Thứ Tư, 5 tháng 11, 2014

Vĩnh biệt Nhạc sĩ Văn Giảng ! / Bài tưởng niệm của 1 người học trò cũ/ Viễn Phương chuyển

                                                "Ai về Sông Tương" 
                                             


Thầy Ngô Văn Giảng vừa tạ thế tại Úc, hưởng thọ 89 tuổi. Tin buồn loan ra, tôi bâng khuâng nhớ về 54 năm trước, năm 1959, thầy là giáo sư âm nhạc của chúng tôi tại trường Hàm Nghi, Huế. Thuở ấy, thầy mới ngoài 30, dáng điệu phương cường, đi chiếc xe gắn máy hiệu Zunndapp của Đức nổ bịch bịch nổi bật cả sân trường.
 
Tôi còn nhớ ngày đầu tiên khi Thầy bước vào lớp đệ Thất B1 của chúng tôi, trò Trương Phước Ni bắt tay làm loa đứng dậy chào thầy bằng câu: “Đường trường xa muôn vó câu bay dập dồn…” Thầy cười rất tươi cho cả lớp, nhưng cũng lâp nghiêm nhìn chú học trò rắn mắt ở dãy bàn cuối lớp. Đây là câu mở đầu của hùng ca Lục Quân Việt Nam, một trong những bài ca mang tiết điệu hành khúc, hùng tráng nổi tiếng nhất của Thầy – nhạc sĩ Văn Giảng – như Thúc Quân, Đêm Mê Linh, Qua Đèo, Nhảy Lửa
 
Thầy đã là một nhạc sĩ thành danh, nổi tiếng trong cả nước, trước khi trở thành giáo sư âm nhạc của trường Hàm Nghi. Nhưng nhiều người chỉ biết Văn Giảng qua những bản hùng ca. Bởi thế, vào mấy năm đầu thập niên 1950, khi bản nhạc để đời của Thầy, Ai Về Sông Tương, trở thành một bản tình ca thời danh với tên tác giả là Thông Đạt có lẽ ít ai để ý rằng, trong góc khuất của những tâm hồn nghệ sĩ thì bên cạnh nhịp đời hào hùng vươn tới vẫn có tiếng thở dài chan chứa điệu buồn.
 
Hai niên khóa học với nhạc sĩ Văn Giảng, tôi thích học nhạc thì ít mà mê Thầy kể chuyện thì nhiều. Cứ mỗi cuối giờ, Thầy có một câu chuyện kể về các giai thoại âm nhạc. Thích nhất là những chuyện thâm cung bí sử của những nghệ sĩ âm nhạc tài hoa. Chẳng hạn như bản nhạc Ngày Về của Hoàng Giác, Thầy xướng âm lên và phân tích cho chúng tôi nghe rằng, tiết điệu của bài ca đó có những trường canh trãi dài xa vắng và âm hưởng thương nhớ quặn lòng “rất Tây Phương” vì đây là bản nhạc do một người lính Đức trong đội quân viễn chinh của Pháp viết lên giai điệu. Nhạc sĩ Hoàng Giác chỉ soạn ca từ… Hoặc như bản nhạc Trầm Hương Đốt của Bửu Bác, xuất xứ là bài Hải Triều Âm. Đây là một trong những bản nhạc nghi lễ đầu tiên dùng trong sinh hoạt chùa viện đã bứt phá từ giai điệu ngũ âm “Đăng Đàn Cung” để tiến lên bát cung của phương Tây. Bởi vậy mà ảnh hưởng âm điệu “thánh ca nhà thờ” như âm vang trầm trầm không cao không thấp quá tầm uyển thanh của organ thể hiện rất rõ trong giai điệu của bản nhạc.
 
Nhưng thú vị hơn cả là lịch sử bản nhạc Ai Về Sông Tương. Thầy kể rằng, thời trai trẻ, Thầy ở Thành Nội và yêu một cô gái ở Kim Long – Kim Long có gái mỹ miều; trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều trẫm đi… mà – nhưng duyên không thành vì gia đình nho phong của cô bé không có cái nhìn thiện cảm với đời nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ trong ngành âm nhạc, xướng ca… Thế là chia tay và cô bé đi lấy chồng!
 
Rồi một hôm, Thầy vào rạp Xi-nê Tân Tân, gần cầu Trường Tiền bên bờ Bắc sông Hương để coi phim “Bé Nhà Trời” (Les enfants du paradis). Ngay trước mắt Thầy, ờ hàng ghế trước có một cô Bé tóc dài. Tuy nhìn không rõ mặt nhưng từ dáng dấp đến hương tóc thoang thoảng mùi hoa Ngâu của người thiếu nữ đã làm sống lại hình ảnh người tình Kim Long “ngày xưa Hoàng Thị” ấy. Thầy bị xúc động đến nỗi không thể còn ngồi lại lâu hơn trong rạp chiếu bóng để xem phim, nên vội vàng ra khỏi rạp. Thầy cỡi chiếc xe đạp Dura Mercier của Thầy và đạp xe dọc theo bờ sông Hương để vô cửa Thượng Tứ vào nhà ở Thành Nội. Thoáng chốc dòng sông Hương hiện ra như là dòng sông Tương chia biệt trong truyện tình cổ thư Trung Quốc. Thầy vừa đến nhà là dựng ngay chiếc xe đạp ngoài hiên, đi nhanh vào nhà và vội vã sáng tác bản nhạc bằng tất cả sự hoài niệm và háo hức nghệ thuật với sự chấn động dị thường như phép lạ hóa thân. Bản nhạc Ai Về Sông Tương được viết ra trong vòng mười lăm phút!
 
Sau đó, Thầy bí mật ký tên là Thông Đạt và chép một bản gởi ra đài phát thanh toàn quốc là đài Pháp Á ở Hà Nội. Mấy hôm sau, Mạnh Phát vừa là nhạc sĩ vừa là ca sĩ đã hát bản Ai Về Sông Tương lần đầu trên đài Pháp Á Hà Nội. Bản nhạc sáng tác năm 1949 đã nhanh chóng nổi tiếng trong toàn cả nước. Đã trải qua hơn 60 năm, những mối tình đã cũ, những hẹn hò thuở răng trắng tóc xanh đã thành “răng long đầu bạc”. Nhưng Ai Về Sông Tương vẫn mới như thời gian là nước chảy qua cầu, vẫn còn là tiếng lòng tình tự của những đôi tình nhân ước hẹn không thành. Bản nhạc với một giai điệu thướt tha lãng mạn, lời lẽ đậm nét hoài niệm trữ tình làm dậy lên nguồn tình cảm sướt mướt, mượt mà mà rất “sang” ấy như một dòng suối tươi tắn, mát dịu trong một hoàn cảnh tạm hồi sinh sau cuộc chiến:
 
Ai có về bên bến sông Tương
Nhắn người duyên dáng tôi thương
Bao ngày ôm mối tơ vương
Tháng với ngày mơ nhuốm đau thương
Tâm hồn mơ bóng em luôn
Mong vài lời em ngập hương...
 
Cũng theo lời Thầy vui vui kể chuyện rằng, Mạnh Phát, là bạn thân của Văn Giảng, đã nhờ Văn Giảng đến nhà ấn hành tân nhạc gần như độc nhất thời bấy giờ là nhà xuất bản Tinh Hoa ở Huế do ông Tăng Duyệt làm giám Đốc để hỏi cho ra Thông Đạt là ai ngay sau khi bản nhạc phát trên đài Pháp Á. Thầy tảng lờ như không hay biết. Nhưng mãi đến ba tháng sau thì tông tích của Thông Đạt mới được tiết lộ. “Mạnh Phát vô Huế chơi khi biết tui là Thông Đạt, hắn đấm lưng tui thùi thụi như rứa thì thôi!” Thầy Văn Giảng cười vui kể lại.
 
Một lần trong giờ học nhạc, trò Nguyễn Xuân Huế là tay đọc tiểu thuyết đệ nhất trong lớp hỏi Thầy: “Thưa Thầy, tại sao mình có sông Hương, mình cũng có Hương giang đầu, Hương giang vỹ mà Thầy lại phải vay mượn sông Tương của Tàu như rứa ạ?”. Thầy trả lời, đại khái là tại sông Hương chưa có chuyện tình nào nổi tiếng trong tình sử như sông Tương. Tương Giang là một con sông ở Trung Hoa, bắt nguồn từ núi Duyên Hải, chảy qua Hồ Nam dài hơn hai ngàn dặm. Còn ý “ai về sông Tương” của Thầy trong bản nhạc là bắt nguồn từ cảm hứng của bốn câu thơ tình sử trích từ khúc Trường Tương Tư của nàng Lương Ý, đời Hậu Chu. Nàng và Lý Sinh yêu nhau say đắm nhưng phải chia tay. Nàng làm thơ mong gửi gấm nguồn tâm sự đau khổ khi phải xa cách người yêu:
 
Quân tại Tương Giang đầu
Thiếp tại Tương Giang vĩ
Tương tư bất tương kiến
Đồng ẩm Tương Giang thủy
 
**
(Chàng ở đầu sông Tương
Thiếp ở cuối sông Tương
Nhớ nhau không thấy mặt
Cùng uống nước sông Tương)
 
Trong những ngày phong trào đấu tranh Phật giáo xẩy ra tại Huế năm 1963, có lần tôi gặp Thầy trên con đò Thừa Phủ, Thầy nói là lên chùa Từ Đàm nhưng đường sá trở ngại phải đi đò sang sông rồi đi bộ lên chùa. Khi đò ra giữa sông tôi nghịch ngợm hỏi Thầy: “Thưa Thầy, đã có ai về sông Tương chưa ạ?” Thầy cũng cười đáp lại: “Đối với tôi thì sông Tương là sông Hương. Tôi chỉ mong cuối đời về lại con sông này…” Ngày đó và bây giờ, tôi tự hiểu khái niệm “cuối đời về lại” của Thầy là linh khí của con người luân lưu sống giữa hồn thiêng sông núi. Nếu vậy, thì hôm nay Thầy đã về sông Tương.
 
Đó là lần cuối tôi gặp Thầy Văn Giảng. Nhưng sau đó không lâu, tôi lại được “gặp” Thầy qua một tác phẩm mang tính chất đạo ca của khách hành hương mà tôi đã gặp trên chuyến đò Thừa Phủ: Nhạc phẩm Từ Đàm Quê Hương Tôi. Lần nầy Thầy để tên tác giả là Nguyên Thông. Bản nhạc tuy được liệt vào thể loại nhạc tôn giáo nhưng cả giai điệu lẫn ca từ đã vượt ra ngoài khuôn khổ giới hạn của văn hóa chùa viện. Cảm quan nghệ thuật sáng tạo của người nhạc sĩ tài hoa đã dung hóa được tính chất tráng liệt của hùng ca như Thúc Quân, Lục Quân Việt Nam, làn điệu mượt mà lãng mạn của tình ca như Ai Về Sông Tương, Ai Đưa Con Sáo Sang Sông và biểu tượng thiêng liêng, siêu thoát của đạo ca như Mừng Đản Sanh, Ca Tỳ La Vệ, Từ Đàm Quê Hương Tôi:
 
Quê hương tôi miền Trung
Sớm hôm chuông chùa nhẹ rung
Tiếng muôn đời hồn tổ tiên kiêu hùng
Ôi uy nghiêm bóng chùa Từ Đàm
Nơi yêu thương phát nguồn đạo vàng
Qua bao giông tố chùa Từ Đàm tôi vẫn còn…
 
Những nhạc sĩ tài hoa của nền tân cổ nhạc Việt Nam thuộc thế hệ Chiến Tranh Việt Nam lần lượt ra đi. Nghệ thuật và người nghệ sĩ đến với đời và ra đi không bằng tấm vé một chiều. Tác phẩm để lại cho thế hệ kế thừa sẽ làm cho con đường sáng tạo nghệ thuật rộn ràng và phong quang hơn. Với hơn 50 tác phẩm âm nhạc phong phú giá trị nghệ thuật để lại cho đời, nhạc sĩ Văn Giảng đã cống hiến phần tinh hoa lớn nhất của đời mình vì lợi lạc của tha nhân mà các nhà tu Phật giáo thường gọi là “công hạnh viên thành”. Thế hệ đàn em, học trò như chúng tôi có điểm tựa tinh thần đáng tự hào cùng tấm lòng trân trọng trong giờ phút tưởng niệm và bái biệt Thầy.
=========================================
Phần 2


                       Vĩnh biệt Nhạc sĩ Văn Giảng                                Phượng Hoàng - SBS Úc Châu - 20th May, 2013
Nhạc sĩ (Ngô) Văn Giảng qua đời hôm qua 9/5/13 tại Melbourne, thọ 89 tuổi, thì không lâu sau đó vợ ông, bà Bạch Đẩu cũng đã theo chồng.
Ông là tác giả của khoảng 600 ca khúc, thuộc nhiều lứa tuổi, từ thiếu niên nhi đồng đến trai tráng buớc vào đời quân ngũ.
Tên ông đi liền với những giai điệu dìu dặt và nét đẹp lãng mạn thời tân nhạc Việt Nam còn chập chững.
Bên cạnh đó là các bài hát hừng hực lòng yêu nuớc mà thanh niên miền Nam truớc năm 1975 nhiều người thuộc nằm lòng.
Phượng Hoàng nhìn lại cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Văn Giảng: MP3
                                      
                               
                         
                                  
                                         (Nguồn: website của Nhạc sĩ Lê Dinh)
       Tiểu Sử Nhạc Sĩ Văn Giảng (bài viết của Nhạc Sĩ Lê Dinh
                                       
                                Nhạc sĩ Văn Giảng/Thông Đạt (1924-2013)
Đường trường xa muôn vó câu bay dập dồn
Đoàn hùng binh trong sương lướt gió reo vang
Đi đi đi, lời thề nguyền, tung gươm thiêng, thi gan trai
Đời hùng cường quyết chiến đấu đoàn quân ra đi...
Trên đây là lời ca 8 trường canh đầu của bài hành khúc "Lục Quân Việt Nam" của Văn Giảng mà mọi người Việt Nam, từ cậu học sinh đến anh tân binh ở quân trường cũng như tất cả quân nhân Việt Nam Cộng Hòa đều biết. Bài hát được tác giả viết vào năm 1950 với cung Ré trưởng, khi được đồng ca bởi một số đông người, đem lại cho người nghe một cảm giác như hăng say cương quyết, như nung chí anh hùng:
... Phá tan tành ầm ầm đoàn quân xông pha
Thét oai linh tung gươm giết tan quân thù
Đoàn hùng binh say sưa nhìn trong trời sương
Ta anh hùng đời đời lục quân Việt Nam...
Nhạc sĩ Văn Giảng sinh ngày 12 tháng 5 năm 1924 tại Huế trong một gia đình trung lưu. Thừa hưởng năng khiếu thiên phú gia tộc về âm nhạc vì ông nội của Văn Giảng cũng là một nhạc sĩ cổ nhạc rất giỏi cho nên Văn Giảng cũng có khiếu về âm nhạc từ lúc nhỏ và ngày còn bé, nghe người ta chơi một loại nhạc khí nào là ông có thể về mò mẫm tự học lấy và thành công trong việc xử dụng loại nhạc khí đó. Cũng như mọi người thích âm nhạc và quyết tâm chơi nhạc, loại đàn dễ học nhất cho mọi người là đàn mandoline, nhạc sĩ Văn Giảng cũng vậy, khi bắt đầu ông học đàn măng cầm và sau đó lần đến lãnh vực tây ban cầm.
Có một người bạn lớn tuổi hơn ông biết đàn tây ban cầm, Văn Giảng muốn tầm sư học đạo, đến nhà ông này để nhờ chỉ dạy nhưng người này bắt ông phải trả công bằng một cây đàn guitare. Làm gì có tiền ở lứa tuổi còn nhỏ ? Văn Giảng về nhà tìm tòi tự học lấy và chỉ một thời gian sau, ông vượt qua tài nghệ của ông "thầy hụt" kia và ông này phải nhờ Văn Giảng chỉ lại cho. Nhờ có biệt tài như vậy mà nhạc sĩ Văn Giảng có thể xử dụng rành rẽ nhiều nhạc khí cổ kim, trở thành một nhạc sĩ tài giỏi và đào tạo rất nhiều môn sinh có trình độ sau này.
Không những chỉ trong lãnh vực âm nhạc mà thôi, nhạc sĩ Văn Giảng còn nổi bật trong lãnh vực văn hóa, mọi thứ, mọi việc ông đều tự học như vừa làm giáo sư âm nhạc ở Huế, ông vừa tự học để rồi sau đó lặn lội vào Saigon thi lấy bằng tú tài và bằng cử nhân.
Ông tốt nghiệp Anh văn ở Hội Việt Mỹ và trúng tuyển cuộc thi tuyển sinh viên nghiên cứu về âm nhạc ở ngoại quốc, được xuất dương du học tại trường Âm nhạc lớn của Hoa Kỳ ở Hawaii và Bloomington. Ở Hoa Kỳ, Văn Giảng đã tốt nghiệp với lời khen của Ban Giám khảo và được cấp thêm học bổng để nghiên cứu bậc cao học âm nhạc. Sau đó ông trở về nước và được đề cử làm Giám đốc trường Quốc gia Âm nhạc Huế.
Phần đông những sáng tác của nhạc sĩ Văn Giảng thuộc loại hùng ca như "Thúc Quân" (1949), "Lục Quân Việt Nam" (1950), "Đêm Mê Linh" (1951), "Quân Hành Ca" (1951), "Qua Đèo" (1952), "Nhảy Lửa" (1953) v.v... nhưng ít người được biết nhạc sĩ Văn Giảng còn có một biệt hiệu khác là "Thông Đạt" với ca khúc bất hủ "Ai Về Sông Tương" mà mọi người trong giới học sinh, sinh viên và ở lứa tuổi 40 trở lên đều biết:
Ai có về bên bến sông Tương
Nhắn người duyên dáng tôi thương
Bao ngày ôm mối tơ vương
Tháng với ngày mơ nhuốm đau thương
Tâm hồn mơ bóng em luôn
Mong vài lời em ngập hương...
Bài ca này được tác giả viết vào năm 1949 với cung La trưởng, uyển chuyển tha thướt trong phần lời lãng mạn, trữ tình, là một bản nhạc gối đầu giường, nằm lòng của thanh thiếu niên nam nữ trong những thập niên 50 - 60.
Về ca khúc này, có một câu chuyện khá thú vị như sau: Trong những thập niên 1940, 1950, ở Huế ai ai cũng biết ông Tăng Duyệt, giám đốc nhà Xuất bản Tinh Hoa Huế (xin đừng lẫn lộn với nhà xuất bản Tinh Hoa miền Nam ở Saigon do nhạc sĩ Lê Mộng Bảo làm giám đốc) in ấn và phát hành một số nhạc phẩm ít oi của thời đó.
Là nhạc sĩ, đương nhiên Văn Giảng chơi thân với ông Tăng Duyệt vì một số hành khúc của ông đều do nhà xuất bản Tinh Hoa Huế của ông Tăng Duyệt ấn hành. Một hôm trong lúc vui miệng, ông Tăng Duyệt có ngụ ý bảo rằng nhạc sĩ Văn Giảng chỉ viết được những bài hùng ca thôi còn về những bài tình ca không phải sở trường của Văn Giảng.
Nghe vậy hay vậy, không cần phải trả lời. Nhạc sĩ Văn Giảng về nhà, âm thầm lấy giấy bút viết bài "Ai Về Sông Tương", không ghi tên tác giả là Văn Giảng như mọi khi mà đề tên tác giả là Thông Đạt, một bút hiệu mới toanh trong làng tân nhạc Việt Nam thời đó. Bản "Ai Về Sông Tương" được tác giả Thông Đạt gửi đến các đài phát thanh ở Hà Nội, Huế và Saigon và cả nước đều nghe "Ai Về Sông Tương" của Thông Đạt trong thời gian sau đó:
... Thu nay về vương áng thê lương
Vắng người duyên dáng tôi thương
Mối tình tôi vẫn cô đơn
Xa muôn trùng lưu luyến nhớ em
Mơ hoài hình bóng không quên
Hương tình mộng say dịu êm...
Sau nhiều lần được nghe bài "Ai Về Sông Tương" quá hay trên làn sóng điện, qua các đài phát thanh, ông Tăng Duyệt gặp Văn Giảng và hỏi ở trong giới nhạc, Văn Giảng có biết Thông Đạt, tác giả bài "Ai Về Sông Tương" là ai không để ông thương lượng mua bản quyền xuất bản nhạc phẩm này nhưng Văn Giảng tảng lờ như không biết Thông Đạt là ai!
Rồi một hôm có hai người bạn trẻ của Văn Giảng là nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng, tác giả bài "Mùa Thi" (Thi ơi là thi, sinh mi làm chi, "bay" nghẹn ngào, "bám", ồn áo, buồn vui vì mi) và nhà văn Lữ Hồ tình cờ đến nhà Văn Giảng chơi và thấy bản thảo bài "Ai Về Sông Tương" với tuồng chữ và lối chép nhạc của nhạc sĩ Văn Giảng trong xấp nhạc trên bàn viết nên nói cho ông Tăng Duyệt biết. Ông này mới lái xe ngay tới nhà Văn Giảng và vài ngày sau đó, giới ngưỡng mộ tân nhạc mới có một ca khúc với thể điệu "Blues" tha thướt trong tay để mà ngân nga cho đỡ thương đỡ nhớ những khi trái tim rung động vì một bóng hình nào đó.

Nhạc phẩm "Ai Về Sông Tương" đã chiếm kỷ lục tái bản thời đó với 6 lần in thêm trong tháng đầu tiên và được thính giả Đài Phát thanh Pháp Á chọn là bài nhạc hay nhất trong năm 1949. Qua bút hiệu Thông Đạt, chúng ta còn được thưởng thức những sáng tác sau đây: "Đôi Mắt Huyền", "Hoa Cài Mái Tóc", "Tình Em Biển Rộng Sông Dài", "Xin Đừng Chờ Em Nữa" v.v...
Ngoài hai bút hiệu trên, Văn Giảng - Thông Đạt còn một bút hiệu thứ ba để sáng tác những bài Phật giáo. Đó là bút hiệu Nguyên Thông được dùng để ghi trên những nhạc phẩm như "Từ Đàm Quê Hương Tôi", "Mừng Đản Sanh", "Ca Tỳ La Vệ", "Vô Thường", "Hoa Cài Áo Lam" v.v...
Trong thời gian làm nhạc trưởng Đài Phát thanh Huế và giáo sư âm nhạc tại các trường Trung học Hàm Nghi, Quốc Học và trường Sư phạm đào tạo giáo viên Tiểu học, nhạc sĩ Văn Giảng có sáng tác và ấn hành một tập nhạc dành cho thiếu nhi mang tên :"Hát Mà Học" gồm có 10 ca khúc: Đến Trường, Chơi Ná, Chê Trò Xấu Nết, Mèo Chuột, Tham Mồi, Gương Sáng Lê Lai, Quang Trung Hùng Ca, Trăng Trung Thu, Chúc Xuân và Tạm Biệt.
Cũng trong lãnh vực âm nhạc, nhờ xuất thân từ một gia đình có truyền thống âm nhạc, Văn Giảng thích tìm tòi và nghiên cứu nhạc cổ truyền Việt Nam. Năm 1956, ông đã tìm ra phương pháp ký âm cho nhạc sĩ cổ truyền có thể nhìn bài bản mà trình tấu chung với nhạc sĩ tân nhạc và từ đó, ông thành lập ban cổ kim hòa điệu "Việt Thanh", một ban nhạc đầu tiên trong nước dưới hình thức tân cổ hòa điệu với những nhạc khí tranh, tỳ, nhị huyền, nhị hồ, đàn nguyệt... hoà tấu chung với dương cầm, tây ban cầm, đại hồ cầm...
Trong phạm vi này, ông đã hoàn thành tác phẩm độc đáo "Ai Đưa Con Sáo Sang Sông", một bản đại hòa tấu, thời lượng 60 phút, trình diễn bởi các nhạc sĩ cổ truyền. Ông cũng đã soạn nhiều sách giáo khoa về âm nhạc, hoàn thành quyển "Kỹ Thuật Hoà Âm" dày 350 trang được dùng làm tài liệu dạy âm nhạc ở các trường.
Sau Tết Mậu Thân 1968, cảm thấy sinh sống ở Huế bất an - ông Tăng Duyệt, bạn thân của ông, đã chết trong biến cố này - nhạc sĩ Văn Giảng vào Saigon lập nghiệp từ năm 1969 và ông nhanh chóng hòa hợp với nhịp sống âm nhạc của thủ đô, soạn hòa âm cho hãng đĩa Asia - Sóng Nhạc, dạy nhạc tại trường Quốc gia Âm nhạc Saigon, tham gia sinh hoạt ca nhạc ở đài phát thanh, đài truyền hình.
Cũng trong thời gian này, một số nhạc phẩm tình cảm với bút hiệu Thông Đạt của ông được thành hình và tung ra thị trường. Đồng thời, Văn Giảng được Bộ Văn Hóa Giáo Dục đề cử làm Trưởng Phòng Học Vụ Nha Mỹ Thuật, đảm trách học vấn của các trường Âm nhạc Saigon, Huế và các trường Cao đẳng Mỹ thuật.
Năm 1970, ông được huy chương vàng giải Văn học Nghệ thuật của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa (âm nhạc loại A) với sáng tác phẩm "Ngũ Tấu Khúc" (Quintet for Flute and Strings). Cùng năm này, ông được chỉ định làm Giám đốc Nghệ thuật điều hành Đoàn Văn nghệ Việt Nam gồm 100 nghệ sĩ tân cổ nhạc và vũ, ban vũ do nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ phụ trách, ban vũ cổ truyền đại nội Huế do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba điều khiển, để tham dự Hội chợ Quốc tế Expo 70 tại Osaka (Nhật Bản).
Sau 1975, nhạc sĩ Văn Giảng kẹt lại Việt Nam cho đến năm 1981 mới vượt biên đến đảo Natuna (Nam Dương) và sau đó được chuyển đến đảo Pulau Galang. Ở đây, trong 6 tháng, Văn Giảng sáng tác được một số bài nói lên thân phận lạc loài của người dân mất nước mà bài đầu tiên là "Natuna người tình đầu" cùng một số 70 ca khúc khác.
Ngày 20/5/1982, Văn Giảng định cư tại Úc, ở đây, ông tiếp tục con đường âm nhạc, soạn và xuất bản nhiều sách nhạc lý như cách dùng hợp âm, tự học tây ban cầm, hòa âm, sáng tác, học hát, học đàn v.v...
Ở đây, ông cũng đã sáng tác thêm nhiều tình khúc như: 12 tình khúc (Tập I), 12 Tình Khúc (Tập II) v.v... Những ai thiết tha với tân nhạc, muốn đi sâu, tìm hiểu hơn về sáng tác và hòa âm hoặc muốn trau dồi việc xử dụng các nhạc khí kim cổ, thiết nghĩ không gì bằng tìm các sách giáo khoa của nhạc sĩ Văn Giảng để đi đến nơi đến chốn. Văn Giảng hiện cư ngụ ở thành phố Footscray, bang Victoria (Úc Châu), điện thoại: (03) 9689-9623.
Ngoài một gia sản âm nhạc đồ sộ, từ những hành khúc hùng dũng đến những cung bậc uyển chuyển lả lướt của những bài tình ca qua những điệu nhạc vui tươi yêu đời dành cho thiếu nhi và những ca khúc uy nghiêm về Phật giáo, nhạc sĩ Văn Giảng còn đóng góp trong việc phổ biến âm nhạc Việt Nam ở hải ngoại với một số lượng đáng kể về sách dạy nhạc viết bằng Việt ngữ và Anh ngữ, chẳng những dành cho thế hệ trẻ Việt Nam ở hải ngoại mà cho cả người ngoại quốc muốn học hỏi và tìm hiểu về nền âm nhạc Việt Nam.
Một con người giản dị, khiêm nhường, không thích phô trương với một gia tài âm nhạc to lớn như thế của mình ẩn náu nơi một góc trời Đông sau ngày mất nước quả thật là một người đáng kính nể, đáng tôn thượng trong làng âm nhạc Việt Nam.
Lê Dinh
                           
                                          (Từ bìa sau của bản nhạc "Hoa Cài Mái Tóc")
                           
 
Ai Về Sông Tương - Thông Đạt
Ai có về bên bến sông Tương,
nhắn người duyên dáng tôi thương,
bao ngày ôm mối tơ vương.
Tháng với ngày mờ nhuốm đau thương,
tâm hồn mơ bóng em luôn,
mong vài lời em ngập hương.
Thu nay về vương áng thê lương,
vắng người duyên dáng tôi thương,
mối tình tôi vẫn cô đơn.
Xa muôn trùng lưu luyến nhớ em,
mơ hoài hình bóng không quên,
hương tình mộng say dịu êm.
Bao ngày qua, Thu lại về mang sầu tới
Nàng say tình mới hồn tôi tơi bời,
nhìn hoa cười đón mừng vui duyên nàng:
Tình thơ ngây từ đây nát tan!
Hoa ơi! Thôi ngưng cười đùa lả lơi.
Cùng tôi buồn đắm đừng vui chi tình,
đầy bao ngày thắm dày xéo tâm hồn này
lệ sầu hoen ý thu.
Ai có về bên bến sông Tương,
nhắn người duyên dáng tôi thương,
sao đành nỡ dứt tơ vương?
Ôi duyên hờ từ nay bơ vơ,
Dây tình tôi nắn cung tơ,
rút lòng sầu trách người mơ!
              Tiếng hát: Tuấn Ngọc        Hà Thanh        Joe Marcel  
                             Tâm Hảo      Phạm Ngọc Lân    Tiếng kèn saxo: Lê Tấn Quốc  
Đôi Mắt Huyền - Thông Đạt
Tôi nhớ ngày qua
Xinh xinh cô em đôi mắt dịu hiền
Hồn đắm mơ say
Tim tôi rộn ràng tình đầu mong nhớ
Đôi mắt huyền mơ
Rung lên bên tôi đôi tim nhịp nhàng
Ngày tháng xuôi sang
Cô em hững hờ tình tôi thờ ơ!
Sương chiều buông rơi, thuyền tình chơi vơi
Lạc bờ bến, ngàn sầu đến!
Cung đàn ai đưa như than buồn đau thương
Ôi lâm ly tình vương!
Trong thời gian qua, chiều vàng phôi pha
Tình sầu dâng, nhạc sầu lâng!
Cung tình yêu đương, như se lòng đau thương
Ôi sắt se niềm thương!
Đôi mắt huyền ơi
Hay chăng tôi yêu say sưa nồng nàn
Đã mấy thu sang
Duyên em hững hờ tình anh thờ ơ!
Tiếng hát: Anh Ngọc   Thanh Lan   Sĩ Phú    Elvis Phương 
            
LỤC QUÂN VIỆT NAM  - Nhạc: Văn Giảng - Lời: Hương Việt
Ðường trường xa muôn vó câu bay dập dồn
Ðoàn hùng binh trong sương lướt gió reo vang
Ði đi lên! lời thề nguyền: tung gươm thiêng thi gan trai
Ðời hùng cường quyết chiến đấu đoàn quân ra đi.
Ðây đoàn quân ra đi nhịp nhàng mang theo
Thiên hùng ca thắm tươi trời Nam bốn phương.
Ta anh hùng muôn quân phá tan cuồng binh
Chí tang bồng mang theo khắp nơi tung hoành
Ðường trường xa ta quyết đi cho đến cùng
Nhịp trời mây đoàn quân cất bước đi mau
Nơi biên cương muôn quân theo loa thét vang quyết chiến thắng
Thề một lòng chung sức xây Việt Nam quang vinh.
Phá tan tành ầm ầm đoàn quân xông pha
Thét oai linh tung gươm giết tan quân thù
Ðoàn hùng binh say sưa nhìn trong trời sương
Ta anh hùng đời đời Lục Quân Việt Nam
Xa nhìn thấp thoáng trong mây
Muôn bóng quân Nam dập dồn
Xây thành vinh quang tiến lên
Muôn đời Lục Quân Việt Nam.
                             > MP3    > Youtube
                   
Thúc Quân - Văn Giảng
Dồn trong đêm vắng ngàn tiếng đồng loa vang lừng
Đầu người lô nhô sát theo bờ núi sông hò reo
Thấy tan trong khói mây tiến quân tiến quân theo
Nơi chốn sa trường dân Nam hồn thúc hoài vang đời
Việt Nam hận đời đời
diệt quân Nguyên quân lướt tới
thây kề thây
Máu tuôn rơi theo mộ đường
Mây nước chập chùng đi về đâu?
Việt Nam hận đời đời
diệt quân Nguyên quân lướt tới
thây kề thây
Máu tuôn rơi theo mộ đường
Mây nước chập chùng đi về đâu?
Nhìn theo hơi gió thoảng bóng quân Nam lướt đi
Thề cùng diệt tan giống tham tàn thúc quân vùng lên
Nơi đây đất nước Nam biết bao đấng anh linh
Đang dấn thân cùng cố tâm đền núi sông ơn nhà
               > Ban Hợp Ca Thăng Long
                
HOA CÀI MÁI TÓC - Thông Đạt
Mẹ Việt Nam mắt ngời sáng quắt
Nghe đâu đây tiếng vọng hòa bình
Lệ nhạt nhòa đôi mắt long lanh
nghe tin con vẫn còn ngày xanh
Một cành hoa em cài mái tóc
Anh đưa em qua quãng đường dài
Về thành đô anh may áo cưới
ta thương nhau xây dựng ngày mai
Ta yêu người, ta yêu đời,
ta yêu mình, tình mình đừng phai
Xin em đừng qua vùng cỏ hoang
Xin em đừng đến những nơi chim xanh hoan ca  
Cuộc tình nào không vào đam mê
Anh xin em giữ trọn lời thề
Tình mình nghèo người đời khen chê
Ta thương nhau giữ trọn tình quê
> Tiếng hát: Quốc Anh 
                                        Đôi Mắt Huyền (Thông Đạt) - tiếng hát: Sĩ Phú
                     Thương Tà Áo Bay (Thông Đạt - thơ: Nguyên Đàm) - tiếng hát: Hương Lan
                                      Sầu Ô Thước (Văn Giảng) - tiếng hát: Thái Thanh
                            Mừng Ngày Phật Đản (Nguyên Thông) - tiếng hát: Hà Thanh 
                             Từ Đàm Quê Hương Tôi (Nguyên Thông) - tiếng hát: Mỹ Thể
                          Tình Em Biển Rộng Đêm Dài (Thông Đạt) - tiếng hát: Duy Khánh
                               Mở Rộng Bàn Tay (Thông Đạt) - tiếng hát: Hà Thanh
                                  Xin Đừng Bỏ Nhau (Thông Đạt) - tiếng hát: Julie
                                 Qua Xứ Đèn Màu (Thông Đạt) - tiếng hát: Hà Thanh 
              Gặp Gỡ Nhạc Sĩ Văn Giảng do Nhóm Bạn Trường Kiểu Mẫu Thủ Đức Thực Hiện
                                                     Video 1             Video 2
  Đêm nhạc tưởng nhớ Nhạc Sĩ Văn Giảng Trung tâm Liễu Quán, Huế - 26/6/2013 video
   Từ Đàm Quê Hương Tôi - Tình Em Biển Rộng Sông Dài *       (Viết để tưởng nhớ người anh trong GĐPT và nhạc sỹ Văn Giảng/Thông Đạt - Bạch X. Phẻ)
Tuần trước nhà văn và hoạ sỹ Trần Thị Lai Hồng có chuyển tin về nhạc sỹ Văn Giảng (Thông Đạt) tác giả bài hát bất hủ Ai Về Sông Tương vừa qua đời bên Úc, từ tấm bé chúng tôi có nghe bài này rất nhiều lần.  Rồi chị cả Tâm Minh Vương Thuý Nga cho biết nhạc sỹ Văn Giảng và vợ cũng đã từng sinh hoạt trong tổ chức GĐPT (trong đoàn của chị Hoàng Thị Kim Cúc) và có pháp danh Nguyên Thông để viết nhạc. Nhưng mãi khi đọc lời chia buồn của anh Trần Trung Đạo trên facebook, mới biết nhạc sĩ Văn Giảng cũng là tác giả bài nhạc Từ Đàm Quê Hương Tôi, một bài hát mà chúng tôi những người huynh trưởng hoặc đoàn sinh GĐPT ai cũng biết.
Từ Đàm Quê Hương Tôi
Tác giả: Nguyên Thông
Quê hương tôi miền Trung
Sớm hôm chuông chùa nhẹ rung
Tiếng muôn đời hồn tổ tiên kiêu hùng
Ôi uy nghiêm bóng chùa Từ Đàm
Nơi yêu thương phát nguồn đạo vàng
Qua bao dông tố chùa Từ Đàm tôi vẫn còn
Quê hương tôi là đây
Sớm hôm hương trầm nhẹ bay
Vấn vương lời kinh chiều nay vơi đầy
Ôi thân yêu bóng chùa Từ Đàm
Nơi Bắc Nam nối liền một nhà
Tay trong tay quyết vì loài người đời lầm than
Bóng ai, từng đêm, đêm về
Còn nhớ thuở nào đây
Câu thề cùng ước nguyện cứu đời
Tiếng ai, chiều nay u hoài
Trầm lắng vọng về theo
Câu thề nguyện hiến mình cho đời
Ai đi qua miền Trung
Khoan khoan ơi người dừng chân
Lắng nghe về đây hồn ai u hoài
Ôi anh linh bóng chùa Từ Đàm
Ôi nơi đây nắng chiều dịu dàng
Ai hy sinh cứu đời phũ phàng, Từ Đàm ơi!
Hãy lắng nghe nhà thơ Trần Trung Đạo tâm sự:
"Tôi có một ước mơ nho nhỏ. Mai mốt khi trở về, tôi sẽ đi thăm chùa Từ Đàm. Tôi sẽ ngồi trong yên lặng trên thềm chùa, để lắng nghe từ trong lời kinh, từ trong tiếng chuông ngân, từ trong lòng đất, những lời nhắc nhở, những lời dặn dò, những tiếng chân của bao bậc tôn sư và các anh chị trưởng đang vang vọng lại trong tâm hồn tôi.
Tương tự, tôi cũng tin sẽ có một ngày, các em, các cháu đoàn viên Gia Đình Phật Tử, vừa mới sinh ra, sẽ sinh ra và lớn lên trên nước Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Úc …. cũng trở về. Các em lại như tôi, ngồi bên bậc thềm chùa Từ Đàm và nói với nhau bằng tiếng Việt Nam không dấu 'Tại đây, chính từ nơi này, một trăm năm trước, hai trăm năm trước, ba trăm năm trước, có những người huynh trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam với những chiếc áo lam giống như chúng ta và phương châm Bi Trí Dũng giống như chúng ta, đã bắt đầu hành trình đào tạo Thanh, Thiếu, Ðồng Niên trở thành những Phật Tử chân chánh và góp phần vào việc cải tạo xã hội theo tinh thần Phật Giáo, nhờ thế mà có chúng ta.' Và trong số các em, thế nào chẳng có em sẽ khe khẻ hát Quê hương tôi là đây….”.
Nghe và hát Từ Đàm Quê Hương Tôi nhưng tôi chưa bao giờ thắc mắc hay đi tìm hỏi tác giả Nguyên Thông của bài hát là ai, mãi đến hôm nay, khi tác giả qua đời. Người viết bản nhạc là nhạc sĩ Văn Giảng. Ông cũng là tác giả của tình ca nỗi tiếng Ai Về Sông Tương viết vào năm 1949.
Ai có về bên bến sông Tương
Nhắn người duyên dáng tôi thương
Bao ngày ôm mối tơ vương
Tháng với ngày mơ nhuốm đau thương
Tâm hồn mơ bóng em luôn
Mong vài lời em ngập hương...
Và một bài hát mà không một người lính Việt Nam Cộng Hòa Nào mà không biết, đó là bài Lục Quân Việt Nam.
Đường trường xa muôn vó câu bay dập dồn
Đoàn hùng binh trong sương lướt gió reo vang
Đi đi đi, lời thề nguyền, tung gươm thiêng, thi gan trai
Đời hùng cường quyết chiến đấu đoàn quân ra đi…"
Thêm vào đó, đọc bài ‘Giấc mơ ở hai đầu biển rộng' của anh Uyên Nguyên mới biết, nhạc sỹ cũng là tác giả một bài hát bất hủ khác: "Tình Em Biển Rộng Sông Dài" mà chúng tôi đã nghe không biết bao nhiêu lần từ khi còn nhỏ cho mãi đến bây giờ.
Hãy nghe Uyên Nguyên kể:
"Ðêm choàng trở giấc mơ ở hai đầu biển rộng, tôi thấy sông và cây cầu tương tư trong nhạc của Văn Giảng chỉ là một, là nỗi khát khao Việt Nam hòa bình, giục dã, ngân dài:"
Hòa bình ơi,
Tình yêu em như sông biển rộng.
Tình yêu em như lúa ngoài đồng.
Tình yêu em tát cạn biển đông.
Hòa Bình ơi, ơi hòa bình ơi
Sao em nỡ lòng kẻ đợi người trông.
Sao em nỡ lòng lúa khô ngoài đồng.
Sao em nỡ lòng.
Người về đây xin may áo cuới
Tặng người yêu vui trong lúa mới.
Tôi đón em đi về. Tôi đón em đi về.
Xây dựng lại tình quê.
Hòa bình ơi, chờ trông nhau như con chờ mẹ
Chờ trông nhau như gió mùa hè
Chờ trông nhau nắng đẹp tình quê
Hòa bình ơi, ơi hòa bình ơi
Ba muơi tuổi đời thoát từ vành nôi
Ba muơi năm truờng khổ đau nhiều rồi.
Về đây hỡi người ơi! Về đây hỡi người ơi…!
(Thông Ðạt, tức Nhạc sĩ Văn Giảng - Tình Em Biển Rộng Sông Dài)
Vì mến mộ những bài nhạc trên của nhạc sỹ, nên hôm nay viết bài thơ ngắn này để tưởng đưa một người anh trong tổ chức GĐPT, một nhạc sỹ tài hoa và khiêm tốn của quê hương Việt Nam. 
Tiễn nhạc sỹ NGUYÊN THÔNG - Văn Giảng
    Tác giả bài Từ Đàm - Quê Hương Tôi
Nguyên Bồ Đề tâm toả
Thông kinh điển mây bay
Ngô gia tề phước lộc
Văn Tư Tu đong đầy
Giảng cứu trầm luân khổ
Người thăm Tịnh Độ Ta Bà
Yêu thương để lại về nhà Như Lai
Có thể nói sự nghiệp âm nhạc của nhạc sỹ Văn Giảng (Nguyên Thông, Thông Đạt) rất đa dạng, trầm mặc, lờ lững và khắc khoải tựa sông Hương, thanh tao và sâu sắc như biểu tượng Hoa sen trong Phật giáo. Xin cúi đầu thành kính đưa tiễn Giác linh Người và xin chân thành phân ưu cùng tang gia hiếu quyến của nhạc sỹ Ngô Văn Giảng .
Sacramento, May 14th, 2013.
* Tên của hai bài nhạc bất hủ nhạc sỹ Văn Giảng mà người viết rất đam mê từ nhỏ.
Tham Khảo:
1. Giác Ngộ Online, Nhạc sĩ Văn Giảng (Nguyên Thông)
Tác giả của ca khúc "Từ Đàm quê hương tôi" qua đời,
tải xuống ngày 14 tháng 5, 2013 tại 
http://giacngo.vn/vanhoa/2013/05/13/364049/
2. Trần Trung Đạo,
Kính tiễn hương linh nhạc sĩ Văn Giảng tác giả của Ai Về Sông Tương, Từ Đàm Quê Hương Tôi, Lục Quân Việt Nam..., tải xuống ngày 14 tháng 5, 2013 tại
https://www.facebook.com/trantrungdao
3. Uyên Nguyên, Giấc mơ ở hai đầu biển rộng, tải xuống ngày 14 tháng 5, 2013 tạihttp://nguoivietblog.com/uyennguyen/?p=10589
                Gặp gỡ nhạc sĩ Văn Giảng ở Úc Châu                                 Huy Phương - Người Việt - April 25, 2011

“Ðường trường xa, muôn vó câu bay dập dồn...”
Anh em cựu quân nhân VNCH, nhất là những sĩ quan xuất thân từ trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Ðức không thể nào không biết đến bài hát Lục Quân Việt Nam mà mỗi buổi sáng, buổi chiều vẫn thường cất tiếng hát khi đi trong hàng quân: “Ðường trường xa, muôn vó câu bay dập dồn...”, hay bài “Thúc Quân”, nhưng ít ai biết hay còn nhớ tên của người nhạc sĩ: Nhạc sĩ Văn Giảng, cũng là Thông Ðạt, tác giả bài tình ca nổi tiếng một thời: “Ai về Sông Tương”.
                         
                 Tấm hình vợ chồng nhạc sĩ Văn Giảng chụp năm 1949, tới nay ông còn giữ.
Văn Giảng tên thật là Ngô Văn Giảng, sinh năm 1924 quán làng Bác Vọng Ðông, Thừa Thiên. Ông sinh ra trong một gia đình Phật Giáo thuần thành, song thân làm nghề thương mãi, và ông thú nhận học lực của ông không qua hết bậc trung học. Sau khi học ở trường tiểu học Paul Bert, rồi Phú Xuân, ông phải nghỉ học sớm để ở nhà giúp cha mẹ. Trong suốt thời ấu thơ, Ngô Văn Giảng chịu ảnh hưởng của nhạc cổ điển qua những ban nhạc tài tử dân giả của đất Thần Kinh. Không qua một trường lớp âm nhạc nào, nhưng ông đã trở thành một người chơi đàn hạ uy cầm, tây ban cầm và đại hồ cầm nổi tiếng ở Huế, là trưởng ban nhạc của đài Phát Thanh Huế, từ lúc đài này mới thành lập (1949), và sau đó là giám đốc trường Quốc Gia Âm Nhạc Huế (1963).
Ðài phát thanh Huế, dưới thời của Giám Ðốc Ngô Ganh, ban nhạc của Văn Giảng tuy là một ban nhạc nhỏ, nhưng quy tụ nhiều ca, nhạc sĩ nổi tiếng sau này như Lê Quang Nhạc, Trần Văn Tín (về sau là đại tá ngành quân nhạc), ca sĩ Minh Trang, Tôn Thất Niệm (nay là bác sĩ tại Nam California)... Năm 1963, Văn Giảng được bổ nhiệm làm giám đốc trường Quốc Gia Âm Nhạc Huế và sau đó hai năm, ông được cấp học bổng du học Hoa Kỳ, theo học âm nhạc tại đại học ở Honolulu. Sau biến cố Mậu Thân, theo ý nguyện muốn được rời Huế, Văn Giảng được Bộ Văn Hóa mời vào giảng dạy tại trường Quốc Gia Âm Nhạc Saigon, trong thời gian này, gặp nhạc sĩ Châu Kỳ, người bạn đã chỉ dẫn ông đi vào con đường làm giàu nhờ viết nhạc, ông bắt đầu sáng tác những tình khúc “hái ra tiền”. Ký bản quyền cho hãng dĩa xuất bản Asia, Sóng Nhạc, Văn Giảng đủ tiền mua một căn nhà khang trang mặt tiền trên đường Thoại Ngọc Hầu. Thị hiếu của quần chúng bình dân cả nước lúc bấy giờ là mua những bản nhạc “bolero” thịnh hành của các nhạc sĩ. Những bản nhạc của Văn Giảng như “Hoa Cài Mái Tóc”, “Tình Em Biển Rộng Sông Dài”, “Ðôi Mắt Huyền” đã được ấn hành hàng chục nghìn bản, phổ biến rộng rãi trên thị trường, điều mà trước đây, khi còn là một “nhạc sĩ công chức” ở Huế, Văn Giảng không hề nghĩ đến.
Nhưng nói đến nhạc tình của Văn Giảng chúng ta không thể quên “Ai Về Sông Tương” được viết năm 1949, đã dẫn đầu như một bản nhạc “top”, bản nhạc được thính giả yêu cầu nhiều nhất của đài phát thanh Pháp Á trong hai năm 49-50 dưới một cái tên “lạ hoắc” là Thông Ðạt, mới nghe lần đầu trong giới nhạc sĩ. Bản nhạc đó đã được phổ biến trong vòng 25 năm dài tại miền Nam và ra đến hải ngoại sau biến cố tháng 4-1975. Hỏi vì sao nhạc sĩ không dùng tên Văn Giảng để ký dưới ca khúc này, ông cho biết, là một thanh niên lớn lên trong thời loạn, ông muốn dùng âm nhạc để kích động lòng yêu nước của thanh niên, mặc dù ông chỉ phục vụ trong Ban 5 (tâm lý chiến) một thời gian rất ngắn tại Quân Khu I. “Ai Về Sông Tương” là một bản nhạc thử nghiệm của ông trong loại nhạc tình viết theo sự thách đố của bạn bè đã trở thành một bản nhạc nổi tiếng. Lúc bấy giờ, thính giả của đài phát thanh chỉ biết Văn Giảng qua các bản hùng ca reo vui, phấn khởi mà không hề biết ông cũng là Thông Ðạt khi bản nhạc này được ra đời, do nhà xuất bản Tinh Hoa ấn hành và được phổ biến trên đài Pháp Á lần đầu tiên qua giọng hát của Mạnh Phát và Minh Diệu.

“Từ Ðàm Quê Hương Tôi”
Tên Thông Ðạt cũng là sự kết hợp của hai pháp danh Nguyên Thông của Văn Giảng và Tâm Ðạt của người vợ ông. Cuộc hôn nhân này đã kéo dài 62 năm trong hạnh phúc từ trong nước ra đến hải ngoại của một người nhạc sĩ đa tài, mà tiếng đàn hạ uy di trên đài phát thanh Huế trong thập niên 50 đã làm thổn thức bao nhiêu con tim của những cô gái Huế. Các cô gái khuê các xứ Huế đã có một phong trào đi học đàn hạ uy cầm và lớp nhạc Văn Giảng luôn luôn đông học viên, cũng có nhiều cô đem lòng yêu thầy, nhưng cuối cùng, họ không hề đi ra ngoài vòng lễ giáo.
Và giới Phật tử cũng ít ai biết Văn Giảng là tác giả bản nhạc “Từ Ðàm Quê Hương Tôi” viết sau mùa Pháp nạn ở Huế năm 1966, được ký bằng pháp danh Nguyên Thông.
                                 
           Nhạc sĩ Văn Giảng tại nhà riêng ở Footscray, Melbourne. (Hình: Huy Phương/Người Việt)
Năm 1981, Văn Giảng từ Cần Thơ vượt biển với người con trai đầu lòng đến Nam Dương. Ðã từng du học tại Hawaii, ông đủ điều kiện định cư tại Mỹ, nhưng vì muốn sớm bảo lãnh cho vợ và 6 đứa con còn lại, ông bằng lòng chọn Úc làm quê hương thứ hai.
Ðến Melbourne, Văn Giảng sinh sống bằng nghề dạy nhạc tại tư gia về các môn sáng tác hòa âm cũng như sử dụng các nhạc khí như tây ban cầm, hạ uy cầm và đại hồ cầm cho người Việt mới đến định cư cũng như cho các sinh viên Úc. Gần 30 năm nay, Văn Giảng đã soạn nhiều sách dạy nhạc, sử dụng nhạc cụ bằng cả hai thứ tiếng Việt, Anh, nhưng chưa được xuất bản. Ông hy vọng có một nhà xuất bản tiếng Việt ở Mỹ nào đó có thể giúp ông ấn hành các tác phẩm này trước khi ông qua đời, cũng như số tiền từ tác quyền từ những trung tâm băng nhạc trả cho ông, ông dành hết để làm việc thiện.
Năm nay đã 87 tuổi, nhạc sĩ Văn Giảng hiện đang sống với gia đình trong một căn nhà nhỏ, xinh xắn tại thành phố Footscray, tiểu bang Victoria. Ông còn minh mẫn, nghe rõ và còn thích đọc sách. Ở Úc bạn bè ông không nhiều, nhạc sĩ Văn Giảng muốn chúng tôi ghi số điện thoại của ông ở đây, mong có thể tìm lại bạn bè ngày xưa để hàn huyên tâm sự trong “tuổi già đất khách”. Cố tri, người yêu nhạc Văn Giảng-Thông Ðạt có thể liên lạc với ông qua số điện thoại 613- 9689 9623.
Huy Phương (Melbourne, 4/16)
                  VĂN GIẢNG - Ai về sông Tương                                                    Hoài Nam
" ... Trong cuộc hành trình đời mình, tôi may mắn có được ba người bạn già thật đáng kính, đáng mến. Cả ba nay đều đã hóa người thiên cổ: cố Nhạc trưởng VŨ VĂN TUYNH, cố Ký giả NGUYỄN TÚ, và cố Nhạc sĩ VĂN GIẢNG.
Tôi quen biết Nhạc trưởng Vũ Văn Tuynh vì đời quân ngũ: ông và tôi phục vụ cùng ngành trong một quân chủng (sau đó mới biết cùng quê Nam Định, làng tôi và làng ông chỉ cách nhau một con sông). Tôi quen biết Ký giả Nguyễn Tú vì nghiệp cầm bút: ông và tôi cùng cộng tác với một tờ báo ở Úc, dù ông cư ngụ ở tận Hoa Kỳ. Riêng Nhạc sĩ Văn Giảng, tôi quen biết ông vì cơ duyên: vượt biên cùng thời gian, tới bến bờ tự do cùng địa điểm, ở chung từ đảo nhỏ tới đảo lớn; rồi ở chung một nhà (barrack) ở trại tị nạn Galang (Nam Dương), và sau cùng, cùng định cư ở thành phố Mebourne, Úc-Đại-Lợi.
Tôi và nhạc sĩ bắt đầu thân nhau từ khi sống chung một barrack, nhưng khi ấy chưa thân qua âm nhạc, mặc dù thỉnh thoảng tôi cũng ngồi đàn hát với cậu trưởng nam của ông (cùng theo ông đi vượt biên), mà thân vì cùng nhau tình nguyện làm việc trong Ban Đại Diện Trại: ông làm Phó Trại trưởng, tôi làm Zone (Khu) trưởng..."
                              > Toàn bài viết của Hoài Nam (pdf)
  VĨNH BIỆT NGƯỜI VỀ SÔNG TƯƠNG - TRẦN KIÊM ĐOÀN
Thầy Ngô Văn Giảng vừa tạ thế tại Úc, hưởng thọ 89 tuổi. Tin buồn loan ra, tôi bâng khuâng nhớ về 54 năm trước, năm 1959, thầy là giáo sư âm nhạc của chúng tôi tại trường Hàm Nghi, Huế. Thuở ấy, thầy mới ngoài 30, dáng điệu phương cường, đi chiếc xe gắn máy hiệu Zunndapp của Đức nổ bịch bịch nổi bật cả sân trường.
Tôi còn nhớ ngày đầu tiên khi Thầy bước vào lớp đệ Thất B1 của chúng tôi, trò Trương Phước Ni bắt tay làm loa đứng dậy chào thầy bằng câu: “Đường trường xa muôn vó câu bay dập dồn…”Thầy cười rất tươi cho cả lớp, nhưng cũng lâp nghiêm nhìn chú học trò rắn mắt ở dãy bàn cuối lớp. Đây là câu mở đầu của hùng ca Lục Quân Việt Nam, một trong những bài ca mang tiết điệu hành khúc, hùng tráng nổi tiếng nhất của Thầy – nhạc sĩ Văn Giảng – như Thúc Quân, Đêm Mê Linh, Qua Đèo, Nhảy Lửa…
Thầy đã là một nhạc sĩ thành danh, nổi tiếng trong cả nước, trước khi trở thành giáo sư âm nhạc của trường Hàm Nghi. Nhưng nhiều người chỉ biết Văn Giảng qua những bản hùng ca. Bởi thế, vào mấy năm đầu thập niên 1950, khi bản nhạc để đời của Thầy, Ai Về Sông Tương, trở thành một bản tình ca thời danh với tên tác giả làThông Đạt thì ít ai để ý rằng, trong góc khuất của những tâm hồn nghệ sĩ thì bên cạnh nhịp đời hào hùng vươn tới vẫn có tiếng thở dài chan chứa điệu buồn.
Hai niên khóa học với nhạc sĩ Văn Giảng, tôi thích học nhạc thì ít mà mê Thầy kể chuyện thì nhiều. Cứ mỗi cuối giờ, Thầy có một câu chuyện kể về các giai thoại âm nhạc. Thích nhất là những chuyện thâm cung bí sử của những nghệ sĩ âm nhạc tài hoa. Chẳng hạn như bản nhạc Ngày Về của Hoàng Giác, Thầy xướng âm lên và phân tích cho chúng tôi nghe rằng, tiết điệu của bài ca có một nhịp điệu trãi dài xa vắng và âm hưởng thương nhớ quặn lòng “rất Tây Phương” vì đây là bản nhạc do một người lính Đức trong đội quân viễn chinh của Pháp viết lên giai điệu. Nhạc sĩ Hoàng Giác chỉ soạn ca từ… Hoặc như bản nhạc Trầm Hương Đốt của Bửu Bác, xuất xứ là bài Hải Triều Âm. Đây là một trong những bản nhạc nghi lễ đầu tiên dùng trong sinh hoạt chùa viện đã bứt phá từ giai điệu ngũ âm “Đăng Đàn Cung” để tiến lên bát cung của phương Tây. Bởi vậy mà ảnh hưởng âm điệu “thánh ca nhà thờ” thể hiện rất rõ trong giai điệu của bản nhạc.
Nhưng thú vị hơn cả là lịch sử bản nhạc Ai Về Sông Tương. Thầy kể rằng, thời trai trẻ, Thầy ở Thành Nội và yêu một cô gái ở Kim Long – Kim Long có gái mỹ miều; trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều trẫm đi… mà – nhưng duyên không thành vì gia đình nho phong của cô bé không có cái nhìn thiện cảm với đời nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ trong ngành âm nhạc, xướng ca… Thế là chia tay và cô bé đi lấy chồng!
Rồi một hôm, Thầy vào rạp Xi-nê Tân Tân, gần cầu Trường Tiền bên bờ Bắc sông Hương để coi phim “Bé Nhà Trời” (Les enfants du paradis). Ngay trước mắt Thầy, ờ hàng ghế trước có một cô Bé tóc dài. Tuy nhìn không rõ mặt nhưng từ dáng dấp đến hương tóc thoang thoảng mùi hoa Ngâu của người thiếu nữ đã làm sống lại hình ảnh người tình Kim Long. Thầy bị xúc động đến nỗi không thể còn ngồi lại lâu hơn trong rạp chiếu bóng để xem phim, nên vội vàng ra khỏi rạp. Thầy cỡi chiếc xe đạp Dura Mercier của Thầy và đạp xe dọc theo bờ sông Hương để vô cửa Thượng Tứ vào nhà ở Thành Nội. Thoáng chốc dòng sông Hương hiện ra như là dòng sông Tương chia biệt trong truyện tình cổ thư Trung Quốc. Thầy vừa đến nhà là dựng ngay chiếc xe đạp ngoài hiên, đi nhanh vào nhà và vội vã sáng tác bản nhạc bằng tất cả sự hoài niệm và háo hức nghệ thuật với sự chấn động dị thường như phép lạ hóa thân. Bản nhạc Ai Về Sông Tương được viết ra trong vòng mười lăm phút!
Sau đó, Thầy bí mật ký tên là Thông Đạt và chép một bản gởi ra đài phát thanh toàn quốc là đài Pháp Á ở Hà Nội. Ngay sau đó, Mạnh Phát vừa là nhạc sĩ vừa là ca sĩ đã hát bản Ai Về Sông Tươnglần đầu trên đài Pháp Á Hà Nội. Bản nhạc sáng tác năm 1949 đã nhanh chóng nổi tiếng trong toàn cả nước.  Đã trải qua hơn 60 năm, những mối tình đã cũ, những hẹn hò thuở răng trắng tóc xanh đã thành “răng long đầu bạc”. Nhưng Ai Về Sông Tương vẫn mới như thời gian là nước chảy qua cầu, vẫn còn là tiếng lòng tình tự của những đôi tình nhân ước hẹn không thành. Bản nhạc với một giai điệu thướt tha lãng mạn, lời lẽ đậm nét hoài niệm trữ tình làm dậy lên nguồn tình cảm sướt mướt, mượt mà mà rất “sang” ấy như một dòng suối tươi tắn, mát dịu trong một hoàn cảnh tạm hồi sinh sau cuộc chiến:
Ai có về bên bến sông Tương
Nhắn người duyên dáng tôi thương
Bao ngày ôm mối tơ vương
Tháng với ngày mơ nhuốm đau thương
Tâm hồn mơ bóng em luôn
Mong vài lời em ngập hương…
Cũng theo lời Thầy vui vui kể chuyện rằng, Mạnh Phát, là bạn thân của Văn Giảng, đã nhờ Văn Giảng đến nhà ấn hành tân nhạc gần như độc nhất thời bấy giờ là nhà xuất bản Tinh Hoa ở Huế do ông Tăng Duyệt làm giám Đốc để hỏi cho ra Thông Đạt là ai ngay sau khi bản nhạc phát trên đài Pháp Á. Nhưng mãi đến ba tháng sau thì tông tích của Thông Đạt mới được tiết lộ. “Mạnh Phát vô Huế chơi khi biết tui là Thông Đạt, hắn đấm lưng tui thùi thụi như rứa thì thôi!” Thầy Văn Giảng nói.
Một lần trong giờ học nhạc, trò Nguyễn Xuân Huế là tay đọc tiểu thuyết đệ nhất trong lớp hỏi Thầy: “Thưa Thầy, tại sao mình có sông Hương, mình cũng có Hương giang đầu, Hương giang vỹ mà Thầy lại phải vay mượn sông Tương của Tàu như rứa ạ?”. Thầy trả lời, đại khái là tại sông Hương chưa có chuyện tình nào nổi tiếng trong tình sử như sông Tương. Tương Giang là một con sông ở Trung Hoa, bắt nguồn từ núi Duyên Hải, chảy qua Hồ Nam dài hơn hai ngàn dặm. Còn ý “ai về sông Tương” của Thầy trong bản nhạc là bắt nguồn từ cảm hứng của bốn câu thơ tình sử trích từ khúc Trường Tương Tư của nàng Lương Ý, đời Hậu Chu. Nàng và Lý Sinh yêu nhau say đắm nhưng phải chia tay.  Nàng làm thơ mong gửi gấm nguồn tâm sự đau khổ khi phải xa cách người yêu:
Quân tại Tương Giang đầu
Thiếp tại Tương Giang vĩ
Tương tư bất tương kiến
Đồng ẩm Tương Giang thủy
**
(Chàng ở đầu sông Tương
Thiếp ở cuối sông Tương
Nhớ nhau không thấy mặt
Cùng uống nước sông Tương)
Trong những ngày phong trào đấu tranh Phật giáo xẩy ra tại Huế năm 1963, có lần tôi gặp Thầy trên con đò Thừa Phủ, Thầy nói là lên chùa Từ Đàm nhưng đường sá trở ngại phải đi đò sang sông rồi đi bộ lên chùa. Khi đò ra giữa sông tôi nghịch ngợm hỏi Thầy: “Thưa Thầy, đã có ai về sông Tương chưa ạ?” Thầy cũng cười đáp lại: “Đối với tôi thì sông Tương là sông Hương. Tôi chỉ mong cuối đời về lại con sông này…” Ngày đó và bây giờ, tôi tự hiểu khái niệm “cuối đời về lại” của Thầy là linh khí của con người luân lưu sống giữa hồn thiêng sông núi. Nếu vậy, thì hôm nay Thầy đã về sông Tương.
Đó là lần cuối tôi gặp Thầy Văn Giảng. Nhưng sau đó không lâu, tôi lại được “gặp” Thầy qua một tác phẩm mang tính chất đạo ca của khách hành hương mà tôi đã gặp trên chuyến đò Thừa Phủ: Nhạc phẩm Từ Đàm Quê Hương Tôi. Lần nầy Thầy để tên tác giả là Nguyên Thông. Bản nhạc tuy được liệt vào thể loại nhạc tôn giáo nhưng cả giai điệu lẫn ca từ đã vượt ra ngoài khuôn khổ giới hạn của văn hóa chùa viện. Cảm quan nghệ thuật sáng tạo của người nhạc sĩ tài hoa đã dung hóa được tính chất tráng liệt của hùng ca như Thúc Quân, Lục Quân Việt Nam, làn điệu mượt mà lãng mạn của tình ca như Ai Về Sông Tương, Ai Đưa Con Sáo Sang Sông và biểu tượng thiêng liêng, siêu thoát của đạo ca như Mừng Đản Sanh, Ca Tỳ La Vệ, Từ Đàm Quê Hương Tôi:
Quê hương tôi miền Trung
Sớm hôm chuông chùa nhẹ rung
Tiếng muôn đời hồn tổ tiên kiêu hùng
Ôi uy nghiêm bóng chùa Từ Đàm
Nơi yêu thương phát nguồn đạo vàng
Qua bao giông tố chùa Từ Đàm tôi vẫn còn…
Những nhạc sĩ tài hoa của nền tân cổ nhạc Việt Nam thuộc thế hệ Chiến Tranh Việt Nam lần lượt ra đi. Nghệ thuật và người nghệ sĩ đến với đời và ra đi không bằng tấm vé một chiều. Tác phẩm để lại cho thế hệ kế thừa sẽ làm cho con đường sáng tạo nghệ thuật rộn ràng và phong quang hơn. Với hơn 50 tác phẩm âm nhạc phong phú giá trị nghệ thuật để lại cho đời, nhạc sĩ Văn Giảng đã cống hiến phần tinh hoa lớn nhất của đời mình vì lợi lạc của tha nhân mà các nhà tu Phật giáo thường gọi là “công hạnh viên thành”. Thế hệ đàn em, học trò như chúng tôi có điểm tựa tinh thần đáng tự hào và trân trọng trong giờ phút tưởng niệm và bái biệt Thầy.
Trần Kiêm ĐoànSacramento, mùa hoa sen tháng Tư, 2013
               
NHẢY LỬA - Văn Giảng
 
Anh em ta mau cố chất cây khô vào đây đốt chung
Ðêm khuya nghe tiếng tí tách cây khô nổ vang giữa rừng
Dang tay nhau đứng vòng quanh lửa hồng
Trông khói xanh gió đưa bốc cao
Cùng cầm tay hát đều chân bước
Lửa thêm sáng tươi xua tan bóng đêm
Anh em ta đùa vui ca hát
Hát cho đời vui vui thật vui
Anh em ơi ta hãy lắng tai nghe ngàn muôn tiếng vang
Trong đêm khuya trông ánh khói điểm tô rừng cây rõ ràng
Lên cho cao nhất bùng cao sáng bùng
To nữa lên cao to nữa lên
Bùng bùng cao ngất bùng cao sáng
Bùng to nữa lên cao to nữa lên
Lên cho cao càng cao cao vút
Bốc lên cao nào cao thật cao
Nhảy Lửa (mp3)  
                        
ĐÊM MÊ-LINHNhạc: Văn Giảng; lời: Võ Phương Tùng
Canh dài ta ngồi trong rừng cây vang âm hồn thiên thu
Trời vắng hồn lắng tiếng sơn hà trong gió hú:
"Ai thấy chăng xưa hùng cường?
Ai thấy chăng nay xiềng cùm
Đằng đằng nặng hận thù?
Ai đắp non sông trường tồn?
Ai kết lên dân tài hùng
Xua tan giặc Đông Hán
Xua tan giặc xâm lấn?"
Ta cùng chung lòng mong ngày vang danh thơm dòng oai linh
Thề quyết rèn chí quét quân thù đang cướp nước
Ta cháu con dân Việt hùng
Nơi Mê Linh ta trùng phùng
Đồng lòng nguyền vẫy vùng
Ta chiến binh đang thề nguyền
Quanh ách thiên nung lòng bền
Gian nguy càng hăng chí
Xung phong chờ đến ngày
Ai vì nước?
Ai thề ước?
Ta xung phong nguyền dâng thân hiên ngang
Nguyện đấu tranh xua tan quân Đông Hán
Ai trung thành?
Ai liều mình?
Thề hy sinh, thề tung hoành hiên ngang
Thề kiên trung chiến đấu, thề chiến thắng!
Canh dài ta ngồi mơ ngày đi xông pha giành non sông
Ngời chói bừng ánh sáng tươi hồng hăng chí nóng
Quanh ánh thiêng reo bùng bùng
Ta nắm tay ca trầm hùng
Hẹn ngày rạng Lạc Hồng
Mơ xuất quân đi rập ràng
Mơ quét tan quân bạo tàn
Xua tan giặc Đông Hán
Xua tan giặc xâm lấn!
                        > Hợp Ca Đêm Mê Linh (mp3)
NGÀY XƯA - Nhạc: Văn Giảng - Lời: Hoàng Phú
Dòng sông Hát nước xanh mờ sâu
Êm đềm trôi về đến nơi đâu?
Sóng đưa lăn tăn con thuyền ai xuôi
Theo gió khơi tiếng ca âm thầm trầm rơi
Ngày xưa kia nơi đây đã từng vang hình bóng
Đôi quần thoa đem máu đào hòa nước sông nhà
Hồn linh thiêng sống trong muôn trùng sóng
những khi nào chiều vắng trầm đưa lên tiếng ca.
Thuyền ai lướt trên dòng sông sâu
Êm đềm trôi về đến nơi đâu?
Có hay chăng ai trên dòng sông xanh
Tiếng ca thuở xưa như gợi tâm tình.
Chiều êm vắng nước sông mờ sâu
Con thuyền ai chèo đến nơi đâu?
Sóng đưa mênh mông trên Bạch Đằng Giang
Trong gió khơi tiếng ca âm thầm dần lan.
Ngày xưa kia nơi đây đã từng vang hình bóng
Quân Trần Vương pha máu mình cùng máu quân thù
Thời oai linh dấu in trên nghìn sông
những khi nào chiều vắng trầm đưa lên tiếng ca.
Thuyền ai lướt trên giòng sông sâu
Êm đềm trôi về bến nơi đâu?
Có hay chăng ai trên dòng mênh mông
Tiếng ca thuở xưa như dục tấm lòng.
Tam Ca Áo Trắng trình bày (mp3)
        
NAM QUAN HẬN KHÚCNhạc: Văn Giảng - Lời: Hồ Đình Phương
Rừng cô tịch suối trầm nao tiếng thở,
Lá hoa sầu nức nở hận ly tan,
Kéo về đâu mây tần chênh sóng vỗ,
Đây Nam Quan chia biệt máu sôi tràn.
Ôi Nam Quan! Ôi Nam Quan!
Nơi gió gào sông núi rền vang niềm hờn oán!
Đâu anh linh? Đâu anh linh? Đâu bao đời cường?
Đây Nam Quan, người đày cùm Phi Khanh anh hùng!
Máu dân tràn tuôn, muôn lầm than,
Nghìn xót thương, nhìn đớn đau,
Tấm thân già đây ước mưu thù chung:
Ngờ đâu quân Minh lộng cường quyền đày đi xa vời quê hương,
Thôi hết mơ đi ca hát nhịp nhàng:
"Ta tiến, ta tiến, ta tiến theo người.
Đem tấm gương sáng băng ánh soi đời.
Trông đường xa, trông đèo cao, trông rừng húy
Theo cờ bay, chân dồn bước, bền tâm chí
Sông núi Nam, Minh còn gieo hận, quyết chiến thắng!
Ta tuốt gươm vang lừng reo cùng:
Ai thi gan?
Nơi sa trường, say sưa ước cái chết vinh quang.
Xua quân thù, đem xương máu xây đắp nhà Nam."
Ôi ly tan! Ôi ly tan!
Con quyết nguyền không bước rời cha già hờn oán!
Con ơi con! Đây Nam Quan con nghe lời truyền:
Cha đi thôi, tìm đường về con tung gươm vàng.
Nước non tàn nguy khóc lầm than rền xót thương.
Chờ đón cơ đứng lên vời binh quyết mưu thù chung!
Lạy cha con xin nguyện đời đời làm theo bao lời thiết tha
Khi bóng cha lan theo bóng chiều tà.
Hoàng Oanh trình bày (mp3) - hòa âm: Quốc Toản

[Trích blog Cỏ thơm]

1 nhận xét:

  1. Bất tri tam bách dư niên hậu
    Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như
    (Độc Tiểu Thanh ký)
    Không biết, ba trăm năm lẻ nữa?
    Thiên hạ ai người khóc Tố Như!

    Trả lờiXóa