Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

Pì Pế Hán (Tỳ Bà Hành)/Truyện cảm động của Bình Nguyên Lộc

PÌ-PẾ-HÁN
(Bình Nguyên Lộc)
Đêm ấy, vào một đêm cuối năm, thi sĩ Tôn và vài người bạn văn nghệ được chủ nhơn một ban kịch Trung Hoa mời đi ăn cơm Tàu ở tửu lâu Soái Kinh Lầm.
Tiệc tàn đã lâu, nhưng bên ngoài trời mưa, mưa tháng chạp, mấy năm mới rơi xuống một đám, không to, nhưng lạnh quá nên ai cũng ngại ra về.
Tiếng nhạc Tàu, đại tấu ở một phòng tiệc bên cạnh, nghe ấm lây cả đến buồng của họ, đã bắt đầu lạnh như bên ngoài, lạnh vì câu chuyện về khuya rời rạc bởi ai cũng cạn đề.
Người đãi tiệc lo lắng, sợ khách của ông ta buồn, nhưng mặc dầu bặt thiệp bao nhiêu, ông ta cũng không làm cho không khí ở đây linh động trở lại được.
Không có một người tân khách nào có mang theo áo mưa cả, vì đang giữa mùa nắng; chủ nhà biết họ ngại dầm mưa ra xe, quyết ngồi lì ở đây, nên cố nặn óc tìm cách giải trí cho họ, nhưng tính mãi mà không tìm được mẹo gì.
Bỗng, họ nghe văng vẳng một hơi nhạc khác hẳn, chơi bằng nhạc khí Âu Châu. Chủ tiệc mừng rỡ trông thấy.
Hơi nhạc ấy lưu động, và cứ to dần lên.
Họ đoán biết những người chơi đờn đang đi trong hành lang dài, ở giữa những gian phòng của tửu lâu.
Giàn nhạc gồm có những cây vi-ô-lông, một cây ghi-ta Tây Ban Nha và một phong cầm gì chưa biết rõ.
Bây giờ giàn nhạc đã đi ngang qua cửa phòng của họ.
Các nhạc công dừng lại, nhìn vô, và dạo vài câu nhạc buồn.
Đó là hai người Trung Hoa và một cô xẩm.
Chủ tiệc ngoắc một cái, thì họ bước vào phòng, đứng khép nép mà đợi.
Thật là đau lòng! Một nhạc sĩ Việt Nam đờn đệm ở nhà hàng, thường than số phận tủi nhục của nghệ sĩ đêm đêm phải đánh đĩ ngón đờn để giúp vui cho một mớ người hành lạc say mê trước ly rượu hay trước một người đàn bà, thờ ơ không biết có tiếng đờn, không biết có một nghệ sĩ, nhiều khi thanh cao hơn họ, đang phụng sự họ, để được sống những ngày cam khổ.
Nhưng giàn nhạc nhà hàng của nhạc sĩ kia, dầu sao cũng giữ trọn nhân phẩm của nhạc sĩ.
Đàng nầy..., họ như van xin, cầu khẩn một buổi nghe đờn.
Trông họ, Tôn bắt nhớ ngay đến những giàn nhạc lưu động ở Trung Âu và Đông Âu, rất đáng thương trong vở kịch "Anh Em Karamazov" của Dostoievski, do ban kịch Cl. Bourrin, đã diễn ở Sài gòn độ nào.
Tất cả tân khách trong phòng đều lắc đầu từ chối. Chỉ có Tôn là ái ngại nhìn trân á xẩm cầm cây vi-ô-lông.
Đây là một bông hoa đã về lúc phấn lợt, hương phai, không còn được ai nài nỉ cho nghe tiếng tơ huyền ảo nữa, nên đến phải ăn mày một cuộc nghe đờn.
Ngỡ Tôn thích nghe nhạc lắm, hay thích riêng gì cô xẩm, ông chủ gánh hát nói gì vài tiếng với cô ta.
Tức thì cô trao cho Tôn một quyển sổ con ghi tên các bản nhạc, để chàng lựa chọn. Việt có, Tây có, Tàu phần nhiều.
Tôn lắc đầu trả cuốn sổ lại, sau khi lật sơ vài trang.
Thất vọng, cô xẩm cứ kéo liều một bản. Đó là một điệu nhạc Âu Châu mà Tôn đã được nghe, điệu Granada. À, thật là mỉa mai: một ngươi đàn bà tàu, đờn một bản Tây cho một người Việt nghe.
Tôn khoác tay lẹ lẹ bảo thôi. Rồi hối hận và để khỏi mích lòng á xẩm tội nghiệp này, chàng mỉm cười, hỏi:
- Có biết bản Tàu xưa chăng ?
Á xẩm dứt tiếng đờn, làm thinh suy nghĩ giây lát, rồi dạo nhạc.
Bỗng chút, Tôn nhớ lại những câu Tỳ Bà Hành:
Vặn đàn vài tiếng dạo qua,
Tuy chưa nên khúc, tình đà thoảng hay.
Nghe não nuột mấy dây bứt rứt...
Một điệu nhạc Tàu xưa trổi lên, tuy không được:
Dây to dường đổ mưa rào
Nỉ non dây nhỏ như chiều chuyện riêng.
Nhưng cũng thấm thía buồn lắm rồi.
Á xẩm đờn xong bản nhạc Tàu, lãnh tiền ra khỏi phòng, thì trời cũng vừa dứt hột.
Vài câu hẹn hò tái ngộ xã giao, vài lời cám ơn, rồi chủ đưa khách xuống lầu.
Họ vừa ra khỏi cửa Soái Kinh Lầm, thì trời bắt đầu mưa lại. Mưa tro rỉ rả thôi, nhưng cũng đủ làm cho họ khổ lắm, vì trong bao nhiêu khách hàng của cái tửu lâu sang trọng ấy đều lên xe nhà, họ lại phải dầm mưa mà đi cầu bơ, cầu bất như một đám tàn binh. Thi sĩ xông pha mưa gió chỉ nên thơ ở đâu, nhưng ở đây thật là tủi thân.
Họ đi về phía góc đường Tổng Đốc Phương và Đồng Khánh, để đón xe tạp xế ra Sài gòn.
Khi băng qua đại lộ Tổng Đốc Phương, họ chợt thấy á xẩm hồi nãy co ro mau bước, hộp đờn giấu dưới ngực của cô.
Qua mặt á xẩm, Tôn không dừng được, day lại nhìn.
Chợt thấy Tôn, á xẩm ngạc nhiên như tự hỏi: "Khách đi ăn cao lâu mà cũng dầm mưa về bộ như nhạc sĩ nghèo à?"
Bấy giờ mưa nặng hột. Tự nhiên, không bảo nhau, mà á xẩm và họ đều chạy vội vào núp dưới hàng hiên của một hiệu thuốc Bắc, đường Đồng Khánh.
Gió từng cơn thổi tạt vào hiên những hạt bụi nước mưa nhuyễn bân, nó chích vào da mặt họ như những mũi kim đâm nhẹ vào thịt.
Á xẩm lạnh, run cầm cập, và bối rối lo cho cây đờn phải bị ẩm, mà mãi không biết giấu nó ở đâu.
Thấy khuôn cửa hiệu thuốc Bắc hủng sâu vô trong, Tôn đưa tay cho á xẩm bước vào đó, rồi bỏ hàng hiên và các bạn, chàng cũng vào theo.
Ngoài kia, những chiếc xe Hoa Kỳ bóng lộn, êm ái lướt qua. Đèn trong xe ấm hiểm, soi sáng nhiều gương mặt thịt đang cóc cần nghệ thuật một cách đế vương.
Không bao giờ Tôn tủi thân nghệ sĩ hơn đêm đó hết. Trong giây phút, chàng nhớ lại nhiều việc rất là không vui. Một người bạn văn, ao ước một cây viết máy EV đã ba năm rồi, mà vẫn chưa mua được. Tệ hơn nữa, một thi nhơn muốn có giấy tốt để làm thơ, mà cũng không làm sao mua nổi một ram.
Một luồng gió lạnh lại thổi qua. Tôn sực nhớ lại á xẩm bên cạnh, vì chàng vừa nghe hai hàm răng cô đánh nhau dòn như người ta nhảy thiết hài.
Day qua nhìn á xẩm, miệng đánh bồ cạp, nách kẹp hộp đờn để sang cho nó đôi chút ấm thừa, một lần nữa, Tôn lại nhớ đến cuộc gặp gỡ trên bến Tầm Dương ngày xa xưa kia:
Cùng một lứa bên trời lận đận...
Câu thơ của Bạch Cư Dị trong bài hát Tỳ Bà Hành đêm nay sao mà vang dội như tiếng kêu thương của ngàn thu cũ.
Cơn lạnh của ả ca nhi kia, có phải chăng là cơn lạnh của chính chàng, của bao nhiêu nghệ sĩ khác?
Tôn là một thi sĩ, mà tài thơ đang vào độ nảy nở tột cùng. Thế mà chàng đã trải qua những ngày cơ cực, thì còn nói gì vài năm nữa đây, khi thơ sẽ cạn nguồn, lời sẽ hủ lậu, thì thật là "không kẻ đoái người hoài".
Ngậm ngùi, chàng nhớ lại cảnh đời buồn tẻ của những bạn văn đã về chiều; những ngày chớm nở của họ vui rộn bao nhiêu, thì những ngày tàn tạ lại lẻ loi bấy nhiêu, buồn như cảnh một vị quan xưa về hưu, ô hô xe ngựa, khách khứa, lễ trình.
Còn nhớ đến chăng mấy ông bạn văn già, chỉ có những cậu học trò biết người qua tác phẩm, không vồn vã lúc đương thời, cũng không thờ ơ khi tàn nghiệp.
Người ta mời chàng đi ăn đêm hôm nay, chỉ cốt để khoe với thế gian rằng, người ta quen với nghệ sĩ, một nghệ sĩ đang lên. Vài năm sau, một nghệ sĩ khác sẽ thay cho chàng, để đi làm món trang sức cho đám tiệc của những phú ông sính văn nghệ khác.
Tôn tiếc rằng, đã không ngông được như thi sĩ Đức Henri Heine, thi sĩ Pháp La Fontaine, để từ chối mọi cuộc đưa đón, mời mọc của những ông nhà giàu thích ké cái thơm lây của văn nghệ sĩ.
Nhưng chàng hối hận ngay. Dầu sao, các ông nhà giàu nầy cũng còn biết đến văn nghệ sĩ. Còn khối ông nhà giàu khác, chẳng coi văn nghệ sĩ ra cái cóc rác gì hết, thì sao!
Cùng một lứa bên trời lận đận...
Không bao giờ, Tôn thấy chàng thân hơn nữa với một người, chỉ quen nhau với chàng, vì một chuyến đò nầy.
- Tỳ Bà Hành?
Tôn đột ngột hỏi á xẩm như vậy. Ý chàng muốn nói: "Cô có biết bài Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị chăng ?", nhưng dốt tiếng Tàu, và không chắc á xẩm hiểu câu tiếng Việt rắc rối nầy nên mong ba tiếng chữ Nho ấy giúp cô ta hiểu.
Á xẩm ngơ ngác nhìn chàng, Tôn lại đổi giọng của ba tiếng kia, hỏi nữa:
- Ty Bá Hanh?
Cô xẩm lại càng ngơ ngác.
- Xý Bá Hang? Tôn lại hỏi bằng giọng mới.
- Xý Bá Hang à?
Cô xẩm hỏi gặng lại, nhưng vẫn lắc đầu.
- Pì Pế Hán?
Nhận thấy á xẩm để tóc rìa phủ lên trán, chàng biết ả ta là người Triều Châu, và nhơn biết giọng đọc của Triều Châu cú trắc của chữ Nho, họ đọc ra bằng và ngược lại, nên Tôn mới đổi giọng cuối cùng, thử một lối đọc, mà chàng mong người Triều Châu hiểu.
Thật là may mắn hết sức. Á xẩm hiểu thật, lặp lại câu ngắn của chàng đến hai lần, vừa nói, vừa cười, vừa gật đầu lia lịa:
- Pì-Pế-Hán! Pì-Pế-Hán! Pì-Pế-Hán!
Ả ta mừng rỡ hết sức, đã đoán hiểu được câu hỏi của Tôn, vì chàng đã nói đúng tên bài thơ Tàu ấy bằng thổ ngữ của cô.
Nhưng nỗi mừng chưa trọn, á xẩm bỗng chợt hiểu những ý nghĩ thầm kín của chàng, chợt liên tưởng, như chàng, đến người ca nhi già gảy đờn Tỳ Bà trên vàm sông Bôn, cho một thi sĩ lưu lạc nghe. Mặt cô bỗng đượm buồn hơn cái đám mưa nằng nặng ngoài kia.
Á xẩm nhìn Tôn, nhìn chiếc sơ-mi đã nhàu nát, chiếc cà vạt đã ngã màu, và chắc cô cũng đã liên tưởng đến một vạt áo lam hoen bụi viễn tái.
Cô ngâm nho nhỏ những gì mà Tôn đoán hiểu như là:
Kim niên hoan tái phục lai niên,
Mộ khứ triêu lai, nhan sắc cố.
...
Môn tiền lãnh lạc, xa mã hy...
Bỗng Tôn nghe cô ta nấc lên mấy tiếng.
Dưới ánh đèn lờ mờ, vài giọt nước chảy lăn trên má cô. Lệ hay nước mưa?
"Pì-Pế-Hán! Pì-Pế-Hán!"
Á xẩm thổn thức, lập đi, lập lại tên của bài thơ Bạch Cư Dị đến mấy lần.
° ° °
Đêm hôm đó, viên Tư Mã tưởng tượng của đất Giang Châu không cho lệ thấm lam y, vì trong giây phút trấn tĩnh, hắn thấy mình chưa chịu chiến bại như ả ca nhi kia.
Le Thuy Tao Yen Phan
[Trích Trang FB của Hồ Thị Cẩm Vân]

1 nhận xét:

  1. Cảnh ngộ của 2 người nghệ sĩ già, nghèo...làm cho họ gần gũi, đồng cảm trong chạnh nỗi niềm riêng. Cơ duyên! Cho hay cái cơ duyên kỳ ngộ...xao lòng.

    Trả lờiXóa