Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

6. Ăn chay trong lòng (Hồi ký của một cựu học sinh trường dòng)/ Trích blog anhdungdao.blogspot.com

Ngày 16 tháng 9 năm 2013



7. Les Bons Points (Hồi ký của một cựu học sinh trường dòng)




Hai năm đầu tôi lên Secondaire (trung học), thầy François làm titulaire cho lớp chúng tôi, 6è và 5è, hai năm liên tiếp và thầy dạy các môn FrançaisHistoire (Sử ký) và Géographie (Địa lý). Thầy Vincent dạy Mathématiques (Toán học). Thầy Thỏa dạy Việt Văn và Việt Sử. Các thầy khác thiệt tình vì quá lâu nên tôi không nhớ tên, ngoài thầy Trần Nghĩa Hiệp dạy Anglais (Anh văn) khoảng nửa năm. Trong lớp tôi gọi bằng thầy chứ ở ngoài một hai thầy cũng gọi tôi bằng anh vì ba thầy là chú của tôi. Thầy Hiệp cũng là một cựu Mossarien.


Thầy François phụ trách luôn môn thể thao cho nhà trường nên thầy được nhiều học sinh yêu thích, đặt cho biệt danh là papa (ba), mặc dù thầy khó một cây. Thầy có vài cây roi mây, loại thân nhỏ, đánh đòn rất đau. Trong suốt sáu năm học Mossard tôi không bao giờ thấy thầy bạt tai một học sinh nào. Trò nào có lỗi thầy bắt nằm sấp, quất roi mây vào mông. Tôi thuộc loại học sinh nhát đòn nên không dám làm điều gì sai quấy để bị đòn, ngoại trừ hai lần tôi suýt ăn cây roi mây của thầy François.


Một lần tôi hùa theo mấy đứa bạn phá phách trong giờ tập thánh ca vào chiều thứ năm. Hôm ấy thầy François dạy chúng tôi một bài hát về Đức Mẹ có tựa là “Kìa Bà Nào”. Khi ca đến câu “Bà là ai?” chúng tôi ba đứa ngồi gần ca bè tiếp thêm câu “Bà già tôi ...” làm cả lớp cười rần lên. Lần thứ nhất, thầy không rầy mà chỉ bắt chúng tôi ca lại. Lần thứ nhì, thầy bắt ba đứa ra đứng piquet (hình phạt đứng một chỗ). Cuối giờ thầy mang cây roi mây ra. Thật tình mà nói, lúc ấy tôi không có chút sợ hãi mà còn thấy “hãnh diện” được ăn roi mây nữa chứ. Không hiểu sao, thầy François lắc đầu, biểu chúng tôi về chỗ ngồi. Không ngờ thầy tôi tinh đời như thế.













Lần khác tôi suýt ăn roi mây của thầy François xảy ra vào lúc tắm douche. Trong trường nội trú chúng tôi tắm tập thể (lẽ dĩ nhiên có mặc quần xì-líp, xà-lỏn) mỗi lần một tốp học sinh khoảng 30 đứa. Sau khi mỗi đứa đứng vào vị trí dưới vòi bông sen, thầy surveillant mở nước. Vài phút sau thầy đóng nước để chúng tôi chà xà-bông. Sau đó thầy mở nước để chúng tôi tắm xả xà-bông vài phút. Khi thầy thổi tu-huýt chúng tôi phải ra khỏi phòng tắm để tốp học sinh khác vào tắm. Lần ấy, tôi chơi đá banh té vào vũng bùn nên người ngợm khá dơ. Thầy François thổi tu-huýt rồi mà tôi vẫn ăn gian tiếp tục tắm. Khi tôi bước ra khỏi phòng tắm, thầy điểm mặt tôi.


Tắm xong chúng tôi vào lớp học giờ étude (giờ học bài). Một lát sau, thầy François mang roi mây đến kêu tôi ra ngoài couloir (hành lang). Thầy hỏi tôi tại sao tôi cố tình làm sai quy củ nhà tắm, tôi ráng làm mặt lì, thản nhiên trả lời, “Oui mais ... mais ... Propreté d’abord, cher frère.” (Vâng, nhưng ... thưa thầy, trước tiên ta phải giữ sạch sẽ.) Chắc điệu bộ của tôi lúc ấy trông buồn cười lắm. Thầy lại lắc đầu biểu tôi trở vào lớp. Thật là may!






Thầy François có mấy cây roi mây để đưa chúng tôi vào khuôn phép nhưng thầy không dùng lối dạy nhằm buộc học sinh phải chăm chú trong lớp như thầy Eugène. Thầy dùng bons points(điểm tốt) để “dụ” chúng tôi ngoan ngoãn học hành. Đó là những phiếu in sẵn trị giá 1,2, 5, 10 ...bons points như tiền ngoài đời. Khi ra  câu hỏi, tùy khó hay dễ, thầy giao hẹn trò nào trả lời đúng thì sẽ được một số bons points; nếu trả lời sai thì bị truất bons points. Vào dịp lễ Giáng Sinh, Phục Sinh và cuối năm thầy mang quà thưởng đến lớp cho chúng tôi mua đấu giá, thật là vui. Những món quà mọn như cây viết, quyển tập, tượng ảnh ... không đáng giá bao nhiêu nhưng chúng vừa tạo được sự tranh đua học hành vừa mang đến lớp học chúng tôi một không khí vui tươi, đầm ấm.



        Thầy François là người đưa tâm hồn tôi vào Tân Ước, Cựu Ước trong những giờ Giáo lý, vào văn chương Pháp, vào các tác phẩm lừng danh của Victor Hugo, Alphonse Daudet, Alphonse de Lamartine ... trong những giờ Français, vào những giấc mộng phiêu lưu về quá khứ lẫn tương lai trong những giờ Histoire và Géographie. Nỗi băn khoăn về tôn giáo, nỗi đam mê văn chương, lòng mong muốn phiêu lưu của tôi bắt nguồn từ lớp 6è của thầy. Đây chính là gia tài papa François dành cho tôi, một gia tài đồ sộ tôi nghĩ không có bons points nào mua nổi. 

đàoanhdũng
www.lasanmossard.org



(Còn tiếp)
Hân hạnh đón nhận những lời bình luận dễ thương của bạn.  

Ngày 14 tháng 9 năm 2013



6. Ăn chay trong lòng (Hồi ký của một cựu học sinh trường dòng)




Xong lớp 7è Spéciale, năm sau tôi lên lớp 6è Préparatoire (lớp 6 dự bị) do thầy Eugène làm titulaire. Chương trình học vẫn đặt nặng Français và Arithmétique. Thầy Eugène dạy Français, thầy Triêm dạy Arithmétique. Như mọi lớp ở Mossard, mỗi sáng chúng tôi có nửa giờ học Giáo lý.
Năm ấy, vào lớp mới, tôi nhận thấy thầy Eugène có một lối dạy học mới lạ tôi chưa từng biết. Mười mấy năm sau, tôi có cơ duyên làm thầy giáo trong khi chưa qua một khóa sư phạm nào. Tôi đã áp dụng cách của thầy, vậy mà khá hữu hiệu. Phương pháp đó là đầu tháng thầy cho một bài thi, rồi căn cứ vào điểm thi thầy sắp hạng chỗ ngồi cho học sinh trong lớp của thầy. Học sinh nhiều điểm nhất ngồi ghế số một. Trong lớp, thầy đặt câu hỏi cho bất cứ học sinh nào. Nếu trò nào trả lời sai, thầy hỏi trò kế tiếp. Trò nào trả lời đúng được quyền lấy ghế của trò trả lời sai. Cuối tháng thầy tính điểm theo thứ tự chỗ ngồi của học sinh. Nhờ vậy mà học sinh phải luôn chăm chú theo dõi bài giảng của thầy trong lớp. Bây giờ nghĩ lại tôi thấy cách này hơi “ác” với học sinh. Suốt một giờ đồng hồ phải tranh đua, cận lực, để trọn tâm trí vào việc học hành thì còn gì là tuổi thơ!
Mùa chay năm ấy tôi có một kỷ niệm khá lý thú với thầy Eugène. Trong giờ Giáo lý thầy giảng về việc ăn chay và biểu chúng tôi viết cảm tưởng của mình về việc này.
Mùa chay năm trước thầy Nivard đã có giảng về sự ăn chay và dạy cho chúng tôi một danh từ mới là jeûne (chay lạt) cùng với cách phát âm từ ngữ ấy. Kỳ nghỉ hè vừa qua tôi đi học thêm Pháp văn với bác của tôi như đã nói ở đoạn trên. Khi giảng bài bác tôi có thói quen hay dùng một từ ngữ mới để giảng rộng ra, như tỉnh từ, trạng từ của nó, chữ đồng nghĩa, phản nghĩa ... là gì. Một hôm bác giảng về tỉnh từ jeune (trẻ trung) và hỏi trong lớp có trò nào biết một danh từ viết giống như chữ jeune, nhưng có dấu mũ trên mẫu tự u và nó có nghĩa là gì. Lẽ dĩ nhiên trong lớp chỉ có một mình tôi biết danh từ này. Bác tôi cũng có tánh hay đùa cợt chuyện tu hành nên bác dạy thêm rằng ăn chay mà nấu các món ăn có hình thù như con tôm, con cá, con gà, con vịt là không phải ăn chay. Bác nói,  ăn chay mình phải biết ăn chay trong lòng, Tây nó gọi là “Le jeûne de l’âme.”
Hôm ấy làm bài Giáo lý tôi nhớ lại câu chuyện ăn chay bác tôi đã kể nên viết ra y chang như vậy và nộp bài cho thầy Eugène. Giờ Giáo lý hôm sau, thầy biểu tôi đứng lên giải thích cho cả lớp biết ăn chay trong lòng nghĩa là gì. Lẽ tất nhiên tôi chỉ biết nói trong lúc ăn chay ta không được tơ tưởng đến thịt heo, thịt bò. Thầy Eugène dùng câu trả lời của tôi giảng nghĩa thêm rằng ăn chay trong lòng còn có nghĩa là chúng ta không nghĩ xấu, không có những hành động, lời nói xấu. Hôm nay kể lại kỷ niệm xưa này tôi không hiểu thầy Eugène nghĩ gì về đứa học trò của thầy, mới có 11 tuổi đã biết nói đến chuyện ăn chay trong lòng!
Tôi nghe nói sau 1975 thầy Eugène vượt biên thành công và thầy tình nguyện phục vụ giáo dục tại một xứ Phi châu xa xôi, nghèo đói nào đó. Hiện nay chắc thầy đã về hưu. Ôi, cao quí thay một đời tận hiến!

đàoanhdũng
       www.lasanmossard.org


(Xem tiếp)
Hân hạnh đón nhận những lời bình luận dễ thương của bạn.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét