Thứ Ba, 26 tháng 5, 2015

Hãy nên đi vào vĩnh cửu/ Nguyễn Thanh Liêm/ Nguyễn Nam sưu tầm

ĐI VÀO VĨNH CỬU

      Nguyễn Thanh Liêm

Cái bi đát nhất , phi lý nhất trong thân phận làm người là sự lệ thuộc vào thời gian vật chất. Cứ mỗi một tích tắc của cái đồng hồ là một thúc đẩy đi tới trước của thời gian vật chất mà không có một quyền lực nào có thể cưỡng lại được. Từ phút đầu tiên hít thở không khí của đất trời cho đến phút cuối cùng khi phải trút hơi thở lần cuối có bao giờ con người được dừng bước trước sự thúc đẩy của thời gian đâu dù chỉ trong đôi phút. Ta phải lớn lên, ta phải già đi, ta phải suy tàn để cuối cùng ta phải bước vào cõi chết để kết thúc đời người. Ta phải luôn luôn đi tới cho đến khi ta hoàn tất trọn vẹn chu kỳ sinh, trưởng, hoại, diệt, dưới sự kềm kẹp thúc đẩy không một chút thông cảm thương hại của thời gian vật chất.
 Mỗi một phút sống cũng là một phút chết. Hiện tại là cái phút giây rất mỏng, chỉ thoáng một cái là đã trở thành dĩ vãng, vậy mà ta phải luôn luôn gắn chặt với cái hiện tại mong manh đó. Ta không đi lùi lại được. “Người ta không bao giờ tắm hai lần trên một con sông’” như Heraclite nói (có nghĩa là ta không bao giờ tắm lại được dòng nước mà ta đã tắm trước đây dù đó vẫn là con sông quen thuộc). Ta không đi ngược thời gian được dù có rất hối tiếc là mình đã lỗi lầm. Một kẻ nào đó đã bị giết chết rồi, ta không có cách gì đi ngược thời gian, làm lại hoàn cảnh của những giờ phút có trước khi người kia bị giết để sửa đổi lại cho sự việc không đưa đến cái chết cho người kia. Trăm ngàn hối hận cũng không sửa đổi được một sự việc (sai lầm) đã trở thành lịch sử. Tính không trở lại được (irreversible) của lịch sử là một phi lý vô cùng thê thảm trong số kiếp con người bởi nó gắn liền với sự thúc đẩy đi tới không cưỡng lại được của thời gian. Qua một thoáng nhỏ sự việc trong hiện tại đã thành dĩ vãng, đã thành ra lịch sử, nghĩa là không còn sửa đổi được.
 Dĩ vãng đã vậy còn tương lai thì sao? Tương lai là cái gì chưa có, nhưng sẽ có. Tương lai rồi sẽ tới dù muốn dù không. Tương lai có thể sáng sủa tốt đẹp, đúng phần nào với lòng mong mỏi của con người, nhưng tương lai cũng có thể đen tối, xấu xa, trái hẵn sự mơ ước của con người. Dù tốt hay xấu, dù có đúng hay trái với lòng mong ước của người ta, tương lai vẫn lù lù theo sự thúc đẩy của thời gian vật chất mà hiện tới, không có cách gì chận đứng nó lại được. Thuở trung niên, lúc phải dốc hết sức mình vào việc làm, khi phải đua chen mệt nhọc với tha nhân, khi phải va chạm nhiều với mọi thứ trong cuộc sống, người ta thường mơ về những ngày về hưu thảnh thơi, nhàn rỗi, bù lại những ngày bận rộn vất vả ở đời. Kẻ sĩ ngày xưa, sau một đời phụng sự, (“trong lang miếu ra tài lương đống,”  “ngòai biên thùy rạch mũi can tương”), chỉ mong sớm đến ngày được
 “ ...đi tìm ông Hoàng Thạch,
  Tiêu dao nơi hàn cốc thanh sơn,
  Nào thơ nào rượu nào địch nào đàn,
Đồ thích chí chất đầy trong một túi...”
   (Kẻ Sĩ , Nguyễn Công Trứ)
Lẽ dĩ nhiên là cái tương lai mong muốn đó rồi cũng sẽ đến. Giờ phút được về hưu, được thảnh thơi nhàn rỗi (không nhiều thì ít)  rồi thì cũng sẽ đến. Nhưng khi nó tới nó cũng mang theo một thúc bách khác, một sức ép thê thảm khác: Quyển Bách Niên Lịch dày cả trăm trang của mình hồi thuở bé bây giờ đã trở nên rất mỏng với số trang còn lại chẳng còn được bao nhiêu.
 Những ngày còn trẻ, lúc bắt đầu “lên dốc” của cuộc đời, ta thấy thời gian (tâm lý) đi chậm quá, ta trách thời gian sao không qua mau để ta sớm tới đỉnh? Rồi khi ta vào TUỔI HẠC , lúc ta bắt đầu di xuống dốc đời ta lại thấy thời gian đi rất nhanh, ta lại trách tại sao thời gian không dừng lại cho ta được kéo dài thêm cuộc sống thảnh thơi nhàn hạ lúc tuổi già?  Ta lại thấy rõ ràng hơn chân lý bất di bất dịch này “rốt cuộc rồi tất cả chúng ta đều phải già đi và đều phải chết.” Vào tuổi hạc là vào cái tuổi mà những ngày còn lại ở trên đời này chẳng còn được bao nhiêu. Vào tuổi này một mặt ta vui vì ta đã đạt được điều ta mong ước trước kia là ta đã tìm được rồi ông Hoàng Thạch, nhưng mặt khác ta không thể không ưu tư bởi số trang bách niên lịch còn lại của đời mình đã sắp kề cận trang cuối cùng. Làm sao để đương đầu với áp lực khắc nghiệt của thời gian?
 Phái khắc kỷ cổ võ thái độ dửng dưng coi thường mọi đau đớn kể cả cái chết xảy đến cho mình. Giữ vững tinh thần bất khuất trước những bất trắc của cuộc đời, và mạnh dạn chấp nhận mọi đớn đau mà không than vãn, không rên rỉ, không hèn yếu khẩn cầu van xin gì cả. Thật ra thì dù có cầu khẩn van xin, hay có than van rên rỉ đến đâu đi nữa thì sự việc vẫn phải xảy ra như vậy chứ chẳng có gì khác hơn. Vậy thì sao không mạnh dạn, can đảm chấp nhận với tinh thần dửng dưng bất khuất?
Đó là thái độ của con chó sói của Alfred de Vigny trước cái chết mà người thợ săn đã gây ra cho nó. Các tôn giáo thì quan niệm cái chết là một bắt đầu cho một cuộc sống khác. Dù lên thiên đàng, dù xuống địa ngục, hay dù phải đâu thai vào một kiếp khác gì thì  cũng đều có nghĩa là chấm dứt cuộc sống ở đây và bắt đầu một cuộc sống khác dù cuộc sống mới này có tốt đẹp hơn hay tồi tệ hơn. Biết như vậy thì không có gì để ưu tư, hãy bình tĩnh vui tươi đón nhận sự thay đổi khi nó đến. Đừng để mất thì giờ cho sự ưu tư lo lắng, hãy an hưởng sự thanh nhàn hiện có của mình, đừng đếm xỉa gì đến áp lực của thời gian.
 Bằng sự chống trả cao cả hơn, nhà thơ John Milton (1608-1674) hướng đến sự siêu thoát ưu việt của tâm hồn người. Trước sức ép phi lý và bi thảm của những bước đi tới không ngừng của thời gian John Milton đề cao tư tưởng “đi vào vĩnh cửu” (“enter eternity”) . Theo ông chỉ khi đi vào vĩnh cửu ta mới đem ta ra khỏi sự áp bức khắc nghiệt của thời gian, và giải thoát chính mình ra khỏi thân phận khốn khổ của kiếp người. Vĩnh cửu sẽ đón chào ta, đưa ta vào cõi vô thời gian (timelessness), với chân lý, an bình và yêu thương của nó. Mới hơn 40 tuổi John Milton đã bị mù, nhà thơ phải sống trong hoàn cảnh khốn khổ thảm thương, nhưng trong hoàn cảnh đó nhà thơ đã vươn lên khắc phục mọi sức ép khắc nghiệt của những điều kiện vật chất  bằng tư tưởng siêu thoát của ông. Ông đi vào vĩnh cửu với chân lý của ông, với sự an bình và tình yêu thương của ông. Ta hãy theo chân John Milton. Hãy khắc phục sức ép của thời gian khắc nghiệt bằng hướng đi vào vĩnh cửu. Hãy nghĩ đến chân lý này: có những người vẫn sống mãi với loài người bằng tư tưởng, bằng sự nghiệp, bằng việc làm, bằng tác phẩm ưu việt của họ. Các bậc hiền triết như Socrate, Platon, những bậc lãnh đạo các tôn giáo như Lão Tử, Khổng Tử, Đức Phật Thích Ca đời đời vẫn còn trong tâm hồn con người trên thế gian. Các anh hùng dân tộc như Lê Lợi, Quang Trung, các văn thi sĩ như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, những nhạc sĩ với những bảng nhạc bất hủ như Đặng Thế Phong, Văn Cao, Dương Thiệu Tước, vv... có bao giờ chết đâu trong lòng người dân Việt. Họ đã đời đời đi vào cõi vô thời gian, họ đã đi vào vĩnh cửu.

 Lẽ dĩ nhiên là không phải ai cũng có thể lưu danh thiên cổ như những bậc hiền triết, những vị anh hùng, những văn thi sĩ nói trên. Nhưng điều đó không có nghĩa là ta không đi vào vĩnh cửu được. Ta không làm lãnh tụ (leader) được nhưng ta có thể đi theo (follower) các bậc lãnh đạo. Ta không sáng tác được nhưng ta có thể thưởng thức. Ta hãy để hết thì giờ nhàn rỗi của mình vào sinh hoạt tôn giáo, triết lý, hay nghệ thuật. Đó là một hình thức chống lại sức ép khắc nghiệt của thời gian. Đó cũng là hình thức đi vào vĩnh cửu vậy.           
        

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét