GIAN NAN VIỆC DỊCH
THƠ CAO BÁ QUÁT
Thái Trọng Lai
Năm
2003, nhân dự Hội thảo Bảo tồn Di sản Hán Nôm tổ chức tại Duyệt Thị Đường cố đô
Huế. Viên Phó ban tổ chức (Hiệu phó Đại học KHXH&NV Hà Nội) tiếp tôi tại
nơi tập kết đại biểu (nhà khách Tỉnh ủy) có hỏi :
- Theo bác, khó khăn lớn nhất của việc
bảo tồn Di sản Hán Nôm hiện nay là gì ?
Tôi đáp thoải mái như đã chuẩn bị sẵn
từ lâu :
- Theo tôi, tồn tại đáng kể nhất là việc
nghiệm thu các công trình dịch thuật Hán Nôm chưa đạt hiệu quả. Người dịch nào
cũng khó thể xử lý hết những chỗ khó khiến người tìm hiểu ở bản dịch không tiếp
cận được diện mạo chân thực của di sản cùng tài hoa kiệt xuất của tác giả. Những
dịch giả từng được thừa nhận là “gạo cội” lắm khi quá tự tin nên vô tình làm hỏng
bản dịch, và người nghiệm thu đôi khi có trình độ “lùn” hơn dịch giả, không đủ khả
năng phân biệt vàng thau nên cũng tăng phần làm méo mó di sản.
Câu trả lời đột xuất ấy ngẫu nhiên trở
thành dự báo cho công cuộc dịch thơ Cao Bá Quát do Trung tâm Nghiên cứu Quốc học
tiến hành trong nhiều năm (theo tiết lộ của viên Giám đốc thì ngoài việc truy
duyệt hơn trăm bài dịch đã lưu hành, Trung tâm còn mời thêm 15 dịch giả (Hà Nội
9 + Sài Gòn 6) để dịch khối lượng bài còn lại. Riêng tôi mãi đến năm 2002 mới
tham gia công cuộc ấy (và thầm gọi mình là Người-Thứ-Mười-Lăm)
♠
Sau thảm án tru di tam tộc, thơ văn
Cao Bá Quát bị nghiêm cấm lưu hành, tồn trữ nhưng do giá trị tác phẩm cùng nhân
thân đặc biệt của tác giả khiến lắm bạn bè thanh khí của ông bất chấp quốc pháp,
lén giữ lại những kỷ vật quý báu ấy cho riêng mình.
Công cuộc sưu tầm tích cực của Trường Viễn
Đông Bác Cổ đã thu thập được 1.327 bài thơ của Cao Bá Quát (trong đó có một số
bài bị cho là không chắc của ông). Từ 1970, nhà xuất bản Văn Học đã giới thiệu 161
bài thơ chữ Hán Cao Bá Quát và đồ sộ nhất là Cao Bá Quát toàn tập do Trung tâm Nghiên cứu Quốc học thực hiện (2
tập, ngót 3.000 trang khổ 16x24) đã chọn và công bố 1.211 bài dịch nghĩa, 1.087
bài dịch thơ của 41 dịch giả (trong đó Thái Trọng Lai được chọn 381 bài, bị loại
hơn trăm bài).
Thành phần tham gia toàn tập (một phần
được truy tuyển cuốn 1970) có lắm vị danh giá khá lẫy lừng :
- 2 vị cử nhân cựu học (Lê Xuân Khải và
Ngô Lập Chi)
- 1 vị Phó Chủ tịch nước (Trần Huy Liệu)
- 1 vị Phó Thủ tướng (Tố Hữu)
- 1 vị Bộ trưởng Văn Hóa (Huy Cận)
- 1 vị Anh hùng lao động văn hóa (Vũ
Khiêu)
- Nhiều vị Tú tài cựu học, Tiến sĩ Ngữ
văn, chuyên viên Hán Nôm, các nhà biên khảo tên tuổi.
Ngoài Toàn tập, Tủ sách Nghìn năm Thăng Long của Viện Văn Học cũng chọn
in 201 bài, chủ yếu truy tuyển 124 bài của 21 dịch giả ở cuốn 1970, cộng thêm
77 bài dịch của Thái Trọng Lai. Cuốn này phát hành năm 2010, đánh dấu Đại lễ kỷ
niệm ấy.
Người nếm mùi gian nan đầu tiên trong
việc dịch thơ Cao Bá Quát có lẽ là cụ Nguyễn Văn Tú (có 19 bài dịch và đảm nhiệm
hoàn thiện bản thảo 1970). Sau chuỗi ngày căng thẳng tâm trí rà soát 161 bài dịch,
ngày xong việc, cụ từ trần ngay trong đêm theo dạng đột tử (Tiết lộ ở cuốn 2010
của Viện Văn Học).
Cao
Bá Quát toàn tập bắt đầu xuất hiện năm 2004. Việc thực hiện có phần chuyên
nghiệp hóa. Một bộ phận chuyên dịch nghĩa chứ không dịch thơ. Bộ phận này hoàn
toàn nặc danh ở mỗi bài nên người dịch thơ nghiễm nhiên gánh trọn trách nhiệm về
độ chính xác. Chẳng hạn bài Lạc Sơn lữ
trung (trang 555 - tập I) bị dịch là Trọ
ở Lạc Sơn, Khương Hữu Dụng dùng nghĩa ấy cho bài dịch ở cuốn 1970 và Tố Hữu
cũng nhận nghĩa ấy cho Toàn tập (tất nhiên thực hiện vào thời dịch giả này còn
tại thế).
Té ra chữ Lữ trong nhan đề đã bị người dịch nghĩa hiểu nhầm
là lữ quán, lữ điếm. Thái Trọng Lai dịch nhan đề này là Trong chặng qua Lạc Sơn vì hiểu đấy là lữ thứ, lữ hành bởi toàn bài chỉ tả cuộc hành trình đường núi chứ
không hề đả động việc ở trọ.
Câu đầu của bài này :
Thiều
đệ sơn a thập nhất hồi, người dịch chuyển ra Việt ngữ là :
- Con
đường bên sườn núi quanh co hàng hơn mười lượt.
“Thập
nhất hồi” mà dịch “hàng hơn mười lượt”
là khiên cưỡng, chưa làm hết trách nhiệm, khiến Khương Hữu Dụng dịch :
-
Con đường quanh quất núi bao la
và
Tố Hữu dịch :
-
Đường bên sườn núi uốn quanh co.
Thái
Trọng Lai đã dịch nghĩa câu ấy :
Mười
một khúc quanh hẻm núi xa tít tắp rồi dịch thơ :
Mười một khúc quanh vắt núi này.
Điểm nhấn ở câu này là thập nhất hồi (mười một đường vòng). Với
thi tứ Cao Bá Quát, con số này không có nghĩa Toán học mà là Tâm lý học : 11 ngụ
ý 10+1, tức hành trình qua đây gian nan quá mức tột cùng của gian nan. Làm ngơ
độ nhấn này là đắc tội với tứ thơ Cao Bá Quát. Các dịch giả kia đều không quan
tâm điểm nhấn ấy. Thế nhưng hai bài dịch thơ của Khương Hữu Dụng và Tố Hữu cùng
được chọn cho Toàn tập, còn bài dịch Thái Trọng Lai thì bị loại (đúng theo dự báo
của đương sự khi trả lời ở cuộc Hội thảo Huế 2003 !). Xem ra việc nghiệm thu rất
đúng nguyên tắc dân chủ “phục tùng đa số” bất chấp nhận định của Nerhu “cái đúng
dù chỉ một người bênh vực, mọi người phản đối, nó vẫn là cái đúng. Cái sai dù
chỉ một người phản đối, mọi người bênh vực nó vẫn là cái sai”.
Trường hợp thứ hai cũng phù hợp dự báo
nọ là hai câu thơ trong bài Bệnh trung (trang 142-tập I)
Chuyết
thê ỷ chẩm sơ bồng phát,
Trĩ tử khiên y tạ khúc quăng
Dịch
nghĩa :
Bà
vợ vụng về tựa vào gối chải tóc rối
Con trẻ ngây thơ, kéo áo đòi khoanh
tay để gối đầu.
Dịch
thơ : Tựa gối vợ đần tung tóc chải
Lôi tay con nhỏ ngả đầu nằm.
Nguyễn Quý Liêm dịch.
(Theo thơ chữ
Hán Cao Bá Quát, Nxb Văn học 1970)
Việc chưa tròn trách nhiệm ở đây thuộc
về người dịch thơ. Chuyết dịch nghĩa
thành vụng về là đúng nhưng chuyển thành
đần độn là quá ác ! Qua một số bài thơ
khác, ta biết lương bổng Cao Bá Quát không đủ sống, ông lại mắc bệnh tiểu đường
phải tốn kém thuốc thang thành thử vợ ông buộc lòng dắt con gái nhỏ theo mình
lang thang kiếm sống ở các chợ quê, mưu sinh bằng nghề bói Dịch. Làm nghề ấy
quyết nhiên không phải là việc của…vợ đần.
Tạ
khúc quăng chỉ có nghĩa là nhăn nhàu chỗ gập cánh tay mà suy đoán là cô
bé gập tay bố làm gối thì quá ư khó nghe !
Các người dịch nghĩa và dịch thơ cùng hình
dung bà vợ Cao Bá Quát bỏ bê chồng bệnh hoạn nằm trơ để lo việc chải chuốt cho bản
thân, tuy họ Cao tả vợ ông chải đầu cho chồng, săn sóc người ốm khá âu yếm. Do
kế sinh nhai (Cao Bá Quát gọi đấy là nghề “buôn mọi” - Bần thê tự cổ Hồ (họ Cao chú thích hai chữ Cổ Hồ : kẻ bán hàng rong người Hung nô bày hàng hóa bán ở chợ này vài
ba ngày, ế khách thì dời đi chợ khác). Lâu lâu cái gia đình tội nghiệp của họ
Cao mới có dịp sum họp nên tình cảm gia đình càng tăng phần quấn quít đậm đà. Đứa
con gái bé bỏng của ông bám lấy bố, dắt tay áo bố túc tắc đi lại trong nhà làm
nhàu áo chỗ khuỷu tay chứ làm gì có chuyện lôi tay gối đầu để quấy rầy bệnh nhân
một cách vô ý thức, vô tình cảm ?
Bài dịch của Thái Trọng Lai bị loại bỏ
tuy ý nghĩa khá hợp lý :
Vợ vụng chải giùm đầu tóc rối
Con thơ dắt hộ khuỷu tay nhăn.
Tủ sách Nghìn năm Thăng Long lại
cũng truy tuyển bài ấy, còn bài của Thái Trọng Lai thì chịu cảnh…Truất ức phi ngã xả.
Sự gian nan chua chát nhất đã xảy ra
cho bài dịch A ông hành (trang 5-tập
II). A ông có hai nghĩa : ông nội hoặc bố chồng. Ở đây Cao Bá Quát mượn chỉ bố vợ khiến người dịch chới với, vô phương cảm thụ (bởi họ không ý
thức được quyền lực tối thượng của thi nhân như cách nói của người Âu Tây “Thi
nhân là thượng đế thứ hai của ngôn ngữ”. Dựa quyền lực tối thượng ấy, Nguyễn Công
Trứ (1778-1858) đã mạnh dạn tự cho mình là kẻ “tài sắc” (Than nghèo) và Tản Đà (1888-1939) cũng rất tự tin tạo ra chữ “bượch”
(Hầu trời) trong thơ mình). Cao Bá Quát
đã phác họa chân dung ông bố vợ quá cố ấy là một viên quan võ, người đen nhẻm,
tính khí ngang tàng, ăn mặc luộm thuộm, đam mê trò đỏ đen xóc dĩa, nhưng với
Cao, bố vợ mình có tâm hồn một ẩn sĩ đích thực.
Dịch giả Sa Minh dịch là Bài hành về ông lão vừa ngây vừa điếc (!).
Ông lão vô danh lại khuyết tật như thế thì dính dáng gì đến thi hứng Cao Bá Quát
? Lẽ nào họ Cao lại…thuộc diện đói nghèo về đề tài đến thế ? Quả đúng với thành
ngữ oái oăm “dịch là diệt”. Câu đầu bài ấy viết :
Hữu
nhất nhân hề hắc dĩ trường được Sa Minh dịch là :
Có
một người chừ ! vừa đen vừa
cao kều. Dịch giả hiểu chữ Trường
là cao kều thì tội nghiệp cho Cao Bá
Quát quá thể ! Ý câu này là Có ông nọ đem
cái đen làm cái sở trường nên Thái Trọng Lai đã dịch :
Có
ông nọ chỉ đen là giỏi. May thay, bản dịch Bài hành bố vợ của Thái Trọng Lai cuối cùng cũng được chọn cho Tủ sách
Nghìn năm Thăng Long.
Cái gian nan trọng yếu nhất cho người
làm Toàn tập là phải tuyển chọn bài đặc sắc hơn, tiêu biểu hơn để đưa vào Toàn
tập (đúng ra phải dịch toàn bộ 1.327 bài). Nhóm biên tập đã gạt bài Phạn xá cảm tác là một thiếu sót đáng phàn
nàn ! Tâm nguyện Cao Bá Quát là giao du thiên hạ khắp bốn phương như lời ông thú
nhận với Tùng Thiện Vương trong một bài thơ : “Bình sinh hồ hải duy tương tích. Quát tận đông tây nam bắc nhân” và
ông hình dung cuộc phiêu lưu lãng tử của mình như con nhện cần cù : “…trăm nghìn đường chỉ nhện dệt thưa mau”
(Tài tử đa cùng phú). Trong cuộc phiêu lưu hồ hải của mình ông luôn phải đương
đầu với những tay chủ quán cơm hắc ám mà ông đánh giá là “thiên hạ vĩ bạc nhân” (người bạc bẽo vĩ đại nhất thiên hạ) vì chỉ
biết “ái lợi bất ái sĩ” (yêu lợi chứ
không yêu kẻ sĩ). Trong Toàn tập, bài Phạn
xá cảm tác bị bỏ rơi hoàn toàn. Khi
Tủ sách Nghìn năm Thăng Long tiến hành in thơ Cao Bá Quát, đồng ý sử dụng bài dịch
nọ - theo yêu cầu khẩn thiết và biện luận cặn kẽ qua điện thoại - của Thái Trọng
Lai, quả thật là chuyện đáng mừng cho…Cao Bá Quát. Nếu có thế giới bên kia, hẳn
ông hết sức hài lòng, ngậm cười nơi chín suối.
Ngoài bài Phạn xá cảm tác Tủ sách nọ còn cứu thêm một bài tiêu biểu khác, đó
là bài Thùy gia tử hành (bài hành con cái nhà ai) do Thái Trọng
Lai dịch. Trên đường lang bạt của mình, Cao Bá Quát luôn bị quấy rầy ở các quán
trọ bởi những lũ người vô tài bất tướng đàn đúm tiệc tùng huyên náo làm ông mất
ngủ, rác tai bởi những câu thơ con cóc của họ. Ở Toàn tập, bài này chỉ đăng phần
dịch nghĩa.
Cái gian nan tầm cỡ nhất, ngộ nghĩnh
nhất đã xảy ra cho Trung tâm Nghiên cứu quốc gia Pháp khi Claudine Salmon và Tạ
Trọng Hiệp dịch loạt bài Hạ Châu tạp ký của Cao Bá Quát có câu :
Nhật
khiết ly cơ tam bách trản,
Bất phương hoán tác tiểu tham quân.
(Ngày uống ba trăm chén rượu,
(Vẫn) không phương hại (khi) gọi làm
tiểu tham quân).
Cả hai dịch giả thành thạo tiếng Pháp ấy
đã làm ngơ hai chữ “ly cơ” (chỉ dịch suông là rượu) vì họ Cao ngẫu hứng xài tiếng
Pháp quá bất ngờ : Ly cơ (liqueur) chỉ thứ rượu mùi độ cồn không đáng kể đồng
thời chỉ loại cốc nho nhỏ, sâu lòng dành cho việc uống thứ rượu ấy. Rượu như thế,
cốc như thế thì uống mấy cũng không say, vẫn lao động nhanh nhẹn như thường cho
cuộc “dương trình hiệu lực” (đi hạ châu).
Ba chữ tiểu tham quân Cao Bá Quát tự đặt để giễu cợt mình cũng làm bất ngờ
nốt cho hai vị dịch giả uy tín ấy nên họ cho là Cao Bá Quát đi “dương trình hiệu
lực” với tư cách Tham quân, thành thử họ gán cho Cao Bá Quát danh nghĩa sứ thần (nghe quá ư mỉa mai cho công việc
thực thụ của Cao !). Chữ Tiểu nọ đã làm
cho họ “sai một ly đi một dặm” ! Khi trích dẫn cho bài biên khảo của mình, Mai
Quốc Liên (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc học) nhấn mạnh chức ấy của Cao có
hàm Chánh Tứ phẩm văn giai. Cả ba người nọ đều bó tay trước cú gian nan này để
cùng… “rơi vào bẫy chơi chữ” của Cao Bá Quát. Họ bị hút vào hai chữ “tham quân”
mà không cảnh giác chút nào chữ Tiểu đi kèm.
Một kẻ bị kết án với khung hình phạt
cao nhất (giảo giam hậu/chờ treo cổ) được tha chết đổi thành án khổ sai đi theo
tàu làm tạp vụ để chuộc tội, tức làm thủy thủ bất đắc dĩ kể đã là cực kỳ may mắn
chứ làm quan Tham quân sao được ? Một viên quan Lục phẩm (giữ chức Chủ sự) như
Cao khi đã phạm tội tày trời như thế, tất nhiên cái lục phẩm nọ cầm chắc là đi đời,
lẽ nào còn bất ngờ được nâng bổng quá đáng thành Chánh Tứ phẩm cho được ?. Đã có
kẻ bào chữa thật vụng về rằng việc họ Cao được thăng chức đặc cách bất ngờ như
thế vì triều đình cần đến họ Cao để “bút đàm” trong một vụ mua tàu ! Chuyện mua
tàu quả là có thực (tạo cơ hội vàng cho kẻ bào chữa vụng về !), nhưng hãy thử
nghĩ có lẽ nào cả phái đoàn Đào Trí Phú, đại diện cho triều đình hẳn hoi lại không
có nổi năm ba người lo việc bút đàm hay sao ? Bút đàm ở thời ấy đâu phải cần đến
họ Cao (giết gà cần gì đồ tể ?).
Sự thực là Cao làm thủy thủ bất đắc dĩ
(tức tham
gia quân đội) và tham gia quá mới mẻ nên chỉ là … tiểu
tham quân. Tham quân thứ thiệt trong hệ thống quan giai phong kiến phải là văn
quan tham mưu cấp Trung ương (Vương Duy (699-759) đời Đường đỗ Trạng nguyên rồi
qua nhiều chức vụ mới được trao chức này). Ở cấp miền, chức ấy có tên là Tán tương
quân vụ. Đại quan như thế, quyết nhiên không thể gánh chữ “Tiểu” nổi ! Ý kiến này
của Thái Trọng Lai đề cập ở thư gởi cho Trung tâm nọ mãi đến nay vẫn chưa ai đồng
tình. Người ta thích cho Cao Bá Quát làm quan to chứ không muốn ông làm anh lính
hầu dù là lính hầu gắng sức đền tội (dương trình hiệu lực).
Cái gian nan buồn cười nhất là việc tìm
năm sinh Cao Bá Quát. Nhiều nhà biên soạn sách giáo khoa trước đây đã bó tay hoặc
phỏng đoán mơ hồ. Luận án tiến sĩ của Nguyễn Ngọc Quận đã viện dẫn công trình của
các bậc tiền bối như Chu Thiên dựa vào bài Cảm
tác, Tảo Trang dựa vào bài Thiên cư
thuyết và bản thân Nguyễn Ngọc Quận dựa vào bài Tặng Di Xuân để suy đoán tuổi thật của Cao Bá Quát là tuổi Mậu Thìn
1808 ! Họ nhọc công làm nhiều bài toán cộng để tìm ra tuổi đó trong khi Cao Bá
Quát đã hết sức thành khẩn khai rõ tuổi thật của mình qua biệt hiệu Nguyên Long
trong các bài :
- Tặng Thổ Khối Đỗ Vệ úy xuất Thanh Hóa
(trang 756 - tập I) : Hồ hải Nguyên Long
cố bất trừ (Tật cũ hồ hải Nguyên Long không bỏ được).
- Thù hữu nhân ủy vấn (trang 852 - tập
I) : Lâu thượng Nguyên Long khả nại hào (Nguyên
Long có thể tự hào mình ở trên lầu)
- Ký hữu nhân (trang 786 - tập II) : Mạc tương lâu thượng khí Nguyên Long (Chớ đem Nguyên Long bỏ trên lầu). “Lầu” là
cách nói tự trào của Cao chỉ túp lều tranh của mình nằm chênh vênh trên bờ thành
cổ, bên trong cửa Đông Ba.
Với biệt hiệu Nguyên Long (rồng đầu đàn,
nguyên thủ của rồng) Cao Bá Quát đã bóng gió nêu cái tuổi Mậu Thìn của mình, thế
mà các vị kia lắc đầu không thèm nhận, lại hì hục đi đào bới ba chốn bốn nơi !
Và buồn cười nhất là trong bài Tặng Thổ
Khối Đỗ Vệ úy xuất Thanh Hóa (Khương Hữu Dụng dịch) còn chú thích Nguyên
Long là tên tự của một nhân vật vô can, xa tít mù khơi Trần Đăng tận đời Tam quốc
nữa.
Cách đặt biệt hiệu như thế của Cao Bá
Quát chịu ảnh hưởng của một nhà phiêu lãng giang hồ nức tiếng đời Minh là Đường
Dần (1470-1523). Ông này tuổi Canh Dần nên đặt hiệu Bá Hổ (hổ chúa). Cao Bá Quát
có nhiều điểm giống Đường Bá Hổ nên xưng Cao Nguyên Long là rất hợp cách. Càng
hợp cách hơn nữa là ông gọi vợ mình bằng cái tên Long Châu (ngọc rồng).
Nỗi gian nan tập trung nhất là việc dịch
bài Bình sinh ngũ thập vận (năm mươi
vần về đời mình). Toàn tập không chọn
bài dịch thơ nào (bài dịch thơ chưa mấy hoàn hảo của Thái Trọng Lai được chọn
cho bản 2010 của Tủ sách Nghìn năm Thăng Long do Viện Văn Học xuất bản). Không
dịch thơ bài này thì kể như chưa dịch thơ Cao Bá Quát, chí ít thì cũng chưa thể
coi là Toàn tập.
Chỉ riêng bài dịch nghĩa ở Toàn tập cũng đã chứa không ít nhầm lẫn.
Xin liệt kê như sau :
1. Câu 2 : Hốt nhược phiếm giá mã dịch thành “chểnh mảng như ngựa lỏng dây cương”
là không chuẩn. Ngựa lỏng dây cương là chỉ việc người cưỡi buông cương cho ngựa
đi bước một để hồi sức sau một hồi phi nước đại. Ở đây ám chỉ việc thắng ngựa cẩu
thả, phiếm giá phải dịch là Ngựa thắng lơi lỏng.
2. Câu 3 : Thiên chấp dịch “thiên lệch cố chấp” là sai ngữ pháp, phải dịch là cố chấp thiên lệch.
3. Câu 6 : Ý khí tương thượng hạ dịch “chí hướng và khí phách ngang nhau” là
chưa ổn. “Thượng” với “hạ” thì không thể nào “ngang nhau” được. Từ điển Vương Vân
Ngũ định nghĩa là “sai không nhiều” tức là “xấp
xỉ nhau”.
4. Câu 7 : Tộc tổ Hồng Quế ông (ông tổ Hồng Quế trong tộc họ) bị chú thích nhầm
là Cao Huy Diệu. Theo Cao Bá Nghiệp (người nắm rõ gia phả) thì Cao Huy Diệu là
chú họ Cao Bá Quát. Chú họ thì không thể làm tộc tổ được, thành thử “Hồng Quế ông”
chỉ có thể tính cho Cao Dương Trạc (1690 - ? ) lớn hơn Cao Bá Quát 118 tuổi (vào
hàng tổ 5 đời). Ông này lần lượt làm Thượng thư nhiều bộ, trong đó có bộ Binh năm
1735.
5. Câu 8 : Tiễn phất thủ thanh giá mà dịch Mài
dũa (nên mới) được thanh danh là ám chỉ Cao có hơi bất kính với tộc tổ.
“Tiễn” có nghĩa là cắt, giẫy (tiễn phát/cắt tóc, tiễn thảo/giẫy cỏ). “Phất” có nghĩa là
phủi (phất trần/phủi bụi). Chữ này còn
có nghĩa là vi, nghịch. Giẫy sạch, phủi sạch kẻ phản nghịch là chức trách của bộ
Binh và chính cụ Cao Dương Trạc (đồ Đồng tiến sĩ) được trao nhiệm vụ ấy để cuối
đời được phong đến Đông các Đại học sĩ, hàm Thiếu bảo, bậc thanh giá cùng tột của
quan giai phong kiến. Vậy phải dịch là :
Dẹp
giặc lấy thanh danh cao quý
6.Câu 9 : Tân Tỵ phát Hương tuyển dịch là “Năm Tân Tỵ bắt đầu đi thi Hương” là đã làm sai lệch nghiêm trọng tiểu sử của
Cao Bá Quát. Chữ ‘Phát” ở đây không hề có nghĩa “xuất phát” mà là “nở hoa” tức phát đạt (đến độ nở) ám chỉ việc ông đỗ
Tú tài đầy uất ức (vì khảo quan gán cho ông cái sai mà ông không vi phạm. Bằng
không, ông thừa sức lấy cử nhân), vậy câu này phải dịch : Đỗ thi Hương khoa Tân Tỵ.
7. Câu 10 : Thùy thiều ngân trưởng giả. Câu này có hai chữ bị phiên âm sai :
- Chữ thứ nhất là chữ Thiều.
Các Từ điển Lục Sư Thành và Vương Vân Ngũ
đều chua cách đọc là Điều (條) còn Từ nguyên chua
cách đọc là đồ liêu thiết. Điều có nghĩa là tóc trẻ con.
- Chữ thứ hai là chữ Ngân :
Hai cuốn từ điển của họ Lục và họ Vương
đều chua cách đọc là Căn (根
) còn Từ nguyên phiên thiết là “cổ - ngân”.
Trong ngôn ngữ thông dụng người ta cũng thường dùng các từ căn tùy, căn tòng có nghĩa như tháp tùng.
Vậy câu trên phải đọc là :
Thùy
điều căn trưởng giả.
Và dịch là :
Buông
rũ tóc trẻ con theo gót người lớn
“Người lớn” ở đây là những nho sĩ (tóc
búi) khoa bảng đàng hoàng, Cao Bá Quát được nhập bọn với họ nhờ tài làm thơ
nhanh (Mẫn Hiên) và nhờ có học vị tối
thiểu (Tú tài) chứ không phải nhờ các trưởng giả ấy thích trẻ con kháu khỉnh
(!). Cao Bá Quát khoe điều ấy là vì thi đỗ chứ không phải khoe thi hỏng. Ông thừa
biết Nguyễn Hiền thời Trần đỗ Trạng nguyên năm 13 tuổi, nếu Cao thi hỏng ở tuổi
14 thì hay ho gì mà tự hào bình sinh ?
8. Câu 12 : Hai chữ Lạc bút dịch là “đặt bút xuống” rất dễ bị
hiểu nhầm là…không viết nữa, trong khi ngôn ngữ thông thường đã có sẵn từ Hạ bút chỉ đúng việc bắt đầu viết.
9. Câu 13 : Hai chữ Tu danh dịch ra “công danh tu luyện” thật là hài hước! Chữ Tu ở đây có nghĩa là…đủ độ
dài (như trong từ Tu trúc). Vậy chỉ nên dịch là Danh tiếng chính thức.
10. Câu 14 : Độc vãng ý dĩ quả
dịch
ra “riêng ý cũng đã nên kết quả” nghe quá mơ hồ. “Ý” gì ở đây? Đáng lẽ phải dịch
là :
Riêng
trong dĩ vãng ý chừng đã có thành quả (ám chỉ việc “Lạc bút kinh tứ tọa”).
11. Câu 18 : Sớm dò được ngọc rồng đen được chú thích : Rồng đen : chữ đẹp của học trò, ý nói văn hay chữ tốt. Chú thích này
quá hời hợt và có lẽ lạc đề do chịu ảnh hưởng của thành ngữ “rồng bay phượng múa”
chỉ chữ viết đẹp. Thật ra câu này ăn theo câu 17 để thành cụm là :
Nhòm
qua cung cách văn chương cùng thời (đã) sớm dò được ngọc rồng đen, ngụ ý họ
Cao đã cảm thụ thấu đáo chỗ thâm thúy của văn chương đương thời. (Rồng đen hiếm
thấy, ngọc của nó còn khó tìm hơn). Ở đây chỉ bàn ý nghĩa văn chương chứ không
nói đến hình dạng văn tự.
Người Trung quốc có thành ngữ “Thám ly
đắc châu” (sờ rồng đen chạm được ngọc) ngụ ý người đọc văn hiểu thấu chỗ hay ho
hàm súc của văn phẩm.
12. Câu 21 : Mậu đăng tú tài tịch dịch “Đăng ký lầm vào sổ bộ người có tài” là
quá ẩu. Xưa nay làm gì có…sổ bộ người có tài ? và nghĩa ấm ớ của câu ấy là gì ?
Ý nghĩa thực thụ ở đây là :
Đăng xằng bậy vào sổ Tú tài.
Đọc bài Sơ nhập Thừa thiên thí viện tác (làm khi thi Hội lần đầu ở Thừa Thiên),
Cao Bá Quát đã tiết lộ tham vọng của mình : Trứ
nhãn ân cần hưu lãng thuyết. Tha thời tu nhận Thám hoa lang. (Dõi mắt ân cần
thôi nói nhảm. Lúc khác phải nhận ra chàng Thám hoa). Một kẻ nuôi mộng quyết giật
Thám hoa (ngang với Trạng nguyên thời Lê-Mạc
trở về trước) mà bị “ách” lại, xếp vào tịch Tú tài là đăng xằng bậy đáng căm.
Câu tiếp theo minh họa sự cố tình đăng xằng bậy ấy :
Truất
hỏng, đè nén chê ta sai để bỏ đi.
Đáng lẽ phải dịch :
Truất
tên ta một cách oan ức, gán sai cho ta để loại bỏ ta.
13. Câu 23 : Chữ Chủ ty ở câu này bị chú thích sai lầm
nghiêm trọng. Chủ ty tức là chủ khảo
của trường thi chứ không dính dáng gì chức Chủ sự của Cao Bá Quát sau đó hơn 10
năm. Cho Chủ ty là Chủ sự đã khiến ý nghĩa câu thơ bị thả nổi hoàn toàn, chẳng đâu
vào đâu.
Cao Bá Quát ca ngợi, đội ơn vị Chủ ty hiền
tài đã lấy đỗ ông ở khoa Tân Mão 1831 để bù lại mối căm hờn mười năm đối với vị
Chủ ty “mậu đăng truất ức” ở khoa Tân
Tỵ 1821 !
14. Câu 25 : Văn đạo cửu nhân uất phải
đọc là yên uất có nghĩa là con đường văn chương bị tắc nghẽn từ lâu
(chữ đạo ở đây nghĩa là đường).
15. Câu 28 : Hai chữ ty tỏa ở cuối câu không hề có nghĩa buộc khóa (chữ tỏa là khóa mang bộ Kim chứ không phải bộ Ngọc). Ty là thấp, Tỏa là nhỏ nhặt,
nhỏ mọn, gộp lại Ty tỏa là hèn mọn,
ti tiện.
16. Câu 32 : Cụm từ “tìm hiểu bị suy vi” nghe thật vô nghĩa,
nên dịch là tìm hiểu tận chỗ nhỏ nhặt nhất
(chữ Vi ở đây phải hiểu theo nghĩa vi
trùng, vi khuẩn tức tìm hiểu tỉ mỉ kỹ càng chứ không thể hiểu theo nghĩa hàn vi, vi hành).
17. Câu 36 : Khinh khoái nhược sương khả mà dịch “nhẹ nhàng như sương trong giỏ”
nghe vừa khó hiểu vừa sai ngữ pháp. “Sương
khả” là giỏ đựng sương chứ không phải sương trong giỏ và phải dịch :
Nhẹ
tênh như giỏ sương
18. Câu 54 : Hiếu khoa trá (muốn khoe khoang) phải đọc là hảo khoa trá (giỏi khoác lác ba hoa).
19. Câu 62 : Phải với trái như xem lửa.
Quan
hỏa dịch “xem lửa” là quá đúng nhưng
họ Cao nói thế nghĩa là gì thì thật gian nan cho người dịch ! Quan hỏa ở đây có
nghĩa là xem tỏ tường như có rọi đuốc, tức xem
bằng lửa, vậy phải dịch :
Phải
trái minh bạch như rọi lửa để xem.
20. Câu 66 : Văn nhược bất thắng dã dịch là “vẻ mềm mại của văn không hơn vẻ
hoang dại” có lẽ không đi đôi với nguyên văn và quá ư khó hiểu. Câu này ăn theo
câu 65 trước đấy (Sơn Tây chuộng mộc mạc) nên câu này phải hiểu là :
Đám văn nhược quê mùa khôn xiết
Người ta thường dùng từ văn
nhược đối trọng với từ “vũ dũng”. Chữ “Thắng” ở đây do đọc sai nên dịch là
“hơn”, kỳ thực phải đọc là thăng (không
có dấu sắc). “Bất thăng” có nghĩa là “không kể xiết”.
21. Câu 80 : Đọc minh trá là chưa đúng.
Phải đọc minh xá và chữ xá ở đây bị
người dịch bỏ quên. Chữ ấy có hai nghĩa : a./ giận dữ (nộ xá - từ điển Vương Vân
Ngũ); b./ tiếng miệng nhai đồ ăn (thực thì khẩu thiệt trung tác thanh - Sđd). Nên
dịch nghẹn ngào là phù hợp văn cảnh.
22. Câu 85 : Văn chương bách niên định dịch thành “văn chương (chỉ) xác định
(sau) trăm năm” nghe thỏa đáng về chữ nghĩa nhưng không thể không thắc mắc. Tại
sao văn chương lại phải chờ lâu đến thế ? Người ta công nhận nó ngay khi nét mực
chưa kịp khô kia chứ ! Thực ra ý Cao Bá Quát ở đây là :
Văn
chương định đoạt giá trị một đời
Suy ra Cao Bá Quát trở nên kiệt xuất là
nhờ để lại hơn nghìn bài thơ chứ không phải nhờ làm Quốc sư cho Lê Duy Cự.
23. Câu 94 : Phiên âm sai chữ Kỳ.
Phải đọc là Cơ bởi người quen thơ Đường không lạ gì thi nhân Cơ Vô Tiền (đỗ
tiến sĩ, giữ chức Tứ tác lang đời Đường Minh Hoàng (713-755). Nay không thể đem
chữ Cơ ấy đọc thành Kỳ (đối với họ tên người, tối kỵ việc đọc
sai).
24. Câu 97 : Cụm từ Trung lộ nhân dịch “Người giữa đường” cần phải chú thích mới rõ nghĩa. Hầu hết người đọc
đều có ấn tượng rõ rệt “người giữa đường” ấy không đi bên phải, chẳng đi bên trái
tức phân biệt theo chiều ngang, trong khi Cao Bá Quát phân biệt theo chiều dọc.
Trung lộ nhân theo ông là người đang đeo
đuổi dở dang kế hoach sống đời của mình.
25. Câu cuối bài : chữ Tạ ở đây không
mang nghĩa tạ lỗi (Cao Bá Quát có gây
xích mích nào với các “trung lộ nhân” đâu ?) mà có nghĩa là từ tạ (các từ điển cắt nghĩa chữ tạ là suy từ, là từ khứ). Ý Cao
Bá Quát ở đây là : xin các vị hãy đi tiếp con đường đời của mình còn tôi xin kiếu
từ không đi tiếp nữa, không ham mộng “Thám hoa lang” cũng thôi đeo đuổi thú phiêu
lưu hồ hải kết giao bốn phương nữa.
Không một ai chịu trách nhiệm về 21 câu
bị nhầm lẫn trên đây vì Bình sinh ngũ thập
vận ở Toàn tập không được chọn bài dịch thơ nào. Bài dịch thơ của Thái Trọng
Lai ở Tủ sách Nghìn năm Thăng Long thì đã có Hội đồng nghiệm thu Viện Văn Học
chịu trách nhiệm.
♠
Dịch thơ Cao Bá Quát mà không nhầm lẫn
thì không còn là dịch thơ Cao Bá Quát nữa. Tác giả ấy có những ý lạ, từ lạ, nghĩa
lạ, cách diễn đạt lạ như đánh đố nên những va vấp của dịch giả là chuyện tất
nhiên, rất đỗi bình thường. Người dịch thơ Cao Bá Quát phải chuẩn bị tinh thần
chấp nhận gian nan thử thách chẳng khác gì kẻ leo núi, đồng thời phải có tinh
thần thực sự cầu thị, thật lòng biết ơn những ai chỉ ra chỗ dịch sai.
Trong số dịch giả được chọn cho Toàn tập và Tủ sách Nghìn năm Thăng Long, có lẽ tôi là kẻ chịu gian nan nhiều
nhất (35% cho Toàn tập và 38% cho Tủ sách…). Có bài dài đến 160 câu (Thất tử) dài
hơn cả Tỳ bà hành hoặc Trường hận ca của Bạch Cư Dị. Tôi khỏi bị đột quỵ theo cụ
Nguyễn Văn Tú năm 1970 có lẽ nhờ vong linh Cao Bá Quát phò hộ độ trì cũng nên.
(Xin đơn cử một chút gian nan trong việc dịch câu thơ 85 của Bình sinh ngũ thập vận, tôi dịch trăm năm văn lắng rõ, đã được Hội đồng
nghiệm thu Viện Văn Học thông qua năm 2010, kể như chuyện đã xong xuôi nhưng trí
tôi vẫn cộm mãi tận hai năm sau (2012) tôi mới vỡ vạc ý nghĩa để chỉnh thành Văn chương định mỗi kiếp. Đến lúc ấy tôi
mới nhẹ nhõm “tự tín suy minh tác giả tâm” theo cách nói của Phan Huy Ích khi
diễn ca Chinh Phụ Ngâm Khúc).
Đà Nẵng
2014
T.T.L
Câu đố chữ :
-
Tam hoàng vi đệ (là em Tam hoàng)
Ngũ đế vi huynh (là anh Ngũ đế)
Dục bãi bất năng (muốn bãi chức
không làm được)
Vô phi hà tội (không phi pháp
thì đâu có tội)
Đó
là chữ Tứ (四) em chữ Tam (三)
anh chữ Ngũ (五) muốn viết chữ
Bãi (罷) thì không có chữ Năng (能),
không có chữ Phi (非) thì không sao
viết được chữ Tội (罪)
T.T.L
st
Câu đối chiết tự
-
Ngọc (玊) tàng nhất điểm, nhập vi chủ (主)
xuất vi vương (王)
-
Thổ (土) tiệt bán hoành, thuận tắc thượng
(上) nghịch tắc hạ (下)
(Nghĩa
: chữ Ngọc dấu một chấm đưa vào thành chữ Chủ, bỏ ra thành chữ Vương.
Chữ
Thổ cắt bớt nửa nét ngang, để thuận thành chữ Thượng, lật ngược thành chữ Hạ)
T.T.L
st
Câu đối ngộ nghĩnh trên Tạp chí Nam Phong
-
Vũ (武) ỷ mạnh
Vũ (舞) ra Vũ múa
Vũ (雨) bị mưa Vũ
(羽) ướt cả lông
-
Thị (侍) vào chầu
Thị (視) đứng thị trông,
Thị (嗜) cũng muốn,
Thị (是) không có ấy
T.T.L st
Câu đố chữ
(Tương truyền do sứ thần Trung quốc thử
tài quần thần triều Lê Kính Tông)
Nhật
nhật tung hoành nhật (mặt trời dọc ngang)
Sơn
sơn tứ diện sơn (núi non bốn mặt)
Lưỡng
vương tranh nhất quốc (hai vua giành một nước)
Tứ
khẩu cộng thành gia (bốn nhân khẩu gộp thành gia đình)
Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan
(1528-1613) giải đáp đấy là chữ Điền
(田) có thể tách thành 4 chữ Nhật (日), 4 chữ Sơn (山), 2 chữ Vương (王) và 4 chữ Khẩu (口)
T.T.L
st
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét