Thứ Sáu, 16 tháng 1, 2015

Chuyện câu cá/ Sao mình mải câu/ Tạp bút Ngân Triều/ Cảm đề Nguyễn Nam

Tạp bút

Chuyeän   caâu    caù
·                                                                                                       Ngân Triều



Chuyện câu cá, ảnh minh họa

Lời dẫn:
Nhà tôi ở trong một “châu vi” (1), đối diện với một cái đồn Tây Bàu Trai, thuộc làng Tân Phú Thượng. Vể phía Nam châu vi, có một dòng suối (2) nhỏ, lắm cá, chảy ngang. Dòng nước suối, chảy xiết vào mùa mưa và êm đềm trôi ra sông Vàm Cỏ Đông, mùa khô. Nguồn nước chảy về suối, xuất phát từ miệt vạt ruộng  đồng phía Đông, thuộc miệt Bàu Công, Tha La (3) Đức Ngãi và đồng bưng Thầy Cai.
Thuở ấy, các bạn nhỏ và tôi cứ nghĩ “chiến tranh là chuyện của người lớn, chỉ có ở nơi xa”  và lũ con nít chúng tôi chỉ biết hồn nhiên, lang thang  vui chơi trong một vùng đất lảnh có nhiều cá, nhiều tài nguyên thiên nhiên phong phú, vô tận …
Khoảng năm 1952-1954, quê tôi có vẻ yên ổn, thanh bình. Đồn Tây hiếm khi báo động. Cái vọng lâu cao trước đồn đã được hạ xuống. Ít khi thấy xe cơ giới có trang bị súng canon vingt (đại bác 20 ly) chạy ra , chạy vào, tuần tiểu. Thỉnh thoảng, chúng tôi chỉ nghe tiếng súng  douze-sept (đại liên đuôi-sết, 12,7 ly), vài loạt của tàu mặt dựng trên sông Vàm Cỏ Đông vọng về và lâu lâu thấy những chiếc máy bay thả những lính nhảy dù… đâu đó, xa tít ở cuối chân trời…
Vui biết mấy một thời Tiểu học! Hễ đến trường là bọn con trai chúng tôi đem theo trong cặp bàng những đồ chơi trẻ con, chờ trống điểm giờ ra chơi là rủ nhau “cáp độ”. Đó là những trò chơi nhỏ theo mùa như bắn “cu li” hay bắn bi, bắn bi ăn bi, bi một lổ, hai lổ; đánh đáo lổ hoặc đánh đáo ra, đánh đáo hạt điều, đánh đáo tiền cắc; chơi “chọi tạt” ăn hình Tarzan, hình cowboys hoặc ăn bao thuốc lá thơm xếp thành hình tam giác; chơi đá gà, chơi u bắt mọi, chơi khô-ướt, chơi đếm 5-10, chơi cá sấu lên bờ; chơi rồng-rắn cắn đuôi, chơi đá banh…Ngoài ra còn có các trò chơi bị cấm vì nguy hiểm như “đánh quạ” giống như đánh khúc côn cầu (hockey), ném banh, đánh gồng, bứt dây dộng chuông…
Nhóm con gái thì chơi các trò chơi đằm thắm nhưng không kém phần hào hứng như đánh đũa, nhảy dây; ông đi qua bà đi lại, bắc kim thang; than thế nổ, nhảy chén chậu, cùm nụm cùm nịu…
Những ngày nghỉ học, đầu mùa mưa, chúng tôi thường rủ nhau đi câu cá ở suối Bàu Trai, đi giăng câu, thả lưới nhưn, đặt lờ bóng; đi câu cắm ở ruộng, đi câu ếch, đi câu nhấp, đi câu cá trê, đi câu cá rô, “câu tọt”( câu nhấp lưu động…)
Đến cuối mùa mưa, nước ruộng, nước ao, nước bàu trong vắt, có màu cỏ khô nâu; nơi cạn có thể nhìn thấu đáy nước. Bấy giờ, sau khi được nhiều cá là chúng tôi rủ nhau tắm bàu, tắm ao…đùa giỡn trong tiếng la hét rộn ràng…Ôi! một thuở trường làng.…Còn một chút gì để nhớ…Bao giờ tôi quên?!


Tắm suối (Ảnh minh họa)

*****

(1) Thời đó, châu vi như một cái ấp nhỏ, bị bắt buộc tập trung, nên điều kiện sinh hoạt của người dân rất thảm hại về mặt vệ sinh. Gần 200 nóc gia, không có lấy một nhà vệ sinh nào. Khi cần là ra đồng núp bụi, núp bờ…gieo rắc những “di sản” tràn lan, mới có, cũ có, như một bãi rác hôi thối, tỡm lợm…Chỉ tội nghiệp cho những trẻ mục đồng phải thường giẫm đạp “ghê chân”, khi phải  lùa trâu bò đi và về ra những cánh đồng xa. Có thể do đó, mới có từ “đi đồng” là đi ra đồng làm cái chuyện khẩn thiết bản thân.
(2) Dân địa phương gọi là dòng suối vì hai bên bờ có những bóng cây; có những lùm, bụi, cây dại thấp; có biền đầy những dây leo và dòng nước, dù chảy xiết hay lặng lờ trôi ra sông cái; đối với tôi,dòng suối ấy, rất gần gũi, mến thương…
Sau nầy, khi thành Tỉnh Hậu Nghĩa, con suối đó được khai thông và nâng cấp nhiều lần đến tận sông Vàm Cỏ Đông. Ngày nay, tên con suối đó không còn nữa. Tên “con suối xưa” đã trở thành một con kênh rộng 40m, có nước lớn, nước ròng, có một cây cầu Bàu Trai dài 80m, có ghe thuyền miền Tây tấp nập lui tới đến Bến Chợ, bán hàng hóa, đặc sản miền Tây, bán phân tro theo mùa hoặc thu mua những nông sản địa phương…
Những ngày nghỉ học, đầu mùa mưa, chúng tôi thường rủ nhau đi câu cá ở suối Bàu Trai, đồng thời xem người ta đi đánh bắt cá bằng nhiều phương tiện khác nhau.
Đến điểm câu, chúng tôi ngồi trên một tấm thảm cỏ chỉ, êm như nhung, trên bờ suối. Mỗi đứa chúng tôi câu bốn cần câu phao là chuyện bình thường. Chúng tôi chọn khu vực thả câu kề cận nhau để có thể vừa câu cá, vừa tán gẫu cho vui.
-Ê bồ, bồ có nhớ tụi mình biết đi câu cá hồi nào không, hồi lớp mấy không?
*Tui không nhớ rõ lúc mình câu chung lần đầu là năm lớp mấy trường làng nhưng có thể khi ấy, tụi mình hãy còn bé lắm.
-Phải hồi 10 tuổi, lớp tư, cours enfantin (3) đúng không?
(3) Trường sơ cấp thời đó có 3 lớp: Lớp năm hay vỡ lòng gọi là cours préparatoire; lớp tư là cours  enfantin, lớp ba là cours élémentaire. Trường Tiểu học có 5 lớp, ngoài 3 lớp như trường sơ cấp, còn có thêm hai lớp nữa là lớp nhì, cours moyen và lớp nhất là cours supérieur.
*Có lẽ là như vậy. Đi câu phải biết móc mồi, biết canh độ sâu gắn phao, biết quan sát chỗ có cá để thả câu, biết kiên nhẫn đợi chờ cá-ăn-câu-phao-nhịp; biết bình tĩnh khi giật cá…như vậy là câu cá được đấy.
-Móc mồi vào lưỡi câu, gắn phao, thả câu, kiên nhẫn ngồi chờ…thì ai cũng làm được. Chỉ khi giật cần câu là cả một nghệ thuật trong đó…Giật không đúng là sẩy cá. Thật tiếc uổng! Con cá sẩy, thường là cá to. Tuy vậy, còn có người đi câu, để mà câu thôi, không cần có cá. Đi câu để lắng đọng tâm hồn; suy gẫm chuyện mình, chuyện đời; câu cá để chờ thời, chờ vận, như một người chừng mực, hiểu đời,biết sống; như một thức giả; như một bậc hiền-nhân-quân-tử; như bậc thánh nhân…
* Nhớ bài “Chăn trâu”, học thuộc lòng hồi đó không?
Ai bảo chăn trâu là khổ? – Không, chăn trâu sướng lắm chứ! Đầu đội nón mê như lọng che. Tay cầm cành tre như roi ngựa, ngất nghểu ngồi trên mình trâu, tai nghe chim hót trong vòm cây, mắt trông bướm lượn trên đám cỏ. Trong khoảng trời xanh, lá biếc, tôi với con trâu thảnh thơi vui thú, tưởng không có gì sung sướng cho bằng…” (Quốc Văn Giáo Khoa Thư)

Chăn trâu, ảnh minh họa

-Đúng phoóc?
-Vậy mình đổi lại mấy chữ thành đi câu cá đi!
* Ờ, hay đó! Thử xem!
 Ai bảo đi câu là khổ? – Không, đi câu sướng lắm chứ! Đầu đội nón mê như lọng che. Tay cầm cần câu như roi ngựa, ngất nghểu ngồi trên thảm cỏ, tai nghe chim hót trong vòm cây, mắt trông bướm lượn trên đám cỏ. Trong khoảng trời xanh, lá biếc, đi câu thảnh thơi vui thú, tưởng không có gì sung sướng cho bằng…”
-Ôi! Hay! Hay quá, hay quá là hay! Xin thưởng cho một tràng pháo tay: (đốp đốp đốp…)
Hay! Hay quá, hay quá là hay! Xin thưởng cko một trận cười: (meo meo meo…)
* Cười gì mà nghe y như tiếng mèo ngao vậy?
-Hê hê…
…..
-Vậy là, hễ cá lôi phao về bên phải, phải giật ngược về phía bên trái và ngược lại. Hễ cá lôi phao về phía xa trước mặt thì giật bổng lên. Còn cá lôi phao về phía mình đứng câu?
*Thì cũng giật bổng thôi. Có thể đây là lý thuyết cơ bản, là bài học vỡ lòng của người đi câu cá.
(Ngày nay đi câu thường phải mang theo vợt. Ta chỉ giật nhẹ cho cá dính vào lưỡi câu và kéo nó lượn đến gần chỗ mình, thuận tay, đưa vợt ra vớt cá, nếu là cá lớn. Còn cá nhỏ cứ giật bình thường, cá dính vào lưỡi câu bị giật tung lên trời, theo giới hạn của sợi nhợ, cá sẽ đu đưa đến chỗ mình câu, bắt lấy, mở lưỡi câu ra và bỏ vào đục).
- Sao phải giật như vậy? Giật tùy thích thì có dính cá không?
*Biết sao không? Anh hai tôi nói rằng, phải giật cần câu theo cách ấy thì lưỡi câu mới dính sâu vào mang cá, không sẩy; còn giật tự do thì có khi cũng dính cá, mà phần lớn là sẩy cá; khi ấy, lưỡi câu dính gần mép cá; cá bị giật lên khỏi nước, sức nặng của cá cùng với sức cản của nước ghì lại, làm cho cá bị sứt mép là cá sẩy, hoặc nó bay từ bên nầy rơi tõm sang bên kia, như có dịp “đằng vân”, thăng thiên chơi, cơ hội thú vị miễn phí …
-Đúng rồi! Ha ha!…
…….
-Còn việc làm mồi câu cá thì…có bí quyết gì không?
*Có chớ, bí mật gia truyền nên ít ai phổ biến. Tui chỉ nghe kể lại, cách chế biến mồi câu đại khái mà câu cũng nhạy hơn bình thường. Đối với cá rô thì xào trứng kiến với mỡ bò, cạo them một ít sáp đèn cầy cho dễ vắt mồi câu, xào đừng ướt quá…mồi câu đơn sơ, dễ làm như vậy rất nhạy. Đối với cá trê thì lấy nước rô-ti thịt, cá còn dư trong chảo, đựng trong một cái hũ chao rửa sạch. Mỗi khi móc mồi trùng xong là nhúng lưỡi câu có mồi trùng vào hũ, mới thả xuống nước… khắc cá đến ăn.
(Ngày nay khi đi câu cá rô, người đi câu thường có mồi nhử cá. Mồi nhử đem chôn và thoa dưới bùn, đồng thời dọn dẹp sạch cỏ chỗ định câu khi giật cần khỏi bị vướng víu, làm chừng 4 điểm như vậy là đủ, mỗi điểm cách nhau chừng 5-7m. Thao tác xong 4 điểm, quanh lại điểm 1 câu liền. Có khối cá rô nghe mùi mồi nhử lượn lờ, đớp móng, tìm mồi,đang chờ sẵn ở đó. Vừa thả mồi trứng kiến xuống là cá rô đớp liền, người đi câu tha hồ giật lia giật lịa, móc mồi không kịp luôn… Khi  cá chậm  ăn là đã hết cá ở đó, mình phải dời qua các điểm 2, 3, 4…còn nếu muốn được nhiều cá hơn nữa thì đi tìm vị trí khác, cũng làm như vậy.
Ngày nay, người đi câu cá rô làm mồi nhử tân kỳ và hiệu quả lắm, có phổ biến trên tạp chí Kiến thức ngày nay…rất tuyệt vời! Cách làm mồi nhử cá rô như sau:
*1 muỗng canh,  sữa bột em bé.
*1 muỗng canh, cà phê bột thơm ngon,1 gói càfé sữa hòa tan cũng được.
*1 lon cám rang vàng.
*5-7 cánh tai vị hay ngũ vị hương là vị thuốc Bắc đại hồi, mua ở tiệm thuốc Bắc hoặc ở các tiệm chạp phô bán đồ gia vị; rang lên đâm nát rất thơm.
* 1 ống thuốc chích dầu bạc hà 2ml hiệu Solucamphre cốt để tạo mùi thơm kỳ dị.
Tất cả trộn đều, bỏ riêng vào 1 lon có nắp đậy, thế là đã có mồi nhử cá rô rồi đấy. Mồi nhử đem trộn với bùn, thoa đều tráng đáy, ở điểm thả câu [xem bên trên]).
 Đến mùa lúa trổ đòng đòng, cá rô ở ruộng mập ú cỡ ba ngón tay, mỗi lần giật cần, nghe sướng tay lắm. Đi câu chừng 1 tiếng đồng hồ, được 2-3 kg cá rô…là chuyện “chắc như bắp”. Tuy nhiên, nói đi còn nói lại, ngày nay  dân đông, ruộng lúa thâm canh đều sử dụng rất nhiều thuốc trừ sâu. Mặt khác, khi mùa mưa đến, cá lên ruộng sinh sản được, phải gian nan thoát hiểm, may mắn vượt qua biết bao nhiêu là những công cụ đánh bắt cá ở dọc đường đi. Còn lại số lượng cá được lên ruộng đồng sinh sản, chừng 20%. Số cá ấy còn bị những người đi “chích điện” truy tìm, vơ vét nốt. Cho nên số lượng cua, cá, ếch, rắn…trên ruộng đồng quê mình chỉ còn rất ít so với hơn 60 năm về trước. Môi trường sinh thái mất cân đối, lúa bị nhiều sâu rầy làm hại.
 Ba tui nói, hồi đó, trên một đám ruộng nước mới cày lật, ếch nhỏ, ếch lớn ngồi đặc trên các vỡ cày, rình mồi. Có một cậu bé nào rê ếch bằng một cần câu dài chừng hai sải tay, trên đám ruộng đó, thì có hàng trăm con ếch ùa theo đường rê câu, giành ăn mồi… cậu bé chăn trâu đó, cứ giật sẩy rất nhiều mà bọn ếch cứ kiên nhẫn, lì lợm, ngồi chờ mồi câu…
Mỗi khi đi trên bờ ruộng thăm đồng, cứ vài bước chân là ếch từ bờ nhảy xuống ruộng lúa tõm…tõm..liên  hồi  như tiếng trống bỏi (Đồ chơi trẻ thơ, trống bỏi có 2 mặt nhỏ như cái chén, có một sợi dây, đầu xỏ một cái nút tròn, vừa đủ để nút chạm vào hai mặt trống, có gắn một tay cầm. Trẻ thơ cầm trống, lắc tay qua lại, nút dây ấy đánh vào hai mặt trống…nghe  tong…tong… liên tục, rất vui tai).
Còn cá con thì nhiều vô kể. Vác nhũi đi nhũi chừng một lát thì được một nồi cá con kho quéo, đủ bữa cho cả nhà, chưa kể các cách bắt cá khác…
…..
-À mà bồ có đi câu đêm lần nào không?
*Có chứ! Nhất là gần mùa gió Bấc. Trời im vắng, se lạnh, chỉ nghe tiếng đớp móng “uủn…uủn …” của cá, phải đem theo một cây đèn pin hộp để tiện dụng. Người ta thường câu ở dưới suối, câu trước các miệng rọ…
Khi đến chỗ câu, người đi câu lần mò móc nguyên 1 con trùng sành vào lưỡi câu trê, thả mồi xuống nước, câu ngầm, không cần phao, (Ngày nay, khi đi câu đêm, người không quen câu ngầm, có thể mua phao lân tinh, rất tiện), nhấp nhấp liên tục làm như con trùng đang cử động, chốc chốc lại nhè nhẹ giở cần lên, nếu cảm thấy nhợ căng hơi nặng tay và có đối lực lại, là cá trê đã ăn mồi, lập tức, giật cần ngược lại… là dính một “chú cá trê”. Khi lên khỏi nước, dính vào lưỡi câu rồi, nó thường vừa giãy giụa vừa kêu “kẹt kẹt…” nho nhỏ…Cá trê thường đi ăn hai lần, hừng đông sáng và chập tối. Mỗi đêm câu đến khuya, tùy theo có “sát cá” (câu giỏi) hay không, số lượng cá câu được hai ba ký cá là chuyện bình thường.
…..
- Bồ có đi “soi ếch” lần nào không? Chắc là thú vị lắm?
* Ờ…ờ…! Đầu mùa mưa ấy mà! Loài ếch “rộng miệng, to tiếng” thường chết vì tiếng kêu của chúng. Khi trời sắp mưa, ở trong hang, nó kêu to: bị lộ điểm, bị bắt. Khi có mưa lớn đầu hôm, nước ruộng lấp xấp, đi tìm bạn tình để duy trì nòi giống, chúng cũng kêu to lên để rồi bị bắt cả cặp.
-Người ta đi soi ếch như thế nào?

Soi ếch, ảnh minh họa
* Phải có đồ nghề! Đồ nghề soi ếch rất đơn giản: một cái đèn soi tự chế, một “chiếc đèn con cóc bằng thiếc” chuyên dùng, có bán ở tiệm tạp hóa; một cái nơm để chụp ếch; thủ theo một cái hộp quẹt máy cho nhạy… Nếu không kịp chuẩn bị đèn đuốc, có người soi ếch bằng “con cúi” bằng rơm cũng được.
Thời gian thuận lợi đi soi là vào lúc quá nửa đêm. Khi ấy, tiếng ếch kêu đối đáp nhau vang đồng. Chúng kêu lên, tìm chọn bạn tình, để làm cái chuyện yêu đương mà dân gian gọi là “mắc cặp”. Người đi soi chỉ cần  soi đèn, men theo hướng có nhiều tiếng ếch kêu vì khi ếch đã mắc cặp thì không rời nhau, không hoảng sợ chi cả, cứ an vị tại chỗ, bất kể “dâu bể tang thương”, trời gầm không buông. Trong ánh đèn soi, bộ da đen-vàng đặc trưng của cặp ếch nổi trên mặt nước lồ lộ, cùng với 8 cái chân bơi bơi. Định vị xong, quật ngang lồng đèn để chúng không thấy mình, đưa nơm tới chụp…là bắt cả cặp. Ở điểm có nước lấp xấp, thường có nhiều ếch. Chúng nằm lóc ngóc, nổi trên mặt nước, nơm bắt không kịp luôn! Khi lùng sục xung quanh vạt ruộng tình trường, bắt hết ếch rồi…lại lắng nghe tiếng ếch kêu, xách đèn men theo hướng đó…tiếp tục soi đèn bắt ếch …  
( Có thể sắm một “cây đèn khí đá” bằng thiếc, có 2 ngăn, thì độ sáng mạnh hơn rất nhiều lần so với đèn con cóc đốt bằng dầu hỏa. Nó có chóa đèn mạ kền, sáng trưng. Như vậy là chập tối, phải chạy ra quán tạp hóa của “chú chệt mập” mua “khí đá” hay “đất đèn”, tức là đá carbure de calcium,  đá tan trong nước sẽ cho khí đốt acétylène, C2H2, bỏ đá ấy vào ngăn dưới, mở nước từ ngăn trên nhểu xuống là có khí C2H2 bốc lên béc đèn, châm lửa tại béc (mỏ đèn)… đốt thử đèn, xoi béc đèn…Nếu đèn cháy tốt, khóa hơi đèn, khóa nước lại, để đèn và nơm ở góc nhà dưới, háo hức, chờ đến khuya…là khởi hành, vào cuộc. Ngày nay người ta soi ếch bằng đèn bình ắc-quy mang trên lưng, có dây dẫn điện đến một cây đèn đeo trước trán. Tân kỳ nhất là một chiếc đèn led có pin charge, vừa nhẹ nhàng, vừa lâu hết pin, rất rẻ).
-Đi soi ếch, bồ có gặp ma không?
*Tui thì chưa thấy ma bao giờ nhưng nghe người lớn kể chuyện ma; dù chỉ đi theo anh hai tôi để xách đục hoặc xách giỏ và thủ một cái chỉa đùm phòng khi gặp rắn; lắm lúc tui cũng thấy rờn rợn khi đi ngang các đám mả đất, thấp lè tè…vì có thể có ma trơi…
-Ghê quá!
*Mà ba tui thường nói “Đức trọng quỷ thần kinh”. Người có đức, ma quỷ cũng phải sợ người ấy. Người sống hữu hình còn khó làm hại nhau, huống chi hồn ma dật dờ vô hình…làm sao “nhát” hay hại mình được? Người lớn thì nói vậy, còn con nít bọn mình…nghe chuyện ma rồi…hết dám đi soi ếch, câu đêm… vắng vẻ một mình luôn…
-Kìa! Kìa! Cái phao của bồ nhịp nhịp…chắc là cá trê …coi chừng giật đó!
Thế mà đã hơn sáu mươi năm trôi qua! Sáu mươi năm mà thời gian vùn vụt qua nhanh, ngỡ ngàng như trong giấc mộng!...
Về họp mặt bạn cũ, ôn lại những kỷ niệm của một thời thơ ấu xa xưa, lòng chạnh bồi hồi khôn tả! Bạn bè giờ đà ly tán cả. Có đứa ở xa lắc phương trời. Có người rêu phong cùng cát bụi, ôm tuổi trẻ, quên đời. Nam nữ đều ở tuổi U80, da mồi tóc bạc, đi đứng lụm cụm khó khăn. Ai cũng đeo trên vai gầy một số căn bệnh tuổi già để chờ ngày “ đoàn tụ” với người thân, ở bên kia thế giới mới. (Mà nói cho “oách” là “đi Đứt”, hay “đứt bóng” …vậy mà! Còn gặp nhau là còn trẻ trung, còn rộn rã những tiếng cười thân ái, còn sống lại những kỷ niệm thương mến đã tàn héo từ lâu…Rồi đây, biết năm sau và những năm sau nữa, ai còn - ai mất? Số mệnh tất định, khôn lường. Tuổi già như ngọn đèn sắp hết dầu, chập chờn trước gió, vụt tắt vô chừng. Giây phút tương phùng của bạn già…thật là trân quý biết bao!
Còn chăng  cơ hội, hạnh ngộ ngày vàng?
Chuyện ngày xưa… cánh hoàng hôn không đợi!
Tuổi thơ bay nhanh, trời xanh mây nổi,
Tái tê lòng, khắc khoải, cuối trời quên…
Tâm hồn tôi cứ bâng khuâng xao động, trong ngậm ngùi tiếc nhớ, miên man…
Quê hương giờ đang chuyển mình thay đổi toàn diện, từng ngày. Những tài nguyên thiên nhiên, gắn liền với những cánh đồng mênh mông của một thời thơ ấu hơn sáu mươi năm trước, giờ đã cạn kiệt do khai thác, đánh bắt một cách bừa bãi; tàn diệt môi trường một cách thiển cận, nhẫn tâm, vô ý thức. Nếu kể về chuyện ếch- cá của quê mình, thuở ấy, con cháu bây giờ và sau nầy, chắc chúng khó lòng hình dung được. Những chuyện câu cá thời thơ ấu đó…có thể chỉ còn là những chuyện xưa tích cũ lỗi thời…
-Bồ còn nhớ mẩu chuyện vui nào, hồi đó không? Đã chìm sâu hơn sáu mươi năm rồi… xa lắc!
*Ừa! Hơn sáu mươi năm! Thời gian nhanh quá! Chuyện như mới ràng ràng đây thôi…trong chớp mắt, phút chốc…tụi mình đã lẩn thẩn, mang thân già lụm cụm!…Chuyện câu cá ấn tượng, sao mà quên được! Nhớ hoài:
“Lúc đó, vào một buổi sáng nghỉ lễ, tui cùng một tốp bạn ra cánh đồng loáng nước, bắt cua. Có một anh bạn ở Chợ Lớn mới chuyển về, cũng muốn nhập bọn đi bắt cua cho biết. Đến nơi, chúng tôi cứ để chân trần, ùn ùn lội trong rỗng nước của đám đất chưa cày lật, ngập đến nửa ống chân. Nước ruộng trong veo màu-vàng-nâu-cỏ-cháy. Nghe tiếng động, cua ở trong rỗng nước chạy ngời ngời về phía trước mặt mình như trò chơi đuổi- bắt. Khi thấy cái khuôn nhỏ, vuông vuông, màu tím-trắng có vân, chạy trước mặt mình, đó đích thị là một con cua, thế là thò tay chụp nó, tóm nó theo bề dọc các ngoe, hay nắm hai bên cái mai, tránh hai cái càng ra, bắt bỏ vào giỏ là xong. Hoặc là lấy chân đạp nhẹ, giữ nó lại trong chân rồi cẩn thận thò tay bắt lấy. Nếu không biết cách bắt lấy, ngón tay mình có thể bị cua kẹp, đau điếng.
Nếu không biết cách bắt lấy, ngón tay mình có thể bị cua kẹp, đau điếng.



 Đang hăng say vào cuộc săn lung cua, bỗng nghe một tiếng la thảm não, vang lên: “Ui da!”. Cả bọn ngoái nhìn thì thấy nạn nhân là anh bạn mới đang nhăn nhó, để thấy một con cua mới lớn kẹp sâu vào ngón tay út.
-Ui da!  Đau quá!
Tui liền chạy lại cứu. Lính quýnh, khó có thể bẻ càng cua. Tui liền nắm cả bàn tay dính cua của bạn, đặt nhanh xuống mặt nước; theo kinh nghiệm dân gian; khắc cua sẽ nhả càng ra, bôn tẩu. Mà quả như thế thật! Nhưng nó có chạy đâu cho khỏi tay tui. Nó vừa rời khỏi tay anh bạn là nó liền nằm gọn trong tay tui.
-Mi sắp hóa kiếp mà còn bướng bỉnh, làm tàng, sức mấy mà giỡ trò anh hùng rơm! Ta cho mi biết tay! Đồ ngang ngược!
Thế là tui vụt mạnh nó vào giỏ của bạn. Nó nằm cong queo. Quả là bạn chưa biết cách bắt cua. Ngón tay út ngòi viết của bạn ấy khuyết sâu, rướm máu.
-Có ai có dầu gió không?
-Có dầu cù là Mác-su nè!
-Một chút hết liền hè!
-Sao không để ý? Bắt dứt khoát, cẩn thận, tránh càng nó ra!
-Ha ha…bắt cua, cua kẹp, bắt rùa rùa bơi!
-Thôiđi bạn! Cô dạy là người ta đang bị rủi ro, ngoài ý muốn, chớ nên “cười” mà tội nghiệp!
-Cười người chớ khá cười lâu,
Cười người bữa trước, bữa sau người cười
- Chớ nên châm chọc bạn nhé!…
-À! Có phải chuyện bạn “Ngà cua kẹp” không?  
-Nhưng tiếp sau đó còn tiếp liền một chuyện vui nữa, đúng không?
* Ờ! Ngà cua kẹp sau đó một lúc, tự nhiên lại la “oái oái!” nữa, rồi ba chân bốn cẳng chạy té nước, quăng cả đục cua.
-Có chuyện gì vậy?. Mặt tái mét, Ngà nói trong hơi thở hổn hển đứt quảng:
-Kinh khủng…Thấy ghê quá!
-Chuyện gì? Ở đâu?
-Đằng …kia cà! Không hiểu chuyện gì xảy ra mà bạn lại “khiếp vía” đến thế. Mãi sau bạn mới nói:
-Con ếch… 
-Có con rắn ở đó phải không?
-Không phải rắn! Sợ…lắm!
- ???
-Có con ếch mẹ…cõng…con ếch con!
Cuối cùng hóa ra là một cặp ếch tìm được nhau quá muộn trong “chợ tình”, đang say sưa làm cái chuyện “ái ân quên trời đất, yêu nhau quá muộn màng”. Ngà là dân thành phố mới về, lần đầu mới thấy nên mới lạ lẫm, sợ hãi, trong ngớ ngẩn, buồn cười…”
…..
-Bồ kể tui mới nhớ một chuyện khác:
“Hồi đó, chiều tối tui thường đi ra ruộng cắm câu. Sáng sớm tui háo hức, lon ton đi thăm câu, bắt cá về…Sao có một đầu cần câu bị kéo sát mặt nước? Dây nhợ kéo nghe nằng nặng, rối vòng trong bụi lúa. “Chắc là đã dính một anh “cá lóc” to đây”, tui nhủ thầm.. Khi lui cui nhổ cần, kéo lên … thấy một phần da bông bông cục cựa, loáng thoáng trên mặt nước nhiều cỏ. “Đúng là một con cá lóc to”. Sợ sẩy thì uổng, tui hồi họp, lấy hai tay chộp vào chỗ da bông bông đó, tóm nó kéo lên. “Oái! Con rắn!”, tui buông tay, hào hễn bỏ chạy thật xa…Một lúc lâu định thần mới quay lại, nện cho nó mấy cây cần câu cắm, nó mới “ngay đơ cán cuốc”…rồi cứ để nguyên lưỡi và nhợ câu…mà cho vào giỏ. Hóa ra là một con rắn ri cá khá to. Chuyện hi hữu là vầy. Cái cần câu đó đã dính sẵn một con cá rô nhỏ trước đó rồi, con rắn ri cá lại đến xơi con cá rô đó, nên nó mới dính câu luôn. Sự việc hồi họp, buồn cười, trớ trêu, làm mình muốn “lên ruột” (4), Thật là con mắt tráo trưng quá! Hi hi… Mà bồ kể nốt chuyện kia đi!”
…..
* Do Cơ duyên thôi! Cũng là chuyện câu cá! Lần đó đi câu, tui bắt được một con cá lạ, hình như cùng họ hàng với cá Nược! (5)
-À! Cá Nược, loại cá có vú ở sông Vàm Cỏ Đông. Mà bồ câu cá đó, ở đâu vậy?
* Đích thị chỉ có ở quê mình… được một “ cá Ngần” tuyệt đẹp!
- Ồ! Cá Ngần Cá Ngân Long mà, loại cá cảnh quý hiếm? Khối tiền đó! Bồ có đem bán cho ai không?
...được một cô cá “Ngần” tuyệt đẹp!





*“Chim trời cá nước” mình có duyên kiếm được là để nuôi…chớ bán cho ai. Trời đãi cho mình mà!
-Rồi nó có sinh sản gì không?
* Có chớ! Sinh sản được 6 lứa, mà sao mỗi lứa chỉ có …một con hè!
-Thật là cơ duyên đó! Mà bồ nuôi nó được bao lâu?
*Nhờ Trời…nó rất dễ nuôi…Đến nay đã được tám lần sáu năm rồi…mà còn tiếp tục nuôi nữa đó!
- ??? Ha ha…Tám lần sáu năm; sáu lứa, sáu con; tên là cá Ngân long hả…À à!...Biết tỏng rồi! Hóm hỉnh, ví von, ngoắt ngoéo… tự trào mà! Tình sử của “chàng và nàng”... mà mình cứ ngỡ …là “chuyện câu cá”.
* Ha  ha!...

·        Ngân Triều

----------------------------------------------------------------------------------------------------
Ghi chú:
(4) là sợ hãi cao điểm
(5) Ở đây nói quanh co, tung hỏa mù để người đối thoại khó đoán. Thực ra Cá Ngần và cá Nược không giống nhau và ở Sông Vàm Cỏ Đông chỉ có cá Nược, cá có vú, không có cá Ngần.




Cảm tác khi đọc    Chuyn  caâu  caù “ của Ngân Triều
                                Sao  mình  cöù  caâu 
       Soøng  ñôøi   ngoàn  ngoän  hö  vinh ,
                                  Dö  ba  bieån  moäng ,  sao  mình  mải caâu  ?
Traûi   qua  moät  cuoäc  beå  daâu ,
         Nhöõng  ñieàu  troâng  thaáy  maø  ñau  ñôùn  loøng(*)
                                                                      Nguyeãn  Nam


Dư ba biển mộng, sao mình mải câu?

Sao  mình  maaõi  caâu 
        Sòng đời ngồn ngộn hư vinh,
Dư ba biển mộng, sao mình mải câu?
“Trải qua một cuộc bể dâu,
              Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” (*)
                                                               
                                                            Nguyễn Nam
                                                              CHS Tây Ninh - SPS khóa 2,
                                       
                                                  (*) ĐTTT- Nguyễn Du, câu 3-4







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét