Ngày 27 tháng 12 năm 2013
Gia bảo hậu truyền
đàoanhdũng
"Alice,
dậy con! Gần năm giờ sáng rồi!"
Bà
đốc Giảng vừa nói vừa nắm tay cô con gái áp út lay nhè nhẹ. Hậu tung mền, vội
vàng ngồi dậy, vén mùng, hai chân buông xuống bộ ván ngựa, mò tìm đôi guốc vong
trong bóng tối, hai tay dụi mắt vì còn say giấc. Hậu chính là Alice, cái tên
Tây để gọi trong vòng thân mật mà ông đốc Giảng, một người sống trong thời Pháp
thuộc và phần nào chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Pháp, đã chọn cho con gái mình
theo đúng thời thượng của thế hệ ông. Đêm qua Hậu khó ngủ, nôn nóng mong mau
sáng để cùng cha mẹ đi xem lễ cúng đình. Năm nay Kỳ Yên (1) đáo lệ, Ban Hội Tề
làng Hiệp Ninh rước gánh hát bội cô Năm Đồ đến hát cúng Thần. Buổi cúng sáng
nay có đào thài (2), Hậu chưa bao giờ được xem. Hai lần Kỳ Yên trước, nàng đều
có xin phép cha mẹ đi coi nhưng lần nào ông đốc cũng gạt ngang:
“Chỗ cúng kiến Thần Thánh, trang trọng và linh thiêng.
Con nít đến không nên!”
Vậy mà năm nay ông cho phép Hậu theo ông bà đi xem
cúng đình. Hậu vừa chải tóc, vừa mỉm cười, ngẫm nghĩ: “Thì mình đâu còn là con
nít nữa. Tháng sáu năm nay thi Sơ học, sau đó thi công-cua (3) vào trường Nữ Học Đường (4) ở Sài
gòn rồi.” Nhớ đến học hành, Hậu không khỏi hãnh diện về mình. Từ đầu niên học
tháng nào nàng cũng đứng đầu lớp. Cô giáo Bá dạy lớp Nhứt nghiêm khắc có tiếng.
Cô biết lễ Kỳ Yên năm nay có hát bội nên cho bài làm cũng gấp “bội” luôn. Nhưng
không sao vì Hậu đã học xong bài Sen-na-tua-ren (5), Hít-toa (6) và Giê-ô-ra-phi
(7) từ hôm chúa nhựt. Còn bài Rề-đắc-xông (8) tuần tới mới nộp mà Hậu đã xong
tối hôm kia. Mấy bài tập A-rít-mê-tíc (9) thì cũng xong luôn. Ba hôm nữa tha hồ
mà coi hát bội ở đình. Hậu đã năn nỉ hai
anh của nàng, anh bảy Sen và anh tám Nghĩa, cho nàng đi theo vì người đông đúc
thế nào cũng có đám lục lăng bốc hốt đàn bà con gái. Nhờ có hai anh bảo vệ, Hậu
mới được cha mẹ cho phép đi coi hát, nhất là vào ban đêm.
Đình làng Hiệp Ninh nằm cách nhà cha mẹ Hậu dưới nửa
cây số. Vị Thần làng là Ông Trần Văn Thiện được vua Khải Định phong thần vào
năm 1917 vì có công lao chiêu dân lập ấp khai phá vùng Long Thới và Long Thành,
tỉnh Tây Ninh. Sắc Thần không thờ ở đình mà gởi ở nhà Vuông (nhà làng Hiệp Ninh
xây vuông vức nên người thời đó gọi là nhà Vuông.) Hôm qua làng đã làm đám rước
Sắc Thần về đình, có trống chiêng inh ỏi. Cúng lễ Kỳ Yên xong thì làng đưa Sắc
Thần gởi ở nhà Vuông trở lại. Cha Hậu giải thích rằng nhiều làng cất đình mà
không có Sắc vua phong nên họ cho người ăn cắp Sắc Thần của làng khác. Người ta
tin rằng làng nào làm mất Sắc Thần thì sẽ gặp nạn như thiên tai, mùa màng thất
thu. Vì lý do đó mà Ban Hội Tề giữ Sắc Thần ở nhà làng hoặc nhờ một người có uy
tín trong làng giữ dùm. Lệ làng Hiệp Ninh hàng năm cúng Kỳ Yên vào ngày 16
tháng 3 Âm Lịch. Ba năm đáo lệ một lần cúng Thần có hát bội. Còn một lễ cúng
khác, ít long trọng hơn, đó là lễ cúng Thần Nông vào ngày 16 tháng 7 Âm Lịch.
Người ta nói “tháng Năm chưa nằm mà sáng, tháng Mười
chưa cười mà tối” thiệt là đúng. Mới hơn năm giờ mà trời đã hơi tỏ sáng, ông
đốc đi trước, bà đốc và Hậu theo sau, cuối cùng là anh năm Đắc, bạn phụ việc
nhà, đội mâm xôi bà đốc hấp chiều hôm qua để dâng cúng Thần. Dọc đường cứ một
đỗi là nghe tiếng người chào hỏi ông bà đốc. Các gia đình khác cũng lục đục kéo
đến đình, nhà nào cũng có kẻ đội mâm xôi, thiệt là vui. Hậu là phận con cháu
nên luôn chào hỏi ông bà cô bác cho phải phép.
Đến đình, anh năm Đắc theo cha Hậu vào tiền đường lúc
ấy đã đèn đuốc sáng trưng, anh trao mâm xôi cho một chú thường xuyên (10) đặt
trên bàn thờ Thần ở chánh điện. Hậu thấy có rất nhiều mâm xôi và khay heo quay
đỏ bóng nằm ngay ngắn trên các bàn thờ.
Quí ông người nào cũng áo dài khăn đóng, lăng xăng, kẻ sửa lại cái lục
bình cho ngay ngắn, người gắn cây đèn cầy màu đỏ vào chưn đèn, chưng lại mâm
trái cây cho tươm tất. Không khí thật trang nghiêm. Ông đốc Giảng đi thẳng đến
một bàn tròn có vài vị đang ngồi hút thuốc, uống trà. Một vị cũng trạc tuổi cha
Hậu đang lui cui châm trà. Mọi người đứng lên xá chào ông đốc. Hậu theo mẹ vào
hậu đường, phụ giúp quí bà sắp xếp thức ăn sửa soạn buổi cúng.
Hậu đang phụ các chị xếp bánh hỏi, bánh ướt vào dĩa
thì mẹ nàng đến bên khều nhẹ.
“Gần đến giờ cúng rồi, con lên xem cho biết. Nhớ đứng
ở góc xa xa, đừng đứng gần không nên nghe con.”
Hậu dạ một tiếng nhỏ, rồi xin phép các chị để nàng ra
sau rửa tay. Bà đốc cười, nói với quí cô đang ngồi trên bộ ván ngựa:
“Mấy cháu cho em nó buông tay một chút. Từ lúc nó còn
nhỏ tới giờ ông đốc với qua đâu có cho phép nó theo đi cúng đình, nên nó đâu có
biết cúng kiến như thế nào đâu. Sẵn năm nay có đào thài, ổng mới cho phép đó
chớ. Mà nó cũng lớn sộn rồi. Hè nầy đi thi Nữ Học Đường rồi đó!”
Hậu đứng nép mình ở gốc cột ngoài, mắt hướng về chánh
điện. Ông đốc cùng hai vị khác đang đứng khấn vái trước bàn thờ, đoạn quì lạy ba lạy. Kế đến là phần đọc sớ Hậu
nghe mà không hiểu gì ráo ngoài những tiếng “hưng”, tiếng “bái”. Xong xuôi thì
đến phần học trò lễ đầu đội mão thư sinh trong chiếc áo dài màu lam viền xanh,
tay rộng thùng thình, dâng đèn, rượu và thức ăn lên bàn thờ Thần. Họ đi theo
điệu nhạc cổ truyền, tay vòng cung, mỗi bước đi họ nhún chân, quày mũi hia ra
sau gót rồi đá lên cao rất nhịp nhàng. Phía sau có đào hát mặc y phục rực rỡ
cầm quạt vừa phe phẩy vừa ca những câu hát rất lạ tai. Hậu say sưa ngắm buổi
cúng Thần, nàng tưởng như đây là một buổi yến tiệc của vua và quan ngày xưa
trông trang nghiêm và quí phái làm sao.
Hậu nhìn cha nàng đang khoanh tay đứng ở chánh điện.
Ông chợt đảo mắt nhìn quanh, hình như để tìm nàng. Gặp mắt Hậu, ông mỉm cười,
rồi từ từ đi về hướng nàng đang đứng xem cúng. Ông đốc đến bên cô con gái, nói
nhỏ:
“Con đứng xa như vầy có thấy rõ không?”
“Dạ cũng được ba à. Má dặn con đừng đứng gần không
nên. À, bộ hồi xưa vua quan mình ăn tiệc có ca hát, có người dâng rượu và thức
ăn như vầy hả ba?”
“Ba đâu có biết, nhưng chắc vậy con à. Mình chỉ làm
theo phong tục Ông Bà truyền lại mà thôi chứ có ai đã từng ở trong cung vua đâu
mà biết. À, Hậu à, con có thấy bác mặc áo dài khăn đóng đứng xớ rớ gần gốc cột
đình đó không?”
Hậu nhìn theo hướng mắt cha nàng, nhận ra bác châm trà
khi sáng.
“Dạ con thấy. Nhưng bác đó là ai vậy ba?”
“Có một câu chuyện liên hệ đến bác đó, khi nào có dịp,
ba sẽ kể cho con nghe. Bây giờ thì đã sáu giờ rưỡi rồi. Con về nhà sửa soạn ăn
sáng cho kịp đi học nghe con. Giỏi, chiều nay ba má cho theo anh bảy anh tám đi
coi hát bội.”
oOo
Cuối niên học năm ấy Hậu thi đậu bằng Sơ Học, rồi
trúng tuyển vào trường Nữ Học Đường. Lần đầu sửa soạn đi học xa nhà Hậu ăn ngủ
không yên, nôn nóng cũng có mà lo lắng thì nhiều hơn. Học sinh nội trú nơi ăn
chốn ở nhà trường cung cấp đầy đủ hết, có gì phải lo. Bạn bè mới thì từ từ làm
quen, Hậu đâu có bận lòng. Nàng lo là lo mình học trò tỉnh lẻ, có theo kịp
chúng bạn ở đô thành hay không. Trưa hôm ấy Hậu đang sắp xếp va-li (11), không
biết đến lần thứ mấy rồi, xem mình còn thiếu món gì không thì cha nàng đến bên
cạnh. Ông đốc cười, hỏi nàng:
“Cha, coi bộ con lo lắng quá đó nghen. Sống xa nhà thì
phải tự bươn chải, tự lo lấy thân mình. Ba má cũng lo cho con, thân gái một
mình nơi chốn đô thành xa lạ. Nhưng trai cũng như gái ở nhà ru rú với cha mẹ
biết chừng nào trưởng thành. Người ta nói ‘Đi một đàng, học một sàng khôn’, con
hiểu chớ?”
“Dạ, thưa ba con hiểu. Xin ba má đừng lo cho con. Con
sẽ cố gắng ăn học. Có đau ốm hoặc chuyện gì thì con cho anh chị hai hay, có
buồn thì thứ bảy chúa nhật xin sọt-ti (12) ra nhà anh chị chơi, như ba má căn
dặn con đó.”
Anh chị hai đây là anh chị Võ Thành Cứ dạy học ở Sài
Gòn, vốn là học trò cũ của ông đốc, thương ông bà như cha mẹ ruột.
“Ờ, hôm nay ba muốn kể cho con nghe câu chuyện mà hôm
cúng đình ba hứa với con đó.”
Hậu nhớ đến bác mặc áo dài khăn đóng đứng hầu trà
trong đình hôm lễ Kỳ Yên. Nhà bác ở gần Ngã Tư, bác làm chức phận gì trong nhà
Vuông mà nàng không rõ. Hậu thắc mắc:
“Thưa ba, chắc câu chuyện có dính líu đến cái bác ba
chỉ cho con thấy hôm cúng đình, phải không ba?”
“Ờ, đúng vậy. Hôm nay thấy con sửa soạn đi học Sài Gòn
làm ba nhớ đến ngày xưa ba cũng bồi hồi giống như con vậy, lần đầu tiên xa nhà.
Khác là khác ở chỗ nhà mình bây giờ cũng đủ ăn, chớ hồi đó ông nội con mất sớm,
bà nội con làm bún bán nuôi gia đình, nhà nghèo lắm, ba phải đi chăn trâu đó
con.”
Hậu ngạc nhiên nhìn cha. Nàng có nghe bác ba nàng kể
lại ông bà nội nghèo lắm, chớ có bao giờ biết ông đốc thuở nhỏ đi chăn trâu
đâu.
“Dạ, nhưng làm sao bà nội có tiền cho ba đi học Sài
Gòn hả ba?”
Ông đốc kéo cô con gái ngồi xuống bộ ngựa, ông nhét
một điếu thuốc Bastos vào ống píp
(13), châm lửa, bập vài hơi rồi kể tiếp:
“Năm ba 12 tuổi, một hôm ba đang chơi đánh đáo với mấy
người bạn chăn trâu của ba ở cái khoảng đất trống gần nhà Vuông thì ông Cả (14)
đứng ở hàng ba gọi trổng và ngoắt lại, không biết ông ngoắt ai. Bạn bè ba nói,
thây kệ ổng, cứ coi như không biết, ổng gọi tụi nhà nghèo như mình để sai vặt
cái gì đó mà thôi. Ba thấy ông già cả, có cần giúp đỡ gì ông mới gọi, nên ba
chạy đến. Ông Cả hỏi ba, mầy có muốn đi học không? Ba trả lời, dạ bẩm Cả con
muốn đi học nhưng má con nghèo lắm, tiền đâu mà cho con đi học. Ông bảo, không
sao, mầy chạy về kêu má mầy đến nhà làng làm giấy tờ đi học.”
Hậu nhìn cha, say mê nghe kể chuyện. Ông đốc hít thêm
một hơi thuốc lá, ông nói:
“Con thấy đó, nếu thằng Bậu, hay thằng Nhàn bạn ba
chạy đến để giúp ông Cả thì nó là đứa được đi học chứ đâu phải ba. Nếu nói là
số phần thì cũng được, nhưng ba nghĩ vì ba thương ông Cả, kính người lớn tuổi,
sẵn lòng giúp ông, không nệ hà gì hết, mà Trời Phật độ cho ba. Số là, con biết
không, trào đó nhà nước buộc dân phải đi học, có buộc (15) đàng hoàng. Nhà giàu
sợ con đi học Tây nó bắt đi Tây, mất con, nên họ đút lót làng xã để con họ khỏi
phải đi học. Ban Hội Tề làng phải tìm học trò cho đủ số nhà nước qui định, nếu
không thì bị chạy tờ phạt vạ lôi thôi. Nhờ đó mà ba được đi học, rồi ba học
giỏi được buộc đi học tiếp ở Sài Gòn ra làm thầy giáo.”
Hậu không ngờ đầu óc người xưa sao quá hẹp hòi, nàng
hỏi:
“Thưa ba, sao hồi xưa người đời suy nghĩ ngộ quá hả
ba. Có đi học, mình mới biết những điều hay, cái lạ. Nói cho cùng, dẫu Tây nó có
bắt đi Tây thì cũng là một dịp cho mình học hỏi, rồi trở về xứ mà giúp cho dân
mình đỡ nghèo khổ hơn, phải không ba?”
“Con của ba suy nghĩ vậy là ba mừng đó. Nhưng hồi xưa
xã hội mình nhỏ bé, phương tiện eo hẹp, có đi đâu xa mà biết cái hay của thiên
hạ, rồi cứ tưởng mình là nhứt rồi. Tội nghiệp bà nội con cũng sợ Tây nó bắt ba
đi luôn, đâu có chịu ký giấy tờ cho ba đi học. Ban đầu ba năn nỉ ỉ ôi, bà nhứt
định không ký. Ba phải làm trận làm thượng nội con mới chịu mà khóc bù lu bù
loa. Đó là lần duy nhứt ba mang tội bất hiếu, không nghe lời cha mẹ.”
“Nhưng chuyện ba đi học có ăn nhằm gì đến bác hầu trà
hả ba.”
Ông đốc thôi hút thuốc, ông nhìn cô con gái cưng của
mình, giọng ông trầm ngâm:
“Bác đó là người ba đi học thế chỗ đó con. Vì con nhà
giàu, nên bác không đi học. Lớn lên, cha mẹ chạy chọt để có một việc ở làng cho
có chức, có phận với người ta. Vì sống sung sướng, lại không chịu học, nên
không có tài cán gì, làng cho làm thường xuyên để sai vặt bao năm nay. Ba nói
ra không phải để cho con nghĩ sai là mình được đi học rồi trở về ngồi trên đầu
trên cổ người ta. Nói để con biết mà luôn luôn cố gắng vươn lên và không bao
giờ ỷ lại vào tiền của của cha mẹ. Đi học để mở mang kiến thức, phát huy khả
năng để sau nầy có thể tự nuôi lấy tấm thân chớ ba má có sống đời mà lo cho con
cái đâu. Gia tài ba má để lại cho con là cái đầu óc của con đó! Ngoài cái kiến
thức, mình còn phải học sống cho có nhân cách, có đức độ vì có tài mà không có
nhân đức thì cũng bỏ đi mà thôi. Vắn tắt là vậy. Ba nói ít con hiểu nhiều.”
oOo
Cô mười tôi chính là nhân vật Hậu trong truyện. Cô kể
đến đó thì nước mắt cô lưng tròng. Gương mặt cô buồn man mác như chất chứa bao
nỗi nhớ nhung những ngày xa xưa êm đềm ấy.
Chúng tôi ngồi quanh im phăng phắc. Tiếng máy điều hòa không khí đột
nhiên trỗi lên, nhưng cũng không phá tan nổi giây phút im lặng đó. Thời tiết Minnesota
vào tháng Bảy có tiếng là oi bức không kém Việt Nam. Tôi ngưng ghi chép, nhìn đồng
hồ treo tường mới biết đã quá nửa đêm rồi. Năm nay cô mười tôi tuổi đã ngoài 80
mà còn lặn lội từ Philadelphia sang chúng tôi
nhân dịp giỗ ông bà nội, có cô út tôi từ Canada xuống thăm, và anh chị ba
tôi từ California bay lên nữa. Lần nào
hội ngộ con cháu, cô cũng kể chuyện đời xưa cho chúng tôi nghe. Mỗi khi cô tôi
kể chuyện thì mẹ tôi cũng bỏ xem vi-đêô cải lương mà tham gia. Mẹ tôi nói:
“Ba sắp nhỏ tôi cũng nói y như vậy. Ổng nói cho mấy
đứa đi học là cho gia tài đó.”
Cô mười uống một ngụm trà, cô đáp lời:
“Con cái người nào ba cũng lấy chuyện đời để mà răn
dạy chị à. Đây là một lời dạy mà tôi
mang theo suốt đời, để rồi sau đó tôi đã kể cho sắp nhỏ tôi nghe như tôi kể cho
mấy đứa nó nghe hôm nay vậy đó. Nghe để suy nghĩ mà sống ở đời. Đừng nói bây
giờ tân tiến, cái gì xưa là lỗi thời nghen. Nghĩ lại coi, những gì ba dạy tôi
hồi xưa, thời nầy, ở chính cái xứ Mỹ nầy chứ đừng có nói ở Việt Nam,
đem ra mà dạy con cũng còn đúng đó chớ. Gia huấn truyền tử truyền tôn mà!”
Tôi nhìn cô tôi hăng say nói chuyện. Gương mặt cô
không còn man mác buồn nữa mà vui lên, vui như vừa làm xong một nhiệm vụ gì đó.
Tôi nghĩ, với tuổi về chiều của cô, có niềm vui nào bằng niềm vui con cháu ngồi
quanh nghe cô kể lại những lời dạy vàng ngọc Ông Bà Cha Mẹ để lại, mà cô biết
sẽ được lưu truyền đến những thế hệ mai sau.
Cuối
Hè 2003
đàoanhdũng
(1) Lễ cúng Thần để cầu an, đọc trại ra là Kỳ Yên.
(2) Đào hát trong buổi cúng Thần có giải thích trong
truyện.
(3) Concours - Thi tuyển.
(4) Nữ Trung học ở Sài gòn, còn được gọi là trường Áo Tím,
sau đổi tên thành trường Gia Long thời trước biến cố 1975.
(5) Sciences Naturelles - Khoa học thường thức.
(6) Histoire - Sử ký.
(7) Géographie - Địa lý.
(8) Rédaction - Luận văn.
(9) Arithmétique - Toán Số học.
(10) Một chức vụ nhỏ làm chuyện lặt vặt cho Ban Hội Tề
trong nhà làng.
(11) Valise - Rương, xách tay đựng hành lý.
(12) Sortie - Phép rời trường về thăm nhà.
(13) Pipe - Cái bót hút thuốc lá.
(14) Chức vụ
đứng đầu Ban Hội Tề làng, sau nầy gọi là Chủ tịch Xã.
(15) Bourse - Học bổng.
Hân hạnh đón nhận những lời bình luận dễ thương của bạn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét