Thứ Bảy, 29 tháng 11, 2014

Mùng tơi trong thơ tiền chiến/ blog nguoinhabe/ Nguyễn Nam st

Mùng Tơi Trong Thơ Tiền Chiến

1
Mùng tơi (mồng tơi) bình thường lắm, là một loại giây leo có thể gặp khắp nơi ở vùng quê, rất gần gũi với người Việt, ít người không biết tới. Mùng tơi dễ trồng, người ta hay cho leo theo hàng rào hay lên giàn cây dựng đơn giản. Lá mùng tơi màu xanh, có bông trắng và trái khi trở già màu tím. Hình ảnh của giàn mùng tơi nhan nhản với mọi người nhưng có lẽ vì không đài các như hồng, vương giả như lan hay ít ra rực vàng như mai như cúc nên mùng tơi hầu như không xuất hiện trong văn chưong thi phú cho tới khi Nguyễn Bính và Lưu trọng Lư tài tình đem lá mùng tơi vô trong những bài thơ của họ thì giậu mùng tơi xanh mỡn, đơn sơ, gần trong ánh mắt hàng ngày mới có nét lãng mạng hơn.
Trong các bài thơ của Nguyễn Bính, “Cô Hàng Xóm” được biết tới, nhắc nhở và tạo ra nhiều cảm hứng nhất:













Nhà nàng ở cạnh nhà tôi,
Cách nhau cái giậu mùng tơi xanh rờn.
Hai người sống giữa cô đơn,
Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi.
Giá đừng có giậu mùng tơi,
Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng.
Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng…
Có con bướm trắng thường sang bên này.
Bướm ơi! Bướm hãy vào đây!
Cho tôi hỏi nhỏ câu này chút thôi…
Chả bao giờ thấy nàng cười,
Nàng hong tơ ướt ra ngoài mái hiên.
Mắt nàng đăm đắm trông lên…
Con bươm bướm trắng về bên ấy rồi!
Bỗng dưng tôi thấy bồi hồi,
Tôi buồn tự hỏi: “Hay tôi yêu nàng?”
– Không, từ ân ái lỡ làng,
Tình tôi than lạnh gio tàn làm sao?
Tơ hong nàng chả cất vào,
Con bươm bướm trắng hôm nào cũng sang.
Mấy hôm nay chẳng thấy nàng,
Giá tôi cũng có tơ vàng mà hong.
Cái gì như thể nhớ mong?
Nhớ nàng? Không! Quyết là không nhớ nàng!
Vâng, từ ân ái nhỡ nhàng,
Lòng tôi riêng nhớ bạn vàng ngày xưa.
Tầm tầm giời cứ đổ mưa,
Hết hôm nay nữa là vừa bốn hôm.
Cô đơn buồn lại thêm buồn,
Tạnh mưa bươm bướm biết còn sang chơi?
Hôm nay mưa đã tạnh rồi!
Tơ không hong nữa, bướm lười không sang.
Bên hiên vẫn vắng bóng nàng,
Rưng rưng… tôi gục xuống bàn rưng rưng…
Nhớ con bướm trắng lạ lùng!
Nhớ tơ vàng nữa, nhưng không nhớ nàng.
Hỡi ơi! Bướm trắng tơ vàng!
Mau về mà chịu tang nàng đi thôi!
Đêm qua nàng đã chết rồi,
Nghẹn ngào tôi khóc… Quả tôi yêu nàng.
Hồn trinh còn ở trần gian?
Nhập vào bướm trắng mà sang bên này!
Nguyễn Bính và cô hàng xóm cách nhau bằng hàng rào có mùng tơi phủ xanh rờn sơ sài lại biến thành “kỳ đà cản mũi” khiến cho nhà thơ không sang thăm cô hàng xóm được:
Giá đừng có giậu mùng tơi,
Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng.
Có đúng là vì giậu mùng tơi sông ngăn, núi cách mà Nguyễn Bính không đi được? Có thể thấy rõ không phải lỗi ở giậu mùng tơi, mà tác giả tơ lòng đã đứt, lửa lòng đã nguội lạnh:
– Không, từ ân ái lỡ làng,
Tình tôi than lạnh gio tàn làm sao?
Vâng, từ ân ái nhỡ nhàng,
Lòng tôi riêng nhớ bạn vàng ngày xưa.
Vết thương lòng đã làm ông như con chim từng bị tên thấy cành cong thì sợ, đổ vở trước đã làm tác giả  chơi vơi, ngần ngừ. Chính nội tâm của nhà thơ là một trở lực quá lớn, ông không thể bước qua cái giậu mùng tơi trong lòng mình để sang thăm cô hàng xóm được.
Xin đừng trách giậu mùng tơi
Vì lòng rướm máu, chơi vơi ngại ngùng
chớ giậu mùng tơi giữa hai nhà đâu lại nỡ trở thành chướng ngại không thể vượt qua được của nhà thơ, Nguyễn Bính đã ký thác, gởi gấm lòng mình vô giậu mùng tơi hiền lành không hề phấn son trau chuốt.
Tuy không được học hành nhiều như những nhà thơ tiền chiến khác, Nguyễn Bính nhận xét rất mẫn cảm và tinh tế về không gian cũng như thời gian chung quanh ông:
Từ độ mồng tơi thôi trổ lá
Là cô hàng xóm cũng thôi sang
Mùng tơi ở vùng khí hậu ấm ra lá quanh năm nhưng khi trồng nơi lanh như vùng quê Nguyễn Bính khi hết mùa Hè trở lạnh thì không ra lá nửa. Tới mùa Thu, cô hàng xóm đi lấy chồng mất rồi nên đã “thôi sang”, để lại nổi trống vắng và hụt hẩn cho nhà thơ(1)(2).
Với cái tài hoa, Lưu trọng Lư đã nâng những lá mùng tơi xanh tươi mát mắt, bình dị vào nét cổ kính, tiêu sơ “Năm tháng ta chen chốn bụi hồng, Cảnh xưa dừng bước một chiều đông” trong bài thơ Lá mồng tơi của mình:
Lá mồng tơi
(Tặng hương hồn một bác sĩ)
Hoa lá quanh nàng lác đác rơi,
Cuối vườn đeo giỏ hái mồng tơi,
Mồng tơi ứa đỏ đôi tay nõn,
Có bé nhìn tay, nhí nhảnh cười.
*
Cách tường tiếng gọi sẽ đưa sang;
Rẽ lá cô em trốn vội vàng,
Quên giỏ mồng tơi bên giậu vắng;
Ta qua nhặt lấy gửi đưa nàng.
*
Năm tháng ta chen chốn bụi hồng
Cảnh xưa dừng bước một chiều đông,
Cây trơ, giậu đổ, mồng tơi héo
Cô bé vườn bên đã lấy chồng.
Lưu Trọng Lư (Tiếng thu, 1939)(3)

khởi đầu bằng hình bóng vui tươi, trẻ trung đầy sức sống của cô gái hái mùng tơi và tận cùng với cảnh chiều Đông tiêu điều. Thấp thoáng đâu đây nét xưa của Thôi Hộ:
Đề tích sở kiến xứ
Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong [*]

[Bản chữ Hán NT st]:
 題  昔  所 見  處
去  年  今  日  此  門  中
人  面  桃  花  相  暎  红
人  面  不  知  何  處  
 桃   依  舊  笑  東  風

và tâm trạng ngỡ ngàng khi Kim Trọng trở lại vườn Thúy:
Ðầy vườn cỏ mọc lau thưa
Song trăng quạnh quẽ vách mưa rả rời
Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.
(ĐTTT câu 2745-2748)
Người xưa chọn cảnh tang thương cũng còn ráng gượng cánh hoa đào cười đón gió Đông, chứ ở đây bức tranh quê “Cây trơ, giậu đổ, mồng tơi héo” rất bình thường với cuộc đời của người thôn dã nhưng lại đem đến cho nhà thơ bao tê tái khi cô bé hàng xóm vườn bên đã đi lấy chồng. Cảnh cũ không còn và người năm trước thì biệt tăm, giàn mùng tơi không còn ai hái lá, cũng héo hắt buồn theo.
Hầu như ai cũng biết giây mùng tơi bò theo hàng rào bên nhà nhưng có mấy người đã chú trọng tới loài rau luôn luôn sẵn sàng ngay tầm tay mình đâu. Chỉ có nhà thơ với tâm hồn nhạy bén và “có thời giờ” mới gữi gắm nỗi lòng qua hàng mùng tơi mộc mạc đó. Có lẽ Nguyễn Bính và Lưu trọng Lư là người đã đem hình ảnh và gợi sự chú ý cho đời nhiều nhất về giàn mùng tơi và nồi canh cũng bớt nhớt, đậm hưong hơn, ngọt ngào hơn cộng thêm một chút thơ qua bao nhiêu sự thay đổi.
(1)  Theo tác giả Tuệ Chương Hoàng Long Hải, trong Một Chút Tình Thu:http://vanlangseattle.org/public/documents/motchuttinhthu.html.
(2)  Vì không kiếm được nguyên bài thơ có hai câu này nên không biết tựa cũng như có phải chắc chắn là của Nguyễn Bính hay không.
(3)  Có người cho là bài thơ “Lá mùng tơi” là của nguyễn Bính
-----------------------------------------------------------------------
[*][Bản chữ Hán NT st]:
 題  昔  所 見  處
去  年  今  日  此  門  中
人  面  桃  花  相  暎  红
人  面  不  知  何  處  
 桃   依  舊  笑  東  風

=================================================================

Blog nguoinhabe

Nội dung 10 nhớ, 10 thương, 10 mừng, 10 lo qua các bài ca dao, dân ca/ Nguyễn Nam st

Lời bài hát: Mười Nhớ (Quan Họ Bắc Ninh)
Một em nhớ đôi bạn chung tình
Hai em nhớ yểu điệu
Ba em nhớ tiếng nói
Bốn em nhớ tới người đồng tâm
A hời a ư hời ư là i hời ư
Năm nhớ người buông nụ cười nên tôi nhớ a hời a chứ a tính tình
Tình i i tình tính tình tình tình tinh a hời a ư hời ư là ứ hời ừ
Sáu em nhớ em gửi lời thăm người
Bẩy em nhớ tới người tri kỷ
Tám em nhớ phong thư gửi nhạn
Chín em nhớ đến đôi người đồng tâm
À hỡi a ư hỡi ư là i hỡi ừ
Mười xinh chung tình nên em nhớ a ơi a chứ a tính tình
Tình i i i tính tình tình tình a hỡi a ư hời ư là ư hời .. ư ..
*****
Mười Thương

 ( Dân Ca )

Quan Họ Bắc Ninh

Một em nhớ đôi bạn chung tình
Hai em nhớ yểu điệu
Ba em nhớ tiếng nói
Bốn em nhớ đến đôi người đồng tâm
A hổi à, hừ hổi hừ lá hứ hổi hừ
Năm em nhớ người buông nụ cười, nên em nhớ...à hồi á, tính tình
Tinh ý y tinh, tính tình tinh tinh
A hổi à, hừ hổi hừ lá hứ hổi hừ

Sáu em nhớ em gửi lời thăm người
Bảy em nhớ tới người tri kỷ
Tám em nhớ phong thư gửi nhận
Chín em nhớ đến, đôi người tri âm
A hổi à, hừ hổi hừ lá hứ hổi hừ
Mười xin...chung tình ..nên em nhớ...à hồi á, tính tình
Tinh ý y tinh, tính tình tinh tinh
A hổi à, hừ hổi hừ lá hứ hổi hừ
*****

Ca Dao Mười Thương


Một thương tóc bỏ đuôi gà
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên.
Ba thương má lúm đồng tiền,
Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua.
Năm thương cổ yếm đeo bùa,
Sáu thương nón thượng quai tua dịu dàng.
Bảy thương nết ở khôn ngoan,
Tám thương ăn nói dịu dàng thêm xinh.
Chín thương em ở một mình,
Mười thương con mắt có tình với ai
*****
Mười mừng

Một mừng ăn một miếng trầu
Hai mừng ta gặp nhau đây tự tình.
Ba mừng tài sắc đều xinh
Bốn mừng bác mẹ sinh thành được đôị
Năm mừng nguyện ước một lời
Sáu mừng duyên phận bởi trời xui nên.
Bảy mừng gặp được bạn hiền
Tám mừng giải tấm lòng nguyền thủy chung.
Chín mừng tài tử anh hùng
Mười mừng ta ở cùng chung một nhà.
Mừng chàng mừng thực mừng thà
Em nay tri kỷ không là mừng chơị
Chàng ơi ghi hết mọi nơi
Xin chàng mừng lại cho tôi bằng lòng.
*****
Mười lo (1)

Một lo đứng cửa trông ra
Hai lo đi lấy chồng xa nước người
Ba lo sợ chị em cười
Bốn lo đi ngược, về xuôi sao đành
Năm lo lúc tử, lúc sinh
Sáu lo phận (con) gái một mình đường xa
Bảy lo nhớ cửa nhớ nhà
Tám lo còn chút mẹ già ai nuôi
Chín lo em thiệt cả mười
Mười lo (Để em) kiếm lối tìm nơi đi về

Mười lo (2)


Một lo nhớ phượng nhớ loan
Hai lo con gái đang xoan lỡ thì.
Ba lo phụ mẫu một bề
Bốn lo em chửa lấy gì được yên.
Năm lo em hãy còn phiền
Sáu lo em chửa được yên cửa nhà.
Bảy lo em lấy chồng xa
Tám lo em để mẹ già anh nuôị
Chín lo đồng đất nước người
Mười lo đi ngược về xuôi một mình.
.

Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2014

Bài ca dao đặc sắc về tình Mẹ/ Nguyễn Nam st


BÀI CA DAO ĐẶC SẮC VỀ  TÌNH MẸ 

            Đây là bài ca dao đã được chọn lọc đưa vào chương trình Ngữ  văn lớp 10 ở sách giáo khoa thí điểm (tập 1, Bộ 2, Ban KHXH & NV, trang 162) , và là một bài ca của dân tộc thiểu số (Dân tộc Mường ở Thanh Hoá) hiếm hoi được đưa vào chương trình. Bài ca dao như sau:  
Mười tay
Bồng bồng con nín con ơi

Dưới sông con cá lội, ở trên trời chim bay
Ước gì mẹ có mười tay
Tay kia bắt cá, còn tay này bắn chim
Một tay chuốt chỉ chuồn kim
Một tay đi làm ruộng, một tay tìm hái rau
Một tay ôm ấp con đau
Một tay đi vay gạo, một tay cầu cúng ma
Một tay khung củi, muối dưa
Còn tay để van lạy, để bẩm thưa đỡ đòn
Tay nào để giữ  lấy con
Tay nào lau nước mắt, mẹ vẫn còn thiếu tay
Bồng bồng con ngủ con say
Dưới sông cá vẫn lội, chim vẫn bay trên trời.
Ca dao thường dùng con số mười...như là một con số tròn đầy để nói lên những điều con người mong ước hoặc lo nghĩ trong cuộc sống. Có nỗi cực khổ tột cùng và niềm hy vọng lạc quan của người lao động trong Mười cái trứng, có nỗi lo lắng nhiều bề của người con gái đi lấy chồng xa ở quê người trong Mười lo, có cả Mười nhớ, Mười mừng, Mười tình để rồi cuối cùng đi đến Mười thương (và cả Mười yêu) thật ngọt ngào, tình tứ:

Một thương tóc bỏ đuôi gà
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên
Ba thương má lúm đồng tiềnBốn thương răng lánh hạt huyền kém thua...Bài ca dao Mười tay của dân tộc Mường trên đây có tứ thơ thật độc đáo: Ước gì mẹ có mười tay... Vì sao người mẹ lại có ước muốn lạ như vậy, khi trong trần gian con người ai cũng chỉ có hai tay? Đó là vì cuộc đời mẹ khổ quá, nếu chỉ có hai tay thì không sao gỡ hết nỗi khổ cứ đè nặng lên đội vai gầy của mẹ. Cái điệp khúc ''tay kia'', ''tay này'', rồi lại ''một tay'', ''một tay''... cứ vang lên day dứt suốt bài ca. Và cùng với nó, biết bao công việc hiện ra liên tiếp như  một chuỗi dài khổ cực: bắt cá, bắn chim, làm ruộng, hái rau, bếp nước, cửa nhà, guồng xa, khung cửi... cho đến cả van lạy, bẩm thưa, đỡ đòn... Một thân mẹ gầy yếu mà phải đối mặt với cuộc sống gian truân, khắc nghiệt như thế, làm sao hai tay có thể chống đỡ được? Nhưng cái ước muốn ấy không phải là vì mẹ mà chủ yếu là vì đứa con đang nằm trong lòng mẹ, và mẹ đang ru cho nó ngủ. Người mẹ dồn hết tình thương con vào lời ru, vào điều mong ước da diết nhất:Một tay ôm ấp con đauVà nếu tính kỹ, thì không phải Mười tay (mười chỉ là con số tròn đầy mang nghĩa nhiều) mà là mười hai tay, nhưng mẹ vẫn còn thiếu hai tay:Tay nào để giữ lấy conTay nào lau nước mắt, mẹ vẫn còn thiếu tay.Một tay cho cuộc đời khổ cực của mẹ và một tay cho tình mẫu tử thiêng liêng. Có thể thấy nước mắt đã chảy nhiều trong đời mẹ nhưng làm sao đo đếm được tình thương con sâu nặng trong lời ca của khúc hát ru than thân này? Bên cạnh những ước mơ đẹp được mở đầu với công thức ngôn từ Ước gì thường thấy trong ca dao tình yêu : -  Ước gì sông rộng một gang
Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi,-  Ước gì bướm được gần hoa

Ước gì mình sánh với ta hỡi mình

Ước gì tính sánh với tìnhƯớc gì nhánh bích cành quỳnh thành đôiƯớc gì lan huệ đâm chồiƯớc gì quân tử sánh người thuyền quyênƯớc gì nguyện được như nguyềnƯớc gì chỉ thắm xe duyên tơ đào

Ước gì cầu bắc  trên ao

Ước gì đông liễu tây đào giao hoan ta càng thấm thía và quý trọng biết bao ước mơ của bà mẹ dân tộc Mường - tượng trưng cao đẹp cho tấm lòng người mẹ Việt Nam. 

Mời đọc 1 bài ca dao đặc sắc/ Nguyễn Nam st

“MƯỜI QUẢ TRỨNG” MỘT BÀI  CA Dao ĐẶC SẮC CỦA BÌNH TRỊ THIÊN

Là cả gia tài/chưa kể vay mượn phải trả của nhân vật trữ tình trong bài ca dao (Ảnh minh họa Google)


Bàt dân ca  Mười quả trứng từng nằm trong tập hợp Những câu hát than thân  trích trong sách Ngữ văn.10. Tại nhà trường phổ thông, Mười quả trứng  chỉ được dạy như một văn bản ngôn từ, không có phần âm nhạc. Lời ca như thế này:
Tháng giêng, tháng hai,
Tháng ba, tháng bốn,
Tháng khốn, tháng nạn
Đi vay đi dạm
Được một quan tiền
Ra chợ Kẻ Diên
Mua con gà mái
Về nuôi hắn đẻ ra mười trứng
Một trứng: ung
Hai trứng: ung
Ba trứng: ung
Bốn trứng: ung
Năm trứng: ung
Sáu trứng: ung
Bảy trứng: ung
Còn ba trứng nở ra ba con:
Con: diều tha
Con: quạ bắt
Con: mặt cắt xơi

Chớ than phận khó ai ơi
Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây…

Có lẽ tự sự của bài ca đã gây ra một tác động tâm lý tức thời bởi năng lượng truyền cảm của nó. Vừa đọc lên, đã thấy lòng quặn thắt, bởi một nỗi khổ cực khốn cùng.
Đúng là nỗi khổ cực khốn cùng của người nông dân Bình Trị Thiên đã được diễn tả, nhưng đồng thời bài dân ca cũng nói lên niềm hy vọng mong manh của họ.
Dựa vào việc trình bày cảnh ngộ của người nông dân chăm sóc mười quả trứng, bài dân ca đã cho ta một hình dung toàncảnh về một cuộc đời khốn khổ.
Mở đầu:
Tháng giêng, tháng hai, tháng ba, tháng bốn…,
- ta gặp một phép kể và một cách tính quen thuộc của người nông dân: tính tháng, tình thời vụ. Bởi vì người nông dân sống bằng thời vụ; cũng như thời vụ và những công việc đồng áng chi phối toàn bộ cuộc sống của họ. Từ tháng giêng đến tháng tư nhà nông chưa có thóc, chưa đến thì gặt lúa, chưa đến mùa thu gặt. Mùa thu gặt phải chờ đến tháng 5. Tháng 3, tháng 4 như vậy là coi như tháng giáp hạt, tháng đói. Và đó cũng chính là lý do mà người nông dân này vừa kể vừa kêu khổ:
… tháng ba, tháng bốn, tháng khốn, tháng nạn.
Khốn là khốn đốn, nạn – là vận nạn, chỉ vận nạn khốn quẫn, khốn cùng, như đói kém, túng quẫn, thiếu thốn. Biết làm gì khi vụ mùa chưa tới? Sự chờ đợi đối với người nông dân dài dằng dặc, nghĩa là từ sau khi gieo mạ và chờ cây lúa lên sau tháng giêng hai.
Anh ta có sáng kiến, như tạo được một cơ hội:
Đi vay đi dạm được một quan tiền
Ra chợ Kẻ Diên mua con gà mái.
Đi vay đi dạm tức là phải chạy vạy, vay mượn vất vả.
Nhưng bù lại:
Về nuôi hắn đẻ ra mười trứng.
Mười cái trứng – đó là tất cả vồn liếng, là sự sinh sôi, nảy nở của ngày mai. Điều đó vừa bé bỏng, vừa lớn lao một cách khắc nghiệt vì nó chứa đựng toàn bộ niềm hy vọng.
Có thể hình dung ra tâm trạng thấp thỏm của người nông dân khi anh ta chờ đợi và nhặt lên từng quả trứng, thận trọng soi nó dưới ánh nắng mặt trời và cay đắng nhận thấy:
Một trứng: ung
Hai trứng: ung
Ba trứng: ung
Bốn trứng: ung
Năm trứng: ung
Sáu trứng: ung
Bảy trứng: ung
Quả là một con số dài dằng dặc và một kết luận đau xót. Tưởng chừng mỗi tiếng ung buông ra như kèm với tiếng thở dài nặng trĩu đầy thất vọng!
Còn ba trứng nở ra ba con.
Bài dân ca không mô tả thời gian và việc chăm sóc gà con, những vẫn cho người nghe một cảm nhận về sự chuyển vận của thời gian qua lời kể và qua những chăm chú thường trực của họ. Họ vẫn đếm và vẫn tính, trên cái Không có gì. Bởi số phận hiện ra như một sự trắng tay
Con: diều tha
Con: quạ bắt
Con: mặt cắt xơi
Lời ca nghẹn lại như một tiếng khóc than. Ta cảm thấy như là có một sự ngẫm nghĩ, sự suy ngẫm đau đớn trước cái gì điêu tàn, tan thương và mất mát. Và đó chính là sự suy ngẫm trước hiện thực và trước số phận bạc bẽo, là sự trực diện với đau khổ, với sự khô cằn, tan vỡ, và với cái nghèo không lối thoát.
Hoàn tất một sự kể khổ như vậy thực là độc đáo.
Thế nhưng ở hai câu cuối của bài ca dao, lời an ủi và niềm hy vọng lại cất lên. Và nó cất lên giữa một sự điêu tàn, sự tang thương bởi những mảnh còn sót lại của những con gà non bị diều tha, quạ bắt…
Chớ than phận khó ai ơi
Còn da: Lông mọc, còn chồi: nảy cây.Chớ than – đừng than thở; là một lời khuyên nhủ, lời an ủi, và cũng là một cách kìm nén nỗi đau khổ ở trong lòng, để nỗi đau khổ trở nên âm thầm, tạo thành một nghị lực và một sự chịu đựng, để sống và hy vọng. Niềm hy vọng ấy là từ những gì kế tục, sống lại và đồng nhất với khởi sự của một sự sống: Còn da: Lông mọc, còn chồi:  nảy cây.Bài dân ca Bình – Trị – Thiên này dường như là được hát trên những vùng đất hoang vu đầy nắng, gió và cát. Nó hát về những nỗi khổ dài dằng dặc quanh năm suốt tháng, gửi gắm vào đấy nỗi bi thương và hát lên để tỏ bày, để thông cảm và để thương nhau, bởi vì sự thông cảm và thương nhau cũng là một nguồn sống. Đặc biệt là niềm hy vọng. Niềm hy vọng ở đây, là cái còn lại cuối cùng, sau nỗi khổ đau.và lời khẩn cầu cho sự sống lại đâm chồi nảy mầm.Và lời khẩn cầu cũng như niềm hy vọng ấy được ca hát lên, tựa như một ngọn gió hoang vu cất lên từ mặt đất cằn khô, bao la đầy cát trắng.Có một điều lạ lùng, rằng cái tiếng hát bi thương, buồn khổ này dường như cứ đeo đẳng và đi theo ta mãi, ám ảnh và làm cho ai đã nghe nó một lần cũng không thể quên, dai dẳng như là một nỗi nhớ đến dĩ vãng của một thời, của một người, của một vùng đất, một xứ sở, ngay cả khi ta đã sung sướng và giàu có. Sự không quên này sẽ giống như một ký ức, và nó đích thực là một tình yêu đối với quê hương, đối với con người, đối với nhân dân. 
                                     
Hoàng Thủy Hương