Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

An Chi giải đáp thắc mắc của độc giả tạp chí KTNN/ Nguyễn Nam sưu tầm

05-" Cái Đầu Mầy " là cái gì ? - Chuyện Đông-Chuyện Tây ( An Chi )

7 tháng 9 2013 lúc 0:41

Chuyện Đông-Chuyện Tây-Học Giả  An Chi

Người Saigon Rong Chơi Miền Chữ Nghĩa





05 “Cái đầu mầy” là cái gì ?  - Chuyện Đông-Chuyện Tây ( An Chi )


Bạn đọc: Ban đầu, trong phim Tàu Hongkong, tôi thường được nghe cụm từ “cái đầu mầy” qua lời thuyết minh hoặc lời thoại (đã dịch sang tiếng Việt) của nhân vật. Không ngờ bây giờ phim của người Việt Nam hẳn hoi cũng “cái đầu mầy”, “cái đầu mầy”, một cách chướng tai và ngô nghê. Tôi thực sự không hiểu “cái đầu mầy” là cái gì và đây có phải là tiếng Việt hay không. Xin nhờ ông An Chi giải hộ và xin cảm ơn ông. Nguyễn Hữu Tuệ (Ba Đình, Hà Nội).
Học giả An Chi: “Cái đầu mầy” là một lối nói ngô nghê, ngu ngơ mà những kẻ kinh doanh phim Tàu Hongkong đã “nhập lậu” vào từ vựng của tiếng Việt. Đúng như bạn nói, những tưởng nó chỉ lưu hành trong lời thoại hoặc lời thuyết minh phim Tàu mà thôi, ai ngờ một số nhà biên kịch, người Việt Nam hẳn hoi, cũng xài nó một cách hoàn toàn vô ý thức mà nhét vào lời thoại cho nhân vật của mình; rồi góp phần vào cái tai nạn ngôn ngữ này, một số đạo diễn cũng đã giữ y nguyên mà bắt diễn viên của mình “nhả ngọc phun châu”. Điều đáng báo động là tần số của lối nói “cái đầu mầy” cực kỳ vô duyên này có vẻ như càng ngày càng tăng. Đây là một cách dịch “bí rị” từ ba tiếng “nẹy cô thầu” [你個頭] của tiếng Quảng Đông. Trong thứ tiếng này thì “nẹy” [你] là mày, “cô” [個] là cái và “thầu” [頭] là đầu. Khốn nỗi, đối với dân Quảng Đông thì “nẹy cô thầu” lại không trực chỉ cái đầu của bất cứ “thằng” đối thoại nào cả. Còn nó chỉ cái gì, thì mạng CRIonline đã có giảng rõ tại mục [輕鬆學粵語之六.粵語中“頭”字的用法] (Học tiếng Quảng Đông nhanh lẹ Bài 6 - Cách dùng chữ “đầu” trong tiếng Quảng Đông), đưa lên ngày 25/11/2009.
Theo bài này và với thí dụ đầu tiên là “Hổu nẹy cô thầu” [好你個頭] - âm Hán Việt là “Hảo nhĩ cá đầu”, dịch từng tiếng là “Tốt cái đầu mầy” - mà nó đưa ra, ta được biết đại khái rằng, đây là một lối nói mang tính đặc ngữ trong khẩu ngữ của tiếng Quảng Đông. Trong phương ngữ này của tiếng Tàu, “nẹy cô thầu” [你個頭] (“cái đầu mầy”) là một lối nói biểu thị thái độ phản đối, thường dùng để phủ định lời nói của người đối thoại. Thí dụ như nhận xét về giọng hát của một ca sĩ, Giáp nói: “Anh ta hát hay thật đấy!”, nhưng Ất không tán thành lời khen của Giáp, liền nói: “Hay “cái đầu mầy”! Sao mầy lại khoái nó tới vậy?”. Qua đó, ta có thể hiểu rõ câu “Hay cái đầu mầy!” có hàm nghĩa được “thông dịch” sang tiếng phổ thông (Bắc Kinh) là “Hǎo shén.me hǎo” [好 什么好Ä], tức là “Tốt (cái) gì mà tốt!”. Rất rõ ràng là lối nói này dùng để phủ định lời nói của người đối thoại khi nó ngược với ý của đương sự.
Tại mục [廣東話的你個頭] ([Mấy tiếng] “nẹy cô thầu” trong tiếng Quảng Đông), trang hk.knowledge.yahoo.com cho biết trong thứ tiếng này, bất cứ vị từ nào cũng có thể đứng vào vị trí của X trong cấu trúc “X nẹy cô thầu”[X你個頭] (X “cái đầu mày”), như: “xịk nẹy cô thầu”[食你個頭] (ăn “cái đầu mầy”), “oản nẹy cô thầu” [玩你個頭] (chơi “cái đầu mầy”), “hoei nẹy cô thầu” [去你個頭] (đi “cái đầu mầy”), v.v… Và những câu trên đây có nghĩa là: Ăn cái gì mà ăn! - Chơi cái gì mà chơi! - Đi cái gì mà đi! Và, cứ như trên, thì ba tiếng “cái đầu mầy!” nhất thiết phải đi liền sau một vị từ chứ không thể nào đứng “độc lập” thành một lời trách hay một tiếng chửi nhẹ như một số nhà biên kịch Việt Nam đã xài một cách rởm đời.
Còn tại mục “Help understanding the phrase 海你個頭拉­” (Giúp hiểu được ngữ đoạn “hỏi nẹy cô thầu lá”) của Chinese-forums.com, forumer Anonymoose đã hiểu rất đúng rằng “nẹy cô thầu” [你個頭] là “Something like «my ass!»” (Cái gì đó giống như “my ass!”). Tuy nhiên đây chỉ là một sự “diễn dịch ngữ nghĩa” chứ không phải một sự tương ứng hoàn hảo giữa hai thứ tiếng. “My ass!” (mà nghĩa gốc “đen thui” là “cái mông của tao!”) là một ngữ tán thán thông tục dùng để diễn đạt sự phủ nhận hoặc ngờ vực trước một lời nói cụ thể của người đối thoại với thái độ xem thường hay chê bai. Nhưng trong câu tiếng Anh thì nó là một thành phần độc lập; còn trong tiếng Quảng Đông thì cấu trúc [你個頭] “nẹy cô thầu” (“cái đầu mầy”) là một thành phần phụ thuộc, luôn luôn “dính” vào một vị từ đứng trước nó, đồng thời vị từ này phải là từ diễn đạt khái niệm mà người sử dụng cấu trúc này phản đối, đã được dùng trước đó trong lời của người đối thoại kia.
Vậy thì tiếng Việt cũng có cách để diễn đạt hàm nghĩa của cấu trúc “nẹy cô thầu” 你個頭] của tiếng Quảng Đông. Với cái thí dụ “Hổu nẹy cô thầu” [好你個頭], ta có thể dịch thành “Tốt cái gì!” hoặc “Tốt (cái) gì mà tốt!”, y chang như tiếng phổ thông “Hǎo shén.me hǎo” [好 什么好Ä].
Trở lên, chúng tôi đã phải dẫn CRIonline, hk.knowledge.yahoo.com và Chinese-forums.com để bạn đọc có thể thẩm tra lại trên “giấy trắng mực đen” chứ thực ra, riêng cá nhân người viết câu trả lời này thì đã có thể sử dụng thành thạo cái cấu trúc trên đây của tiếng Quảng Đông từ những năm đầu của “tuổi teen”, khi chơi với các bạn thiếu niên người Quảng Đông ở Chợ Lớn. Một đứa trẻ mười hai, mười ba tuổi mà còn làm được như vậy thì nếu thực sự có trách nhiệm và đừng làm kiểu “mì ăn liền”, người lớn kinh doanh phim Tàu Hongkong đâu có dịch sai, dịch ẩu mà làm hại đến “sức khỏe” của tiếng Việt như thế. Thậm chí không phải là dịch, mà là dùng nó như một quán ngữ thực thụ sẵn có của tiếng Việt một cách ngu xuẩn.
“Sức khỏe” (santé) là hai tiếng mà chúng tôi mượn của bà Jacqueline de Romilly, nữ viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp, chủ mục “Santé de la langue” (Sức khỏe của ngôn ngữ) trong Tạp chí Santé Magazine (Tạp chí Sức khỏe). J. de Romilly khẳng định: “Nói chung, thói thông thái rởm là tấm bình phong của sự dốt nát hoặc của sự mù mờ trong tư duy” (Dans le jardin des mots [Trong vườn từ ngữ], Editions de Fallois, 2007, p.14). Vậy xin các nhà làm phim liên quan chớ có tiếp tục “cái đầu mầy”, “cái đầu mầy” một cách lố bịch.


04-Địa linh sinh nhân kiệt - Chuyện Đông-Chuyện Tây ( An Chi )



Bạn đọc: Thưa học giả An Chi! Lâu nay ta thường nghe nói "Địa linh sinh nhân kiệt" có nghĩa là đất linh thiêng thì sinh người hào kiệt. Nhưng tôi lại thấy từ điển thành ngữ của Trung Quốc ghi là "Nhân kiệt địa linh". Nếu theo như ý nghĩa này thì ngược lại, nhờ có người hào kiệt nên mảnh đất đó trở nên linh thiêng. Riêng cá nhân tôi thấy, có lẽ đây mới là hợp lý. Cũng lại có câu "Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh. Thủy bất tại thâm, hữu long tắc linh". Tạm hiểu là: Núi có danh không phải vì cao mà vì có tiên, sông nước linh thiêng không phải vì sâu mà vì có rồng. Như câu này thì hoàn toàn cũng có thể hiểu như là "nhân kiệt địa linh". Xin ông luận giải thêm và ý của ông thế nào? Bảo Sơn (Viện Dầu khí)
Học giả An Chi: “Hán Đại thành ngữ đại từ điển” (Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, Thượng Hải, 1997), quyển từ điển thành ngữ thuộc loại lớn nhất của Trung Quốc, ghi nhận cả hình thức gốc nhân kiệt địa linh 人傑地靈 lẫn biến thể địa linh nhân kiệt 人傑地靈, mà không có địa linh sinh nhân kiệt. Quyển từ điển này giảng nhân kiệt địa linh theo hai nghĩa: “1 - Chỉ nơi có nhân vật kiệt xuất ra đời hoặc đến (ở, hoạt động, v.v…), nhờ đó mà trở nên nổi tiếng”; “2 - Về sau cũng dùng theo nghĩa là nhân vật kiệt xuất thì sinh ra ở vùng đất đai linh tú”. Còn địa linh nhân kiệt thì được quyển từ điển này giảng là “nhờ có nhân vật kiệt xuất mà vùng đất (sinh ra nhân vật đó) cũng trở thành linh thiêng”. Cũng có ý kiến cho rằng, ở đây ta có hai danh ngữ (địa linh - nhân kiệt) đẳng lập, có nghĩa là vùng đất linh thiêng và nhân tài kiệt xuất. “Từ điển tục ngữ Hán Việt” của Lê Khánh Trường – Lê Việt Anh (NXB Thế giới, 2002), chẳng hạn, giảng là đất thiêng người tài (câu 1.052).
Riêng câu địa linh sinh nhân kiệt 人傑地靈 thì tuy không được quyển từ điển trên đây ghi nhận nhưng lại tồn tại ở nhiều nguồn khác nhau và nói chung, được hiểu như bạn đã nêu: “Đất linh thiêng thì sinh người hào kiệt”.
Về phần mình, chúng tôi cho rằng, hai lời giảng của “Hán Đại thành ngữ đại từ điển” về câu nhân kiệt địa linh là những cách hiểu hợp lý và biện chứng.
Còn“Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh. Thủy bất tại thâm, hữu long tắc linh” thì vốn là bốn vế của hai câu đầu tiên trong bài “Lậu thất minh” (Bài minh về căn nhà nhỏ hẹp) của Lưu Vũ Tích đời Đường. Minh là một loại hình văn bản có vần thời xưa khắc trên đồ dùng, để tự thuật hay tự răn về nếp sống, về đạo đức của cá nhân (về sau mới phát triển thành một thể văn độc lập). Bài minh này bộc lộ thái độ ung dung tự tại của Lưu Vũ Tích, không a dua theo thói đời ham chuộng danh lợi, nhất mực giữ nếp sống thanh bạch, trong sạch của riêng mình. Đây là thái độ của một kẻ ẩn dật, an bần lạc đạo. “Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh. Thủy bất tại thâm, hữu long tắc linh”, hiểu theo đúng quan niệm của Lưu Vũ Tích là: “Non chẳng cần cao, chỉ cần có tiên ở thì nổi tiếng; nước không cần sâu, chỉ cần có rồng sống thì linh thiêng”. Hiểu rộng ra là “phẩm chất đâu cốt ở hình dung sắc tướng bên ngoài”.
Cuối cùng, xin lưu ý bạn rằng, trong tiếng Việt, người ta thường dùng biến thể địa linh nhân kiệt, mà “Từ điển tiếng Việt” của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) do Hoàng Phê chủ biên giảng là “đất thiêng sinh người hiền tài, kiệt xuất”.

Chuyện Đông-Chuyện Tây 


03- Màn, màng và mùng



Trong quan họ có bài “Con nhện giăng mùng”. Xin ông vui lòng giải thích thêm nghĩa chữ “mùng” trong bài này?
Bạn đọc: Xin được hỏi ông An Chi: “mùng” có phải là hình thức cổ của “màn”? Ở trong Nam phân biệt “màn (cửa)” và “mùng (chống muỗi)”, nhưng ở Bắc thấy người ta dùng “màn” cho cả hai nghĩa này. Trong quan họ có bài “Con nhện giăng mùng”. Xin ông vui lòng giải thích thêm nghĩa chữ “mùng” trong bài này? Xin chép lại lời bài hát để ông tiện xem xét:
“Bỉ: Người về… để con nhện í ơ ớ ơ nó mấy giăng hự hừ mùng là giăng ứ hự mùng.
Hát: Đêm năm canh a lính tình tang là em luống chịu ớ ơ đôi í ba người ơi i hự lá hội hừ. Đêm năm canh a lính tình tang là em luống chịu í ơ ơ lạnh à lùng, cả năm Quan họ trở ra à về. Có nhớ í ơ ớ ớ ơ có nhớ chăng ố mà đến chúng em chăng, Quan họ trở ra à về. Có nhớ í ơ ớ ớ ơ có nhớ chăng ố mà đến chúng em chăng ì í i”.
Một lần nữa xin cảm ơn ông.
Tam Bách Ngưỡng (Bắc Ninh)
Học giả An Chi: Hai từ “màn” và “mùng” không có quan hệ gì về mặt từ nguyên.
“Màn” là âm xưa của chữ “mạn” [幔], có nghĩa là “màn”. Phàm các từ Hán Việt bắt đầu bằng phụ âm M- mang thanh điệu 2 (dấu huyền) thì đều là âm xưa của những từ cùng gốc mang thanh điệu 6 (dấu nặng): - “miền” trong “dân ca ba miền” là âm xưa của “miện” [面], nay đã đọc thành “diện”, có nghĩa là “phương”, “hướng”; - “mồ” trong “mồ mả” là âm xưa của “mộ” [墓] trong “mộ chí”; - “mì” trong “nhu mì” là âm xưa của “mị” trong “nhu mị” [柔媚]; v.v...
Còn “mùng” trong “mùng mền” thì bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ [幪] (cũng viết không có bộ “thảo” [艹] ở trên, bên phải), mà âm Hán Việt hiện đại là “mông”. Ngoài nghĩa động từ, Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993) đã ghi cho nó hai nghĩa danh từ: 1.- khăn để che đậy đồ vật; 2.- màn, trướng. Phàm các từ Hán Việt bắt đầu bằng phụ âm M- mang thanh điệu 2 (dấu huyền) thì đều là âm xưa của những từ cùng gốc mang thanh điệu 1 (không dấu): - “mà” trong “mịn mà”, “mượt mà” (mịn, mượt như được mài) là âm xưa của “ma” [摩,磨] (= mài); - “màng” trong “mùa màng” là âm xưa của chữ “mang” [忙] trong “mang nguyệt” (tháng bận rộn vì nông sự); - “mần” (= làm) là âm xưa của chữ “mân” [忞] (= gắng sức); - “mồi” trong “mồi lửa” là âm xưa của chữ “môi”
[媒] trong “hỏa môi”, thường phát âm thành “hỏa mai”; v.v... Trở lên là nói về thanh điệu; còn về vần thì - ÔNG và -UNG là những người bà con gần gũi, quen thuộc: - “cộng” [共] với “cùng”; - “động” [動] với “đụng”; - “lồng” trong “lồng chim”, “lồng bàn” với “lung” [籠] trong “lao lung”; - “nồng” trong “nồng hậu” bây giờ đọc là “nùng” [濃]; - “ngồng” trong “tồng ngồng” với “ngung” [顒] (= đầu quá to); v.v...
Trở lên là nói về “mùng” trong “mùng mền”. Còn “mùng” trong bài quan họ của bạn thì sao? Cứ như lời hát bạn đã ghi thì hiển nhiên là nó có quan hệ về mặt liên tưởng đến bài ca dao “Buồn trông”:
Đêm qua ra đứng bờ ao,
Trông cá: cá lặn, trông sao: sao mờ.

Buồn trông con nhện chăng tơ,
Nhện ơi, nhện hỡi, nhện chờ mối ai?
Buồn trông chênh chếch sao mai.
Sao ơi, sao hỡi, nhớ ai sao mờ?
…………………………….
So sánh ngôn từ giữa hai bên thì ta thấy “giăng mùng” trong “Con nhện giăng mùng” chính là “chăng tơ” trong “con nhện chăng tơ”. Nói toạc ra, “mùng” ở đây chính là cái “mạng nhện”, mà Hán ngữ là “tri thù võng” [蜘蛛網].
“Võng” [網] có nghĩa là “lưới, là một chữ hậu khởi, mà tiền thân là [罔]. Hai chữ này có bộ phận hài thanh là
[亡], nay đọc là “vong” nhưng vốn có phụ âm đầu M - và vốn thuộc vận bộ “dương” [陽] mà nhiều chữ đã đọc theo vần - ANG, như: “dạng” [樣], “sàng” [牀], “trang” [莊], “trạng” [狀], “vãng” [往], v.v... Với phụ âm đầu M - và vần - ANG, chữ “vong” [亡] đã hài thanh cho những chữ “mang” khác nhau: [忙,杗,杧,芒,虻 v.v…]. Vậy thì về mặt lý thuyết, chữ “võng” [罔,網], hài thanh bằng chữ “vong” [亡], cũng có thể đọc với phụ âm đầu M- và vần -ang. Còn trên thực tế thì nó đã từng được đọc thành “màng” trong “màng lưới”, “màng óc” và “mạng” trong “mạng lưới”, “mạng nhện”, “mạng che mặt”, đặc biệt là… “mạng = web”. Với phụ âm đầu V- và vần -ANG, nó từng được đọc thành “váng”: “váng nhện” ở trong Nam chính là “mạng nhện” ở ngoài Bắc còn cái mà ngoài Bắc gọi là “váng” (như trong “váng dầu”, “váng mỡ”) thì trong Nam gọi là “màng màng”. Cứ như trên thì “võng”, “váng”, “mạng”, “màng” là những điệp thức, nghĩa là những từ cùng gốc, nay dùng để chỉ những khái niệm khác nhau nhưng có liên quan xa, gần về mặt ngữ nghĩa. “Võng” vốn là tấm lưới đan thành mắt to hoặc nhỏ, túm lại ở hai đầu để mắc vào gốc cột, gốc cây hay khoen, móc mà nằm. “Váng” cũng có nghĩa gốc là lưới (váng nhện), rồi nghĩa phái sinh là cái lớp mỏng kết lại, được ví như một tấm lưới, phủ lên bề mặt một chất lỏng. “Mạng” thì cũng vốn là lưới (“mạng nhện” - “mạng che mặt”, “mạng đèn măng sông”) còn “màng” là một điệp thức tảo kỳ của “mạng” (màng lưới = mạng lưới).
Còn “mùng” trong “Con nhện giăng mùng” thì sao? Có phải cũng là một điệp thức của “màng” hay không? Chúng tôi cho là không. Như đã nói, “mùng” bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ [幪], mà âm Hán Việt hiện đại là “mông”. Ở đây, ta có mối tương quan về vần “UNG - ÔNG”, như đã có nêu dẫn chứng ở trên. Còn chữ “võng” [罔,網] lẽ ra phải đọc thành “vưỡng” vì vốn thuộc vận bộ “dương” [陽] (vần “-ƯƠNG”), mà nhiều chữ đã đọc theo vần “-ANG”, như cũng đã nêu ở trên. Vậy, với “võng” (< “vưỡng”), “váng”, “màng”, “mạng”, ta có tương ứng về vần “ƯƠNG - ANG”.
Với hai mối tương ứng riêng biệt, rõ ràng về vần như trên, ta không có lý do gì để gắn “mùng” với “màng”. Ta chỉ có thể kết luận rằng, trước khi trở thành một từ của phương ngữ miền Nam tương ứng với “màn” (che, chống muỗi) của phương ngữ miền Bắc, thì “mùng” cũng đã từng được sử dụng với nghĩa đó tại vùng trung du Bắc Bộ, là cái nôi của tiếng Việt toàn dân. Dĩ nhiên cả “mùng” lẫn “màn” đều là những cái “lưới” - có ai may mùng, may màn bằng vải bít bùng, kín mít - cho nên từ “mùng” mới được dùng để chỉ cái mạng nhện trong bài “Con nhện giăng mùng” (nếu sự ghi nhận của bạn là hoàn toàn chính xác).


Chuyện Đông-Chuyện Tây 

02- Nam Vang - Kim Biên

Bạn đọc: Xin ông cho biết tại sao trước đây ta gọi thủ đô Phnom Penh của Campuchia là Nam Vang còn cho đến bây giờ người Hoa vẫn gọi là Kim Biên. Và có thật trước đây Nam Vang là một địa danh thông dụng? Xin cảm ơn.
Bùi Đình Hịu (Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Học giả An Chi: Nam Vang là cách gọi dân dã mà người miền Nam phiên âm từ tên thủ đô Phnom Penh của Campuchia để gọi thành phố này. Trong Đại Nam quấc âm tự vị, Huỳnh - Tịnh Paulus Của giảng Nam Vang là “tên chỗ vua Cao - mên ở bây giờ” (quyển từ điển này ra đời, tome I năm 1895, tome II năm 1896). Việt - Nam tự - điển của Khai - Trí Tiến - Đức (Hà Nội, 1931) ghi nhận: “Nam - vang. Do chữ Phnom Penh dịch âm ra. Tên kinh - đô nước Cao - mên”. Việt - Nam tự - điển của Lê Văn Đức giảng là “kinh - đô vương - quốc Cam - bốt (Cao - mên)”.
Cho đến nửa đầu của thế kỷ XX thì địa danh này vẫn được dùng rộng rãi và thống nhất trong cả nước ta. Có lẽ là từ năm 1954 trở đi, ta mới dần dần đổi Nam Vang thành Phnom Penh. Nhưng Nam Vang đã “chết tên” trong một danh ngữ chỉ món ăn: hủ tiếu Nam Vang. Trước đây, địa danh này còn dùng theo hoán dụ để chỉ cả đất nước Campuchia nữa, như Nguyễn Hữu Hiệp đã viết: “Do “đất liền đất, núi liền núi, sông liền sông”, nhất là nhờ có hai nhánh Tiền Giang và Hậu Giang của dòng Cửu Long sông sâu nước chảy, nên giao thông đường thủy từ lục tỉnh đến xứ Chùa Tháp rất thuận lợi.
Để khai thác triệt để tài nguyên thuộc địa, chính quyền thực dân cho thành lập công ty tàu thủy, mở nhiều tuyến đường sông từ Sài Gòn và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vận chuyển hành khách, thổ sản, hàng hóa các loại đến Nam Vang và ngược lại. Dân gian gọi là “tàu Nam Vang”. Người từ Châu Đốc, An Giang có dịp cần mua sắm, đi Nam Vang bằng loại tàu này nhanh và tiện hơn đi Sài Gòn. Đi Nam Vang tức đi đến thủ đô nước Cao Miên (nay gọi Campuchia). Đúng nhất là vậy, nhưng thuở trước đồng bào miền Nam hiểu Nam Vang với nghĩa mở rộng cả nước ấy hoặc chí ít cũng toàn vùng bao gồm các tỉnh quanh khu vực Nam Vang” (“Người Châu Đố - An Giang làm ăn ở Nam Vang xưa và nay”, Thư viện 4phuong.net). Và địa danh Nam Vang cũng còn sống trong ca dao:
1. Chiếc tàu Nam Vang chạy ngang Cồn Cát
Xuồng câu tôm đậu sát cành đa
Thấy em có chút mẹ già
Muốn vô nuôi dưỡng biết là đặng không.
2. Dựng buồm chạy thẳng Nam Vang,
Làm thơ nhắn lại, em khoan lấy chồng.
3. Nước ròng chảy thấy Nam Vang,
Mù u chín rụng bóng chàng biệt tăm.
4. Ngó lên Nam Vang thấy cây nằm nước,
Ngó về Sông Trước thấy sóng bủa lao xao,
Anh thương em ruột thắt gan bào,
Biết em có thương lại chút nào hay không!
(Những câu này cũng chép
theo bài trên của Nguyễn Hữu Hiệp).
Có một truyền thuyết liên quan đến cái tên gốc Phnom Penh. Tên này xuất phát từ cụm từ Wat Phnom Daun Penh, nghĩa là “Chùa (trên) Núi bà Penh”, cũng nói tắt thành Wat Phnom, nghĩa là “Chùa (trên) Núi”. Theo lịch sử ghi chép thì năm 1372, Campuchia bị một trận lụt lớn chưa từng thấy.
Trên một ngọn đồi bên con sông chảy qua kinh đô, có một góa phụ giàu có tên Penh đã cất nhà ở. Một hôm đẹp trời, bà Penh ra sông lấy nước thì thấy giữa dòng nước chảy cuồn cuộn nổi lên một một cái cây to, từ trong bộng cây phát ra ánh sáng lấp lánh của một bức tượng Phật. Bà bèn gọi thêm mấy người phụ nữ nữa đến rồi họ cùng chung sức lôi cái cây lên bờ thì thấy bên trong có bốn bức tượng Phật bằng đồng và một bằng đá.
Vốn là một Phật tử sùng đạo, bà Penh cho rằng đây là món quà trời ban; bà cùng mấy người phụ nữ kia lau rửa các tượng Phật thật sạch sẽ rồi bà kính cẩn đem về nhà mà thành kính thờ phụng. Sau đó, bà cùng với những láng giềng ra sức đắp một ngọn đồi nhỏ trước nhà và cất một ngôi chùa trên đó rồi đưa năm bức tượng vào. Để ghi nhớ công lao của bà, người đời sau mới gọi ngọn đồi này là Phnom Penh (Núi [bà] Penh), mà người Hoa phiên âm thành Bách Nang Bôn 百囊奔, âm Bắc Kinh là Băi Náng Bèn, âm Quảng Đông là Pạc Noòng Pắn (ghi cho trong Nam: Pánh). Dần dần, người Hoa vừa tôn xưng vừa tỉnh lược mà gọi là Kim Bôn 金奔, âm Quảng Đông là Cắm Pắn
(Pánh). Ở đây, kim (= vàng) hiển nhiên là một từ có tác dụng “làm đẹp” còn Pắn (Pánh), tên bà Penh vẫn được giữ lại. Nhưng với thời gian thì dân Quảng Đông ở Phnom Penh đã biến Pắn (Pánh) 奔 thành Pín 邊, khiến cho Cắm Pắn (Pánh) 金奔 thành Cắm Pín 金邊 – phiên âm theo Hán Việt là Kim Biên – rồi cứ như thế mà gọi cho đến ngày nay. Từ nguyên dân gian là nguyên nhân của sự thay đổi này. Chỉ trừ những ai thích tìm hoặc thông hiểu chuyện xưa tích cũ, chứ các chú chệch, thím xẩm bình thường thì chẳng ai biết Pắn (Pánh) 奔 (tên bà Penh) là cái thứ gì. Họ chỉ thấy Phnom Penh ở nơi giao nhau giữa bốn con sông (Thượng Mekong, Tonlé Sap, Hạ Mekong và Bassac) nên mới ngầm hiểu rằng đây là thành phố bên bờ sông mà thay Pắn (Pánh) bằng Pín (Trong tiếng Quảng Đông thì coóng pín 江邊 (giang biên) là bờ sông) mà cho ra đời cái tên Cắm Pín 金邊, dùng cho đến bây giờ.


Chuyện Đông-Chuyện Tây 

01-Tám hay Tán


Bạn đọc: Trong khẩu ngữ của tiếng Việt hiện nay, người ta hay dùng hai tiếng BÀ TÁM để chỉ người nhiều chuyện, nhiều lời, người hay nói những chuyện đâu đâu. Lại có cả từ TÁM riêng biệt để chỉ việc tán chuyện lai rai, linh tinh. Lối nói này không chỉ phổ biến ở trong Nam mà còn được thấy dùng ở miền Bắc (ít nhất là Hà Nội) nữa. Vậy có phải TÁM là một kiểu “trẹo âm” của chữ TÁN (trong TÁN DÓC, TÁN GÁI, TÁN GẪU, v.v…), rồi sau đó mới kết hợp với BÀ (thành BÀ TÁM) để chỉ những người phụ nữ có đặc điểm nói trên? Và TÁN có phải là một từ Nôm? Xin cảm ơn ông. Thủy Thanh (Bắc Giang).
Học giả An Chi: Trước nhất, xin khẳng định với bạn rằng từ TÁM (trong BÀ TÁM, TÁM CHUYỆN) và từ TÁN (trong TÁN GẪU, TÁN DÓC, v.v…) tuyệt đối không có quan hệ bà con gì về ngữ âm và nguồn gốc, ngoại trừ quan hệ… đồng nghĩa. Và cũng không phải TÁM có trước rồi BÀ TÁM có sau như bạn đã nêu.
BÀ TÁM là một hình thức sao phỏng (loan translation), có lẽ bắt đầu ở tiếng Việt miền Nam. Mà ở miền Nam thì nó bắt nguồn từ tiếng Quảng Đông PÁT PHÒ [八婆], đọc theo âm Hán Việt là BÁT BÀ, dịch đúng nghĩa gốc là “bà tám”. Đây là một đặc ngữ của tiếng Quảng Đông ở Hongkong, dùng để chỉ người phụ nữ hay để ý hoặc bàn tán đến chuyện của người khác, hiểu rộng ra là người đàn bà nhiều chuyện. Ở những địa phương khác của Tàu, dân Tàu gọi hạng đàn bà đó là “trường thiệt phụ” [長舌婦], dịch theo nghĩa đen là “con mẹ lưỡi dài”. Những kẻ đã trực tiếp đóng góp vào sự ra đời của danh ngữ BÀ TÁM “quái đản” này trong tiếng Việt là dân làm ăn liên quan đến làng điện ảnh và truyền hình.
Sau khi phim Tàu, đặc biệt là phim Hongkong, nói tiếng Quảng Đông, được một vài đài truyền hình “chiếu cố” thì trước nhất là nhu cầu thuyết minh, rồi sau đó là nhu cầu lồng tiếng, đã phát sinh như một điều tất yếu. Mà muốn thuyết minh và lồng tiếng thì trước hết phải dịch. Khốn khổ thay, người dịch có lẽ trước nhất và căn bản, cũng chỉ là những kẻ chạy theo nhịp điệu hối hả của thị trường, chứ nào phải là những người thực sự yêu mến tiếng Việt, nhất là thực sự thấu hiểu nó. Chưa kể trong đó, có thể có cả những tay Việt gốc Tàu. Thì làm sao tránh khỏi chuyện PÁT PHÒ trở thành BÀ TÁM! Trong khi đó thì tiếng Việt đâu có thiếu từ, ngữ tương ứng với khái niệm “con mẹ Tám” của Tàu Quảng Đông!
BÀ TÁM dần dần đưa đến từ TÁM phái sinh bằng cách ngắt bỏ từ BÀ đằng trước; nhiều phần cũng là do nhu cầu động từ hóa. Thế là ta có động từ TÁM và danh ngữ BÀ TÁM, mẹ đẻ của nó tồn tại song song trong khẩu ngữ. BÀ TÁM dùng để chỉ những người nhiều chuyện còn TÁM thì dùng để chỉ hành động của hạng người đó.
Cứ như trên thì TÁM là do BÀ TÁM mà ra. Còn TÁN thì chẳng có liên quan gì đến TÁM về mặt nguồn gốc vì đó là một từ Việt gốc Hán chính tông, bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ [讚] mà âm Hán Việt chính thống hiện đại chính là… TÁN. Ở đây, TÁN [讚] có nghĩa là “khen”, “ca ngợi”, như có thể thấy trong TÁN DƯƠNG, TÁN MỸ, TÁN TỤNG, v.v... Nó cũng được dùng như danh từ để chỉ một thể văn có nội dung ca ngợi một người, một vật hoặc một sự việc nhất định.
Từ này cũng được ngôn ngữ Phật giáo dùng để chỉ hành động ca ngợi Đức Phật và cũng biến nó thành danh từ để chỉ những bài kinh ca tụng Đức Phật. Nghĩa của TÁN trong TÁN GÁI thực ra cũng bắt nguồn từ cái nghĩa “khen”, “ca ngợi” này của chữ TÁN [讚]. Chẳng có chàng trai nào đi tán gái mà lôi khuyết điểm về tư cách hoặc dung nhan của “đối tác” ra mà chê. Chẳng “em có khuôn mặt trái xoan ưa nhìn” thì cũng “miệng em cười rất duyên, môi em đỏ thắm” hoặc “em ơi, sao em không bớt đẹp đi cho anh đỡ ngày thương đêm nhớ”, v.v... Tán gái, suy đến cùng, chẳng qua là dùng ngôn từ quyến rũ làm phương tiện để ve gái mà thôi. Thế là nghĩa gốc của chữ TÁN [讚] vẫn còn nằm trong cái lõi của ngữ động từ TÁN GÁI. Trong TÁN DÓC, TÁN GẪU, nó đã đi xa hơn, rộng hơn nhưng cũng xuất phát từ đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét