Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2015

Bản án của Thúc Sinh trong scène Kiều báo ân, báo oán/ Xuân Lộc chia sẻ

Phiếm luận-Cái phần thưởng của Thúc Sinh


Minh Họa - Xuan Loc : Thúy Kiều & Thúc Sinh Thời @ Còng

Phiếm luận-Cái phần thưởng của Thúc Sinh - NGÔ THỜI ĐÔN        

Đọc Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du, đến đoạn kết thúc phiên tòa báo ân, báo oán, người hay trắc ẩn thì thấy nhẹ nhõm, người cả nghĩ thì thấy vợ chồng Thúc Sinh- Hoạn Thư thoát nạn mà thán phục sự tế nhị của Nguyễn Du.

Còn chàng Thúc, chẳng biết lần này chàng tiêu xài sao cho hết cái phần thưởng đồ sộ, dưới dạng “trả ơn” ấy! Gấm trăm cuốn, bạc nghìn cân, Tạ lòng dễ xứng báo ân gọi là. Phải, với tấm lòng một phu quân như Từ Hải, Thúy Kiều sẽ dễ dàng có điều kiện và tư thế để đáp tạ nhiều hơn thế. Song nàng vẫn nói về nó như một thứ gọi là. Ôi, sao mà đất trời rộng rãi thế! Ôi, sao mà chàng Thúc lại được có cái hậu sướng từ trong trứng sướng ra...

Cắt nghĩa sự tình này, nhiều người cho rằng Nguyễn Du vuốt mặt song còn nể mũi, trông người mà ngẫm đến ta. Đã tha cho Hoạn, thì tha và thưởng cho Thúc một thể, là xứng đôi. Dẫu sao, Kiều cũng từng là vợ lẽ của Thúc, trước mặt Hoạn Thư, dù ở vai chánh án, nàng cũng không thể không nhớ cái điều mặn tình cát lũy, nhạt tình tao khang là xấu. Hơn thế, Thúy Kiều là người biết tình và nhiều tình, xử sự của nàng càng phải cận nhân tình hơn. Hầu như Thúc Sinh chưa bao giờ được vợ cả nói những lời ngọt ngào, tình tứ, Thúy Kiều cũng chưa bao giờ nói với Kim Trọng, Từ Hải những lời tình tứ sướt mướt đầy chất văn chương như nói với Thúc: Lâm Tri người cũ, chàng còn nhớ không? Sâm Thương chẳng vẹn chữ tòng, Tại ai há dám phụ lòng cố nhân? Với Kim Trọng, khi đối diện chàng trong cuộc đoàn viên, Thúy Kiều nói câu nào buồn đau, chua chát câu ấy. Cũng phải. Dù sao, Thúc vẫn là người đầu tiên cứu nàng ra khỏi lầu xanh. Nàng còn nhớ, Mã Giám Sinh bày trò giả danh hầu hạ mua nàng làm lẽ mà hãi! Sở Khanh thông cảm dổm, bày tuồng trốn dổm mà ghê! Trong lúc Kim lang đang ở phương nào, thì Thúc là người thực sự đã cứu nàng ra khỏi lầu xanh. Xem ra, lời nói của Thúy Kiều dành cho Kim Trọng cũng khác nhiều so với lời nàng nói với Thúc. Khi nhớ Kim, Kiều chỉ nghĩ Tiếc thay chút nghĩa cũ càng. Gặp chàng phút đoàn viên ngậm ngùi, nàng mơ màng nói Nọ chàng Kim đó là người ngày xưa. Kim Trọng chẳng còn là người cũ, cố nhân của tình yêu nhiều mơ mộng nữa! Bởi vậy, trong đêm tái ngộ, Nguyễn Du thương cảm chàng mà ghi nhận cho chàng cái tâm trạng ngổn ngang Tình nhân lại gặp tình nhân, Hoa xưa ong cũ mấy phân chung tình, còn chàng Kim lại thẹn và nói to cho cả nhà biết, rằng là “ không phải”, “ không có gì cả đâu!’

            Tình riêng chàng lại nói sòng,
            Một nhà ai cũng lạ lùng khen khao.

Ôi, ta tưởng tượng lúc ấy Thúy Kiều sẽ ngậm ngùi, cay đắng biết bao. Nàng chẳng còn được Kim tin yêu nữa. Chàng nói to lên với mọi người sự “ trong trắng” của mình mà làm gì! Chàng đâu biết đấy là sự coi thường, chà xát, sỉ nhục Thúy Kiều! Chàng thành thật “ trần trụi” quá đáng! Và chàng cũng vô tình để lộ một tình yêu đã chết! Nó không hóa giải nổi mặc cảm mười lăm năm của Thúy Kiều...

Còn nhớ, hình như trong những người khen Thúy Kiều (mà Kim Trọng là người khen đầu tiên), không ai có lời khen nàng xứng đáng, trân trọng cho bằng lời khen của vợ chồng Thúc Sinh- Hoạn Thư!

Lần Kim Trọng được Thúy Kiều đề bốn câu thơ trên bức tranh “Đạm thanh tùng” của chàng, Kim vui sướng quá vì tình yêu mới chớm mà khen mà nói dài dài về tài nghệ của Thúy Kiều, nghe có vẻ “khách khí”.

            Khen tài nhả ngọc phun châu,  
           Nàng Ban, ả Tạ cũng đâu thế vầy!   
          Kiếp tu xưa ví chưa dày,  
         Phúc nào nhắc được giá này cho ngang.

Hình như lúc ấy Thúy Kiều cũng thấy thế nào ấy, nên nàng đã nói lảng một cách thật thông minh:

            Nàng rằng: “ Trộm liếc dung quang,   
           Chẳng sân ngọc bội thời phường kim môn”

(Ý nôm na của câu này là, “ thiếp trộm liếc vẻ mặt sáng sủa của chàng, chàng không phải là con nhà giàu thì cũng là con nhà sang?”

Thúc Sinh từng làm thơ ca ngợi vẻ đẹp thể chất của Kiều, chàng cũng đề nghị quan xử kiện cho Kiều được làm thơ và Thúy Kiều được quan cảm phục vì bài thơ Cái gông mà tha bổng cho Thúc Sinh và Thúy Kiều. Hoạn Thư thì ví chữ của Thúy Kiều với chữ của Vương Hy Chi và còn cho rằng nếu số giàu sang Thúy Kiều cũng sẽ được những người như vua Hán xây nhà vàng cho ở!

Ôi, nếu biết sau này Thúy Kiều được Thúc Sinh, Hoạn Thư đánh giá tài năng của nàng ngang với những người đàn ông nổi tiếng, biết Thúy Kiều được Từ Hải khen rằng mắt xanh chẳng để ai vào...chắc là Kim Trọng sẽ giật mình, than tiếc lời khen của mình không đáp đúng tâm lý của Thúy Kiều. Ai lại khen đàn bà giống đàn bà! Vì đang yêu, nên đầu óc chàng Kim cứ lởn vởn những bóng hồng! Tâm hồn chàng cứ đầy ứ sự ngưỡng mộ những người đẹp tài hoa!

Hoạn Thư thì vì không toại ý về chồng nên cũng dễ tôn thờ những người đàn ông tài hoa, phong nhã. Thúy Kiều cũng cần khẳng định cá tính của mình nên nàng thật thích những ai biết khen nàng không kém đàn ông!

Hoạn Thư và Thúc Sinh khen nàng như thế, lẽ nào Thúy Kiều không mở lòng từ mà tha cho họ! Hơn nữa, Hoạn Thư cũng đã coi Thúy Kiều là trượng phu, quân tử có lượng hải hà:

            Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng?

Ôi, người ta sẽ vì tiếng khen mà quên hết! Thúy Kiều cũng sẽ chóng quên mọi điều tủi nhục, đoạ đày ở nhà Hoạn Thư mà tha cho đôi vợ chồng ấy. Nàng đã muốn mình như quân tử, trượng phu, nàng đã được đôi vợ chồng Thúc Hoạn khen những lời xứng đáng, lẽ nào mà cứ quyết làm ra để... mang tiếng con người nhỏ nhen?

Thúy Kiều tha cho vợ chồng Thúc- Hoạn là phải.

Còn cái phần thường của Thúc Sinh?

Có lẽ, người gặp khó trong cuộc này là Thúc Sinh. Hẳn chàng không dám đem cái phần thưởng ấy khoe với Hoạn Thư. Không, chàng là người quen thói buôn bán riêng, ăn riêng, làm riêng, chơi riêng. Số tiền thưởng ấy, chàng sẽ ăn chơi theo tập quán quen thói bốc rời và giương cao cái tật cố hữu nào ai có khảo mà mình lại xưng? Thúc thừa biết, nếu chàng “ dại” mà khoe cái phần thưởng oái ăm ấy, chắc chắn một người sâu sắc nước đời như Hoạn Thư sẽ không tha cho chàng, dù là lần cuối. Văng vẳng bên tai chàng sẽ là những câu nói thơn thớt của Hoạn Thư. Đại loại như thế này:

Chàng còn ngốc lắm, Thúc ạ. Chẳng qua Thúy Kiều mua lại “ chuông vàng khánh bạc” của nhà ta đấy thôi. Ngày ả ra đi, ả mượn mà ta đâu có đòi? Nay nó biến thành phần thưởng đó, chàng ạ.

Hoặc là như thế này:

- Chàng phải khôn ra, Thúc ạ. Cái phần thưởng ấy là tiền chàng chuộc Thúy Kiều từ tay Tú Bà đó. Thúy Kiều khéo léo trả lại cho chàng ấy mà. Xem ra, Thúy Kiều còn khôn hơn cả thiếp đây. Chàng đã “ thấm” chưa?

Ôi, cái phần thưởng của Thúc Sinh...

NGÔ THỜI ĐÔN  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét