Thứ Sáu, 30 tháng 1, 2015

Mấy nét chuyện thơ/ Thể hành: thơ bi tráng/ Viễn Phương chuyển


Th 'hành' trong thơ Vit Nam
t bài Tng Bit Hành  ca Thâm Tâm
VIÊN  LINH


Kể từ năm 1940 khi nhà thơ Thâm Tâm sáng tác bài Tống Biệt Hành cho tới nay, 2013, chúng tôi chỉ sưu tầm được bốn năm bài thơ thể Hành khác, để chúng ta cùng thưởng ngoạn:
Ðưa người, ta không đưa qua sông,Sao có tiếng sóng ở trong lòng?Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?Ðưa người, ta chỉ đưa người ấyMột giã gia đình, một dửng dưng...-Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ,Chí lớn chưa về bàn tay không.Thâm Tâm (1917-1950)(Tống Biệt Hành, 1940, Thi Nhân Việt Nam, Hoài Thanh)
Ðôi ta lưu lạc phương Nam nàyTrải mấy mùa qua, én nhạn bayXuân đến khắp trời hoa rượu nởMà ta với ngươi buồn vậy thayLòng đắng sá gì muôn hớp rượuMà không uống cạn mà không sayLời thề buổi ấy cầu Tư MãMà áo khinh cừu không ai may.Nguyễn Bính (1918-1966)(Hành Phương Nam, Nguyễn Bính Thơ Và Ðời, NXB Văn Học)
Én nhạn về Nam xuân rồi đâyChợt thèm ly rượu, chút mưa bay...Gọi về trong đáy hồn lưu lạcNhững bước chân xưa lạc dấu giầy.Bạn cũ hãy nương theo rét lạnhVề đây cùng nhập một cơn sayUống ly thứ nhất mừng tao ngộCho tiếng cười lên vỡ tháng ngày.Thanh Nam (1931-1985)(Bài Hành Ðón Tuổi 40 - Khởi Hành Xuân 72)
Biên cương biên cương chào biên cươngChào núi cao rừng thẳm nhiễu nhươngMáu đã nuôi rừng xanh, xanh ngắtNúi chập chùng như dãy mồ chônGớm, gió Lào tanh mùi đất chếtThổi lấp rừng già bạt núi nonMùa khô tới theo chân thù địchTa về theo cho rậm chiến trường.Phạm Ngọc Lư(Biên Cương Hành, 1972)
Trường Sa! Trường Sa! Ðảo chuếnh choáng!Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề.Lính thú mươi người lạ sóng nước,Ðêm nằm còn tưởng đảo trôi đi.Mùa Ðông Bắc, gió miên man thổiKhiến cả lòng ta cũng rách tưa.Ta hỏi han hề, Hiu Quạnh lớn!Mà Hiu Quạnh lớn vẫn làm ngơ.Tô Thùy Yên(Trường Sa Hành, 1974, trong Thơ Tuyển)
Anh hỏi thời gian sáng hoặc chiềuLòng sương tuyết nhỏ có đìu hiuXa nhau ngàn dặm không tường mặtNhư bụi như tro lạnh ít nhiều?Như thế năm năm rồi đấy nhỉÐời ta thềm mục với sân rêuQuê người cơm áo đau vô tậnSống tưởng chừng như chỉ bấy nhiêu?Viên Linh(Nước Mặn, 1980, trong Thủy Mộ Quan)
Trên đây là 6 bài hành mà người viết bài này có được, và không tin rằng trong Thi Ca Việt Nam hơn nửa thế kỷ từ 1940 tới nay, lại chỉ có từng ấy bài thơ làm theo thể hành. Mà thể hành là như thế nào? Chủ đề này được nghĩ đến từ lâu, song tìm tòi định nghĩa trong các sách Văn Học Sử thì không thấy, mà tìm thể loại thơ tương tự cũng không được đầy đủ, nên đề tài cứ phải gác lại. Nay tạm thời ghi nhận “thể Hành” trong 6 bài, trong khi ấy, chúng tôi - cũng như các bạn đọc yêu thơ - mong sẽ tìm được thêm dăm bài nữa.

Nếu nói Hành là đi, như bộ hành, hành trình, có nhiều phần đúng, vì trong các bài thơ trên, bài nào cũng nói về sự đi, về việc di chuyển. Như “Ðưa Người” trong thơ Thâm Tâm: “Ðưa người, ta không đưa qua sông,” mà chỉ đưa trên “một con đường nhỏ,” nhưng vẫn là có kẻ đưa tiễn, vì có người ra đi. Nguyễn Bính nói đến sự “lưu lạc:” “Ðôi ta lưu lạc phương Nam này.” Nghĩa rằng ông không ở quê nhà khi làm bài thơ ấy, mà làm bài thơ ấy trên mảnh đất lưu cư. Quê ông ở Vụ Bản, Nam Ðịnh, vào Sài Gòn làm báo, cho nên sống lưu lạc, mà lòng thì không lúc nào không nghĩ đến gia đình, thân quyến: “Quê nhà xa lắc xa lơ đó / Trông lại tha hồ mây trắng bay/ Tâm giao mấy kẻ thì phương Bắc / Ly tán vì cơn gió bụi này.” Tâm sự Thanh Nam vào lúc Xuân về, trong “Bài Hành Ðón Tuổi 40,” tương tự như tâm sự Nguyễn Bính, cũng thì lưu lạc, cũng thì kẻ Bắc người Nam, ra đi đã 15 năm rồi, mà mộng lớn chưa thành: “Mười lăm năm đó từ phiêu bạt / Ðứa vợ con yên, đứa lạc loài...”
Tới Tô Thùy Yên và Phạm Ngọc Lư, hai bài thơ thể Hành hiếm hoi về cuộc chiến Việt Nam, một người thì đóng quân ngoài hòn đảo đang bị giặc đánh chiếm, một người thì cầm súng nơi biên giới Việt Lào đang giặc xâm nhập, những năm đầu thập niên '70. “Lính thú mươi người lạ sóng nước / Ðêm nằm còn tưởng đảo trôi đi.” Thể Hành trong hai câu thơ đó thật đắc địa. Người đã đi chinh chiến xa, mà chiến trường lại là một chiến trường trôi nổi bập bềnh, cả hai cùng đi, cùng di chuyển. Nơi Phạm Ngọc Lư, một nhà thơ trẻ thuộc lớp sau cùng của Miền Nam trước 1975, anh chiến đấu trên mặt trận Cao Nguyên miền Trung, nơi gió Lào tanh tưởi, mùa khô xào xạc, giặc nước rình mò , rừng xanh thắm máu. Người đi ở đây là lính ra trận, người theo dõi nơi quê nhà là thiếu phụ chờ mong:
“Em đâu, quê nhà chong mắt đợi /Hồn theo mây trắng ra biên cương / Thôi em, yêu chi ta thêm tội / Vô duyên xui rơi lược vỡ gương / Ngày về không hẹn ngày hôn lễ / Hoặc ngày ta mắt nhắm tay buông.”
Thể Hành như thế là thể thơ phân ly, nếu không ở đề tài, cũng ở lối thơ nói, hoặc người nói với người, hoặc người nói với rượu, tức là nói với mình, lối thơ trực tiếp hay gián tiếp nói về mình với đối tượng nào đó, vào lúc chia tay hay trong khi trôi nổi giữa cuộc đời. Loại thơ này thường là dài, hay rất dài, vì thi sĩ viết về mình hơn là viết về một người nào khác, mình đây là một khối tâm sự ngổn ngang, một cảnh sống chưa định. Bài Tống Biệt Hành của Thâm Tâm viết khi thi sĩ mới vừa qua tuổi 20, dài 22 câu. Bài Nguyễn Bính dài 40 câu. Bài Thanh Nam dài 50 câu. Bài Phạm Ngọc Lư dài 66 câu. Bài Tô Thùy Yên dài 64 câu. Bài Viên Linh dài 52 câu. Thể Hành còn cho thấy thi sĩ cảm về thời thế mình sống, và bài thơ phong phú âm điệu, có vẻ như là một khúc ca cảm khái và giải bày không do dự.
Riêng bài hành trong thơ tôi làm sau khi nói chuyện với Thanh Nam, mỗi khi anh từ Seattle gọi điện thoại qua Virginia, anh thường mở đầu câu chuyện bằng một câu hỏi: “Bên ấy bây giờ mấy giờ rồi?” Và chúng tôi lại nói tới cuộc sống lưu vong: 
"Anh hỏi thời gian sáng hoặc chiều / Lòng sương tuyết nhỏ có đìu hiu? Quê người cơm áo đau vô tận / Sống tưởng chừng như chỉ bấy nhiêu.”

Viên Linh

21. 8. 2013
Phụ lục (Ngân Triều)

Poem logo

Tống Biệt Hành

Tác giả: Thâm Tâm
Đưa người ta không đưa qua sông
Sao nghe tiếng sóng ở trong lòng? 
Bóng chiều không thẫm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

Đưa người ta chỉ đưa người ấy 
Môt giã gia đình, môt dửng dưng. 
Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ 
Chí lớn không về, bàn tay không 
Thì không bao giờ nói trở lại 
Ba năm mẹ già cũng đừng mong.

Ta biết người buồn chiều hôm trước 
Bây giờ muà hạ sen nở nốt 
Môt chị, hai chị cũng như sen 
Khuyên nốt em trai giòng lệ sót

Ta biết người buồn sáng hôm nay 
Trời chưa mùa thu tươi lắm thay !
Em nhỏ  ngây thơ đôi mắt biếc,
Gói tròn thương tiếc, chiếc khăn tay.. 

Người đi? Ừ nhỉ, người đi thât 
Mẹ! thà coi như chiếc lá bay 
Chị! thà coi như là hạt bụi 
Emthà coi như  hơi rượu cay

*****
Poem logo

Bài Hành Phương Nam

Tác giả: Nguyễn Bính
Hai ta lưu lạc phương Nam này 
Đã mấy mùa qua én nhạn bay 
Xuân đến khắp trời hoa rượu nở 
Mà ta với ngươi buồn vậy thay ! 

Lòng đắng sá g i muôn hớp rượu 
Mà không uống cạn mà không say ! 
Lời thề buổi ấy cầu Tư Mã (1)
Mà áo khinh cừu không ai may !
 
Ngươi giam chi khí vòng cơm áo 
Ta trói thân vào nợ nước mây 
Ai biết thương nhau từ buổi trước 
Bây giờ gặp nhau trong phút giây
 
Nợ tình, trả chưa tròn một món 
Sòng đời, thua đến trắng hai tay 
Quê nhà xa lắc xa lơ đó 
Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay 

Tâm giao mấy kẻ thì phương Bắc 
Ly tán vì cơn gió bụi này 
Người ơi ! Buồn lắm mà không khóc 
Mà vẫn cười qua chén rượu đầy 

Vẫn dám tiêu hoang cho đến hết 
Ngày mai ra sao thì hãy hay
Ngày mai xán lạn màu non nước
Cốt nhất làm sao tự buổi này 

Rẫy ruồng châu ngọc, thù son phấn 
Mắt đỏ lên rồi, cứ chết ngay . 
Hỡi ơi ! Nhiếp Chính mà băm mặt 
Giữa chợ ai người khóc nhận thây ?
 
Kinh Kha quán lạnh sầu nghiêng chén (2)
Ai kẻ dâng vàng, ai biếu tay ? 
Mơ gì ấp Tiết thiêu văn tự (3)
Giày cỏ, gươm cùn, ta đi đây 

Ta đi nhưng biết về đâu chứ? 
Đã dấy phong yên lộng bốn trời 
Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ 
Uống say mà gọi thế nhân ơi ! 

Thế nhân mắt trắng như ngân nhũ 
Ta với nhà ngươi cả tiếng cười 
Ngươi ơi ! Ngươi ơi ! Hề ngươi ơi ! 
Ngươi sang bên ấy sao mà lạnh 
Nhịp trúc ta về lạnh mấy mươi ! 

Đa Kao 1943 
Gửi Văn Viễn 


oOo 

(1)Tư Mã Tương Như đời Hán, đàn giỏi, gảy khúc Tư Mã phượng cầu, Trác Văn Quân là người đẹp, nghe đàn, sau hai người lấy nhau . 
(2)Kinh Kha qua sông vào đất giặc. Bài thơ viết về Kinh Kha có câu: 
Tráng sĩ một đi không trở về. 
(3)Phùng Hoan, thực khách của Mạnh Thường Quân lãnh nhiệm vụ đi đòi nợ, khi đến ấp Tiết gọi các con nợ lại và tuyên bố đốt hết văn tự nợ. Sau về nói với Mạnh Thường Quân là tiền nợ ấy đã lấy mua "Đức" hết rồi. Sau Mạnh Thường Quân bị vua Tề phế, khi qua ấp Tiết thì toàn dân ra đón linh đình, nhờ thế vua Tề thu dụng lại.
*****

Huỳnh Xuân Sơn cảm nhận bài thơ BIÊN CƯƠNG HÀNH của nhà thơ Phạm Ngọc Lư



Đến thành phố Tuy Hòa một chiều cuối thu 2014, nhờ tôi rất thích ý thơ “Đa tình cái gió Tuy Hòa mặn…Vô tình con  mắt Tuy Hòa nhọn. Cắm  xuống hồn thơ tiếng thở dài” mà được biết đến tên tác giả Phạm Ngọc Lư…Thời gian ngắn sau, nhờ bút danh Huỳnh Xuân Sơn mà anh nhầm tôi với một “tu mi nam tử” nào đó, để rồi tôi lại có duyên kết bạn với anh, dẫu “văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình”.
 Tôi đã tìm đọc những bài thơ của tác giả Phạm Ngọc Lư, phần lớn là những tác phẩm viết trước năm 1975 trên mảnh “đất Phú trờiYên” nơi anh đã từng sống và dạy học.

Hai hôm trước tôi tìm tên tác giả và gặp rất nhiều trang web có đăng Biên Cương Hành. Sẵn có thiện cảm với Tì Bà Hành của Bạch Cư Dị, Tống Biệt Hành của Thâm Tâm hayHành Phương Nam của Nguyễn Bính…nên tôi bấm vô Biên Cương Hành

Đọc một lần xuôi, thêm một lần ngược, 66 câu thơ trong Biên Cương Hành làm tôi sởn gai ốc và thấy sống lưng mình lạnh toát. Trước đây tôi đã có cảm giác này hai lần với hai bài thơ của hai tác giả, một già, một trẻ  khác, cùng chung đề tài về những người lính đã “mãi mãi tuổi hai mươi”.
Hai ngày đã  trôi qua, nhưng những câu chữ trong Biên Cương Hành cứ luẩn quẩn trong đầu, để rồi giờ đây tôi ngồi đọc thêm một lần nữa:

BIÊN CƯƠNG HÀNH.

Biên cương biên cương chào biên cương
Chào núi cao rừng thẳm nhiễu nhương
Máu đã nuôi rừng xanh xanh ngắt
Núi chập chùng như dãy mồ chôn
Gớm, gió Lào tanh mùi đất chết
Thổi lấp rừng già bạt núi non
Mùa khô tới theo chân thù địch
Ta về theo cho rậm chiến trường
Chiến trường ném binh như vãi đậu
Đoàn quân ma bay khắp bốn phương
Lớp lớp chồm lên đè bẹp núi
Núi mang cao điểm ngút oan hờn
Đá mang dáng dấp hình chinh phụ
Trơ vơ chóp núi đứng bồng con
Khu chiến ngày tràn lan lửa dậy
Đá Vọng Phu mọc khắp biên cương
Biên cương biên cương đi biền biệt
Chưa hết thanh xuân đã cùng đường
Trông núi có khi lầm bóng vợ
Ôm đá mà mơ chuyện yêu đương
Thôi em, sá chi ta mà đợi
Sá chi hạt cát giữa sa trường
Sa trường anh hùng còn vùi dập
Há rằng ta biết hẹn gì hơn ?

Đây biên cương, ghê thay biên cương !
Núi tiếp rừng, rừng tiếp khe truông
Hãi hùng chưa trời hoang mây rậm
Mùa mưa về báo hiệu tai ương
Quân len lỏi dưới tàn lá dữ
Lá xôn xao xanh mặt hoảng hồn
Sát khí đằng đằng rừng dựng tóc
Ma thiêng còn ngán bọn cô hồn
Cô hồn một lũ nơi quan tái
Có khi đã hóa thành thú muông
Cô hồn một lũ nơi đất trích
Vỗ đá mà ca ngông hát cuồng
Chém cây cho đỡ thèm giết chóc
Đỡ thèm môi mắt gái buôn hương


Đây biên cương, ghê thay biên cương !
Tử khí bốc lên dày như sương
Đá chảy mồ hôi rừng ứa máu
Rừng núi ơi ta đến chia buồn
Buồn quá giả làm con vượn hú
Nào ngờ ta con thú bị thương
Chiều hôm bắc tay làm loa gọi
Gọi ai nơi viễn xứ tha phương ?
Gọi ai giữa sơn cùng thủy tận ?
Ai người thiên cổ tiếc máu xương ?
Em đâu quê nhà chong mắt đợi
Hồn theo mây trắng ra biên cương
Thôi em, yêu chi ta thêm tội
Vô duyên xui rơi lược vỡ gương
Ngày về không hẹn ngày hôn lễ
Hoặc ngày ta mắt nhắm tay buông
Thôi em chớ liều thân cô phụ
Chiến trường nay lắm nỗi đoạn trường
Nơi nơi lạnh trăm dòng sông Dịch
Kinh Kha đời nay cả vạn muôn
Há một mình ta xuôi biên tái
“Nhất khứ bất phục phản” là thường !60

Thôi em, còn chi ta mà đợi
Ngày về thân cạn máu khô xương
Ngày về hôn lễ hay tang lễ
Hề chi ! buổi chinh chiến tang thương
Hề chi ! kiếp cây rừng đá núi
Nghìn năm hồn quanh quẩn biên cương 66
(Phạm Ngọc Lư,  tháng 5 - 1972)

Ngày bài thơ ra đời ở Phú Yên thì tại một ngôi làng nhỏ trên thượng nguồn Sông Thương thuộc vùng đất Kinh Bắc, tôi mới chỉ là cô bé lẫm chẫm tập đi… Cho tới bây giờ tôi chưa bao giờ phải chứng kiến chiến tranh, chưa bao giờ nghe tiếng bom rơi đạn nổ, sự tàn khốc của chiến tranh tôi chỉ cảm nhận qua sách vở và phim ảnh.
Với Biên Cương Hành, tôi thật ngạc nhiên và bị cuốn theo từng câu chữ, như những nét vẽ, mà tác giả đang họa ra toàn cảnh bức tranh về vùng đất biên cương ngay trước mắt mình vậy…Biết là rất khó nhưng tôi thật khó cưỡng lại ý muốn viết những cảm nhận của riêng mình, về những gì tôi đã nhìn thấy, nghe thấy, thậm chí ngửi thấy, cầm nắm được qua những câu thơ của một nhà giáo trẻ, nay đã không còn trẻ nữa: Phạm Ngọc Lư.
Bên tai như có tiếng gọi nơi biên cương thúc giục và tôi bắt đầu Hành Biên Cương

Biên cương biên cương chào biên cương
Chào núi cao rừng thẳm nhiễu nhương
Máu đã nuôi rừng xanh xanh ngắt
Núi chập chùng như dãy mồ chôn

Tổ quốc nào, vùng lãnh thổ nào, cũng có những dải biên cương. Nhưng liệu có được bao nhiêu dải đất gắn trên mình hai chữ “biên cương” mà nặng như đất mẹ Việt Nam. Cùng tác giả “chào biên cương” thôi mà sao day dứt thế này nhỉ? Biên cương nào, ở đâu trên suốt dặm dài đât nước này? Nếu chỉ “núi cao rừng thẳm” thì dọc dãy Trường sơn hùng vĩ hôm nay đây, xưa kia là một chiến trường mà tác giả đã thấy “máu đã nuôi rừng xanh…”Núi chập chùng như dãy mồ chôn Ôi ! đất mẹ Việt Nam ơi! Có lẽ nhiều địa danh gắn trên thân thể mẹ  nay cây xanh phủ kín, thậm chí vườn tược hay những ngôi nhà đã mọc lên…Năm 1972 ấy… tác giả Hải Minh một người lính già hôm nay khi nhớ lại chiến trường Thành Cổ Quảng Trị anh đã viết “Có một mùa hè không hoa phượng. Đỏ trên cây là máu bạn bè tôi”( Hè). Cũng năm 1972 đó, tác giả Phạm Ngọc Lư đang dạy học ở thị xã Tuy Hòa tỉnh Phú Yên, không ra trận, chưa hề biết mặt chiến trường nhưng lại viết Biên cương hành.  Anh cho biết những cảm xúc đầu tiên đến từ sự thất bại của quân đội Miền Nam trong cuộc hành quân qua Hạ Lào đầu năm 1971. Và, ngay lập tức mùi chết chóc của chiến tranh khốc liệt  bủa vây quanh tôi

Gớm, gió Lào tanh mùi đất chết
Thổi lấp rừng già bạt núi non
Mùa khô tới theo chân thù địch
Ta về theo cho rậm chiến trường
Chiến trường ném binh như vãi đậu
Đoàn quân ma bay khắp bốn phương
Lớp lớp chồm lên đè bẹp núi
Núi mang cao điểm ngút oan hờn

Chiến trường gắn với chữ gió Lào hẳn là Đường 9 Nam Lào và mặt trận Quảng Trị-Thừa Thiên.Có lẽ Biên Cương này không thể thiếu  các cao điểm dọc tuyến đường ác liệt ấy qua Kon Tum, Gia Lai…Rồi những địa danh như Lao Bảo,  Khe Sanh, Pleime, Đắc Tô…Bỗng nhiên tôi muốn hỏi  câu thơ “Chiến trường ném binh như vãi đậu”? Ai ném? Ném cho ai?Ném đi đâu ? Vì sao lại mang quân ra màném như vãi đậu?.Để rồi đậu lại nảy mầm thành một Đoàn quân ma bay”… Bay đi đâu hỡi những oan hồn các chàng trai trẻ tuổi hai mươi! Sao lại dồn thành những “Lớp lớp chồm lên” và nỡ nào lại “đè bẹp núi”. Núi còn đang chở nặng những “oan hồn” nảy sinh từ các cao điểm dọc Hạ Lào…Ngay lúc này, hơn bốn mươi năm đã trôi qua kể từ những ngày tàn khốc nhất cuộc chiến tranh ấy, nhưng nhắc đến Đường 9 Nam Lào, nhắc đến Hạ Lào, nhắc đến nhiều địa danh thuộc vùng đất giữa hai nước Việt- Lào ấy, hẳn rất nhiều người, không kể họ có tham gia trận chiến hay không, vẫn còn thấy hiển hiện nỗi đau mất mát, mà có lẽ mãi mãi không có sử gia nào thống kê và ghi chép được đã có bao nhiêu người lính trẻ vĩnh viễn “tuổi hai mươi”.

Ca dao xưa có câu Đống Đa xưa bãi chiến trường. Ngổn ngang giặc chết vùi xương thành gò” xem ra xác quân thù xâm chiếm bờ cõi thời Quang Trung chẳng thấm tháp vào đâu so với “Chiến trường ném binh như vãi đậu và hậu những cái vung tay mà ném ấy. Mãi mãi là những nỗi đau kéo dài nhiều thế hệ…
Đời người lính thật đơn giản trước cái chết “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” đã qua hàng ngàn năm vẫn còn nguyên tính thời sự..Hay như cái nhìn đưa tiễn của người cha anh lính trẻ Phùng Khắc Bắc “Bố tôi nhìn tôi bằng cái nhìn vuốt mắt” hỏi trên thế giới này có nơi đâu có những ánh mắt chia ly đau đớn hơn không? Và rồi phía sau trận chiến ném binh như vãi đậu ấy là những nỗi niềm riêng, nhưng không đơn lẻ. Chinh phụ chờ chồng, không chỉ vài Nàng trên cả đất nước nữa…mà là :

Đá mang dáng dấp hình chinh phụ
Trơ vơ chóp núi đứng bồng con
Khu chiến ngày tràn lan lửa dậy
Đá Vọng Phu mọc khắp biên cương
Biên cương biên cương đi biền biệt
Chưa hết thanh xuân đã cùng đường

Từ thủa xa xưa, hình ảnh người chinh phụ ngóng chờ người chinh phu, đã lưu truyền bằng những truyền thuyết, Nhưng biết bao nỗi xúc động trào dâng  khi nghe: “Đời xưa đời xửa vua gì? Có người đứng ngóng chồng về đầu non.Thế rồi mong mỏi mong mòn. Thế rồi hóa đá ôm con. đứng chờ (Hòn vọng phu 2-Lê Thương). Mới hay người trai ra trận dù “Lệnh vua hành quân trống kêu dồn” hay là theo lệnh cầm súng lao lên cứ điểm…Họ đều không màng sự sống chết hay hậu cuộc chiến họ được gì? mất gì? Nhưng người chinh phụ chờ chồng đến hóa đá, người phụ nữ thời hiện đại chờ chồng, chờ con, chờ cháu đến mỏi mòn, đến không chờ được nữa…Nào có thể hóa đá mà cứ âm thầm ôm nỗi đớn đau mà chờ đợi, chờ đợi cả khi kết cục là  sự mất mát. Nhưng ngay trong nỗi mất mát lại nghẹn đắng niềm vui vỡ òa “Mẹ vỗ tay reo mừng xác con”. Thời nay hỏi mấy ai hiểu cái vỗ tay rụng rời tâm can trong bài ca “Hát trên những xác người” của Trịnh Công Sơn ấy. Nhưng với Biên Cương Hành thì “Đá Vọng Phu mọc khắp biên cương” . Vọng Phu  trên dải đất hình chữ S vốn chỉ có ba:  một ở Đồng Đăng , Lạng Sơn, một ở Núi Bà Phù Cát Bình Định và một trên dãy Vọng Phu ở Khánh Dương..Vậy trong Biên Cương Hành sao lại nhiều Vọng Phu thế? Có phải mỗi người lính“chưa hết thanh xuân đã cùng đường khi họ ngã xuống, sẽ có rất nhiều người phụ nữ hóa đá? Họ có thể là bà, là mẹ. là vợ, là em gái hay là người yêu, thậm chí là bạn thân của người lính đó…Nếu quả đúng vậy thì với những “ném binh như vãi đậu” của hai bên chiến tuyến  trong suốt “trường kỳ kháng chiến” .Xin được hỏi đá nhiều ? hay vọng phu nhiều?

Người phụ nữ  thì đã vậy, nhưng những người lính ngoài những lúc lao lên giữa mưa bom bão đạn chẳng màng sống chết. Họ cũng là những con người bình thường, cũng có những phút giây sống cuộc sống đời thường, họ cũng nhớ nhà, cũng nhớ người thân và đặc biệt là vợ hay người yêu…
Trông núi có khi lầm bóng vợ
Ôm đá mà mơ chuyện yêu đương
Thôi em, sá chi ta mà đợi
Sá chi hạt cát giữa sa trường
Sa trường anh hùng còn vùi dập
Há rằng ta biết hẹn gì hơn ?

Nỗi cô đơn khủng khiếp là đây! “Trông núi có khi lầm bóng vợ. Ôm đá mà mơ chuyện yêu đương” một sự nhân cách hóa, một hình tượng ví von thể hiện rất thành công về tâm tư người lính. Tôi xin mượn lời anh lính già Hải Minh để nói về tâm tư người lính những lúc bom ngừng rơi, đạn ngừng nổ:“Nỗi khát yêu của lính - đói rét, bom đạn, kể cả cái chết họ cũng không sợ, cái họ sợ là nỗi cô đơn, cô đơn đến mất ý chí, đến phát rồ phát dại -Trần  truồng chạy trong rừng gào gọi tình yêu. Cũng không biết bao nhiêu người ngã xuống có trở thành thiên sứ không khi mà họ còn trinh trắng?”

Nhưng cô đơn là thế, thèm khát là thế, nhưng người lính họ không nghĩ cho mình mà lại nghĩ cho Em. Bởi với họ không hẹn được ngày về. Thôi thì chỉ biết xin Em đừng chờ đợi. Chờ đợi phỏng có ích gì khi mà “Sa trường anh hùng còn vùi dập”. Mỗi cá nhân người lính họ đã coi mình chỉ là “hạt cát” giữa sa mạc mà thôi! Thật đau lòng, nhưng cũng đầy tính nhân văn cao cả của người lính…
Biên Cương Hành đang còn thúc giục phía trước Sau khi đã chào biên cương, đã biết một phần của biên cương, đây là một mảng màu khác nữa của Biên Cương:

Đây biên cương, ghê thay biên cương !
Núi tiếp rừng, rừng tiếp khe truông
Hãi hùng chưa trời hoang mây rậm
Mùa mưa về báo hiệu tai ương
Quân len lỏi dưới tàn lá dữ
Lá xôn xao xanh mặt hoảng hồn
Sát khí đằng đằng rừng dựng tóc
Ma thiêng còn ngán bọn cô hồn
Cô hồn một lũ nơi quan tái
Có khi đã hóa thành thú muông
Cô hồn một lũ nơi đất trích
Vỗ đá mà ca ngông hát cuồng
Chém cây cho đỡ thèm giết chóc
Đỡ thèm môi mắt gái buôn hương

Một thầy giáo trẻ đứng ngoài cuộc, nhưng vẫn chứng kiến và cảm nhận cuộc chiến những năm ác liệt nhất ấy! Rừng thiêng nước độc lại là nơi nương náu chở che những người con của Mẹ, những chàng trai nước Việt..Lớp lớp cây rừng hay lớp lớp máu xương chất chồng để núi mỗi ngày một cao, máu chảy khiến mỗi khe vực một sâu hơn…Tàng lá rừng được nuôi dưỡng bằng máu xương người chết phải chăng vì vậy mà nó thành “tàn lá dữ..” Lá xanh xao hay những khuôn mặt xanh xao vì sốt rét vì khói súng ám nhiều ngày tháng. Hình ảnh “lá xôn xao” và nó phải “xanh mặt hoảng hồn” trước “sát khí đắng đằng” của ai mà rừng phải “dựng tóc”?! Chả lẽ là những gương mặt “tuổi hai mươi” đang tuổi yêu đương và mơ mộng đấy ư? Không lý trước“trời hoang mây rậm” để “mùa mưa về báo hiệu tai ương”. Những người lính trẻ bất chấp cả mạng sống lao lên lại là những “Cô hồn” làm cho lũ “ma thiêng còn ngán”. Thật khó để cho tôi cảm được những gương mặt“cô hồn nơi quan tái hay “cô hồn nơi đất trích”.Nhưng những hành động của người lính ngoài những  khi xung trận thì họ “Vỗ đá mà ca hát ngông cuồng”, hay chém. cây cho đỡ thèm giết chóc”… phải chăng là hành động vô thức? hay nhằm thỏa nỗi cô đơn? Hay bản tính thiện của con người đã bị thay đổi?
Từ ngàn xưa các cụ đã đúc kết “Non sông dễ đổi bản tính khó rời”! Vậy phải chăng cơn thèm giết chóc ấy chỉ là những lúc cô đơn nản chí đến cùng cực mà bộc phát ra cái thèm khát “ghê sợ ấy”? Hay là nỗi khát khao  rất thật, rất tình thể hiện bản năng con người trỗi dậy khi mà không thỏa cái”Thèm môi mắt gái” dẫu cho “gái buôn hương” cũng chẳng có, mới sinh ra các cơn thèm khát ghê sợ kia… Câu hỏi này thật khó có thể có câu trả lời nào thỏa mãn được mọi góc khuất trong trái tim những người lính nơi Biên Cương ấy! Thôi thì cứ mang theo câu hỏi ấy mà Hành Biên Cương tiếp, cũng không nặng thêm là bao nhiêu nữa đâu? Tôi tự nhủ mình như vậy và Hành tiếp:

Đây biên cương, ghê thay biên cương !
Tử khí bốc lên dày như sương
Đá chảy mồ hôi rừng ứa máu
Rừng núi ơi ta đến chia buồn
Buồn quá giả làm con vượn hú
Nào ngờ ta con thú bị thương
Chiều hôm bắc tay làm loa gọi
Gọi ai nơi viễn xứ tha phương ?
Gọi ai giữa sơn cùng thủy tận ?
Ai người thiên cổ tiếc máu xương ?

Ba câu hỏi liền nhau theo sau hành động “bắc tay làm loa gọi của những người lính không là chủ thể của nỗi buồn mà lại là người đến để chia buồn  với núi rừng trùng điệp đang “ứa máu” trước mùi “tử khí dày như sương. Đá vô tri còn biết chảy mồ hôi! Vậy người lính chia nỗi buồn ? hay lại nhận thêm nỗi buồn đây? Khi tự nhận “buồn quá” nên “giả làm con vượn hú”. Hành động này thật thê thảm, đang làm một con người lại đi làm một việc giả làm con vượn, ngược đời đến thế là cùng…Chả biết giả Vượn hú được bao lâu thì nhận ra mình “con thú bị thương”. Khi bị thương con thú theo bản năng sẽ lồng lộn lên mà chống trả. Nhưng những người lính này biết chống trả lại ai đây? Bắc loa gọi giữa sơn cùng thủy tận” ôi! Cũng một kiếp người! cũng một đời lính chiến…chắc chắn từ cổ chí kim không mấy người tiếc máu xương cả, ngay cả những người lính này cũng thế! Cuồng nộ, phá phách rồi họ cũng trở lại bản tính thiện của con người như bao chàng trai bình thường khác, biết yêu, biết thương, biết giận hờn, biết hy sinh vì người khác và điều quan trọng họ đã nhận ra mình từ đâu tới đây! Và tới để làm gì giữa chốn rừng thiêng nước độc đầy mùi tử khí, toàn cảnh chết chóc…Nhưng họ không thể làm gì khác bởi họ là lính…

Em đâu quê nhà chong mắt đợi
Hồn theo mây trắng ra biên cương
Thôi em, yêu chi ta thêm tội
Vô duyên xui rơi lược vỡ gương
Ngày về không hẹn ngày hôn lễ
Hoặc ngày ta mắt nhắm tay buông
Thôi em chớ liều thân cô phụ
Chiến trường nay lắm nỗi đoạn trường 
Biên Cương Hành đã qua với nỗi niềm chịu đựng chờ đợi của những Vọng Phu chỉ còn biết hóa đá mà đè núi xương, dõi sông máu ngóng chồng..Nay đã tới khúc các “cô phụ” Thân hình em còn hiện diện trên “phố đông người qua” hay bên dòng sông quê mẹ mỗi chiều, chờ đợi tin về từ chiến sự, mỗi ngày chứng kiến những người góa phụ “Say đi để thấy mình không là mình” hay “Ôm mồ cứ tưởng ôm hình người yêu” (thơ Lê Thị Ý nhạc Phạm Duy). Nhưng họ vẫn son sắt một khối tình không phai, một lời hẹn nào có thể sai. Ở “quê nhà chong mắt đợi.Hồn theo mây trắng ra biên cương”.Chỉ một mong mỏi ngày đoàn tụ. Trong lòng họ cũng mỏi mòn, cũng đau đớn lắm chứ, chờ đợi trong vô vọng…Biết ngày về của người mình yêu thương mong nhớ sẽ ra sao… Người lính nơi biên ải cảm nhận rõ điều ấy qua nhịp đập trái tim “con người”nhưng cũng chỉ biết khuyên người yêu thương chờ đợi mình rằng“Thôi em! yêu chi ta thêm tội”. Tội gì? Yêu lính là có tội ư? Tôi đã từng nghe những lời ca về tình yêu của lính như :“Ai nói với em lính không sầu nhớ…Không có trái tim đắm say mộng mơ.Ai nói với em tình người lính trẻ. Nồng nàn nhưng nhiều dâu bể, không như cung đàn lời thơ…” (Ai Nói Với Em - Trần Thiện Thanh)
Hay “ Cùng mắc võng trên rừng Trường sơn. Hai đứa ở hai đầu xa thẳm. Đường ra trận mùa này đẹp lắm. Trường sơn đông nhớ Trường sơn tây. Một dãy núi mà hai màu mây’.(Trường Sơn đông Trường Sơn tây- Hoàng Hiệp) ..
Vậy mà nay trong Biên Cương Hành người lính lại khuyên người con gái “Thôi em chớ liều thân cô phụ” với bức tranh chiến trường toàn màu mây xám ngắt bủa vây tình yêu của người lính? Để lý giải cho điều mình nói những người lính ấy đã biết :

 Chiến trường nay lắm nỗi đoạn trường
Nơi nơi lạnh trăm dòng sông Dịch
Kinh Kha đời nay cả vạn muôn
Há một mình ta xuôi biên tái
“Nhất khứ bất phục phản” là thường !

Tích xưa Kinh Kha đi hành thích Tần Thủy Hoàng chỉ có một sông Dịch. Nay trong Biên Cương Hành có hàng trăm dòng sông Dịch mà là dòng sông Lạnh..Sông Bến Hải, Cửa Tùng, hay Serepok. Hoặc bất kỳ con suối nào trên đại ngàn Trường sơn, dọc Hạ Lào hay  chảy theo tuyến lửa 1C là hàng trăm con kênh rạch nơi miền Tây sông nước…Đâu đâu cũng là sông Dịch và mỗi người lính của hai bên chiến tuyến là một Kinh Kha thời hiện đại ư? Khi tác giả lấy câu thơ trong Hoàng Hạc Lâu “Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản” (Thôi Hiệu) phải chăng anh đã nghĩ thân phận người lính chốn sa trường như cánh hạc kia “Bay đi không bao giờ trở lại” là thường! Biết “Xưa nay chinh chiến mấy ai trở về”, biết “Há một mình ta xuôi biên tái” nhưng đời lính là như thế! Thì cũng chỉ còn biết nói với em, nói thay cho đồng đội, nói thay cho những người “vừa nằm xuống chiều qua” và nhiều ngày qua đã chưa kịp nói,. Nói với Em hay nói với mình, nói với hậu thế:
Thôi em, còn chi ta mà đợi
Ngày về thân cạn máu khô xương
Ngày về hôn lễ hay tang lễ

Với những người lính “hôn lễ hay tang lễ” họ không thể nào biết trước, hay nói đúng hơn không thể chọn lựa cho mình dẫu muốn hay không!
Họ chỉ biết và cảm nhận rất rõ rằng:

Hề chi ! buổi chinh chiến tang thương
Hề chi ! kiếp cây rừng đá núi
Nghìn năm hồn quanh quẩn biên cương

Nếu là hôn lễ thì  niềm vui, hạnh phúc sẽ mỉm cười, nhưng nhiều người lính sẽ về bằng tang lễ…
Còn nếu không may mắn bởi bom đạn vốn không có mắt mà họ phải về  cùng “tang lễ” thì họ vẫn còn may mắn hơn nhiều người đã không bao giờ có một tang lễ đúng nghĩa vì thân thể họ đã hòa vào đất, tan vào nước Biên Cương…
Tôi đã cùng tác giả Hành Biên Cương đến vùng biên cương cuối cùng, nhưng vẫn không có một địa danh cụ thể nào trong suốt hành trình này. Với riêng tôi Biên Cương trong Hành Biên cương phải chăng là những địa danh lưu dấu tích suốt bốn mươi năm tiếng súng ngưng vẫn còn đó. Một dòng Bến Hải “Cả dòng sông là một nghĩa trang trôi” , Một thành cổ Quảng Trị, một Đại lộ kinh hoàng, Một Khe Sanh, một Hướng Hóa, một đường 9 Nam Lào,một lộ máu số 7, một ngôi mộ 3000 người ở An Lộc Bình Long, hay tuyến lửa 1C sắt còn bị nung chảy bởi bom đạn…
Biên Cương Hành viết theo lối thơ cổ phong trường thiên độc vận, có một ít điển tích và đã ra đời hơn bốn mươi năm…Mỗi bạn đọc sẽ có cho mình những cảm nhận riêng . Và đây là cảm nhận của cá nhân tôi, thế hệ cháu con của tác giả về một tác phẩm viết theo cảm xúc của một thầy giáo trẻ chứng kiến chiến tranh..chứ không trực tiếp cầm súng…
Rất mong nhận được sự lượng thứ từ bạn đọc nếu như có điều sai sót.
Sài Gòn 18/12/2014
Huỳnh Xuân Sơn

Ghi chú về Phạm Ngọc Lư
TIỂU SỬ NHÀ THƠ PHẠM NGỌC LƯ 
(Trích trang bìa sau của thi tập ĐAN TÂM - Thư Ấn Quán tái bản)

Sinh năm 1946 (Bính Tuất) ở Vĩnh Xuân, Phú Vang, Thừa Thiên
Ngụ cư Đà Nẵng từ 1994 
Cựu sinh viên Hán Học và Đại học Văn khoa Huế
Bước vào con đường văn chương trong những năm sống và dạy học ở Tuy Hòa trước năm 1975

*****

Trường Sa Hành

Tác giả: Tô Thùy Yên
Trường Sa ! Trường Sa! Đảo chếnh choáng 
Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề 
Lính thú mươi người lạ sóng nước 
Đêm nằm còn tưởng đảo trôi đi 

Mùa Đông Bắc, gió miên man thổi 
Khiến cả lòng ta cững rách tưa 
Ta hỏi han, hề, Hiu Quạnh lớn 
Mà Hiu Quạnh lớn vẫn làm ngơ 

Đảo hoang, vắng cả hồn ma quỉ 
Thảo mộc thời nguyên thủy lạ tên 
Mỗi ngày mỗi đắp xanh rờn lạnh 
Lên xác thân người mãi đứng yên 

Bốn trăm hải lý nhớ không tới 
Ta khóc cười như tự bạo hành 
Dập giận, vác khòm lưng nhẫn nhục 
Đường thân thế lỡ, cố đi nhanh 

Sóng thiên cổ khóc, biển tang chế 
Hữu hạn nào không tủi nhỏ nhoi ? 
Tiếc ta chẳng được bao nhiêu lệ 
Nên tưởng trùng dương khóc trắng trời 

Mùa gió xoay chiều, gió khốc liệt 
Bãi Đông lở mất, bãi Tây bồi 
Đám cây bật gốc chờ tan xác 
Có hối ra đời chẳng chọn nơi ? 

Trong làn nước vịnh xanh lơ mộng 
Những cụm rong óng ả bập bềnh 
Như những tầng buồn lay động mãi 
Dưới hồn ta tịch mịch long lanh 

Mặt trời chiều rã rưng rưng biển 
Vầng khói chim đen thảng thốt quần 
Kinh động đất trời như cháy đảo... 
Ta nghe chừng phỏng khắp châu thân 

Ta ngồi bên đống lửa man rợ 
Hong tóc râu, chờ chín miếng mồi 
Nghe cây dừ ngất gió trùng điệp 
Suốt kiếp đau dài nỗi tả tơi 

Chú em hãy hát, hát thật lớn 
Những điệu vui, bất kể điệu nào 
Cho ấm bữa cơm chiều viễn xứ 
Cho mái đầu ta chớ cúi sâu 

Ai hét trong lòng ta mỗi lúc 
Như người bị bức tử canh khuya 
Xé toang từng mảng đời tê điếng 
Mà gửi cùng mây, đỏ thảm thê 

Ta nói với từng tinh tú một 
Hằng đêm tất cả chuyện trong lòng 
Bãi lân tinh thức âm u sáng 
Ta thấy đầu ta cững sáng trưng 

Đất liền, ta gọi, nghe ta không ? 
Đập hoảng vô biên, tín hiệu trùng 
Mở, mở giùm ta khoảng cách đặc 
Con chim động giấc gào cô đơn 

Ngàỵ Ngày trắng chói chang như giữa 
Ánh sáng vang lừng điệu múa điên 
Mái tóc sầu nung từng sợi đỏ 
Kêu giòn như tiếng nứt hoa niên 

Ôi! Lữ cây gầy ven bãi sụp 
Rễ bung còn gượng cuộc tồn sinh 
Gắng tươi cho đến ngày trôi ngã 
Hay đến ngày bờ tái tạo xanh 

Sa hô mọc tủa thêm cành nhánh 
Những nỗi niềm kia cững mãn khai 
Thời gian kết đá mốc u tịch 
Ta lấy làm bia tưởng niệm Người. 

TÔ THÙY YÊN 
(8-1974)
 Vài nét về Tô Thùy Yên
  • Tô Thùy Yên tên thật là Đinh Thành Tiên, sinh năm 1938 tại Gò Vấp. Cha là chuyên viên phòng thí nghiệm Viện Pasteur, sau về công tác ở Bệnh viện Chợ Rẫy.
  • Thuở nhỏ học trung học trường Petrus Trương Vĩnh Ký, có ghi danh theo học ở Đại học Văn khoa Sài Gòn, ban văn chương Pháp, một thời gian rồi bỏ dở.
  • Ông bắt đầu có thơ đăng trên báo Đời Mới (thập niên 1950) trước khi xuất hiện và nổi tiếng trên tạp chí Sáng Tạo. Tô Thùy Yên, Mai ThảoThanh Tâm Tuyền, cùng với các họa sĩ Duy Thanh, Ngọc Dũng là những người nòng cốt của nhóm Sáng tạo, một nhóm sáng tác đã từng được biết đến với phong trào khai sinh "Thơ Tự Do" trên văn đàn Miền Nam vào thập niên 1960.
  • Cuối năm 1963 ông nhập ngũ,  Chức vụ cuối cùng là sĩ quan cấp Tá, QL VNCH.
  • . Hiện nay ông đang ở Houston, tiểu bang Texas.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét