông không muốn cho bất cứ ai nhìn thấy cái bụng phệ hơi quá khổ của ông. Vậy mà hôm đó, có mấy ngưới bạn từ Sài-Gòn ra bàn chuyện làm ăn. Nể tình, ông mới chiều khách đưa họ đi biển tắm. Bất ngờ khi bước vào Quán số 3 bên bờ biển thì ông thấymột cặp tình nhân đang ôm nhau say đắm. Ông giận đến không biết mình đang ăn món gì trong miệng khi khám phá đôi tình nhân kia là cô con gái cưng của ông và thằng bạn trời đánh của tôi, cháu ông.
Tôi mất mẹ từ nhỏ, nên Ba tôi cưng lắm, chưa hề la tôi một tiếng. Vậy mà hôm đó ông la tôi một trận. Câu cách ngôn "gần mực thì đen gần đèn thì sáng" hồi xửa hồi xưa, cũ như trái đất, được ông đem ra giảng tới giảng lui mấy lần, măc dù tôi cố gắng hết sức để bào chữa cho Lâm Ni; nào anh ta là con nhà giàu và tử tế, bên ngoài như thế chứ học hành giỏi, nào là hiền lành và tốt bụng lắm.
Nhưng tôi đành đứng chịu trận khi ông chú tôi lỡ nóng dại mồm dám xác nhận ngay trước mặt bà thím là chính ông ta gặp Lâm Ni mấy lần trong Bar Thu Thủy, và dưới Grand Hôtel. Tôi nghĩ tối hôm đó chắc ông cũng mệt với bà. Nói thì nói vậy, chứ gì thì ông chú cũng nể ông già tôi, và cũng cần tôi để làm cho ông mấy bài toán cộng trừ, tính lời lỗ mỗi ngày, nên sau khi ông hết giận, rồi đâu cũng vào đó.
Bị chửi quá nên tôi cũng giận Lâm Ni, định bụng sau hè vào phải dũa cho chàng ta một trận và nhất định nghỉ chơi với anh ta để vào Võ Tánh yên ổn mà lo học hành.
Ngày nhập học, khi đang ngơ ngác tìm lớp, thì có người vỗ vai. Quay lại, thì đúng là Lâm Ni. Anh ta vào Tam B còn tôi vào Tam C. Gặp lại trong giờ ra chơi, tôi kéo Lâm Ni ra ngoài, thụi vào bụng mấy cái, kể lại chuyện tôi bị ông chú đuổi. Anh ta không thèm an ủi tôi một tiếng mà còn bảo tôi lên nhà ông cậu ở với anh ta. Thực ra chàng ta cũng là một thằng tốt bụng, nhưng tôi nghĩ thầm nếu tiếp tục quen với Lâm Ni sẽ còn gặp phiền phức nữa, nên kể từ hôm ấy tôi lánh mặt anh ta.
Vào Võ Tánh, dường như Lâm Ni cũng thay đổi nhiều. Mặc đồng phục và cắt tóc tai đàng hoàng. Nhưng bây giờ đi học bằng chiếc Vespa mới toanh. Chắc là phần thưởng thi đậu của ông già. Lâu lâu tôi thấy anh đứng ngoài cửa sổ lớp Tam C của tôi trêu ghẹo mấy người đẹp ngồi trong lớp.
Cái lớp Tam C của tôi sao hiền lành quá. Chắc là thiên hạ chuẩn bị để làm người lớn, hay là các bà chị trong lớp vừa đẹp vừa hiền như ma soeur, nên không còn tên nào muốn làm ma quỷ nữa. Ba năm ở Võ Tánh trôi qua rất êm đềm, như mặt nước hồ thu, không còn lại trong tôi điều đặc biệt nào đáng nhớ.
Ngày nhập học lớp Đệ Nhất, tôi có ý tìm nhưng không thấy bóng dáng của Lâm Ni. Tôi nghĩ chắc chàng ta rớt tú tài 1, nên sang trường khác học lại. Sau đó, tôi nghe mấy người học cùng lớp với Lâm Ni bảo là anh ta đậu tú tài 1 kỳ hai, nhưng đã theo ông cậu thuyên chuyển đi nơi khác. Tôi thoáng một chút bùi ngùi, khi nghĩ là chẳng bao giờ còn gặp lại anh ta.
Ba năm sau tôi vào quân trường Thủ Đức. Ra trường được chuyển ra một đơn vị tác chiến lưu động ở Ban Mê Thuột, (mà lính tụi tôi thường gọi là xứ Buồn Muôn Thuở, hay là Bụi Mù Trời) làm trung đội trưởng.
Trong một cuộc hành quân phối hợp, tiếp viện cho một chi đoàn thiết quân vận bị phục kích tại Quãng Nhiêu, sau khi giải tỏa tình hình, tiểu đoàn tôi rút về, trung đội tôi được lệnh ở lại tăng phái cho một đại đội Biệt Động Quân. Thấy tôi có vẻ lo âu khi trung đội phải ở lại một mình giữa chiến trường khói lửa chưa tan, ông tiểu đoàn trưởng bảo:
- Chú mày yên chí, Đại đội BĐQ này khá lắm, thằng đại đội trưởng này đánh đấm có tiếng trong binh chủng mũ nâu đó.
Khi dắt trung đội hơn hai chục thằng lính, nửa kinh nửa thượng, đến trình diện đại đội BĐQ, tôi sửng sốt khi nhận ra ông đại đội trưởng chính là Lâm Ni. Tôi đứng nghiêm đưa tay chào:
- Tôi đem trung đội tới trình diện trung úy.
Lâm Ni nhận ra tôi ngay. Anh ta hét lên:
- Có phải mày là thằng Ninh không.? Đ.m. trung úy cái con c.., tao là Lâm Ni đây, mày không nhận ra sao? Rồi anh ta ôm tôi quay mấy vòng.
Giải tỏa tình hình xong, trung đội của tôi tiếp tục được đặt dưới quyền của Lâm Ni, nhận lệnh ở lại tìm kiếm một số chiến binh thất lạc và giữ an ninh cho quân cụ lên kéo mấy chiếc M113 bị bắn cháy và hư hại về Ban Mê Thuột. Tối hôm ấy Lâm Ni giữ trung đội tôi đóng quân chung với ban chỉ huy đại đội của anh. Một điều chưa từng xảy ra cho một đơn vị tăng phái. Hai đứa uống hết bi đông rượu đế, nhắc lại bao nhiêu kỷ niệm vui buồn thời còn đi học. Anh nhớ từng tên thầy cô giáo và bạn bè lúc trước. Anh ân hận đã phá phách nghịch ngợm làm buồn lòng thầy, bạn. Anh bảo tôi, ngay sau khi rời Võ Tánh là anh đi lính ngay. Anh thích đời quân ngũ và hy vọng nó sẽ làm thay đổi cuộc sống của một thằng nhà giàu vô tích sự như anh. Khi biết anh chọn BĐQ, cha mẹ anh giận và buồn lắm, nhờ ông cậu, bây giờ làm lớn trong Bộ TTM, rút anh về, nhưng anh nhất quyết chối từ. Trước khi đi ngủ, anh ta còn hỏi tôi:
- Con nhỏ em mày, con gái ông chú của mày ở Nha Trang đó, bây giờ theo thằng cốt đột nào rồi? rồi cười ha hả.
Hai hôm sau chúng tôi có lệnh di chuyển vị trí, và phải bung rộng ra phòng thủ. Lâm Ni cho trung đội tôi xuống đóng trong một cái đồn bên chân cây cầu sắt (của một đơn vị địa phương quân bỏ lại) để giữ cây cầu khỏi bị phá hoại trước khi quân cụ lên kéo hết mấy chiếc thiết giáp bị hư. Cây cầu cách ngọn đồi, nơi đặt ban chỉ huy của Lâm Ni khoảng hai cây số.
Gần hai giờ sáng, trung đội tôi bất ngờ bị tấn công. Địch áp dụng chiến thuật cổ điển tiền pháo hậu xung. Sau mấy loạt 82 ly, chúng ào ạt tấn công. Trung đội tôi có vài người bị thương sau đợt pháo kích đầu tiên, nhưng tất cả đều chống trả mãnh liệt. Tôi chỉ kịp cầm ống liên hợp máy PRC 25 báo cáo với Lâm Ni là đơn vị tôi bị tấn công mạnh, cần ngay pháo binh và một lực lượng tiếp ứng, đánh từ phía sau lưng địch. Lâm Ni bảo tôi cứ bình tĩnh yên tâm chiến đấu, anh ta sẽ gọi pháo binh và gởi ngay một bộ phận tiếp ứng.
Không ngờ lực lượng địch khá đông. Chúng tôi bắn ngã tên này thì tên khác lại xông lên. Chúng đã dùng bêta phá mấy lớp rào bên ngoài rồi hô xung phong. Pháo binh ta cũng bắt đầu rót xuống bên ngoài. Lúc này tôi chiến đấu hoàn toàn như một khinh binh. Quả lựu đạn cuối cùng tôi vừa mới ném ra, cũng là lúc một vài tên địch đã xâm nhập vào phía bên trong hàng rào phòng thủ. Khi đạn đã cạn, chúng tôi chuẩn bị đánh cận chiến, thì nghe được tiếng súng bạn khắp nơi bên ngoài và tiếng hò hét: Biệt Động sát ! Địch vội vàng tháo chạy, hai tên đặc công vào bên trong bị chúng tôi bắt sống. Tạm thời kiểm tra đơn vị: 3 chết, 7 bị thương. Chưa kịp gọi máy báo cáo, thì toán biệt động quân đầu tiên vào bên trong, võng theo một thương binh. Nghe một sĩ quan BĐQ gọi máy xin trực thăng tản thương khẩn cấp vì "đại bàng bị thương nặng", tôi giật mình chạy đến chiếc võng: Lâm Ni mặt đầy máu và thở rất nhẹ. Tôi lay anh ta:
- Lâm Ni ơi, có làm sao không ? Ninh đây.
Dưới ánh đèn pin yếu ớt, gương mặt anh ta xanh xao, mở hé mắt nhìn tôi. Đôi môi rung động như muốn nói với tôi điều gì. Tôi đưa tay sờ lên môi anh, như là tôi đã hiểu những gì anh muốn nói.
Vị thiếu úy BĐQ vỗ vai tôi:
- Đúng ra đâu có phải nhiệm vụ của trung úy, tôi bảo ông nên ở lại, vì chúng tôi chỉ đi có một trung đội và toán thám báo, nhưng ông đã lệnh cho ông đại đội phó ở lại và ông trực tiếp dẫn đầu toán thám báo chạy bay tới đây, xông ngay vào sau lưng địch mà đánh. Tội nghiệp chỉ có ông bị thương.
Trực thăng tản thương tới, tôi bế Lâm Ni lên, nắm chặt tay anh trước khi máy bay cất cánh. Tôi bùi ngùi lo lắng khi biết là anh đã vì tôi mà bị thương, cầu nguyện cho anh qua khỏi hiểm nghèo.
Lần ấy anh còn sống, nhưng phải nằm điều trị ở QYV hết 4 tháng, còn để lại mấy vết sẹo trên cổ, và vì bị thương ở thanh quản, nên giọng nói của anh bị khàn đi. Sau đó đơn vị của anh có lệnh chuyển lên Pleime, Pleiku. Tôi có liên lạc thăm anh vài lần trên hệ thống vô tuyến.
Bẵng đi một thời gian, đầu mùa hè 72, đơn vị tôi đang hành quân ở mật khu Lê hồng Phong, Phan Thiết, thì có lệnh về phi trường Sông Mao để được không vận toàn bộ lên Kontum. Chiến trường đang tới hồi quyết liệt. Trong một lần chuyển quân hoán đổi vị trí phía bắc Kontum tôi bất ngờ gặp lại Lâm Ni. Lúc này anh đã mang lon Thiếu tá và nắm một tiểu đoàn BĐQ. Hai thằng chỉ kịp ôm nhau chửi thề vài câu. Chưa kịp nói lời chia tay, thì mỗi thằng đã mỗi ngả.
Cuối năm 1972, khi hiệp định Paris vừa ký xong, địch quân chưa trở cờ. Hai bên tạm thời hưu chiến kiểu da beo. Các đơn vị tham chiến được chuyển về các vị trí dưỡng quân. Tiểu Đoàn của Lâm Ni được về Hàm Rồng. Đơn vị tôi thì về Đồi Đức Mẹ, Pleiku.
Đêm tiểu đoàn Lâm Ni làm lễ tái xuất quân tại Hàm Rồng được tổ chức rất hùng tráng. Lâm Ni có mời tôi đến dự. Buổi tiệc ra quân kết thúc bằng một chương trình văn nghệ khá đặc sắc, do biệt đoàn văn nghệ trung ương từ Sài Gòn ra, phối hợp với các toán văn nghệ tâm lý chiến QĐ II đảm trách. Tôi ngồi hàng ghế đầu với Lâm Ni. Khi có một nữ ca sĩ từ Pleiku lên hát bài Chiều Trên Phá Tam Giang, Lâm Ni rất cảm động. Cô tên Giáng Vân, có khuôn mặt khá xinh, phảng phất buồn, và giọng hát trầm ấm thiết tha. Bài hát vừa chấm dứt, Lâm Ni bước lên nắm tay cô cám ơn và bất ngờ cởi tặng cô chiếc đồng hồ Longine mới toanh mà anh vừa mới mua từ Sài Gòn, khi được bảy ngày phép về thăm cha mẹ anh.
Đêm đó tôi ở lại với Lâm Ni. Anh kể là cha mẹ anh cứ năn nỉ anh đổi về Sài Gòn. Ông bà sẽ lo cho anh về BTL Cảnh Sát hoặc bất cứ nơi nào ở Sài Gòn, anh muốn. Ông bà cũng đưa anh đến thăm gia đình một người Tàu, có cô con gái làm chủ một nhà hàng, mà ông bà định hỏi cưới cho Anh. Ông bà nôn nóng có đứa cháu đích tôn nối dõi. Nhưng anh chỉ im lặng. Rồi khi bị hỏi quá, anh hứa cho Anh ba năm nữa. Anh bảo tôi, đời lính sống nay chết mai, vợ con làm gì cho vướng chân vướng cẳng.
Đầu năm 73, trong trận tái chiếm căn cứ Charlie, tôi bị thương nặng, phải nằm điều trị hơn hai tháng ở QYV Pleiku. May mà chưa bị cưa mất chân phải. Lâm Ni có ghé lại thăm tôi một lần vội vã, khi có dịp về Pleiku họp hành quân. Khi chia tay, anh rút từ túi quần sau ra một xấp tiền đưa cho tôi:
- Tiền ba tháng lương của tao, mày cầm lấy mà gởi cho vợ con mày. Mày đông con. Tao độc thân, suốt cả năm sống ở trong rừng, lỡ có chết, tiền không ai xài uổng lắm.
- Tôi từ chối, nhưng Anh nhét xấp tiền vào dưới chiếc gối tôi nằm.
Sau đó tôi được theo học một khóa tham mưu tại Long Bình. Mãn khóa, được điều về Phòng hành Quân QĐ II. Lâm Ni thì vẫn nay đây mai đó, nhưng chúng tôi vẫn thường liên lạc hỏi thăm tin tức nhau trên hệ thống vô tuyến. Một lần khi bay bao vùng, biết anh vừa lên trung tá, tôi đáp xuống thăm, và mang mừng anh ta chai Hennessy, loại rượu anh thích nhất. Anh bảo, BCH/BĐQ dự định đưa anh ra nắm một Liên Đoàn ngoài vùng 1 thay cho anh Liên Đoàn trưởng vừa tử trận, nhưng tình hình ở đây đang nguy ngập, nên anh chưa rời đơn vị được.
Tháng 3/75, ngay sau khi Ban Mê Thuột mất, tôi may mắn đuợc theo BTL Tiền Phương. Nói là Tiền Phương nhưng lại đóng ở Nha Trang và một đôi khi ở Khánh Dương.
Có lệnh bỏ Kontum và Pleiku. Tiểu Đoàn BĐQ của Lâm Ni là một trong những đơn vị được chỉ định đi đầu, mở đường cho đoàn quân di tản từ Pleiku xuống Tuy Hòa theo tỉnh Lộ 7. Một kế hoạch triệt thoái tồi tệ nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, kéo theo sự sụp đổ cả miền Nam.
Tôi được chỉ định làm trưởng toán, dùng một hợp đoàn trực thăng bay đi liên lạc và hướng dẫn những toán quân thất lạc trong rừng. Ngày N+3, trong lúc chiến trường ác liệt và tồi tệ nhất, tôi may mắn liên lạc được Lâm Ni trên tần số không lục. Tôi tìm mấy bãi đáp tương đối an toàn, giục Lâm Ni đến đó để tôi bốc. Nhưng anh ta từ chối, bảo là mặc dù tiểu đoàn của anh bị tan tác, quân số chỉ còn gần một trung đội, nhưng anh không thể bỏ anh em vào lúc này.
Không ngờ đó cũng là lần cuối cùng tôi nghe giọng nói của Lâm Ni. Năm 1977, trong một trại cải tù ở Sơn La, tôi gặp lại một sĩ quan của Lâm Ni lúc trước. Anh ta là sĩ quan duy nhất trong đơn vị còn sống sót. Anh cho biết là khi bị địch vây và kêu buông súng đầu hàng, Lâm Ni đã bắn tới viên đạn cuối cùng. Anh tự sát bằng một quả lựu đạn loại tấn công, và đã chết chung với một đám địch quân định vây bắt anh.
Mùa hè năm ngoái, tôi có cô con gái út lấy chồng bên London. Cả nhà tôi sang đó dự tiệc cưới do nhà trai khoản đãi. Sau đám cưới, vợ chồng cô con gái đi Thái Lan hưởng tuần trăng mật. Chúng tôi muốn ở lại London ít hôm để xem vài thắng cảnh và đến thăm gia đình một người bạn học cũ của bà xã tôi ở thành phố Birmingham, cách London chừng ba giờ lái xe. Cậu rể nhờ một người bạn chí thân, một bác sĩ trẻ khá bảnh trai, và cũng là phụ rể trong đám cưới, làm tài xế và hướng dẫn viên cho chúng tôi. Hơn nữa nhà cậu ta cũng ở Birmingham.
Ngày cuối cùng, trước khi rời khỏi Birmingham, cậu ta mời chúng tôi ghé lại nhà để dùng một bữa cơm với gia đình. Nói là gia đình, nhưng thực ra chỉ có hai mẹ con thôi. Cậu bảo thế.
Trới nóng như lửa đốt, lại biết chúng tôi đang đói, cậu ta gọi cell- phone về nhà bảo bà mẹ chuẩn bị thức ăn sẵn. Về đến nhà, cậu ta vội vã đi lấy khăn, hường dẫn chúng tôi vào phòng tắm rửa mặt, rồi chạy vào bếp phụ mẹ. Vào phòng ăn, khi chúng tôi kéo ghế ra chưa kịp ngồi thì bà mẹ bưng thức ăn ra vui vẻ chào, và xin lỗi vì bận tay nên không ra cổng đón được. Thấy người đàn bà này có nét giống một người nào đó mà tôi đã gặp, tôi cố gắng lục lọi ký ức, nhưng vẫn không nhớ ra.
Khi cơm nuớc xong, bà mời chúng tôi lên phòng khách uống nước và ăn tráng miệng. Nhìn một tấm ảnh phóng lớn treo trên vách. Lại là một người lính. Tôi tò mò bước lại xem và sững sờ khi người trong ảnh chính là Lâm Ni.
Sau một lúc hàn huyên, tôi mới nhận ra người đàn bà này chính là cô ca sĩ tâm lý chiến có tên Giáng Vân, trong đêm làm lễ tái xuất quân của đơn vị Lâm-Ni trên Hàm Rồng lúc trước. Một cô ca sĩ tâm lý chiến, mà ngày xưa nhiều kẻ đánh giá chẳng ra gì, chết chồng từ thuở mới 20, có nhan sắc, trải qua bao nhiêu khốn khổ, vậy mà không hề bước thêm một bước nào, ở vậy nuôi con học hành thành đạt, đức hạnh nên người. Điều bất ngờ hơn, cậu thanh niên dễ thương, tốt bụng, đón đưa chúng tôi mấy ngày hôm nay, cũng là người bạn chí thân của thằng rể chúng tôi, lại là giọt máu duy nhất của Lâm Ni còn lại trên thế gian này.
Tôi có hỏi về ông bà nội cháu, Giáng Vân cho biết là sau khi chạy từ Pleiku về, cô phải nằm bệnh viện cho đến mấy tháng sau ngày miền Nam thất thủ, nên đã phải sinh non, may mà mẹ tròn con vuông. Khi sanh cháu xong, chị có đi hỏi thăm cha mẹ Lâm Ni, nhưng đuợc mấy người láng giềng cho biết là ông bà đã đi về Trung quốc.
Tôi bùi ngùi nghĩ tới Lâm Ni, người bạn học có nhiều duyên nợ với tôi, đã gây cho tôi một vài phiền muộn, nhưng cũng đã để lại trong tôi biết bao điều xúc động. Không hiểu, ở một nơi xa xăm nào đó, anh có biết là tôi đã bất ngờ gặp lại vợ con anh. Cũng có thể chính anh đã linh thiêng đưa tôi đến đây. Một nơi xa lạ, ngàn trùng cách biệt với quê hương, với Nha Trang. Nơi mà một thời, anh đã có biết bao kỷ niệm với thầy với bạn và nhất là với tôi, thằng bạn nhóc tì của anh ngày trước. Ông bà già của Lâm Ni chắc không ngờ là mình đang có một đứa cháu đích tôn trên thế gian này, mà trước đây ông bà đã từng mơ ước
Trước khi từ biệt vợ con Lâm Ni, tôi đứng lặng lẽ một mình trước tấm ảnh của anh, ôn lại bao nhiêu chuyện cũ rồi buộc miệng thì thầm hai câu thơ quen thuộc:
Những người muôn năm cũ,
Hồn ở đâu bây giờ ?
Từ trong tấm ảnh, dường như Lâm Ni đang nhìn tôi mỉm cười.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét