Ai Công Hầu, Ai Khanh Tướng
Một giai thoại văn chương thú vị kể rằng khi Ngô Thời Nhậm bị chính quyền nhà Nguyễn gọi ra trình diện, ông gặp lại Đặng Trần Thường, giờ đã làm quan lớn trong chế độ mới. Ông Đặng nhớ khi xưa đã bị ông Ngô khinh bạc, nên ra câu đối: "Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai, ai dễ biết ai?"
Ai Công Hầu, Ai Khanh Tướng
1) Ngô Thời Nhậm (1746 - 1803) người tỉnh Hà Đông, con trai đầu của Ngô Thời Sỹ (1726 - 1780), thuộc gia đình Nho học nổi tiếng. Ông đổ tiến sĩ năm 30 tuổi (1775) cùng một lần với em rể là Phan Huy Ích. Ông làm quan đến chức đốc đồng (1) của hai trấn quan trọng: Kinh Bắc và Thái Nguyên; trong khi đó cha ông - Ngô Thời Sỹ - giữ chưc đốc trấn (đứng đầu trấn) Lạng Sơn. Đó là vinh dự lớn cho dòng họ Ngô Thời lúc làm quan thời vua Lê, chúa Trịnh.
Trịnh Sâm mê Đặng Thị Huệ định phế trưởng lập thứ, tức đưa Trịnh Cán lên kế vị ngôi chúa. Năm Canh Tý (1780) Trịnh Sâm bệnh nặng, con trưởng là Trịnh Khải (Tông) nghĩ rằng mình không được kế vị cha nên âm mưu cướp ngôi khi Trịnh Sâm qua đời. Không ngờ, Trịnh Sâm khỏi bệnh, có người báo cho biết vụ việc nên ra lệnh bắt giam Khảì và sai Ngô Thời Nhậm tra xét vụ án, vì Kinh Bắc và Thái Nguyên (nơi ông phụ trách tư pháp) cũng là nơi trấn nhậm của các người dự mưu với Trịnh Khải.
Những người dự mưu chính là Nguyễn Khản (anh cùng cha khác mẹ với Nguyễn Du và cũng là thầy dạy học cũ của Trịnh Khải), trấn thủ Sơn Tây; Nguyễn Khắc Tuân, trấn thủ Kinh Bắc; Chu Xuân Hán. Ba người này đều là bạn thân của cha ông.
Đang tra xét vụ án, bất ngờ Ngô Thời Sỹ từ trần, ông xin nghỉ việc về quê chịu tang cha. Lê Quý Đôn được cử thay thế. Kết quả vụ án là Chu Xuân Hán, Nguyễn Khắc Tuân uống thuốc độc chết trong tù, Nguyễn Khản bị giải chức. Riêng Ngô Thời Nhậm lại được lên chức hữu thị lang bộ Công. Vì vậy ông bị tiếng đời dị nghị là "giết bốn cha, làm thị lang"! (2) (ảnh hưởng Nho giáo lúc ấy: bạn thân của cha cũng kể là cha).
Hai năm sau, Trịnh Sâm chết (1739 - 1782), Trịnh Cán mới năm tuổi lên kế vị cha. Kiêu binh nổi lọan phế Trịnh Cán lập Trịnh Khải lên ngôi chúa. Ngô Thời Nhậm có liên hệ đến vụ án năm 1780 (3), nên phải bỏ trốn về quê vợ ở Sơn Nam trong 6 năm rồi ra gặp Nguyễn Huệ năm 1788. Lúc này ông đã 43 tuổi.
2) Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc với danh nghĩa phù Lê diệt Trịnh, ông kêu gọi cựu quan nhà Lê ra giúp nước. Sau khi được tiến dẫn đến trình diện Nguyễn Huệ, Ngô Thời Nhậm được giao làm Lại bộ Tả thị lang. Dịp nầy ông đã thuyết phục được nhiều nhân sĩ Bắc hà ra cộng tác với Tây Sơn.
Sau khi vua Quang Trung quét sạch quân xâm lược nhà Thanh ra khỏi bờ cõi, mọi việc ngọai giao mềm mỏng với Trung Hoa để tránh khỏi trả thù, vua Quang Trung đều giao cho ông đối phó. Ông đã hoàn thành nhiệm vụ khó khăn nầy hết sức tốt đẹp, kết quả là nhà Thanh không còn nghĩ đến chuyện phục thù mà còn phong cho vua Quang Trung làm An Nam quốc vương.
Ông mô tả chiến dịch ngọai giao tất bật đó như sau:
Một năm ba lần đến cửa Nam Quan,
Mai tuyết hại người, mái tóc đốm bạc.
. . .
Khe núi luôn tiễn đưa yên ngựa sứ quân.
Công văn liên tiếp, việc biên thùy khẩn cấp,
Gươm đàn đằng đẳng, bước đường đời gian nan. (2)
3) Sự nghiệp ông đang lên thi vua Quang Trung mất sớm (1792). Vua Cảnh Thịnh kế vị lúc mới mười tuổi. Thái sư Bùi Đắc Tuyên chuyên quyền, nội bộ nhà Tây Sơn chia rẻ. Ngô Thời Nhậm không còn được trọng dụng nữa. Ông giải khuây bằng cách nghiên cứu thiền học. Ông là đại sư của thiền phái Trúc Lâm thời đó.
Khi Nguyễn Phúc Ánh thống nhất đất nước đã bắt gia đình và những đại thần nhà Tây Sơn đem giết trong lễ hiến phù tại nhà Thái miếu (Phú Xuân) năm 1802. Những nhân sĩ Bắc hà đã từng cộng tác với Tây Sơn như Ngô Thời Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Gia Phan ... bị bắt đem ra kể tội trước Văn Miếu (Thăng Long). Đặng Trần Thường dâng sớ xin giết, nhưng tổng trấn Nguyễn Văn Thành vâng theo chiếu chỉ, chỉ phạt đánh roi rồi tha nhưng riêng Ngô Thời Nhậm bị đánh chết ngày 9-3-1803. (4)
Những người trung trực, luôn luôn tận lực làm tròn phận sự của mình thì hay gây nhiều va chạm, bị người ganh ghét nên đã đưa đến thảm trạng cho cuộc đời ông.
4) Đặng Trần Thường (1759 - 1816) người trấn Sơn Nam, đỗ sinh đồ về cuối đời Lê. Ngô Thời Nhậm thấy Đặng Trần Thường không chịu ra làm quan với nhà Tây Sơn liền nói với giọng mỉa mai khinh bạc: "Người quân tử quý ở chỗ biết thông biến mới có thể làm nên được công nghiệp, chứ kẻ thất phu chỉ biết tự tin mình, rồi có ích gì". Đặng Trần Thường căm giận và nói với người nhà rằng: "Ta sẽ phải giết tên giặc ấy". (5)
Cuối năm 1793, chúa Nguyễn sai người ra Thăng Long chiêu dụ hào kiệt. Đặng Trần Thường vượt biển vào Nam theo Nguyễn Phúc Ánh chống nhau với Tây Sơn. Sau khi lên ngôi, vua Gia Long phong Nguyễn Văn Thành làm tổng trấn Bắc thành. Dưới quyền tổng trấn có ba tào: hộ, binh và hình. Đặng Trần Thường coi tào binh.
Một giai thoại văn chương thú vị kể rằng khi Ngô Thời Nhậm bị chính quyền nhà Nguyễn gọi ra trình diện, ông gặp lại Đặng Trần Thường, giờ đã làm quan lớn trong chế độ mới. Ông Đặng nhớ khi xưa đã bị ông Ngô khinh bạc, nên ra câu đối:
"Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai, ai dễ biết ai?"
Thật là giọng điệu của người đang đắc chí, tự phụ. Giờ này ông Đặng là công hầu, khanh tướng; ông Ngô chỉ là kẻ tội phạm sắp bị đưa ra xét xử. Chữ "ai" trong câu đối trên hẳn là ông Đặng muốn ám chỉ kẻ thất thế giờ này là ông Ngô.
Tiến sĩ Ngô Thời Nhâm làu thông kinh sử, nhân vật xuất sắc nhất trong "Ngô gia văn phái" (8), người đã từng viết Chiếu tức vị (Chiếu lên ngôi) cho vua Quang Trung (6), nhiều lần cầm đầu phái đoàn đi sứ, thay mặt vua viết biết bao là văn thư đối đáp với Thanh triều; thì không có gì khó khi đáp lại:
"Thế Chiến quốc, thế Xuân thu (7), gặp thời thế, thế thời phải thế!"
Có thuyết nói rằng, nguyên câu đối lại của Ngô Thì Nhậm là:
- Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, dù thời thế, thế nào cũng thế
- Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế nào vẫn thế
Đặng Trần Thường bắt ông phải sửa lại như câu nói "thế đành theo thế" (hay thế thời theo thế hoặc là thế thì phải thế). Ngô Thì Nhậm không nói lại. Thường tức giận sai người dùng roi tẩm thuốc độc đánh ông.
Sau trận đòn về nhà, Phan Huy Ích không bị đánh bằng thuốc độc nên còn sống. Còn Ngô Thì Nhậm bị thuốc độc ngấm vào tạng phủ, biết mình không qua khỏi, trước khi qua đời ông có làm bài thơ gửi tặng Đặng Trần Thường như sau:
- Ai tai Đặng Trần Thường
- Chân như yến xử đường
- Vị Ương cung cố sự
- Diệc nhĩ thị thu trường
Nghĩa là: Thương thay Đặng Trần Thường. Nay quyền thế lắm đấy, nhưng khác nào như chim yến làm tổ trong cái nhà sắp cháy, rồi sẽ khốn đến nơi. Giống như Hàn Tín giúp Hán Cao tổ, rồi bị Cao tổ giết ở cung Vị Ương. Kết cục của ngươi rồi cũng thế đó.
Tạm dịch:
- Thương thay Đặng Trần Thường
- Tổ yến nhà xử đường
- Vị Ương cung chuyện cũ
- Tránh sao kiếp tai ương?
Quả nhiên sau này bài thơ ứng nghiệm, Thường bị Gia Long xử tử.
Có sách nói rằng thời Xuân thu dân số Trung Hoa là 20 triệu (7), thế mà phải chia thành nhiều nước nhỏ tranh giành ngôi bá thanh toán lẫn nhau. Thâm chí thời Chiến quốc, Trung Hoa phân thành mười nước đánh nhau triền miên, dân tình khốn khổ; người gặp thời bỗng chốc thăng vương tướng, người thất thế phải nát thân danh là chuyền thường tình! Câu đáp thật chỉnh từng chữ, giọng điệu ung dung của kẻ từng trải, ý nghĩa lại thâm trầm.
5) Oái oăm thay, vế đối "ai dễ biết ai" ông Đặng thốt ra, vô tình như một tiếng kêu than về sự bí ẩn của kiếp người. Ông Đặng có chắc là vẫn mãi công hầu khanh tướng đến cuối đời không ???
Khi Nguyễn Văn Thành thôi giữ chức tổng trấn Bắc thành (1810) và giao lại cho Nguyễn Huỳnh Đức thì Đặng Trần Thường cũng về Phú Xuân làm Binh bộ thượng thư. Lê Chất, phụ tá cho Nguyễn Huỳnh Đức.
Khi Lê Chất được phong tước quận công và chức hậu quân bình Tây tướng quân, Đặng Trần Thường dè bỉu: "Chất mà bình Tây thì ai bình Chất? Chất mà được quận công thì ta nên mười quận công". (2) Lê Chất nghe được rất căm phẩn và để ý dò xét ông Đặng.
Lê Chất phát giác ra rằng khi còn trấn nhậm ở Bắc thành, Đặng Trần Thường đã thông đồng với Nguyễn Gia Cát (tham tri bộ Lễ) bí mật làm giả mạo sắc phong cho Hoàng Ngũ Phúc (một địch thủ của chúa Nguyễn) làm phúc thần. Đặng Trần Thường phải viết sớ nhận tội, vua Gia Long ra lệnh bắt giam cả hai, sau lại tha.
Lê Chất báo cáo về kinh thêm nhiều tội của Đặng Trần Thường như: ức chiếm đầm ao, ẩn giấu thuế lệ dinh điền rồi đề nghị án tử hình. Đặng Trần Thường lại bị bắt giam. Trong ngục, phẩn chí Đặng uống rượu say, làm bài "Hàn vương tôn phú" ví mình như Hàn Tín và ngầm trách vua Gia Long! Bài phú làm cho bản án ông sớm kết thúc. Ông bị tội giảo, thắt cổ chết, và bị tịch biên gia sản (8). Đúng là ứng nghiệm câu "trong trần ai, ai dễ biết ai!"
Ghi chú :
(1) Phụ trách khám xét việc kiện cáo ở các trấn.
(2) Những Kỳ Án Trong Việt Sử, Trần Gia Phụng, NXB Non Nước, Canada, 2000; trang 172.
(3) Theo Cương Mục, Ngô Thời Nhậm viết chung tờ khải với Nguyễn Huy Bá tố cáo phe nhóm Trịnh Khải.
(4) Sách Liệt Truyện cho rằng Đặng Trần Thường giận, nên sai lính đánh Ngô Thời Nhậm nặng tay đến chết.
(5) Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện, NXB Thuận Hóa, Huế, 1993; trang 463.
(6) Tự Điển Văn Học Bộ Mới, NXB Thế Giới, 2004; trang 1081.
(7) Theo cuốn "Sử Trung Quốc, Nguyễn Hiến Lê, NXB Văn Nghệ, 2003; trang 67" thì Nhà Chu của Trung Hoa gồm hai thời kỳ: Tây Chu (1121 - 770 tr. CN) và Đông Chu (770 - 221 tr. CN). Đông Chu cũng chia làm hai thời kỳ: Xuân Thu (722 - 479 tr. CN) và Chiến Quốc (478 - 221 tr. CN). Sự phân chia này dựa trên bộ Xuân Thu, bộ sử biên niên của Khổng Tử.
(8) Theo Tự Điển Văn Học (sách đã dẫn) trang 1070 thì Ngô gia văn phái là bộ sách viết bằng chữ Hán gồm đủ thể loại, tập hợp sáng tác của các tác giả họ Ngô Thời ở làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam; nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội. Tổng cộng gồm 15 vị bắt đầu từ Ngô Thời Ức - ông nội của Ngô thời Nhậm - đến Ngô Thời Điển - con cả của Ngô Thời Nhậm (cũng là người biên tập bộ sách). Sau này có thêm Ngô Thời Hiên, Ngô Thời Lữ, Ngô Thời Giai ... Bộ sách phản ánh đời sống xã hội, chính trị, văn hóa, văn học của nước ta trong thời gian gần trăm năm dưới thời Lê-Trịnh, nhà Tây Sơn và Nhà Nguyễn
QuynhMai Post
Nhản ghi sai và ko thấy hình,phải làm lại thôi
Trả lờiXóa